- Mục Lục
- Lời Giới Thiệu
- Lời Nói Đầu
- Ban Biên Tập – Công Tác
- I. Giai Đoạn Tiền Chấn Hưng (1900 - 1930)
- Ii.giai Đoạn Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam (1931 – 1950)
- Iii.giai Đoạn Thống Nhất Phật Giáo Đầu Tiên (1951 – 1956)
- Iv. Phật Giáo Giai Đoạn Đất Nước Bị Chia Đôi (1957-1974)
- V.phật Giáo Giai Đoạn Thống Nhất Đất Nước (1975 – 1980)
- Vi.giai Đoạn Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam Lần Thứ 2 (1981 – 2000)
- Phụ Lục
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2546 – 2002
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội
II. GIAI ĐOẠN CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(1931-1950)... Phật giáo đã đứng lên phục hồi lại giá trị truyền thống của mình từ giai đoạn này, cũng như đất nước đã có hướng đi bằng con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930.
Phong trào chấn hưng bắt đầu bằng cuộc lặn lội vận động khắp 20 tự viện ở lục tỉnh Nam kỳ của Hòa thượng Khánh Hòa và việc ra mắt tờ Pháp Âm, rồi Phật học tùng thư của Sư Thiện Chiếu năm 1929. Đó là bước khởi đầu cho hằng loạt những sự kiện chấn hưng Phật giáo qua các cột mốc lịch sử :
- Thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (26.8.1931) và xuất bản tờ bán nguyệt san Từ Bi Âm.
- Thành lập Hội Phật học Trung kỳ, Hội An Nam Phật học (1932) xuất bản bán nguyệt san Viên Âm.
- Thành lập Phật học tùng thư của cư sĩ Đoàn Trung Còn (1932)
- Thành lập Liên đoàn Học xã (29.1.1993)
- Thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội (19.10.1934) và xuất bản tờ Bát Nhã Âm.
- Thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học (13.8.1934) và xuất bản tạp chí Duy Tâm.
- Thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ (18.11.1934) và xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ và Tiếng Chuông Sớm.
- Thành lập Hội Phật giáo Kiêm Tế (23.3.1937) xuất bản tờ Tiến Hóa.
- Thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục của Hội An Nam Phật học (1940)
- ....
Đây là giai đoạn rực rỡ nhất của Phật giáo từ đầu thế kỷ, với công lao của những bậc Danh Tăng làm nên sự nghiệp chấn hưng, phần chủ yếu đã được giới thiệu ở Tập thứ I là 16 vị, ở Tập thứ II này là 10 vị.07. HT. Thích Phổ Huệ (1870-1931)
08. HT. Thích Từ Văn (1877-1931)
09. HT. Thích Phước Chữ (1858-1940)
10. HT. Thích Bổn Viên (1873-1942)
11. HT. Thích Đại Trí (1897-1944)
12. HT. Thích Hoằng Khai (1883-1945)
13. GS. Thích Trí Thuyên (1923-1947)
14. HT. Thích Bửu Đăng (1904-1948)
15. HT. Thích Phước Hậu (1862-1949)
16. HT. Thích Từ Nhẫn (1899-1950)HÒA THƯỢNG
THÍCH PHỔ HUỆ
1870 – 1931Hòa thượng Thích Phổ Huệ người họ Trần sinh năm Canh Ngọ – 1870 tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (đồng hương với Quốc sư Phước Huệ). Năm 12 tuổi (Nhâm Ngọ – 1882) Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Từ Mẫn, tại chùa Tịnh Lâm, làng Chánh Lộc, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được đặt pháp hiệu là Phổ Huệ.
Sau một thời gian tu học tại chùa Tịnh Lâm, Ngài được Hòa thượng Bổn sư Từ Mẫn cho vào tham học Phật pháp với Hòa thượng Pháp Hỷ, tỉnh Phú Yên.
Đến khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài kế tục trụ trì chùa Tịnh Lâm và kiêm nhiệm trụ trì chùa Bảo Phong (chùa Bảo Phong cách chùa Tịnh Lâm khoảng 03 cây số về phía Đông).
Khoảng năm Mậu Thân – 1908, cũng như Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp), Ngài được triều đình Huế thỉnh vào trong hoàng cung để thuyết pháp. Vì thế, Ngài được tôn xưng là “Pháp sư Phổ Huệ” và là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau thời gian hoằng hóa tại Huế, Ngài trở về chùa Tịnh Lâm, mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp. Vốn là bậc chân tu thạc đức, lại có biệt tài thuyết pháp, nên đạo tràng Tịnh Lâm lúc này rất thịnh vượng, tiếng tăm vang khắp cả Trung kỳ.
Ngoài ra, Ngài còn có biệt tài về thi ca, đã sáng tác nhiều bài thơ, kệ mang đậm ý Thiền, còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Vào năm 1901, Ngài Viên Thành (1879 – 1928) khai sơn chùa Tra Am - Huế có nhân duyên hội ngộ Ngài Phổ Huệ tại Đại giới đàn tỉnh Phú Yên (Ngài Phổ Huệ lúc này làm Giáo thọ Sư tại đây) rất lấy làm cảm phục kiến thức và đức độ của Ngài, ước ao được thân cận để học hỏi, nhưng không được thỏa nguyện, nên Ngài Viên Thành đã làm bài thơ sau đây kính tặng Ngài Phổ Huệ :
“Bình bát truy tùy dĩ hữu niên
Đạo năng thâm khế diệc tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa ưng trụy
Quý phạp Tô Tuân chí học kiên”
Dịch: Y bát bên mình trọn mấy niên
Đạo tình thâm áo cũng tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa rơi rụng
Thẹn với Tô Tuân chí học bền.Nguyễn Lang dịch)
Khoảng năm 1926, Ngài Phổ Huệ có viết thư khen Ngài Viên Thành về bài bạt mà Ngài Viên Thành đã đề trong kinh Pháp Bảo Đàn ấn hành tại Huế năm 1925. Cảm động về bức thư này, Ngài Viên Thành liền gửi hai bài thơ vừa được sáng tác, trình bày kiến giải của mình, để cầu Ngài Phổ Huệ ấn chứng. Hai bài như sau :
Bài 1: Tham thiền trực hạ liễu căn nguyên
Thánh giả phàm tinh lưỡng bất tồn
Đại đạo khởi tòng tâm ngoại đắc ?
Yếu giao nhất niệm tuyệt phan duyên.Dịch: Tham cứu cho lên tột cội nguồn
Còn đâu ai thánh với ai phàm
Ngoài tâm, đạo lớn tìm đâu thấy ?
Nhất niệm chuyên trì dứt vạn duyên.Bài 2: Sơn cùng thủy tận chuyển thân lai
Bức đắc kim cương chính nhãn khai
Vạn tượng tòng trung thân độc lộ
Niết bàn, sinh tử tuyệt an bàiDịch:
Cùng non tột nước gửi thân về
Miễn được kim cương mở mắt ra
Vạn tượng bao la thân hiển lộ
Niết bàn, sinh tử có hề chi ?
(Nguyễn Lang dịch)
Khoảng năm 1927, nhân dịp du hóa Nam kỳ, đến Châu Đốc Ngài đã dừng chân một tháng tại chùa Phi Lai. Thấu rõ được nguyên lai và chí nguyện của vị sư trụ trì Thích Chí Thành nên Ngài Phổ Huệ đã làm bài thơ tán thán :
Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn
Chí thành khí sắc cổ phong tồn
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tánh dung
Vân khứ, vân lai vô trụ trước
Hoa khai, hoa tạ tổng thành không
Phong quang hảo cực tư thời tận
Sa nhược linh san lạc bất ưngDịch:
Chùa Tổ Phi Lai hương đạo xông
Chí thành nguyện tiếp bước Thiền tông
Phong lưu chẳng xóa tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng cầu tự tánh không
Mây lại, mây qua lòng há vướng
Hoa tàn, hoa nở tổng thành không
Gió thuận, thời lành xe pháp chuyển
Non thiêng cây báu mãi vun trồng
Ngoài bài thơ trên, Ngài còn cảm tác nhiều thi phẩm khác, nhưng hiện nay chưa sưu tập được.Đệ tử đầu tiên của Ngài là Hòa thượng Huyền Giải, sau kế vị Ngài, trụ trì chùa Tịnh Lâm, và đệ tử kế tiếp tức giảng sư Trí Quang, kế thế trụ trì chùa Bảo Phong.
Năm 1931, Ngài viên tịch tại chùa Tịnh Lâm, trụ thế 61 năm hơn 40 tuổi đạo. Bảo Tháp tôn trí tại chùa Bảo Phong nơi Ngài đã sáng lập để môn đồ pháp quyến tôn thờ, chiêm ngưỡng và ghi mãi công ơn của một bậc Thầy tài năng và đức độ, đã góp phần to lớn, điểm tô nền Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX thêm phần xán lạn rực rỡ, làm tiền đề cho phong trào Chấn hưng Phật giáo sau này.
HÒA THƯỢNG
THÍCH TỪ VĂN
1877 – 1931Hòa thượng Thích Từ Văn pháp hiệu Chơn Thanh, thế danh Nguyễn Văn Tầm, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình sùng kính Tam Bảo. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người quy y Tam bảo. Nhờ ảnh hưởng truyền thống gia đình, năm lên 10 tuổi, Ngài sớm có nhân duyên mến mộ đạo Phật, và được phép song thân cho xuất gia học đạo.
Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại Tổ đình chùa Hội Khánh với Hòa thượng Ấn Long - Thiện Quới vào năm 1887, lúc Ngài chỉ mới tròn 11 tuổi, được Bổn sư ban pháp danh là Từ Văn. Với bản chất thông minh, lanh lợi và tinh tấn công phu bái sám, Ngài đã được Hòa thượng Ấn Long cũng như Tăng chúng trong chùa thương mến. Sau 5 năm học đạo, Ngài thuộc nhiều kinh, luật, Hòa thượng Ấn Long thấy đệ tử Từ Văn thông minh hơn các Tăng chúng trong chùa nên quyết định giới thiệu đến học đạo với Tổ Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức.
Sau khi Tổ Huệ Lưu viên tịch năm 1898, Ngài đến dự nhiều khóa Hạ tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn – Gia Định và theo học đạo với nhiều vị cao Tăng nổi danh khác.
Năm 1906, Đại lão Hòa thượng Ấn Long viên tịch, Ngài cùng môn đồ pháp quyến đứng ra tổ chức lễ tang và xây tháp cho Bổn sư. Mến trọng đức độ và tài trí của Ngài, chư sơn Thiền đức và môn đồ pháp quyến Tổ đình Hội Khánh đồng nhất trí công cử Ngài đảm nhiệm trụ trì để điều hành Phật sự. Tiếng tăm và uy đức của Ngài càng được chư sơn thiền đức trong vùng biết đến. Vào năm 1909, Ngài được cung thỉnh Chứng minh để trùng tu lại ngôi tháp Tổ Nguyên Thiều chùa Kim Cang – Biên Hòa.
Năm Quý Sửu (1913), Ngài lại được quý Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại trường Hương chùa Tam Bảo – Rạch Giá, năm Nhâm Tuất (1922) làm Chánh chủ khảo kỳ thi tại trường Hương chùa Giác Lâm – Gia Định và năm Giáp Tý (1924) là Pháp sư Chúc thọ giới đàn chùa Giác Viên – Gia Định.
Vào năm Canh Thân 1920, tại Thủ Dầu Một nổ ra cuộc đấu tranh của đồng bào yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải có chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp. Đáp lại, nhà cầm quyền Pháp có tổ chức buổi lễ cầu siêu cho các tử sĩ tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Mượn uy tín của hòa thượng Từ Văn, nhà cầm quyền Pháp ở Thủ Dầu Một đã cậy nhờ Ngài sang pháp làm Sám chủ cuộc lễ này. Với năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, nhân dịp này Ngài đã quản lý và chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm. Từ đây, ở cương vị Tăng thống, Ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, các nhà chức trách cũng như Tăng tín đồ đều gọi Ngài là Hòa thượng Cả.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đứng ra mở các lớp đầu tiên dạy giáo lý, qui tụ tất cả các Tăng sĩ Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Ngài đã khơi dậy ý thức cho giới Tăng sĩ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Đặc biệt vào năm 1923, do tiếng tăm và đức độ cũng như tinh thần yêu nước của Ngài, nên cụ Phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú Cúc – Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước, hai vị đã tìm đến Hòa thượng Từ Văn. Cùng chung lý tưởng trên tinh thần yêu nước bảo vệ dân tộc, ba vị đã đứng ra thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh. “Hội danh dự yêu nước” chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong đồng bào cũng như Tăng sĩ Phật giáo ở Thủ Dầu Một. Hội hoạt động đến năm 1926 thì bị nhà cầm quyền Pháp giải tán.
Cũng trong năm này (Bính Dần 1926), Ngài được ông bà Hội đồng Lương Khắc Minh đứng ra xây dựng chùa Trường Thạnh ở Sài Gòn đến cung thỉnh trụ trì chùa tại đây. Ngài nhận lời và cử sư Thiện Tòng về trụ trì. Gắn bó, tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, giữa năm 1926, Ngài làm Pháp sư ở trường Hạ chùa Hội Phước, Mỹ Tho; rồi năm Mậu Thìn (1929), làm Chứng minh tại trường Hương chùa Long Phước.
Năm 1930, Ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay bút tích của Ngài còn lưu lại tại nhiều chùa ở thành phố Hồ Chí Minh như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh...
Hòa thượng là vị cao Tăng thạc đức trọn đời chăm lo hoằng dương Phật pháp và giàu lòng yêu nước xứng danh bậc thạch trụ của thiền lâm. Ngài đã góp phần xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Phật giáo ở Thủ Dầu Một nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung từ đầu thế kỷ XX.
Ngài đã xả bỏ xác thân giả huyễn, an nhiên thị tịch vào lúc 11 giờ ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931). Môn đồ tứ chúng tổ chức tang lễ một cách trọng thể và xây tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh. Tinh thần nhiệt thành vì đạo, vì đời và sự uyên thâm Phật học của Hòa thượng Từ Văn đã được chư Sơn thiền đức khắp vùng và tứ chúng đồng kính ngưỡng, niềm tôn kính bộc lộ rõ nét qua câu đối:
Đinh Sửu Hạ, long thần nhập đạo siêu nhân duy học tử
Tân Mùi Đông, thị tịch qui không tùy Phật chứng vô sanhHÒA THƯỢNG
THÍCH PHƯỚC CHỮ
1858 – 1940Hòa thượng Thích Phước Chữ, pháp danh Thanh Thái, thế danh Nguyễn Huấn, sinh ngày 05 tháng 5 năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858), tại làng Đa Nghi, tỉnh Quảng Trị, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41.
Thân phụ Ngài là cụ ông Thanh Đức, thân mẫu là cụ bà Võ Thị, gia đình thuộc thành phần trung nông, có lòng tín hướng Phật đà nhiều đời. Ngài là con trai thứ ba trong số 4 người anh em trai ( ).
Năm Canh Dần, Tự Đức thứ 13 (1860), lúc này giặc Pháp đã thật sự nổ súng và xâm chiếm đất nước từ Bắc chí Nam, các phong trào nghĩa quân nổi lên chống ngoại xâm khắp đó đây. Gia đình Ngài vì có nhiều thanh niên nên bị dòm ngó từ nhiều phía. Phụ thân Ngài phải vào chùa Xuân Tây sống đời ẩn tu và khuyên các anh em Ngài hãy phân tán mỗi người một nẻo. Thân mẫu Ngài từ đó do lo âu, buồn khổ đã qua đời khi Ngài vừa mới hai tuổi.
Tuổi thơ Ngài không có niềm vui, bởi đã sớm chịu màu tang tóc chung của đất nước. Khắp nơi, những lời than oán của tầng lớp sĩ phu, những người quan tâm đến thời thế, trước những bước chân rầm rập và ngày càng gia tăng của đội quân xâm lược Pháp. Sự việc đó luôn ghi đậm vào tâm khảm Ngài khi đã biết suy tư.
Năm Tân Mùi, Tự Đức thứ 25 (1872). Một sáng đầu mùa hè, Ngài đến chùa Diệu Đế với những nỗi băn khoăn ấy, bộc bạch cùng Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác (1806 – 1895), Hòa thượng lắng nghe và nhận ra sự thông minh hiếm thấy nơi Ngài. Bằng những lý giải nhân quả luân hồi, lẽ thịnh suy thế sự, Hòa thượng Diệu Giác đã cảm hóa tâm hồn Ngài ngay ngày đầu gặp gỡ. Sau đó, Ngài cầu xin được xuất gia học đạo. Hòa thượng Diệu Giác nhận lời, nhưng do tình hình đương thời bất ổn nhiều mặt nên Hòa thượng dạy phải ẩn nhẫn hành điệu cho thuần thục luật thanh quy chốn già lam, chờ lúc thời cơ thuận lợi sẽ cho thọ giới, Ngài vui mừng khôn xiết. Năm đó, Ngài vừa đúng 14 tuổi.
Năm Kỷ Mão, Tự Đức thứ 30 (1879), Hòa thượng Diệu Giác gởi Ngài sang Hòa thượng Linh Cơ ở am Tường Vân để tiếp tục tham học và phụ công việc trùng tu. Đây là thời điểm Hòa thượng Linh Cơ đang sát nhập am Tường Vân với chùa Từ Quang. Quang cảnh chung quanh hãy còn u tịch nên Ngài có điều kiện chuyên hành công phu nghiêm mặt và chiêm nghiệm những lời dạy của chư Hòa thượng đã khai mở, nhờ vậy tri kiến của Ngài đã được bước tiến đáng kể.
Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức 35 (1882), Ngài được Hòa thượng Linh Cơ thế độ, ban pháp danh là Thanh Thái, tự Phước Chữ và liền được cử giữ chức tri sự chùa Tường Vân vừa được tân tạo. Tháng bảy cùng năm, nhân Đại giới đàn chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) do Hòa thượng Giác Tánh khai mở và làm Đường Đầu, Ngài được phép Hòa thượng Bổn sư cho vào thọ Cụ túc giới.
Sau khi được thực thụ trở thành vị Tỳ kheo với niềm hỷ lạc, Ngài nhân cơ hội đã đến thăm chùa Phước Lâm ở ngoại ô thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây được Hòa thượng Toàn Nhâm – Vi Ý ân cần khai mở cho Ngài thêm nhiều kiến giải sâu sắc. Sau đó Hòa thượng Vĩnh Gia (kế thế trụ trì) cũng giúp Ngài bằng cách khơi thông các mạch nguồn Phật pháp.
Rời chùa Phước Lâm, Ngài đến chùa Tam Thai ở núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam) được Hòa thượng Bửu Tài ân cần giảng dạy. Nơi đây Ngài còn được nghe nhiều về Ông Ích Khiêm, người bản xứ được tiến cử làm quan từ thời vua Thiệu Trị, rất được nhiều người mến phục về bản tính bộc trực khẳng khái của ông. Từ một người được xem là cao đẹp và cũng nhanh chóng trở thành kẻ nhiều tội lỗi qua sự kiện “Tam Ban Triều điển” ngày 29.11.1883, Ngài càng thấm thía hơn những lời dạy của bậc trưởng thượng nơi các chốn già lam.
Năm Giáp Thân (1884) Ngài mang tâm trạng ấy trở về Huế, đúng vào ngày vua Hàm Nghi làm lễ đăng quang (01-8-1884) sau 55 ngày ký “hòa ước” (06-6-1884). Từ nay Nam triều đã thật sự bước vào đêm dài nô lệ, lễ đăng quang ấy không được Khâm sứ Pháp Rheinart thừa nhận, vì chưa được Nhà nước bảo hộ thông qua. Ngài càng thấy rõ cảnh đời huyễn mộng đổi thay tủi nhục, tự nhủ phải xa lánh để tìm về sự tĩnh lặng của chơn thức bằng con đường thủ hạnh. Một buổi sáng, Ngài viết vội mấy câu thơ lên tường chùa Tường Vân rằng :
Phù sanh huyễn cảnh nhược vi an
Mạt pháp tu trì chuyển thậm nan
Phi thị, thị phi hà nhật liễu
Xả thân cầu Đạo thượng tâm đoan
Rồi Ngài nhắm thẳng hướng Tiêu Sơn lẳng lặng ra đi.Năm Kỷ Sửu, Thành Thái nguyên niên (1889), Hòa thượng Linh Cơ lui về nhập thất tu niệm, gọi Ngài về để hiệp trợ các công việc Phật sự, nhất là công việc trùng tu chùa Tường Vân. Trong đợt trùng tu này, Ngài cho xây thêm “Lạc Nghi Đường” nối liền chánh điện và hậu điện. Bảng “Sắc Tứ Tường Vân” cũng được lập trong đợt này.
Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), Hòa thượng Linh Cơ phú pháp cho Ngài qua bài kệ đắc pháp như sau :
Định tâm Phước Chữ tịnh an nhiênCùng năm đó, Ngài được cử làm tri sự chùa Từ Hiếu.
Xử thế tùy cơ liễu mục tiền
Đạo niệm tinh tu tình niệm đoạn
Như kim phó chúc vĩnh lưu truyềnNăm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1912), Ngài được vua ban sắc trụ trì chùa Thánh Duyên (núi Túy Vân).
Năm Nhâm Thân, Bảo Đại thứ 6 (1932), Ngài được sắc ban Tăng Cang chùa Thánh Duyên.
Năm Đinh Sửu, Bảo Đại thứ 12 (1937), Ngài được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế.
Năm Kỷ Mão, Bảo Đại thứ 15 (1940), ngày 17 tháng Chạp, Ngài an nhiên thị tịch, thọ 82 tuổi và sống 58 năm trong đời tu hành. Nhục thân Ngài được các đệ tử nhập tháp trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
HÒA THƯỢNG
THÍCH BỔN VIÊN
1873 – 1942Hòa thượng Thích Bổn Viên, pháp tự Chơn Thành, thế danh Nguyễn Văn Hượt, sinh năm Quý Dậu (1873) tại làng Bàng Long, tổng Thuận Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có truyền thống nhân từ phúc hậu, là người con trai út sau hai người chị và hai người anh, nên được cha mẹ chăm nom và thương yêu hết mực. Việc học hành cũng được quan tâm hàng đầu – nên với tư chất thông minh – Ngài đã sớm biết chữ nho lẫn chữ quốc ngữ. Tuy là con út được nuông chìu, nhưng Ngài rất hiếu thảo, luôn vâng lời cha mẹ.
Thời cuộc xã hội từ lúc Ngài sinh ra cho đến khi trưởng thành luôn xao động bất ổn, nhưng ít có gia đình nào hưởng được sự bình an trọn vẹn như gia đình Ngài. Năm Quý Tỵ (1893), khi bốn anh chị được cha mẹ lo cho an bề gia thất, kế đến chuẩn bị tìm người mai mối để xây dựng gia đình cho Ngài; thì cuối năm ấy Ngài âm thầm từ biệt gia đình, ra đi tìm đường học đạo. Năm ấy Ngài vừa tròn 20 tuổi.
Từ năm Giáp Ngọ (1894) đến năm Đinh Mùi (1907) Ngài đến Châu Đốc, vào vùng núi Thất Sơn tìm thầy học đạo, quyết tâm thực hiện chí nguyện xuất gia học Phật của mình. Tuy không chọn pháp môn chuyên tu, nhưng hành trạng của Ngài trong thời gian này như một mật hạnh chuyên cần, rất gần với mật tông, kết hợp với các hiểu biết về thảo dược làm thuốc nam, trị bệnh cho bá tánh quanh vùng rất đạt hiệu quả. Từ đó y thuật của Ngài càng ngày được nâng cao dần với tiếng tốt vang xa. Cuộc sống tu hành của Ngài rất khép kín, ít biểu lộ, nên vẫn chưa rõ Ngài học đạo thọ giới với ai; chỉ thấy Ngài thường hái rau trái và cây thuốc đem ra chợ Nhà Bàn để đổi lấy gạo đem vào hang núi ăn; lo tu thiền, trì chú, nuôi giữ đời phạm hạnh.
Năm Mậu Thân (1908) từ ngọn núi Tà Lơn, Ngài quyết định trở về thăm mẹ sau 15 năm cách biệt. Thời gian cũng đủ để các sự kiện nguôi ngoai và Ngài đã vững bước trên lộ trình tu Phật, không còn trở lực nào cản ngăn. Ngày 12 tháng 7, Ngài đã về đến nhà đúng lúc mẹ Ngài đang lâm bệnh nặng. Ngài dùng hết tài y thuật của mình, tự tay chữa bệnh và hốt thuốc cứu chữa, một mặt lập đàn tràng khấn nguyện, xin được giảm thọ mười năm để mẹ sống thêm với đời mười năm nữa.
Với trí tuệ của người con Phật và với bản chất vốn rất hiếu từ, Ngài cố gắng bằng mọi phương tiện để được gần gũi chăm sóc cũng như hướng dẫn nẽo tu cho mẹ (do thân sinh đã mất lúc Ngài vừa 14 tuổi). Cuối năm ấy các chức sắc trong làng tìm đến thỉnh Ngài đứng ra nhận lấy ngôi chùa Bửu Long vốn bị hoang phế lâu nay. Nhận thấy cơ duyên sớm đưa đến rất vẹn vẻ đôi đàng, Ngài hoan hỷ nhận lời và thu xếp cho mẹ cùng về chùa để tiện việc chăm nom, hướng dẫn tu học. Nhờ công đức tu tập, tiếng thơm hiếu đễ và đặc biệt là tài bốc thuốc chữa bệnh của Ngài, không lâu sau chùa Bửu Long nhanh chóng biến thành chốn già lam hưng thạnh, được nhiều Phật tử đến tu học và lễ bái thường xuyên.
Năm Canh Tuất (1910) nhận thấy trọng trách mai sau đã dần đưa đến và để có thể tiếp Tăng độ chúng đúng giới luật, Ngài đến chùa Phước Linh ở Thạnh Phú, Xoài Hột xin cầu pháp với Hòa thượng Thục Thiện, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Trí Thắng ( ), được đặt pháp danh là Bổn Viên, pháp tự là Chơn Thành.
Năm Nhâm Tý (1912) trong các khóa Hạ và các trường Kỳ thời gian này, Ngài thường được cung tiến ngôi vị Yết Ma A Xà Lê.
Năm Nhâm Thân (1932) Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại trường Kỳ giới đàn chùa Minh Đức, Phú Túc – Bến Tre. Từ đây, Ngài hội lực cùng quý Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Bến Tre), Hòa thượng Thiện Chiếu (Gò Công), Hòa thượng Thiên Trường (chùa Bửu Lâm), Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng)... xúc tiến khởi phát phong trào chấn hưng Phật giáo. Khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) Ngài tham gia với tư cách là sáng lập viên, cộng tác với báo Từ Bi Âm, tạp chí của Hội.
Năm Đinh Sửu (1937) Ngài cùng với các Hòa thượng trong phong trào chấn hưng, đồng sáng lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh cùng với tạp chí Duy Tâm.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài tổ chức trường Hương tại chùa Bửu Long với quy mô lớn nằm trong chủ trương của phong trào chấn hưng Phật giáo, với sự tham dự của hầu hết danh Tăng lãnh đạo trong vùng. Tuy nhiên, khi gần đến ngày khai mạc thì chánh quyền thực dân tìm cách cản trở, không cho tổ chức vì phong trào cách mạng đang sôi sục khắp nơi.
Ngày 23 tháng 11 cùng năm, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, chùa Bửu Long và Đình Bàng Long trở thành một trong nhiều nơi che giấu cán bộ. Ngài cho xuất bồ lúa của chùa (khoảng 60 giạ) đóng góp cho lực lượng cách mạng. Ngày 2 tháng 12, thực dân Pháp ruồng bố tại Vĩnh Kim, thả bom vào chợ làm chết hơn 40 người và bao vây chùa Bửu Long lẫn đình Bàng Long bắt Ngài đem đi.
Năm Nhâm Ngọ (1942) sau khi được thực dân Pháp thả ra, sức khỏe Ngài suy kiệt do những ngày tháng tù đày và bị tra tấn, cộng vào sức yếu tuổi già, nên lúc 10 giờ ngày 24 tháng Giêng năm ấy, Ngài đã viên tịch tại chùa Bửu Long, hưởng thọ 69 năm, với 32 năm hành đạo.
HÒA THƯỢNG
THÍCH ĐẠI TRÍ
(1897 – 1944)Hòa thượng Thích Đại Trí, pháp hiệu Nhơn Duệ, pháp húy Trừng Thông, pháp tự Công Thắng, thế danh là Huỳnh Huệ, sanh ngày 17 tháng 10 năm Đinh Dậu (1897) tại làng Phú Hòa, tổng Hiệp Trung, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người đức hạnh, chuyên trì trai giới, tu niệm tại gia.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, Ngài có 4 anh chị, thân sinh và hai người anh cả sớm khuất núi, còn lại thân mẫu và mấy anh chị em đùm bọc thương yêu hòa thuận lẫn nhau.
Thiếu thời, Ngài được thân mẫu đưa đến quy y với Tổ Phổ Xứ tại thảo am Đồng Nẫy, thôn Tân Hưng, huyện Ninh Hòa và được Tổ đặt tên là Huỳnh Huệ. Sau Tổ Phổ Xứ về trụ trì chùa Kim Long và viên tịch tại đây, kế thừa Tổ Phổ Xứ là Tổ Phước Tường (1867-1932).
Lúc này, Ngài vừa lên 6 tuổi, đã sớm phải chịu cảnh xa cách người thân, sư phụ. Dù gặp phải trở duyên, thân mẫu Ngài vẫn giữ nguyên ý nguyện là cho hai người con trai xuất gia theo thầy học đạo.
Năm lên 16 tuổi (1903), Ngài cùng với người anh xuất gia với Tổ Phước Tường – Quảng Đạt. Nhờ tuệ căn minh mẫn, đức tính khiêm cung, chỉ hai năm phụng Phật sự Sư, Ngài đã sớm tỏ rõ thượng căn thượng trí. Thấy vậy, Tổ khuyến khích Ngài vào Ninh Thuận tham học với Tổ Huệ Đạo chùa Trà Bang và chùa Sắc Tứ Tây Thiên. Cũng trong thời gian này, Tổ Phước Tường về làm Hóa chủ Tổ đình Thiên Bửu, làng Điềm Tịnh, huyện Ninh Hòa.
Trong thời gian tu học ở Phan Rang, Ngài chuyên cần nỗ lực tấn tu, nên được Tổ Huệ Đạo phú cho pháp hiệu là Đại Trí. Khi sở học và giới đức đã tạm vừa đủ, Ngài xin phép Tổ được vân du tham cứu giáo điển các nơi để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho việc giáo hóa độ sanh sau này. Tổ rất hoan hỷ thuận tình. Trên bước đường du hóa ở Đà Lạt, Sài Gòn, Ngài luôn luôn thể hiện tấm lòng vô ngã vị tha, tùy duyên bất biến, khiến cho mọi người con Phật ai cũng cảm mến kính phục.
Trong lúc ấy, Ngài nhận được tin bào huynh của Ngài là Hòa thượng Nhơn Nguyện viên tịch ở chùa Linh Quang, trên sườn núi Đại An thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Khi về hộ tang bào huynh Ngài có dịp báo đáp công ơn sanh dưỡng của thân mẫu, vì người chị đã xuất giá theo chồng đồng thời được gần gũi, phụng sự Bổn sư (Tổ Phước Tường), thời gian này kéo dài đến 10 năm.
Năm Nhâm Thân 1932, Tổ Phước Tường xã mãn báo thân, Ngài cư tang trai tuần báo hiếu, cùng lúc ấy người chị ruột trở thành quả phụ, nên Ngài nhờ người chị cung dưỡng mẹ già. Ngài tiếp nối chí nguyện rộng bước vân du hoằng dương đạo pháp, lúc ở Đà Lạt, lúc vào Sài Gòn (ngụ tại chùa Pháp Vân, tục danh chùa Bà Đầm ở Phú Nhuận).
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài trở về lo tròn hiếu sự với Bổn sư tại Tổ đình Thiên Bửu. Một năm sau đó, chư Tăng Phật tử địa phương đã cung thỉnh Ngài khai Hạ an cư và mở Đại giới đàn tại đây năm 1935.
Ngài lần lượt trụ trì chùa Thiền Sơn (thôn Trường Lộc), chùa Linh Quang (thôn Phước Sơn) và chùa Kim Long để hướng dẫn Tăng tín đồ Phật tử Ninh Hòa tu học.
Khoảng năm 1936-1937, thân mẫu Ngài quá cố, Ngài trở về quê lo hiếu sự. Năm 1938 trước tấm lòng tha thiết thỉnh cầu của hàng đệ tử, Ngài đã thuận tình vào làng Phú Lộc, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa để chứng minh công cuộc xây cất chùa Thiên Quang.
Năm Canh Thìn 1940, để phần nào đáp đền hồng ân Thầy Tổ và trang nghiêm chùa cảnh làm nơi nương tựa tu học cho các Tăng tín đồ huyện Ninh Hòa, Ngài đã trùng tu lại chùa Kim Long.
Năm Tân Tỵ 1941, tín đồ Phật tử ở Vạn Giã, huyện Vạn Ninh lại khẩn cầu cung thỉnh Ngài chứng minh khai sơn chùa Di Đà ở thôn Mỹ Long.
Công việc hoằng pháp lợi sanh đã tạm đủ, Ngài trở về chùa Thiên Quang phát nguyện tịnh tu nhập thất 3 năm từ 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Nhâm Ngọ, Tăng ni tín đồ nam nữ hay tin Ngài nhập thất 3 năm, hầu hết phát tâm hoan hỷ và tinh tấn tu niệm, đồng thời từng đoàn về chùa Thiên Quang để đảnh lễ Ngài từ bên ngoài Thiền thất để trượng thừa công đức.
Lúc 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Giáp Thân (1944) trong khi các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia đang làm lễ cầu an trong chánh điện, chờ giờ Thầy mãn nguyện xả thất, thì bỗng nhiên từ thất của Ngài, một ngọn lửa sáng bừng lên cả một vùng, khiến mọi người ai nấy đều kinh hãi và âu lo, nhưng rồi tất cả bùi ngùi cúi đầu đảnh lễ vì biết Ngài đã phát nguyện thiêu thân cúng dường chư Phật, Ngài trụ thế 47 tuổi đời, gần 30 năm tuổi đạo.
Cả cuộc đời của Ngài đã gắn liền với việc tu trì Phật pháp từ thiếu thời cho đến lúc hóa thân, để hồi hướng công đức viên thành Phật quả. Ánh đuốc ấy vẫn lan tỏa mãi ngàn sau, trong lòng mọi người con Phật.
HÒA THƯỢNG
THÍCH HOẰNG KHAI
1883 – 1945Hòa thượng Thích Hoằng Khai, pháp danh Hồng Khê, húy Kiểu Đạo, tự Thiện Minh, hiệu Hoằng Khai, thế danh Phạm Văn Tiểng, sinh năm Quý Mùi (1883), tại làng Minh Lễ, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là ông Phạm Văn Hữu, thân mẫu là bà Hồ Thị Thị. Cha mẹ mất sớm khiến Ngài mồ côi từ nhỏ, sống nương nhờ nơi người chú.
Năm 14 tuổi (1897), Ngài vào Nam tạm trú ở vùng Gia Định, vốn giỏi võ, nên Ngài mở trường dạy võ làm kế sinh nhai. Do bản tính hào hiệp, Ngài thường hay cứu giúp những người thế cô, sức yếu, khiến bọn anh chị Sài Gòn – Chợ Lớn đều kính phục tôn xưng Ngài là đại ca và không dám bức hiếp những lương dân trong khu vực ấy nữa. Ngài sớm ý thức được rằng những bất công xã hội không thể cải tạo được bằng vũ lực, cũng như tâm địa xấu xa, độc ác của con người không thể giáo hóa bằng đôi tay. Ngài từ bỏ con đường võ nghiệp và dần chuyển sang cảm hóa bằng lý lẽ và tình cảm, một thể hiện của đạo đức. Ngài tin tưởng rằng, chỉ có đạo đức mới có thể cảm hóa được lòng người và thực sự mang lại công bằng và yêu thương cho xã hội.
Năm 20 tuổi (1902), Ngài đến chùa Bảo An ở Bà Chiểu, xin thế phá xuất gia, được Bổn sư Thiện An đặt pháp danh Hồng Khê (dòng Lâm Tế đời thứ 40). Hòa thượng trụ trì biết lai lịch của Ngài nên lúc đầu có ngần ngại. Về sau, khi đã nhiều phen thử thách, biết được thật tâm cầu đạo của Ngài, Hòa thượng đã hoan hỷ thu nhận làm đệ tử và đặt pháp tự cho Ngài là Thiện Minh. Về sau, Ngài cầu pháp với Tổ Thiên Thai – Huệ Đăng, được Tổ đặt húy là Kiểu Đạo – pháp hiệu Hoằng Khai.
Năm Giáp Thìn 1904, chùa Khánh Quới, Cai Lậy, Mỹ Tho khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ tam đàn Cụ túc giới. Vốn thông minh lại cần mẫn tu học, nên chẳng bao lâu thiền môn Kinh luận Ngài đều làu thông, phạm tắc uy nghi thảy tường tận. Lại thêm giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm dõng mãnh nên trên được Hòa thượng mến yêu tin cậy, dưới được các vị đồng phạm hạnh ngợi khen.
Khi biết nhân duyên hóa độ của Ngài đã đến, Hòa thượng Bảo An đã cho Ngài đăng đàn giáo chúng tại các trường Hương ở Gia định, Mỹ Tho, Bến Tre. Từ đó tiếng tăm đạo hạnh của Ngài càng lúc càng lan rộng. Nữ tín chủ Tư Diêm, chủ chùa Hội Phước ở xã Tân Thạch, tỉnh Bến Tre, nhân ngưỡng mộ đạo hạnh của Ngài, gặp lúc chùa chưa có thầy hương khói, nên đã đảnh lễ Hòa thượng Bảo An thỉnh Ngài về trụ trì. Hòa thượng hứa khả.
Ngài rời đất Gia Định về trụ trì chùa Hội Phước ở Tân Thạch, Bến Tre và bắt đầu sự nghiệp kế đạo khai lai của mình. Chùa Hội Phước lúc bấy giờ chỉ là một am tranh vách đất, xây cất sơ sài để thờ Phật, lau sậy mọc rậm rạp. Khi về, Ngài đã cùng bổn đạo địa phương trùng tu, dần dần ngôi Bảo tự ngày càng to lớn, khang trang.
Có một giai thoại mà cho đến nay những Phật tử lão thành của chùa vẫn còn truyền tụng : trong lúc thi công kiến thiết chùa, một người thợ tên Ba Lung đang ngồi lợp trên nóc, bỗng cây đòn tay bị gãy và làm ông này rơi xuống, mọi người hoảng hốt, Ngài phóng tới như một mũi tên nhanh nhạy chính xác đỡ ông thợ đứng xuống nhẹ nhàng trên mặt đất. Từ đó mọi người mới biết được Ngài võ nghệ siêu quần.
Đã kính trọng đức độ tu hành, lại thêm ngưỡng mộ võ công tuyệt học nên những thành phần bất hảo ở địa phương dần dần đều quy y với Ngài và trở thành Phật tử đắc lực của chùa. Nhưng cũng với tiếng tăm này mà Ngài gặp phải không ít khó khăn với nhà chức trách đương thời. Lúc ấy, ở An Hóa có một ông quận trưởng mà dân địa phương quen gọi là huyện Trụ, nghe tiếng Ngài là tay anh chị ở đất Gia Định đi tu, thầm nghi Ngài mượn hình thức tôn giáo để hoạt động chính trị, nên cho mời Ngài xuống huyện đường thẩm tra.
Khi gặp Ngài, huyện Trụ biết Ngài là tay bản lãnh thật sự nên ngõ ý muốn kết nghĩa anh em. Nhưng huyện Trụ còn muốn thử xem Ngài có thật tâm quyết chí tu hành hay không, nên ông ta yêu cầu Ngài cho xem những hình xăm trên mình. Ngài bằng lòng và vén tay áo lên cho quan huyện coi. Xem xong, huyện Trụ lại tỏ ý muốn xin Ngài một vài hình xăm. Ngài cũng bằng lòng và bình tĩnh lấy dao lạng những hình xăm trên tay đưa cho huyện Trụ. Trước hành động trầm tĩnh gan dạ của Ngài, huyện Trụ vô cùng kính phục. Biết được thật tâm tu hành của Ngài nên từ đó về sau ông ta để yên cho Ngài hoằng hóa độ sanh.
Phật học uyên thâm, đức hạnh kiêm ưu, lại thêm võ nghệ cao cường, tiếng tăm của Ngài mỗi lúc một lan xa. Tứ chúng bốn phương, Tăng tục mọi miền đều quy ngưỡng, thọ học rất đông. Chính nơi Tổ đình Hội Phước, biết bao lần Ngài khai trường Hương giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử; mở trường Kỳ tiếp dẫn hậu lai, chọn người làm Phật. Biết bao bậc cao Tăng làm lương đống trong Phật pháp đã được đào tạo nơi đây, trong số đó có vị hóa duyên đã mãn, có vị vẫn còn trụ thế độ sinh, có vị tuổi thọ vượt ngoài bách tuế như Hòa thượng Từ Quang ở Bà Chiểu, Hòa thượng Hội Long ở Long An. Ngoài ra, còn có những danh Tăng thạc đức khác mà Tăng, Ni hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đều kính ngưỡng như Hòa thượng Phú Thuận ở Bến Tre (đã viên tịch), Hòa thượng Phật Quang (Bến Tre), Hòa thượng Thiện An (Tầm Vu), Hòa thượng Thiện Bình ở Cai Lậy (đã viên tịch).
Tại đạo tràng Hội Phước, Ni chúng được Ngài hóa độ và đào tạo rất đông. Đã có biết bao danh Ni mà đạo đức xứng đáng làm thiền môn quy cảnh cho Ni chúng truyền đời; như Sư bà Như Hương ở Từ Nghiêm, Sư bà Sắc Tứ ở Soài Hột, Sư bà Phổ Đức ở Tân Hương, Sư bà Vạn Phước ở Kim Sơn...
Có thể nói Tổ đình Hội Phước trong thời kỳ giáo hóa của Ngài là một đạo tràng tu học của Tăng, Ni rất sùng thịnh. Riêng Ngài còn là Pháp sư giảng dạy kinh Pháp Hoa, luật Trường hàng và bộ Qui Nguơn Trực Chỉ.
Năm Bính Dần 1926, Ngài khai trường Hương tại chùa Hội Phước, thỉnh Hòa thượng Từ Văn, chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một làm pháp sư giảng kinh Pháp Hoa. Sau Hòa thượng Từ Văn cử Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Khánh Quới, Mỹ Tho thay thế.
Năm Bính Tý 1938, Ngài mở trường Hương, khai trường Kỳ tại chùa Hội Phước. Chính Hòa thượng Hội Long (Long An) thọ Cụ túc giới trong đàn giới này.
Năm Kỷ Mão 1939, ông cả Huy, bác của Sư bà Thiên Phước, Tân Hương thỉnh Ngài về trụ trì chùa Thiên Phước.
Năm Canh Thìn 1940, Ngài khai trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước. Ngài làm chủ hương, Hòa thượng Phước Tường làm thiền chủ, Hòa thượng Khánh anh làm Pháp sư bên Tăng, Sư bà Diệu Kim, Cần Thơ làm Pháp sư bên Ni. Khi mãn đàn giới, Hòa thượng Khánh Anh có tặng cho Ngài một tấm biển: “Hương Phong Giới Nguyệt”, này vẫn còn treo nơi Tổ đình Hội Phước.
Năm Tân Tỵ 1941, do sức khỏe kém, Ngài rời chùa Thiên Phước, trở về Tổ đình Hội Phước để chuyên tu và dưỡng bệnh.
Năm Ất Dậu 1945, Ngài lâm bệnh nặng và vùng Tân Thạch lúc bấy giờ lại loạn lạc không yên, nên hào phú Lâm Tấn Tài ở Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre thỉnh Ngài về đây tịnh dưỡng. Ngài đề nghị cất cho Ngài một tịnh thất. Thất đang xây dựng Ngài nói với thị giả: “Thất làm xong chưa ? Ta sắp bỏ nó ta đi”. Khi thất làm xong, Ngài vào nhập thất được vài hôm thì viên tịch. Lúc ấy nhằm ngày 11 tháng 11 năm Ất Dậu. Ngài hưởng thọ 63 tuổi, hành đạo 41 mùa Hạ.
GIẢNG SƯ
THÍCH TRÍ THUYÊN
1923 – 1947Khi kháng chiến giành độc lập bùng nổ, Tùng Lâm Kim Sơn đã vào tình trạng điêu tàn hẳn. Tăng sĩ thì hoặc vào Nam, hoặc tham gia kháng chiến chống Pháp ở khắp các tỉnh, hoặc về Huế để lo củng cố Giáo hội Tăng già và củng cố Phật học đường Báo Quốc. Nhưng lại có một vị Giảng sư trẻ tuổi ở lại Tùng Lâm Kim Sơn, chịu mọi gian lao, đói khát cực khổ vì chiến nạn với dân quanh vùng An Ninh, Lựu Bảo...
Giảng sư đó là Thầy Thích Trí Thuyên, thế danh là Trần Trọng Thuyên, sinh năm Quí Hợi 1923 tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ở chùa từ thuở bé thơ, Ngài là vị “đồng chơn nhập đạo” xuất gia với Đệ Lục Tổ Thiên Ấn Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang tại chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi.
Với tư chất thông minh khác người, Ngài được Bổn sư gởi đến học lớp gia giáo Phật học tại chùa Long Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Sau một thời gian, Ngài lại đến núi Thình Thình huyện Bình Sơn thọ học ở chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn.
Năm Giáp Tuất 1934, phong trào chấn hưng Phật giáo đang được phát động rầm rộ tại Trung kỳ. Để đào tạo Tăng tài làm trụ cột cho Giáo hội, chư Hòa thượng Giác Tiên và Ngài Mật Khế đứng ra thành lập trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm – Huế, cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ làm chủ giảng. Lớp này chỉ thu nhận 50 học Tăng, Ngài dự thi tuyển và có mặt trong khóa học này cùng các vị Thiện Minh, Trí Quang..., Ngài là một trong 6 vị Tăng sinh ưu tú đỗ cả kỳ thi viết và vấn đáp.
Năm Quý Mùi 1943, sau 9 năm chuyên cần học tập ở Phật học đường, Ngài tốt nghiệp khóa Đại học Phật giáo đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài ở lại Huế tiếp tục nghiên cứu giáo điển và thực tập diễn giảng thuyết pháp.
Năm Giáp Thân 1944, khi Ngài 21 tuổi, được tấn đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Thuyền Tôn - Huế do Hòa thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi lãnh thọ giới pháp, Ngài được chư Hòa thượng trong Giáo hội Tăng Già Thừa Thiên - Huế phân bổ cùng chúng Tăng đến Tùng Lâm Kim Sơn hoằng hóa, tại đây Ngài đã trở thành vị Giảng sư trẻ tuổi được đông đảo tín đồ tín nhiệm.
Năm Ất Dậu 1945, sau cuộc cách mạng giành độc lập vào tháng Tám, người Pháp trở lại tái chiếm Việt Nam, và khủng bố ruồng bắt những ai đã ủng hộ phong trào độc lập không chịu làm tay sai cho chính phủ bảo hộ. Những bài giảng pháp của Ngài luôn mang tính đoàn kết dân tộc, ca ngợi độc lập tự chủ, chống áp bức bóc lột theo tinh thần Bi Trí Dũng của Phật giáo. Với lập luận vững chắc, tư thái đường hoàng, Ngài hướng dẫn tín đồ vào một tương lai tươi sáng của Đạo pháp – dân tộc.
Tinh thần yêu nước, thương đồng bào của Ngài thể hiện rõ nét qua hành động tham gia dạy học chống nạn mù chữ cho nhân dân; tổ chức phong trào từ thiện quyên góp cứu trợ nạn đói kém đang hoành hành đồng bào cả nước bởi cuộc chiến gây ra. Tại Kim Sơn, Ngài đã nhịn bớt phần ăn của mình để lấy gạo nấu cơm phát cho dân nghèo đói, việc đó khiến cho mật thám Pháp theo dõi, cô lập Tùng Lâm Kim Sơn.
Năm Bính Tuất 1946, tất cả Tăng chúng Tùng Lâm Kim Sơn di tản, Ngài tình nguyện ở lại giữ chùa, trường học và kinh sách, cộng với việc không ít Tăng sĩ ở đây tạm xếp áo cà sa thoát ly tham gia kháng chiến khiến cho hồ sơ Tùng Lâm Kim Sơn và bản thân Ngài mỗi lúc thêm nặng nề dưới mắt người Pháp và chính phủ bảo hộ.
Còn lại một mình nơi Tùng Lâm Kim Sơn với những “đêm dài u tối” như vậy, Ngài chẳng hề nao núng, vẫn giữ đúng thanh quy chốn Già lam thường ngày, thể hiện tinh thần một Phú Lâu Na giữa chốn nghịch duyên là nhiệm vụ của người tu hành trước chân lý đã tôn thờ.
Vào chiều chủ nhật ngày mồng 3 tháng 3 năm Đinh Hợi (23-2-1947), thực dân Pháp đóng đồn ở Văn Thánh đã tràn qua mở trận càn quét vùng Lựu Bảo – Kim Sơn. Bọn giặc lên chùa, Giảng sư Trí Thuyên bị chúng bắt. Ngài đã dùng tiếng Pháp nói với bọn chúng để cho Ngài cầu một thời kinh rồi hãy bắn. Ngài ngồi kiết già uy nghi tụng kinh trước họng súng của giặc. Thời kinh vừa xong, Ngài đã ngã gục trước những phát đạn bạo tàn. Một đồng bào người Thiên Chúa giáo ở An Vân, vô tình chứng kiến được cái chết của Giảng sư Trí Thuyên, đã kể lại sự việc với lời bình phẩm: “Tôi chưa bao giờ thấy được cái cảnh tử đạo nào cao cả bi tráng như vậy”.
Năm đó, Ngài vừa đúng 24 tuổi đời, 3 tuổi đạo. Dân trong vùng đã an táng Ngài trong khuôn viên Tùng Lâm Kim Sơn xưa. Ngày nay Giáo hội đã xây lại tháp của Ngài ở trước vườn chùa, bên tay phải chánh điện, bia tháp nhìn về hướng Đông, bên trên khắc chữ “Tăng Già Giáo Hội” ở dòng giữa có sáu chữ lớn “Trí Thuyên Giảng Sư chi tháp”.
Tháp của Giảng sư Trí Thuyên là một nơi chôn giữ dấu tích để phát ra ánh sáng lý tưởng của con người chân quân tử phương Đông : “Uy vũ bất năng khuất” và hơn thế biểu hiện cho phong cách “Sống như Chánh Pháp, chết như Chánh Pháp, nói năng như Chánh Pháp và yên lặng như Chánh Pháp” của đức Từ phụ đã thuyết dạy từ ngàn xưa.
HÒA THƯỢNG
THÍCH BỬU ĐĂNG
(1904 – 1948)Hòa thượng Thích Bửu Đăng, pháp danh Hồng Lang, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm Giáp Thìn 1904 tại xã Bình Mỹ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là huyện Củ Chi Tp.Hồ Chí Minh). Thân sinh của Ngài là cụ ông Trần Văn Thểnh và cụ bà Phạm Thị Hoài, gia đình thuộc thành phần nông dân, có truyền thống Phật giáo nhiều đời, vì thế nên Ngài được song thân cho ở chùa từ thuở ấu thời.
Nhờ túc duyên nên chuông sớm mõ chiều nơi cửa thiền thấm nhuần. Ngài lớn lên dưới sự dạy dỗ của Bổn sư là Hòa thượng Chánh Hòa, ở chùa Vạn Đức, quận Gò Vấp, nên đã sớm làu thông chữ nho và kinh kệ Phật gia. Khi tuổi thiếu niên, Ngài đã được Bổn sư cho thế độ xuất gia, đặt pháp danh là Hồng Lang.
Năm Giáp Tý 1924, chùa Giác Viên – Chợ Lớn khai Chúc thọ giới đàn, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới, ban pháp hiệu là Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.
Sau khi thọ đại giới, Ngài ở lại chùa Giác Viên tu học một thời gian. Trở về lại chùa Vạn Đức, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cử chức thủ tọa thay thế Hòa thượng quản lý mọi công việc chùa, Ngài giữ trọng trách này ở chùa đây trong 8 năm.
Năm Nhâm Thân 1932, quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm muốn cất một ngôi chùa tại làng Bình Hòa tỉnh Gia Định, cung thỉnh Ngài đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi Bảo tự này. Xây dựng xong, Ngài đặt tên chùa là Hải Hội. Ngài ở nơi đây hành đạo trong 9 năm, được chư Sơn trong vùng phong làm Giáo thọ, bởi uy tín qua các trường Hương mà Ngài kiết Hạ.
Năm Tân Tỵ 1941, được sự khuyến trợ của quan Tri phủ Lương Sơ Khai, Ngài làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội, tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp cũng trên đất của quan Tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho việc tu hành.
Chính nơi đây, Ngài bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước và tiếp sau là tổ chức cách mạng Việt Minh. Để che mắt chính quyền thực dân, Ngài tổ chức ra Hội Lân chùa Linh Sơn Hải Hội hằng ngày qui tụ thanh niên trai tráng địa phương tham gia tập luyện võ nghệ để chống giặc dướt lốt đội lân. Vì vậy, Ngài được mọi người quen gọi là “Thủ tọa Lân”.
Năm Ất Dậu 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại chiếm lấy 3 kỳ, lập ra chính phủ bảo hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-8-1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, Ngài được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, Hòa thượng Pháp Dõng làm Hội phó, Hòa thượng Bửu Ý làm thư ký, Hòa thượng Thiện Hào làm ủy viên Kinh Tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang xã An Phú Đông.
Năm Đinh Hợi 1947, giặc Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Đông. Tổ chức ra lệnh cho các vị cán bộ nòng cốt di tản để tránh bị giặc bắt. Riêng Ngài vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu, dưới vỏ bọc “Thủ tọa Lân” ở chùa Linh Sơn Hải Hội.
Năm Mậu Tý 1948, ngày 29 tháng 8, trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang – An Phú Đông trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, Ngài bị giặc Pháp phục kích bắt giữ.
Ngày 02 tháng 9, sau 3 ngày bị tra khảo, Ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì. Giặc Pháp đem Ngài ra địa điểm cầu Tham Lương – Hóc Môn xử bắn. Sau đó chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân – Tân Bình ở gần đó.
Nhục thân Ngài được nhân dân và gia đình vớt từ rạch cầu Tham Lương đem về xây Bảo tháp an táng trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội. Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã làm lễ truy điệu Ngài trọng thể không lâu sau đó.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Ngài đã được Nhà nước truy phong danh hiệu Liệt sĩ và huân chương Độc lập hạng nhì.
Đối với Phật giáo, cuộc đời Ngài có một hành trạng tiêu biểu cho sự gắn bó giữa đạo pháp với dân tộc, hậu thế có một anh hùng Liệt sĩ Phật giáo, được mang tên một con đường ở quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh lưu danh vào lịch sử.
Ngài hy sinh năm 44 tuổi đời và cũng có bấy nhiêu năm sống nơi cửa thiền môn, tròn 20 tuổi đạo.
HÒA THƯỢNG
THÍCH PHƯỚC HẬU
(1862 – 1949)Hòa thượng Thích Phước Hậu, pháp húy Trừng Thịnh, pháp tự Như Trung, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42. Ngài thế danh Lê Văn Gia, sinh năm Nhâm Tuất 1862 – nhằm Tự Đức thứ 15, tại xã An Tiêm, huyện Đồng Quan, tỉnh Thái Bình.
Ngài ra đời đúng vào năm quan Kinh lược Phó sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình Huế ký “hòa ước” với Pháp ngày 5 tháng 6, nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ gồm: Định Tường, Biên Hòa và Gia Định. Đất nước bước vào giai đoạn chịu ách đô hộ của ngoại bang mới.
Do đó, tuổi thơ Ngài không được may mắn sống yên ấm dưới mái gia đình, từng ngơ ngác trên đôi tay mẫu thân chạy lánh nạn cùng hàng vạn người dân khác đến Huế trong những ngày bất ổn.
Như chân lý bao đời không thay đổi, mái chùa vẫn là nơi che chở các số phận đau thương. Ngài ở lại chùa Diệu Đế - Huế, những người khác lần lượt được người thân đến đón về, còn Ngài thì không. Bù vào đó, Ngài được Hòa thượng Tâm Truyền chùa Diệu Đế thương yêu chăm sóc tận tình.
Ngài đã được xuất gia làm Điệu, ngay từ thuở còn thơ ấu dưới bàn tay đùm bọc thương yêu của Bổn sư thế độ Hòa thượng Tâm Truyền ( ).
Càng lớn lên, Ngài tỏ rõ một phong thái đĩnh đạc, không ỷ lại, mà lúc nào xét đoán mọi việc trước hết đều tự lượng đạo lực của mình, cho nên khi đến tuổi thọ Cụ túc giới, Ngài cứ lần lựa mãi.
Cho đến năm Giáp Ngọ 1894 (Thành Thái thứ 6), do Hòa thượng Bổn sư quyết giáo, Ngài mới vâng lời đến thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc được tổ chức vào tháng 4 năm đó. Đại giới đàn này được mở rộng thu nhận giới tử từ đèo Ngang trở vào nên rất đông giới tử về thọ giới và thời gian diễn ra suốt một tuần lễ. Giới đàn do Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác làm Đường đầu Hòa thượng. Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma và Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ ( ).
Năm Ất Mùi 1895 (Thành Thái thứ 7), Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền được cử giữ chức trụ trì chùa Diệu Đế sau khi Tăng Cang Diệu Giác viên tịch, nhiệm vụ Ngài trở nên nặng nề hơn. Vào năm sau 1896, Hòa thượng Tâm Truyền lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc. Thế nên ở Diệu Đế mọi công việc lớn nhỏ Ngài phải thay mặt giải quyết như một vị trụ trì thực thụ. Và từ đó, Bổn sư càng tin tưởng phó thác cho Ngài nhiều trách nhiệm quan trọng khác, đáng kể nhất là dạy dỗ bước sơ cơ cho các lớp xuất gia gồm có nghi lễ và Sa di luật.
Năm Mậu Tuất 1898 (Thành Thái thứ 10), Hòa thượng Bổn sư Ngài xin bộ Lễ triều đình trùng tu chùa Diệu Đế theo các báo cáo của Ngài về tình trạng xuống cấp trầm trọng của chùa đã lâu. Công việc được tiến hành vào tháng 6, Ngài phải đứng ra thay mặt Hòa thượng Bổn sư lo liệu trong suốt thời gian trùng tu đó.
Năm Kỷ Hợi 1899 (Thành Thái thứ 11), khi Hòa thượng Bổn sư được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế, Ngài được đề nghị kế thế trụ trì, nhưng Ngài từ chối, chưa dám đảm nhận trách nhiệm bằng danh xưng ấy, muốn được tiếp tục hỗ trợ âm thầm bên cạnh Bổn sư.
Năm Mậu Thân 1908 (Duy Tân thứ 2), Ngài được Hòa thượng Bổn sư phú pháp qua bài kệ dưới đây và ban pháp hiệu Phước Hậu, húy Trường Thịnh, tự Như Trung :
Thuần thành bổn tánh mỹ Như Trung
Tảo tận trần tâm Đạo lý chung
Đức thạnh tự năng mông Phước Hậu
Chơn truyền y bát chấn tôn phong.Năm Bính Thìn 1916 (Khải Định thứ 1), Ngài được bộ Lễ triều đình sắc ban trụ trì chùa Trường Xuân.Năm Kỷ Mùi 1919 (Khải định thứ 4) vào tháng 7, Ngài được chư Sơn bảo cử trụ trì chùa Linh Quang.Năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi nghe bộ Lễ trình tấu quá trình xuất gia đến những thành quả tu học của Ngài được tiếng tốt khắp nơi, vua Bảo Đại sắc phong chức Tăng Cang kiêm trụ trì chùa Báo Quốc.Sự kiện này, dưới triều Bảo Đại là một việc được xếp vào diện “tế nhị”. Khi đã biết điều đó, chư Sơn môn tỏ ra thờ ơ và bản thân Ngài cũng chẳng mấy thiết tha, nếu không có tiếng nói của Đoan Huy - Từ Thái Hậu (tức đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại) thì cả vua tôi đều lâm vào tình trạng “không nên có”.Có lẽ, đây là lần phong chức Tăng Cang cuối cùng của triều Nguyễn và người đón nhận đó là Ngài, như đại diện nét chấm phá của luật nhân quả qua một hành động tốt đẹp. Nhờ vậy, trong số rất nhiều bài thơ Ngài sáng tác trong thời gian này, có những bài như :Tâm thanh thiên hữu nguyệt
Tánh tịnh hải vô ba
Viên minh tàng nhất điểm
Phóng xuất mãn sơn hàVà với chúng Tăng, Ngài để lại bài thơ nổi tiếng:Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NhưNăm Kỷ Sửu 1949, ngày 30 tháng 2, Ngài an nhiên thị tịch để lại nhiều luyến tiếc của hậu thế, khi nhìn được lăng kính thời cuộc đã lý giải những lời Ngài hằng dạy. Ngài thọ 87 tuổi đời là cũng ngần ấy tuổi đạo trắng trong với 55 Hạ lạp. Nhục thân được các đệ tử lập tháp tôn thờ bên hữu trong khuôn viên chùa Linh Quang.
HÒA THƯỢNG
THÍCH TỪ NHẪN
(1899 – 1950)Hòa thượng Thích Từ Nhẫn, pháp húy Như Đắc pháp hiệu Từ Nhẫn, nối pháp đời thứ 39 thiền phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, Ngài thế danh Lê Ngọc Thập, sinh năm Kỷ Hợi – 1899 (năm Thành Thái thứ 11) tại làng Long Hậu Tây, tổng Phước Điền Hạ, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân phụ là cụ ông Lê Ngọc Trạch, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hội.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình mà nội ngoại đều chuyên làm việc thiện, vun trồng cội phúc. Ngày nay, trên đường quốc lộ 50 đi từ quận 8 xuống Gò Công, người ta phải qua một cây cầu nổi tiếng từ lâu. Đó là cầu Ông Thìn. Ông Thìn chính là nội Cao tổ của Ngài, húy danh là Lê Công Thìn. Đương thời dân chúng qua lại sông Rạch Cát ở khu vực này phải dùng đò ngang. Gặp những lúc mưa gió, hai bên bờ sông bùn lầy trơn trượt, để tránh cho bà con thoát khỏi cảnh ấy, ông Thìn đã tự xuất tiền của thuê người, mua cây mua vật liệu, bắc một chiếc cầu để cho mọi người qua lại mà không phải dùng đò ngang nữa. Từ đó, cây cầu được mang tên Ông Thìn. Về sau cầu được người Pháp xây bằng xi măng và ngày nay được Nhà nước xây lại kiên cố, nhưng cái tên cầu Ông Thìn vẫn tồn tại mãi với quê hương.
Thân sinh Ngài làm giáo viên trường Cần Giuộc, hết lòng đào tạo lớp hậu tiến, truyền dạy đạo lý làm người, nhất là truyền thống yêu nước của nhân dân ta nói chung, Cần Giuộc nói riêng. Học trò của ông nhiều người thành đạt, có nhân cách. Ngoại Tổ Ngài là bà Huỳnh Thị Sách, là người rất đỗi nhân từ, thương kẻ khó giúp người hiền, cúng chùa chiền, nuôi Tăng chúng, trong lân lý ai cũng quý mến. Đặc biệt bà có lập một bến đò qua sông Rạch Dơi ở làng Long Hậu Tây, để người chèo đò cho dân làng qua lại mà không lấy tiền. Vì vậy, trong làng xóm người ta nói với nhau : “Muốn qua sông thì đến bến đò bà Tổng Sách”.
Nguyên từ lúc 4 tuổi, Ngài đã mồ côi mẹ, được bà ngoại đem về nuôi. Kế thừa hai dòng máu đầy từ tâm ấy, Ngài đã sớm giác ngộ con đường giải thoát của Như Lai ngay từ lúc còn nhỏ tuổi. Năm 14 tuổi, khi đến chùa Giác Hải lễ Phật, Ngài đã được Hòa thượng Như Nhẫn – Từ Phong khuyến tấn khai thị pháp môn niệm Phật.
Nhờ có tiền duyên ấy, Ngài sớm nhận thấy đời người đắm chìm trong kiếp luân hồi sanh tử, nên không lưu luyến cảnh nhà cao, đất rộng, của cải bạc vàng, vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Mão 1915, lúc được 16 tuổi, Ngài rũ bỏ tất cả, âm thầm ra đi tìm thầy học đạo.
Ngài đi đến chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, cầu xin Hòa thượng Chơn Hương – Minh Phương thâu nạp làm đệ tử. Hòa thượng thấy Ngài còn niên thiếu mà đã có lòng mộ đạo, nên chấp nhận thế độ, đặt pháp hiệu là Từ Nhẫn. Từ đó Ngài chuyên cần tu học, sốt sắng công quả hằng ngày, ham tìm học kinh; luật; luận nên Hòa thượng Bổn sư rất thương mến, thường riêng dạy truyền giáo pháp.
Năm Mậu Ngọ (1918), nhân dịp chùa An Lạc ở thôn Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Chánh Hạnh khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư giới thiệu tới nhập Kỳ thọ Sa di giới. Qua năm sau Kỷ Mùi (1919) tại chùa Diệu Giác ở xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Trí Thắng khai trường Kỳ, Ngài cũng được Bổn sư giới thiệu đến nhập Kỳ xin thọ Cụ túc giới. Sau khi thọ giới trở về, Ngài được Bổn sư đặt pháp húy là Như Đắc, nối pháp đời thứ 39 dòng Đạo Bổn Nguyên. Lúc này Ngài vừa tròn 20 tuổi.
Vào ngày 27 tháng 10 năm Canh Thân (1920), nhân có lời thỉnh nguyện của các đạo hữu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, Ngài được Bổn sư cử về đó trụ trì. Khi Ngài về đây thì chùa đã dột nát nhiều, Ngài đứng ra vận động thập phương đóng góp để trùng tu chùa được khang trang, tạo nên cảnh già lam thắng địa nơi thôn dã. Từ ngôi chùa này, Ngài Từ Nhẫn khởi bước hoằng dương chánh pháp, đem lợi lạc đến cho chúng sinh, được nơi nơi biết đến. Sau đây là đơn cử một số công đức của Ngài:
- Năm Canh Thân (1920), Hòa thượng Quảng Phát ở chùa Phú Long làng Phú Nhuận, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, Ngài được thỉnh làm Đệ lục Tôn chứng.
- Năm Tân Dậu (1921) ngày 10 tháng 10 Âm lịch, chùa Thiền Tông ở thôn Bình Thạnh, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tam Tôn chứng. Cùng năm ấy, Hòa thượng Diệu Đại ở chùa Tịnh Độ làng Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ vào ngày 6 tháng Chạp Âm lịch, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng.
- Năm Nhâm Tuất (1922), Hòa thượng Hoằng Nghĩa ở chùa Giác Lâm làng Phú Thọ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch, Hòa thượng Ngộ Thông tại chùa Châu Long làng An Bình Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, mở trường Kỳ thỉnh Ngài làm Đệ nhị Tôn chứng. Tại chùa Tam Bảo làng Vĩnh Thanh Vân tỉnh Rạch Giá, vào tháng 9 Âm lịch, Hòa thượng Trí Thành mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tứ Tôn chứng.
- Năm Quý Hợi (1923), Hòa thượng Minh Giảng chùa Phước Lâm ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ ngũ Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 âm lịch, chùa Sắc Tứ Tập Phước tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ.
- Năm Giáp Tý (1924), Hòa thượng Như Hóa ở chùa Đại Giác làng Nhị Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa mở trường Kỳ, cung thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ. Cùng năm ấy, sau lễ Phật Đản, chùa Khánh Lâm ở làng Tân Sơn Nhất mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Phó Trị sự cùng chúng Tăng ở lại an cư kiết Hạ.
- Năm Ất Sửu (1925) tại chùa Sắc Tứ Phước Quang làng Phước Lộc, tổng Nghĩa Hạ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung, Hòa thượng Tăng Cang mở trường Hương, mời Ngài làm Phó Duy Na cùng chúng Tăng an cư kiết Hạ. Đến ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch mãn Hạ, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Tăng Cang lại mời Ngài làm Thạc đức Giáo thọ.
Tại trường Kỳ này, Ngài gặp được Thiền sư Tra Am - Viên Thành, do mến đức tài đã mời Ngài ra kinh đô Huế dự lễ chúc hộ vua Khải Định tại chùa Sắc tứ Báo Quốc, được Hoàng Thái hậu Khôn Nghi hiệp cùng triều đình ban thưởng ngân tiền, nhà vua xuống chỉ phong Ngài phẩm vị Hòa thượng và biểu ngạch Sắc tứ Thới Bình tự. Thời gian ở Kinh đô Huế, Ngài đã đến hội kiến Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Hải Hội và thường lui tới đàm luận đạo lý với Thiền sư Tra Am - Viên Thành ở chùa Ba La Mật.
Rời kinh đô Huế, Ngài tiếp tục lên đường vân du ra Hà Thành đất Bắc. Do tiếng tăm đạo đức của Ngài vang xa, lại được các nhựt báo đưa tin vua Khải Định sắc phong, nên đi đến đâu Ngài cũng được nghênh tiếp trọng thể. Viếng thăm các Phật tự, danh lam và yết kiến chư Tôn đức xứ Bắc một thời gian, cuối tháng Chạp năm Bính Thìn (1926), Ngài xuống tàu thủy trở về miền Nam. Chuyến đi vân du Trung Bắc của Ngài trải qua 10 tháng.
- Năm Quý Mão (1927) chùa Long Khánh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Thiền gia Pháp chủ Kiếm Bố Tát Hòa thượng. Khi mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Nhơn thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma. Trước đó, nhằm ngày 16 tháng 2, chư Sơn và quan viên, hương chức làng Phước Lại nhất tâm làm tờ thỉnh nguyện, có viên chủ quận Cần Giuộc chứng thực, viên chủ tỉnh Chợ Lớn chuyển đạt lên triều đình chiếu phê tôn tặng Ngài là “Quốc Ân Đại Hòa Thượng”.
- Năm Mậu Thìn (1928) tháng 4 Âm lịch, chùa Hưng Long ở ngã 6 Chợ Lớn mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Minh Đàn Hòa thượng. Đến tháng Bảy mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Huệ Quang thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma.
- Năm Kỷ Tỵ (1929) tháng 4 Âm lịch, chùa Kiến Phước ở làng Vĩnh Kim, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho mở trường Hương, Hóa chủ là Bửu Thông Yết Ma, Chủ hương là Thiện Niệm Yết ma chùa Viên Giác, cùng thỉnh Ngài làm Thiền chủ Hòa thượng, ở lại cùng Tăng chúng an cư kiết Hạ 3 tháng và chưởng quản thiền môn.
- Năm Canh Ngọ (1930) nhằm ngày 19 tháng 2 Âm lịch, tại chùa Sắc tứ Thới Bình có làm lễ lạc thành trùng tu và mở trường Kỳ chúc thọ giới đàn, chư Sơn trong miền hiệp cùng quan viên, hương chức tôn Ngài thăng vị Đường đầu Hòa thượng. Tháng 4 Âm lịch cùng năm, chùa Viên Giác ở Bến Tre mở trường Hương. Chủ Hương là Thiện Niệm Yết ma thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng, đồng thời trường Hương ở chùa An Phước ở Sa Đéc, Chủ Hương là Chánh Tín Yết ma cũng thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng. Điều đó chứng tỏ đạo hạnh và uy tín của Ngài trong chốn thiền lâm rất là cao trọng. Nửa tháng ở Bến Tre, nửa tháng lên Sa Đéc, Ngài phải hành cước khứ lai đem pháp vũ thấm nhuần cho Tăng chúng, khiến trong giới Tăng già hay hàng tứ chúng thảy đều tán thán công đức của Ngài. Đến ngày 20 tháng 10 Âm lịch, chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở núi Điện Bà tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Khâm thỉnh Ngài làm Chứng Đàn Hòa thượng.
- Năm Quý Dậu (1933) vào ngày 12 tháng 3 Âm lịch, chùa Giác Viên ở Chợ Lớn mở trường Kỳ, Hòa thượng Thạnh Đạo thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng. Ngày 8 tháng 4 năm đó, chùa Giác Hoàng ở làng Tân Thới Nhứt, tổng Bình Thạnh Hạ, tỉnh Gia Định (Bà Điểm) mở trường Hương. Chủ Hương là Yết ma Bửu Đạt thỉnh Ngài tái vị Thiền chủ Hòa thượng chưởng quản bên Tăng giới An cư kiết Hạ ba tháng. Đến ngày 11 tháng 8, chùa Sắc tứ Thiên Tôn ở Thủ Dầu Một mở trường Kỳ, Hòa thượng Từ Phong thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng.
Năm Giáp Tuất (1934) chủ chùa Đông Thạnh, ở làng An Đông Xã, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định là Tỳ kheo ni Diệu Thọ hiệp với bà Montel thiết lập thủy lục trai đàn cầu siêu cho những kẻ bạc số chết đuối trên các sông rạch từ Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng, Lộc Giang, Bến Lức, Thủ Thừa, Nhựt Tảo, Bến Ba, Bao Ngược, kinh Nước Mặn, Thủ Bộ, Cần Giuộc, rạch Cát Hạ, Chợ Lớn đến Thị Nghè, cầu Bình Lợi, Gò Vấp, Thủ Dầu Một, Bến Thế, Thủ Thiêm. Vì trai đàn quá lớn, phạm vi cử hành lễ cầu siêu quá rộng, nên phải xin phép và được sự chấp thuận của các viên chủ tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Thủ Dầu Một, chủ quận Hóc Môn, Thủ Đức. Trai chủ đã cung thỉnh Giáo thọ Thiện Huệ chùa Giác Tánh làm chủ sự, Ngài Từ Nhẫn làm Hòa thượng Chứng minh. Trai đàn kéo dài trong 5 tháng 20 ngày, tổng cộng 23 tuần lễ.
- Năm Mậu Dần (1938) chùa Phước Thạnh ở Trảng Bàng mở giới đàn do Giáo thọ Thiện Toàn chủ trì, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Bố tát Hòa thượng.
- Năm Kỷ Mão (1939) chùa Phước Chỉ ở Trảng Bàng, Yết ma Quảng Vân mở giới đàn, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Trị sự Hòa thượng.
- Năm Canh Thìn (1940) chùa Thái Nguyên ở làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định mở giới đàn. Hòa thượng Thiện Huệ làm Chủ Hương, thỉnh Ngài làm Chứng minh Trị sự kiêm Bố tát Hòa thượng.
Trên đây lược kê công đức hoằng pháp độ sinh của Ngài Từ Nhẫn, khắp trên các miền đất nước, từ Thừa Thiên – Huế vào đến miền Đông, miền Tây lục tỉnh. Trong lúc đó Ngài cũng không quên kiến tạo và trùng tu các ngôi Tam bảo để có nơi cho Tăng Ni tu hành và Phật tử chiêm bái tụng kinh, nghe pháp. Ngoài việc trùng tu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại khi Ngài mới tới đây làm trụ trì năm 1923, Ngài còn trùng tu chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, là nơi Ngài xuất gia đầu Phật và là chùa Tổ nơi Bổn sư Ngài hành đạo, đã bị mối mọt xuống cấp nhiều vào năm 1936.
Về khai sơn tạo tự, Ngài đã lập ngôi chùa mới là Chưởng Phước tự tại làng Long Hậu Tây là nơi sinh quán của Ngài vào năm 1935, và chứng minh cho hàng Cư sĩ lập chùa mới Kỳ Viên ở làng Phú Nhuận. Ngài còn lập hai ngôi tịnh thất trong khuôn viên chùa Thới Bình năm 1932 và chùa Chưởng Phước năm 1936, cả hai ngôi tịnh thất này đều được Ngài đặt tên là “Linh Thoại Ứng tịnh thất” và “Từ Tâm tịnh thất” là nơi hàng năm Ngài nhập thất khi không dự các trường Hương.
Năm Canh Dần (1950) sự vô thường sanh tử chợt đến với bậc cao Tăng khả kính giữa lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang nở rộ ở Nam kỳ lục tỉnh. Ngài thị tịch vào ngày 19 tháng 9 năm Canh Dần (1950), trụ thế 52 năm, giới lạp 31 mùa Hạ, để lại bao thương tiếc cho thiền lâm tứ chúng. Bảo tháp của Ngài được dựng tại chùa Linh Nguyên, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Linh vị Ngài được tôn thờ cho đến ngày nay tại Tổ đường chùa Giác Lâm, quận Tân Bình.
Chính do công lao đóng góp của Ngài cho Đạo pháp mà đương thời tên tuổi Ngài được ghi vào thành tích hóa độ cùng với nhiều danh nhân, thượng trí, đại đức trong một cuốn sách nhan đề : “Kim Bửu Thư” với bức chân dung của Ngài phía dưới ghi dòng chữ “Đại Giác Chí Tôn Quốc Ân đại Hòa thượng”.