Một năm tưởng cũng dài lắm, càng dài đối với những con người quanh năm tất bật nghèo khó. Nhưng họ vẫn đợi Tết như đợi một người thân phương xa trở về, dẫu chỉ để xem vô số mặt hàng tràn ngập chợ quê, dẫu chỉ để ngắm một cành đào vừa chớm bông nơi góc phố. Những con tò he như vẫn hót với chất giọng trong trẻo giữa ồn ào nếp chợ, một dạng sóng âm thanh lọc ký ức nhiều bụi bám.
Nếu Tết vĩnh viễn lạc lối nơi phồn hoa giả tạo; nếu Tết nối dài thêm thời gian, những đứa con xa chắc lại nhòa nước mắt hướng về quê cúi đầu lễ tạ. Lớp người già lại tiếp tục từng đêm chờ bước chân quen trở về xóm cũ. Nhưng cũng thật xốn xang khi quê nhà một ngày màu sơn phố thị vùi lấp rêu phong cổ kính. Sẽ thật buồn nếu những bụi tre ngà bị bứng và thay vào bức tường chói lóa. Và nếu Tết có về cũng thật buồn khi tôi phải đứng trên nền móng hoang vu của đình làng và những ngôi nhà thờ họ tộc…
Nhớ đình làng, nhớ những ngôi nhà thờ họ rêu phong mỗi dịp Tết về lại đông đúc vui nhộn. Lũ trẻ tha hồ được chiều chuộng, được phát bánh kẹo và còn được những người xa quê nay trở về mừng tuổi xoa đầu. Những cụ già trong bộ áo dài khăn đóng nghiêm cẩn hành lễ trước sự chứng kiến của con cháu trong họ tộc được lưu vào tâm khảm mỗi tuổi thơ trong ngần mắt biếc. Chiếu được trải kín sân, các bà têm trầu bưng ra đặt lên chiếu cùng trà và thuốc lá. Chuyện vui trong năm rôm rả, chuyện nhớ nhà từ Tết trước của những đứa con xa, chuyện tu sửa nhà thờ, chuyện tặng quà, bằng khen cho trò ngoan học giỏi là con cháu trong họ… Những mâm lễ được hạ xuống, chén rượu quê chơn chất chúc thọ ấm lòng. Trẻ con không tả hết niềm vui cứ ao ước những ngày Tết dài mãi ra.
Người ta không thể cứ ôm mãi ký ức giữa dòng đời cuộn chảy. Tôi cũng phải hòa vào cuộc mưu sinh khắc nghiệt đôi lúc tưởng không còn lối quay về. Cuộc sống bây giờ cái gì cũng đầy tay, song tôi vẫn mãi bâng khuâng nhớ hương vị Tết quê thanh đạm thuở xưa. Từ hai bảy tháng Chạp trong xóm đã râm ran tiếng nói cười, tiếng chày quết chả, tiếng trẻ con túm tụm thả cửa chơi trò. Vào quãng giữa năm anh em tôi đã lo đào côộc tre phơi khô chất sau hồi để Tết nấu bánh chưng; rồi thường được giao nhiệm vụ mang lá dong ra giếng rửa từng ngọn thật sạch. Năm ngoái tôi về vẫn thấy ba tôi tự tay gói bánh, dẫu nó không vuông thành sắc cạnh bằng những cặp bánh chỉ cần alô là người ta mang đến. Ba tôi bảo đây là tấm lòng thành dâng cúng ông bà, phải chọn nếp, làm nhân và tự gói.
Nhớ mùi hương trầm thơm dịu ngọt được vấn giấy trắng có một sọc màu đỏ. Bất cứ lúc nào, hễ hương trầm phảng phất tôi lại ngỡ Tết đang rất gần. Mỗi lần tôi về, ba tôi thường nhắc tôi trước hết là rửa ráy vào thắp hương lên bàn thờ và lúc ra đi cũng vậy. Vào những ngày cận Tết, điều ba tôi cẩn trọng nhất là ở gian thờ, với những người đã mất vẫn một nụ cười mãn nguyện. Có lẽ trong thâm tâm ba mẹ tôi, các cụ vẫn sợ một ngày nụ cười ấy nhạt phai, sợ một hành động bất cẩn sẽ khiến những người đã khuất tủi phận mà lặng lẽ ra đi một lần nữa.
Những đồ vật thờ cúng trên bàn thờ sẽ được mang xuống rửa sạch, lau chùi bóng loáng. Cặp bánh chưng đầu tiên vớt khỏi nồi, ép nước vừa khô là được đặt lên bàn thờ; những món ngon nhất cũng được dâng trước lúc gia đình với những khuôn mặt quây quần thưởng thức. Tôi nhớ lắm ông bà nội ngoại nhưng cảm nhận về sự vắng mặt của họ vẫn còn khá mơ hồ. Có lẽ vì thế hồi nhỏ tôi vẫn thường lui tới lùm Mây, nơi được xem là có nhiều người trong cuộc chiến đã oan khuất nằm xuống…
Trước mặt lùm Mây là bãi hoang rộng, chiều nào cũng có trâu bò gặm cỏ. Không sợ trâu thất lạc hay phá phách, lũ trẻ thả chúng nơi đây là có thể thỏa chí chui vào trong lùm hái trái, hái lá cây ăn được, đào củ mài hoặc ngủ say sưa… Một thanh niên đầu tiên ra bãi hoang trước lùm Mây dựng ngôi nhà rộng sáu mươi mét vuông bằng gạch tự đóng, đưa vợ con ra đó sống; chỗ đất thênh thang thì xin phép làng cày xới trồng đỗ lạc. Từ đấy không còn trâu bò đến, không còn những cánh diều bay lên và tiếng lịch bịch lũ trẻ đá bóng, cũng không còn các cụ già bà lão hay ngồi hóng mát vào mỗi chiều lộng gió… Ban đêm con nít tuyệt nhiên vắng; phải đợi lúc cái bóng hai lăm oát ngoài hiên ngôi nhà lẻ loi bật lên, người ta mới lui tới uống nước ngon.
Vào dịp cận Tết, xóm tổ chức một mâm nhỏ cúng hồn những người xấu số, mong rằng ở phía bên kia cuộc đời họ cũng được hưởng chút hương vị Tết an lành. Công việc này được quan tâm chu đáo, như cái lễ cúng đất chung của xóm. Lệ này có từ khi lập làng, diễn ra đều đặn hằng năm trước lùm Mây (chỉ gián đoạn vào những năm chiến tranh chống Mỹ quá ác liệt). Tuổi nhỏ không hiểu gì, đứng ngoài vòng cuộc lễ sao cứ thấy lâng lâng, nghẹn ngào. Ngày đó làng gồm bốn ấp, mỗi ấp được cấp cho năm sào ruộng, canh tác sanh lợi để lo chi phí lễ; riêng làng là một mẫu hai. Lễ vật do người dân làm tập trung tại nhà Hội trưởng. Ngoài ra mỗi gia đình đều có một mâm bánh (bánh tét, bánh ít, bánh nậm…) người nghèo thì khoai, sắn. Tôi thoáng nghĩ, những người oan khuất không may mắn với cõi trần chắc sẽ mừng lắm, không phải ở chút lễ bình thường mà ở tấm lòng của bao con người trong làng và họ tộc, sẽ an ủi họ hướng về miền sáng tâm linh mà siêu thoát.
Có năm hương án, bốn của bốn ấp và một của làng đặt chính giữa. Đồ giấy có hình hài của các vị trưởng họ, binh lính. Đặc biệt nhất là vị Tiêu diện cao to, khuôn mặt dữ dằn, tay cầm đôộc ba ngạnh, miệng thét ra lửa. Vị này, theo quan niệm của làng, sẽ trừng trị những cô hồn quấy phá buổi lễ, quấy phá cuộc sống của người dân trong suốt cả năm, sau đó ngài sẽ chia đều lộc cúng cho tất thảy. Từ nghĩa cử này tôi dường như đã “hiểu” hơn về những người khuất mặt theo cách gọi dân gian, và từ đó ít cảm thấy sợ ma mỗi lần đến lùm Mây cũng như ngang qua đình vào ban đêm như trước nữa. Họ cũng như ông bà tổ tiên mình trên bàn thờ, chỉ là không may lạc bước nên u hoài vất vưởng.
Lễ bắt đầu vào yết lúc ba giờ chiều, chong đèn dầu kéo dài suốt đêm cho tới mười giờ sáng ngày hôm sau. Suốt thời gian đó kèn trống chiêng la vang trời, cờ ngũ hành chung quanh phấp phới. Việc hành lễ hết sức long trọng giữa nghi ngút khói hương cùng lời khấn vái từ Ban chủ lễ. Lúc lễ tất, nhà nhà bưng mâm bánh trái về. Chủ lễ sẽ thu lại mỗi mâm dăm ba cái bánh, cùng với xôi thịt mang về tại đình dọn ra mời chức sắc vai vế trong làng hưởng lộc; còn dân của ấp nào về ấp nấy…
Có một năm không về quê được, trong mâm cúng tất niên vừa hạ xuống, giữa tiếng nói cười của mấy ông hàng xóm, tôi bỗng giật mình tưởng đang chung vui bên ở nhà ông Hội trưởng sau khi lễ vật bưng về từ lùm Mây. Bây giờ bãi hoang phía trước lùm không còn nhận ra ở đâu nữa, nhà san sát và không một cây cổ thụ nào tồn lại để làm chứng cho nơi này. Lệ làng mất nét, trả lại trong hương ước một tờ giấy trắng. Để rồi cứ tới những ngày cận Tết, các cụ cao niên lại ra đình làng thắp chút hương xưa nhớ vọng.
Chợt nghĩ nếu một dịp Tết trở về quê bỗng tuyệt nhiên vắng bóng các cụ già bà lão, sẽ ra sao? Không ngang vai bằng lứa, một thanh niên như tôi dĩ nhiên không “bạn bè” gì với các cụ. Tết là mùa vui, mùa của trăm hoa khoe sắc, mùa của tuổi xuân tràn sức sống, mùa của sự trỗi dậy… Nhưng vắng họ đình làng bỏ ngõ; những cuộc lễ trọng của làng sẽ phai mờ sinh khí. Trong mỗi ngôi nhà vắng người râu tóc bạc phơ, gian thờ dường như hồn thiêng hoang lạnh. Những cái khoanh tay kính cẩn trước ông bà sẽ gieo vào tâm thức lũ trẻ mãi mãi cho đến khi chúng tung tăng ở cuối chân trời góc bể, hình ảnh đó vẫn là tiếng gọi quay về nguồn cội.
Nhà tôi có một cây đào trước hiên; mỗi ngày mồng trôi qua, hoa rụng càng nhiều. Tôi cứ sáng sớm thức dậy lại nhìn hoa phủ kín mặt đất mà ngơ ngẩn như vừa rơi một vật quý xuống giếng. Dạo khắp đầu thôn cuối xóm, tôi không muốn nán lại bất cứ nhà ai; kể cả những trò chơi Tết vui nhộn ao ước từ lâu nay vẫn ngại ngần tham gia, tiếc thời gian hơn những đồng bạc mừng tuổi còn thơm mùi giấy. Sân đình làng nhộn nhịp tới khuya với nhiều trò chơi dân gian… Về nằm xuống lại sợ sáng tỉnh giấc trên mặt đất sẽ không còn xác đào đỏ au; vẫn biết những tờ lịch hiếm hoi đã biến mất và mẹ đã thay tôi dọn đi sắc màu ám ảnh suốt những tháng ngày mong đợi ngỡ như Tết sẽ không về nữa bao giờ.