Thư Viện Hoa Sen

Xuân Viễn Xứ

05/01/20234:41 SA(Xem: 2799)
Xuân Viễn Xứ

blank
XUÂN VIỄN XỨ

Nhuận Hùng

 

duc phatBóng chiều ngã dài, trên sườn đồi, vài sợi mây xanh vươn vấn, tiếc nuối dư hương nhạt nhòa, chạnh lòng băng giá khách tha phương tìm về cố quốc, nắng chiều uể oải lê thê, trải dài – trải rộng, trên con đường gồ ghề, lõm chõm dốc đá, chơi vơi, màn sương mỏng lành lạnh xuyên suốt, tim ai thắt lại,  khiến cho hồn vía đảo nghiêng góc phố nhỏ…!

Ta vẫn chờ - vẫn đợi bóng hoàng hôn đổ xuống, tháng ngày cuối cùng của năm, trôi dạt – trôi dào mãi mãi nơi mô, để rồi quên lãng nỗi buồn quạnh hiu, lòng tím lịm chút hương xuân tiềm ẩn, tình người cũ rích như đá nghìn năm, mòn mỏi xanh xao !!! Bổng chốc thời gian, là cái chi chi!!!

 

Ai ai, cũng biết thời gian không ngừng lại, cảnh vật vẫn thế mà thoi đưa, tuần hoàn vũ trụ, cũng trong vòng luân chuyển. Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn là lẽ dĩ nhiên của tạo hóa. Muốn hay không là chuyện của “ta” trời đất là chuyện của đất trời, qua mùa Đông gió lạnh bão tuyết bập bùng, phủ đầy. Chúng đã để lại cho ta những gì? Chiều nay nơi xứ lạ - quê người, xa xa nhìn chiếc lá vàng rơi lả tả - ngọn gió hiu hiu, ta ngồi – ta đợi hoàng hôn buông xuống bao vất vả, ê chề trong cuộc sống, đảo điênđiên đảo hòa quyện cùng nhau phiêu bồng- bàng bạc trong hư không kết nối tiếng buồn - tiếng than, gặm nhấm dòng đời thấu buốt lòng ai…!

 

 Đúng vậy, ngày tháng phù du qua mau, mau thế! Thời gian như nước chảy qua cầu, ra đi bến cũ không về lại, xuôi dòng viễn xứ biết về đường mô? Những gì lưu luyến dòng đời, được, mất, thành, bại, buồn, vui, sầu thảm, năm qua. Nhìn về phía trước ai ai cũng có hoài niệm về hứa hẹn một năm mới sắp đến. Nói đến “Xuân Viễn Xứ…!” hương xuân nơi xứ người, tâm trạng ai cũng như ai, vì năm nay chiến tranh Âu Châu vẫn còn vương mùi thuốc súng, hỏa tiển đạt đạo nơi xa nghìn trùng nhưng vẫn nhởn nhơ trên màn hình nhỏ…! Nhắc nhở mọi người phải lo phòng bị khi hữu sự gặp phải tai biến bất thường…! Nạn chiến tranh thế giới kinh khủng lắm người ơi!  Nói cho cùng sống – chết đều có số phận cả…! Nhưng Tết đến chúng ta là những người tha phương, đón Xuân nơi xứ người sao bằng hương vị ở quê nhà. Những hình ảnh ấy khắc ghi trong tâm trí của chúng ta, từ lúc chào đời cho đến bây giờ... Nhất là những ngày cuối năm nhà nào cũng như nhà nấy, truyền thống lâu đời đón Xuân rất đẹp. Một khoảng khắc ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn ba ngày thôi được gọi là “Tết” nói nôm na một cách dân dã là ngày mà mọi người chọn cho “nàng Xuân” để làm cột mốc trong năm để mà sinh hoạt và tính đếm tuổi tác v.v...

 

 Trên thế giới này có chung một ngày đầu năm gọi là “Tết Tây” nhưng ngày đó đối với người Tây phương chỉ là ngày đầu năm dương lịch, cột mốc cho năm tháng ngày giờ. Họ không quan trọng như người Việt chúng ta đâu! Dù gì, đi nữa chúng ta sống tha phương khắp mọi nơi trên thế giới này nhưng đến ngày “Tết” là chúng ta nhớ về cội nguồn. Ngày mà tổ tiên - ông bà ta, đặc ra rất là đặc biệt...Hình ảnh “ngày Xuân” quý vị đã sinh ra và lớn lên trước năm 1975 tại Việt Nam, bây giờ đang cư ngụ tại hải ngoại. Dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, mỗi năm ngày Tết đến đều mang theo bao hoài niệm nhớ nhung quê hương. Những cảnh Tết ở quê nhà chúng ta tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đậm đà hơn cả keo sơn. Ai ai, cũng thế đã  mang dòng máu Lạc Hồng không thể quên đi được sự tích bánh dày, bánh trưng, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa…hay bao lì xì đỏ. Quần là áo lụa cùng nhau đến chùa ngày đầu Xuân, lời chúc Tết đến ông bà, cô bác, cha mẹ, con cháu chúc tụng lẫn nhau. Những lời hay - ý đẹp ngày đầu năm, câu chúc may mắn, từ người này sang người khác. Đó cũng là nét đẹp được ghi lại trong truyền thống của chúng ta...

 

Tuy là hai phương trời có khác, nhưng chung một truyền thống đón Xuân, chúng ta rất hãnh diện những việc làm ấy. Nhắc đến hai chữ “Hương Xuân…” ai ai cũng có thể hiểu ngay là muốn nói đến ngày “Tết Ta” có nghĩa là Tết của người Việt rồi đó nhĩ? Hằng năm ngày Tết của chúng ta cũng là đề tài cho nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nghệ sĩ sẽ diễn đạt lại hình ảnh xa xưa hay nói lên những gì đang xảy ra nơi sở tại có nhiều người Việt sinh sống. Thật vậy, đề tài đáng yêu chỉ vỏn vẹn ba chữ “Xuân Viễn Xứ…!!!” là có biết nhiêu ý tưởng cho mọi người diễn đạt, tình cảm hay là trên sân khấu…!

Chúng ta, thử quay ngược thời gian đã có rất là nhiều câu chuyện để nói cho ngày đầu Xuân, những dòng thơ không thể nào quên được  biết bao thi sĩ  để lại cho chúng ta:

 

“…Ta tiếc quá mảnh sơn hà gấm vóc

Bốn ngàn năm dựng nước bỗng tan hoang

Ta thương quá chốn quê nhà tổ quốc

Hàng triệu người rên siết cảnh lầm than

 

Ta muốn khóc cho vơi niềm chua xót

Ta gắng cười cho nỗi nhớ nguôi quên

Nhưng năm tháng đã khô cằn nước mắt

Và nụ cười đã tắt thuở xa xăm

 

Ta lại sống như hồn ma bóng quế

Trên xứ người khắc khoải kiếp lê thê

Lòng tự hỏi trong cõi đời nhân thế

Cực hình nào hơn nỗi khổ xa quê…!”

 

         Tác giả Phan Huy MPH

 

 Đúng vậy, hình ảnh “Tết” nhất là  trong những ngày đầu Xuân ai ai cũng có tâm trạng như thế. Quê hương đất nước không còn như xưa. Tuy đất nước 47 năm dưới ách thống trị của đảng Cộng Sản mà lòng người vẫn còn nhiều khắc khoải lê thê, biết đến bao giờ người dân mới có cuộc sống thật sự ấm êm như những năm tháng xa xưa. Mặc dù, rằng những năm tháng “ấy’ chiến chinh liên miên nhưng Tết pháo vẫn nổ lòng dân  vui nhộn, tưng bừng...Bây giờ thì khác hẳn ngày “Tết” ở Việt Nam thứ gì cũng đắt đỏ lên giá vùng vụt.

 

Nghĩ tưởng, đời sống như vậy, dân nghèo lấy đâu mà ăn Tết cho vui được. Đó là sự thật, ai ai cũng hiểu, ngày Tết là một vấn nạn khổ nhất cho những gia đình lao động, đông con. Kinh tế khó khăn mỗi độ Xuân về, nàng Xuân cũng bùi ngùi cũng chẳng còn “vui” như xưa nữa. Hình như mỗi năm mỗi buồn dần theo tháng ngày. Nàng Xuân cũng già cũng chẳng thích thú gì với “Tết Việt” cả…! Còn chúng ta nơi quê người “Tết” cũng chỉ là “để” nhắc nhở cháu con, chớ nàng Xuân hải ngoại thì là khác chỉ hiện diện nơi nào đó…có đông người Việt với nhau chúc tụng mà thôi. Bởi vậy, nàng Xuân bây giờ cũng là “ Nàng Xuân” “thời đại” phải tùy thời, tùy thế mà xuất hiện. Chúc nhau, ta chúc nhau thôi! Nàng Xuân ơi hỡi! Nàng Xuân…!!!

 

Hương Xuân như thế thì nàng ở đâu??? Ở đâu thì mặc ở đâu? Nàng Xuân như thể trong lòng chúng ta. Xuân xưa – Xuân nay có khác gì? Tùy người tùy cảnh, ta thời tùy Xuân…! Mai vàng nở rộ một trời thi ca, mai còn là một quốc thể cho quê ta:

 

            “Huỳnh mai nở một thời thi vị

 

            Mùa Xuân nào chẳng có bông hoa

 

            Khách viễn xứ mơ về cố quốc

 

            Như bốn mùa một điềm giao thoa.”

 

Thanh Trí Cao

 

Tóm lại, đề tài Xuân rất dài nhưng tôi chỉ ngắn gọn với quý vị trong những ngày đầu Xuân, chúng ta nên nhớ nhắc nhở con cháu rằng phong tục đón Xuân của tổ tiên ta rất đẹp. Hằng gìn giữ đừng để mai một dù sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này. Tết là ngày xum vầy trong tộc họ, cũng như những người thân có dịp đến với nhau, chùa chiền lễ bái nơi đó quy tụ rất nhiều...Nếu mà sống không cội nguồn thì chúng ta rất buồn tẻ nơi xứ người. Tết cũng là cơ hội cho mọi người dân Việt tìm về với nhau, nơi hải ngoại này. Cổ nhân xưa có nói:

 

            “Thiên tăng, tuế nguyệt, nhơn tăng thọ

 

            Xuân đáo, Càn - Khôn, phúc đáo gia”

 

            Nghĩa, (Trời tăng năm tháng, người tăng thọ

 

            Xuân đến nhân gian, phước đến nhà)

 

Tôi xin mượn dòng thơ dưới đây, kính chúc quý vị năm mới, thứ gì cũng mới, từ lời nói cho đến việc làm tất cả đều mới, tinh thần cũng như vật chất…đều mới là đủ rồi, vạn sự kiết tường, như ý!

 

            “Hạnh phúc miên trường Xuân mãi vẫn là Xuân…”

 

Kính chúc, quý vị Năm Quý Mẹo là năm lắm mưu – nhiều kế…! Ai ai, cũng là số “một” cả, nếu không giỏi thì thành số “hai” nhưng hãy chăm chỉ “làm việc” bằng cả tấm lòng thì mới có kinh tế lo cho gia đình. Chiến tranh thì mặc chiến tranh, (nồi cơm tròn đầy, là tiên trên trời)

Lại một một lần nữa, bước vào năm 2023 cầu chúc quý vị, thân tâm an lạc - vạn sự cát tường - như ý. Kính chào quý vị trong năm tràn đầy hy vọng…!

 

                     Santa Ana, Bảo Quang Tự ngày 1 /1/ 2023

 

                                                 Nhuận Hùng

Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 4281)
17/02/2015(Xem: 19924)
26/01/2011(Xem: 27235)
03/01/2020(Xem: 5479)
26/01/2020(Xem: 5937)
02/01/2019(Xem: 9430)
20/01/2023(Xem: 3251)
01/02/2024(Xem: 1364)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: