Chén Trà Ngày Xuân - Thích Viên Giác

20/01/201112:00 SA(Xem: 60281)
Chén Trà Ngày Xuân - Thích Viên Giác

tuyentapmungxuan

CHÉN TRÀ NGÀY XUÂN
Thích Viên Giác


blankNgày xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà của xuân. Người xưa coi trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, thư thái nâng chén trà ngon, cho nhau một chút tình đời ý đạo, còn gì thú vị hơn!

Trà là thức uống có từ rất xưa, gắn liền với đời sống con người Á Đông, nhất là người Việt Nam. Trà có mặt trong đời sống của ta từ khi ta sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời (người chết được liệm bằng trà), trà như là một phần tất yếu của đời sống.

Uống trà là một tập quán, tập tục của người Việt Nam, từ hình thức uống đơn giảnthông dụng cho đến thực hiện nghi thức cúng tế đều có sự góp mặt của trà. Phải nói rằng, vai tròtác dụng của trà trong đời sống của con người Việt Nam rất lớn.

Ngoài việc uống trà như là ăn cơm uống nước hàng ngày, trà còn có vai trò cao hơn là đem lại an lạc, thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, cơ hội thưởng thức một thú vui; ở mức độ thấp gọi là giải trí, mức cao hơn là tập cho tâm hồn thanh cao, an tĩnh. Như vậy, uống trà đã trở thành nghệ thuật cao.

Nghệ thuật uống trà khá cầu kỳphức tạp, nó hình thành nghi thức uống trà như nghi thức của tôn giáo, có hẳn một lý thuyết về trà qua tác phẩm Trà kinh, một nghi thức uống trà gọi là Trà đạo. Có kinh, có đạo đó là tính chất tôn giáo của trà.

Nguồn gốc cây trà có từ xa xưa, nhiều huyền thoại bao quanh sự xuất hiện của cây trà, cho thấy người ta ưu ái cây trà như thế nào. Trà, theo huyền thoại, do Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, một hôm ngài không muốn bị sự buồn ngủ chi phối khi ngồi thiền nên đã cắt hai mí mắt vứt xuống đất, ở chỗ đó mọc lên cây trà. Huyền thoại tuy không đáng tin, nhưng điều đó nói lên một thực tế rằng, những người đầu tiên dùng trà là các thiền sư, mục đích là làm cho tâm trí được bình thản và chống lại sự buồn ngủ khi ngồi thiền. Mặt khác, nghệ thuật uống trà xuất phát từ chùa chiền và các thiền sư, các đạo gia.

Nghệ thuật uống trà thịnh hành từ thời nhà Đường, là thời đại thịnh vượng nhất của Trung Hoa, nhất là về mặt thi ca, văn học nghệ thuật, trong đó nghệ thuật uống trà cùng phát triển. Lục Vũ, tác giả của Trà kinh, được coi là Trà thần, ông là một cư sĩ ở trong chùa. Sau này, nghệ thuật uống trà truyền sang Nhật Bản gọi là Trà đạo. Thời bấy giờ, nghệ thuật trà sánh vai với các nghệ thuật khác như cầm, kỳ, thi, họa. Trà được coi là cao hơn tửu (rượu) và kỳ (cờ) vì phẩm chất thanh cao của nó.

Theo Trà kinh, nghệ thuật thưởng thức trà phải hội đủ 9 yếu tố:

1. Phải chế lấy trà.
2. Phải có khả năng chọn lựa loại trà và hương vị trà.
3. Phải có đầy đủ dụng cụ.
4. Phải sửa soạn lửa củi cho đúng cách.
5. Phải có nước pha trà thích hợp.
6. Phải sấy cho đúng cách.
7. Phải tán trà cho tốt.
8. Phải pha trà một cách khéo léo.
9. Phải uống trà đúng cách.

Vấn đề chủng loại trà cũng rất phong phú, nó cũng liên quan đến nghệ thuật thưởng thức trà. Có những loại trà nổi danh trong lịch sử được ghi chép lại như trà Long Tĩnh ở Triết Giang, trà Mông Đỉnh ở Tứ Xuyên… Càng ngày càng có nhiều loại trà nổi tiếng, không chỉ ở Trung Quốc mà ở Việt Nam ta cũng có nhiều loại trà đặc biệt được nhiều người ưa chuộng như trà móc câu, trà ướp sen, trà lài hoặc trà không ướp… thuộc các địa danh Bắc Thái, Thái Nguyên, Bảo Lộc…

Những loại trà nổi danh cũng có những huyền thoại thú vị như trà Mông Đỉnh ở Tứ Xuyên đã đi vào văn học Phật giáo. Trong nghi lễ tiến cúng các hương linh, nghi dâng trà có bài kệ:

Dương Tử giang tâm thủy
Mông Sơn đỉnh thượng trà

Hương linh tam ẩm liễu

Tảo sinh pháp vương gia

Tạm dịch:

Nước dòng sông Dương Tử
Chế bình trà Mông Sơn

Hương linh ba lần uống

Sinh qua cõi Phật liền

Tuy hơi cường điệu, nhưng muốn nói rằng một tách trà ngon đúng điệu sẽ làm cho tâm hồn vơi đi những muộn phiền, tâm hồn sẽ thanh tịnhđạt được trạng thái siêu thoát.

Về nghệ thuật pha trà và uống trà, Trà kinh và các sách bàn về nghệ thuật pha tra, thưởng thức trà khá phức tạp, tựu trung có năm yếu tố căn bản để có được một tách trà ngon: 

1. Trà ngon, 2. Biết pha chế, 3. Thời giankhông gian, 4. Tâm trạng, 5. Bạn bè.

1. Trà ngon:

Tùy theo khẩu vị để mua loại trà có ướp hay không ướp. Nếu ướp như trà sen ở Huế (sen trắng) là tuyệt vời. Trà một lá, hai lá, ba lá. Một lá là ngon nhất. Phải biết bảo quản, đừng để hở gió, ẩm mốc.

2. Biết pha chế: 

a. Trà cụ: Bình và tách trà bằng đất nung hay sứ, không dùng kim loại và thủy tinh, gồm có: Bình, tách (một chén lớn và các chén nhỏ) thìa gỗ hay tre để lấy trà, khay trà (thêm trà thuyền), bình đựng trà. Tất cả đều phải sạch sẽ (nhưng không rửa bằng xà phòng) bày sẵn ở trên bàn. Ấm trà được mở nắp lật ngửa trên bàn hay trên dĩa để không bị dơ.

b. Tự mình pha chế trà: Khác với uống rượu có người hầu rượu, đối với trà thì tự mình sắp đặt bình tách, tự mình pha trà. Điều này nói lên cái lý khắc kỷ vô ngã, không kiêu kỳ cao sang, làm cho trà và tâm mình trở nên thanh khiết. Mỗi động tác chuẩn bị đều được kiểm soát, tỉnh thức và nhẹ nhàng.

c. Lấy nước sôi đổ vào bình trà và các tách trà cho nóng đều, xong đổ nước ra (thở vào thở ra 3 hơi).

d. Lấy thìa gỗ xúc trà bỏ vào bình, lấy nước sôi đổ vào chút ít để rửa trà và đổ ra ngay khi trà chưa kịp ngấm.

e. Rót nước sôi vào (nước khoảng 90o) nhẹ nhàng đậy nắp lại (thở 3 hơi).

Nếu pha với nước sôi chưa đủ độ (80o) thì hương trà chưa bốc. Nước nóng già quá thì hương bốc mạnh nhưng không bền, không có hậu; nấu vừa sôi lấy xuống ngay, sẽ nguội bớt còn khoảng 90o-93o là tốt.

g. Rót trà khoảng 2/3 bình ra chén lớn, chừa lại 1/3 để làm nước cốt dùng cho lần hai. Rót trà từ chén lớn ra chén nhỏ (thở 3 hơi). Nâng tách trà lên thưởng thức hoặc mời khách. Một ấm trà không nên pha quá hai lần.

3. Thời giankhông gian:

Uống trà vào lúc nào ở đâu? Người xưa nói: “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (Đêm về ba cốc rượu, sáng sớm một chén trà). Vậy, vào buổi sáng trước khi đi làm, thưởng thức một bình trà rất sảng khoái. Buổi chiều sau khi làm việc, thanh thản uống một hai chén trà cũng tốt. Vấn đề nơi chốn thì trong phòng hay ngoài sân, trong vườn đều tốt, chỉ cần sạch sẽ thoáng mát và yên tĩnh.

4. Tâm trạng:

Uống trà lúc tâm tư rối bời, lo lắng, sợ sệt hay hưng phấn, náo nhiệt đều không đúng. Tâm lý phải trầm ổn, thư tháitỉnh thức. Sự cảm nhận hương vị một tách trà liên quan rất chặt chẽ với tâm trạng. Thiền sư Nhất Hạnhbài kệ uống trà rất hay:

Chén trà trong hai tay,
Chánh niệm nâng tròn đầy,

Thân và tâm an trú,

Bây giờ và ở đây.

Một cảm xúc trọn vẹncảm xúc toàn diện thống nhất giữa tâm thân và hoàn cảnh. Một giây phút ngưng đọng vắng mặt mọi tư duy, đối chiếu, phân biệt, thất tình, lục dục… Một cảm giác siêu thoáttác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Hoặc như bài thơ của thi sĩ Quảng Từ Vân:

Hương trà quyện cả non sông,
Nước trong xanh biếc thấy dòng tử sinh

Không thời gian gánh nghĩa tình, 

Mây qua trăng tỏ thấy mình còn đây. 

Một cái nhìn trọn vẹn là một cái nhìn thấy rõ các mối quan hệ của tách trà với con người, vũ trụ, thiên nhiên, uống trà như uống cả vũ trụ.

Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh đặc biệt, tâm trạng não nề, trà cũng làm cho người ta say như rượu: 

Vị trà pha nước mắt,

Tỏa mùi hương quanh đây,

Bạn bè giờ xa khuất,

Quê hương như bóng mây,

Cồn cào trong gan ruột,

Chén trà làm ta say.

(Mạc Đình Phương)

Trà, vừa có tác dụng thư giãn, thanh tĩnh tâm vừa có tác dụng làm vơi đi nỗi buồn đè nặng lên tâm tư của con người.

5. Bạn bè đối ẩm:

Nếu có bạn bè thì phải là bạn đồng cảm, đồng điệu có thể chia sẻ với nhau những vấn đề riêng tư mà không còn sự tự vệ nào. Khi đông người thưởng thức thì cần có người phục vụ, phải là người được tập luyện, tránh thô kệch, vụng về làm mất đi nhã hứng thưởng thức trà.

Trong đời sống hiện đại, con người phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng về mọi mặt của xã hội. Sự đấu tranh, cạnh tranh sẽ tạo nên những áp lực, nhiều căng thẳng làm mất thăng bằng tâm sinh lý đưa đến bệnh tật, stress. Tìm cho mình cơ hội để thư giãn tinh thần là điều cần thiết. Thưởng thức trà là cơ hội trong tầm tay của mọi người.

Qua thưởng thức trà, như là một nghệ thuật thư giãn, sẽ đưa đến cho ta một sự hưởng thụ nhẹ nhàng, thú vui thanh nhã, làm quân bình đời sống tinh thầnsinh hoạt đời thường, nâng cao chất lượng và ý nghĩa sống cho con người. Được vậy, ngày nào cũng là xuân như Mãn Giác thiền sư

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai

Thích Viên Giác 
(Giác Ngộ xuân Mậu Tý)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/01/2012(Xem: 60736)
18/01/2011(Xem: 88477)
07/02/2015(Xem: 12695)
27/01/2015(Xem: 23249)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.