Xuân Về Thử Tìm Hiểu Ba Thân Trong Phật Giáo

20/01/20234:58 SA(Xem: 2959)
Xuân Về Thử Tìm Hiểu Ba Thân Trong Phật Giáo

  blank
XUÂN VỀ THỬ TÌM HIỂU
BA THÂN TRONG PHẬT GIÁO
Thích Nữ Hằng Như

______________________________________

         
hoa cuc vangNhững ngày cuối năm, thời gian mọi nơi chừng như ngưng đọng để chào đón một mùa Xuân tương lai tươi đẹp, hoa nở muôn màu cùng nhau khoe sắc thắm dịu dàng, mỗi loài hoa một thứ, đang nhã hương thơm đậm đà hay thoang thoảng, hoà quyện trong không gian thanh mát, khiến lòng người phút chốc tạm quên đi những lo toan mỏi mệt đời thường.

            Ở nơi này, trong căn phòng nhỏ, trên bàn thờ Phật thường có hai chậu hoa cúc, hai ngọn đèn lưu ly chiếu sáng và ba chén nước nhỏ tinh khiết. Đức Phật ngồi trên đó một mình với dáng vẻ bình thường lặng yên cố hữu, ấy vậy mà đối với người viết thì Ngài không bình thường chút nào. Chỉ là bức tượng thôi, mà sao mình vẫn thấy sự trang nghiêm uy nghi không thể nghĩ bàn. Chỉ là bức tượng thôi, mà sao mỗi lần chiêm ngưỡng mình cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm kính trọng vô biên. Chỉ là bức tượng thôi, mà sao mình cảm thấy bản thân mình nhỏ bé vô cùng trước đôi mắt chứa đầy vẻ từ bi đó. Chỉ đôi mắt khép hờ mà bao trùm khắp không gian, chứa đựng một tâm Không, mà lại sinh ra vạn pháp. Thật là khó nghĩ bàn.

            Trước tướng mạo trang nghiêm sáng toả trí tuệlòng từ bi rộng lớn như hư không đó, người viết liên tưởng đến những thuật ngữ trong Phật Giáo đề cập đến Ba Thân Phật, đó là: "Pháp Thân, Báo Thân và Hoá Thân". Cả ba thân này nhằm ám chỉ cái gì? Nhân dịp này, người viết mời quý bạn đọc cùng người viết thử tìm hiểu về đặc điểm của Ba Thân này như thế nào? Trước hết chúng ta bàn về Pháp Thân.

           

            1. PHÁP THÂN: Là Phật vô sanh bất diệt, là thân tròn đầy dù đã nhập Niết Bàn rồi vẫn còn độ chúng sanh, trong kinh thường diễn tả Pháp Thân bao trùm khắp vũ trụ.

            Nói cách khác, trong tự tánh giác ngộ, Phật và chúng sanh không có gì khác nhau. Pháp Thân tức Phật Tánh lúc nào cũng hiện hữu nơi chúng ta, nó là tiềm năng giác ngộ, có khả năng kiến giải những điều mới lạ không qua sự học hỏi bình thường, nó hàm chứa vô lượng từ bi hỷ xả, tự nó có thừa năng lực chiếu sáng tràn đầy, soi rọi lối đi cho người giác ngộ trên con đường hoằng hoá cứu khổ chúng sanh.  

            Chúng ta những người phàm phu bị các ham muốn, khát ái, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền che mờ, nói theo thuật ngữ nhà thiền là chúng ta bị "mây che mờ" nên "ánh sáng mặt trời" chưa thể lộ diện. "Mây mờ" đây chính là sự Vô Minh, là một khoen xích trong 12 khoen xích nhân duyên của con người do lậu hoặc, tập khí, kiết sử, tuỳ miên làm ô nhiễm Tâm, nên không nhận biết được Phật Tánh ấy. Phật Tánh có thể dụ như là "ánh sáng mặt trời" vậy!

           

            Muốn nhận ra Pháp Thân hay Phật Tánh, chúng ta cần dụng công tu tập. Trước cần hiểu rõ giáo lý, chọn pháp môn thích hợp rồi "hạ thủ công phu" một cách miên mật để tiến tới mục tiêu giác ngộ giải thoát.

            Thiền Tánh KhôngTrung Tâm dạy Thiền Định do Thầy Thiền Chủ Thích Thông Triệt trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn hơn 20 năm nay. Thiền sinh mới bước vào cửa Thiền sẽ được giới thiệu đường lối và chủ trương của dòng Thiền này. Thầy Thiền Chủ lần lượt trang bị cho thiền sinh bốn kiến thức. Đó là Kiến thức về Phật học, Kiến thức về Thiền học, Kiến thức về Khoa học và Kiến thức về cách thực hành thiền.

            Thiền Tánh Không dạy thiền Phật Giáo, nghĩa là thiền theo Đức Phật Thích Ca nên phần giáo lý sẽ theo sát với "Tiến Trình Tu ChứngThành Đạo của Đức Phật". Sẽ tuần tự nghiên cứu về bốn tầng Thiền mà Đức Phật đã kinh qua, để sau cùng chứng được quả Anuttara-Sammà-Sambodhi tức Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành một vị Phật lịch sử được nhắc nhở và có nhiều tín đồ từ hơn 2,600 năm qua trên thế gian này.

            Thiền học thì theo bốn phương tiệnĐức Phật đã để lại như: Quán, Chỉ, Định, Huệ. Thiền Tánh Không cũng mượn Khoa học não bộ để dẫn chứnggiải thích những lời Phật dạy trong kinh. Thí dụ như giải thích trạng thái hỷ lạc của Đức Phật khi vào định sâu là do đâu, hay trạng thái khinh an, khoẻ mạnh, nhớ dai là do chất sinh hoá học nào trong não bộ tiết ra. Kiến thức về não bộ rất cần thiết cho người thực hành thiền vì nó giúp cho người thực hành thiền tự kiểm soát xem mình tu tập đúng hay sai để sớm điều chỉnh mà không sợ "tẩu hoả nhập ma".

            Quan trọng hơn hết là kỹ thuật thực hành thiền, bắt đầu từ các chiêu thức dễ thực hành như: nghe tiếng chuông, thư giản lưỡi, nhìn xa, nhìn gần, nhìn trống rỗng, nhìn ánh sáng nắng, nhìn bóng đen, thiền hành ... giúp tâm dừng niệm, dần dần đến các kỹ thuật sâu sắc như không định danh đối tượng hay pháp Như Thật... giúp thiền sinh kinh nghiệm được định,  rồi tiến lên bước cao hơn thực hành qua các chủ đề siêu vượt như Không hoặc Chân Như...

            Chân Như định là định bất động (ngôn hành, ý hành, thân hành không động) còn gọi là Kim Cang hay Kim Cương định, là loại định cao nhất trong Phật giáo. Thầy Thiền Chủ giảng dạy về Chân Như định, bằng cách hướng dẫn thiền sinh thực hành từng giai đoạn qua pháp Thở và đặc biệtpháp Không Nói. Điều chánh yếu là phải giữ Chánh Niệm, nghĩa là giữ niệm Biết Không Lời trong tất cả mọi suy nghĩ hành động ngay cả trong lúc đi đứng nằm ngồi.

            Có ba mức độ tu tập về Nhận Biết để đạt được kinh nghiệm Chân Như định, đó là:

            - Thứ nhất: Tiến trình Biết của Trí Năng Tỉnh Ngộ, dùng đơn niệm Biết Có Lời, thuộc tiền trán của Thuỳ trán để tác động vào các Tánh.

            - Thứ hai: Tiến trình Biết của Tâm Bậc Thánh là cái Biết của Tánh Giác (Tánh Nghe, Tánh Thấy, Tánh Xúc Chạm), đó là Tự Nhận Biết Không Lời  thuộc vùng tam giác của 3 thuỳ: Thuỳ Chẩm, Thuỳ Đỉnh và Thuỳ Thái Dương.

            - Thứ ba: Tiến trình Biết của Tâm Tathà hay Tâm Phật: Là Tự Nhận Thức Biết Không Lời  là đặc tính của Precuneus thuộc vùng vỏ não ở Thuỳ Đỉnh.

            Khi an trú trong Tánh Nhận Thức Biết Không Lời tức là an trú trong Tâm Tathà còn gọi là Phật Tánh hay là Pháp Thân.

           

            2. BÁO THÂN: Là vị Phật Lịch Sử, là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Là hình tướng tốt đẹp, trang nghiêm của người đã đạt quả vị Chánh Giác và được mọi người tôn xưng là Phật. Đức Phật đi đến đâu, toả ra từ trường từ bi trí tuệ đến đó, khiến cho người nhìn thấy không ai bảo ai, tự phát tâm kính mến lễ lạy.    

            Báo Thân ấy cũng hiển lộ nơi mỗi chúng sanhchúng ta có thể nhận ra, khi thân tâm họ tràn đầy niềm an lạc, hạnh phúc, là kết quả của sự thực hành tu tập lâu dài. Pháp Thân càng chiếu sáng thì Báo Thân càng tốt đẹp. Như vậy Báo Thân đặt trên nền tảng của Pháp Thân, mà Pháp Thân thì đặt trên nền tảng của sự tu tập.

            Giải thích theo Khoa học não bộ, thì não bộ của con người từ xưa đã có quán tính hay nói thầm trong não, tức là trong bộ não của con người luôn khởi niệm, hết niệm vui rồi tới niệm buồn, hết niệm lo âu rồi đến niệm sợ hãi, hết càm ràm chuyện này, thì tiếp theo càm ràm chuyện khác.

            Niệm buồn phiền, sân hận, lo âu nhiều ngày tác động vào Giao cảm thần kinh tiết ra những chất sinh hoá học, nếu nhiều quá, sẽ có hại cho cơ thể như Norepinephrine, Epinephrine, Glocagon, Cortisal v.v... khiến cho thân người dễ mắc đủ thứ bệnh như loét bao tử, áp huyết cao, tiểu đường, đứng tim, đột quỵ v.v..., về tâm thì đau buồn, chán nản, trầm cảm, mất một phần ký ức, hoặc có thể đưa đến căn bệnh gần như bất trị là Alzheimer mất hoàn toàn trí nhớ không biết mình cũng như người thân của mình là ai... Nếu không sớm chữa trị thì xúc cảm và trầm cảm được kết nối thành bệnh ung thư.

            Người vướng mắc, bệnh hoạn như thế đương nhiên thần sắc xám xịt xấu xí, tinh thần dao động, phiền muộn, khổ đau. Tự bản thân mình không được sống trong vui vẻ thoải mái, thì đối với những người xung quanh mình cũng không mấy hài hoà thân thiện, khiến cho họ e ngại không thích đến gần mình.

            Bây giờ hành giả tu thiền là người tự huấn luyện tế bào não có quán tính mới yên lặng.  Khi toàn bộ tế bào não yên lặng thì lúc đó Chân Tâm xuất hiện, hành giả tu tập để được an trú trong Tánh Giác, tín hiệu yên lặng tác động vào các Tánh rồi chuyền xuống cơ chế Dưới Đồi, tại nơi đây tín hiệu lập tức tác động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh và một dọc các tuyến nội tiết khác, tiết ra những chất sinh hoá học có lợi cho cơ thể như: Acetylcholine, Dopamine, Serotonin, Melatonin, Endorphine, Insuline v.v.. những chất này có công năng giúp cho thân thể khinh an, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, phục hồi ký ức, vui vẻ, phấn chấn, tránh bệnh trầm cảm, ngừa được nhiều chứng bệnh tâm thể khác. Khi cơ thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, tinh thần sảng khoái, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng thì hành giả này cũng có thể xem như được Báo Thân tốt nhờ tu tập. Nhưng ở đây hành giả chỉ mới được kết quả Báo Thân của bậc Thánh thôi.

            Hành giả tu thiền phải biết khi tới giai đoạn này, chỉ là mới tới bờ rào hay lằn ranh thôi, hành giả cần tiến lên cao hơn nữa, để vượt qua khỏi bờ rào hay lằn ranh này, đó là tiến tới an trú trong Tánh Nhận Thức Biết Không Lời tức là an trú trong Phật Tánh thì Pháp Thân mới sáng chói, và Báo Thân mới trang nghiêm rực rỡ.

 

            3. HOÁ THÂN: Là Phật huyền thoại, cũng gọi là ỨNG THÂN hay ỨNG HOÁ THÂN là thân của các vị Bồ Tát thị hiện thế gian để cứu giúp kẻ khổ đau, cùng hướng dẫn chúng sanh trên con đường sống đạo đức hay xa hơntu Tâm dưỡng Tánh, hầu đạt được an vui và hạnh phúc. Thí dụ Đức Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện 32 hình tướng, tuỳ nơi tuỳ chốn mà hoá thân sống gần gũi hay hoà mình với chúng sanh để độ họ.   

            Hoá Thân cũng hiển hiện nơi chúng sanh có tâm tu hành đã an trú được trong Tánh Nhận Thức Biết, vị đó tự dưng có lòng từ bi giúp đỡ cho những người xung quanh trong khả năng của họ. Những vị ấy bề ngoài cũng chỉ là con người bình thường có khi còn nghèo khó hơn những người khác, nhưng tấm lòng của họ rộng lượng bao dung, sẵn sàng chia sẻ buồn vui, giúp đỡ người khác vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Hoá Thân hay Ứng Thân nhờ vào sự tu tập mà có. Nếu định lực mạnh thì Pháp Thân vững chắc, Báo Thân tốt đẹpỨng Thân cũng tương ưng với Pháp ThânBáo Thânhành đạo giúp đời.

 

            Nhìn chung, chúng ta thấy Ba Thân Phật này luôn luôn liên hệtác động lẫn nhau, tác động nhưng không ngăn ngại cản trở lẫn nhau. Phật Tánh có sáng chói thì Báo Thân mới sáng chói và nhờ ảnh hưởng năng lực của Phật Tánh khiến cho Ứng Hoá Thân có đầy đủ năng lượng để đi vào đời ban vui cứu khổ chúng sanh, bằng cách mang pháp Phật ra giáo hoá hướng dẫn giúp họ được tỉnh ngộ tu tập để tự cứu lấy mình thoát ra khỏi mọi trầm luân khổ ải của cuộc đời.    

           

            Tóm lại, chúng sanh vì mê nên không biết được Phật Tánh nơi chính mình, vì thế cả cuộc đời họ, tuy có lúc cũng vui vẻ hạnh phúc nhưng cái vui vẻ hạnh phúc đó chỉ là tạm bợ, giả dối, trong kinh gọi là Huyễn, cho nên đa phần là họ phải chịu trầm luân trong đau khổ nhiều hơn.

            Còn Đức Phật với trí tuệ siêu vượt, Ngài đã thấy rõ tất cả các hiện tượng thế gian bao gồm vật chấttâm lý đều nương tựa vào nhau mà có, mà hiện hữu. Trong pháp Lý Duyên Khởi, Phật dạy:  

                                                "Cái này có cái kia có.

                                                Cái này sanh cái kia sanh.

                                                Cái này không cái kia không.

                                                Cái này diệt cái kia diệt".

            Hiện tượng thế gian sở dĩ hiện hữu là do duyên khởi, tức do nhiều điều kiện hợp lại mà thành, cho nên mới nói "cái này có cái kia có", hay "cái này diệt cái kia diệt", cũng trong ý nghĩa này Đức Phật nhận ra đặc tính của hiện tượng thế gianVô Thường, Khổ, Vô Ngã, Không, vì nó không thực chất tính, cho nên nó tự xung đột, thay đổi từng sát na, biến dịch từ hình thể này sang hình thể khác chứ không trường tồn vĩnh cửu, con người cũng vậy! Đây là chân lý khách quan hiện hữu trước cả khi Đức Phật ra đời, nghĩa là từ vô thỉ vô chung nó đã như thế. Về sau, khi Đức Phật chứng ngộDuyên Khởi Pháp Duyên Sinh về vũ trụnhân sinh, Ngài nhận ra điều này chứ không phải tự Ngài sáng tác ra chân lý trên!

           

            Là thiền sinh, có nghĩa là chúng ta đã tỉnh ngộ, biết phân biệt thế nào là hạnh phúc giả tạo, thế nào là hạnh phúc chân thật, cho nên chúng ta mới chọn con đường của Đức Phật mà đi. Nếu chúng ta tinh tấn thực hành theo đường lối của Đức Phật, kết quả sẽ giúp chúng ta kinh nghiệm được niềm an vui kỳ diệu. Niềm an vui chân thật, trong sáng, tinh sạch đó vốn rộng lớn bao la, và mãi mãi có mặt trong Tâm chúng ta, trong kinh gọi đó là bốn đặc tính của Niết Bàn gọi là Chân Thường, Chân Ngã, Chân Lạc và Chân Tịnh, mà khi quay về với trạng thái này thì chúng ta hoàn toàn an trú trong sự định tĩnh, tịch diệt của trạng thái Hữu Dư Y Niết Bàn, bất sinh bất diệt của mỗi người, ai cũng có!

           

            Đầu Xuân Bính Thân năm nay hay nói khác hơn là mỗi độ Xuân về Tết đến, bình thường mọi người hay đến chùa để cầu phước, cầu lộc, mong được nhiều may mắn cho mình, cho con cháu, cho gia đình mình trong năm mới. Nhưng với người Phật tử hiểu đạo, tức hiểu lời dạy của Đức Phật, thì ngược lại họ luôn bày tỏ lòng mong ước tu hành tinh tấn, và hướng về sự giải thoát an vui, hơn là cầu mong được đầy đủ vật chất, tiền tài, danh vọng... là những thứ huyễn hoặc, có đó rồi mất đó. Đến khi thân hoại mạng chung, vô thường ụp đến, phải bỏ thân xác này để ra đi về một nơi nào đó trong sáu cõi luân hồi, thì dù thiết tha mong muốn, mình cũng không thể nào mang theo được. Có chăng là những lậu hoặc nghiệp chướng, hay là kết quả của sự tu tập đạt được Tâm sáng suốt, làm Nhân Chứng trước giờ từ giã cõi đời ra đi một mình mà thôi!

            Phật Giáo chú trọng đến việc tu Tâm, nghĩa là trong sạch hoá nội tâm bằng cách buông xả tất cả các vọng niệm là những ý tuởng phân biệt, so sánh, hiềm khích, nhị nguyên thuộc về Tâm Phàm Phu.

            Khi Tâm buông xả tất cả những tạp niệm gây ra phiền não, thì tự nó sẽ trở nên trong sạch, chiếu sáng rỗng lặng. Đó là Tánh tự nhiên chân thật của con người chúng ta, cái "bản lai diện mục" là mặt mũi từ xưa nay của chúng ta, tự nó hiển lộ, tự nó toả sáng. Lúc đó Tâm chúng ta đi vào cõi bình an rộng lớn. Chúng ta như được uống những ngụm nước cam lồ mát rượi và ngọt lịm của dòng suối hạnh phúc uyên nguyên từ trong chính mình. Đó là chúng ta đang an trú trong trạng thái yên lặng sâu thẳm tịch diệt tự nhiên của nó, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Tâm Tathà hay Tâm Như hay Phật Tánh vậy!

            Khi Tâm đã an bình như thế, thì chúng ta tức khắc hiểu được Thực Tại tối hậuChân Như một cách trực tiếp như thế nào, khi chúng ta gạt bỏ tất cả những quy ước tục đế bằng các lời nói hay chữ viết, bỏ hết những phẩm chất, thuộc tính của vạn vật, mà người thế gian tự đặt ra để thông tin liên lạc với nhau trong đời sống hằng ngày, rồi lặn ngụp trong đó tạo thành vô số mạng lưới khái niệm trong Tâm, là nguyên nhân đưa đến ô nhiễm Tâm khiến ta đau khổ.

            Nói khác đi, khi buông xả tất cả các ý tưởng phân biệt, mâu thuẫn, tranh giành, thì Tâm ta đi vào chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên của nó. Từ chốn yên lặng sâu thẳm tự nhiên ấy, qua phản xạ thụ động kích thích tiềm năng giác ngộ, mà trí huệ tâm linh bừng sáng, mà lòng từ bi tự nở hoa vô lượng, đưa ta vào thế giới ban sơ, không sinh không diệt, là thế giới của tình yêu thương bao la không phân biệt Năng Sở. Đó là ta đã thể nhập Vô Ngã, thể nhập Chân Như. Ta và Người, hay Ta và Cảnh chỉ là một, thuật ngữ nhà Phật gọi là Nhất Như. Đó chính là Tâm Chân Thật, Tâm Như Vậy...  là Tâm Phật, là Tâm Giải Thoát, là Pháp Thân bao trùm khắp nơi khắp chốn.

            Với cái Tâm đó, cái Tâm mà Đức Phật gọi là "Cái Vô Sinh","Vô Ngã", các nhà Phật Giáo Phát Triển về sau gọi là "Tự Ngã Thanh Tịnh Tuyết Đối", đó chính thật là Tâm Hạnh Phúc bất diệt. Chúng ta an trú trong cảnh giới Tâm đó, chính là chúng ta đang an trú trong mùa Xuân bất sanh bất diệt, mùa Xuân của hạnh phúc, mùa Xuân của tứ vô lượng tâm: Từ Bi Hỷ Xả... mà chúng ta vẫn thường hay chúc tụng nhau mỗi độ Xuân về Tết đến.  

            Người viết tạm thời ngưng bài tìm hiểu ý nghĩa "Ba Thân Phật" nơi đây. Đương nhiên là bài viết còn rất nhiều thiếu sót, ngưỡng mong chư tôn thiền đức có dịp lướt mắt qua bài này hỷ xả cho, hoặc giảng dạy thêm để người viết có cơ hội mở mang tâm thức về Phật học thì thật là biết ơn vô cùng. Hiện tại người viết chỉ mong chia sẻ chút ít kiến thức nông cạn của kẻ sơ cơ làm món quà đầu năm gửi đến quý độc giả thuận duyên. Trước khi chấm dứt bài viết này, người viết kính chúc chư Tôn Đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, kính chúc quý độc giả một năm mới an vui hạnh phúc trong tinh thần tu tập của người con Phật.

           

            Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

            THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

            (An Cư Kiết Đông tại Tổ Đình Tánh Không Perris, CA)

 

 

 

             

 

                       

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 3785)
17/02/2015(Xem: 19129)
26/01/2011(Xem: 26550)
03/01/2020(Xem: 4962)
26/01/2020(Xem: 5388)
02/01/2019(Xem: 8397)
20/01/2023(Xem: 2370)
01/02/2024(Xem: 710)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.