Đại Học Nalanda Và Sức Mạnh Mềm Ngoại Giao Qua Xá Lợi Của Ngài Huyền Trang

25/04/20212:57 CH(Xem: 3970)
Đại Học Nalanda Và Sức Mạnh Mềm Ngoại Giao Qua Xá Lợi Của Ngài Huyền Trang

ĐẠI HỌC NALANDA
SỨC MẠNH MỀM NGOẠI GIAO
QUA XÁ LỢI CỦA NGÀI HUYỀN TRANG

Thích Thanh Tâm

 

nalandaTóm tắt

Viện Đại học Nalanda - một trong những ngôi trường đại học nổi tiếng nhất thời xưa của Ấn Độ, được xây dựng với tính cách là một trung tâm nghiên cứu triết lý Phật giáo cũng như toán học và y học - mới được tái khai giảng vào ngày 1-9-2014 vừa qua, sau hơn tám trăm năm gián đoạn. Tại tu viện Nalanda cổ, Ngài Huyền Trang đã đến thăm tất cả các thánh địa gắn liền với cuộc đời của Đức Phật và dành phần lớn thời gian của ông để hoàn thiện kiến ​​thức về tiếng Phạn, triết học Phật giáotư tưởng Ấn Độ. Chỉ vài thập kỷ sau khi các tác phẩm của Ngài bị chìm vào quên lãng[1] thì những dấu tích vật lý (xá lợi xương đỉnh đầu) đã mất dấu từ ​​lâu lại được Takamori Takasuke khai quật, vào ngày 23 tháng 12 năm 1942,[2] và được trao tặng cho Thủ tướng Nehru vào ngày 12 tháng 1 năm 1957 trong lễ kỷ niệm tại tu viện Mahavihara của Nalanda mới. Bài viết này đề cập đến sự hồi sinh Đại học Nalanda và sức mạnh mềm ngoại giao qua xá lợi của Ngài Huyền Trang giữa Trung quốcẤn độ hơn một thiên niên kỷ sau.

Từ khóa: Đại học Nalanda, Huyền Trang, quan hệ đối ngoại, trung tâm đối thoại, giao lưu văn hóa.

 

Mở đầu

Viện Đại học Nalanda cổ với những phế tích, lẫn Đại học Nalanda mới đều tọa lạc gần Rajgir - một vùng đất tập trung nhiều di tích lịch sửtôn giáo, kể cả Bồ-đề Đạo tràng, nơi Đức Phật thành  đạo – thuộc  bang  Bihar, Ấn Độ.[3]  Ngài Huyền Trang, người từng học tại đây, là một trong những Pháp sư, học giả, dịch giả nổi tiếng với cuộc hành hương lịch sử từ Trung Quốc đến Ấn Độ trong thế kỷ thứ VII, được tôn vinh nhất trong lịch sử châu Á. Sự nổi tiếng của Ngài dựa vào các bản dịch kinh điển Phật giáo và hồi ký về các chuyến hành hương sang Trung Á và Ấn Độ - Đại Đường Tây vực ký - với nhiều dữ liệu chi tiếtchính xác, có giá trị không thể nào quên đối với các nhà sử học và khảo cổ học.

1. Đại học Nalanda hồi sinh – một không gian sáng tạo dành cho các thế hệ tương lai, một trung tâm đối thoại liên văn minh

Đại học Nalanda - nằm ở thị trấn Rajgir, thuộc bang Bihar, miền bắc Ấn Độ - được thành lập vào năm 427 CN, tồn tại hơn 700 trăm năm qua các làn sóng chính trị, sự trỗi dậy và sụp đổ của các nền văn minh, các cuộc chiến tranh tôn giáo và sự ra đời của những vĩ nhân trí tuệ trong gần một thiên niên kỷ trước khi người Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy. Là nơi nắm giữ kiến thức trong hơn tám thế kỷ tại vương quốc cổ đại Magadha, Nalanda đã trở thành một trung tâm nổi tiếng để học hỏi từ thế kỷ thứ 5 và một trong những trường đại học quan trọng nhất trên thế giới, được phát triển không phải ở phía tây thời trung cổ, mà ngay tại Ấn Độ. Nó thu hút các học giả và sinh viên từ Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc và Trung Á đến để tìm kiếm tri thức.

Ngài Huyền Trang đã theo học ở đó vào thế kỷ thứ 7, đã để lại một tài liệu hấp dẫn về trường đại học thịnh vượng, giàu có. “Nalanda là một nơi sôi động, đông đúc các học giả, với các cuộc hội thảo, giảng dạy và tranh luận - tất cả những ý tưởng sâu sắc nhất về Phật giáo đều được khám phá và mổ xẻ tại đây.” (Yojana Sharma) Cho nên, đây là một trung tâm xuất sắc không chỉ cho trí tuệ, triết họctriết học Ấn Độ cổ đại mà còn cho cả Y học và Toán học, Thiên văn học và Logic. Tuy nhiên, Nalanda đã không còn tồn tại khi các trường đại học đang mở ra ở Bologna, Paris và Oxford vào đầu thiên niên kỷ thứ hai sau Công nguyên. Sự dịch chuyển của các trung tâm tri thức từ Đông sang Tây là biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực cuối cùng sau nửa thiên niên kỷ.

Tám trăm năm sau khi Nalanda bị phá hủy, cựu Tổng thống Ấn Độ Tiến sĩ APJ Abdul Kalam, vào tháng 3 năm 2006 đã đưa ra ý tưởng hồi sinh trường đại học, trong khi phát biểu trước Hội đồng Lập pháp bang Bihar. Gần như đồng thời, Singapore đã gởi một đề xuất đến Chính phủ Ấn Độ tìm cách tái lập một trường đại học như Nalanda. Vì dấu ấn của Nalanda cổ đại là mang tính quốc tế, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định chia sẻ đề xuất này với các nhà lãnh đạo của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ('EAS'). Đề xuất này lần đầu tiên được chia sẻ với mười sáu thành viên của các quốc gia EAS tại Hội nghị thượng đỉnh Cebu ở Philippines vào tháng 1 năm 2007.[4] Các quốc gia thành viên hoan nghênh sáng kiến khu vực cho sự hồi sinh của Nalanda University. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư được tổ chức vào tháng 10 năm 2009, tại Hua Hin, Thái Lan, các thành viên đã hỗ trợ thành lập Nalanda University và khuyến khích kết nối và hợp tác khu vực giữa Đại học và các trung tâm xuất sắc hiện có ở Đông Á.

Theo Giáo sư Amartya Sen, hiệu trưởng của trường, “Công việc của chúng tôi là đưa Đại học Nalanda mới đi vào hoạt độngthiết lập việc giảng dạy. Đây mới chỉ là bước khởi đầu - Nalanda cũ mất 200 năm để đạt đến trạng thái hưng thịnh. Chúng tôithể không mất 200 năm nhưng sẽ mất vài thập kỷ.”( Yojana Sharma) Giáo sư Sen cho biết sẽ có sự hợp tác tích cực với trường nghiên cứu lâm nghiệp của Yale, khoa lịch sử Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Đại học Seoul ở Hàn Quốc và Đại học Bắc Kinh ở Trung Quốc. Triển vọng quốc tế này cho thấy, có thể thúc đẩy lĩnh vực giáo dục đại học của Ấn Độ vốn được coi là hướng nội và ít quốc tế hóa hơn các nước khác ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc; và nếu mọi việc suôn sẻ, nó sẽ khiến danh tiếng cổ xưa của Nalanda trở nên đáng tự hào dù đã trải qua 800 năm.

Như vậy, đây là một cơ hội để tái tạo chủ nghĩa phổ quát của Nalanda như một trung tâm tri thức. Châu Á ngày nay đồng nghĩa với một nền văn hóa khởi nghiệp và đổi mới năng động, dựa trên kiến thức và doanh nghiệp không quên quá khứ nhưng không ngại đối mặt với tương lai. Các nước châu Á đang cùng nhau xây dựng một lục địa dựa trên nền tảng của hòa bình và hòa hợp. Chính Nalanda truyền cảm hứng từ sự xuất sắc trong học tập và tầm nhìn toàn cầu với mong muốn đáp ứngthiết lập các tiêu chuẩn xuất sắc về học thuậtnghiên cứucho phép xây dựng năng lực trong tất cả các lĩnh vực học tập cao hơn. Tóm lại, Nalanda University được dự tính là một biểu tượng của sự phục hưng châu Á mới này: một không gian sáng tạo dành cho các thế hệ tương lai, một trung tâm đối thoại liên văn minh.

2. Xá lợi của Ngài Huyền Trang – một sức mạnh mềm được vận dụng trong quan hệ đối ngoại của Trung quốc với Ấn Độ

Suốt chuyến hành hương sang Ấn Độ, Huyền Trang đã viếng thăm nhiều địa điểm nơi xá lợi của đức Phật đang được phụng thờ, gồm một ngôi đền ở Haḍḍa,[5] nơi một mảnh hộp sọ của Đức Phật, uṣṇīṣa, đang được tôn thờ. Khi trở về Trung Quốc, Huyền Trang mang theo không chỉ hàng trăm bản Kinh Phật mà còn lưu giữ một trăm năm mươi viên xá lợi của Phật. Giờ đây mười ba thế kỷ sau, mọi người tổ chức hành hương để chiêm bái, bày tỏ lòng tôn kính với xá lợi, di sản tinh thần của Ngài.[6] Dù cho những chuyển biến to lớn như hiện đại hóa, toàn cầu hóa, và các cuộc cách mạng kinh tế và chính trị đã thay đổi châu Á trong suốt một thế kỷ rưỡi vừa qua, các tín đồ Phật giáo sùng đạo vẫn tiếp tục tôn kính xá lợi của các nhà sư nổi tiếng như những biểu tượng tràn đầy năng lượng lạ thường. Những gì từng bị tố cáomê tín vào đầu thế kỷ XX, bây giờ được xem là di sản văn hóa vào đầu thế kỷ XXI.

Với ngày nay, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quảng bá Huyền Trang giống như Khổng Tử, với mục đích chuyển tải những ý định tốt nhất của Trung Quốc nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ các đối tác quốc tế dựa trên sự giao lưu văn hóa, tôn trọng và làm phong phú lẫn nhau - như cách mà Trung quốc theo đuổi thực hiện ngày nay. Cho nên, các tờ báo Trung Quốc luôn nhắc nhở, Huyền Trang  không chỉ là một sinh viên trong thời gianẤn Độ, mà còn là đại sứ văn hóa hay nhà giáo; đã chinh phục các nhà sư Ấn Độ trong cuộc tranh luận và thậm chí cả các trưởng lão ở Nalanda và các vị vua trong khu vực đã nài nỉ ông lưu lại Ấn Độ. Sau khi trở về Trung Quốc, các bản dịch và chú giải của Ngài đã dẫn đến những cuộc đại phục hưng Phật giáo ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á.( Jan Kiely and J. Brooks Jessup, 2016, 166 – 167.)

Món quà của Đảng cộng sản Trung quốc về xá lợi Huyền Trang được gửi tặng cho chính phủ Ấn Độ là một phần của tiến trình níu kéo quan hệ chính trị lâu dài. Trong suốt những năm 1950, hai nước đã làm việc để tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế; và vào tháng 6 năm 1954, lần đầu tiên, Chu Ân Lai đã đến thăm Ấn Độ nhằm thúc đẩy một thỏa thuận mới về Năm nguyên tắc chung sống hòa bình.[7] Vào tháng 10 năm đó, một hiệp định thương mại Trung-Ấn được ký kết tại Bắc Kinh và Hiệp hội hữu nghị Trung-Ấn được thành lập ở cả hai nước. Lễ kỷ niệm về văn hóa truyền thống Ấn Độ được Chính phủ bảo trợ một cách công phu, đã diễn ra sau đó – về những bích họa trong động Ajanta năm 1955, cuộc đờitác phẩm của Kālidāsa năm 1956. Ngoài việc thể hiện sự tôn trọng đối với di sản của Ấn Độ, các quan chức Bắc Kinh còn mong muốn nhấn mạnh đến cội nguồn lịch sử của tình hữu nghị hai nước.

Như vậy, Huyền Trang nổi lên như một hình tượng cho sự hợp tác Trung-Ấn. Những ngôi chùa dính líu đến cuộc sống của Ngài ở Tây An – chùa Từ Ân và Hưng Giáo - là một trong những cơ sở Phật giáo đầu tiên được ĐCSTQ khôi phục và thường xuyên đón tiếp các quan chức Ấn Độ viếng thăm.[8] Điều này dường như là một chiến lược hiệu quả. Sau khi đi thăm Trung Quốc vào năm 1956, nhà lãnh đạo của phái đoàn quốc tế, Tăng sĩ Ấn Độ Bhadant Anand Kausalyayan (1905-1988) cho rằng, “Những người Cộng sản Trung Quốc không cản trở sự phát triển hay tôn kính bất kỳ tôn giáo nào. Tôi nghĩ, các điều kiện xã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dễ dàng khiến cho tín đồ với nhiều tín ngưỡng khác nhau - Phật giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và Đạo giáo có thể giữ gìn giới luật của họ.”( Times of India, October 16, 1956) Các báo cáo như thế này phản ánh cái gọi là thời kỳ trăng mật của các quan hệ Trung-Ấn, khi khẩu hiệu “Hindi-Chini-bhai-bhai” (Ấn ĐộTrung Quốc là anh em) đã được Thủ tướng Jawaharlal Nehru và chính quyền của ông công bố.

Trong bối cảnh rối ren này, vào tháng 9 và tháng 10 năm 1956, phái đoàn mười một vị Tăng sĩ Phật giáo do Đại sư Bhadant Anand Kausalyayan dẫn đầu viếng thăm Trung Quốc và xin phép lưu giữ một phần hài cốt của Huyền Trang tại Nalanda - trường đại học Phật giáo lâu đời ở miền Bắc Ấn Độ, nơi Ngài đã nghiên cứu trong nhiều năm. Chu Ân Lai đã tặng một phần xá lợi Huyền Trang ở Bắc Kinh, vốn được phụng thờ tại tu viện Dabei (大悲院/Đại Bi viện) ở Thiên Tân từ năm 1945 và bổ nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn trẻ tuổi làm đặc phái viên Trung Quốc. (Đức Dalai Lama cùng với Panchen Lama, đã được được mời đến Patna để tham dự các buổi lễ kỷ niệm 2500 năm ngày sinh của đức Phật.) Cùng với xá lợi, Chu Ân Lai đã gửi bản sao các bản dịch của Huyền Trang, một bộ Đại tạng kinh Trung Quốc, cũng như 300 ngàn nhân dân tệ và các kế hoạch chi tiết xây dựng nhà tưởng niệm Huyền Trang theo phong cách truyền thống Trung Quốc. Xá lợi được trao tặng cho Thủ tướng Nehru vào ngày 12 tháng 1 năm 1957 trong lễ kỷ niệm tại tu viện Mahavihara của Nalanda. Tuy nhiên, sau đó không lâu, mối quan hệ giữa Trung QuốcẤn Độ không còn thuận lợi khi những tranh chấp lãnh thổ nảy sinh về các khu vực biên giới chung. Về sau, người ta châm biếm bằng cách đổi câu khẩu hiệu trên “Hindi-Chini-bye-bye ” (Trung QuốcẤn Độ chia tay nhau).

Kế hoạch xây dựng nhà tưởng niệm Huyền Trang đã bị gác lại cho đến khi quan hệ Trung-Ấn được hồi sinh vào đầu thế kỷ XXI. Trong thời gian 50 năm chờ đợi, xá lợi của Ngài Huyền Trang được lưu giữ trong tháp nhỏ pha lê ở gần Bảo tàng Patna. Vào năm 2006, “Năm hữu nghị Ấn Độ – Trung Quốc”, xá lợi xuất hiện; khi đó, cùng với một số biểu hiện khác được công khai về những thiện chí tương trợ, thì việc nỗ lực hoàn thành Nhà tưởng niệm đã được đưa lên.[9] Vào tháng Bảy năm đó, một nhóm mười nhà sư Trung QuốcĐài Loan, mang theo một bức tượng Huyền Trang được điêu khắc từ đất sét ở Trung QuốcĐài Loan, rời Tây An đến Ấn Độ, để tham dự lễ khánh thành chính thức, và tham quan nhà Tưởng niệm gần như hoàn chỉnh và chiêm ngưỡng bức tượng Huyền Trang có kích thước thật đứng gần lối vào. Tấm bảng trên bệ tượng nêu rõ ý nghĩa toàn cầu về Huyền Trang: “Huyền Trang thuộc về thiên hà của công dân thế giới, có nhiệm vụ to lớn, vì lợi ích của nhân loại, làm sáng tỏ khối lượng lớn siêu phàm về văn minh nhân loại.”( Jan Kiely and J. Brooks Jessup, 2016, 158.) Dường như, Ngài Huyền Trang không nhất thiết là người Trung Quốc hay là Tăng sĩ Phật giáo; đơn giản Ngài là một trong những trí thức vĩ đại của thế giới.

Kết luận

Tóm lại, sự hồi sinh Đại học Nalanda với ước muốn như một trung tâm văn hóa, một biểu tượng cho sự phục hưng nền học thuậtnghiên cứu, đã được các thành viên EAS đồng thuận. Và trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu quảng bá Huyền Trang như một công dân tiêu biểu, đã làm phong phú đời sống trí tuệtinh thần Trung Quốc mà còn nuôi dưỡng mối quan hệ các đối tác quốc tế dựa trên sự giao lưu văn hóa, tôn trọng và làm phong phú lẫn nhau. Những điều này cho thấy tính dân tộc trong mối quan hệ với những nỗ lực biến Huyền Trang thành một biểu tượng kiểu mẫu của nền văn hóa Phật giáo châu Á, riêng biệt và thống nhất; được tôn sùng trong các nhà tưởng niệm công cộng lộng lẫy và những lễ kỷ niệm được trù tính nêu bật mọi mặt của sự thống nhất văn hóa trong quá khứ và tạo ra những mô hình tích cực cho sự hợp tác tương lai ở Á châu.

Trung ẩn sơn, Thiệu Long tự, mùa An cư 2564.

Tài liệu tham khảo

1. Chinese Buddhist Association, ed. 1956. Buddhists in New China. Peking: Nationalities Publishing House.

2. Davids, T. W. Rhys. 1901. "Aśoka and the Buddha Relics." Journal of the Royal Asiatic So­ciety: 397-410.

3. Dorothy C, Wong. “The Making of a Saint: Images of Xuanzang in East Asia.” Early Medieval China 8 (2002): 43–98.

4. “Hsuan Tsang’s Relics: A Portion May Come to India,” Times of India, October 16, 1956. 

5. “India to Gift Sanchi Stupa Replica and Sarnath Buddha to China,” Times of India, April 25, 2010.

6. Kiely, Jan and J. Brooks Jessup, ed. Recovering Buddhism in Modern China. New York: University of Columbia press, 2016.

7. Minyi, Chu 褚民誼. “Tang Sanzang da bianjue fashi Xuanzang dinggu ta bei ji” 唐三藏大遍覺法師玄奘頂骨墖碑記 [Stele inscription for the stupa containing the parietal bone of Tang Sanzang Great Universal Awakening Dharma Master Xuanzang]. Song sheng ji, 4–5.

8. “Move to Shift Xuanzang Relics to Nalanda,” Times of India, December 29, 2003.

9. Nedostup, Rebecca. 2010. Superstitious Regimes: Religion and the Politics of Chinese Modernity. Cambridge, Mass.: Harvard University Asia Center.

10. Passin, Herbert. “Sino-Indian Cultural Relations.” China Quarterly 7 (1961): 85–100.

11. Pillalamarri, Akhilesh. 2014. India’s Nalanda University opens again after 800 years.” The Diplomat, Volume 34.

12. Renmin ribao, June 28, 1964, và July 6, 1964.

13. Sharma, Yojana. India's ancient university returns to life. https://www.bbc.com/news/business-22160989, truy cập ngày 20/12/2020

14. Strong, John S. 2004. Relics of the Buddha. Princeton, NJ: Princeton University Press.

15. Welch, Holmes. 1972. Buddhism Under Mao. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.

 

 

 



[1] Các văn bản gốc của Duy thức tông đã được giới thiệu lại ở Trung Quốc bởi học giả cư sĩ Yang Wenhui (楊文會/Dương Văn Hội, 1837-1911) vào cuối thời Thanh, người đã tìm được bộ sưu tập các văn bản Duy Thức tông từ Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX. Cũng thời gian đó, Huyền Trang được giới thiệu ở Châu Âu qua các bản dịch về chuyến du hành của Ngài, 大唐西域記 [Đại Đường Tây vực kí], đầu tiên ở Pháp dịch bởi Stanislas Julien năm 1857 và sau đó ở Anh dịch bởi Samuel Beal năm 1884. Beal tiếp tục dịch tiểu sử Huyền Trang của Huili năm 1911.

[2] Takamori Takasuke (高森隆介/Cao Sâm Long Giới, mất năm 1954), một sĩ quan chỉ huy binh lính Nhật Bản đóng quân tại Nam Kinh, đang giám sát việc xây dựng đền thờ Thần Inari ngay bên ngoài cổng phía Nam thành phố. Trong khi đào móng xây dựng ngôi đền, người của ông phát hiện huyệt mộ một bảo tháp Phật giáo cũ. Bên trong một chiếc quan tài bằng đá, họ tìm thấy hai chiếc hộp lồng vào nhau, bên ngoài bằng đồng, bên trong bằng bạc. Hộp bên trong chứa một bức tượng Phật bằng vàng nhỏ, vài dụng cụ bằng đồng và gốm, hàng trăm đồng xu và một hạt lúa mì. Một hộp bằng đồng riêng biệt, bọc kín, có một mảnh xương nhỏ, màu nâu xám và đại khái hình chữ nhật. Hai dòng chữ được khắc vào các bức tường của quan tài đá, một dòng ghi niên đại từ thế kỷ thứ XI, dòng kia ghi niên đại thứ XIV, đã khẳng định mảnh xương này là một mảnh xương hộp sọ của Pháp sư nổi tiếng đời Đường Ngài Xuanzang (玄奘/Huyền Trang; 600? - 664). (Theo Jan Kiely and J. Brooks Jessup, 2016, 143.)

[3] Khu vực này là trung tâm chính trị và tri thức của vương quốc cổ Magadha (Ma- kiệt-đà); và không chỉ là trung  tâm chính của Bà-la-môn giáo, mà là cái nôi của Phật giáo và Kỳ-na giáo.

[4] Trường đang được hỗ trợ bởi tất cả các quốc gia thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các bản ghi nhớ liên chính phủ về hiệu ứng đó đã được 17 quốc gia ký kết.

[5] Afghanistan ngày nay

[6] Kể từ khi nhập Niết Bàn, cách đây 2500 năm, trong việc hỏa táng thi hài và phân chia xá lợi của Đức Phật, từ đó, xá lợi đã đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển và lan tỏa Phật giáo. Sự phân bố huyền thoại về 84.000 viên xá lợi Phật của Vị vua Ấn Độ Aśoka vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên và sự tôn kính của các Hoàng đế Trung Quốc về xương ngón tay của đức Phật suốt triều đại nhà Đường là những ví dụ nổi tiếng, ngoài ra còn vô số những thí dụ khác.

[7] Chúng gồm sự tôn trọng lẫn nhau đối với sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp lẫn nhau trong sự vụ nội bộ mỗi nước, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau, và cùng tồn tại hòa bình.

[8] Sự phục dựng chùa Đại Từ Ân bắt đầu vào đầu thập niên 1950. Nehru and Chu Ân Lai viết thăm chùa Hưng Giáo vào mùa Xuân năm 1953; các thành viên Bộ ngoại giáo Ấn Độ viếng thăm năm 1956.

[9] Vào năm 2006, việc thành lập được sắp đặt do Ấn Độ thiết kế và tài trợ xây dựng tại chùa Bạch Mã (白馬寺) ở Lạc Dương, Hà Nam, địa điểm mà truyền thuyết cho rằng, Phật Giáo được truyền vào Trung Quốc đầu tiên từ Ấn Độ. Về cấu trúc, mô phỏng Đại bảo tháp ở Sanchi, được khánh thành vào ngày 27 tháng 5 năm 2010, bởi Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil.


Bài đọc thêm:
Nalanda Trường Đại Học Đầu Tiên Của Phật Giáo




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/04/2012(Xem: 34453)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.