Tường Trình Tại Liên Hiệp Quốc 9-1963, Hồi Ký Bs. Erich Wulff - Minh Nguyện Việt Dịch

18/09/201012:00 SA(Xem: 22566)
Tường Trình Tại Liên Hiệp Quốc 9-1963, Hồi Ký Bs. Erich Wulff - Minh Nguyện Việt Dịch

qd-title-2

TƯỜNG TRÌNH TẠI LIÊN HIỆP QUỐC (9/1963)

Hồi ký BS WULFF

Minh Nguyện (Việt dịch)

Lời người dịch : Đây là bài thứ ba trích dịch từ quyển Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy học tại Việt Nam), nhà xuất bản Suhrkamp, Taschenbuch Nr. 73, Frankfurt a.M., Germany, 1972, trang 186 đến 202, với tên tác giả Georg W. Alsheimer, bút hiệu của Erich Wulff. Ông này là một bác sĩ người Đức dạy tại trường Đại học Y khoa Huế từ năm 1961 đến 1967, trong khuôn khổ viện trợ giáo dục của Tây Đức. Vì một sự tình cờ, tác giả đã chứng kiến biến cố tại đài phát thanh Huế đêm 8/5/1963 làm 8 Phật tử bị chết một cách thê thảm và đã trình bày sự kiện này trước Uỷ ban điều tra đàn áp Phật giáo Việt Nam của Liên hiệp quốc vào tháng 9/1963.
 
Bài thứ ba này nói về các hoạt động của tác giả tại New York và Hoa thịnh đốn.
 
Sau khi đến New York vào giữa tháng 9/63, bên cạnh những buổi gặp bạn bè, tôi dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc tường trình trước Uỷ ban điều tra của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến cố ngày 8 tháng 5 và những biện pháp đàn áp sau đó. Ba phái đoàn thành viên của Ủy ban muốn ghi lại những lời khai của tôi và yêu cầu cung cấp tài liệu cho mỗi đoàn. Rất may là tôi có mang theo đầy đủ các bản sao. Phái đoàn Campuchia vô cùng hổn tạp. Khi tôi đến Sứ quán của họ, họ không biết tôi là ai và cũng không muốn tiếp tôi nữa. Khi tôi muốn bước ra khỏi cửa, thì một tùy viên hối hả chạy theo vội nói rằng: Ông Ngoại trưởng hiện đang có mặt tại New York để tham dự phiên họp Đại hội đồng muốn nói chuyện tức khắc với ông. Trước mặt ông Ngoại trưởng tôi đã kể hết mọi sự việc và người thư ký bên cạnh ghi lại từng chữ. Ông Ngoại trưởng là một người đang còn trẻ, thông minh, ăn mặc rất bảnh bao. Sáng hôm sau tôi lại phải kể đầu đuôi câu chuyện tại phái đoàn Tích Lan, nhưng không chắc được họ có hiểu vấn đề không. Kiến thức của họ thật là nông cạn về cuộc chiến tại Việt Nam, về các chính sách khủng bố của chế độ, cũng như về lịch sử và các hình thái tổ chức của Phật giáo Việt Nam.

Khi tôi đến Sứ quán của An-giê-ri, sau khi gặp ông Đại sứ, tôi làm việc với một cô thư ký . Cô ta nhận biết ngay những điểm quan trọng chính yếu trong bảng tường trình của tôi: Vụ thảm sát tại Huế trong ngày đại lễ Phật giáo, một đại lễ tương tự như ngày lễ Chúa Giáng sinh bên Thiên chúa giáo, sự khước từ công nhận tổ chức chính thức của một tôn giáo quy tụ đa số quần chúng, việc bắt giam toàn bộ thành phần lãnh đạo Phật giáo, việc sử dụng những chất độc hóa học để đàn áp các cuộc biểu tình bất bạo động của thanh niên. Tất cả những biện pháp đàn ápkhủng bố này có thể bị xem là vi phạm các nhân quyền căn bản về tự do tín ngưởng và tôn giáo được ghi trong Hiến chương LHQ. Đa số các thành viên LHQ có thể sẽ lên án chế độ ông Diệm vì những lý do đó. Tuy nhiên về mặt chính trị thì tốt hơn là không nên nói đến những chính sách khủng bố khác của chế độ như: chính sách áp bức nông dân, sự đàn áp và giết hại những người kháng chiến Việt minh cũ, việc dẹp tan phe đối lập không cộng sản. Rất nhiều các nước thuộc thế giới thứ ba cũng có những chính sách đàn áp tương tự nên họ sẽ không dễ dàng bỏ phiếu thuận vì sợ đụng chạm đến uy thế của mình và xem nhưxen vào nội bộ của các nước đó.

Tôi cũng có những cuộc vận động bên ngoài LHQ. Người ta đã tổ chức một cuộc họp báo không thành công cho lắm, trong đó tôi được giới thiệu là một Giáo sư khoa Giải phẩu (thay vì khoa Tâm thần)! Tôi cũng nói chuyện tại nhà thờ Harrington và tiếp xúc với vài Thượng nghị sĩ tại Hoa thịnh đốn. Ông Frank Church đã tiếp tôi và yêu cầu nêu ra những lý do để Mỹ cần phải tách rời khỏi ông Diệm. Ông ta đã vận động khoảng 30 Thượng nghị sĩ (TNS) sẵn sàng lên tiếng đòi cắt giảm viện trợ Mỹ. Ông Kattenberg, người phụ trách phòng Việt nam vụ tại bộ Ngoại giao cũng đã tiếp tôi hơn một tiếng đồng hồ.

Cuộc vận động chống chế độ ông Diệm như thế đang tiến triển tốt đẹp. Tuy nhiên trong các cuộc tiếp xúc tôi thấy có một sự đắng cay nào đó về điều phải được gọi là chính sách thực dân Mỹ. Ngay cả một người thuộc phe cấp tiến như TNS Church mỗi khi nói đến ông Diệm hay những bạn bè của tôi tại Việt nam đều xem họ như là những con cờ trong những ván cờ của nước Mỹ, và hẳn nhiên xem tôi như đã đồng ý với ông ta (vì tôi là dân da trắng hay vì cùng đứng trong khối quân sự NATO, ai mà biết được). “Nếu chúng ta thay ông Diệm bằng…” hay “Nếu chúng ta thay bằng ông này, ông nọ v.v…” , những câu nói đó tôi nghe đến nhàm chán, tôi có cảm tưởng các nhân vật đó như là những đồ vật trong hộp đồ chơi mà chủ nhân của nó có thể lấy ra hay bỏ vào bất cứ lúc nào cũng được. Không một chính khách Mỹ nào có thể nghĩ rằng một ngày nào đó những người Việt nam có thể tự chọn lựa chính phủ của mình. Các danh từ tốt đẹp như “dân chủ, quyền tự quyết” thật ra chỉ là nơi đầu môi chót lưỡi của người Mỹ mà thôi. Khi tôi kể lại tình trạng đó cho một vài người Việt Nam quen biết của tôi đang ở tại Hoa thịnh đốn thì người nào cũng bất bình.

Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Oánh, một nhân viên của Tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế, (1) tôi đến gặp ông Walt Rostow (cố vấn Tổng thống Mỹ) tại bộ Ngoại giao. Ông ta cũng không đếm xỉa đến các vấn đề truyền thống đạo đức, nhân văn hay xã hội Việt nam. Ông ta chỉ muốn biết một điều:”Chúng ta có thể thắng với ông Diệm không?” – và khi tôi trả lời rằng không, ông ta hỏi liền: “Chúng ta có thể thắng mà không có ông Diệm không?”. “Chúng ta” ở đây không phải là chúng tôi và những người Việt Nam , mà đó là một nước Mỹ đi hàng đầu trong công cuộc chống Cọng…Tôi cũng phải vào hùa với ông ta, vì việc quan trọng hiện nay là phải làm thế nào để lật đổ ông Diệm. Tôi nêu lên sự thiếu khôn ngoan chính trị và tính tự cao của ông Diệm và gieo những sự nghi ngờ về chính sách chống Cọng của ông Diệm. Tôi cảnh báo với ông ta rằng các ông Diệm và Nhu sẵn sàng bắt tay làm hòa với ông Hồ chí Minh còn hơn là nộp mình cho người Mỹ. Điều này đã đánh động được ông ta…

Trong khi đó, những cuộc bàn thảo tại hậu trường Liên hiệp quốc về một nghị quyết Việt Nam vẫn tiếp tục. Đại sứ nước An–giê-ri đã đưa ra một bản dự thảo nghị quyết được sự biểu đồng tình của đại đa số tại Đại hội đồng LHQ, mặc dầu chính phủ Mỹ cương quyết chống lại. Chúng tôi rất phấn khởi. Lời kết án chế độ ông Diệm của tổ chức LHQ sẽ giúp sức cho các thế lực trong chính giới Mỹ từ lâu muốn bỏ rơi ông Diệm. Nhưng một tuần trước cuộc biểu quyết, ông Diệm đã cử Giáo sư Bửu Hội làm Đại sứ tại LHQ. Ông này có nhiệm vụ tìm đủ mọi cách ngăn cản một sự lên án chế độ, hay ít nhất cũng phải làm trì hoãn điều đó. Ông Bửu Hội là một nhà bác học nổi tiếng trên thế giới, một chuyên viên về ngành Sinh hóa học và bệnh Cùi. Ông đã làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Paris, và trước đó là Đại sứ tại Marốc và một vài nước khác tại Phi châu. Vài lời đồn đại cho rằng ông ta nhận lời cọng tác với chế độ ông Diệm là vì thiếu tiền để chi viện cho bốn người tình nhân . Đi cùng với ông ta bao giờ cũng có cô nhà báo Mỹ Ellen Hammer, cao hơn ông ta một cái đầu. Tôi đã gặp ông ta một lần tại phi trường Phú Bài - Huế. Dáng người không cao cho lắm, khuôn mặt tròn đầy và đeo một đôi kính thật dày, đến nỗi hai đôi mắt chỉ hiện ra như hai vạch nghiêng trên mặt. Từ bề ngoài như vậy toát lên một vẻ buồn tự tâm can và thái độ trịnh trọng của một vị quý tộc hoàng phái gốc người Huế. Ông ta nổi tiếngViệt Nam vì sự thông minh và tài ứng đối nhanh nhẹn.

Ông Bửu Hội không cần phải mất thì giờ để biết tình hình rất khó khăn để phải chống lại những lời tố giác chế độ ông Diệm. Do đó phải dùng kế hoãn binh, kéo dài thời gian. Nếu ông Nhu thành công trong việc giữ yên lặng trong các thành phố bằng những biện pháp đàn áp của cảnh sát từ tháng tám sau khi ốp các chùa, Mỹ và cả thế giới lần lần quên lãng đi vụ “khủng khoảng Phật giáo”. Đại hội đồng LHQ không thể kéo dài vô hạn kỳ, cho nên chỉ cần ngăn cản một nghị quyết được đưa ra để bỏ phiếu trong kỳ họp lần này. Do đó ông Bửu Hội đề nghị nên gởi một phái đoàn điều tra LHQ đến Việt Nam; ông tuyên bố rằng với việc điều tra tại chỗ, các lời cáo buộc sẽ không còn đứng vững. Ngón đòn này khó mà chống lại được. Cuộc thảo luận tại LHQ bị đình hoãn lại.

Vài ngày trước khi tôi rời New York, một người bạn của tôi tên Trân, một chuyên viên về nguyên tử lực đang dạy tại trường Đại học Columbia mời GS Bửu Hội tham gia một buổi hội thảo với cộng đồng người Việt. Ông ta không thể nào từ chối lời mời của một khoa học gia gốc Việt cũng nổi tiếng như ông. Ông ta nhận lời, nhưng với điều kiện không một nhà báo nào có mặt. Một ngày trước đó, ông ta đã tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ rằng không còn vấn đề khủng khoảng Phật giáo nữa; chính phủ đã giải quyết xong với sự hài lòng của mọi phía, bằng cớ là hiện nay không còn những cuộc biểu tình trên đường phố hay những cuộc tự thiêu của các nhà sư.

Khi tôi đến sớm hơn 15 phút tại điểm hẹn nhà anh Trân, tôi gặp anh bạn sử học Stanley Karnow đang nói chuyện với Josepth Buttinger. Ông này khoảng 60 tuổi, trước đây vào những năm 1954 đến 1959 là người ủng hộ hết mình và cố vấn cho ông Diệm, nhưng nay lại là người chống đối mãnh liệt nhất. GS Bửu Hội đến trễ nửa giờ và có thái độ bối rối vì sự có mặt của ông Buttinger và thầy Nhất Hạnh. Ông ta đưa mắt nhìn nhanh về phía cử toạ và cảm nhận được thái độ chống đối và lạnh lùng sau lời chào mừng nồng nhiệt của ông ta. Qua sự yêu cầu của ông ta, tôi là người phát biểu đầu tiên; ông ta sẽ có lợi thế khi phát biểu liền sau đó. Với những lời lẻ từ tốn, tôi trình bày về những biện pháp áp bức từ mấy năm qua của chế độ ông Diệm đối với Phật giáo, về biến cố ngày 8 tháng 5 tại Huế và các sự kiện trước đó, về những cuộc biểu tình bị đàn áp bởi những chất độc hóa học và các đàn chó béc-giê. Tôi cũng tường thuật những điều tai thấy mắt nghe về tình trạng các nông dân, về chế độ công lý phân biệt, về thái độ hách dịch của các công chức cũng như thói quen của ông Nhu đổ vấy cho “Việt cọng” những tội ác của chính mình.

GS Bửu Hội chăm chú lắng nghe và gật đầu đồng ý càng lúc càng nhiều vào phần cuối bài phát biểu của tôi. Dư luận trong phòng họp rõ ràng đứng về phía tôi, cho nên rất khó cho ông ta chối từ những sự thật do tôi trình bày. Ông ta cũng xác nhận việc Phật tử bị biệt đãi, ông ta cũng công nhận trách nhiệm về những người bị sát hại đêm 8 tháng 5 là thuộc về anh em ông Diệm. Nhưng thay vì chống chế độ, ông ta biện minh cho một “chính sách thực tế” (Realpolitik). Ông Diệm đã chứng tỏ qua các biện pháp cứng rắn hồi tháng 8 vừa qua rằng ông đang nắm quyền bính trọn vẹn trong tay, mặc cho Phật tử, người Mỹ hay dư luận thế giới muốn hay không. Phật tử phải bằng lòng chấp nhận trong tương lai một số sinh hoạt hạn chế, giống như các tín đồ Thiên chúa giáo bên phía Đông Âu vậy và không nên dính đến các cuộc tranh đấu chính trị. Vấn đề là phải giàn xếp nhanh chóng tranh chấp hiện nay hầu tránh thêm những thiệt hại trong tương lai. Ông ta nói Thượng tọa Trí Quang là một người thánh thiện, nhưng không hiểu gì về chính trị. Ông ta cũng là một phật tử thuần thành và đau khổ hơn ai hết vì tình hình hiện nay. Ông ta tâm sự đã nhận công tác tại LHQ vì biết rằng tất cả những sự phản kháng sẽ không thay đổi tình hình tại Việt Nam. Khi mọi chống đối tại Sàigòn và trên thế giới lắng dịu xuống, các vị tu sĩ Phật giáo bị bắt sẽ được trả tự dotrở về lại chùa để tiếp tục tu học hay tiến hành các nghi lễ tín ngưởng. Không có thể đòi hỏi thêm gì được nữa và nên bằng lòng với những gì mình có thể có được. Ông ta chấm dứt bài phát biểu với một thái độ tự đắc. 

Thầy Nhất Hạnh nói tiếp sau đó. Thầy kể lại về những khó khăn mà Phật giáo gặp phải từ khi nước Pháp xâm chiếm Việt Nam và lên án ông Diệm là người tiếp tục các chính sách đàn áptruyền đạo của thực dân Pháp. Nhưng nếu trước đây dân tộc Việt đã không chịu ách đô hộ của Pháp nên đã vùng lên đuổi quân Pháp ra khỏi nước thì nay dân Việt cũng không chấp nhận sự áp bứcđe dọa của chế độ ông Diệm. Tuy nhiên người phật tử không cầm súng trong tay để chiến đấu, mà chỉ vận dụng các phương pháp bất bạo động. Họ không sợ chết. Với sự tự thiêu, một hình thức chết đau đớn nhất, người phật tử đón nhận trước cho mình tất cả những đau khổtra tấnquyền lực nhà nước có thể đem đến cho họ. Tất cả mọi quyền lực của nhà nước như thế đã chứng tỏ vô hiệu. Cái chết và tra tấn không đe dọa được người phật tử. Do đó các biện pháp đàn áp của cảnh sát không còn tác dụng nữa. Rồi đây các cuộc biểu tìnhtự thiêu lại sẽ tiếp tục, điều này không những sẽ đánh động lương tâm của thế giới mà ngay cả đối với rất nhiều công chức và sĩ quan tại Sàigòn. Đường lối thực tế (Realpolitik) của GS Bửu Hội như vậy chỉ là một điều vô ý nghĩa. Một người phật tử nổi danh không nên đưa tên mình để che đậy một điều bất công, mà phải có bổn phận lên tiếng phản kháng, không những nhân danh tôn giáo của mình mà còn phải nhân danh toàn thể cả dân tộc, để chống lại một cuộc chiến vô ích mà ông Diệm đang đưa cả dân tộc đến bên bờ vực thẳm.

Tiếp theo là một lúc im lặng. Cuối cùng anh Trân đứng lên và nói rằng trong nhiều năm qua anh đã ngưỡng mộ GS Bửu Hội như là một vị thầy và một khoa học gia, nhưng nay anh thấy đã lầm. Với “chính sách thực tế” như vậy, thật ra GS Bửu Hội đã phản lại sự thật và ngay cả tinh thần khoa học. Các bạn tôi và tôi đã vội làm dịu lại những lời trực ngôn của anh Trân và anh Trân sau đó đã xin lỗi về những lời lẻ nóng giận như vậy. Tôi rất lấy làm ngạc nhiênchưa bao giờ tôi thấy một người trí thức Việt Nam công kích trực tiếp một đồng nghiệp trước mặt nhiều người khác như thế. Sau lời xin lỗi của anh Trân không khí cuộc hội thảo đã dịu lại. Ông Buttinger kể lại về những kinh nghiệm cá nhân đối với ông Diệm; ông ta bày tỏ nghi ngờ về tình hình ổn định của chế độ mà GS Bửu Hội đã đưa ra trước LHQ để biện minh cho sự chọn lựa của mình. Trước khi chấm dứt buổi gặp, thầy Nhất Hạnh có nói thêm vài lời để yêu cầu GS Bửu Hội hãy nói sự thật trước LHQ về biến cố ngày 8 tháng 5 và xác nhận tính cách độc lập chính trị của Phật tử. Anh Trân cũng khẩn khoản yêu cầu như vậy. Sau đêm hội thảo các người Việt đều rõ rằng GS Bửu Hội đã biết hết chi tiết sự thậtcông nhận là đúng (2). Dư luận dân chúng Việt Nam và nhất là giới trí thức trẻ sẽ đánh giá con người ông ta có đủ can đảm dám nói lên sự thật hay không. Nếu bị chính phủ cấm đoán thì ông ta hãy từ chức và nhường lại công tác tuyên truyền đó cho một người bù nhìn nào khác. Trước khi từ giả, GS Bửu Hội có hứa sẽ “không nói dối”: Điều này có nghĩa ít hơn những gì anh Trân và thầy Nhất Hạnh yêu cầu, nhưng mà nhiều hơn những gì chúng tôi chờ đợi sau bài phát biểu của ông ta.

Nhưng ngày tiếp theo chúng tôi đọc một bản tin trên tờ New York Times, nói rằng ông Bửu Hội đã tuyên bố tại LHQ TT Trí Quang là đặc viên của một tổ chức cọng sản trá hình và những người bị thảm sát đêm 8 tháng 5 là nạn nhân của “Việt cọng”; cũng như không hề có việc các phật tử bị kỳ thị, ngược đãi. Những lời hứa hẹn đêm hôm trước của ông ta như thế chỉ là hảo huyền. Chúng tôi vô cùng phẩn nộ. Nhưng tôi cũng lấy làm thương hại cho ông ta…Vài tháng sau đó, trên đường trở lại Việt Nam sau khi chế độ ông Diệm bị lật đổ, tôi tình cờ gặp lại ông ta tại văn phòng hãng máy bay Air France tại công trường Invalides ở Paris, ông ta tha thiết yêu cầu tôi hãy nói cho bạn bè biết rằng ông ta không bao giờ phản bội tổ quốc và bao giờ cũng muốn làm điều tốt cho đất nước. Ông ta nhớ quê hương, gia đình và nhớ Huế.

Dịch để tưởng niệm 8 vị bị thảm sát tại đài phát thanh Huế 
đêm 8 tháng 5 năm 1963.
Minh Nguyện
Tây Đức, tháng 5/2003
(bổ túc tháng 8/2007).

Ghi chú của người dịch: 
(1) Sau này ông Nguyễn Xuân Oánh làm Thống đốc ngân hàng quốc gia và Phó Thủ tướng trong chính quyền Sàigòn.
(2) Theo sự tiết lộ của TT Trí Quang, chính GS Bửu Hội lại là người đem các tài liệu đàn áp Phật giáo ra khỏi nước để giao lại cho Thầy Nhất Hạnh sử dụng khi phát biểu trước LHQ (Xem Tiểu truyện tự ghi, Thích Trí Quang, Xin xem trang nhà:
http://quangduc.com/Danhnhanvn/09triquang.html );
Điều này cũng được thầy Nhất Hạnh thừa nhận (Xem Vietnamese engaged Buddhism -The struggle movement of 1963-1966, Quán Như Phạm văn Minh, nxb Văn Nghệ 2002, USA, trang 258 ).

Xem các bài trước : 
1. Lễ Phật Đản 1963 tại Huế : http://thuvienhoasen.org/qd-tuongniem-12.htm
2. Tuyệt thực tháng 5/1963 tại chùa Từ Đàm : http://giaodiemonline.com/2007/06/tuyetthuc.htm
 
 

qd-wulff2001Vài hàng về BS Erich Wulff : Ông sinh năm 1926 tại Tallin, thủ phủ của Estland (Esthonia- trước đây thuộc Liên Sô, nay trở lại là một quốc gia độc lập), con của một bác sĩ chuyên khoa Phổi, thuộc thiểu số gốc Đức và mẹ là một người Let (Letthuania - trước đây cũng thuộc Liên Sô, nay cũng trở lại là một quốc gia độc lập), lớn lên với 3 thứ tiếng (Đức, Esthoni và Nga).

Vào tháng 11/1939 ông theo gia đình về ở tại Ba Lan đang bị Đức quốc xã chiếm đóng, học trung học đến tháng 6/1944, sau đó đi quân dịch tại một quân chủng bộ binh tại miền đông nước Phổ và bị bắt làm tủ binh đến tháng 9/1945 sau khi Đức đầu hàng. Ông thi đậu bằng Tú tài trong niên khóa 1946/47 dành cho các cựu chiến binh tại Lippstadt, rồi theo học Y khoa và Triết học tại Koeln (Cologne) từ năm 1947 đến 1953, tốt nghiệp bác sĩ năm 1953. Ông nhận được học bổng quốc gia Pháp theo học tại Paris niên khóa 1953/1954, sau đó làm giảng nghiệm viên và học Cao học ngành Tâm thần tại Marburg, Bayreuth và Freiburg từ năm 1955 đến 1961, và đậu bằng Tiến sĩ Y khoa năm 1960. Ông làm giảng sư tại Đại học Y khoa Huế từ năm 1961 đến 1967 và bắt đầu dấn thân chính trị để báo động thế giới về cuộc thảm sát đêm Phật đản 1963 tại đài Phát thanh Huế và khởi động các hoạt động chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. (xem bài điều trần trước Tòa án Russel về chiến tranh Việt Nam : http://giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=497 )

Từ năm 1968 đến 1974 ông làm Bác sĩ trưởng viện Tâm thần Đại học Giessen và trình luận án Thạc sĩ Y khoa năm 1969. Ông tham gia các phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam và chống đế quốc từ năm 1967, là thành viện sáng lập của Phong trào cải cách ngành Tâm thần, viết báo cho tờ « Das Argument » (Lý luận) và tờ »Sozialpsychiatrische Informationen » (Bản tin xã hội tâm thần). Ông lập gia đình năm 1972 với bà Edith Toubiana, có các con là Jonathan – 1975, Manuel – 1977 và Noemi – 1981. Năm 1974 ông được phong chức Giáo sư thực thụ tại Viện Tâm lý xã hội tại Đại học Y khoa Hannover, và nghỉ hưu từ năm 1994. Ông định cư tại Paris (quận 11) từ năm 2003.

Các tác phẩm : 
Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy học tại Việt Nam), nxb Suhrkamp 1968/72/79. Psychiatrie und Klassengesellschaft (Tâm thần học và Xã hội giai cấp), nxb Fischer/ Frankfurt 1972, Eine Reise nach Vietnam (Một chuyến đi Việt Nam), nxb Suhrkamp/Frankfurt 1979, Psychisches Leiden und Politik (Nỗi đau tâm thần và Chính trị), nxb Campus/Frankfurt 1981, Wahnsinnslogik (Lý luận khùng), nxb Psychiatrieverlag/ Bonn 1995/2003, Irrfahrten, Autobiographie eines Psychiaters (Những chuyến đi lạc, hồi ức của một chuyên gia tâm thần), nxb Psychiatrieverlag/ Bonn 2001.

(Lebenslauf :

* Geboren am 06.11.1926 in Tallinn (Reval)/Estland. Vater Lungenfacharzt und Angehöriger der deutschsprachigen Minderheit, Mutter Lettin. Wächst dreisprachig (Deutsch, Estnisch, Russisch) auf.

* Im November 1939 "Umsiedlung" nach Poznan ins deutschbesetzte Polen im Rahmen des Hitler- Stalinpaktes, Schulbesuch bis Juni 1944, danach Einberufung zur Wehrmacht, Kriegsdienst bei einer Infanterieeinheit in Ostpreußen, Kriegsgefangenschaft bis September 1945. Abiturkurs für Kriegsteilnehmer in Lippstadt 1946/47. Studium der Medizin und Philosophie in Köln 1947 -1953, Approbation zum Arzt 1953. Französisches Staatsstipendium in Paris 1953/54. Pflichtassistenz und psychiatrische Weiterbildung in Marburg, Bayreuth und Freiburg 1955 bis 1961, 1960 Promotion zum Dr.med. 1961-67 Lehrauftrag in der Universität Hué/Vietnam, dort Politisierung und Parteinahme gegen den amerikanischen Viernamkrieg. 1968 -74 Oberarzt der Psychiatrischen Universitätsklinik Gieße, 1969 Habilitation. Engagement in der deutschen Vietnam- Friedens- und antiimperialistischen Bewegung ab 1967, Mitbegründer der Psychiatrie- Reformbewegung, Mitarbeit an den Zeitschriften "Das Argument" und "Sozialpsychiatrische Informationen". 1972 Heirat mit Edith Toubiana, 1975 Geburt vom Jonathan, 1977 von Manuel, 1981 von Noemi. 1974 Berufung auf den Lehrstuhl für Sozialpsychiatrie der Medizinischen Hochschule Hannover. 1994 Emeritierung, 2003 Übersiedlung nach Paris.

* Buchveröffentlichungen: Vietnamesische Lehrjahre, Suhrkamp/Frankfurt 1968/72/79, Psychiatrie und Klassengesellschaft Fischer/Athenäum Frankfurt 1972, Eine Reise nach Vietnam. Suhrkamp/Frankfurt 1979, Psychisches Leiden und Politik, Campus/Frankfurt 1981, Wahnsinnslogik Psychiatrieverlag/Bonn 1995/2003, Irrfahrten. Autobiografie eines Psychiaters. Psychiatrieverlag Bonn 2001.)

Minh Nguyện viết theo tài liệu của Đài truyền thanh và truyền hình WDR-Tây Đức : http://www.wdr5.de/sendungen/erlebte_geschichten/406425.phtml?print=1&i=1

Mục điểm sách Irrfahrten (Những chuyến đi lạc) : http://www.aerzteblatt.de/v4/archiv/artikeldruck.asp?id=33327
http://www.deutsches-fachbuch.de/reinschauen/2d/3884143492.htm

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?