Phần 5

23/01/201112:00 SA(Xem: 9546)
Phần 5
Lâm Tỳ Ni 
Trụ Đá Vua A Dục Tại Lâm Tỳ Ni 
Giếng Thiêng Tại Lâm Tỳ Ni 
Tháp Thờ Hoàng Hậu Ma Da Tại Lâm Tỳ Ni 
Hình Ảnh Tại Lâm Tỳ Ni
Các Chùa Quanh Vùng Lâm Tỳ Ni 
Ca Tỳ La Vệ (Népal) 
Cửa Thành Đông 
Ca Tỳ La Vệ Bên Nào? Népal Hay Ấn Độ 
Xá Vệ Thành 
Ca Tỳ La Vệ Bên Phía Ấn Độ 
Đức Phật Tranh Luận Với Lục Sư Ngoại Đạo 

Phần 5
Lâm Tỳ Ni

thientructieuduky-05-1
(
Bản đồ hướng dẫn du lịch tại khu Lâm Tỳ Ni
được treo trước cổng vào khu Thánh tích Lâm Tỳ Ni)

1:00 giờ chiều cùng ngày, đoàn khởi hành đi Nepal. Từ trên xe buýt nhìn qua khung cửa, càng đến gần Nepal những cánh đồng càng xanh mát hơn, có lẽ nhờ khí hậu mát mẻ của vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Tuy nhiên, dân chúng trong vùng này cũng nghèo không kém gì dân Ấn Độ. Đoạn đường từ thành Câu Thi Na đến Vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 100 cây số đường chim bay, nhưng chúng tôi phải vượt qua biên giới Ấn Độ-Népal và đường sá quá xấu nên đến chiều tối chúng tôi mới đến vùng biên giới. Thủ tục làm chiếu khán (visa) từ Ấn Độ qua Népal quả là không đơn giản như chúng tôi tưởng, nhưng không có gì hơn được “thủ tục đầu tiên” nên rồi việc gì cũng qua và chúng tôi cũng đến khách sạn mà chúng tôi muốn đến. Chúng tôi dự định nghỉ đêm tại khách sạn Mansarover, nhưng vì khách sạn không đủ tiện nghi nên sau đó chúng tôi dọn qua một khách sạn khác cũng thuộc địa phận Sonali, Belahiya, Siddhartha Nagar, Lumbini, Nepal. 

thientructieuduky-05-2
(Bản đồ vùng Lâm Tỳ Ni về phía Népal, 
gần biên giới Ấn Độ Ngày nay)

thientructieuduky-05-3
(Cây Bồ Đề trong Vườn Lâm Tỳ Ni)

5:00 giờ sáng ngày 6 tháng 12, đoàn thăm viếng vườn Lâm Tỳ Ni và thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) bên phía Nepal. Khoảng đường từ biên giới đi Lumbini chỉ khoảng độ 30 cây số, nhưng đường quá xấu nên phải mất trên một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Lâm Tỳ Ni nằm trên một ngọn đồi thấp ngay dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ngày nay Lâm Tỳ Ni thuộc vương quốc Népal. Vừa đến nơi là Hòa Thượng đã hướng dẫn phái đoàn tụng kinh cầu an cũng như tưởng niệm công đức của Đức Phật, và cầu mong cho khu Lâm Tỳ Ni sớm được trùng tu lại theo đúng quy cách của nó. Chúng tôi thăm viếng Lâm Tỳ Ni, một thánh tích quan trọng trong lịch sử Phật Giáo. Tuy nhiên, dòng thời gian trên 25 thế kỷ với bao nhiêu vật đổi sao dời, bao nhiêu là tang điền thương hải, bao nhiêu cuộc chiến tranh tôn giáo... đã biến khu Thánh tích thiêng liêng này trở thành rừng rậm hoang dã

thientructieuduky-05-4
(Quang cảnh buổi sáng sớm bên ngoài Vườn Lâm Tỳ Ni)

thientructieuduky-05-5
(Lâm Tỳ Ni)

Chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni vào buổi ban mai của một ngày đầu Đông, thế mà cảnh vật ở đây trong rất thảm hại. Tôi bật thành tiếng tự hỏi lòng tôi: “Lâm Tỳ Ni đây sao? Không lý nào đâu? Không lẽ nơi này lại là Lâm Tỳ Ni? Không đâu, Lâm Tỳ Ni từng là khu vườn thượng uyển của những bậc đế vương kia mà?” Lúc này đủ thứ tự hỏi khởi lên trong lòng tôi chỉ vì ba chữ ‘Lâm Tỳ Ni.’ Theo truyền thuyết Phật giáo thì dưới thời vua Tịnh Phạn, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ. Trong vườn đầy những cây xanh bóng mát. Chính vẻ đẹp ấy mà bà hoàng Ma Da đã ra lệnh cho đoàn tùy tùng hạ trại nghỉ ngơi và thưởng cảnh trước khi trở về quê mẹ. 

Trong các thánh tích, có lẽ vườn Lâm Tỳ NiThành Ca Tỳ La Vệ là hai nơi tiêu điều nhất. Khu vườn tuyệt mỹ, nơi Đấng Giác Ngộ đản sanh, hôm nay chỉ còn trơ lại một khu vườn hoang với một vài nền tháp đổ nát. Trong khi Dấu vết của bốn cửa thành của kinh thành Ca Tỳ La Vệ chỉ còn trơ lại một dãy gạch vụn mà thôi. Cửa thành phía Đông có một tấm bảng ghi lại: “Đây chính là nơi Thái Tử từ bỏ kinh thành, từ bỏ ngôi vị đế vương, vợ đẹp, con ngoan... vượt thành xuất gia để tìm con đường cứu khổ nhân sanh.” Bên trong thành người ta tìm được một trụ đá mà vua A Dục đã cho xây dựng lên vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch. Tuy trụ đá không còn nguyên vẹn, nhưng những dòng chữ cũng như niên đại của đá cho thấy đây chính là nơi Đức Phật đản sanh. Khi vua A Dục đến chiêm bái Vườn Lâm Tỳ Ni, Thánh tích đản sanh của Đức Phật, thì lúc đó nơi này vẫn còn là một làng quê sung túc, có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Nhà vua đã cho xây dựng bốn ngọn tháp và một trụ đá bằng sa thạch, trên đầu trụ có hình con sư tử. Mặc dù ngày nay trụ đá đã gãy mất một phần nhưng vẫn còn lưu lại dòng chữ như một chứng tích lịch sử sau đây: “Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Piyadasi, người được chư Thiên yêu mến đã thân hành viếng thăm, cúng dườnglễ bái nơi đây. Bởi vì Đức Phật, Thánh nhân của dòng họ Thích đã được sanh ra nơi đây và dân làng này đã được miễn một phần tám số thuế lợi tức làm chứng tích lịch sử.”

Năm 409 sau Tây Lịch, ngài Pháp Hiển, một nhà hành hương Trung quốc đã ghi lại trong Tây Vực Ký như sau: “Cách năm mươi lý về phía Đông của cung thành là một vườn thượng uyển tên Lâm Tỳ Ni. Chính nơi đây Hoàng Hậu đã tắm rửa và sau đó đi về phía Bắc khoảng hai mươi trượng, vịn vào một nhánh cây, khi bà đưa mắt nhìn về phương Đông thì Thái Tử đản sanh.” Trong khi đó vào năm 629, ngài Huyền Trang đã ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Từ cái giếng (nơi mũi lao của Thái Tử Tất Đạt Đa ghim vào và tạo thành giếng) đi về phía Bắc 80 hay 90 lý chúng ta sẽ gặp vườn Lâm Tỳ Ni. Nơi đây có một hồ tắm của dòng họ Thích Ca, nước trong hồ chói sángtrong suốt như một tấm gương, trên mặt hồ có nhiều loại hoa nở xinh tươi. Cách hồ khoảng 24 hay 25 trượng về phía Bắc là một cây hoa Vô Ưu, mà bây giờ đã tàn lụi; đây chính là nơi Thái Tử đản sanh vào ngày 8 tháng 3 âm lịch. Phía Bắc của cây hoa Vô Ưu là một cái tháp do vua A Dục dựng lên, chính là nơi mà hai con rồng đã tắm cho Thái Tử. Khi Thái Tử hạ sanh, ngài đã đi không cần ai dìu dắt về bốn hướng, mỗi hướng bảy bước và thốt rằng ‘Trên trời dưới trời chỉ có Ta là bậc tối tôn.’ Đối với Ta, đây là đời sống cuối cùng, không còn tái sanh nữa. Nơi nào mà bước chân Ngài chạm đến nơi đó nảy sanh một hoa sen lớn. Hơn tất cả, hai con rồng bay bổng lên và lượn trên không, từ đó phun ra một dòng nước lạnh và một dòng nước ấm để tắm Thái Tử. Phía Đông của tháp là hai vòi nước tinh khiết, bên cạnh đó có hai ngôi tháp được xây lên ngay tại chỗ hai con rồng từ đất vọt lên. Phái Nam cũng có một cái tháp đánh dấu nơi vua trời Đế Thích đón chào Thái Tử lúc đản sanh. Bên hông tháp này không xa lắm là trụ đá do vua A Dục dựng lên, bên trên trụ là tượng một con sư tử. Bên hông trụ đá là một dòng sông nhỏ chảy theo hướng đông nam, dân ở đây gọi đó là sông Dầu. Theo truyền thuyết thì đây là dòng nước sạch mà chư thiên đã hóa ra cho hoàng hậu tắm sau khi sanh Thái Tử.”

Trụ Đá A Dục Tại Vườn Lâm Tỳ Ni

 

thientructieuduky-05-14
(
Trụ đá do vua A Dục dựng lên tại Vườn Lâm Tỳ Ni 
khi Ngài chiêm bái khu vườn này vào thề kỷ thứ
hai trước Tây Lịch)

Sau đó sư cô Liên Phụng đã thuyết minh về lịch sử của Vườn Lumbini như sau: “Lâm Tỳ Ni, tức là vùng Rummindei thuộc xứ Népal ngày nay, nằm trên một ngọn đồi nhỏ dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Lâm Tỳ Ni nằm cách thị trấn biên giới Sonali ngày nay khoảng 30 cây số về phía Tây Bắc, cách thành Ba La Nại trên 150 cây số về phía Bắc. Chính nơi này, hơn 2.500 về trước, vào khoảng năm 624, Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya đã đản sanh. Sau đó Ngài đã thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết Phật giáo thì khoảng 300 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, vua A Dục của triều đại Mauryan sau khi trở thành Phật tử, ngài đã từ bỏ những cuộc xâm lăng các lân bang. Ngược lại, ngài thiết lập sự chinh phục bằng ‘chánh kiến.’ Từ đó ngài thực hiện nhiều cuộc chiêm bái các Thánh địa Phật giáo. Ngài đã đến đây chiêm báiđảnh lễ Thánh tích thiêng liêng này. Lâm Tỳ Ni trong thời kỳ đại đế A Dục đến chiêm bái hãy còn là một thôn làng thịnh vượng, có nhiều cảnh trí rất nên thơ. Nhà vua đã cho dựng một trụ đá tại đây để ghi dấu nơi đấng Chí Tôn đản sanh. Khu vườn Lâm Tỳ Ni đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1895, một nhà khảo cổ người Đức tên Fuhrer mới phát hiện được trụ đá của vua A Dục tại đây làm chứng tích cho khu vườn lịch sử này. Không ai biết đích xác nguyên thủy trụ cao bao nhiêu, nhưng phế tích còn lại của trụ cao khoảng 5 mét, đường kính khoảng 0.5 mét, làm bằng sa thạch trắng. Sau đó người ta cho rào quanh trụ để bảo vệ địa điểm nơi Thái Tử Tất Đạt Đa đản sanh. Bên trái trụ đá có một cây phượng vĩ già nhưng cành lá xum xuê, trổ bông đỏ cả một góc vườn. Hiện vòng rào sắt cũng bị thời gian làm rỉ sét gần hết. Vào thập niên 1960s, Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc là U Than tháp tùng vua Mahendra của xứ Népal đã đến viếng Thánh địa Lâm Tỳ Ni. Vua Mahendra đã hiến tặng một trăm ngàn rúp cho việc trùng tu Lâm Tỳ Nicơ quan Unesco của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và tài trợ chi phí trùng tubảo trì khu di tích quan trọng này. Và trong Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Nhật Bản vào năm 1979 người ta đã chính thức công nhận Lumbini là di tích chung của Phật Giáo thế giới, cần phải được bảo vệ.”

Sau đó Hòa Thượng nhắc lại về sự thị hiện của Đức Phật: “Đức Phật cũng là một con người như bao nhiêu con người khác, nhưng Ngài là một con người phi thường. Ngài thị hiện nơi cõi Ta Bà vì lợi ích và vì hạnh phúc của hết thảy chúng sanh. Ngài thị hiện với mục đích khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật hay biết được những gì mà Ngài đã biết. Ngài đi vào cõi Ta Bà nhiễm trược mà Ngài không nhiễm trược. Ngài luôn thanh khiết như đóa sen mọc từ bùn mà vẫn thơm ngát tinh khiết. Sự đản sanh của Thái Tử Tất Đạt Đa là một sự kiện đầy ý nghĩa trong lịch sử nhân loại. Cuộc đời Đức Phật là một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.”

Sau đó đoàn chúng tôi ghé lại chùa Việt Nam của Thầy Huyền Diệu để ăn trưa. Chùa đang xây dựng với nhiều công trình thật qui mô. Tuy nhiên, nghe nói ngày 14 tháng 12 là ngày khánh thành với sự tham dự của nhiều quan khách cũng như chư Tăng Ni và Phật tử khắp nơi trên thế giới. Tại Vườn Lâm Tỳ Ni, ngoài Việt Nam Phật Quốc Tự còn có chùa Linh Sơn, trong hệ thống giáo hội của cố Hòa Thượng Huyền Vi tại Pháp. Ngoài ra, vùng Lâm Tỳ Ni hiện nay còn có nhiều chùa viện của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Bắc tông, Nam tông, Thiền tôngTịnh Độ tông như Đại Hàn, Miến Điện, Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Trung Hoa vàViệt Nam...đã góp phần tạo cho Lâm Tỳ Ni có một khuôn mặt hứa hẹn mới. 

 

Giếng Thiêng Tại Vườn Lâm Tỳ Ni

Bên phải trụ đá là “Giếng Thiêng” nơi Hoàng Hậu Maya trước khi Đức Phật đản sanh trong vườn Lâm Tỳ Ni. Đây là một cái hồ hình chữ nhật dài khoảng 10 mét, ngang 6,7 mét. Trong hồ vẫn còn đầy nước. Bốn phía đều có bậc tam cấp bước xuống hồ. Cạnh hồ có một cây Bồ Đề tàng lá xum xuê, tỏa bóng mát cả một bờ hồ. Theo truyền thuyết thì thuở đó bất cứ vị vua trong dòng họ Thích Ca nào trong thành Ca Tỳ La Vệ lên ngôi đều phải đến làm lễ tắm tại giếng thiêng này. Vào thế kỷ thứ 14, vua Ripu Malla cai trị xứ Népal có đến đây chiêm bái và khắc tên ông lên trụ đá. Nhưng từ đó Lâm Tỳ Ni đi vào quên lãng cho mãi đến thế kỷ thứ 19, những nhà khảo cổ Anh quốc đã tìm được một tảng đá xác quyết nơi đản sanh của Đức Phật. Những nền đá của ngôi tự viện xưa cũng được khai quật. Khoảng giữa Vườn Lâm Tỳ Ni là một hồ nước lớn, gió núi Hy Mã Lạp Sơn thổi nhẹ làm mặt hồ lăn tăn trong ánh nắng ban mai, làm cho cảnh trí nơi đây thêm phần sinh động. Chính tại hồ nước thiêng này, Hoàng Hậu Maya tắm trước khi đi vào vườn Vô Ưu để hạ sanh Thái Tử. Sau khi Thái Tử đản sanh Ngài đã được các thị nữ tắm gội tại chính giếng nước thiêng này. Ngày nay người ta xây gạch quanh hồ để bảo trì di tích lịch sử của Phật giáo này. Cạnh bờ hồ là một cây Bồ Đề rậm mát, soi bóng xuống mặt hồ. 

thientructieuduky-05-8
(Giếng thiêng nơi Hoàng Hậu Maya tắm sau khi 
Đức Phật đản sanh trong vườn Lâm Tỳ Ni bên Nepal)


Tháp Thờ Hoàng Hậu Ma Da tại Vườn Lâm Tỳ Ni

Trung tâm sinh hoạtchiêm bái tại khu Lâm Tỳ Ni là Tháp thờ Hoàng Hậu Ma Da vì ai ai về đây chiêm bái đều đến lễ bái bà hoàng hậu kính mến, thân mẫu của Thái Tử Tất Đạt Đa. Tuy nhiên, đền thờ nguyên thủy của Hoàng Hậu Maya đang được các nhà khảo cổ khai quật nên hiện bàn thờ được trang trí tạm tại cửa vào khuôn viên Vườn Lâm Tỳ Ni, nằm về phía Đông của ngôi tháp nguyên thủy. Bức phù điêu trên tường tạc hình Hoàng Hậu và Thái Tử lúc Ngài đản sanh vẫn còn sống động như việc mới vừa xãy ra ngày nào đây. Đây là bức hình chạm nổi hoàng hậu Ma Da lớn bằng người thật đang vịn vào cành Vô Ưu, Thái Tử sơ sinh đang đứng bên hông phải một tòa sen, có vòng hào quang trên đỉnh đầu. Hai góc trái và phải có hai thiên nữ rưới nước và rải hoa cúng dường. Bức phù điêu này do vua Malla của triều đại Naga xứ Népal dâng cúng (triều đại này kéo dài từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15 tại Népal). Theo các nhà khảo cổ thì tháp thờ này được dựng ngay trên nền tháp mà vua A Dục đã xây vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch. Những chứng tích thực nhắc nhở cho chúng ta hình ảnh của Đức Phật đản sanh gần 26 thế kỷ về trước. 

Theo tục lệ của người Ấn Độ thì người đàn bà phải trở về quê mình để sanh con, rồi sau đó mới trở về lại quê chồng. Trên đường về quê, Hoàng Hậu Maya đã hạ sanh Thái Tử Tất Đạt Đa tại ngôi Vườn Lâm Tỳ Ni này. Theo truyền thuyết Phật giáo thì vừa khi chào đời, Thái Tử đã bước đi bảy bước và từ mặt đất bảy đóa sen đã nở hoa để đỡ bước chân Ngài. Khi bước đến bước thứ bảy thì Ngài đã tuyên bố: “Thiên thượng Thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỉ.” Thuở ấy Ca Tỳ La Vệ tuy không phải là một vương quốc lớn, nhưng rất trù phú, dân chúng an cư lạc nghiệp nên sau khi Đức Phật đản sanh, vua cha Tịnh Phạn cho triệu vời tất cả những nhà tiên tri nổi tiếng đến hoàng cung để tiên đoán vận mạng cho Thái Tử. Chính nhà tiên tri nổi tiếng thời đó là A Tư Đà đã phải ngậm ngùi rơi lệ cho chính mình khi nhìn thấy Thái Tử, vì ông biết rằng về sau này Thái Tử sẽ trở thành một bậc Chuyển Luân Thánh Vương mà mình không có cơ may sống sót đến đó để nghe được giáo pháp của Ngài. 

Lâm Tỳ Ni là một trong những nơi quan trọng nhất trong lịch sử của nhân loại chứ không riêng gì cho Phật giáo. Riêng đối với những người Phật tử thì Lâm Tỳ Ni cũng giống như Thánh địa Jerusalem của người Do Thái, hay Mecca-Madina của người Hồi giáo, Bethlehem của người Thiên Chúa giáo, và Kashi (Varanasi) của Ấn Độ giáo... Lâm Tỳ Nitrung tâm hành hương thiêng liêng cho mọi người Phật tử khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng mãi đến thập niên 1960s các nhà khảo cổ bắt đầu những cuộc khai quật và bảo toàn Thánh tích thiêng liêng này. Và hiện nay vùng đất Lâm Tỳ Ni vẫn là vùng đất bị lãng quên gần như hoang địa. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phục hoạt Lâm Tỳ Ni thì tình hình chính trị tại Népal ngày càng trở nên xấu hơn với những rối ren liên tục. Trong khi ngân quỹ của Hội Trách Nhiệm Lâm Tỳ Ni do hoàng gia Népal phụ trách phải chi số tiền trả lương cho nhân viên nhiều hơn là những hoạt động phục hoạttrùng tu Thánh tích này. Hiện tại ngôi tháp thờ hoàng hậu Ma Da đã bị giật sập để giành ưu tiên cho việc khai quật, nhưng lại không có một kế hoạch xây cất một ngôi tháp mới để thay thế, nên cảnh trí của Lâm Tỳ Ni vốn dĩ đã hoang tàn, nay trở nên hoang tàn hơn. Nói gì thì nói, chắc chắn một ngày không xa nào đó, Lâm Tỳ Ni cũng sẽ được phục hoạt tương xứng với vị trí thiêng liêng hàng đầu trong các Thánh tích khác trên thế giới. Chính từ những kinh điển Phật giáo, những dấu tích văn hóa từ các thời Maurya, Sunga, Kushuwa, Gupta, Pala, những trụ đá của hoàng đế A Dục, cũng như những tập ký sự của các nhà hành hương nổi tiếng như Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh, Huyền Trang đã hỗ trợ đắc lực cho các nhà khai quật từ các thời đại Khadga Samesher Rana và Fuhrer lần lượt đưa ra ánh sáng một Thánh tích đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ. Và mới đây, những nhà khảo cổ Nhật Bản và Népal cũng đã khai quật được những di vật liên hệ trực tiếp đến nơi đản sanh của Đức Phật. Hiện tại Lâm Tỳ Ni đã phát triển thành một khu thị tứ tương đối có đầy đủ tiện nghi cho khách hành hương cũng như các nhà nghiên cứu và khảo cổ như khách sạn, phòng trọ, nhà hàng, những sạp bán đồ pháp khí... Lâm Tỳ Ni hiện có Viện Bảo Tàng, và Thư Viện với đầy đủ tài liệu cho việc khai quật. Bên cạnh đó, Lâm Tỳ Ni hiện có rất nhiều ngôi chùa lớn của nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Đài Loan, Đại Hàn, Miến Điện, Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Trung Quốc, Việt Nam...Đây là một khích lệ lớn lao cho công cuộc khai quật hiện tại. Bên cạnh đó, cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc cũng đã chính thức công nhận địa điểm lịch sử này, và hiện cơ quan này đang giúp đỡ chẳng những tài chánh mà còn nối kết sự hợp tác giữa các quốc gia giàu mạnh trong việc phục hoạt Thánh tích này. Dẫu biết rằng không có thứ gì trên đời này có thể chạy ra ngoài định luật vô thường. Dẫu biết rằng giờ này có làm gì đi nữa thì cả Lâm Tỳ Ni lẫn Ca Tỳ La Vệ cũng chỉ là những đống gạch vụn, nhưng những đống gạch vun vỡ ấy chính là nơi dung chứa di sản văn hóa cao thượng đã thấm nhuần trong lòng của những người con Phật khắp nơi trên địa cầu này. 

Những Hình Ảnh Khác Tại Khu Lâm Tỳ Ni

 

thientructieuduky-05-9
(
Tilaurakot-Lâm Tỳ Ni)

thientructieuduky-05-10
(Bên trong vòng rào Lâm Tỳ Ni)

thientructieuduky-05-13
(Nhà kỷ niệm nơi Phật đản sanh-Lâm Tỳ Ni)

thientructieuduky-05-14
(Trụ đá A Dục-Lâm Tỳ Ni)

thientructieuduky-05-15
(Nơi Đức Phật đản sanh-Lâm Tỳ Ni)

 

 

Các Chùa Quanh Vùng Lâm Tỳ Ni

Hiện tại tại làng Lâm Tỳ Ni có một khu vực tọa lạc các chùa của các quốc gia trên thế giới như chùa Ấn Độ, Đại Hàn, Népal, Nhật Bản, Tây Tạng, Tích Lan, Trung Hoa và Việt Nam. Riêng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự là một quần thể khá lớn với ngôi chánh điện uy nghi đồ xộ, một dãy khách xá cả trăm phòng. Ngoài cổng bước vào là bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thật to, được đặt trên một hồ sen rộng. Một tuần sau khi chúng tôi rời khỏi Népal cũng là lúc thầy Huyền Diệu khánh thành ngôi già lam này (khoảng 14 hay 15 tháng 12 năm 2005). 

Dù nhiều quốc gia trên thế giới, Phật giáo cũng như không Phật giáo, đã cố gắng nỗ lực trùng tuphục hoạt lại khu Thánh tích thiêng liêng này. Chính phủ Népal cũng đang có chương trình xây dựng phi trường quốc tế nối liền Kathmandu với Lâm Tỳ Ni. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, Lâm Tỳ Ni vẫn còn là một phế tích chưa được chăm sóc đúng mức nên cảnh trí hãy còn quá điêu tàn

thientructieuduky-05-16
(Chùa VN Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni—Népal)

thientructieuduky-05-17
(Quang cảnh bên trong chùa VN Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni)


Ca Tỳ La Vệ Phía Bên Népal

Sau khi viếng thăm vườn Lumbini, đoàn đi thêm gần 30 cây số về phía Tây trong đất Nepal để tới thành Ca Tỳ La Vệ. Phía Népal cho rằng đây mới đích thị là quê hương của Đức Phật, vì theo truyền thuyết Phật giáo thì quê hương của Ngài nằm về phía Bắc của Châu Diêm Phù Đề (Jambudvipa), tức là xứ Thiên Trúc thời các ngài Pháp HiểnHuyền Trang, hay là xứ Ấn Độ ngày nay. 

thientructieuduky-05-18
(Quang cảnh thành Ca Tỳ La Vệ vào buổi bình minh)

Hai bên đường là cảnh đồng quê với những mái tranh nghèo đơn sơ mộc mạc, nằm chơ vơ giữa những cánh đồng khô cháy, không thấy một giọt nước. Tuy đoạn đường không xa lắm nhưng vì đường sá gồ ghề lởm chởm nên xe buýt đưa chúng tôi đi phải mất gần một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Quanh khu thành Ca Tỳ La Vệ là một làng quê thật nghèo, giống như những làng quê ở Việt Nam, nhưng có lẽ nghèo hơn Việt Nam nhiều. Hai bên đường là những bụi tre đong đưa trong gió. Những chú trâu chú bò tranh nhau đi với dân làng trên những con đường nhỏ hẹp. Mà hình như mấy chú trâu bò lúc nào cũng thắng thế, vì đa số người dân ở đây đều nhường bước cho trâu bò đi trước. Dọc theo hai bên con đường chúng tôi đi qua, đầy những đống phân trâu, phân bò, làm cho đường sá ở Ấn Độ, từ thành thị đến thôn quê, có một sắc thái đặc biệt mà có lẽ chúng ta sẽ không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đây chính là quang cảnh của thành Ca Tỳ La Vệ về phía Nepal (vì bên phía Ấn Độ cũng cho rằng thành Ca Tỳ La Vệ nằm bên Ấn Độ). Phế tích kinh thành Ca Tỳ La Vệ về phía Népal cũng giống như những phế tích khác, cũng hoang tàn điều hiu. Đó là những phế tích của những nền móng có hình chữ nhật lớn. Theo truyền thuyết Phật giáo, Ca Tỳ La Vệ thuở ban sơ là một khu rừng hoang vu, lúc ấy trong vùng núi Hy Mã Lạp Sơn có một vương quốc do vua Okkaka Raja trị vì, nhà vua và hoàng hậu có cả thảy bốn vị thái tử và năm công chúa. Sau khi bà chánh hậu qua đời, vua lập một thứ phi lên làm hoàng hậu. Bà này sanh cho vua một vị hoàng tử, sau đó bà thứ phi này âm mưu chiếm đọat ngôi báu cho đứa con của chính mình nên bàn mưu lập kế đày các vị thái tửcông chúa con của bà hoàng hậu trước ra vùng hoang địa. Khi đó có một vị Thánh giả tên Kapila Gautama khuyên một trong các vị thái tử tên Ikshwaku đến đây lập quốc. Vị thái tử đó chính là vị đã khai sáng ra vương quốc Ca Tỳ La Vệ cho dòng họ Thích Ca (Shakya). Đến thời vua Tịnh Phạn thì Ca Tỳ La Vệ là một kinh thành nguy nga tráng lệ, dân cư trong thành ai nấy đều có cuộc sống sung túc thạnh vượng. Ôi! Bài hát về kinh thành Ca Tỳ La Vệ mà một tác giả nào đó đã sáng tác lúc tôi còn rất nhỏ, quả tình không phải là những bức tường loang lổ, những nền tháp, những đống gạch vụn hay những miếng gạch bể nằm rải rác ngay trước mặt tôi bây giờ! 

 

Cửa Thành Đông

 

thientructieuduky-05-19
(Tấm bảng treo trước cửa thành phía Đông, nơi Đức Phật 
và Sa Nặc đã cỡi ngựa Kiền Trắc rời bỏ cung điện)

Tại cửa thành Đông có một tấm bảng ghi như sau: “Đây là cửa thành Đông, nơi Thái tử vượt thành xuất gia.” Đây chính là nơi lịch sử trọng đại vào bậc nhất của Phật giáo, vì chính từ nơi này Thái tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cung vàng điện ngọc ra đi tìm phương cứu độ chúng sanh, và cũng chính nơi đây đã xoay chuyển một Thái tử thành một vị Phật, mang giáo lý giải thoát tuyệt vời đến cho nhân loại. Theo truyền thuyết Phật giáo thì sau khi rời bỏ kinh thành Ca Tỳ La Vệ trong một đêm tối trời, Thái tử cùng Sa Nặc phi ngựa Kiền Trắc vượt qua sông Anoma, đến gần sáng thì Ngài dừng ngựa lại bên bờ sông, rồi tự tay cắt tóc cạo râu, rồi trao xiêm y và mớ tóc lại nhờ Sa Nặc đem về cho phụ hoàng, còn tự mình khoác áo một nhà tu khổ hạnh tiếp tục rảo bước. Ngài không có chỗ ở thường trực, mà chỗ ở của Ngài có thể là một tàng cây, một hang đá chỉ để che mưa tránh gió mà thôi. Chân không giày, đầu không nón, một mình cô thân vạn lý du dưới ánh nắng chói chan hay trong sương đêm lạnh lẻo. Mường tượng đến những gian lao khổ nhọc mà một Thái tử cành vàng lá ngọc phải chịu đựng, rồi nhìn cảnh hoang phế của thành Ca Tỳ La Vệ hôm nay mà lòng chúng tôi buồn rười rượi. Thời gian vô tình xóa mờ đi tất cả, xóa mờ cả một dĩ vãng vàng son của cung thành Ca Tỳ La Vệ. Đây là kinh thành của dòng họ Thích Ca (Sakya), nơi Đức Phật đã sống trong suốt 29 năm dài. Tôi tự trầm ngâm, hay là họ đã lầm khi áp đặt cho chỗ này là kinh thành Ca Tỳ La Vệ, chứ thành Ca Tỳ La Vệ ngày nào của Đức Phật mà như thế này ư? Nhưng không, chỉ một giây sau là tôi lấy lại thăng bằng trong tâm tưởng khi nhớ tới những lời dạy của Đức Thế Tôn về luật “sanh trụ dị diệt” của vạn hữu. Đứng trước cảnh điêu tàn đổ nát, lòng tôi bỗng chạnh nhớ đến hai câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

 “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
 Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương.”

thientructieuduky-05-20
(Phế tích trong thành Ca Tỳ La Vệ bên phía Nepal)

Ca Tỳ La Vệ, mới ngày nào là một vương quốc phồn thịnh trù phú, thành quách kiên cố, dân chúng an cư lạc nghiệp, mà bây giờ chỉ còn trơ lại một đống gạch vụn hoang tàn đổ nát với những túp lều xiêu vẹo. Ôi thành quách kiên cố mà còn bị chiếc búa thời gian nghiền nát, huống là con người! Chính nơi những phế tích của các cung điện này, cả ba vị là Đức Phật, Đông Cung Thái Tử Nan Đà (con ruột của bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề), và La Hầu La đã chứng kiến cảnh vua Tịnh Phạn trong giờ phút lâm chung, thiết tha muốn một trong ba người thân thương của ông ta đứng ra chấp chánh, nhưng cả ba đều kiên quyết giữ vững sự tu hànhthành đạo của mình. Cuối cùng nhà vua phải nhường ngôi lại cho hoàng thân Mahanama, con của hoàng đệ Sukkodana của vua Tịnh Phạn. Sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, nhìn cảnh đời tan hợp hợp tan, nên nhiều lần di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã khẩn cầu Đức Phật cho phép mình được xuất gia tu hành, nhưng cả ba lần Đức Phật đều từ chối, không phải Ngài không muốn cho người nữ xuất gia, vì Ngài biết nếu tu hành tinh chuyên người nữ cũng có thể đắc quả A La Hán như mọi người, thế nhưng người nữ nặng nghiệp khi được cho vào giáo đoàn chính họ sẽ làm cho giáo pháp mai một đi sớm hơn. Chính vì thế mà Ngài rất do dự không quyết định việc cho người nữ xuất gia

Thật tình mà nói, nếu ngày ấy Thái Tử Tất Đạt Đa không quyết chí từ bỏ cung vàng điện ngọc, ra đi tầm đạo thì có lẽ giờ này tiếng tăm của Ngài cũng đã bị chiếc búa thời gian nghiền nát từ lâu như những lầu cũ lâu đài trong cung điện Ca Tỳ La Vệ của Ngài vậy. Nơi đây bây giờ nào khác chi hoang địa? Nhìn những mái tranh tàn tạ, những thân hình gầy guộc xanh xao của cư dân ở đây lòng chúng tôi bỗng chùng xuống. Theo sự thuyết minh của sư cô Liên Phụng thì theo truyền thuyết Phật giáo, kinh thành này bị tàn phá và sụp đổ từ sau khi vua Tỳ Lưu Ly, con vua Ba Tư Nặc, bấy giờ là vua của xứ Kosala, vì lời thề mà tàn sát cả dòng họ Thích Ca. Mặc dù Đức Phật đã hai lần can ngăn, nhưng chính Ngài cũng biết nghiệp lực của dòng họ mình chẳng những khiến cho dòng họ bị tiêu diệt, mà kinh thành nguy nga tráng lệ cũng sẽ biến thành nhà tranh vách đất, đất nước trù phú thịnh vượng sẽ trở nên nghèo nàn suy sụp và khổ sở, tang điền sẽ biến thành thương hải. Đây là một tấn bi kịch nói lên những cực đoan trong một xã hội Ấn Độ giai cấp thời cổ đại. Theo chánh sử Phật giáo thì vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), cũng thuộc dòng dõi Ikshvaku, vì muốn bang giao với dòng họ Thích Ca nên cho người đến để cầu hôn. Ngược lại, thời đó dòng họ Thích Ca lại cho rằng vua Ba Tư Nặc không thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi nên không muốn gã công chúa dòng Thích Ca, nhưng vì thời đó Kosala là một cường quốc nên đã cho một thị nữ tên Vasbhaktiya cải trang làm công chúa về với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc đã phong nàng làm hoàng hậu và ít lâu sau đó thì nàng Vasbhaktiya hạ sanh thái tử Tỳ Lưu Ly. Khi trưởng thành, thái tử Tỳ Lưu Ly muốn về thăm quê ngoại, bà Vasbhaktiya hết sức cản ngăn nhưng không được. Thái tử Tỳ Lưu Ly cũng được dòng họ Thích Ca tiếp đón như một quốc khách và cho ngụ tại sứ quán. Tuy nhiên, khi thái tử ra về thì người ta cho rữa sứ quán bằng sữa tươi. Một người hầu của Thái tửbỏ quên đồ trở lại lấy, thấy được cảnh này, trở về báo cho thái tử Tỳ Lưu Ly cớ sự. Vì thế mà thái tử tức giận thề rằng: “Ta sẽ không những rữa sứ quán, mà sẽ rữa cả kinh thành Ca Tỳ La Vệ bằng máu.” Sau đó thái tử âm mưu đoạt ngôi vua cha khi vua Ba Tư Nặc đang đi nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi hay tin thoán nghịch này nhà vua phải chạy sang xứ Ma Kiệt Đà để lánh nạn, nhưng đến giữa đường thì băng hà vì tức tối. Sau đó Tỳ Lưu Ly đã ba lần cất quân sang đánh Ca Tỳ La Vệ, nhưng hai lần đầu nhờ có Đức Phật cản ngăn, đến lần thứ ba thì Tỳ Lưu Ly đã tắm máu cả dòng họ Thích Ca, chỉ một số ít người chạy thoát về Kathmandu. Theo Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký, số tử vong lên 9999. Tỳ Lưu Ly tàn sát đến đứa trẻ sơ sinh cũng không tha. Kể từ đó, kinh thành Ca Tỳ La Vệ trở nên hoang vu dù có một số người nhớ ân đức của Đức Phật, có trở về đây xây dựng lại một số đền đài, nhưng ngày nay kinh thành Ca Tỳ La Vệ không còn gì ngoài những nền tháp, những đống gạch vụn, những hàng cây mọc không trật tựvô số cỏ dại vì thiếu người chăm sóc. Năm 1898, nhà khảo cổ người Đức tên Fuhrer đã khai quật được một cái hồ hình chữ nhật, mà người ta tin rằng đây chính là nơi vua Tỳ Lưu Ly đã tắm máu dòng họ Thích Ca. Tại đây có 17 ngọn tháp, người ta cũng tìm thấy những tảng đá có hình hoa sen và những loại vũ khí thời xa xưa. Nhà khảo cổ Smith và nhiều người khác cho rằng nơi đây có thể là những ngôi tháp được những người kính ngưỡng dòng họ Thích Ca dựng lên để tưởng niệm những người đã bỏ mình trong cuộc chiến với vua Tỳ Lưu Ly.

Ngài Pháp Hiển, hành hương Ấn Độ năm 409 đã ghi lại như sau: “Từ những ngọn núi đầy tuyết trắng xóa của dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn xuống thành Ca Tỳ La Vệ, một thành phố nằm dọc theo bờ sông. Những bức tường đổ nát bằng gạch được bao bọc bởi một hào sâu. Những bức tường của cung thành thì lớn hơn và biểu hiện một trung tâm văn hóa cao.”Khi Ngài Pháp Hiển đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ, thì nơi đó là một nơi không có vua và không có cả thần dân, chỉ có một vài Tăng sĩ đang trụ xứ tại đó. Ranh giới của kinh thành được nhận biết qua những bờ thành mục nát. Đây nơi Thái Tử mục kích cảnh sanh, lão, bệnh, tử. Kia là cửa thành Đông, nơi Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ kinh thành ra đi tìm đạo giải thoát. Còn đằng kia là chỗ ngài A Tư Đà thiền định. Đó là chỗ Đề Bà Đạt Đa đã giết chết con voi. Xa xa đàng kia là chỗ mũi tên của Thái Tử ghim xuống sau đoạn đường bay đi hơn 30 lý (tức là 4.8 dặm Anh). Còn đây chính là nơi đã phun lên một vòi nước, cũng là nơi mà 500 người trong dòng họ Thích Ca quy-y theo Phật. Những nơi đất chấn động sáu lần, nơi Đức Phật gặp vua Tịnh Phạn sau khi Ngài giác ngộ, nơi Đức Phật giảng pháp cho chư Thiên, nơi Trời Đế Thích đứng hầu Phật, nơi Thái tử Tỳ Lưu Ly sát hại dòng họ Thích Ca, tất cả những nơi ấy đều được Phật tử xây tháp kỷ niệm. 

thientructieuduky-05-21
(Phế tích những nền đá tại thành Ca Tỳ La Vệ phía bên Népal)

Trong Đại Đường Tây Vực Ký, Ngài Huyền Trang ghi chép tường tận hơn: “Thành Ca Tỳ La Vệ có một chu vi khoảng 4.000 lý. Trong đó có trên 10 thành phố, tất cả đều hoang phếđiêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị đất lấp và đổ nát. Cấm cung nằm trong thủ đô và có chu vi khoảng 14 hay 15 lý. Hoàng cung được xây dựng bằng gạch đỏ. Những nền tường vẫn còn vững chắc và cao. Nơi này có lẽ đã bị bỏ phế từ lâu. Nhưng làng mạc có dân cư rất là ít và tiêu điều. Nơi đây hiện giờ không có ai trị vì cả. Mỗi một phố có một trưởng phố riêng. Đất đai rất là màu mỡ và được khai thác theo từng mùa. Người dân ở đây rất hiền lànhcần mẫn. Có lẽ có trên 1.000 Tăng xá bị bỏ hoang. Gần nơi cung thành vẫn còn một Tăng xá có khoảng 3.000 Phật tử đang tu học theo truyền thống Tiểu Thừa. Ở đây cũng có một số đền Đế Thích được cúng tế thịt sống. Bên trong hoàng thành còn những tường nhà đổ nát. Có lẽ đây là cấm cung của vua Tịnh Phạn vì một ngôi tháp với hình ảnh nhà vua đã được dựng lên nơi đây. Không xa mấy là tàn tích của nơi mà hoàng hậu Ma Da cư ngụ. Trên nền đá cũ người ta đã xây một ngôi tháp có hình hoàng hậu. Phía Đông Bắc của hoàng cung là một ngôi tháp, kỷ niệm nơi nhà tiên tri A Tư Đà đã tiên tri cho Thái Tử... Nơi cổng Nam của hoàng cung có một ngôi tháp , nơi đánh dấu Thái Tử ném con voi đi xa sau khi thắng cuộc thi đấu với các hoàng thân khác. Bên hông nơi này là một ngôi tháp có hình Thái Tử. Kế bên ngôi tháp này là một ngôi tháp nơi hoàng phi và thái tôn nghỉ ngơi. Trong đó có hình của hoàng phi Da Du Đà La và thái tôn La Hầu La. Bên hông ngôi tháp này lại là ngôi tháp có hình chú bé đang học tập. Phía Đông Nam của kinh thành là một ngôi tháp thờ tượng Thái tử đang cỡi một con tuấn mã trắng. Đây là nơi Thái tử đã rời kinh thành. Bên ngoài mỗi cổng thành đều có một ngôi tháp, mỗi ngôi tháp đều có tượng một cụ già, một người bệnh, một người chết và một sa môn. Đó chính là những nơi mà Thái tử trên đường ngoạn cảnh đã nhìn thấy các cảnh sanh, lão, bệnh, tử và chiêm ngưỡng bậc sa môn. Phía Đông Bắc cách kinh thành khoảng 40 lý có một ngôi tháp đánh dấu sự kiện Thái tử trong một ngày lễ hạ điền đã ngồi dưới gốc câyđạt được sơ thiền. Phía Đông Nam cửa thành có trăm ngàn ngọn tháp, đánh dấu nơi dòng họ Thích Ca bị sát hại. Vua Tỳ Lưu Ly đã đánh chiếm và bắt tất cả dòng họ Thích 9999 người, sau đó ra lệnh xử chém tất cả. Thây họ chất thành đống như rơm và máu của họ chảy thành hồ. Các vị Đế Thích đã kích động lòng người để họ đến thu thập xương tàn mà đem chôn. Phía Tây Nam của nơi dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly sát hại có bốn ngôi tháp nhỏ. Phía Nam của thủ đô khoảng 3 hay 4 lý là một vườn cây Ni Câu Đà (Nyagrodha) nơi Đức Phật sau khi thành đạo đã hội ngộ với vua cha và giảng dạy giáo pháp. Cách bên hông Tăng xá không xa là một ngôi tháp kỷ niệm nơi Đức Phật khi ngồi dưới gốc cây lớn hướng mặt về phương Đông đã nhận một tấm y bằng chỉ kim tuyến của bà di mẫu Ba Ha Ba Xà Ba Đề dâng cúng. Không xa nơi đó là một tháp đánh dấu nơi Đức Phật cảm hóa tám vị vương tử cùng 500 người trong dòng họ Thích. Bên trong cổng thành Đông phía bên trái cũng có một ngôi tháp, nơi Thái tử thường chơi thể thao lúc nhỏ. Bên ngoài thành là một ngôi đền Đế Thích (Isvara). Trong đền có một bức tượng Đế Thích trong tư thế đang quỳ và đứng dậy. Đây là ngôi đền mà khi Thái tử còn sơ sanh đã được đưa vào theo tập tục xưa của người Ấn. Bên ngoài cửa thành Nam, phía bên trái là một ngôi tháp đánh dấu nơi Thái tử đã cùng các hoàng tử khác tranh tài và mũi tên của Ngài đã chẻ đôi cái đích bằng sắt. Từ nơi tháp này đi về phía Đông Nam 30 lý có một ngôi tháp khác. Nơi đây có một vòi nước và nước trong vắt như mặt gương. Đây chính là mũi tên nơi Thái tử sau khi chẻ đôi cái đích đã ghim sâu xuống, từ đó một vòi nước đã chảy ra, người địa phương gọi là ‘Tiễn Tỉnh.’”

Ngày nay về hướng Tây Nam của Taulihawa khoảng 6,5 cây số có ngôi làng tên Baradhawa, nơi người ta khai quật được một số di tích xưa, trong đó có một ngôi tháp chứa xá lợi của Đức Phật, không xa nơi này là một cái giếng nhỏ mà người ta tin là nơi mũi tên của Thái Tử Tất Đạt Đa đã ghim xuống trong cuộc tranh tài ngày xưa. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào về những khám phá mới này cả. Hiện tại các nhà khảo cổ dự tính tiếp tục cho khai quật những vùng phụ cận kinh thành Ca Tỳ La Vệ, nơi người ta tin rằng sẽ đào lên được những di tích lịch sử liên quan đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ cũng như dòng họ Thích Ca như làng Hardewa cách Taulihawa khoảng 5 cây số về phía Nam, làng Bikuli cách Taulihawa khoảng 13 cây số về phía Đông Bắc, làng Chatradei cách Taulihawa khoảng 5 cây số về phía Tây Bắc, và làng Araurakot các Ca Tỳ La Vệ bên Népal khoảng 9 cây số về phìa Đông Bắc... 

thientructieuduky-05-22
(Dòng sông chảy quanh hướng Đông Thành Ca Tỳ La Vệ)

thientructieuduky-05-23
(Dòng sông nằm bên cửa thành Đông tại Ca Tỳ La Vệ)

 

Thành Ca Tỳ La Vệ Nào? 
Bên Phía Népal hay bên phía Ấn Độ?

 

 Năm 1896 nhà khảo cổ Alexander Cunningham đã dựa vào những tài liệu của các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang, cũng như dựa theo các kinh điển khác của Phật giáo, đã tìm ra được gần như chính xác địa điểm của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Theo ông Cunningham thì kinh thành Ca Tỳ La Vệ nằm bên bờ sông Bhagirathi, cách Rishi Kapila không xa. Theo những phế tích của thành Ca Tỳ La Vệ hiện đang nằm bên bờ sông và phía Đông là Vườn Lâm Tỳ Ni. Tuy nhiên, cho đến ngày nay chưa ai trong giới khảo cổ học có thể xác định vị trí chính xác của kinh thành Ca Tỳ La Vệ, vì vậy mà cả hai phía Ấn Độ và Népal đều cho rằng kinh thành này nằm trong địa phận của quốc gia mình. Bên phía Népal thì cho rằng thành Ca Tỳ La Vệ nằm cách Vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 27 cây số về hướng Tây. Trong khi bên phía Ấn Độ lại cho rằng thành Ca Tỳ La Vệ nằm trong địa phận Pipprahwa, thuộc vùng Basti của bang Uttar Pradesh, cách nhà ga Naugarh trên tuyến đường xe lửa Gorakpur Gonda 25 cây số, và cũng cách thành Ca Tỳ La Vệ bên Népal khoảng 25 cây số. Hiện tại các nhà khảo cổ đang nỗ lực nghiên cứu xem vị trí nào chính xác. Tuy nhiên, cho đến ngày nay thì đa số đều tin rằng thành Ca Tỳ La Vệ bên Népal có phần chính xác hơn nên hầu như đa số khách hành hương đều đổ xô về đây chiêm bái

Nói gì thì nói, bốn chữ Ca Tỳ La Vệ luôn có một chỗ đứng rất trang trọng trong lòng người Phật tử. Thành Ca Tỳ La Vệ, dù nằm bên phía nào, dù bên Ấn Độ hay bên Népal, vẫn là một di tích, một Thánh tích rất quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Nhưng đối với Phật tử chúng ta, làm sao khỏi chạnh lòng đau xót khi nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát của thành Ca Tỳ La Vệ (cả hai bên Népal và Ấn Độ). Hiện tại Phật tử khắp nơi đang ráo riết vận động trùng tu lại khu Thánh tích này. Hy vọng trong những thập niên sắp tới, con cháu chúng ta sẽ nhìn thấy Thánh tích một Ca Tỳ La Vệ quang đản hơn những gì mà chúng ta đang thấy ngày hôm nay. 


Thành Xá Vệ 

2:00 giờ chiều cùng ngày, đoàn vượt biên giới Nepal-India đi Xá Vệ (Sravasti). Trong thời Đức Phật còn tại thế, bên thành Vương Xá thuộc xứ Ma Kiệt Đà do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cai trị, thì bên Xá Vệ Quốc thuộc vương quốc Câu Sa La do vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) trị vì. Theo truyền thuyết Phật giáo thì vua Ba Tư Nặc cũng là một trong những vị vua đầu tiên hộ trì Phật giáo rất chí tình. Ông là một vị đại thí chủ của Đức PhậtTăng đoàn trong những ngày đầu khai sanh của Phật giáo. Và ông cũng là một trong những vị quân vương Phật tử đầu tiên trong lịch sử Phật giáo. Cũng theo truyền thuyết Phật giáo thì phần lớn sự tôn kínhtín ngưỡng Phật giáo của nhà vua là do bà chánh hậu Mallika. Bà rất sùng đạo, lại thiên phú cho tánh tình thông minh hiền diệu. Bà rất thông thạo giáo lý, nên trong nhiều trường hợp bà đã hướng dẫn và giúp đỡ chồng trên đường đạo đức. Ngày trước, thành Xá Vệ là một kinh thành thịnh vượng trù phú, với những cánh đồng bao la bát ngát. Chính vì vậyĐức Phật đã ghi lại trong một bài kinh về Xá Vệ như sau: “Dòng sông Achiravati (bây giờ là sông Rati) chảy ngang qua những cánh đồng lúa mạch phì nhiêu. Chúng vây bọc thành phố vĩ đại này, hòn ngọc của vương quốc Câu Sa La cổ kính, và trong thành phố này có 57.000 dân cư trú ngụ, người dân sống trong sự thịnh vượng trù phú.” Nhưng ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, dân chúng trong thành Xá Vệ ngày nay nghèo nàn xơ xác với những mái nhà tranh vách đất dọc hai bên đường. Trong khi tại thị trấn, chỉ có những xây cất tạp nhạp, dường như khôngkế hoạch gì cả. 


Thành Ca Tỳ La Vệ Bên Phía Ấn Độ

Trên đường đi từ Népal về phía Ấn Độ, đoàn chúng tôi dự tính ghé lại thăm thành Ca Tỳ La Vệ bên phía Ấn Độ, nhưng khi qua khỏi biên giới thì màn sương chiều đã bắt đầu lãng đãng khắp nơi, nên chúng tôi phải ngồi trên xe quan sát. Theo người Ấn thì thành Ca Tỳ La Vệ nằm trong địa phận Pipprahwa, thuộc vùng Basti của bang Uttar Pradesh, cách nhà ga Naugarh trên tuyến đường xe lửa Gorakpur Gonda 25 cây số, và cũng cách thành Ca Tỳ La Vệ bên Népal khoảng 25 cây số. Sau khi chúng tôi vừa qua khỏi biên giới Népal thì mặt trời cũng bắt đầu ngã bóng. Thấp thoáng phía trước mặt chúng tôi là thị trấn Pipprahwa, cũng nghèo nàn như hầu hết các thị trấn khác trong vùng biên giới Ấn Độ-Népal. Nếu xuôi về hướng Đông Nam thì chúng tôi sẽ gặp thành phố Gorakhpur, nhưng không, xe chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Tây Bắc để đi đến thành Xá Vệ. Thành Ca Tỳ La Vệ bên phía Ấn Độ cũng hoang tàn đổ nát không khác chi thành Ca Tỳ La Vệ bên phía Népal. Nhìn cảnh hoang sơ hai bên đường, không biết hai hàng nước mắt của tôi thấm mặn trên môi tự lúc nào. Tôi tự nghĩ: “Sao mà ướt át quá vậy, Đức Từ Phụ đã không từng nhấn mạnh về vô thường trong các kinh điển của Ngài hay sao?” Dù nói gì đi nữa, thì tôi vẫn là một con người hết sức phàm phu tục tử, nên không thể nào ngăn được những cảm súc bình thường của một con người. Khi đi ngang qua vùng phế tích Ca Tỳ La Vệ bên phía Ấn Độ thì trời đã bắt đầu tối nên chúng tôi tiếp tục đi đến Xá Vệ. Dù sương đêm đã phủ đầy hai bên đường, khi xe buýt vượt qua thị trấn, chúng tôi vẫn thấy rõ hai bên đường trong thành Xá Vệ ngày nay chỉ còn lại những mái tranh nghèo nàn lụp sụp, những con người ốm o gầy mòn. Dù đoạn đường từ biên giới Ấn Độ-Népal về thành Xá Vệ chưa đầy 300 cây số đường chim bay, mãi đến gần 10 giờ đêm chúng tôi mới tới Xá Vệ. Sau đó đoàn nghỉ đêm tại thành Xá Vệ, Sri Lanka Guest House, thuộc Distt Sravasti, bang Uttar Pradesh. 

Thành Xá Vệ--Đức Phật Tranh Luận 
Với Lục Sư Ngoại Đạo 

Trong thời Đức Phật còn tại thế thì tại Xá Vệ Quốc đã xảy ra một cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu. Lý do là thời đó tại thành Xá Vệ có rất nhiều ngoại đạo sư. Khi họ thấy đạo Phật càng ngày càng mạnh và có uy thế ở đây, họ đâm ra bực bội, tâu lên vua Ba Tư Nặc. Nhà vua cho tiến hành một cuộc tranh luận. Đây là cuộc tranh luận giữa Đức Phậtlục sư ngoại đạo. Sáu nhà sư ngoại đạo thuộc sáu trường phái triết học nổi tiếng nhất tại Ấn Độ thời bấy giờ đã gởi lời thách thức tranh luận đến Đức Phật. Lúc ấy Đức Phật đang trụ tại thành Vương Xá bên xứ Ma Kiệt Đà, khi nhận được thơ thỉnh cầu, Đức Phật bằng lòng và tuyên bố rằng cuộc tranh luận sẽ được tiến hành dưới một tàng cây xoài. Trong khi nhà vua muốn cuộc tranh luận ấy diễn ra trong những đại sảnh lớn. Để làm cho lời tuyên bố của Đức Phật phải bị sai nên lục sư ngoại đạo cho người đi đốn hết những cây xoài trong thành Xá Vệ. Nhưng theo truyền thuyết Phật giáo, khi đến nơi Đức Phật đã cho ném một hột xoài xuống đất và dùng thần thông làm cho cây xoài ấy lớn và đơm bông kết trái nhanh như thổi, tàng của nó che mát cả một khoảng đất rộng như sảnh đường. Cuối cùng Đức Phật đã thắng tất cả lục sư ngoại đạo trong cuộc tranh luận này. Vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, vua A Dục đã thân hành đến chiêm bái Xá Vệ Quốc. Tại đây ngài đã cho dựng 2 trụ đá bên cổng phía Đông để đánh dấu nơi Đức Phậtchư Tăng thường trú tại đây trong 24 mùa an cư kiết hạ. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây một ngôi chùa để thờ xá lợi của Đức Phật. Đến thế kỷ thứ nhất sau tây Lịch, vua Kushana đã cho chạm khắc một số hình tượng Phật vào các tháp để thờ tại Xá Vệ. Đến thế kỷ thứ 3 sau Tây Lịch khi Ấn Độ giáo bắt đầu phục hoạt thì Phật giáo vẫn còn hưng thịnh, nhưng đến thế kỷ thứ 5 khi ngài Pháp Hiển du hành chiêm bái Phật tích vào năm 409, thì Phật giáoẤn Độ bắt đầu đi vào thời kỳ suy tàn, và các di tích chùa tháp Phật giáo tại Xá Vệ Quốc chỉ còn là những bóng mờ. Trong Phật Quốc Ký, ngài Pháp Hiển đã ghi: “Xá Vệ Quốc xưa kia, nơi Đức Thế TônTăng đoàn đã trải qua 24 mùa an cư kiết hạ, lúc bấy giờ chỉ còn một số tu viện với vài trăm Tăng sĩ tu tập. Khi thấy ngài đến họ lấy làm lạ thăm hỏi và biết rằng ngài từ Trung Hoa sang, họ tán thán lên rằng: ‘lạ thay! Vị này từ một nơi xa xôi tận cùng trái đất mà cũng đến đây tu học. Chúng ta và các vị trưởng lão tại đây chưa từng được trông thấy như vậy.’ Hồi này Xá Vệ Quốc dân cư rất thưa thớt, tổng cộng chỉ có khoảng chừng 200 gia đình sống nơi xưa kia vua Ba Tư Nặc trị vì. Đi về cổng phía Nam của thành khoảng 1.200 trượng, phía bên trái của con đường là nơi mà xưa kia trưởng già Tu Đạt xây cất tịnh xá cúng dường cho Đức Phật. Cửa chính đi vào nằm bên hông của hai dãy phòng lớn, trước mặt là hai trụ đá, trên đỉnh trụ bên trái là tượng bánh xe, và trên đỉnh trụ bên phải là tượng một con trâu. Những hồ nước trong xanh chung quanh những khu rừng cây hoa lệ và vô số các loài hoa trong Kỳ Viên Tịnh Xá.”

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/07/2013(Xem: 12945)
21/07/2013(Xem: 12909)
21/07/2013(Xem: 13754)
08/12/2010(Xem: 43012)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.