Dư Hương Một Bát Tất Niên - Khánh Chi

20/01/201112:00 SA(Xem: 48698)
Dư Hương Một Bát Tất Niên - Khánh Chi

tuyentapmungxuan

DƯ HƯƠNG MỘT BÁT TẤT NIÊN

Khánh Chi


Buổi chiều đó, gương mặt thời gian như hiển hiện thật lâu, khắc khảm một năm những buồn vui được mất cho những ưu phiền tan đi như làn gió và chỉ để còn giữ lại cõi lòng thơm thảo vô ưu...

Tôi không còn nhớ đã bao nhiêu mùa Tết, mẹ mình lụi cụi dậy sớm đi những phiên chợ cuối năm

Những ngày xa xưa ấy, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để mua sắm các thứ đồ cùng một lượt như bây giờ, vì vậy mẹ phải chuẩn bị mọi thứ từ đầu tháng chạp, tháng củ mật nao nao phấp phỏng đợi chờ

Mỗi buổi chợ về, khi thì trong chiếc làn của người có chục cân nếp trắng, lúc lại bó hành kiệu trắng tinh và một chút quà nho nhỏ dành cho mấy anh em háo hức đợi tết. Cứ thế, qua ngày ông Táo về trời, mẹ đã chuẩn bị gần như đầy đủ thực phẩm để cả nhà vui đón xuân sang. 

Tới ngày hai sáu Tết, nhà nhà đã có sẵn lá dong, lạt trắng để gói những chiếc bánh chưng xanh vuông tròn ao ước. Đó đây vang tiếng í ới gọi nhau đụng chung một con lợn giữa mấy gia đình. Người đun nước sôi, người chia phần thịt để kịp nhà ai làm giò, gói bánh… Những ngày cuối năm ấy tưng bừng như một lễ hội của tháng giêng lộc mới. Ngọn gió mùa đông dường như chỉ còn dám se se đủ dành cho những tiếng xuýt xoa nhè nhẹ, dư âm xanh vô tận suốt những phố phường về đến tận ngõ nhỏ quen thân

 

Nhà cửa nhộn nhịp trang hoàng và treo lên đôi câu đối cung chúc tân xuân, nguyện ước một năm mới an hòa hạnh phúc. Cho đến sáng ngày tất niên, những người đi xa kịp trở về đã nghe ấm hương đoàn tụ. Người hẹn hò trên tay hân hoan cành mai vàng biếc nụ. Người nồng nàn sắc đào thắm Nhật Tân. Không khí nguyên khôi của mùa xuân cứ thế nhẹ nhàng về qua cửa, như những đứa con xa kịp trở về ấm áp bên bữa cơm gia đình ngày cuối cùng của năm.

Thường là vào buổi chiều ba mươi, sau khi mẹ nấu nồi nước lá mùi già cho cả nhà tắm gội cuối năm, mấy chị gái vào bếp phụ mẹ một tay làm bữa cơm đoàn viên quây quần thương nhớ. Mâm cơm giản dị đĩa nem rán, bát dưa hành, thịt nấu đông, tô miến nấu măng ngậy hương mà sao chiều nay đậm đà đến lạ. Vẫn là những món ăn quen thuộc ấy thôi, nhưng chiều cuối năm chúng có dư vị khác. 

Ở cõi cao xanh kia, tôi cảm nhận như ông bà mình đang về ăn Tết với cháu con. Căn nhà nhỏ như bừng ấm hơn bởi cành đào phai nở sớm, mâm ngũ quả mướt mát lòng thành dâng cúng tiền nhân. Buổi chiều đó, gương mặt thời gian như hiển hiện thật lâu, khắc khảm một năm những buồn vui được mất cho những ưu phiền tan đi như làn gió và chỉ để còn giữ lại cõi lòng thơm thảo vô ưu. Bên mâm cơm, cha hiền từ nhấp môi chén rượu kể chuyện cháu con ngày tháng xa nhà, ánh mắt mẹ rạng ngời phúc hậu. Mấy đứa cháu nhỏ lon ton như lộc biếc xuân thì cho tôi có cảm giác mình đang được thưởng thức một bữa tiệc tinh thần cuối năm ngon nhất đời người…

Những mùa xanh lá qua đi, tôi lớn lên đi làm ăn xa và nhớ ngày trở về ăn Tết với những người thân trong ngôi nhà của mình. Hăm bảy tháng chạp, ông bạn già vong niên đưa tôi ra bến xe trở lại cố hương, bùi ngùi tiễn nhau năm cũ và hẹn nhau mùng năm, mùng sáu Tết năm sau mùa xuân tái ngộ. Cả đời ông ngoài sáu mươi tuổi thì dễ hơn năm chục năm trọ phố một mình, chẳng còn nhớ quê nhà đâu để ước vọng khấn thầm ông bà tổ tiên mâm cơm chiều ba mươi Tết. Cả đời ông là cuộc di hành trong tâm tưởng để tìm lại đời mình trong nỗi nhớ xa quê, để khát khao bình yên bữa cơm nhà hạnh ngộ. Còn tôi, đầu xanh, thừa sức trẻ, lại chỉ nhong nhóng trên đường xa xứ, tìm cho mình hướng tiến thân, biết bao giờ mới hiểu nổi ánh mắt vời vợi xa của người mình trót đặt tạm cái tên: bạn già. 

Ở phố, các món đồ biếu tặng, đồ ăn uống của cả ba ngày tết được chuẩn bị nhoáng nhoàng, có khi chỉ mất một ngày chợ là đầy đủ cả. Rượu Tây, bánh mứt, miến, măng… trong siêu thị. Giò chả, gà, cá, cao lương mĩ vị đã làm sẵn, đóng gói an toàn thực phẩm chật kín những quầy đông lạnh. Bánh chưng xanh ngắt, vuông vức bày thành chồng ngay đầu các chợ, dưa hành, cà pháo, dưa kiệu trắng muốt gọn gàng đẹp mắt trong các lọ thuỷ tinh. Vẫn là bữa cỗ tất niên với những thức ăn ngon lành, nóng hổi, nhưng đám cháu con uể oải cầm đũa ăn cho qua bữa, uống hết lon bia rồi sửa sang xống áo ra đường chơi tới sáng. Còn lại trong căn nhà thênh thang, hai ông bà già ngồi đợi tiếng chuông giao thừa, leo mấy nhịp cầu thang để đặt xấp phong bao vào giường lũ trẻ… 

Những dư ảnh quê hương nơi một hội làng mớ ba mớ bảy, một giếng nước trong veo bên hàng tre ngút ngát tâm hồn đã thuộc về một nơi nào xa lắm. Chỉ một quê hương ở trong tim mỗi phút nhớ nhà. Nên chi buổi chiều hôm ấy, người lên xe chẳng dám vẫy tay chào lâu để người đứng dưới đường phải tủi lòng ngoảnh mặt giấu vào xa xăm một nỗi nhớ giao thừa. 

Mải ngắm nhìn thiên hạ cuối mùa bận rộn nghiêng chút vàng nắng hanh hao mê mải, tôi cứ run rủi cầu mong ông sẽ ấm lòng với góc bánh chưng xanh, với trời đất quê hương bên chén rượu xuân mừng tuổi hải hà. Để bên bữa cơm nhà êm ả chiều nay, tôi được thêm lần ngộ cố tri hương ngay tại chốn nắm nhau mình đã lặng yên thì thầm trong lòng đất buổi hoa quả khai sinh trái tim người!
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
19/01/2014(Xem: 16348)
24/01/2017(Xem: 9991)
22/01/2017(Xem: 12808)
31/01/2022(Xem: 2689)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.