Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều

04/04/20193:29 SA(Xem: 9607)
Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều

Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Vạn Hạnh  
Trưởng ban Sử học Đại học Văn khoa Sài Gòn

kieu
Chị em Thúy Kiều – Thúy Vân gặp Kim Trọng
(Tranh Ngọc Mai)

Nếu “thơ là người” thì qua cuốn Truyện Kiều chúng ta có thể thấy được một Nguyễn-Du đầy kinh-nghiệm lịch-lãm trên đường đời, một Nguyễn-Du dồi-dào tình-thương và ý-chí, dù gặp phải bao nhiêu trở ngại gian truân.

Cái hay cái đẹp của Truyện Kiều không những ở chỗ ngôn-từ hoa-lệ, văn-chương thẩm mỹ, ý-tứ thâm-trầm phong-phú, mà còn ở chỗ tác-giả đã mượn cốt người trong truyện để miêu-tả một cách khéo-léo tài tình những thăng trầm vinh nhục của cuộc đời, những vui buồn thương ghét của con người và những tan hợp bèo mây của thực-trạng xã-hội. Cao xa hơn nữa, Nguyễn-Du đã dùng truyện Kiều để diễn đạt một quan-niệm triết lý nhân-sinh, một giá-trị triết-học tôn-giáo. Theo ý chúng tôi, điểm đặc sắc của truyện Kiều là ở đó, và có lẽ vì thế nên quần-chúng Việt-Nam, nhất là các giới bình-dân đã đón nhận truyện Kiều như một vật thân yêu, nếu không phải là chính của lòng mình, đời mình.

Cổ-nhân đã nói “Văn dĩ tải đạo” (Lấy văn-chương mà chở đạo-lý). Câu nói ấy rất thích hợp cho truyện Kiều. Vì thế chúng tôi không đồng-ý với quan-niệm khe-khắt của một số người đã phê bình: Truyện Kiều là một tác-phẩm khêu gợi lòng tà-dâm dục-vọng, là vi-phạm đến luân-lý đạo đức. Trái lại, đọc Truyện Kiều chúng ta thấy: bàng-bạc trong văn trong lời những đức tính hy-sinh vô-cùng, những kham-nhẫn tột-độ của kiếp nhân-sinh thống khổ.

Khi đọc truyện Kiều, dù tâm-hồn có sắt-đá bao nhiêu ta cũng không thể dằn lòng mà không rung-cảm, thương cho nàng Kiều vì số “tài-ba bạc-mệnh” thương cho Nguyễn-Du “sinh bất phùng thời”, thương cho ta, thương cho những người đã sinh ra trong cuộc thế phù-du ảo-mộng… Lòng thương ấy là gì, nếu không phải là chữ “Nhân” của Khổng-Tử, chữ “Kiêm-ái” của Mặc-Tử, chữ “Bác-ái” của Jesus Christ và chữ “Từ-bi” của đức Phật?

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có ý đề-cao giá-trị văn-chương nghệ-thuật của truyện Kiều, cũng không có ý muốn so sánh Nguyễn-Du với các nhà đại-văn-hào của nhân-loại, Thiết nghĩ việc ấy coi như thừa vì chính tác-phẩm và tác-giả đã tự chứng minh cho giá-trị của mình trong quá trình văn-học-sử Việt-Nam và Thế-giới. Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ có ý muốn khai-thác một khía cạnh – khía cạnh triết-học tôn-giáo của truyện Kiều – hầu góp một vài nhận xét về truyện Kiều trong văn-đàn Việt-Nam, đồng thời cũng để gọi là món quà văn nghệ trong dịp Kỷ-niệm đệ-nhị-bách chu-niên của một nhà văn tiền-bối, cụ Tiên-Điền Nguyễn-Du mà thôi.

Văn Hóa Nguyệt San, Năm thứ XIV, Quyển 10 & 11 (Tháng 10 & 11, 1965)
Số đặc biệt: Đệ Nhị Bách Chu Niên Thi Hào Nguyễn Du
(Nguồn: Kệ sách Học xá)

Thưa quý vị,

Đửng về khỉa cạnh triết-học tôn-giáo, chúng ta thấy tư-tưởng triết-học nổi bật nhất trong truyện Kiều là tư-tưởng triết-học Phật-giáo. Điều này cũng không lấy gì làm lạ, vì như chúng ta đã biết: Nguyễn-Du là một nhà Nho-học uyên-thâm, và ở nước ta thời ấy từ Nho-học bước qua Phật-học rất gần, bởi lẽ hầu hết kinh-điển của Phật-giáo đều viết bằng chữ Hán. Vả lại, sống trong một mảnh đất “đất lành chim đậu” với truyền-thống “Tam-giáo đồng-quy” này thì không những một mình Nguyễn-Du mà đến cả các nhà văn-hóa đương thời hầu hết đều ảnh-hưởng bởi tinh-thần này. Một hệ-thống triết-học xuất-thế cùa Phật-học, một kỷ-cương luân-lý lễ-nghĩa của Nho-học và một khuynh-hướng vô-vi phóng-khoáng của Lão-Trang đã hòa-hợp với nhau như nước với sữa, bổ-túc cho nhau như các bộ-phận trong con người để tổng-hợp hòa-đồng thành một nền văn-hóa Việt-Nam có mấy nghìn năm lịch-sử.

Do đó, truyện Kiều với cụ Nguyễn-Du nói riêng, các tác- phẩm với những nhà văn tiền-bối nói chung, là xây dựng cơ-sở trên nền tảng “Tam-giáo” ấy. Riêng về Truyện Kiều thì dù có nhiều đoạn đề-cập đến những đạo nghĩa luân thường của Nho-học và những ước-vọng tiêu-dao phóng-khoáng của Lão-Trang, nhưng kỳ thật ảnh hưởng của tư- tưởng triết-học Phật-giáo bao giờ cũng sâu đậm hơn,

Thật vậy, điểm độc-đáo của triết-học Phật-giáo là thuyết-minh sự vô-thường hữu-hạn của vũ-trụ nhân-sinh. Đứng về vũ trụ nhân-sinh, Phật giáo chủ-trương rằng: Vạn-vật giữa đời này là nhân-duyên hòa-hơp với nhau mà sanh, nên không có một vật nào là thật-có, tất cả đều như huyễn. Vì thế nhân sinh, và vũ trụvô thường, giả-huyễn, hữu-hạn và đau khổ. Dựa vào quan điểm này của đạo Phật, Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã mở đầu cho cuốn truyện của mình bằng những câu thơ sau đây:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng!

Trong 4 câu thơ mở đầu này chúng ta thấy: Tác-giả đã phác-họa ra trước mắt ta một cảnh đờỉ đau thương áo-não của những vô-thường biến đổi, những thăng trầm vinh nhục, những bãi biển nương dâu của cuộc đời. Vì thế đã sinh ra kiếp người, không ai tránh khỏi cảnh vô thường, đau khổ và chết chóc. Chết trẻ, chết già, chết bệnh, chết hoạn, chết vì bao nhiêu thử-thách gian-truân của cuộc đời, ít người sống vượt khỏi giới hạn 100 năm. Đối với kiếp người tuy 3 vạn 6 ngàn ngày là dài, nhưng đối với thời gian vô tận thì nó ngắn-ngủi làm sao!

Để dỉễn tả rõ ràng về ý-kiến của mình đối với kiếp người vô-thường biến-đổi, Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã viết như sau:

Đạm-Tiên nàng ấy xưa là ca-nhi,
Nổi danh tài-sắc một thì,
Xôn-xao ngoài cửa thiếu gì yến-anh,
Phận hồng-nhan có mong-manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên-hương.

Một người con gái đã mang nặng số-kiếp “đào-hoa bạc-mệnh”, đă chịu chung số-phận “trâm gãy bình rơi” ở nửa chừng xuân thì làm gì có chồng con gia-đình, lấy ai mà săn-sóc hương-khói, sớm viếng tối thăm? Đứng trước cảnh-tượng vắng-vẻ quạnh-hiu của một nấm mồ chôn người con gái bạc-mệnh ấy, tác-giả viết:

Sè sè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Rồi thì:

Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!

Thật là thê-lương áo-não, thật là buồn-thảm đau-thương cho một kiếp người! Suy nghĩ rồi ngẫm đến ta, ai mà không chạnh lòng nghĩ đến số-phận mình trong giờ phút tử-biệt ấy?

Nhưng định-lý vô-thường của cuộc đời không những chỉ diễn-hiện trong lúc tử-biệt mà thôi, nó còn đến với ta trong từng giờ từng phút, trong những cảnh sinh ly nữa! Trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du đã lấy Thúy-Kiều và Kim-Trọng làm điển-hình để diễn-tả cảnh sinh-ly ấy qua 2 câu thơ sau:

Ông Tơ gàn quải chi nhau,
Chưa vui sum-hợp đã sầu chia phôi!

Rồi đứng trước cảnh tai-trời vạ-gió, oan-ức phân-ly của gia-đình, em gái Kiều là nàng Thúy-Vân đã than-thở:

Cơ trời dâu bể đa-đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình!

Cuối cùng, cái gì sẽ đến đã đến và Cụ Nguyễn-Du đã dệt vào trong cảnh sinh-ly ấy giữa nàng Kiều với những người thân-thích trong gia-đình như sau:

Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm.
Trời hôm mây kéo tối rầm,
Rầu rầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương.

Và sau đó, khi những người thân-thích trong gia-đình “sau cơn bĩ cực đến thời thái lai” các tai-bìến hoạn-nạn đều tiêu-tan, mọi người gia-quyến được đoàn-tụ vui-vầy trong vinh-hiển thì riêng chỉ một nàng Kiều còn lận-đận lao-lung, chìm nổi phiêu-bạt trong bể-khổ mênh-mông không bờ-bến.

Thương ôi không hợp mà tan,
Một nhà vinh-hiển riêng oan một nàng!

Nhưng vì sao nàng Kiều phải đau-khổ như thế? Trước hết, trên nguyên-tắc chung của kiếp người chúng ta thấy: Sở dĩ nàng Kiều phải đau-khổ là vì nàng đã sanh ra trong cuộc đời này, nghĩa là đã mang lấy một xác thân con người. Đức Khổng-Tử đã nói:

“Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân,
Ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu”?

Nghĩa là:
“Ta có đại-hoạn vì ta có thân,
Ta nếu không thân làm gì có hoạn”?

Cũng đồng một quan-niệm như thế, Cụ Nguyễn-Du đã viết:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.

Hai đoạn văn trên là gián-tiếp giải-thích định-lý: Đời là bể-khổ của đạo Phật. Trong Phật-giáo, Đức Phật đã dùng thuyết “Tứ đế” để diễn-tả định-luật này. Sở đĩ có đau-khổ (Khổ-đế) là vì có gây ra nguyên-nhân của khổ (Tập-đế). Ngược lại cũng thế. Sở dĩ có quả-vị Niết-bàn an-vui (Diệt-đế) là vì đã thực-hành theo các phương-pháp chân-chánh (Đạo-đế). Cho nên chúng ta thấy rằng: vì có gây ra nguyên-nhân đau khổ nên phải chịu kết-quả khổ, và khổ là một định-luật không thay đổi của cuộc đời. Nhưng đó là định-lý chung của mọi người. Riêng đối với nàng Kiều thì ngoài định-lý chung trên, còn có những nguyên-nhân khác nữa.

Trước hết, vì nàng Kiều là người đã làm theo bổn-phận người con, biết hy-sinh mình để cứu cơn tai-biến của gia-đình cha mẹ. Nàng đã:

Sao cho cốt-nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao.
Duyên hội-ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
Để lời thệ-ước minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh-thành.

Nàng Kiều đã vì phụ-thân, vì gia-biến, vì những người thân-thích trong gia-đình, nên đã hy-sinh tình yêu, hy-sinh hạnh-phúc cá-nhân, ra đi với nghĩa-vụ của người con hiếu-thảo. Và cũng từ đó, nàng bắt đầu gánh chịu bao điều oan-trái đắng cay, bao cảnh đọa-đày lao-khổ của kiếp phong-trần!

Nào là:

Từ đây góc bể chân trời,
   Nắng mưa thui-thủi, quê người một thân!

Nào là:

   Hóa nhi thật có nỡ lòng,
   Làm chi giày tía vò hồng lắm nao!

Nào là:

Giọt riêng tầm-tã tuôn mưa,
   Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình!

Nào là:

   Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
   Giật mình mình lại thương mình xót xa.
   Khi sao phong gấm rũ là,
   Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Nào là:

   Trúc côn ra sức đập vào,
   Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh.
   Xót thay đào lý một cành,
   Một phen mưa gió tan tành một phen!

Nào là:

   Lâm-chuy chút nghĩa đèo bòng,
   Nước non để chữ tương phùng kiếp sau
   Bốn phương mây trắng một màu,
   Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?

Nếu đức Phật đã đạy “Đời là một bể khổ mênh-mông không bờ bến”, và “Nước mắt của chúng sanh tràn đầy bốn bề đại-dương” thì những gian-khổ oan-khiên, những nhớ nhung thương tiếc, những thử thách gian-truân cùa nàng Kiều trong kiếp sống đọa đày sương gió lại càng khổ-đau nhiều hơn nữa. Nhìn cuộc đời cùa nàng Kiều ai mà không xót xa thương hại? Chính vì cảm thông với niềm trắc-ẩn của chúng ta nên cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kiều đã thay ta than một lời than bất tuyệt như sau:

Thương thay cũng một thân người,
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!
Những là oan-khổ lưu-ly,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân?

Đển đây, chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Vì sao cũng đồng một thân người mà nàng Kiều lại bị đọa đày lao khổ đến thế? Ngoài lý-do vì đã mang lấy thân người, vì phụ thân, gia-biến, vì mọi người trong gia đình, còn có lý-do nào khác nữa chăng?

Trước khì trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân đau-khổ theo quan-niệm của Phật-giáo. Đức Phật dạy: Khổ có 8 thứ là sanh-khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, cầu không được là khổ, xa-lìa người thân là khổ, gặp-gỡ kẻ oán-thù là khổ, thân-tâm không điều-hòa là khổ”. Nguyên-nhân của các nỗi khổ ấy là tham, sân, si, là mê-mờ dục vọng, nói vắn-tắt là vì cái tâm tham-dục-chấp-trước của con người. Vậy thì muốn hết khổ ta cần phải tu luyện và phải chấm-dứt cái tâm tham-dục chấp-trước ấy đi.
Cái tâm tham-dục chấp-trước ấy hiểu một cách phổ-thông tức là tình dục của con người. Dựa vào thuyết-lý này, Cụ Nguyễn-Du đã miêu tả nguyên-nhân khổ-đau của nàng Kiều như sau:

Thúy-Kiều sắc-sảo khôn ngoan,
Vô-duyên là phận hồng-nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ “tình”,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong!

Thật đúng như thế. Nếu nàng Kiều cũng như ai, trong khi chấp kinh tùng quyền nàng cắt đứt tình yêu-thương đối với Kim-Trọng, bớt những lo âu thương-nhớ đối với những người thân-thích trong gia-đình thì có lẽ những nỗi khổ đau của nàng cũng được nhẹ bớt một phần nào chăng? Đây thì không. Trong những bước đường lao-đao lận-đận, chịu nhiều đọa đày gian-khổ của thể-xác và tinh-thần, bao giờ nàng cũng hồi-tưởng đến những người thân ở quê hương xứ-sở, nhớ đến những lời thề trăng hẹn nước, tiếc rẻ những kỷ-niệm êm-đẹp của thời xưa. Những nỗi-niềm thương-nhớ ấy đã được diễn-tả trong lời tự-than của nàng Kiều sau đây:

Biết thân đến bước lạc-loài,
Nhị-đào thà bẻ cho người tình-chung.
Vì ai ngăn đón gió Đông,
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi!

Hay là:

Tiếc thay chút nghĩa cũ-càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên em dầu nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang.
Tấc lòng cố-quốc tha-hương,
Đường kia nỗi nọ, ngổn-ngang bời-bời!

Ở một chỗ khác trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du lại vẽ ra một nàng Kiều đa-tình đa-cảm trong số phận hẩm-hiu của một người con gái xa tình-quân bằng những câu thơ như:

Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa-xôi,
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Thật đúng là chữ “Tình” đã trói buộc nàng Kiều trong vòng lao-lý, cô-đơn, nhớ thương và đau khổ. Điều này đã được xác-nhận trong giáo-lý của đạo Phật bằng một câu sau đây: “Nước bao giờ cũng chảy xuống; tham-muốn và tình-dục sẽ đưa con người vào đau khổ”. Vâng chính lòng tham muốn và tình-dục đẩy con người vào trong vòng trầm-luân đau-khổ, hay nói theo danh-từ của Phật-giáo là nghiệp-báo luân-hồi.

Là một nhà nho-học thâm-sâu, thông-hiểu Phật-lý, Cụ Nguyễn Du đã cảm-nhận một cách sâu-sắc thuyết nghiệp-báo luân-hồi này. Cho nên chứng ta thường thấy bàng-bạc tản-mác trong Truyện Kiều những câu thơ như sau:

Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền-bù mới xuôi.
Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!

Hay câu:

Người này nặng kiếp oan-gia,
    Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan!

Hay câu:

Làm cho sống đọa thác đày, 
    Đoạn-trường cho hết kiếp này mới thôi.

Hay câu:

Kiếp này duyên đã phụ duyên,
    Dạ-đài còn biết sẽ đền lai sanh.

Hay câu :

Phận sao bạc chẳng vừa thôi,
    Khăng khăng buộc mãi lấy ngườí hồng-nhan
    Đã đành túc-trái tiền oan,
    Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi.

Dựa vào thuyết-nghiệp báo luân hồi của đạo Phật, chúng ta thấy rằng: Chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự thoát-xác, đổi từ trạng-thái sinh hoạt này qua trạng thái sinh hoạt khác, đau khổ hoặc sung-sướng hơn kiếp này, tùy theo nghiệp nhân mình đã gây tạo ra ở kiếp trước mà thôi.

Người Việt-Nam chúng ta nói riêng, các dân tộc Á-Đông nói chung phần nhiều đều hấp-thụ theo tư-tưởng nghiệp-báo luân-hồi này, nên không bao giờ chúng ta tin: Chết là mất hẳn. Thật thế, một tiếng trống còn gây được vang âm trong những buổi chiều thăm thẳm ở những núi đồi thung lũng; một viên đá rơi vào mặt nước còn khuấy động lên được những làn sóng lăn tăn lan dần đến nơi vô tận, huống nữa là một kiếp người kết-tinh của nhiều động-tác gây nên bởi hai phần vật-thể và tinh-thần?

Có lẽ cũng vì lẽ ấy nên người Việt-Nam chúng ta thường có thói quen tin rằng: sau khi chết, vật-chất tan-rã, nhưng linh hồn vẫn còn tồn-tại, nhất là những người thác-oan, chưa trả hết nợ trần duyèn trong cuộc thế. Linh-hồn ấy thường ở trong chốn u-linh, phảng-phất trong hương khói, và thường bay trở về trần-thế để viếng thăm những nơi có nhiều liên hệ với mình trong khi còn sống, nhất là những ngày húy kỵ, chạp-giỗ v.v… Cũng vì thế nên các gia-đình ở Việt-Nam và các nước Á-Đông thường có tục-lệ tổ-chức những đình-đám linh-đình trong những ngày kỵ-giỗ.

Cụ Nguyễn-Du đã diễn-tả tập-quán và lòng tin ấy của giới bình-dân Việt-Nam qua lời căn-dặn của nàng Kiều đối với em gái là nàng Thúy-Vân như sau:

Mai sau dầu có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió là hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ-liễu đền nghì trúc-mai.
Dạ-đài vắng mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.

Nhưng có một điều chúng ta cần nhắc lại ở đây rằng: Theo đạo Phật thì ở giữa đời này không có một cái gì tự-nhiên mà có, ngẫu-nhiên mà sanh. Nàng Kiều sở dĩ mang lấy nghiệp-báo “sống-đọa thác-đày” như thế cũng không phải ngẫu-nhiên mà có, tự-nhiên mà sanh. Chính là do túc duyên tiền định, hay nói đúng theo danh-từ đao Phật là theo luật nhân-quả, tức là gây nhân gì thì phải chịu quả ấy. Gây nhân ác thì chịu đau khổ, gây nhân lành thi được hưởng kết quả sung-sướng hạnh-phúc.

Luật nhân-quả này đã được Cụ Nguyễn-Du diễn-tả một cách phổ-thông qua lời báo-mộng cho nàng Kiều của Đạm-Tiên như sau:

Rỉ rằng: Nhân-quả dở-dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết, Trời nào đã cho?

Ở một đoạn khác Cụ Nguyễn-Du lại tiếp:

Vả trong thần mộng mấy lời,
Túc-nhân âu cũng có Trời ở trong.
Kiếp này trả nợ chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau?

Hay là:

Cho hay muôn sự tại Trời,
Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta.
Mấy người bạc-ác tinh-ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương?

Nhưng trong Truyện Kiều những câu thơ diễn-tả về đạo-lý nhân-quả của đạo Phật rõ-ràng và phổ-thông hơn cả có lẽ là hai câu sau đây:

Nàng rằng: Lồng-lộng trời cao,
Hại nhân nhân hại sự nào tại ta?

Đấy là gì nếu không phải là trình bày một cách khác đi vấn-đề “Thiện-nhân thiện báo, ác-nhân ác báo” (Làm lành thì quả-báo tốt, làm ác thì quả-báo xấu) của Nho-học?

Xét sâu vào vấn-đề, chúng ta thấy rằng: những câu như trên ngoài ảnh-hưởng với thuyết nhân-quả của Phật-giáo, Cụ Nguyễn-Du đã đưa ra một vấn-đề rất gần với thuyết “Thiên-mệnh” của Nho-giáo. Và theo Cụ Nguyễn-Du trong Truyện Kíều thì thuyết “Thiên-mệnh” này cũng chính là định lý nhân-quả của đạo Phật. Bởi lẽ đó, có nhiều người trong giới bình-dân Việt-Nam, kể cả nàng Kiều, đều tin một cách chắc-chắn rằng: Họa phúc, may hay rủi, vui hay buồn, tất cả đều đo tíền-định, do Thiên mệnh. Nàng đã tự bào-chữa cho cái tính đa-sầu đa-cảm của mình bằng hai câu thơ sau đây:

Rằng: quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính Trời biết sao?

Đối với giới bình-dân Víệt-Nam, không những tính-tình là do “Thiên-mệnh”, mà người ta còn tin rằng: mọi thăng trầm vinh-nhục của kiếp người, mọi thay đổi biến thiên của trời đất muôn vật, tất cả đều do Thiên-định. Có lẽ cũng vì thế nên mỗi khi có tai nạn bất ngờ xảy đến như thiên-tai, thủy-nạn, hỏa-hoạn, bệnh tật, mất mùa v.v… họ thường tổ-chức những cuộc sám-tạ, tế-lễ, hay ăn chay nằm đất để cầu Trời khấn Phật.

Có một điều lạ ở đây là: Dù Nguyễn-Du là một nhà Nho-học uyên-thâm, nhưng ông không chịu dừng lại ở thuyết “Thiên mệnh”, hoàn toàn phó-mặc số-phận kiếp người cho tha-lực như quan-níệm của Nho giáo, trái lại ông còn tiến xa hơn để đi gần đến định-lý “Nhân-quả”, hướng mạnh đến tiêu-chuẩn tự-lực tự-cường theo quan-niệm của Phật-giáo. Theo Cụ Nguyễn-Du thì dù có thiên-mệnh tiền-định đi nữa, nhưng cũng có nhiều lúc do hành-vi, ngôn ngữ và ý-nghĩ của con người trong hiện-kiếp mà thay đổi. Tiên-sinh đã diễn-tả quan-niệm của mình về vấn-đề này qua những câu thơ sau:

Sinh rằng: giải cấu là duyên
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Hay câu:

Khi nên Trời cũng chiều người,
    Nhẹ-nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau.

Rồi đến đoạn khác, Cụ Nguyễn-Du lại diễn-tả ý-tưởng của mình qua lời của Đạm-Tiên trong khi tái ngộ với nàng Kiều ở sông Tiền-Đường như sau:

Chị sao phận mỏng đức dày,
Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai.
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân,
Âm-công cất một đồng cân đã già.
Đoạn-trường sổ rút tên ra,
Đoạn-trường thơ phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thọ về lâu,
Duyên xưa đầy-đặn, phúc sau dồi-dào.

Thật ra, nàng Kiều với “oan-nợ túc khiên” do tiền-định, và với những đọa-đày lao-khổ trong bước đường lưu-lạc cô-đơn chúng ta rất có thể đã chờ đợi cái kết-quả của phút hẹn-hò trong lần báo-mộng trước của Đạm-Tiên đối với nàng Kiều, ấy là:

Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền-Đường hãy hẹn-hò về sau.

Nhưng không. Thúy Kiềư là một người con gái hiếu-nghĩa vô-song, tác-giả không mnốn chấm dứt cuộc đời cùa nàng trong một kết-luận đau thương, áo-não và bất công đến thế. Ông đã muốn thể-hiện đạo-lý “thiện-nhân thiện báo, ác nhân ác báo” của Nho-giáo và Phật-giáo qua cuộc đời của nàng Kiều. Mọi người, kể cả nàng Kiều phải được đáp-ứng tương-xứng với những hành vi, ngôn-ngữ và ý-nghĩa của mình đã tạo ra. Bởi thế tác giả đã làm cho nàng Kiều sống lại, thoát-ly mọi oan-khìên tiền-định ở sông Tíền-Đường.
Dựa vào sự-kiện này ta có thể quan-niệm rằng: Đối với nàng Kiều, sông Tiền-Đường là một kết-chung của cuộc đời hồng-nhan bạc-phận, cuộc đời phó-mặc cho tiền-định rủi-may, bất lực trước mọi hoàn cảnh éo-le thử-thách; nhưng đồng thời sông Tiền-Đường đối với nàng Kiều cũng là một khởi-điểm cho cuộc đời mới, cuộc đời hướng đến tự-lực và nội-tâm, rưới tắt trần-duyên, trau giồi đức-hạnh giải-thoát. Cuộc đời ấy theo Cụ Nguyễn-Du là:

Phật-tiền thảm lấp sầu vùi,
Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm-hương,
Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần-duyên.

Điểm đặc biệt của đạo Phật là ở chỗ: đại-phàm con người dù tội-lỗi bao nhiêu, nhơ-nhớp đến bậc nào, nhưng nếu biết thành-tâm sám-hối thì cũng có thể trở thành người hiền-lương trong sạch được. Bởi vì theo Phật-giáo thì cái tội-lỗi nhơ-nhớp của con người không phải hoàn-toàn do ở ngoại-diện, mà lại căn-cứ vào những ý-niệm tiềm-tàng trong tâm thức của người ấy.
Có người dù có một bề ngoài hiền-lành sang-trọng, nhưng nếu trong lòng chất-chứa những bất-lương gian-ác thì đó là người tội-ác xấu-xa, và trái lại, dù có một bề ngoài thấp-kém thô-bạo, nhưng nếu trong lòng ẩn-chứa những đức-tánh hiền lương thiện-mỹ thì đó là người trong-sạch cao-quý. Đức Phật ngày xưa đã từng độ cho một người chuyên làm nghề gánh phân, ở giai cấp hạ-tiện bần-cùng nhất của xã-hội Ấn-Độ; trong lịch sử Phật-giáo Trung-Hoa cũng thường kể lại câu chuyện: có một người suốt đời làm nghề đồ tể, chuyên bán thịt heo, nhưng khi sắp lâm-chung biết hồi tâm hướng thiện, nên cuối cùng cũng được giải-thoát. Câu “Nhất cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây-phương” hay câu “Hồi đầu thị ngạn” của Tịnh-Độ-tôn trong Phật-giáo là chứng minh cho điển-tích này.
Ở đây nàng Kiều cũng thế, dù trong bước đường “sóng gió ba đào”, nàng đã bao lần thăng trầm vinh-nhục, mấy phen lầu xanh gác tía, nhưng đó chỉ là số-phận của người “bán mình chuộc cha”, chứ thâm-tâm thì không muốn như thế. Nàng đã nhiều lần chán ngán số kiếp long-đong, ê-chề với cảnh lầu xanh gác-tía và đã tự than thở:

Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!

Căn cử vào ý-nghĩa “chấp-kinh tùng quyền”, căn cứ vào tâm-niệm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, căn cứ vào tấm lòng hiếu-nghĩa đối với cha mẹ gia-đình, nhất là căn cứ vào niềm chung-thủy đối với tình-quân trong câu thơ:

Tái sinh chưa dứt hương-thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc-mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền-đài chưa tan!

thì chúng ta có thể hiểu đươc cảnh ngộ và tâm-tình của nàng Kiều rồi. Không những đối với Kim-Trọng, chàng trai đã chiếm trọn tình yêu của nàng, đến như đối với Từ-Hải, người gá nghĩa trong bước đường luân-lạc, nàng cũng có một niềm chung-thủy như thế. Có người cho rằng: nàng Kiều là người “một dạ hai lòng”, mưu mô phản trắc, vì đã đưa Từ-Hải đến cảnh sa-cơ thất-mạng, nhưng chúng ta hãy căn-cứ vào tấm lòng của nàug trong bài thơ sau đây rồi sẽ phê-phán. Thơ rằng:

Khóc rằng: trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp đến cơ-hội này.
Mặt nào trông thấy nhau đây,
Thà liều sống chết một ngày có nhau.

Và “tấm lòng” ấy đã trở thành sự thật. Nàng Kiều đã nhảy xuống sông Tiền-Đường để tự-vẫn.
Căn-cứ vào niềm chung-thủy của nàng Kiều đối với tình quân qua hai bài thơ trên, dù có khe-khắt đến đâu ta cũng phải tán-đồng quan-điểm của Tam-Hợp Đạo-cô trong đoạn thơ sau đây:

Xét trong tội-nghiệp Thúy-Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà-dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời.
Hại một người, cứu trăm người,
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thừa công-đức ấy ai bằng,
Túc-khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.

Vâng, nhờ công-đức hy-sinh cho cha mẹ gia-đình, nhờ tấm lòng trung chánh đối với người tình-quân, nhờ nước sông Tiền-Đường rửa sạch bụi-trần tơ-duyên, nhất là nhờ ý-chí sám-hối, cắt đứt duyên-nợ ba-sinh, nên từ đó nàng đã trở thành một người trong sạch từ thân đến tâm, từ trong ra ngoài. Vì thế ta cũng không ngạc-nhiên đến lòng từ-bi quảng-đại của đạo Phật qua hành-vi cứu rỗi của Ni-Sư Giác-Duyên qua lời tường thuật sau đây:

Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
Đón nhau, tôi đã gặp nhau rước về.
Cùng nhau nương cửa Bồ Đề,
Thảo-am đó cũng gần kề chẳng xa.

Thật là một nghĩa-cử cao đẹp! Cửa Bồ-Đề thật là quảng-đại vô-biên! Nếu Cụ Nguyễn-Du cũng cố chấp vào những giáo điều khô cứng, câu nệ bảo-thủ theo những lề-lối thông thường như những người khác, không chịu linh-động khai-thông ra thì rất khó mà có một kết-luận từ-bi nhân-đức như thế. Tuy-nhìên, đôi khi cũng vì kết-luận này nên đã có những người vịn vào đó mà mỉa-mai xuyên-tạc Phật-gíáo!

Ở đây chúng tôi không có ý-muốn thanh-minh hay bênh vực cho Phật-giáo, vì việc ấy thiết-nghĩ như thừa. Chúng tôi chỉ muốn nhân sự-kiện này để đề-cập đến một vấn-đề khác, vấn-đề chú-trọng đến phần tâm-thức của Phật-giáo mà thôi. Trong kinh-luận của Phật-giáo thường chép: “Tam-giới duy-tâm, vạn pháp duy-thức”. Vì thế theo đạo Phật thì tâm là chủ-tể của muôn vật, Tâm là động-cơ chính thúc đẩy ta đi đến hành-động, và hành-động đó thiện hay ác, tốt hay xấu, một phần lớn là phải căn-cứ vào tâm.

Tâm thiện thì dù bề ngoài có vẻ độc-ác thô động, như trường-hợp cha mẹ đánh-đập đứa con hư, thày giáo trừng-phạt cậu học trò lười-nhác v.v… đều thuộc về thiện. Trái lại, nếu tâm ác dù bề ngoài có vẻ êm dịu ngọt-ngào, như trường-hợp người thợ săn rình-mò để sập bẫy con vật, kẻ nịnh thần dùng những lời ngon-ngọt để lung-lạc tâm vua v.v… cũng đều thuộc về ác. Do đó muốn phê-phán một việc làm thiện hay ác, tốt hay xấu, chúng ta cần phải căn-cứ vào tâm-niệm và kết-quả của việc làm ấy, chứ không thể hoàn-toàn dựa vào những động-tác bên ngoài được.

Ở đây, nàng Kiều cũng thế. Muốn xét giá-trị của nàng Kiều, nhất là phê-phán việc làm của nàng, chúng ta cần phải dựa vào tâm-niệm và kết quả của việc làm ấy, mới khỏi thiên-lệch, cố-chấp và bất công. Số-phận của nàng Kiều, cũng như việc làm của nàng, Cụ Nguyễn-Du qua lời an-ủi và giải-thích của Kim-Trọng đã trình-bày như sau:

Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ “trinh” kia cũng có ba bảy đường.
Có khi biến có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy “hiếu” làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?

Người nội cuộc như Kim Trọng mà còn có thái độ và nhận-xét ấy đối với nàng Kiều, thì những người như chúng ta trong khi phê phán nàng Kiều, truyện Kiều, cũng như tác-giả của nó, có nên có một thái-độ quá khe-khắt gò bó chăng? Câu trả lời này chúng tôi xin nhường lại cho quí vị hiện-diện ờ đây và quí vị học-giả cao-minh khác.

Như trên chúng ta đã thấy: tâm có một cương-vị đặc-biệt trong việc quyết-định giá-trị những hành-vi thiện-ác, tốt xấu của kiếp người, thì dĩ nhiên ngoài cương-vị ấy, tâm còn có những sức mạnh khác nữa. Sức mạnh chúng tôi muốn đề-cập ở đây là sức mạnh chế-tác của tâm. Chế tác bằng tư tưởng, bằng tâm-tình và bằng khái-niệm.
Sức mạnh của tư-tưởng là sức mạnh đã làm cho con người khác-biệt với các loài động-vật thực-vật khác qua lời nói của một triết-gia Âu-Tây sau đây:

“Con người là một cây sậy có tư-tưởng.”

Sức mạnh cùa tâm-tình là thể-hiện trong câư:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

sức mạnh của khái-niệm là:

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.”

Hoặc:

“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”.
Kháí-niệm về không gian và thời-gian này đã đưọc diễn-đạt trong Truyện Kiều bằng 2 câu thơ saư:

Sầu đong càng khắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!

Đó là gì nếu không phải là triết-lý duy-tâm duy-thức của Phật-giáo. Ngoài những khía-cạnh tư-tưởng, tâm-tình và khái-niệm trên, trong Truyện Kiều, Cụ Nguyễn-Du còn diễn-tả sức mạnh của tâm, tức là triết-lý duy-tâm duy-thức của Phật-giáo qua hai câu thơ tuyệt-tác sau đây nữa. Đó là:

Lĩnh lời nàng mới theo sang,
Biết đâu địa-ngục, thiên-đàng là đâu?

Vâng, đúng như thế. Thiên-đàng và đia-ngực không phải ở đâu xa lạ, mà chính ngay ở trước mắt ta, bên cạnh ta bàng-bạc khắp cả cõi đời này, không biết đâu mà phân biệt được. Hạnh-phúc và đau khồ cũng thế. Đức Phật đã dạy:

Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, nhi vi an lạc.
Bất tri túc giả, tuy xử thiên đườngnhi bắt xứng ỷ.

(Người biết đủ thì dù nằm trên đất cũng được an-lạc. Người không biết đủ thì dù ở trên thiên-đường cũng không vừa ý).

Căn-cứ vào thuyết lý này chúng ta thấy: Hạnh-phức hay đau-khổ, đầy-đủ hay thiếu-thốn, tất cả đều do lòng mình. Thiên-đường hay địa ngục không có phương-hướng và ranh-giới nhất-định, ở đâu cũng có cả. Ngay trong kiếp sống của con người và trong thế-giới nhân-gian này cũng có. Cụ Nguyễn-Du đã diễn-đạt tư tưởng cùa mình qua hai câu thơ sau:

Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân-gian?

Nếu đem các câu thơ trên của Nguyễn-Du so-sánh với hai câu sau đây của Trung Hoa;

“Ngưu ẩm thủy thành nhũ,
Xà ẩm thủy thành độc”

(Trâu uống nước thành sữa,
Rắn uống nước thành độc)

Rồi đem so-sánh với mấy câu thơ sau đây của thi-sĩ Milton:

“The mind is its own place and in itself,
Can make a Heaven of Hell,
A Hell of Heaven”.

(Bản-chất cùa tâm là có thể,
Tạo cảnh thiên-đường trong địa ngục,
Tạo cảnh địa-ngục trong thiên-đường).

thì chúng ta sẽ thấy điểm không “hẹn mà gặp” giữa muôn cảm-hứng của các thi-nhân Đông và Tây trong những cố-gắng diễn-đạt triết-học duy-tâm duy-thức của Phật-giáo.
Vì chủ-trương “Tam giới duy tâm, vạn-pháp duy-thức” nên Phật-giáo phủ-nhận mọi sức mạnh siêu-nhiên và tự-nhiên ở bên ngoài. Phật giáo quy-định mọi giá-trị, mọi khía-cạnh của cuộc đời về cho sức mạnh của tự-tâm. Tâm tạo thiên-đường địa-ngục, tâm tạo niết-bàn sanh-tử, tâm tạo Phật chúng-sanh, tâm tạo hạnh-phúc đau khổ v.v… Nói một cách khác, tâm (hoặc là nghiệp-lực) tạo ra tất cả và tâm là chủ-động-lực của đời mình.

Tổng-hợp cả 2 quan-niệm của Phật-giáo và Nho-giáo về sức mạnh của tự-tâm, Cụ Nguyễn-Du trong truyện Kiều đã diễn-đạt ý-tưởng của mình qua lời của Ni-cô Tam-Hợp như sau:

Sư rằng: Phúc họa đạo Trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có Trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.

Và sau khi phác-họa đầy đủ mọi khía-cạnh của cuộc đời, mọi thay đổi biến-thiên của nhân-sinh vũ trụ và mọi thăng-trầm vinh-nhục của nàng Kiều, ở đoạn-kết của cuốn Truyện, Cụ Nguyễn-Du đã viết:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện-căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Thưa quí vị,

Từ trên đến đây chúng tôi đã cùng với quí vị xét qua một vài khía-cạnh triết-học tôn-giáo trong Truyện Kiều. Chúng tôi nói một vài khía-cạnh, vì trong Truyện Kiều ẩn chứa nhiều quan-níệm nhân-sinh, triết-học tôn-giáo, thực-trạng xã-hội và khía-cạnh tâm-lý của con người đầy đủ cả các phương-diện tốt xấu, khen chê, vinh nhục, thịnh suy, thiện ác v.v… muôn màu muôn sắc, không làm sao diễn tả hết trong thời-gian và phạm-vi của một bài thuyết-trình được.

Tuy nhiên, có lẽ quí vị cũng đồng ý với chúng tôi rằng: khi đọc Truyện Kiều chúng ta không thể nào không thổn thức cho số-kiếp đọa đày lao khổ của nàng Kiều. Chính tâm-trạng này đưa đến cho chúng ta một liên tưởng “suy người rồi nghĩ đến ta”, và từ đó tự nhiên trào dậy trong lòng một tình thương man-mác. Thương cho số-pbận đào hoa bạc-phận của nàng Kiều chăng? Thương cho Nguyễn-Du lận-đận trên đường công đanh sự-nghiệp của thời Lê-mạt Nguyễn-sơ chăng? Hay thương cho ta, cho mọi người đang sống trong cảnh bèo mây mộng-ảo ở chốn trầm-luân khổ-hải nầy chăng? Không, tình thương ấy không có thời-gian và định-hướng. Ta thương cho tất cả. Đấy là gì nếu không phải là lòng từ bi của đạo Phật?
Và như thế ta đã đáp lại nỗi lòng băn-khoăn thao-thức của Cụ Nguyễn Du trong hai câu thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như?

(Không biết rồi đây ba trăm năm sau,
Trong thiên-hạ ai người khóc T-như?)

Một nhà văn đã dịch 2 câu thơ ấy ra Anh-văn như sau:

Three hundred years after I die,
Who will remember and weep over Tố Như?

Song song với ý-niệm về tình thương ấy, khi đọc truyện Kiều chúng ta cảm thấy: Con người trước hết là một vật yếu hèn bất lực, nhưng nhờ ý-chí phấn-đấu liên-tục nên cuối cùng con người sẽ thắng được định-mệnh, vượt khỏi mọi bất công thử thách để xây-dựng cho tương-lai của mình. Câu châm-ngôn của Tây phtrơng “Thất-bại là mẹ đẻ của thành-công”, và câu phương-ngôn của Đông-phương “Nanatsu taori, yatsu okiru” (Nhật-Bản), (Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy) đã được thể-hiện hoàn-toàn trong nhân-vật chính của truyện Kiều, đó là nàng Kiều. Đấy là gì nếu không phải là triết-lý nhân-bản, truyền-thống của các dân-tộc Á-Đông?

Thêm một điều nữa, đọc Truyện Kiều chúng ta thấy: Tác-phẩm này là thể-hiện cùa một tinh-thần tổng-hợp đẹp đẽ của các nền tư tưởng Đông phươngPhật giáo, Nho-giáo và Lão-giáo. Ba nền triết-học này đã dung-hòa linh-động trong công-cuộc đúc-kết thành sắc-thái đặc-biệt và phong-phú của nền văn-hóa Việt-Nam. Chính sắc-thái này đã tạo ra truyền thống dung-hợp nhưng không nô-lệ, hiền hòa nhưng bất-khuất của dân tộc ta trải qua bao cuộc chống xâm lăng, giành độc-lập của ông cha chúng ta từ xưa, và ngay cả thế-hệ của chúng ta bây giờ nữa.

Có lẽ vì lý-do trên, nên đại đa-số quần-chúng Việt-Nam từ bình-dân cho đến giới trí-thức đều ham-thích đọc Truyện Kiều, công nhận giá-trị của Truyện Kiều, nhất là giá-trị đóng-góp của nó trong các lãnh-vực văn-học, triết-học, tôn-giáo, xã-hội và tư-tưởng của Việt-Nam. Và có lẽ cùng vì thế nên người Việt-Nam chúng ta đón nhận tác-phẩm Truyện Kiều như một vật thân-yêu phản-chiếu từ đời mình, lòng mình vậy.

Để kết luận bài thuyết-trình hôm nay, thiết-nghĩ không gì hơn là mượn lời của ông Tổng-Ủy-Viên Văn-Hóa Xã-Hội, kiêm Ủy-Viên Giáo Dục trong bài diễn-văn đọc tại Nhà Văn-Hóa ngày mồng 3-10-65 nhân-dịp khai-mạc lễ kỷ-niệm 200 năm của Thi-hào Nguyễn-Du. Trong bài diễn-văn ấy có một đoạn như sau:

“Trong nền văn-chương thế-giới, Truyện Kiều cũng như bản trường-ca Rubaiyat của Omar Khayyam xứ Ba-Tư, Bhagavad–Gita của Ấn Độ, đã tự-nhiên thành một áng văn-chương tiêu-biểu cho cả một dân-tộc. Không có một tác phẩm văn-chương nào đã được phổ-biến một cách sâu rộng như thế trong dân gian, từ những người thượng-lưu trí-thức cho đến người nông-dân hay lao-động cần-cù không biết đọc biết viết và chưa bao giờ ra khỏi lũy tre xanh. Không có một công-trình sáng-tạo nào đã qua sự phê-phán của thời-gian, qua những lúc hiểu lầm, qua sự nổi chìm của lịch sử, mà càng ngày lại càng trong-sáng hơn như Truyện Kiều.

“Văn chương Truyện Kiều có những câu mà thi-tứ phải hiểu qua tinh hoa của thơ Lý-Đỗ; và có những hình ảnh, những rung-cảm, những âm-điệu mà thơ tượng-trưng hay siêu-thực của Tây-phương cận-đại mới khám-phá ra. Nhưng đồng thời cũng vẫn là văn kể chuyện, giản dị, bình-dân và nhẹ-nhàng, để người ta có thể, dưới ánh đèn dầu của một căn nhà tranh vách đất, đọc cho nhau nghe trong những buổi tối gia-đình hầu an-ủi nghỉ ngơi sau một ngày mệt-nhọc.

“Truyện Kiều cũng đã vượt lên trên cái quan-niệm chật hẹp của những nhà Nho-cổ, cái quan-niệm “Văn chương luân-lý”, “Văn-chương giáo điều”, cái quan-niệm đã làm cho các Cụ ta cấm đàn bà con gái đọc Kiều và đã gây ra một cuộc tranh luận mà dư-âm, từ đầu thế-kỷ tới bây giờ vẫn còn vang trong sách giáo-khoa. Truyện Kiều trong văn-chương Việt-Nam là cuốn tiểu thuyết tâm-lý đầu tiên, và đồng thời — một điều chưa từng thấy trong văn-chương thế-giới — cũng là một bức bích-họa xã-hội vô cùng chân thật và rộng lớn”.

Theo chúng tôí giá-trị văn-chương, nghệ-thuật, thẩm-mỹ của Truyện Kiều là ở đó, và giá-trị triết-học tôn giáo trong tinh-thần tổng-hợp linh-động của “Tam-giáo đồng-quy” cũng thể-hiện trong Truyện Kiều ở đó. Vì thế gạt ra ngoài những ý-kiến dị-đồng, những lời khen chê phê-phán qua dòng thời-gian và lịch-sử, chúng tôi muốn xác-định nơi đây sự đóng góp của Truyện Kiều trong nền văn-hóa của dân-tộc và nhân-loại.

Thích Thiên Ân

________________
Nguồn: Văn Hóa Nguyệt San
Năm thứ XIV, Quyển 10 & 11 (Tháng 10 & 11, 1965)
Số đặc biệt: Đệ Nhị Bách Chu Niên Thi Hào Nguyễn Du

* Nguyên-văn bài diễn-thuyết tạí Thính-đường Trường Quốc-gia Âm nhạc và Kịch-nghệ, ngày Chủ-nhật 21-11-1965 do Hội Việt-Nam Nghiên-cứu Liên lạc Văn-hóa Á-châu và Phân khoa Văn-học Khoa-học Nhân-văn thuộc Viện Đại-học Vạn-Hạnh tổ chức vào dịp “Kỷ niệm 200 năm thi-hào Nguyễn-Du”.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/06/2014(Xem: 24231)
13/01/2011(Xem: 73803)
24/07/2018(Xem: 7908)
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.