Thiền sư Vạn Hạnh và câu đối xuân

17/02/20153:23 CH(Xem: 12541)
Thiền sư Vạn Hạnh và câu đối xuân

blank
THIỀN SƯ VẠN HẠNH VÀ CÂU ĐỐI XUÂN

Thích Giác Nguyên

 

blank
Pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh
tại Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh: Anh Thế)

Tôi không nhớ rõ vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1969 hoặc Xuân Canh Tuất 1970, Ôn Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không lúc bấy giờ là giáo sư kiêm Khoa trưởng phân khoa Phật họcTriết học Đông phương tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn có đề hai câu đối mừng Xuân trước thềm sân trường tọa lạc số 222, đường Trương Minh Giảng cũ SG như sau:

Vạn Hạnh mừng Xuân, Xuân mới về thăm Ngài Vạn Hạnh.

Việt Nam mến Đạo, Đạo vàng tô thắm Mẹ Việt Nam.

Lúc đó tôi chỉ là một Tăng sinh rất trẻ, học trò nhỏ của Ôn, có tính năng động hiếu kỳ lại hay “tà lanh”, bèn mạo muội đến thưa với Ôn xin được sửa lại vế đối, vì câu “ Xuân mới về thăm Ngài Vạn Hạnh” chưa được sáng nghĩa với “Đạo vàng tô thắm mẹ Việt Nam”. Ý tôi muốn tìm hiểu từ Ngài là ai?

Ôn bảo sửa mần răng?

Tôi thưa: -Theo con, đổi như thế này:

Vạn Hạnh mừng Xuân, Xuân mới đượm nhuần Tâm Vạn Hạnh.

Việt Nam mến Đạo, Đạo vàng tô thắm Phật Việt Nam.

Ôn cười và cho biết làm như rứa là không hiểu ý nghĩa câu đối của Ôn. “Về thăm Ngài Vạn Hạnh” nói lên sự “ôn cố tri tân”, nhắc nhở lại tinh thần Phật Việt mà vị Thiền sư Vạn Hạnh cũng là Quốc sư đã vạch ra hướng đi Đạo pháp gắn liền với Dân tộc, với đất Mẹ Việt Nam mà Viện lấy Đạo hiệu của ngài đặt cho tên trường làm tôn chỉ. Song song với việc đặt tên trường Đại Học Vạn Hạnh, vào thời Việt Nam Cộng Hòa còn có tên con đườngVạn Hạnh, trục lộ giao thông hướng Bắc Nam tại quận 10 Sài Gòn từ đầu thập niên 1960 cho đến bây giờ. Con đường này ngang qua nơi đặt văn phòng Viện Hóa Đạo và chùa Ấn Quang. Sau đó Ôn giải thích thêm: Vì muốn chuyển hóa xã hội bạo trị của thời Lê Long Đỉnh thành một xã hội Nhân chủ Đức trị, mở đầu cuộc cách mạng bất bạo động vào năm 1009, Thiền sư Vạn Hạnh đã tham gia chính sự với tư cách cố vấn giúp vua Lê Đại Hành bình nước an dân. Sau đó ngài âm thầm chỉ đạo cho quan Thái sư Chi hậu Đào Cam Mộc (cũng có tên đường tại Quận 1 và Quận 8 Sài Gòn) đưa Lý Công Uẩn vốn là đệ tử của ngài, được giáo dụcđào tạo từ kiến thức Phật giáo lên ngôi vị đế vương, thành lập triều đại nhà Lý. Biến một Quốc gia Đại Việt bị phân hóa, tranh giành quyền lực, suy thoái về mặt đạo đức tâm linh thành một Quốc gia Đức trị, hùng mạnh và hưng thịnh lâu dài.

Thật vậy, theo sách Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Vạn Hạnh  (萬 行 禪 師 ; 938 – 1025) là vị Tổ sư đời thứ mười hai thuộc dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinītaruci). Sư họ Nguyễn, quê làng Dịch Bảng, lộ Bắc Giang, phủ Thiên Đức, châu Cổ Pháp, nay thuộc thôn Đại Đình thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ thuở nhỏ Sư đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu nhiều bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi Sư xuất gia, tu học cùng với Thiền sư Định Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ, thuộc làng Đình Bảng thị xã Từ Sơn. Khi Thiền Ông mất, Sư bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Địa (Thiền Mật song hành), nên sau này hễ ngài nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm.

Vua Đinh Tiên Hoàng (丁先皇; 924 - 979)  cùng con trai Đinh Liễn (丁璉; ?-979) bị Đỗ Thích giết hại vào năm 979, triều đình tôn phò Đinh Toàn còn gọi là Đinh phế đế, con của Thái hậu Dương Vân Nga lên ngôi mới 6 tuổi. Quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm phụ chính phó vương. Vài tháng sau, tướng Hầu Nhân Bảo nhà Tống đưa hơn 3 vạn quân thủy bộ chia làm hai đường tiến sang xâm lược nước ta trong tình thế rất nguy cấp, vua còn quá nhỏ không thể quyết định đại sự. Lê Hoàn được chư tướng và quần thần phong vương, thái hậu Dương Vân Nga bèn trao áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi vua, tức Đại Hành hoàng đế để cầm quân ra trận.

Đại Hành (黎大行; 941 – 1005) là người tài, biết cách dùng binh và trọng dụng người hiền, thỉnh mời các danh Tăng thạc đức để làm cố vấn triều chính đối nội lẫn đối ngoại, như Thiền sư Tăng thống Ngô Chân Lưu - Khuông Việt, Quốc sư Đỗ Pháp Thuận từng đóng vai chèo đò đón sứ Tống là Lý Giác qua sông, cũng như phúc đáp văn thư ngoại giao. Thiền sư Vạn Hạnh đã giữ vị trí cố vấn tối cao trong việc thần toán, quyết định quốc sách quan trọng cho vua Lê Đại Hành, được vua hết lòng tôn kính. Chứng tỏ Phật giáo lúc bấy giờ có một tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.

Khi quân Tống sang xâm lăng nước ta vào năm 980, vua hỏi ngài  Vạn Hạnh nếu đánh thì thắng hay bại, Thiền sư trả lời là nội trong ba đến bảy ngày thì giặc phải thua chạy. Rồi năm 982 vua Lê Đại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Canh làm sứ giả sang Chiêm Thành tỏ tình giao hảo, nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Lê Đại Hành nổi giận, Thiền Sư đã khuyên vua cấp tốc xuất quân Nam chinh thì sẽ đại thắng. Quả nhiên, đối với hai vấn đề trọng đại của quốc gia là đương đầu với đế quốc phương Bắc và dẹp giặc loạn ở phương Nam vào thời ấy đều đúng như lời Thiền sư tiên đoán. Vua Lê Đại Hành băng hà năm Ất Tị (1005), thọ thế 65 tuổi.

Tuy nhiên, theo quan điểm Nho giáo mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã viết, vua Lê Đại Hành bị chê trách về đạo vợ chồng, do ông đã có tình ý từ trước với thái hậu Dương Vân Nga, lập bà này làm hoàng hậu, mà bà cũng chính là một trong năm hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng đế. Thứ nữa là việc vua Lê Đại Hành không sớm lập Thái tử kế vị, cho nên sau này dẫn đến việc tranh giành quyền lực giữa các con của ông với các bà hoàng. Bởi vì ông có tất cả 11 người con trai và một người con nuôi đều được phong vương trấn nhậm mỗi nơi, có người trở thành cường hào ác bá, bức hiếp dân lành, tham ô, hủ bại. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho nhà Tiền Lê nhanh chóng sụp đổ theo nhà Đinh. Lúc bấy giờ Thiền sư Vạn Hạnh chỉ đứng bên ngoài chứng kiến cảnh đau lòng, thương cho vận nước đen tối, không làm sao can thiệp được trước cảnh nồi da xáo thịt. Nhất là hình ảnh Lê Long Đỉnh giết anh ruột là Long Việt tức vua Lê Trung Tông mới lên ngôi được ba ngày. Hai anh em này không phải là con của các bà Hoàng hậu, mà là con của một thứ phi tên Chi hậu Diệu Nữ. Về sau bà được con trai Long Đĩnh làm vua, truy tôn bà thụy hiệu là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng Thái hậu.

Long Đỉnh soán ngôi, theo sách sử cho rằng với tính hoang dâm, bạo ác, hành xử tệ bạc với tù nhân và không được lòng dân. Thậm chí ông phạm phải sai lầm rất lớn là khi uống rượu say, cho người róc mía trên đầu sư Quách Ngang (Quách Mão) để làm trò cười, khinh thường Phật giáo, một tôn giáo vốn đồng hành cùng dân tộc và hết lòng phụng sự nước nhà. Ông lại còn nuôi nhiều bọn tuồng hề, múa hát diễu cợt để làm loạn lời tâu trung thành của các quan có lòng yêu nước. Do quả báo đó, ông bị mắc bệnh nặng trong những tháng cuối đời trở thành ngọa triều. Có lẽ để sám hối tội lỗi của mình nên ông cho người sang Trung Quốc thỉnh Đại Tạng Kinh Phật giáo là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt gần 1.000 năm qua, mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển lần đầu tiên được mang về nước. Ông cũng cho thỉnh Cửu kinh gồm: Kinh DịchKinh ThiKinh ThưKinh LễKinh Xuân Thu, Kinh Hếu, Luận NgữMạnh Tử và Chu Lễ; là 9 bộ sách vĩ đại nền tảng của văn hóa Trung Hoa những mong chấn chỉnh lại tình thế, nhưng quá muộn. Trong 4 năm cầm quyền ông cũng đã 5 lần cầm quân đánh dẹp giặc loạn ở các vùng đất thuộc Hưng YênPhú ThọTuyên QuangThanh HóaNghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Lần sau cùng vào tháng 7 / 1009, đánh giặc ở các châu Hoan Đường và Thạch Hà. Vua Long Đỉnh cai trị được 4 năm, đến ngày Tân Hợi, tháng 10, năm Kỷ Dậu (tức 19 tháng 11 năm 1009) thì băng hà, thọ thế 24 tuổi. Như vậy, Tiền Lê gồm ba triều đại: Lê Đại Hành 980 – 1005, Lê Trung Tông 1005 và Lê Long Đỉnh 1005- 1009, tổng cộng 29 năm.

Sau khi Long Đỉnh mất, con trai là Sạ còn thơ bé, Quan Thái sư Chi hậu Đào Cam Mộc dàn xếp các phe phái trong triều và quần chúng cũng đồng tình ủng hộ cuộc cách mạng trong tinh thần bất bạo động, mà Thiền sư Vạn Hạnh đã âm thầm chủ đạo đưa Lý Công Uẩn lên thay ngôi đổi chủ. Thiền sư đã dốc hết toàn tâm toàn lực, vạch ra một chương mới cho lịch sử nước nhà, như  viết chiếu thư cho vua phủ dụ dân chúng dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kiến thiết một Kinh đô có tầm cỡ đậm nét Nhân văn, xây dựng một triều đại nhà Lý mang tính Nhân chủ, Đức trị, được vững an trong sáng và lâu bền. Thiền sư Vạn Hạnh đã vận dụng Trí tuệ thực hiện tinh thần Từ bi phụng sự, hoằng pháp  độ sanh, chỉ dùng gậy thiền hộ quốc an dân, chung sức chung lòng giữ gìn bờ cõi mà sau này vua Lý Nhân Tông (李仁宗) là vị hoàng đế thứ 4  trị vì từ 1072-1127  truy tặng:

萬 行 融 三 際

真 符 古 讖 機

鄉 關 名 古 法

拄 錫 鎮 王 畿

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm ky (cơ)

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ.

Tạm dịch:

Vạn Hạnh thông ba cõi.

Lời tiên nghiệm sấm thi.

Vang danh làng Cổ Pháp.

Chống gậy giữ kinh kỳ.

 Mặc dù có công lớn với đất nước, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh không nhận bổng lộc triều đình, dù là vị thế của một Quốc Sư, ngài không để danh lợi buộc ràng, đắm nhiễm thế duyên trần tục. Khi tuổi đã về chiều, ngài lưu lại bài thi kệ rất hàm súc ý nghĩa, để nói lên ngài là nhân chứng lịch sử trải qua ba triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê hết lòng vì nước vì dân mà không phải lợi dụng niềm tin quốc chủ, đòi hỏi đặc quyền đặc lợi để phụng sự  tín ngưỡng tôn giáo của mình, hoặc đem Tổ quốc hiến dâng cho một đấng thần linh ngoại giới dù đó là đức Phật:

身 如 電 影 有 還 無

萬 木 春 榮 秋 又 枯

任 運 盛 衰 無 怖 畏

盛 衰 如 露 草 頭 鋪.

            “Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô.                

              Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.                        

  Nhiệm vận thịnh suy vô bố úy.

  Thịnh suy như lộ thảo đầu phô ”.                         

          Tạm dịch:

          “ Thân như ánh chớp, có rồi không.

            Cây cối Xuân tươi, thu úa hồng.

            Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi

Thịnh suy như ngọn cỏ sương đong ”.

Thiết tưởng bài thi kệ này đã được nhiều nhà phê bình, những học giả, những nhân sĩ trí thức đã tốn khá nhiều giấy mực nhận địnhdiễn giải, chúng tôi không dám lạm bàn chỉ được xin góp phần lãnh hội đôi chút trong lời khai thị của Thiền sư:

Người ta thường cho rằng đời người là trăm năm dài, nhưng dưới mắt Thiền sư chỉ là một giấc mộng, khi mang được hình hài này trong từng sát na sanh diệt vô thường chẳng khác nào như ánh chớp nháng lên trong hư không rồi phụt tắt; mới thấy đó, liền mất đó; có rồi lại không. Nhìn vạn vật xoay vần theo năm tháng, cây cối trong mùa Xuân đâm chồi nẩy lộc xinh tươi, đến thu sang thì úa rụng héo tàn. Thế sự cũng nổi chìm lên xuống nhấp nhô như bao đợt sóng xô giữa lòng biển khơi cuộn đổ vào bờ. Mỗi cảnh duyên, mỗi thời đại quê hương đất nước cũng vậy, tất cả đều có nghiệp nhânnghiệp quả của nó. Đó là định luật tất yếu, chẳng khác gì giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ rất mong manh, đâu có gì muôn năm bất diệt!

Hỡi vũ trụ giang sơn!

Hỡi hùng anh, tiền tài, danh vọng!

Hỡi tất cả có thể chuộc lại một đóa hoa không khỏi phải héo tàn!

Đức Phật dạy trong kinh Kim Cương:

“Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng.” Các pháp xưa nay vốn như thế, lúc thạnh lúc suy, đâu có gì khiến ta phải sợ hãi băn khoăn về cuộc thạnh suy, suy thạnh đó?! Nhưng ai là người sớm tỉnh thức quay về?  Bởi vì :

Sự nghiệp gì rồi cũng bỏ lại sau lưng,

Duy chỉ có lối về trong yên lặng!

Tư tưởng Thiền sư Vạn Hạnhtư tưởng dấn thân phụng sự cho quê hương đất nước, đưa Đạo vào đời bằng Trí tuệ Minh triết, khai phóng cho dân tộc một hướng đi không nô lệ hận thù, khôn khéo trong ngoại giao, giữ vững biên cương tổ quốc, an định lòng dân, bình trị thiên hạ. Khi đất nước thanh bình ngài quay về chùa sống cuộc đời thanh đạm, ung dung tự tại:

Xuân có trăm hoa thu có trăng.

Hạ về gió mát, tuyết đông giăng.

Vì lòng thanh thản không lo nghĩ.

Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.

Chính Khổng Minh Gia Cát Lượng từ xưa cũng từng nói trong bài thơ Vô Đề của ông, xin mọi người chúng ta cùng trải nghiệm:

無題 


。 
, 

Đại mộng thùy tiên giác?

Bình sinh ngã tự tri,

Thảo đường Xuân thụy túc.

Song ngoại nhật trì trì.

Tạm dịch:

Mộng lớn Ai đà tỉnh?

Bình sinh ta biết ta.

Lều tranh Xuân, ngon giấc

Ngoài song bóng xế qua!

Vào mùa Thu tháng 8 năm Ất Sửu (1025) Thiền sư Vạn Hạnh an nhiên thị nhập niết bàn. Trụ thế 87 tuổi. Tăng lạp 66. Vua Lý Thái Tổ đích thân về chùa Lục tổ thọ tang cùng triều thần, để tưởng nhớ công ơn của một bậc Thầy đã dày công với dân với nước. Sau   khi làm lễ trà tỳ (hỏa táng), vua cung thỉnh xá lợi của Thiền Sư thờ phụng tại chùa Tiêu (Thiên Tâm Tự) thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 22 Km về phía Đông Bắc, cách thành phố Bắc Ninh 9 Km về phía Tây Nam. Ngày 15-5 âm lịch hàng năm tại chùa Tiêu đều tổ chức lễ giỗ của ngài. Thiền sư như cánh hạc vàng tung bay vào cõi hư vô bất tận, không để lại bóng hình dấu vết, chỉ còn lưu ngát hương thơm muôn thuở trong lòng dân tộc mãi cho đến ngày nay. 

Kính chúc Vạn vật thái bình. Chúng sanh an lạc.

 

Xuân Vạn Hạnh-Ất Mùi 2015

Thích Giác Nguyên 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/06/2014(Xem: 22879)
13/01/2011(Xem: 72548)
24/07/2018(Xem: 7185)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.