Cây mai trong thơ văn Lý-Trần là cây mai gì?

24/12/20144:21 CH(Xem: 13248)
Cây mai trong thơ văn Lý-Trần là cây mai gì?
tuyentaphuongphapmuaxuan 2
CÂY MAI TRONG THƠ VĂN LÝ TRẦN LÀ CÂY MAI GÌ?
Chu Minh Khôi

Trong thơ văn thời Lý- Trần, thấy xuất hiện khá dày đặc hình ảnh hoa mai và dường như mỗi khi hoa mai hiện diện đều khiến những áng thơ của thi nhân xưa trở thành những câu chữ xuất thần. Ấn tượng nhất là những bài thơ Tảo mai của Phật hoàng Trần Nhân Tông và “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác thời Lý với câu thơ bất hủ “Cứ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”. 

Bình luận cái hay, cái đẹp trong những áng thơ kiệt tác này, sẽ là thừa nếu như sa đà vào sự săm soi, thắc mắc rằng đó là hoa mai vàng, mai trắng, hay mai hồng? Bởi hoa mai ở đây chỉ mang tính ước lệ hàm chỉ mùa xuân - sự sống - hạnh phúc, và mai vàng hay mai trắng đều mang ý nghĩa thoát tục như nhau, cũng như bất cứ loài hoa thanh khiết và cao thượng nào khác. Nhưng bài viết này không nhằm bình luận thơ, mà muốn đi tìm xuất xứ của loài hoa mà người xưa phải “cúi đầu bái lạy”. 

Mai vàng hay mai trắng?

hoa mai vang yen tu 02
Mai nở rộ ở rừng Yên Tử - Ảnh: Chu Minh Khôi

Báo Lao Động số ra ngày 26-1-2011 có bài “Trước nhà phải trồng cây mai vàng” của tác giả Minh Tự, viết: “…Yêu và tôn thờ hoàng mai như thế, vậy nên người Huế đã mắc phải một nhầm lẫn rất quan trọng. 

Họ cứ khẳng định như chân lý rằng cây hoa mai bất hủ của Mãn Giác thiền sư trong bài kệ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” chính là hoàng mai. Thậm chí các nhà thơ, các nhà giáo và kể cả các nhà sư xứ Huế vẫn bình luận rất vô tư, rằng “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” ấy là mai vàng. Họ đã mặc định “mai cốt cách, tuyết tinh thần” trong Kiều của Tố Như chính là hoàng mai. Họ đã khẳng định cái loài hoa mà Chu Thần Cao Bá Quát suốt cả đời chỉ cúi đầu bái lạy duy nhất, “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, ấy là mai vàng. 

Cho đến một ngày đầu xuân 2009, nhà nghiên cứu Hải Trung đã lên tiếng đính chính cho hoa mai, thì người Huế mới biết rằng từ lâu nay mình đã “lầm to”. Theo tác giả Hải Trung, loài hoa mai mà Mãn Giác thiền sư, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, và rất nhiều tác phẩm trong văn học trung đại Việt Nam và cả trong Đường thi vẫn nhắc đến, chính là loài mai trắng, người Bắc thường gọi là hoa mơ, người Huế gọi là bạch mai, tuyết mai hay hàn mai. 

Loài hoa thuộc họ Mơ, tên khoa học là Prunus mume S.et Z, hoa nhỏ màu trắng như tuyết, quả mai chính là quả mơ mà người ta vẫn thường dùng để chế biến ô mai. Khác hẳn với hoa mai vàng, có tên khoa học là Ochna harmandii Lee thuộc họ hoàng mai, có gốc tích ở phương Nam.

Theo nhà dược học Đỗ Tất Lợi - trong bài viết “Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học” in trên báo Nhân Dân ngày 22-2-1983 thì: “Người Việt mới biết đến cây mai vàng khoảng 300 năm trở lại đây. 

Vào thế kỷ thứ XI, dưới thời nhà Lý, thì Mãn Giác thiền sư đã biết đến hoa hoàng mai đâu mà bảo “nhất chi mai” ấy là một cành mai nở vàng trước sân? Cho đến nay, hoa mai vàng vẫn không thể sống và ra hoa được trong khí hậu lạnh của miền Bắc, vậy thì loài hoa kiên cường nở trong giá buốt khiến cho người quân tử phải “đạp tuyết” để “tầm mai” ấy chắc chắn không phải là mai vàng. 

Wikipedia khi đề cập tới mục từ “Mai vàng” cũng cho biết: “Việc miền Bắc chơi đào, trong miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế.

Tác giả Minh Tự vẫn trong bài “Trước nhà phải trồng cây mai vàng” thêm một lần nữa khẳng định Cây mai trong thơ văn xưa chính là loài mai trắng để rồi: “Dẫu biết rằng loài hoa mai mà người xưa gọi là biểu tượng của người quân tử với cốt cách kiên nhẫn trước lạnh giá của đất trời và lặng thầm lưu giữ tinh hoa đất trời ấy là loài mai trắng ở miền Bắc, nhưng các tín đồ của hoàng mai ở xứ Huế vẫn nhất quyết rằng mai vàng mới chính là loài hoa cao quý, khiến cho kẻ sĩ bất khuất như Cao Bá Quát cũng phải cúi lạy."

"Tôi đã gặp nhiều người Huế trồng mai, chơi mai và hiểu biết về hoa mai để thử đính chính với họ về sự nhầm lẫn này, và nhận lại nhiều cái lắc đầu. Người trồng mai thì bảo hoa mai đương nhiên là cái giống mai vàng này, các thứ khác chỉ là ăn theo mai mà thôi. Người nghiên cứu về hoa mai thì bảo có đến 200 loài hoa mai, nhưng đại diện cho họ nhà mai thì phải là hoàng mai. Người chơi mai thì bảo cứ nhìn cái dáng mềm mại mà vươn cao của hoàng mai, thân cây với những lớp đồi mồi tuyết sương, kiên nhẫn qua nắng mưa để rồi nở ra cho đời những bông hoa vàng tinh anh, ấy mới là cốt cách của người quân tử! Người Huế tôi thủy chung đến mức bảo thủ, nhưng đáng yêu cũng chính là chỗ đó!” - Nhà báo Minh Tự viết.

Thực ra, không chỉ những người yêu hoa xứ Huế mặc nhiên tin rằng cây mai mà người xưa bái lạy chính là hoàng mai, mà ngay cả nhiều học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo, văn học ở miền Nam cũng mặc nhiên hình dung hoa mai trong thơ văn Lý Trần là cây mai vàng. 

HT.Thích Giác Toàn trong bài “Những đóa mai vàng đẹp mãi ngàn năm” cũng viết: “Tóm lại, như chúng ta đã biết, cánh hoa vàng (hoàng hoa) của Thiền sư Thiền Lão, cành mai vàng của Thiền sư Mãn Giác đầu, giữa đời Lý và đóa cúc vàng của Thiền sư Huyền Quang gần cuối đời Trần… cả 3 đóa hoa vàng cách nhau trên dưới 300 năm. Vậy mà khi đọc lại, ta tưởng chừng như 3 con người, 3 vị Thiền sư Thiền Lão-Mãn Giác-Huyền Quang và 3 đóa hoa vàng chỉ là một - như mới đâu đây, mới hôm nào… rồi chợt giật mình. Ồ! Đây rồi - đóa hoa vàng của chính lòng ta “tâm thức sống của chính mình,” của mỗi người chúng ta. Ôi! Những đóa hoa vàng tuyệt bích thiên thu”.

Mai vàng đã phổ biến ở miền Bắc vào thời Lý - Trần

Dĩ nhiên từ trước đến nay, mọi người miền Bắc đều cho rằng cây mai vàng không thể hiện diện ở Bắc Bộ từ thời xa xưa, vì đây là loài cây xuất xứ ở Nam. Miền Bắc chỉ có cây mai trắng, nhưng ít người dùng để chơi Tết, mà ngày Tết thường chỉ chơi hoa đào. Nhưng từ năm 2007, khi rừng Đại lão mai vàng ở Yên Tử được phát hiện và công bố khiến tất thảy đều ngỡ ngàng. 

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đưa rừng mai vàng vào quy hoạch di sản quan trọng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời các nhà khoa học nước ta đã nghiên cứu rừng mai quý hiếm này. Khi khảo sát kỹ nguồn gốc cây mai vàng ở non thiêng đại ngàn Yên Tử, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả và Trường Đại học Nông nghiệp l cũng đều nhận thấy giống mai vàng này đã có cách đây khoảng 800 năm, được phân bố rải rác khắp vùng rừng Yên Tử, nhưng tập trung ở 3 khu chính; đó là: Khe núi dọc từ chùa Hoa Yên xuống, khu rừng thuộc phường Vàng Danh (TX Uông Bí) và khu rừng thuộc dãy núi xã Tràng Lương, Bình Khê (Đông Triều). 

Tại đây, người ta có thể bắt gặp những cây mai cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70cm và có rất nhiều cành. Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thì cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam đều thuộc cùng một loài (tên khoa học là Ochna integerrima), đây là loại mai có 5 cánh, lộc màu xanh. Cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu. Trên một cành có rất nhiều hoa. Kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2 - 3cm. Sự khác biệt lớn nhất mà người yêu thích mai vàng Yên Tử quan tâm là khả năng sinh sống và nở hoa trong điều kiện khí hậu có nhiệt độ lạnh của miền Bắc. 

Chính điều này đã tạo nên những đặc điểm về hình thái, hương thơm và thời điểm nở hoa khác hẳn so với các giống hoa mai vàng ở phương Nam. Truy tìm trong sử liệu, những công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa về di tích danh thắng Yên Tử có rất nhiều, song, hầu như khôngtài liệu chính thức nào nói về loài mai vàng rất quý tại Yên Tử, mọc thành rừng. Chỉ nghe dân gian tương truyền rằng, khi lên núi Yên Tử tu hành, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các Phật tử chăm sóc, cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, những cây mai nhỏ bé đã biến thành rừng mai rộng lớn. 

Một điều đặc biệt, đó là thủ đô Hà Nội ngày nay có quận Hoàng Mai, thế nhưng ít người liên tưởng cái tên địa danh này với loài hoa mai vàng. Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, Hoàng Mai xưa vốn là thái ấp của Thượng tướng quân Trần Khát Chân (? - 1399), ông có nhiều công lao trong cuộc chiến đấu chống các đợt xâm lược của quân Chiêm Thành ra Thăng Long cuối thời Trần. Năm 1390, ông giết được vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, từ đây, quân Chiêm không còn đánh ra Thăng Long nữa. 

Sau chiến công này, Trần Khát Chân được thăng chức Thượng tướng quân, được ban cho thôn Cổ Mai làm thái ấp. Thái ấp của Trần Khát Chân nằm trên vùng cửa ngõ xung yếu trấn giữ phía Nam Thăng Long (điều này cũng dễ thấy và dễ hiểu ở các thái ấp của các vị tôn thất, danh tướng nhà Trần). Trần Khát Chân rất yêu thích cây mai, vì vậy ông cho trồng cây mai thành vườn rừng rộng lớn trên vùng đầm hồ nơi đây dài cả chục dặm. Sử sách cũng ghi lại: Hàng năm, cứ vào đầu tháng Giêng, Thượng tướng Trần Khát Chân vẫn mở tiệc Đại Mai đều đặn tại Trại Mai của mình, mời Hoàng thượng Nghệ Tông cùng các đại thần triều đình đến tham dự và thưởng lãm hoa mai. 

Ngày nay, có 4 làng trong quận Hoàng Mai gồm  Tương Mai, Bạch Mai (xưa là Hồng Mai), Mai Động, Hoàng Mai đều có đình thờ Trần Khát Chân làm thành hoàng. Đình Hoàng Mai thờ Trần Khát Chân ở vị trí trung tâm của làng, trên khu đất cao nằm cạnh ngôi chùa Nga My cổ kính đã có từ đời Lý. Trước cửa đình còn đặt đôi voi đá, đôi ngựa đá đối nhau, đường bệ uy nghi. Chúng tôi đến đình Hoàng Mai, tìm hiểu về tên của địa danh này, các cụ phụ lão mà chúng tôi gặp ở đây giải thích: Thời xưa, Thượng tướng Trần Khát Chân trồng ở vùng này toàn cây mai vàng, nên tên Hoàng Mai có từ đó.

 Trở lại những bài thơ viết về hoa mai của các thi nhân đời Lý-Trần, trong câu thơ đầu của bài thơ Tảo mai 1 (Hoa mai sớm kỳ 1) được nhà thơ Trần Lê Văn dịch: “Năm cánh hoa tròn, vàng nhị phô/ Nổi nênh vảy cá, chìm san hô”. Như vậy, “vàng nhị phô” là một chi tiết chứng tỏ hoa mai trong thơ văn Lý - Trần là mai vàng. 

Từ tất thảy những bằng chứng trên đủ để khẳng định rằng: cây mai vàng được trồng phổ biến ở miền Bắc từ cách đây trên dưới nghìn năm. Theo tôi, có thể mai vàng phát tích từ phương Bắc, rồi sau đó mới di thực vào Nam. 

Ngày nay, cây mai vàng trở thành “đặc sản” từ Huế trở vào miền Nam, nhưng vì đâu mà chúng “đoạn tuyệt” với người dân miền Bắc và chỉ còn sót lại khu biệt ở rừng sâu Yên Tử thì đây là điều mong đợi các nhà khoa học nghiên cứu. (Theo Giác Ngộ)

MỤC LỤC TUYỂN TẬP HƯƠNG PHÁP MÙA XUÂN

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60736)
18/01/2011(Xem: 88478)
07/02/2015(Xem: 12695)
27/01/2015(Xem: 23250)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.