Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đó là cánh cửa mở vào đời sống Phật giáo. Khi nhìn người khác như một vị Phật sẽ thành, chúng ta sẽ không nói dối với người ấy, sẽ không trộm cắp của người ấy, không tà dâm với người ấy, không thể nào giết hại người ấy. Trái lại chúng ta sẽ vun bồi mọi đức hạnh trong cuộc sống chung (thân hòa đồng trú) với người ấy: tâm từ bi, nhẫn nhục, sự tôn trọng, bố thí cúng dường, sự phát tâm tự mình Bồ đề thành Phật để đưa mọi người thành Phật... Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, đó là tất cả giới luật cuả đại Thừa,sự mở đầu và kết thúc của con đường tự mình trở nên toàn vẹn và làm cho mọi người trở nên toàn vẹn. Tất cả mọi đức hạnh đều do đó mà có trong tương quan với tất cả mọi người: con đường tự giác, giác tha giác hạnh viên mãn. Nếu không có chân lý "Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh", làm sao chúng ta có thể nhẫn nhục một cách rốt ráo, nhẫn nhục ba la mật? Làm sao Thường Bất Khinh Bồ Tát, một tiền thân của đức Phật, khi bị người khác giễu cợt, ném đá, mắng chưởi, vẫn một mực chắp tay thưa rằng: tôi không dám khinh người các người, vì trưóc sau gì các người cũng thành Phật.
Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, đó là cội gốc của mọi đức tánh tốt lành nhờ đó mà chúng ta có thể xâm nhập mọi đức hạnh trên con đường đưa tới sự tròn vẹn. Trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm địa, đức Phật nói: "Ta đến cõi Diêm Phù đề, vì tất cả chúng sanh phàm phu ở cõi đất này, thuyết giới tâm địa của Phật Tỳ Lô Giá Na. Lúc mới phát tâm ta thường tụng một giới, đó là nguồn gốc của tất cả Phật, là hột giống Phật Tánh của tất cả Bồ Tát, đó là: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Tất cả mọi loài đều có ý thức, có sắc tâm, dầu tình dầu tâm, đều vào trong Phật Tánh Giới, xưa nay thường có chánh nhân Phật tánh này, xưa nay thường trụ nơi Pháp thân Tỳ Lô Giá Na. Ta đây vì đại chúng đây, thuyết lại giới phẩm vô tận, đó là bổn nguyện tự tánh thanh tịnh, giới cuả tất cả chúng sanh:
Lóng nghe ta chánh tụngGiới tạng trong Phật PhápBa la đề mộc xoaDại chúng hãy nghe kỹNgưoi là Phật sẽ thànhTa là Phật đã thànhThường tin chắc như thếGiới phẩm đã thành đủNhìn thấy mọi người đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều là những hoa sen dầu cho còn nằm trong bùn đất, "Thường tin chắc như thế" "đầu đội vâng giữ giới ấy" (kinh Phạm Võng), đó là giới định Huệ và đại từ bi của đại thừa.
Thiền tông VN xưa nay cũng có cái thấy (Kiến) như vậy, tu hành (Hành) như vậy:
Ai ai đạt giả đồng đồ (đường)Mỗi người đều có minh châu trong nhàMùa xuân vạn thụ khai hoaCành cao cành thấp vậy hòa chứng nênChúng ta hẳn phải suy diễn ra trong một xã hội mà ai ai cũng nhìn nhau như là hoa sen, dầu đã nở dầu chưa nở thì xã hội ấy có đủ mọi điều tốt đẹp, có tất cả nhân đức, có tất cả giới định huệ, và xã hội đó biến thành một Tịnh độ nhân gian, một quốc độ thanh tịnh của Phật. Bởi vì một trong những mục tiêu cao cả của đại thừa là biến đất nước mình thành một quốc độ thanh tịnh của Phật, thực tịnh độ ngay ở nơi mình sống, như câu nói được lặp đi lặp lại trong kinh đại thừa "Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh" (làm thanh tịnh và trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh bằng cách làm cho mỗi con người thanh tịnh và trang nghiêm)
Một trong những nguyên lý nền tảng của đạo Phật-mà về sau đã tạo ra tông Duy Thức-là: chúng ta như thế nào thì chúng ta thấy thế giới như thế đó. Và ngược lại chúng ta nhìn thấy cái gì thì chính chúng ta là cái đó. Một khi nhìn thấy toàn bộ cuộc đời và tất cả chúng sanh là một hồ sen vô tận với vô lượng đóa sen là mỗi một chúng sanh, chúng ta đã tiến đến gần cái nhìn của Phật và đang bước vào thế giới hoa sen của Phật, thế giới Liên Hoa đài Tạng nói theo kinh Phạm Võng hay Pháp giới Hoa Tạng nói theo kinh Hoa Nghiêm. Khi nhìn thấy mỗi một người là một đóa hoa sen thì chính tự thân ta cũng là một đóa hoa sen đang nở:
Cái nhìn của Thiền Tông là:
Toàn thể vũ trụ trọn là một con mắt của Sa MônToàn thể vũ trụ trọn là một điểm linh quang trong chính mìnhToàn thể vũ trụ trọn ở trong một điểm linh quang ở chính mìnhKhi ấy, vẫn nói theo Thiền Tông, tất cả đều là sắc Phật, tất cả đều là thanh Phật, chim chóc cỏ cây đều là A Di đà Phật tuyên lưu biến hóa làm nên. Đó là Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na, pháp giới Hoa Tạng.
Đức đạt Lai Lạt Ma đời thứ 2, trong tập "Những vần thơ huyền bí của một đạt Lai Lạt Ma", viết:
Kinh nghiệm của một hành giả thành tựu là như vầy:
Toàn thể vũ trụ là một mạn đà la linh thánh
Và mỗi chúng sanh là một Hoá thân Phật.
Đó là cái nhìn thâm nhập pháp giới nói trong kinh Hoa Nghiêm:
Nhẫn đến Pháp Giới các chúng sanhKhông ai chẳng hiện trong thân Phật(Phẩm Nhập Pháp Giới)
Trong mỗi cực vi các đầu lôngXuất hiện cõi trang nghiêm ba thuở(Phổ Hiền Hạnh)
Đó là điểm của cái nhìn: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" hay nói theo kinh Hoa Nghiêm "thân Phật không ngằn mé trụ khắp trong thân của tất cả chúng sanh" (phẩm Thăng đâu Suất thiên cung). Đó cũng là kết luận của kinh Hoa Nghiêm: "Tâm, Phật, Chúng Sanh, cả ba không sai khác"
Khi ấy, bổn môn và tích môn hợp nhất, sanh tử tức Niết Bàn, tất cả chỉ là một Hiện Tại vĩnh cửu, một mùa xuân vĩnh cửu của nước Phật, như vua Trần Nhân Tông, Tổ thứ nhất trongTrúc Lâm Tam Tổ, viết trong bài kệ thâu tóm cuộc đời mình:
Số đời một hơi lặngTình trần hai biển trongCung ma đâu còn nữaNước Phật, Xuân vô cùng.