NHỮNG HƯ CẤU LIÊN QUAN ĐẾN CÁC VỊ VUA ĐỜI NHÀ TRẦN
Trúc Lâm Lê An Bình
Ngày 1 tháng 3, năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên đuổi theo rất gắt hai vua (Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế Nhân Tông) phải bỏ thuyền, xử dụng đường trên bộ đi đến Thủy-Chú (không rõ nơi nào ngày nay), sau đó lấy thuyền ra cửa Nam-Triệu, vượt biển Đại-Bàng (thuộc địa phận xã Đại-Bàng, huyện Nghi-Dương, tỉnh Hải-Dương) đi vào Thanh-Hóa. Như thế ta thấy ở đây quân đội Đại Việt đang rơi vào thế tam đầu thọ địch đúng như kế hoạch của kẻ địch dự trù là các cánh quân của Thoát Hoan từ Thăng Long tiến về phối hợp với các cánh quân của tướng Hữu thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa Ô Mã Nhi Bạt Đô (sau khi chiếm xong bãi Tha-Mạc) bằng đường thủy; cánh quân của Toa Đô giải quyết xong chiến trường Thanh, Nghệ cũng thẳng đường tiến tới Thiên Trường. Để giải tỏa thế gọng kềm này ta phải giải quyết ra sao?Từ Thiên Trường một cánh quân của ta rút về các lộ vùng đông bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh) để dụ địch rượt theo rồi chờ cho Toa Đô dẫn quân ra khỏi Thanh Hóa thì ta mới vượt biển Đại-Bàng như đã nói ở trên để vào chiếm lại Thanh Hóa làm căn cứ đóng quân. Toa Đô vừa phải vất vả ngược xuôi để rượt đuổi quân ta, rốt cuộc cũng chẳng được gì lại mất đi cứ điểm vừa mới chiếm. Cương Mục Chính Biên quyển VII có đoạn viết: «Lúc ấy quân Nguyên đuổi theo riết, nhà vua phải mời thượng hoàng cùng ngự một chiếc thuyền con, chạy ra nguồn Tam Trĩ, một mặt khác, sai người kéo thuyền của vua vẫn ngự đi ra ngả núi Ngọc Sơn, để đánh lừa quân Nguyên. Tướng Nguyên do thám biết được mưu ấy, mới sai Hữu thừa là Khoan Triệt, Tả thừa là Lý Hằng chia đường đuổi theo. Nhà vua phải đổi đi đường bộ đến xã Thủy-Chú, rồi lại đi thuyền đến sông Nam-Triệu, qua cửa biển Đại-Bàng vào Thanh Hóa».
Ngày 9 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), hai vua bị tướng Nguyên là Giảo-Kỳ và Đường-Cổ-Đới đem chu-sư (hải quân) ra biển vây và suýt bắt được các ngài. May thay nhờ tướng Nguyễn Cường tận lực hộ giá mới có thể rút ra được về phía nguồn Tam-Trĩ, đồng thời giả đưa thuyền rồng đi miền Ngọc-Sơn (miền biển Thanh Hóa) để đánh lừa giặc. Quân thù tưởng là thyền hai vua chúng đón bắt và tịch thu rất nhiều vàng bạc cũng như nam nữ của ta.
Ở đoạn này ta thấy rằng sau khi quân Đại Việt rút khỏi kinh thành Thăng Long rồi liên tiếp xảy ra các trận đánh Tha Mạc, Bình Than, A Lỗ, Đại Hoàng, Thanh Hóa thì hai vua và quân đội Đại Việt gần như rơi vào thế bị động phải liên tục di chuyển để tránh né sự truy đuổi của quân Nguyên theo Cương Mục ghi «nhà vua phải chạy loạn long đong»; Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: «Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng đêm ngày lo sợ»; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: «Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên…xa giá nhà vua phiêu bạt». Các vị sử gia nói trên phê phán một vị đại anh hùng như Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như vậy thì hơi vội vàng và thiếu khách quan.
Hãy xem tình hình quân thù ra sao, theo Nguyên Sử 13 tờ 8b8-10 ghi: «Tháng 3 ngày Bính Tý Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh xin thêm quân. Lúc bấy giờ Trần Nhật Huyên trốn về hai xứ Thiên Trường và Trường Yên, binh lực lại tập hợp. Hưng Đạo Vương đem hơn ngàn chiến thuyền về nhóm Vạn-Kiếp, còn Nguyễn Lộc thì ở Vĩnh Bình, mà quan quân đi xa lại đánh lâu, treo lơ lửng ở giữa. Quân của Toa Đô và Đường Cổ Đãi lại đến không đúng lúc, nên xin thêm quân. Vua cho đi đưòng thủy là nguy hiểm, ra lệnh cho quân tăng viện đi theo đường bộ» -Toàn Tập Trần Nhân Tông-Lê Mạnh Thát Việt dịch.
Như vậy thì quá rõ ràng, theo Nguyên Sử thì quân Mông-cổ cũng đang rơi vào thế bị động. Thế bị động đó là chúng phải đối phó với nghĩa quân của ta quấy rối trong hậu phương của địch. Bằng chứng là phản thần Trần-Kiện trên đường về chầu Hốt-Tất-Liệt lại được quân ta cho đi chầu âm phủ; để đối phó với những hoạt động tiêu thổ kháng chiến của quân ta, chúng bắt buộc phải xin thêm quân xây dựng thêm nhiều đồn bót để gia tăng phòng thủ cũng như kiểm soát những vùng đã chiếm được. Nếu thật sự kẻ thù có khả năng làm cho quân ta lúng túng, bị động thì cần gì phải xin thêm viện binh như thế? Sau khi hóa giải thế gọng kềm mà chúng muốn tạo ra để vây hãm quân ta phải quy phục, thì nay chính đoàn quân xâm lược lại bị rơi vào thế trận mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương đã sắp xếp sau cuộc họp ở Hải-Đông. Đó là rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược. Hiện tại ta ở giai đoạn nhì là phòng thủ chiến lược để chuẩn bị bước qua giai đoạn ba là phản công chiến lược.
Chưa hết, tại chiến trường Thanh Hóa quân Mông-cổ đã gặp sức phản kháng rất quyết liệt của quân dân ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1285, tướng Nguyên là Giảo Kỳ kéo quân đến Bố Vệ (thuộc Cần Bố, Thanh Hóa). Người dân trong vùng nổi lên đánh địch, trong đó có dân chúng Hương Yên Duyên (xã Quảng Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa) dưới sự chỉ huy của ông Lê Mạnh tước là Đại Toát đã chống cự quyết liệt khiến chúng không biết đường chống đỡ, rút lui cũng không được tiến tới cũng chẳng xong, cuối cùng vì quân ta có có kẻ phản bội nên giặc Nguyên mới thoát được và chúng còn đốt phá nhà cửa của ông. Sự kiện này không thấy ghi trong sử nhưng nhờ công đức xây chùa nên bia chùa Hưng Phúc ghi lại rằng: «Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân vào hương này. Ông đem người trong hương chận giặc ở bến Cổ Bút. Hai bên đánh nhau giặc cơ hồ không rút chạy được. Nhưng vì có kẻ gian hàng giặc chỉ đường nên nhà cửa của ông bị đốt phá» (Thơ văn Lý Trần, Hà Nội xuất bản 1988 tập II quyển thượng trang 648).
Trong lúc này Hưng Đạo Vương được lịnh đem hơn 1000 chiến thuyền về Vạn-Kiếp là nơi trước đây đã rút lui, còn tướng Nguyễn Lộc đóng ở Vĩnh Bình tạo thế gọng kềm đối với quân thù. Vì thế cả ba cánh quân của chúng do Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Toa Đô đều nằm ở giữa vòng vây mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương dầy công sắp xếp kể từ sau trận Nội-Bàng và Chi-Lăng.
Với tài dụng binh như thần của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như thế, quân đội Đại Việt đang ở thế bị bao vây cả ba hướng, thế mà quân ta đã lật ngược được thế cờ trong những lúc nguy cấp nhất, khiến kẻ thù rơi vào giữa vòng vây của quân ta, như Nguyên sử nói «quan quân đi xa đánh lâu, lại treo lơ lửng ở giữa». Thế mà không hiểu vì sao, ngoài tác giả một số quyển sử như Cương Mục, Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược, có cái nhìn hơi tiêu cực về Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông về giai đoạn này thì có những người khác lại đi xa hơn như trong quyển Histoire du Viet Nam des origines à 1858 do Lê Thành Khôi là tác giả được nhà Sudestasie xuất bản năm 1987 tại Paris.
Trong quyển này ông Lê Thành Khôi viết như sau ở trang 186: «Nhân Tông, bord d’un sampan léger, était descendu Hai-dong (Quang-Yên). Il fit mander Hung-dao et l’interrogea, sucieux: «La puissance de l’ennemi semble telle que je crains qu’une guerre prolongée n’entraîre pour le peuple d’immenses destructions. Ne vaut-il pas mieux nous rendre pour l’en sauver ?» Le généralissime répondit: «Ces paroles manifestent les sentiments d’humanité de Votre Majesté, mais les Temples Dynastiques et les Dieux du Sol et des Moissons, que de viendraient-ils alors? Si vous voulez vous rendre, faites d’abord trancher ma tête!». Nghĩa là: «Vua Nhân Tông đi thuyền nhẹ xuống Hải-Đông (Quảng-Yên). Ngài cho vời Hưng-Đạo-Vương đến hỏi: «Thế giặc dữ dội như thế e rằng cuộc chiến sẽ kéo dài gây tàn hại cho dân chúng, thôi thì để trẫm đầu hàng giặc để cho dân chúng bớt khổ». Hưng-Đạo-Vương trả lời: «Đức ngài nói câu đó thật là vị vua có lòng thương dân, nhưng rồi sơn hà xã tắc sẽ ra sao? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã».Việt Sử Toàn Thư của ông Phạm Văn Sơn biên soạn ở trang 184 có mẩu đối thoại giữa Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương khi hội hợp ở Hải-Đông trên một chiếc thuyền nhẹ nội dung như sau: «Thế giặc lớn như vậy chống với nó e dân sự sẽ tàn hại hay là hàng chúng nó để cứu lấy dân?». Hưng Đạo Vương khẳng khái trả lời rằng: «Bệ hạ vì lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng Tôn Miếu và Xã Tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy chém đầu tôi đi trước đã!»
Ngày 12/05/2003, bài Khí Phách Của Vị Tướng Tại Mặt Trận do Bán Nguyệt San Ý Dân ([email protected])phổ biến trên diễn đàn công luận ([email protected]) và diễn đàn chính luận ([email protected]) có đoạn viết như sau: «Năm 1284, khi giặc Mông Cổ đem đại quân tràn sang tấn công nước ta lần thứ hai, khiến vua Trần Nhân Tôn phải lui binh về Vạn Kiếp và nảy sinh ý định đầu hàng giặc để tránh nhân dân phải đổ máu. Nguyên soái Trần Hưng Đạo, trong vai trò thống lĩnh toàn quân đã dõng dạc thưa với nhà vua rằng: "Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã". Câu nói bất hủ nầy của Đức Trần Hưng Đạo đã có sức mạnh vạn năng khiến vua Trần Nhân Tôn phải hủy bỏ ý định đầu hàng giặc và ra công chống ngoại xâm, đem lại thắng lợi cho dân Việt».
Việt Sử Khảo Luận tập 2, tác giả Hoàng Cơ Thụy do Hội Văn Hóa Hải Ngoại xuất bản 1988 dầy 410 trang. Ở trang 325 ghi như sau: «Vua Thánh Tông đi thuyền nhỏ xuống Hải-Đông (Hải Dương bấy giờ), cho vời Hưng Đạo Vương đến hỏi: Thế giặc to như vậy, mà chống chọi với nó thì dân bị tàn hại, hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân ?» Hưng Đạo tâu: «Bệ hạ nói câu ấy thật là nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao. Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng». Ở đây tác giả Hoàng Cơ Thụy đã chép nhầm một số sự kiện sau đây:
1/ Vua Trần Thánh Tông trị vì từ 24/2/1258 đến 22/10/1278, trong suốt 20 năm này quân Mông-cổ không có đem quân sang đánh Đại Việt, chỉ có căng thẳng ngoại giao giữa ta và nước Tàu;
2/ Địa điểm Hải Đông mà tác giả Hoàng Cơ Thụy ghi rằng vua Thánh Tông gặp Hưng Đạo Vương, nó đã xảy ra vào cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì năm 1285, người làm vua cũng như chỉ huy quân đội Đại Việt lúc đó là vua Nhân Tông (vua Thánh Tông lúc này là Thượng hoàng). Đây là sự lầm lẫn từ nhân vật (vua Thánh Tông); sự kiện (hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân… Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng); cho đến địa điểm Hải-Đông, địa điểm này đã diễn ra cuộc gặp giữa vua Nhân Tông và Hưng Đạo Vương trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì 1285.
Theo Toàn Thư ở trang 173 ghi: «Thế giặc rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc (theo Cương Mục là khúc sông Hồng chảy qua vùng bãi Mạn Trù, nay thuộc xã Tân Châu, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng). Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được điều đó. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách (chống giặc). Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ «nhập tống» (nghĩa là bỏ chạy vào đất Tống) lên mạn thuyền…Vua lập tức dời thuyền đến hỏi thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: «Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác». Cương Mục ở trang 209 cũng ghi như thế.Quyển Tiêu Sơn Tráng Sĩ của tác giả Khái Hưng do Văn Nghệ xuất bản năm 1968, tại Sài Gòn, ở trang 263 ghi: «Vua Nhân-Tôn nhà Trần nghe tin Hưng-Đạo-Vương bại trận chạy về Vạn-Kiếp, liền ngồi thuyền xuống Hải-Đông, rồi vời Vương đến bàn rằng: «Thế giặc to, mà mình chống với nó thì dân bị tàn hại, hay là trẫm ra hàng để cứu muôn dân?». Hưng-Đạo quỳ xuống kiếm dâng vua Nhân-Tôn rồi vươn cổ mà nói rằng: «Bệ-hạ nói câu ấy thật nhân đức, nhưng còn đất nước thì sao? Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hết chém đầu tôi đã, rồi hãy hàng». Cương Mục ở trang 227 có ghi tới sự kiện vua Nhân-Tông gặp Hưng-Đạo-Vương ở Hải-Đông để bàn kế chống giặc cũng như hạ lịnh cho Hưng-Đạo-Vương tấn công giặc Nguyên, chứ không phải có ý đầu hàng như tác giả Tiêu Sơn Tráng Sĩ đã nêu ra. Không rõ tác giả trích đoạn này từ đâu ra, có phải là sự lẫn lộn giữa vua Thái Tông và vua Nhân Tông hay chăng?
Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập 1, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn, xuất bản 1998 tại Hà Nội ghi ở trang 226 như sau về sự kiện này: «Thuyền chủ tướng Trần Quốc Tuấn xuôi sông Lục Nam về Vạn Kiếp. Nghe tin quân ta rút lui, vua Thánh Tông vội vã đi thuyền ra gặp Quốc Công tiết chế. Trời chiều, nhà vua vẫn chưa ăn sáng, người lính cận vệ nắn phần gạo xấu của mình dâng lên. Thánh Tông vờ hỏi Thống soái «Thế giặc như thế ta phải hàng thôi». Trần Quốc Tuấn nghiêm chỉnh trả lời: «Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng». (đây ghi là trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập II trang 51, trang 81). Vua Thánh Tông trị vì từ 24/2/1258 đến 22/10/1278, suốt thời gian này đã không có một trận chiến nào với quân Mông-cổ (do đích thân ngài chỉ huy); về việc dâng phần gạo xấu là xảy ra với vua Nhân Tông (tức là thái tử của vua Thánh Tông trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì 1258). Chúng tôi đã xem lại trong Toàn Thư, Cương Mục phần Thánh Tông Hoàng Đế thì không thấy có đoạn nào tương tự như trên.
Việt Sử Mông Học của Ngô Đức Dung ghi ở trang 149: «Đến đời Hốt-Tất-Liệt, Thế Tổ của nhà Nguyên diệt nhà Tống. Năm Nguyên Phong đời Trần Thái Tôn quân Nguyên sang xâm lược, đóng quân ở bờ tả ngạn sông Thao. Thái Tôn tự làm tướng đánh giặc. Quân Nguyên phải rút. Đến năm đầu Thiệu Bảo đời Nhân Tôn lại sai sứ đòi hỏi 6 việc năm trước. Vua muốn hàng hỏi Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tuấn tâu: «Nếu Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu tôi» vua mới quyết chí chống giặc…». Ngoài ra ở các trang 147-157, tác giả Ngô Đức Dung đã trình bày lẫn lộn giữa vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông; đồng thời các cuộc kháng Nguyên lần thứ I, II, III.
Theo chúng tôi tra cứu thì từ các quyển cổ sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do các sử thần Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn năm 1697; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn bởi Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1856-1881); An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc soạn năm 1335 được Viện Đại Học Huế dịch và xuất bản năm 1961 đều không có ghi sự kiện Hoàng đế Trần Nhân-Tông muốn đầu hàng quân Mông-cổ khi hội họp với Hưng-Đạo-Vương ở Hải-Đông; và không hiểu vì sao các tác giả Phạm Văn Sơn quyển Việt Sử Toàn Thư, Lê Thành Khôi quyển Histoire du Viet Nam des origines à 1858, tác giả Ý Dân với bài Khí Phách Của Vị Tướng Tại Mặt Trận do Bán Nguyệt San Ý Dân xuất bản, Khái Hưng quyển Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Việt Sử Mông Học của Ngô Đức Dung lại gán cho Đức Hoàng đế Trần Nhân-Tông là người muốn đầu hàng quân giặc, đây là một sự kiện không bao giờ có trong lịch sử, dứt khoát là một sự hư cấu! Riêng tác giả Hoàng Cơ Thụy quyển Việt Sử Khảo Luận tập 2, các tác giả Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập 1, thì lại nhầm lẫn tên người, địa điểm cũng như sự kiện. Vì sự học hỏi của mọi tầng lớp người, chúng tôi mạn phép ghi ra đây để chúng ta có thể rút được một vài kinh nghiệm nhỏ (nhưng rất quan trọng) trong việc biên soạn lịch sử nước nhà.
Rất mong các bậc cao minh vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.
Trúc Lâm Lê An Bình
(*) Trích Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông, trọn đời chinh chiến-một thủa thanh bình, do Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo .
Đọc Thêm:
Nghiên Cứu Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát