50 NĂM - XUÂN XỨ NGƯỜI
Nhuận Hùng
Trời đổ cơn mưa đầu mùa, sau những ngày nắng nóng oi bức. Nam Cali mấy tuần qua, lại có những hạt mưa nho nhỏ rơi liên tục không ngớt, nhưng bầu trời vẫn u ám kéo theo nhiều ngày. Bầu trời lành lạnh lạnh có phải chăng, đó là dấu hiệu. Báo cho chúng ta biết, sắp chấm dứt một năm rồi đấy nhỉ? Hình như (chúng) muốn nói với ta những gì không bằng lời…! Mà chỉ thể hiện bằng những giọt mưa long lanh, nói cho cùng năm 2024 Giáp Thìn vừa qua là một năm trời đã đổ biết bao nhiêu nước, hay trời phạt con dân này đây, tội chi ??? Mà phạt nặng đến thế ư !!!
Người xưa thường hay nói: Sáu mươi năm trước cũng thế, thiên tai bão lụt quá chừng. Năm nay Giáp Thìn đáo lại, không biết bao nhiêu cảnh nhà tan cửa nát, do bão lụt gây ra khắp nơi nơi. Nạn đói khát, nhà cửa tan tác, người dân bơ vơ, cơ hàn từ Âu sang Á trong đó có Việt Nam nước ta cũng gánh chịu nặng ngập lụt ê hề! Cũng quá ư thảm sầu ở miền Bắc Việt Nam.
Cuối năm rồi, chúng ta tất bật cơm - áo - gạo - tiền…Thì dù có “vật đổi sao dời” cũng chẳng có chuyện gì để bàn bạc. Có phải không? Các bạn trẻ ạ!
Ai ai, cũng biết thời gian không ngừng lại, không gian cũng thế, cảnh đời cứ thế mà thoi đưa, tuần hoàn vũ trụ, cũng không ngoài sự luân chuyển của vũ trụ. Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn, là lẽ dĩ nhiên của trời đất...!
Muốn hay không muốn là việc của “ta” trời đất là chuyện của đất trời, qua mùa Đông gió lạnh bão tuyết bập bùng, phủ đầy. Chúng đã để lại cho ta những gì tang thương – mất mác vân vân và vân vân…!
Đúng vậy, ngày tháng phù du qua nhanh thế! Chợt đến – chợt đi, nàng Xuân xứ người, chẳng đợi cùng ai….! Thời gian như nước trôi qua cầu, bến cũ chưa cập, bến mới chờ đợi chăng ai! Sao không thấy anh về? Anh Ơi!!! Xuôi dòng viễn xứ biết đâu mà về? Lưu luyến làm chi cho dòng đời ngược - xuôi, được, mất, hơn -thua, thành, bại, thảm - sầu, năm qua. “Thắng làm vua - thua thì làm giặc” Đừng buồn chi anh ơi !!! Xin hãy nhìn về phía trước còn bao hy vọng nữa cho tương lai.
Bởi vậy, ai cũng có nhiều hoài niệm hứa hẹn cho một năm mới sắp đến. Nói đến “50 năm Xuân - Xứ Người…!” Nàng Xuân đất khách, tuổi tròn năm mươi còn chi nữa mà thương với nhớ. Nếu ở quê nhà, thì nàng Xuân nay cũng đã lọng cọng lắm rồi! Ôi! Thời gian- không gian, mòn mỏi đã bào mòn bao sức sống của thế hệ trôi qua. Nhìn lại, ba năm trước chiến tranh Âu Châu vẫn còn diễn biến chưa dứt hẳn, khói vương mùi súng thuốc, hỏa tiển tầm xa - tầm gần, hỏa tiển đạt đạo, tàu ngầm – thủy lôi…máy bay không người lái tha hồ bắn nhau loạn xạ. Thí thố tài năng, đạn dược tung ra chiến trường, phá tan sự sống êm đềm của dân lành. Thảm cảnh ê hề bày ra trước mặt - ngổn ngang gạch đá hố hầm chơi vơi, ngập trời lời than ai oán, thiêu rụi xác người ngất trời, bốc mùi hôi hám bầu trời Âu Châu !!! Ai là kẻ đã tạo nên oan nghiệt thế ư!? Cũng vì, “tham -sân-si” vẫn hình ảnh “ấy” nhở nhơ liên tục trên màn hình nhỏ…! Nhắc nhở mọi người phải lo phòng bị khi hữu sự gặp tai biến bất thường…! Nạn chiến tranh thế giới kinh khủng lắm người ơi! Nói cho cùng sống – chết đều có số phận!
Nhưng Tết đến chúng ta là những người tha phương, đón Xuân nơi xứ người sao bằng hương vị ở quê nhà. Nhưng (50) năm tròn, lưu lạc nơi xứ người, đón Xuân đất khách, có gì vui không nhỉ???
Người xưa có dạy: “Ôn cố nhi tri tân” (khả dĩ vi sư hĩ) là lời nhắn nhủ của Khổng Tử (trong Luận Ngữ) rất có thể giúp chúng ta hóa giải cơn khủng hoảng, chuyển "nguy cơ" thành "cơ hội", nhưng mấy ai đã hiểu thấu lời tâm huyết đó?
Chúng ta đã học được những gì? Và làm được những gì nơi quê hương thứ hai này. (Tủi- buồn – vui- sướng – tủi nhục cũng quá nhiều…) Giàu nghèo sang hèn cũng lắm ư! Thành – bại, trên thương trường cũng như chiến trường. Học đường – cơ sở hãng xưởng….! Nàng Xuân đến cũng vui vẻ đón chào – nàng Xuân đi cũng mỉm cười thế thôi! Thế hệ cha anh đi qua, thì thế hệ hậu sanh tiếp nối. Nàng Xuân đất khách nay không còn trẻ trung như xưa nữa? Thế thì, nàng Xuân vui hay buồn nhỉ???
Các bạn trẻ ơi! Xuân là Xuân của đất trời không riêng của ai cả. Dù trẻ hay già Xuân vẫn là Xuân của chúng ta. Những hình ảnh ấy khắc khoản trong tâm trí chúng ta. Từ lúc chào đời cho đến bây giờ... Nhất là những ngày cuối năm nhà nào, cũng như nhà nấy. Truyền thống lâu đời đón Xuân rất tuyệt đẹp, tập tục Tết không thể chối bỏ được. Một khoảng khắc ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn ba ngày thôi được gọi là “Tết” nói nôm na một cách dân dã là ngày mà mọi người chọn cho “nàng Xuân” để làm cột mốc trong năm để mà sinh hoạt và tính đếm tuổi tác v.v...
Trên thế giới này có chung một ngày đầu năm gọi là “Tết Tây” nhưng ngày đó đối với người Tây phương chỉ là ngày đầu năm dương lịch, cột mốc cho năm tháng ngày giờ. Họ không quan trọng như người Việt chúng ta đâu! Dù gì, đi nữa chúng ta sống tha phương khắp mọi nơi trên thế giới này nhưng đến ngày “Tết” là chúng ta nhớ về cội nguồn. Ngày mà tổ tiên - ông bà ta, đặc ra rất là đặc biệt...Hình ảnh “Ngày Xuân” khi Tết đến quý vị đã sinh ra và lớn lên trước năm 1975 tại Việt Nam, bây giờ đang cư ngụ tại hải ngoại. Dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, mỗi năm ngày Tết đến đều mang theo bao hoài niệm nhớ nhung quê hương. Những cảnh Tết ở quê nhà chúng ta tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đậm đà hơn cả keo sơn. Ai ai, cũng thế đã mang dòng máu Lạc Hồng không thể quên đi được sự tích bánh dày, bánh trưng, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa…hay bao lì xì đỏ. Quần là áo lụa cùng nhau đến chùa ngày đầu Xuân, lời chúc Tết đến ông bà, cô bác, cha mẹ, con cháu chúc tụng lẫn nhau. Những lời hay - ý đẹp ngày đầu năm, câu chúc may mắn, từ người này sang người khác. Đó cũng là nét đẹp được ghi lại trong truyền thống của chúng ta...
Tuy là hai phương trời có khác, nhưng chung một truyền thống đón Xuân, chúng ta rất hãnh diện những việc làm ấy. Nhắc đến hai chữ “Nàng Xuân…” chúng ta thể hiểu ngay là nói đến ngày “Tết Ta” có nghĩa là Tết của người Việt rồi đó nhĩ? Hằng năm ngày Tết cũng là đề tài cho nhiều nhà văn, thơ, báo lại còn có cả nhiều nghệ sĩ trẻ trung tài ba, họ diễn đạt nối kết lại hình ảnh xa xưa hay nói lên những gì đang xảy ra nơi sở tại có nhiều người Việt sinh sống. Thật vậy, đề tài này đáng yêu chỉ vỏn vẹn vài chữ “50 Năm – Xuân Xứ Người !!!” là có biết nhiêu ý tưởng cho nhiều thành phần để diễn đạt, tình cảm đậm đà trên sàn diễn…! Cũng như trên nhiều trang báo điện tử hay là báo giấy cũng thế thôi. Xuân vẫn Xuân – Ta vẫn là Ta, có khác gì không nhỉ ???
Chúng ta, thử hãy quay ngược dòng thời gian, là có nhiều câu chuyện (vui – buồn – vinh quang – tủi nhục…) để mà chia xẻ cùng nhau trong ngày đầu Xuân. Dòng thơ thi sĩ lưu lại:
“…Ta tiếc quá mảnh sơn hà gấm vóc
Bốn ngàn năm dựng nước bỗng tan hoang
Ta thương quá chốn quê nhà tổ quốc
Hàng triệu người rên siết cảnh lầm than
Ta muốn khóc cho vơi niềm chua xót
Ta gắng cười cho nỗi nhớ nguôi quên
Nhưng năm tháng đã khô cằn nước mắt
Và nụ cười đã tắt thuở xa xăm
Ta lại sống như hồn ma bóng quế
Trên xứ người khắc khoải kiếp lê thê
Lòng tự hỏi trong cõi đời nhân thế
Cực hình nào hơn nỗi khổ xa quê…!”
Tác giả Phan Huy MPH
Đúng vậy, hình ảnh “Tết” nhất là trong những ngày đầu Xuân ai ai cũng có tâm trạng như thế. Quê hương đất nước không còn như xưa, tuy đã 50 năm ( nửa thế kỷ) mà lòng người vẫn còn nhiều khắc khoải lê thê. Biết đến bao giờ người dân mới có cuộc sống thật sự ấm êm như những năm tháng xa xưa. Mặc dù, rằng những năm tháng “ấy’ chiến chinh liên miên nhưng Tết đến pháo vẫn nổ rộn ràng. Người dân vui nhộn, tưng bừng...Bây giờ thì khác hẳn xa ngày “Tết” ở Việt Nam thứ gì cũng đắt đỏ lên giá vùng vụt.
Nghĩ tưởng, đời sống như vậy, dân nghèo lấy đâu mà ăn Tết cho vui được. Đó là sự thật, mọi người cũng hiểu, ngày Tết là một vấn nạn khổ nhất cho những gia đình lao động, đông con. Kinh tế khó khăn mỗi độ Xuân về, nàng Xuân cũng bùi ngùi cũng chẳng còn “vui” như xưa nữa. Hình như mỗi năm mỗi buồn dần theo năm tháng. Nàng Xuân cũng già đi cũng lú lẫn rồi thế nhỉ? Lúc ấy (nàng Xuân) sẽ là cụ Xuân, thì sự thích thú có gì vui chăng??? “Tết Việt” chi cả…! Có đúng không quý vị!!! Còn chúng ta sống nơi xứ người “Tết” cũng chỉ là “để” nhắc nhở cháu con, chớ nàng Xuân hải ngoại thì khác hẳn (nàng Xuân) quê nhà, Xuân đây chỉ hiện diện nơi nào đó…có đông người Việt với nhau chúc tụng mà thôi. Bởi vậy, nàng Xuân bây giờ cũng là “ Nàng Xuân” “thời đại 4.0” phải tùy thời, tùy thế mà xuất hiện. Chúc nhau, “hai chữ” “…như ý” ta chúc nhau thôi! Nàng Xuân ơi hỡi! Nàng Xuân…!!!
Nàng Xuân như thế thì nàng ở đâu??? Ở đâu thì mặc ở đâu? Nàng Xuân như thể trong lòng chúng ta. Xuân xưa – Xuân nay có chi lạ? Tùy người tùy cảnh, ta tùy Xuân sang…! Mai vàng nở rộ một trời thi ca, mai còn quốc thể cho miền quê ta:
“Huỳnh mai nở một thời thi vị
Mùa Xuân nào chẳng có bông hoa
Khách viễn xứ mơ về cố quốc
Như bốn mùa một điềm giao thoa.”
(Thanh Trí Cao)
Tóm lại, đề tài Xuân rất dài nhưng tôi chỉ ngắn gọn với quý vị trong những ngày đầu Xuân, chúng ta chỉ nhớ nhắc nhở con cháu rằng phong tục đón Xuân của tổ tiên ta rất đẹp. Hằng gìn giữ đừng để mai một dù sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này. Tết là ngày xum vầy trong tộc họ, cũng như những người thân có dịp đến với nhau, chùa chiền lễ bái nơi đó quy tụ rất nhiều...Nếu mà sống không cội nguồn thì chúng ta rất buồn tẻ nơi xứ người. Tết cũng là cơ hội cho mọi người dân Việt tìm về với nhau, nơi hải ngoại này. Cổ nhân đã nói:
“Thiên tăng, tuế nguyệt, nhơn tăng thọ
Xuân đáo, Càn - Khôn, phúc đáo gia”
Nghĩa: (Trời tăng năm tháng, người tăng thọ
Xuân đến nhân gian, phước đến nhà)
Tôi xin mượn dòng thơ dưới đây, kính chúc quý vị năm mới, thứ gì cũng mới, từ lời nói cho đến việc làm tất cả đều mới, tinh thần cũng như vật chất…luôn luôn dồi dào.
“Hạnh phúc miên trường Xuân mãi là Xuân…”
Chúc quý vị, năm Ất Tỵ nhiều may mắn và an lạc suốt năm…! Mọi người, cũng là số “một” nếu không giỏi thì thành số “hai” nhưng hãy chăm chỉ “làm việc” bằng cả tấm lòng thì mới có kinh tế lo cho gia đình. Chiến tranh thì mặc chiến tranh, (nồi cơm chẳng thiếu, túi tiền tròn vo) Lại một lần nữa năm 2025, cầu chúc quý vị thân - tâm - an lạc - vạn sự -kiết tường - như ý, đạt nhiều hy vọng…!
Santa Ana, Bảo Quang Tự
Ngày 21 /12/ 2024
Thích Nhuận Hùng