Chuyện Tiền Thân Năm Ngựa

27/01/201412:00 SA(Xem: 10303)
Chuyện Tiền Thân Năm Ngựa

Chuyện Tiền Thân Năm Ngựa:

NGƯỜI ẤN ĐỊNH GIÁ CẢ


Nơi miền bắc Ấn Độ xưa
Trong vương quốc nọ có vua trị vì
Giúp vua là vị quan kia
Có tài định giá những gì bán buôn
Đưa ra giá xứng hợp luôn
Thật thà, chính xác, chuyên môn, lành nghề.
Riêng nhà vua lại thường chê
Vì tiền lời chẳng mang về đầy tay
Khi quan định giá kiểu này
Vua không được lợi, muốn thay quan rồi,
Khi mua muốn trả ít thôi
Đến khi bán lại muốn lời thật cao.
*
Một hôm may mắn làm sao
Có chàng trẻ tuổi lọt vào mắt vua
Nhìn chàng vua thấy rất ưa
Nghĩ thầm: "Chọn hắn rất ư hợp tình
Làm quan định giá triều đình
Chắc là hợp ý với mình lắm đây!"
Thế là vua cách chức ngay
Ông quan già cả bị thay tức thì
Nhà vua chỉ định chàng kia
Làm quan định giá, đưa về hoàng cung.
Anh chàng trẻ nghĩ trong lòng:
"Ta nên tìm cách chiều ông vua này
Mua vào định giá thấp thay,
Bán ra thời định giá này thật cao!"
Thật khôi hài biết là bao
Ông quan định giá cả sao lạ kỳ
Chẳng cần đếm xỉa chút gì
Thực ra giá trị hàng kia thế nào!
Tiền lời như nước tuôn vào
Tham lam vua nọ biết bao hài lòng
Trong khi các kẻ quanh ông
Từ quan cho tới dân không vui
Mỗi khi họ có hàng chi
Nghe chàng định giá tức thì buồn thay.

*
Thế rồi cho đến một ngày
Có ông buôn ngựa tới đây bán hàng
Năm trăm ngựa, cả một đoàn
Một bầy đủ giống sẵn sàng bán đi.
Vua mời ông lái buôn kia
Vào hoàng cung để dễ bề bán buôn
Cho mời chàng trẻ tuổi luôn
Vào theo định giá những con ngựa này.
Anh chàng vội nghĩ ngợi ngay
Làm sao cho vị vua đây hài lòng
Nên chàng nói chẳng ngại ngùng
"Năm trăm con ngựa hợp chung lại rồi
Giá bằng một chén gạo thôi!"
Vua nghe thỏa mãn, tức thời chuẩn y
Lệnh mang một chén gạo kia
Trả cho ông lái, còn chi chần chừ
Lệnh mang đám ngựa vừa mua
Vào trong chuồng ngựa của vua ngay liền.

*
Tất nhiên ông lái buồn phiền
Nhưng ngay lúc đó lặng yên, cam đành,
Sau này ông được nghe danh
Về quan định giá chân thành trước đây
Công bằng liêm khiết xưa nay
Nên ông tìm gặp quan này luôn thôi
Và ông kể hết đầu đuôi
Việc mua bán ngựa vừa rồi trong cung
Muốn quan cho ý kiến chung
Để rồi đòi hỏi vua cùng phải theo.
Quan bèn nói khó chi nhiều
Hãy làm theo đúng những điều sau đây
Thời vua phải biết đến ngay
Bao nhiêu giá trị của bầy ngựa kia:
"Quay tìm chàng trẻ tuổi đi
Biếu chàng một món quà chi đắt tiền
Rồi nhờ chàng chịu cảm phiền
Vào cung định giá gạo thêm một lần
Trước nhà vua và quần thần
Nếu chàng đồng ý muôn phần tốt thay
Chúng ta chuẩn bị vào ngay
Gặp vua giải quyết chuyện này dễ thôi!"
Ông buôn ngựa y theo lời
Tìm chàng tuổi trẻ, đến chơi, tặng quà
Món quà giá trị, xa hoa
Khiến chàng bất chợt thật là mừng vui
Chàng bèn nghĩ cách chiều người

Chiều người buôn ngựa lời ôi dễ dàng.
Ông buôn ngựa nói với chàng
"Khi anh định giá cho đoàn ngựa tôi
Trước đây, tôi thoả mãn rồi
Nay về chén gạo tôi thời nhờ anh
Làm sao định giá khôn lanh
Và rồi thuyết phục vua đành phải nghe"
Chàng trai trẻ nói: "Khó gì
Dù vua có mặt, sá chi chuyện này!"
Anh chàng nghĩ thật thơ ngây
Nghĩ rằng ông lái buôn đây hài lòng
Bán đi đoàn ngựa thật đông
Nhận về chén gạo là xong chuyện rồi.
Chàng xin ngày gặp vua thôi
Vì ông buôn ngựa sắp rời nơi đây.

*
Ông buôn ngựa quay lại ngay
Trình quan định giá trước đây sự tình
Cả hai cùng đến triều đình
Gặp vua chờ đợi tình hình diễn ra.
Hôm nay phòng họp hoàng gia
Tụ về đông đủ vua và các quan
Ông buôn ngựa tới thưa rằng:
"Bữa này tôi đã sẵn sàng về thôi
Biết là bầy ngựa của tôi
Giá bằng một chén gạo nơi chốn này,
Trước khi đi, thật quý thay
Nếu ngài chỉ dạy cho hay một lời:
‘Tại nơi vương quốc của ngài
Gạo kia một chén giá thời là bao?’"
Nhìn chàng "tuổi trẻ tài cao"
Là người định giá từ lâu trung thành
Nhà vua bèn hỏi: "Này khanh
Gạo trong vương quốc của mình giá sao?"
Vẻ ngông nghênh, dáng tự hào
Sau khi quà đã nhận vào đầy tay
Muốn làm vui nhà buôn này
Anh chàng bèn đáp vẻ đầy nghiêm trang:
"Xin tâu bệ hạ hay rằng
Gạo kia một chén giá ngang kinh thành
Thành Ba La Nại của mình
Bao gồm thêm cả cung đình hoàng gia
Thêm vùng phụ cận gần xa
Nói chung giá trị thật là lớn lao
Sánh ngang vương quốc kém đâu
Nước Ba La Nại trước sau giá bằng!"

*
Khi nghe vừa dứt lời chàng
Tức thời toàn thể các quan triều đình
Cùng người có mặt chung quanh
Khắp trong phòng họp phá nhanh ra cười
Sau khi bình tĩnh lại rồi
Họ cùng lên tiếng: "Chúng tôi biết là
Từ lâu vương quốc chúng ta
Coi là vô giá vậy mà giờ đây
Lâu đài cung điện đẹp xây
Cùng toàn thể đất nước này cộng chung
Giá sao nghe thật lạ lùng
Chỉ bằng một chén gạo không hơn gì
Anh chàng định giá ngồi kia
Được vua lựa chọn thật kỳ cục thay
Anh ta chỉ giỏi nịnh hay
Làm cho bệ hạ lâu nay hài lòng
Có đâu chính xác mà mong
Khả năng định giá hắn không biết gì!"
Triều đình vang tiếng cười chê
Nhà vua nghe vậy mặt thì đỏ gay
Trong lòng thấy xấu hổ ngay
tham lam khiến lâu nay mê mờ.
Vua mời quan định giá xưa
Đặt vào chức vụ cũng như thuở nào
Quan già lương thiện lắm sao
Đưa ra giá cả biết bao công bằng
Ngựa kia định giá đàng hoàng
Nhà vua xét lại vội vàng chuẩn y.
Từ bài học đó trở đi
Nhà vua sáng suốt trị vì quốc gia
Công minh, chính trực, thật thà
Nơi nơi thịnh vượng, nhà nhà ấm êm.

(phỏng dịch theo bản văn xuôi
THE PRICE MAKER
của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

NHẬN DIỆN TIỀN THÂN:
Quan già ấn định giá cả là tiền thân Đức Phật.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
19/01/2014(Xem: 16349)
24/01/2017(Xem: 9991)
22/01/2017(Xem: 12809)
31/01/2022(Xem: 2689)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.