Phản hồi về bài "Về tôn xưng "Pháp Vương"

21/10/20153:04 CH(Xem: 28805)
Phản hồi về bài "Về tôn xưng "Pháp Vương"
Lời Ban Biên Tập:
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh) để rộng đường dư luận như chủ trương của ban biên tập chúng tôi luôn luôn mở rộng đón chào các ý kiến thuận và nghịch.
(Sau khi post lên hai bài này, chúng tôi nhận thêm ý kiến của Nguyên Dũng, Nguyên Giác, Bình Nguyễn và La Sơn Phúc Cường....) 

BAN TÔN GIÁO VIỆT NAM: ÔNG LÀ AI?
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Hỏi tức là đã trả lời.
Câu trả lời rõ ràng rằng: Ban Tôn Giáo Việt Nam (BTG) là một cơ chế chẳng biết gì hay biết nhưng cố tình làm cho “lấy được” về khái niệm và tinh thầnbản sinh hoạt tôn giáo.

Trước hết BTG phải là một bộ phận văn hóa có tầm hiểu biết bao quát về tôn giáo.

Nếu BTG có sự hiểu biết căn bản tối thiểu về đạo Phật thì phải thấy được rằng, kinh điển Phật giáo Nguyên thủy Pali tạng khi nhập vào Trung Quốc đã bị luận giải theo quan điểm Thần Đạo dân gian, Khổng và Lão đến MƯỜI LẦN xa hơn nguyên bản.

Khuynh hướng “Trung Quốc hóa” Phật giáo đã phản ánh rõ rệt qua những nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ để dựng lên đức Quán Thế Âm và các vị Bồ Tát là những linh thể đang có trú xứ ở Ngũ Đài Sơn Trung Quốc. Đồng thời, phái Tịnh Độ Tông Phát Triển Trung Quốc đã biến Phật giáo thành một hệ thống mê tín dị đoan thoái trào với những hình thức lễ nghi hỗn loạn âm thanh, lòe loẹt màu sắc, bùa chú lễ nghi và thoái trào giáo lý nhà Phật. Tiếc thay, trong quá trình tiếp thu Phật giáo, Việt Nam đã bị Phật giáo Bắc Truyền “đô hộ”, bê nguyên Hán Tạng mà không có sự chắc lọc, tham cứu, dịch thuật cẩn trọng như Phật giáo Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Tích Lan… Hệ quả đáng buồn là cho đến ngày nay, cái “bóng đè” Trung Quốc vẫn còn ngự trị quá nặng nề trên mạng mạch sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam với hình thức văn tự chữ Hán đang còn ngự trị khắp nơi, từ kinh văn trong sách vở cho đến các công trình trùng tu xây dựng chùa viện cập nhật mọi vùng trong nước.

Gần đây, nhóm Tôn Giáo Trung Ương Trung Quốc đã tạo ra một trò ma mãnh đồng bóng của những diễn viên phường tuồng tôn giáo nhằm đánh bật ảnh hưởng đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị chân tu Tây Tạng do động cơ chính trị. Đó là hiện tượng quái đản tạo ra một kẻ phường tuồng đội lốt tôn giáo được vẽ vờixưng tụng bằng cái mỹ danh và biệt hiệu cao quý là “PHÁP VƯƠNG” hay “BẬC TOÀN TRÍ TÔN QUÝ”. Truy nguyên để biết rằng, nhân vật gọi là “Pháp Vương” GYALWANG DRUKPA THỨ 12 HOÀ THƯỢNG, thực chất là một thứ BÙ NHÌN TÔN GIÁO TRUNG QUỐC.

Ngay cả những người sơ cơ đối với Phật giáo cũng hiểu rằng, cách tôn xưng kệch cỡm như “Pháp Vương”; cách trang phục và lễ nghi quan cách ồn áo náo nhiệt, lòe loẹt đến độ khôi hài; và lời “pháp thoại” ngông nghênh của đương sự “Pháp Vương” và phái đoàn phu diễn đã là hoàn toàn KHÔNG NHỮNG PHI PHẬT GIÁO MÀ CÒN PHẢN LẠI LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI về mọi mặt: Từ hình tướng đến giới luật căn bản của nhà Phật.
Thế mà thảm hại, vọng động và vô minh thay, Ban Tôn Giáo Nhà Nước CHXHCN Việt Nam đã cúi đầu, nghiêng mình, vận động quần chúng Phật Tử Việt Nam trong nước đón rước gã hề tôn giáo Trung Hoa một cách rình rang, náo loạn với những hình thức tiếp rước, phô trương, tung hê chưa từng thấy.

Qua cuộc phỏng vấn của báo Giác Ngộ với quý Thầy thuộc hàng giáo phẩm trung ương của GHPGVN như HT. Thich Thiện Tánh, HT. Thích Thiện Tâm, HT. Thích Như Niệm, HT. Danh Lung và TT. Thích Nhật Từ, tất cả đều cho là Ban Tôn Giáo Nhà Nước đã tiên phong chủ động dành cho nhân vật G. Drukpa những danh từ và phương vị tôn xưng quá đáng.

Tất cả hàng Phật tử dân thường đều chia sẻ và cảm thông với sự dè dặt để được yên thân mà tu hành của quý Thầy. Tuy nhiên, sự sai lạc trong hình thức sinh hoạt tôn giáo sẽ dẫn đến tinh thần suy bại đức tin và sự thui chột về hướng tích cực phát huy tôn giáo cho nhiều thế hệ về sau.

Thưa Ban Tôn Giáo Nhà Nước, nếu quý ngài quá trọng vọng Trung Quốc thì trước hết mong hướng về đức Khổng Tử với lời nhắn nhủ: “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, tức là biết vậy.” Các ngài làm công tác Tôn Giáo Vận cho cả một đất nước gần cả trăm triệu dân, xin mời khiêm tốn học hỏi như lời cụ Hồ của các ngài đã nói. Kẻ có trí không làm bừa; kẻ có lòng không tôn xưng điều bất thiện

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
(bài do Nam Giao Xưa chuyển đến)

PHÁP VƯƠNG VÀ CHUYỆN THỊ PHI
(Cư sĩ Giới Minh)

Phatgiao-org-vn-Ngai-Gyalwang-drukpa-tham-T-u-giao-hoi-02Chuyến thăm và giao lưu tôn giáo, rất được quần chúng nói chung và tín đồ phật tử quan tâm.
Xét ở góc độ đó, chuyến du hóaý nghĩa của Ngài và Tăng đoàn Truyền thừa tại Việt Nam trong gần 3 tuần lễ (từ ngày 22/9 đến 10/10/2015), thành công tốt đẹp mọi bề, chỉ có chi tiết nhỏ cần góp ý cho người dịch và giới truyền thông khi đưa tin, không nên dịch và “gắn” với danh hiệu “Bậc toàn tri tối tôn quý” hay “Đức Pháp Vương”. Một số chùa khi treo cờ phướn chào mừng có ghi như trên, kể cả sách do Nhà xuất bản Tôn giáo cấp phép và phát hành cũng danh xưng như vậy. 
Nếu góp ý, là góp ý về điều đó, chuyện rất nhỏ, không có gì phải “thị phi”.

Là người theo đạo Phật, ai cũng biết danh xưng “Đức Pháp Vương”, “Bậc Toàn Tri” là danh xưng để chỉ về đức Phật, hậu thế ai dám tự mạo xưng để phải tội. 
Tôi chưa bao giờ thấy Ngài Gyalwang Drukpa tự tôn xưng là "Pháp Vương", lỗi ở đây là khâu dịch thuật và bộ phận truyền thông. Cũng có thể người dịch, phật tửTây Tạng, Nepal hay một nơi nào đó vì sự kính ngưỡng Ngài đã tôn xưng như vậy.

Điều đó không khó hiểu, nếu chúng ta suy nghĩ từ nền văn hóatín ngưỡng của người Việt. Đức Vua Trần Nhân Tông rời bỏ Ngai vàng lên Am Ngọa Vân tu hành, từ lúc tu đến lúc Viên tịch, đức Vua chưa bao giờ tự xưng mình đắc quả vị Bồ Tát, A La Hán, hay Phật quả. Nhưng nhân dân, vì sự kính trọng đặc biệt đã tôn xưng Ngài là “Phật hoàng”, ngôn ngữ dân gian còn gọi là “vua Phật”, đến nay lịch sử thế giới cũng mới có duy nhất một vị Vua từ bỏ ngai Vàng để tu hành theo hạnh Phật đà.

Đó là ngôn ngữ của dân gian, không phải ngôn ngữ của “pháp tự” để chúng ta quá đe nẹt về "lòng kính ngưỡng", vì ai cũng biết đã thành Phật thì làm gì có “vua Phật” hay “Thái Tử Phật” hay bất cứ một danh xưng thuộc phạm vi “đời” nào để gắn vào quả vị tột cùng của bậc giác ngộ đó là “PHẬT”.

Năm 1963, Tỳ kheo Thích Quảng Đức “Vị pháp thiêu thân”, Ngài cũng không có danh xưng gì cả, nhưng nhân dântôn kính Ngài đã thể gọi là Bồ tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu…(mặc dù lúc đó Ngài chưa phải là Hòa thượng).
Phatgiao-org-vn-tp-hcm-don-tiep-duc-phap-vuong-va-tang-doan-druka02Trở lại danh xưng “Pháp Vương”, có lẽ do chưa hiểu tiếng Việt nên Ngài Gyalwang Drukpa chưa có góp ý với người dịch, cá nhân tôi nghĩ rằng danh xưng “Pháp Vương” – chuyện chỉ có thể, phái đoàn của Ngài đi đến đâu, hành xử như thế nào – nếu có gì đáng góp ý chúng ta nên góp ý. Góp ý đúng, góp ý đủ, góp ý trực tiếp và trao đổi với người dịch khi có thể về đúng điều đó.

Phật giáotôn giáo lấy “hòa hợp” làm đầu, nên khi Ngài Gyalwang Drukpa tới Việt Nam không chỉ quần chúng nhân dân đón tiếp hân hoan, giới truyền thông quan tâm đưa tinChư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng dành cho Ngài sự đón tiếp trọng thị. 
Tuy nhiên, trên các trang web của cộng đồng Phật giáo, vẫn có một vài ý kiến của một số cá nhân có những cách nhìn hơi tiêu cực, làm cho có kẻ "mượn gió bẻ măng", "thọc gậy bánh xe" coi là dịp được bề phóng tác và thêm bớt để xuyên tạc phá hoại, họ đã kỳ công tập hợp những loạt bài viết công kích Ngài Gyalwang Drukpa rất nặng nề bằng những ngôn ngữ của tà ma ngoại đạo đăng lên trên các trang mạng xã hội để làm ly gián Phật giáo, chia rẽ lòng người, bôi xấu đạo Phật, làm cho một số tín đồ phật tử cũng phân tâm.

Phatgiao-org-vn-Ngai-Gyalwang-drukpa-12-vieng-cu-Tri-Tinh
Ngày 20/03/Giáp Ngọ, Ngài Gyalwang Drukpa
cùng Tăng đoàn đã cầu nguyện đến
Giác linh cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh
tại Bảo tháp.
Theo dõi chuyến đi của Ngài và phái đoàn Truyền thừa, chúng tôi nhận thấy cách thực hiện nghi lễ, đội mũ ra sao sẽ theo truyền thống văn hóa của dân tộc Ngài và của dòng Truyền thừa. Ngài đến Việt Nam theo lời mời của Giáo hội, được sự cho phép của Nhà nước và được quần chúng trân đón thì thật là điều nhân duyên thể hiện sự phát triển và giao lưu hợp tác quốc tế của Phật giáo Việt Nam.
Hiểu như vậy, để vui mừng với sự kiện tôn giáoý nghĩa, một số người lại sử dụng những chi tiết mà do giới truyền thông phản ánh để ghép vào cho là Ngài nói để chỉ tríchthóa mạ theo kiểu:

Phật tử Việt Nam do không hiểu, chuộng ngoại, nên đã đón tiếp Ngài quá nồng hậu, thậm chí còn có cả Lãnh đạo Chính phủ đón Ngài? Cách hành đạo của Ngài không phải là của Phật giáo mà là của đạo Bon Tây Tạng, "Ngài nói dối" về bức tượng đức Phật an vị tại bảo tháp Tây Thiên...

Tà ma ngoại đạo xuyên tạc là có. Một số trang web chống phá Nhà nước Việt Nam cũng thêm mắm, thêm muối viết suy diễn về Ngài Gyalwang Drukpa với những bài viết sặc mùi liêu trai. Nhưng đó là chuyện muôn thưở - "có Phật thì có ma, có kính ngưỡng thì có xuyên tạc", - không bàn và chưa đề cập đến trong bài viết này. 
Trong khi có người thuộc "đạo ta" chứ không phải ngoại đạo nêu ý kiến, phát biểu quan điểm và nêu góc nhìn không được thiện cảm xung quanh sự kiện về chuyến viếng thăm của Ngài Gyalwang Drukpa và tăng đoàn đến Việt Nam
Đúng ra, đứng trước xu thế các tôn giáo đang đẩy mạnh đối thoại, giao lưu tôn giáo, lấy tương đồng làm chất keo gắn kết thì hơn bất kỳ tôn giáo nào, Phật giáo phải tiên phong tinh thần đó. Nếu suy nghĩ kỹ, nếu là người có tâm với đạo Phật chúng ta phải vui mừng trước các sự kiện giao lưu Phật giáo
Còn nhớ trước đây khi sư ông Thích Nhất Hạnh về Việt Nam được quần chúng kính ngưỡng, cũng lại có những thông tin kiểu như quần chúng “chuộng ngoại”, “lai căng” mà xa rời “truyền thống” hay sư ông được đón rước như vua chúa ngày xưa,...

Phải chăng thay vì có sự so sánh, chạnh lòng, những ai nghĩ vậy nên bình tâm mà thấy quần chúng rất khát ngưỡng tâm linh
Nếu phải nghĩ, quý vị nên trả lời câu hỏi, chúng ta đã làm được gì để hướng đạo tâm linh cho quần chúng, để mỗi khí có khách quý đến nhà, quần chúng vừa đón tiếp long trọng chư tôn giáo phẩm ngoại quốc – vì dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu khách; vừa phát huy và tu tập theo truyền thống Phật giáo Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, gốc đó - tâm thế văn hóa đó cắm rễ sâu trong quần chúng sẽ làm vẻ vang Phật giáo nước nhà.

Có lẽ chỉ có chiều sâu của sức tu mới đủ cuốn hút một cách gốc rễ và lâu bền, không như dòng thác của cơn giông chợt đến, rồi đi - cùng với thời gian mọi sự đến một cách tự nhiên. Tất nhiên khâu tổ chức tốt và chu đáo rất quan trọng để làm nên hiệu ứng có hiệu quả của sự kiện tôn giáo. Đó là đứng ở góc độ tổ chức sự kiện tôn giáo, còn trong chuyện quần chúng đón tiếp Ngài  Gyalwang Drukpa, nếu ai đó thay vì quá nghĩ về việc nghi lễ, hiệu ứng số đông mà chạnh lòng, mà chợt nghĩ đến sự tung hô, sự chào đón của bản ngã thì cũng nên nghĩ đến việc chung. 
Sự kiện tôn giáo nào cũng để lại những bài học bổ ích, đón Ngài Gyalwang Drukpa là dịp tốt để chúng ta nhìn lại cách thức thực hành Phật giáo khi đối đãi với quần chúng
Phải chăng lâu nay, Phật giáo đã quá trọng ghi lễ, hình tướng bên ngoài nên mới có người để ý đến điều đó một cách thái quá mà giảm đi sức mạnh của nội lực tu tập để bình thản mà chuyển hóa, để tự hào với truyền thốngsức mạnh một cách tự nhiên để không phải chạnh lòng?

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến Hòa thượng Thích Thanh Từ, một bậc cao tăng có công rất lớn trong việc khôi phục dòng phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc Việt do Tổ Trần Nhân Tông khai sáng. Hơn ai hết, nếu có nhân danh truyền thống, bản sắc để có thể chỉ trích cái gì quần chúng “chuộng ngoại”, lời Ngài nói sẽ có sức mạnh hiệu triệu, nhưng Ngài đã không nói, vì bản chất điều đó không có gì để nói, Hòa thượng để dành thời giantâm đạo vào việc tiếp nối truyền thống theo cách của Ngài và đúng nghĩa.

Nếu thấy hiện tượng khơi khơi mà chỉ trích “quá sâu”, hoặc nhân danh truyền thống mà “nặng lời” với đồng đạo thì e rằng đó không phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Giới Minh
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, phật tử ở Hà Nội
(Ban Truyền Thông GHPGVN)

Bài liên quan:
http://thuvienhoasen.org/a23987/ve-ton-xung-phap-vuong 



Thêm một ý kiến phản hồi:

THÊM MỘT Ý KIẾN SAU KHI ĐỌC CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN TỚI 
“PHÁP VƯƠNG” từ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(Nguyên Dũng)

 

Về vấn đề cơ quan quản lý tôn giáo, đối với Phật giáo là Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ (Ban này lại thuộc Bộ Nội vụ), người viết xin không bàn đến. Là người theo dõi thông tin này từ những ngày đầu tiên khi "Pháp vương" đến Việt Nam, tôi có mấy ý kiến rời rạc sau:

Việc "Pháp vương" đến Việt Nam lần đầu (2007), phải nói là mang một không khí “sôi động” đến cho Phật giáo Việt Nam với sự đóng góp của sắc màu Mật tông liên quan đến Tây Tạng - một vùng đất mà nhiều người Việt Nam mơ ước một lần đến thăm, với hình tượng sống có sức lôi cuốn là Ngài Dalai Lama thứ XIV. Tôi cũng không phân tích sâu nguyên nhân vị này vào Việt Nam (sau hiện tượng lùm xùm ở tu viện Bát Nhã – Lâm Đồng liên quan tới Thiền sư Nhất Hạnh).

Mật tôngKim cương thừa Tây Tạng hay Bhutan là một cái gì đó rất hấp dẫn, tự thân nó có một sức quyến rũ người quan tâm văn hóa, có cảm tình với Phật giáo và với cả những ai có hướng sống đại loại “tâm linh” chung chung.

Đó cũng do sách vở về văn hóa cũng như số phận của các vùng đất này lưu hành tại Việt Nam, trong sự kiểm duyệt của các nhà xuất bản lẫn không chính thức phải nói là khá lớn, từ trước 1975 tại miền Nam, và sau đó rầm rộ ở miền Bắc, đã quảng bá thành công, với nhiều câu chuyện huyền bí đặc dị phương Đông tạo sự tò mò và gây nhiều hứng thú khám phá, v.v.

Một hiện tượng mà hầu hết ai cũng thấy rõ ràng là, “Pháp vương” vào Việt Nam, với những cái duyên như có sẵn như dọn cỗ trên, lần đầu tiên, cùng với các phong trào hoạt động xã hội có tính thời thượng liên quan tới lối sống, môi trường sinh thái…, một người “đại diện” cho Phật giáo, lại là Phật giáo Mật tông có nguồn gốc Tây Tạng ngang nhiên xuất hiện những nơi công cộng, được đón tiếp trọng thị, vào Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trụ sở Giáo hội Phật giáo Trung ương, bày binh bố trận hùng hậu tại Văn miếu, lên sóng đài truyền hình Quốc gia – VTV, giao lưu trực tuyến trên các báo điện tử, gửi thông điệp, truyền kinh nghiệm, cầu an lành cho dân tộc và đất nước Việt Nam, cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinhsự nghiệp bảo vệ nền độc lập do dân tộc Việt Nam, v.v. Nói chung nhiều sự kiện dồn dập được được làm truyền thông rất tốt, như thể cơn sóng thần bất chợt quét qua “địa hạt Phật giáo”, tổng lực và toàn diện, làm cho mọi người ngơ ngác, không kịp hoàn hồn.

Những việc đó, phải nói rằng chưa có một vị lãnh đạo nào của Phật giáo hay Giáo Hội hiện tại đã từng làm, có thể làm, được đẩy cao trong truyền thông kể cả các sự kiện lớn của Giáo Hội như đại hội toàn quốc hay các lễ lớn của Phật giáo như đại lễ Phật Đản, Vu Lan, v.v. Ngoại trừ trước đó, Thiền sư Nhất Hạnh về lại quê hương sau nhiều chục năm xa cách cũng có hàng loạt sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chào hỏi, v.v., nhưng không rầm rộ và sôi động đầy màu sắc, đặc biệt là các màu sắc huyền bí qua sự ban phước, cầu đảo đáp ứng nhu cầu về tôn giáo của số đông quần chúng.

Lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu và rồi thứ bảy (2015)…, một số người bình tĩnh hơn, đã tự hỏi vậy cơn sóng thần kia xuất phát từ đâu?, có thật không?, “Pháp vương” là ai?, “Nhiếp chính vương” là ai?, “đây là hóa thân chân thật của Bồ tát Quan Âm”, thế những tuyên bố khác, ví dụ như Ngài Dalai Lama là hóa thân Bồ tát Quan Âm hóa ra là không chân thật ư?, v.v., Hàng tá câu hỏi đó nẩy sinh, như sau các cơ thiên tai, sự sống lại bắt đầu trổi dậy.

Những người ở Nepal và Ấn Độ lâu năm bắt đầu lên tiếng. Họ cung cấp nhiều thông tin làm mọi người ngỡ ngàng.

Và rồi nữa, đến một lúc, có một danh xưng khác được phát ngôn bởi Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Namcơ quan điều hành cao nhất của Phật giáo có pháp nhân pháp lý được Chính phủ công nhận, lại công bố một danh xưng khác, không gọi là “Pháp vương” mà gọi là “Hòa thượng” trong một buổi tiếp xã giao tại Thiền viện Quảng Đức – Thành phố Hồ Chí Minh (xem bản tin duy nhấtchính thức trên Báo Giác Ngộ Online http://giacngo.vn/thoisu/2015/10/07/1EF008/), đã chính thức tạo nên một diễn đàn, giữa nhóm “Pháp vương” và các vị Hòa thượng thuộc Giáo Hội qua các phát biểu cũng đăng tải trên Báo Giác Ngộ (xem dẫn lại tại đây http://thuvienhoasen.org/p122a23987/ve-ton-xung-phap-vuong).

Chuyện “tôn xưng” dường như là một cái cớ. Có ý kiến cho rằng “ghen ăn tức ở”, cũng có thể có, nhưng không hẳn là vấn đề cốt lõi.

Cái mấu chốt có thể là ở chỗ: sau không khí vui tươi qua hàng loạt các sự kiện, sự hào nhoáng về danh xưng và các nghi thức đàn tràng (quen sợ dạ, lạ sợ áo quầnthành ngữ Việt Nam), đặc biệt là qua các diễn dịch “giáo lý” thành những cái gạch ngang mang tính minh triết phổ thông dễ hiểu (5 điều khuyên…; 8 yếu tố…) hợp thời đại, bình tĩnh quan sát lại, “Pháp vương” đã “cống hiến” gì cho Phật giáo Việt Nam?, chỉ cần làm một sự thống kê và quan sát số lượng người tham dự ở mỗi sự kiện, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Một thực tế rõ ràng, nhu cầu tôn giáo lớn hơn nhu cầu nhận thức. Quan sát các sự kiện mà người ta gọi là “pháp hội” quán đỉnh, cầu an, cầu siêu, cầu trường thọ, v.v., thì sẽ thấy rõ ràng đông hơn quá nhiều lần so với các cuộc ra mắt sách, giao lưu, thuyết giảng, những hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết về căn bản về giáo lý Kim cương thừa như các khóa tu mà Ngài Dalai Lama thường chủ trì, và chính Ngài cũng nhấn mạnh trong nhiều bài giảng.

Trong Phật giáo, sự hiểu biết, nhận thức được đánh giá cao – nếu khôngtrí tuệ thì sẽ không có từ bi. Các vị đạo sư thường nhấn mạnh, trí tuệtừ bi như 2 cánh của một con chim. Khuyết tật trí tuệ, hay từ bi sẽ làm con chim không thể tung cánh vào trời cao được.

Nói cách khác, hiện tượng “Pháp vương” cũng theo quy luật có cung – có cầu thông thường. Nghi lễ, cổ xúy sự huyền bí, cùng thêm những tuyên bố về sự ân điển, ban phước, nhất là những trả lời phỏng vấn của “Pháp vương” về việc trao tặng pho tượng đồng thiêng liêng “2000 năm tuổi” (hay 1200 năm tuổi) làm cho giới nghiên cứu văn hóaPhật học, giới thạo cổ vật “ngớ người”.

Nghi lễ là một lĩnh vực rất quan trọng trong bất cứ tôn giáo nào, Phật giáo – với ý nghĩa là một tôn giáo cũng không ngoại lệ. Nhưng lịch sử tôn giáo cũng cho thấy rằng, khi nào nghi lễ trội hơn các hoạt động truyền bá giáo lý được dạy bởi các vị giáo chủ thì chính lúc đó tôn giáo bị suy thoái. Người viết nhớ có đọc một bài nhận định của Hòa thượng Thích Thanh Từ (người chủ trương phục hồi Thiền phái Trúc Lâm) trên báo Giác Ngộ rằng Phật giáo Việt Nam đang bị bao phủ bởi đám mây mê tín, và trong Lời nói đầu của cuốn cẩm nang nhỏ “Bước Đầu Học Phật”, Hòa thượng cũng thẳng thắn nói chủ trương của Ngài là : “một bề đả phá những mê tín đang ẩn náu trong Phật giáo, để cho bộ mặt Phật giáo trắng sạch hơn, không còn những thứ lọ nhơ làm lem luốc”. Vậy, Phật giáo Việt Nam hiện nay đang cần gì? Có cần thêm những hình thức nghi lễ đáp ứng nhu cầu của số đông có tình cảm với Phật giáocầu đảo hay là gì nữa? Có cần thêm một nghi lễ nào nữa cho tình hình nghi lễ chưa có sự thống nhất, chưa có được một cuốn kinh nhật tụng phổ thông cho tín đồ cả nước như thông tin cập nhật trên các trang mạng chính thống thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, phản ánh qua các hội nghị, hội thảo lâu nay?.

Một điều băn khoăn nữa, đó là trong các thông tin chính thống, các vị chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, như Hòa thượng Thích Như Niệm, Thượng tọa Thích Thiện Thống xác nhận rằng Giáo Hội không mời “Pháp vương” đến Việt Nam (http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2015/10/17/1F7240/, http://giacngo.vn/thoisu/2015/10/07/1EF008/ ) thế nhưng trên trang web chính thức của Ban Thông tin – cơ quan phát ngôn của Giáo Hội, Cư sĩ Giới Minh lại khẳng định là Giáo Hội mời. Trả lời phỏng vấn trên bản tin đài truyền hình Việt Nam – kênh VTV9, chính ngài “Pháp vương” cũng nói rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mời ngài đến Việt Nam. Chỉ một Giáo Hội thôi, sau khi các vị chức sắc cao cấp xác nhận với cơ quan truyền thông Phật giáo – Báo Giác Ngộ Online là không mời, lập tức sau đó, Cư sĩ Giới Minh lại khẳng định là Giáo Hội mời (http://phatgiao.org.vn/y-kien/201510/Phap-Vuong-va-chuyen-thi-phi-19859/ ). Vậy lời của ai là đúng đây?

Đó là chưa nói đến những nhận định có thể hiểu nhiều nghĩa, chưa kể tới sự liên tưởng đến lịch sử Phật giáo Việt Nam (Phật hoàng Trần Nhân TôngBồ tát Thích Quảng Đức) trong trường hợp này, thật là khó hiểu !

Người viết thiết nghĩ, các vị chức sắc phát biểu công khai trên truyền thông là có nhận thứctrách nhiệm của mình trước phát biểu đó. Nói như Cư sĩ Giới Minh mọi người đang “thị phi”: “Nếu thấy hiện tượng khơi khơi mà chỉ trích “quá sâu”, hoặc nhân danh truyền thống mà “nặng lời” với đồng đạo thì e rằng đó không phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam.” (sic) thì e rằng Cư sĩ Giới Minh đang lên lớp dạy đời các vị chức sắc Giáo Hội, hoặc những ai đó có ý kiến ngược lại, rằng cần phải suy nghĩ kỹ càng trước lúc nói.

Không biết những lời trên có bị xem là “thị phi” của ngoại đạo không, nhưng dẫu gì tôi cũng thích cách nói của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trong Lời nói đầu của “Bước Đầu Học Phật”: “Tinh thần tồi tà phụ chánh, chúng tôi chịu trách nhiệm những gì chúng tôi đã nói và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những ai không hài lòng phiền trách chúng tôi.”

Nguyên Dũng


Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA LA SƠN PHÚC CƯỜNG
VỀ Ý KIẾN CỦA TÁC GIẢ NGUYÊN DŨNG


ADI ĐÀ PHẬT,

Với tinh thần trao đổi để có thể hiểu biết hơn, tôi xin phép có đôi lời với tác giả Nguyên Dũng một số luận điểm trong bài phản hồi của tác giả.

Thứ nhất, tác giả Nguyên Dũng có đặt vấn đề ngài Drukpa có đóng góp gì cho Phật giáo Việt Nam.

Với cái nhìn của tôi, tất nhiên, tôi không dám bình luận, so sánh những công hạnhtâm nguyện của các bậc thầy khác nhau. Tuy nhiên tôi cho rằng sự xuất hiện Phật giáo Kim cương thừa nói chung và dòng tu Drukpa có nhiều lợi lạc, trước hết về mặt pháp tu. nếu tác giả Nguyên Dũng nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Ấn Độ sẽ thấy Kim Cương thừa là một giai đoạn phát triển của Phật giáo tại đây. Giai đoạn này xuất hiện những Tantra (Mật Pháp) như Mật Tập Kim Cương, Hỷ Kim Cương, Thắng Lạc Kim Cương, những giáo pháp về Đại Thủ Ấn trực truyền dòng tâm, Sáu Yoga của Naropa, 100 vị Bản tôn…và đây là những giáo pháp được truyền thừa từ Ấn Độ tới miền đất Tuyết. (1) Ngày nay riêng dòng Drukpa đã có hàng trăm hành giả người Việt thọ nhận pháp và lặng lẽ thực hành những Tantra này. Ngoài ra, những nghi quỹ thuộc các bộ Tantra bên ngoài như nghi quỹ Bản Tôn Quan Âm, Lục Độ Phật Mẫu Tara, Trí tuệ Văn Thù, Dũng lực Vajrapani… đang được cả ngàn người Việt Nam trong nước thực hành như những thời khóa thường nhật. Đây là những phương pháp tu với một thứ lớp rất chặt chẽ, kết hợp cả ba thừa, từ cách phát khởi dòng tâm xả ly, phát Bồ Đề tâm, kết hợp với phương pháp thiền quán về tính không của Kim cương thừa. Việc thực hành cũng không chỉ là “ngồi trì chú mà không có khởi dòng tâm gì” như một số người bình luận. Trên thực tế việc để dòng tâm an trụ trong trạng thái vắng bặt mọi suy tưởng chỉ là một giai đoạn, một thời khắc trong tiến trình tu tâp một nghi quỹ mà thôi.

Ngoài ra đã có nhiều người bước vào những phương pháp tu tập biệt truyền như nhập thất 3 năm, 3 tháng 3 ngày, 6 tháng, 6 năm 6 ngày hay như sự hướng đạo của ngài Tenzil Palmo là phải cần có cả nhập thất trọn đời. Đây là những phương pháp tu tập, nhập thất rất nghiêm mật đã được trì giữ nguyên vẹn nhiều đời trên rặng Tuyết Sơn. Tôi tin đây là những đóng góp âm thầm, nhưng rất đáng quý, đáng trân trọng từ truyền thống này trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam.

Thứ hai, tác giả băn khoăn về vấn đề nghi lễnhận thức.

Tôi chỉ xin lấy một dẫn chứng cho thấy việc truyền pháp Kim cương thừa không chỉ đơn giảnnghi thức đâu. Bộ Tử Thư Tây Tạng là một trong những bộ kinh văn lớn được giới thiệu từ thế kỷ trước trên thế giới và cũng đã được dịch thuật sang tiếng Việt, điều này rất lợi lạc nhưng trên thực tế nhiều người chỉ biết ở phương diện lý thuyết thôi, thử hỏi tác giả Nguyên Dũng đã có ai trực tiếp luận giải, hướng dẫn và khai thị chi tiết cho hành giả từng tiến trình của Bardo, từ đó giúp họ biết cách thức thực hành để đối trị dòng tâm tiêu cực? Tôi có trao đổi với người biên tập bộ kinh văn đó sang tiếng Việt, bác ấy cũng phải đồng ý luận điểm này của tôi. Nếu xét ở phương diện sự tu tập, cần phải có những bậc thầy đủ phẩm hạnh hướng đạo trực tiếp. Thông qua những buổi cử hành Changwa vừa qua, ngài Drukpa đã trực tiếp giảng giải kỹ càng cho rất nhiều chúng đệ tử, hướng dẫn họ chi tiết các cách thức trong trạng thái Bardo, đặc biệt những phương pháp hướng dẫn cho người lâm chung, từ đó hướng tới chuyển hóa những quan niệm về thế giới, về con người. Đại chúng thực hành, người ta sẽ hiểu, xin đừng vội cho đó là “cầu đảo”, “huyền bí”. (2)

Thứ nữa về phương diện văn hóa, những vũ điệu, đạo ca như Ngũ Trí Như Lai, Bát Đại Cát Tường, Chứng đạo ca… đã được một số Tăng Ni, Phật tử Việt Nam học hỏi, trình diễn. Lời và giai điệu trì tụng, cách thức cúng dường bên trong và bên ngoài, trang phục, thế ấn, đặc biệt nghệ thuật mandala, tranh tượng và thiết kế đàn tu, thất tu, bảo tháp theo phương thức nghiêm ngặt của Ngũ trí Phật, rất đặc sắc, đều thể hiện quan kiến của Phật giáo Kim cương thừa về thế giới, con người, không đơn giản là “hào nhoáng”, thuần túy “ban phước” như tác giả viết đâu. Tôi lấy ví dụ, nếu thực hành đức Phật A-Di-Đà thuộc Liên Hoa bộ, thì mầu sắc, âm thanh, cách bài trì phải tương ứng theo quy luật tâm lý học Phật giáo về mầu sắc, âm thanh để đối trị từng loại phiền não, nhất là sự tham ái.  Hàng ngàn Phật tử, đệ tử Việt Nam này nay họ đều thiết kế việc thực hành như vậy, dần dần đang trở thành một phương thức, một lối sống thường nhật. Nếu tác giả nhìn nhận những lợi lạcphương diện này, thì chắc không cần phải đặt nhiều câu hỏi ở phương diện bề ngoài như vậy?

Thứ ba, về phương diện sự tương tác với giới truyền thông, văn nghệ sĩ, nhà khoa học và cả nhà quản lý, tôi không dám nói là chúng ta nên học nhưng rất đáng trân trọng trong xã hội hiện nay. Một số vị trong Hội nhà văn có phản hồi rằng, họ rất trân trọng và thực sự học hỏi được rất nhiều lời dạy của ngài Drukpa, nhất là cách thức giữ tâm nguyện lợi tha và không tổn hại người trong mọi lúc, bởi vậy họ mời ngài tới trao đổi ở Quốc Tử Giám. Vấn đề chỉ đơn giản vậy thôi, đó là tấm lòng của họ, chứ không có sự “bày binh bố trận” hay “dọn cỗ” nào như tác giả viết cả. Những trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, đưa Phật Pháp vào đời sống, giải đáp trực tiếp những vấn đề của người hỏi, ít lòng vòng, “tầm chương, trích cú” là những phẩm chất mà bất cứ một nhà lãnh đạo tâm linh nào cũng cần có nhất là trong thời đại ngày nay. Không chỉ sách mà sự giới thiệu trực tiếp, những dẫn dụ và sự hiện diện, truyền cảm hứng trực tiếp đã gây tác động lớn cho nhiều người Việt. Tôi cho đây là một trong những sức hấp dẫn chính mà ngài Gyalwang Drukpa đã làm.

Còn một vấn đề nữa trong bài phản hồi, tác giả Nguyên Dũng viết:“Những người ở NepalẤn Độ lâu năm bắt đầu lên tiếng. Họ cung cấp nhiều thông tin làm mọi người ngỡ ngàng.” Tôi tin rằng, thông tin mà tác giả Nguyên Dũng tiếp nhận chủ yếu đến từ cái blog của một kẻ “ở Nepal từ năm 2005” thôi (tôi không muốn nhắc tên mà tôi tin rất nhiều độc giả đã biết). Trên thực tế, trong những năm qua có nhiều người Việt đến NepalẤn Độ cầu Pháp, và đến với dòng tu nào là nhân duyên của họ. Những người tu tập chân chính đó, không ai lên tiếng phỉ báng, xuyên tạc ngài Drukpa như tên chủ Blog đó. Đối với tôi, chỉ cần một người biết đọc bình thường thôi chứ chưa phải là một Phật tử chân chính nếu có đọc cái blog đó thì sẽ thấy ngay tâm địa, sự suy diễn, lời lẽ của một kẻ phàm phu như thế nào và nó không xứng để tranh biện. Nhưng do có rất nhiều người hiểu lầm nên tôi chỉ xin lấy mấy dẫn chứng bằng lập luận cho thấy thông tin suy diễn từ kẻ đó như thế nào: Thứ nhất, vấn đề thân “Tầu” do hắn suy diễn.  Do sự kiện ngài Gyalwang Drukpa có về vùng Nangchen (Tây Tạng), truyền trao giáo pháp. Quý độc giả tìm hiểu sẽ biết, vùng Nangchen là thánh địa mà nhiều đời nay vẫn trì giữ được nghiêm mật dòng tu Drukpa, khoảng 80% tự viện, trung tâm nhập thất nơi đây thuộc thuộc truyền thừa Drukpa, không chỉ người dân, mà hoàng gia, chính quyền phần lớn đều là những người dòng dõi Drukpa. Sau cuộc cách mạng văn hóa, vùng đất này cũng bị ảnh hưởng nhiều, Adeu Rinpoche là lãnh tụ tâm linh thời đó cũng bị bắt vào tù. Khi ra tù, ngài đã đảm nhận trọng trách chính, phục hưng dòng tu, trì giữ, hướng đạo cho rất nhiều các bậc thầy tại vùng và nhiều nơi khác kể cả ở Ấn ĐộBhutan. Gachek là ni viện được coi là lớn nhất Tây Tạng hiện nay dưới sự hướng đạo của Adeu Rinpoche và Tsoknyi Rinpoche với rất nhiều ni sư đang nhập thất trọn đời. Ngài Andeu Rinpoche đã viên tịch năm 2007 và ngài Gyalwang Drukpa tới nơi đây ấn chứng, đăng quang cho vị hóa thân trẻ tuổi, truyền trao giáo pháp trong 2 tuần lễ cho khoảng 100 ngàn người dân. Ngoài ra ngài còn an vị Tôn tượng, trùng tu Đại bảo tháp, theo tư liệu là có từ thời vua A-Dục. Chỉ có một sự kiện như vậy thôi mà chỉ duy nhất mình hắn xuyên tạc, suy diễn là ngài “thân Tầu” với những ngôn từ hết sức thâm độc.

Thứ nữa là nếu quý vị lướt Facebook Drukpa, chỉ cần để ý những thiện hạnh của ngài trong năm 2014, 2015 thôi, bằng lô-gic thông thường, ai cũng có thể nhận ra là chủ kiến nhập thế của ngài như thế nào. Tháng 12 năm 2014, Ngài gặp gỡ chủ tịch nước cộng hòa Ấn Độ Shri Pranab Mukherjee bàn về bảo vệ môi trường và Phật giáo Ladakh, đầu tháng 12 năm 2014, đàm luận với một số bộ trưởng Ấn Độ về Phật giáo và Du Lịch, rồi những buổi gặp gỡ nhiều nhà hoạt động xã hội, đối thoại hòa hợp tôn giáo Ấn Độ…(3)Chỉ bằng đấy sự kiện thôi đủ để không bất kỳ ai có thể quy kết vấn đề chính trị cho chuyến viếng thăm của ngài tới vùng Nangchen và Việt Nam được. Đấy là chưa kể, đối với các bậc thầy đi hoằng pháp trong hệ Tạng truyền, từ khi đản sinh, học pháp, các ngài đều có sự ấn chứng, công nhận từ rất nhiều các bậc thầy vĩ đại khác.

Đối với việc tham gia các tổ chức Phật giáo quốc tế. Ngày nay các tổ chức Phật giáo quốc tế rất quan trọng. Việc các quý Thầy tham dự là việc đáng tán thán. Nhưng nếu coi đó là một tiêu chí duy nhất để đánh giá bậc thầy thì tôi cho là sai lầm. Hơn thế nếu dùng đó để coi thường, miệt thị người khác thì không còn gì là đạo nữa rồi! Trên thực tế hai đệ tử tâm truyền của ngài Gyalwang Drukpa là Thuksey Rinpoche và Tenzil Palmo đều là thành viên của Liên Minh Phật giáo thế giới, ngài Tenzil Palmo là chủ tịch Shakyadhita.(4) Một Bậc thầy có thể không tham dự nhưng các đệ tử của ngài lại tích cực tham gia. Tôi cho rằng mỗi vị thầy có những cách nhập thế, hướng đạo khác nhau và phù hợp. Bởi vậy trước những thông tin không chính xác và những lời lẽ kích động của cái kẻ tự cho mình là có nhiều “hiểu biết” về Phật giáo Nepal và Ấn Độ kia, nếu tác giả Nguyên Dũng có tiếp nhận thông tin từ cái nguồn đó, thì xin cũng không nên đến nỗi quá “sửng sốt” làm chi.

Thứ ba, đối với các tự viện dòng tu Drukpa. Thông tin suy diễn rằng, Ban Tổ chức đã phóng đại số liệu rằng, truyền thừa Drukpa có hơn 1 ngàn tự viện trên dãy Himalaya. Bởi kẻ đó chỉ có biết ở Nepal và 1 số vùng Ladakh. Trên thực tế, riêng tại vùng Nangchen đã có tới gần một trăm tự viện lớn nhỏ thuộc truyền thừa Drukpa. Tại tiểu bang Ladakh, hệ thống tự viện tại đây phần lớn thuộc về dòng Drukpa và Drikung, ở Lahaul, Himachal Pradesh…các Rinpoche, Lạt-ma của dòng trong những năm qua đã trùng tu, tôn tạo và phát triển rất nhiều tự viện. Những tự viện đó họ vẫn thờ tổ sư và bậc lãnh đạo của dòng, vẫn thực hành các giáo pháp biệt truyền của dòng, các trụ trì hoặc các bậc thầy lớn của dòng hàng năm vẫn vân tập cùng nhau pháp đàm. Nếu quý vị nghiên cứu hệ thống sơn môn, tông pháiViệt Nam thôi, ta thấy một sơn môn có thể có hàng trăm chùa, mỗi chùa có những trụ trì khác nhau, bậc đứng đầu một sơn môn không nhất thiết phải trụ trì tất cả các ngôi chùa đó nhưng các ngài vẫn thuộc về sơn môn đó. Điều này là đương nhiên. Tôi xem trên Wikipedia, hệ thống Thiền viện Trúc lâm hiện nay có tới hơn 60 thiền viện và quý trên Thầy - Hòa Thượng Thanh Từ cũng không là trụ trì tất cả các thiền viện đó. Cho nên việc viết trong thông bạch trước đây của Ban Tổ Chức là dòng Drukpa hiện có hơn một ngàn tự viện trên rặng Himalaya là không sai và thực ra họ cũng chỉ giới thiệu như thế thôi. Vậy mà kẻ tự xưng là có hiểu biết và ở Nepal do tâm địa nhỏ hẹp lại viết và quy kết họ là phóng đại thực tế, làm rất nhiều người hiểu lầm. Nếu tác giả Nguyên Dũng tiếp nhận những thông tin từ nguồn đó, tôi mong tác giả Nguyên Dũng nên xem lại và không có chi phải sửng sốt cả, đơn giản chỉ cần có cách tiếp cận khoa học thôi cũng đủ kết luận đúng, sai thế nào. Tất nhiên, theo chỗ hiểu của tôi, một dòng tu, một sơn môn Phật giáo, thì số lượng tự viện, số lượng chùa, số lượng Phật tử hay tự viện, chùa lớn hay nhỏ chỉ là những tiêu chí thứ yếu. Vấn đềgiáo pháp của các sơn môn, dòng tu đó như thế nào, mang lại lợi ích giải thoát cho người thực hành ra sao, công phu và những thiện hạnh mà những bậc thầy của các sơn môn đó có phù hợp với tâm nguyện và cách thức tu tập của mình không? Tôi không có ý định liệt kê các tự viện dòng Drukpa nhưng tôi viết điều này chỉ với một mong nguyện giải thích cho những người đã hiểu lầm về thông tin từ cái blog đó mà thôi.

Thứ tư, vấn đề danh xưng Pháp Vương. Ngoài vấn đề phương pháp tu tập của Kim cương thừa đặt trên nền tảng tri kiến thanh tịnh đối với môi trường bên ngoài, đối với bản thân, với dòng tư tưởng của chính bản thânđặc biệt tri kiến thanh tịnh đối với bậc thầy là nền tảng để bước vào Kim cương thừa, thì ở phương diện lịch sử, như tôi từng có một số bài chia sẻ trên Thư viện Hoa sen, ngài Karmapa có danh xưng là Đại Bảo Pháp vương, Ngài Sakya có danh xưng là Đại Thừa Pháp vương và còn nhiều các danh xưng cao quý khác của các bậc thầy và các hành giả khác. (5) Những danh xưng này là sở đắc, đạo hạnh của các ngài, được các Bậc thầy của các dòng tu khác, hoặc được những người đệ tử cúng dường, tán thán vào thời điểm khác nhau như khi các ngài đản sinh, khi hoàn thành một khóa nhập thất…Điểm quan trọng của truyền thống này là sự coi trọng, tán thán sự nỗ lực và những phẩm hạnh cao quý của một hành giả. Đó không có nghĩa là sự phủ định đức Thế tôn hay ngã mạn như một số người bình luận. Xin hãy tìm hiểu kỹ càng các phương thức tu tập của các truyền thống khác nhau để có những quan kiến hòa hợp.

Thứ năm vấn đề địa vị trong các dòng Tạng truyền

Đối với tôi, một dòng tu, một sơn môn hay một bậc thầy, điều quan trọng không phải là bậc thầy đó có nổi tiếng hay không, số lượng chùa, tự viện của sơn môn đó là bao nhiêu, sơn môn đó có lịch sử phát triển trước hay sau, mà vấn đề là bậc thầy, giáo pháp của sơn môn, dòng tu đó có mang lại lợi ích thực sự giúp chính bản thân mình giải thoát khỏi phiền não hay không? Bản thân mình có phù hợp với cách thức tu tập của dòng tu đó hay không? Hiện nay trong hệ Kagyu, dòng Karma có lịch sử phát triển lâu đời nhất, nhưng bản ngài Karmapa, ít nhất là tới thời điểm này, không thể trực tiếp viếng thăm bất kỳ nước châu Á nào, dù nhiều người mong muốn, dù các đại diện của ngài có thể viếng thăm hay một số người Việt có thể tới đỉnh lễ ngài, nhưng đây là một thực tế. Đối với tôi, đấy cũng là chữ Duyên của một bậc Thầy đối với mỗi vùng miền và con người cụ thể ở mỗi vùng miền. Điều đó lý giải những dòng tu có lịch sử phát triển sau nhưng lại có những ảnh hưởng lớn tới các vùng miền khác, ví như dòng Drukpa hiện là quốc giáo của Bhutan, tại Ladakh và vùng núi Kailash, hầu hết các tự viện đều dưới sự quản lý của dòng Drikung và Drukpa. Do đó, tiêu chí một dòng tu có lịch sử phát triển sớm hay muộn, với tôi không phải là tiêu chí để những người Phật tử đánh giá có nên thực hành theo hay không. Vấn đề ở chỗ giáo pháp của sơn môn, dòng tu đó và nhân duyên của một bậc thầy với một cộng đồng, có lợi ích gì cho cộng đồng hay không.

Vấn đề cuối cùngtác giả Nguyên Dũng nói nửa chừng “Tôi cũng không phân tích sâu nguyên nhân vị này vào Việt Nam (sau hiện tượng lùm xùm ở tu viện Bát Nhã – Lâm Đồng liên quan tới Thiền sư Nhất Hạnh).” Cách nói nửa chừng như vậy trong những bài phản biện làm nhiều độc giả suy diễn và hiểu bản chất của vấn đề. Người không có thông tin rất dễ hiểu lầm, làm bất hòa, so sánh Tăng đoàn này kia. Bởi vậy nếu đã phản biện thì phải lập luận và có thông tin, thể hiện chủ kiến rõ ràng. Còn nếu không, xin đừng viết nửa vời như vậy như thế.

Một khách phản biện là bác Trân Hau ở dưới cho rằng “còn phê phán, tranh luận là còn vọng tâm”. Tôi hoàn toàn đồng ý! Những luận giải và thông tin mà tôi đưa ra trên đây chỉ với một mục đích giúp thông tin lại cho nhiều người đã nhận được những thông tin sai lầmsuy diễn, chứ không hoàn toàn chủ đích biện hộ cho ai cả. Mong nhận được phản hồi từ quý vị. Tôi xin thành tâm mong những người con Phật cùng đến với giáo pháp trân quý của đức Thế Tôn một cách thuần tịnh, có chính kiến, để cùng hòa hợp thực hành lợi ích bản thân và cộng đồng!

La Sơn Phúc Cường
Tham khảo
1. http://thuvienhoasen.org/p38a24011/mot-so-loi-day-cua-duc-dat-lai-lat-ma-ve-phat-giao-kim-cuong-thua
2. http://thuvienhoasen.org/a13603/y-nghia-le-quan-dinh-changwa-chuyen-di-tam-thuc-cau-sieu-do-cho-chu-huong-linh-theo-truyen-thong-kim-cuong-thua
3. Facebook Gyalwang Drukpa
4. www.Shakyadhita.org
5. http://thuvienhoasen.org/p38a23990/dai-bao-phap-vuong-karmapa-va-17-doi-hoa-than

 

Ý KIẾN CỦA NGUYÊN DŨNG HỒI ĐÁP
Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA LA SƠN PHÚC CƯỜNG
VỀ Ý KIẾN CỦA TÁC GIẢ NGUYÊN DŨNG

(Tiêu đề này thật là rối rắm, nhưng cũng xin Ban biên tập
nếu không phiền thì giữ nguyên như vậy – Đa tạ - Nguyên Dũng)

 

Thật vui khi Thư Viện Hoa Sen (TVHS) tạo được một không gian trao đổi như thế này. Điều đó cũng hiếm có ở trong nước. Bởi mục đích của ý kiến chúng tôi là gửi đến trang mạng chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong nước, nơi đã đăng các ý kiến ngược chiều nhau, nhưng không thấy phản hồi nên đã chuyển đến TVHS.

Chúng tôi cũng rất lấy làm vinh dựý kiến rời rạc đó đã được một vài vị quan tâm, trong đó đặc biệt là những lời giảng dạy thêm của tác giả La Sơn Phúc Cường về những điều mà chúng tôi có đặt vấn đề, nêu sự băn khoăn, thậm chí không hề đặt ra trong nội dung đã được TVHS đăng chung với các ý kiến khác, về “Pháp Vương”.

Nói dài dòng sẽ mất thì giờ của mọi người. Với sự giới hạn của mình, chúng tôi xin chỉ nói vắn tắt các luận điểm mà tác giả La Sơn Phúc Cường đã đặt ra và đã trả lời một cách rất chi tiết, cung cấp nhiều tri thức.

Thứ nhất, “Pháp vương” đã “cống hiến” gì cho Phật giáo Việt Nam?

Chúng tôi rất cảm ơn sự dẫn giải những thông tin của tác giả La Sơn Phúc Cường về Kim cương thừa. Chúng tôi xin lưu ý rằng trong ý kiến của chúng tôi không hề có ý phủ nhận Kim cương thừa là phi Phật giáo. Nếu đọc cả bài, có lẽ tác giả La Sơn Phúc Cường sẽ hiểu đủ ý hơn khái niệm mà chúng tôi đã nêu lại ở trên (trong câu “Thứ nhất”, dẫn lại từ bài mà TVHS đã đăng).

Một ý nghĩa khác, không phải cái gì tốt ở Hy-mã-lạp-sơn là đều tốt cho mọi nơi khác. Thuốc bổ có thể tốt với người này, nhưng sẽ là thừa thãi, không có tác dụng, thậm chí là có hại với những thể trạng khác. Đó là chưa kể những đặc thù về bối cảnh văn hóa, truyền thống. Do đó, Phật giáo Đại thừa mới phát huy giáo lý phương tiện, để Phật giáo trở nên linh động hơn nhưng vẫn giữ được đặc tính căn bản của giáo lý được Đức Phật giảng dạy.

Kinh nghiệm thực hành một pháp môn nào đó là điều đáng quý, cần chia sẻ. Nhưng kinh nghiệmcá nhân. Chúng ta chỉ được chia sẻ, trao đổi, giới thiệu pháp hành, mà không nên áp đặt, tự huyễn hoặc rằng đó chính là điều được “giữ nguyên vẹn”, đại loại như thế. Việc bất cứ ai, sống theo nguyên tắc vô hại đã là quý, huống nữa là có ý làm điều lợi lạc hướng đến tha nhân. Điều anh tin, nhưng anh đừng bắt người khác tin như anh, hãy để người khác tự nhận thức, cả phê phán.

Nói rõ ra đây, chúng tôi không đề cập tới truyền thống Kim cương thừacụ thể là “hiện tượng Pháp Vương”, như đã thấy ở Việt Nam mấy năm qua. Chúng tôi cũng xin nhắc lại ý đã viết ở đầu, rằng: “Việc "Pháp vương" đến Việt Nam lần đầu (2007), phải nói là mang một không khí “sôi động” đến cho Phật giáo Việt Nam với sự đóng góp của sắc màu Mật tông liên quan đến Tây Tạng - một vùng đất mà nhiều người Việt Nam mơ ước một lần đến thăm, với hình tượng sống có sức lôi cuốn là Ngài Dalai Lama thứ XIV.”

Xin tác giả La Sơn Phúc Cường đừng đồng hóa “hiện tượng Pháp Vương” với truyền thống Phật giáo Kim cương thừa !

Thứ hai, về vấn đề nghi lễnhận thức

Xin đừng hỏi kiểu thách đố nhau như thế (khi tác giả La Sơn Phúc Cường đặt câu hỏi kiểu như: thử hỏi tác giả Nguyên Dũng đã có ai trực tiếp luận giải, hướng dẫn và khai thị chi tiết cho hành giả từng tiến trình của Bardo…). Chúng tôi nói “hiện tượng”, mà sao tác giả La Sơn Phúc Cường lại tỏ vẻ khó chịu, lại giảng giải nhiều điều không thuộc hiện tượng cụ thểchúng tôi đã băn khoăn. Chúng tôi nói là cầu đảo, huyền thuật là chúng tôi đã quan sát, tham dự “hiện tượng” đó và thấy như thế.

Vấn đề giao lưu văn hóa, có thể. Nhưng ở đây không còn là sự “giao lưu” trên bình diện văn hóa nữa, mà đã lấn quá xa. Cái nguy hại cũng chính ở chỗ mà tác giả La Sơn Phúc Cường đã viết, đó là “Hàng ngàn Phật tử, đệ tử Việt Nam này nay họ đều thiết kế việc thực hành như vậy, dần dần đang trở thành một phương thức, một lối sống thường nhật.”

Thứ ba, theo tác giả La Sơn Phúc Cường đặt ra, “về phương diện sự tương tác với giới truyền thông, văn nghệ sĩ, nhà khoa học và cả nhà quản lý, tôi không dám nói là chúng ta nên học nhưng rất đáng trân trọng trong xã hội hiện nay.(sic)Vấn đề này chúng tôi không băn khoăn mà chỉ quan sát và nhận định với cái nhìn cá nhân. Không biết tác giả La Sơn Phúc Cường nói “chúng ta nên học” – chúng ta ở đây là ai? Là tác giả và chúng tôi?, hay là ai nữa?

Là người có suy nghĩ, chúng ta quá biết công nghệ quảng bá và lăng-xê có tác dụng như thế nào rồi. Chúng tôi xin nói lại, những điều “tôi cho…”, như tác giả La Sơn Phúc Cường quả quyết chưa hẳn là điều mà người khác cảm nhận. Xin đừng nói hộ lòng tha nhân.

Phản biện lại ý kiến của chúng tôi đã viết: “Những người ở Nepal và Ấn Độ lâu năm bắt đầu lên tiếng. Họ cung cấp nhiều thông tin làm mọi người ngỡ ngàng.” Tôi xin nhắc lại rằng đó không chỉ là tác giả Nguyễn Phú qua blog của ông (trong nội dung ý kiến của mình tôi đã tế nhị không nêu danh tánh), mà còn nhiều hơn thế. Chúng tôi nghĩ, dẫu gì, tác giả La Sơn Phúc Cường cũng không nên dùng từ phiếm chỉ khiếm nhã (“kẻ”, “hắn”) khi nói tới một người có quan điểm không thuận với mình như thế, nhất là ở trong những trao đổi như thế này.

Về điểm “Thứ nữa…”, chúng tôi xin miễn nói về thông tin quảng bá các hoạt động của “Pháp Vương” cùng những nhân vật khác trên các trang mạng, facebook, v.v., bởi lẽ theo như lời khuyên của tác giả La Sơn Phúc Cường phải trải nghiệm mới biết được. Cá nhân chúng tôi, với những gì đã trải nghiệm và biết, thấy được, chúng tôi không đánh giá cao các “giải thưởng”, “kỷ lục”, “danh hiệu” v.v., vì nghĩ rằng đó là một khâu trong công nghệ nổi tiếng kiểu bình dân, chỉ có ý nghĩa đối với một nhà hoạt động xã hội bình thường, không dính gì tới một nhà tu để mà hãnh diệnquảng bá hay liệt kê thành tích.

Với quan niệm của tác giả La Sơn Phúc Cường trong nội dung “Đối với việc tham gia các tổ chức Phật giáo quốc tế”, chúng tôi lấy làm “sửng sốt” khi tác giả lý giải suy nghĩ của mình. Đúng là tác giả quá chủ quan.

Thứ ba, đối với các tự viện dòng tu Drukpa. Nội dung này chúng tôi không đề cập nên không hồi đáp làm mất thì giờ ở đây. Những điều mà tác giả La Sơn Phúc Cường cho hay, chúng tôi xin cảm ơn, xem như thêm một giới thiệu để tham khảo lúc cần, dù số liệu cũng là ước tính cá nhân. Còn nếu tác giả La Sơn Phúc Cường muốn giải thích, tranh luận hay thảo luận với tác giả Nguyễn Phú - Nepal thì nên viết thẳng cho vị ấy.

Thứ tư, vấn đề danh xưng “Pháp Vương”. Cách viện dẫn của tác giả La Sơn Phúc Cường là không ổn, không cơ sở về ngữ họclịch sử. Chúng tôi đã từng hỏi nhiều người vì sao có danh xưng ấy, và được trả lời nhiều cách khác nhau, nói chung là tùy tiện. Sau này, khi tìm hiểu, cũng nhờ qua các ý kiến ở đây, chúng tôi biết thêm rằng danh xưng đó được thêm vào trên các trang điện tử chính thức của vị tông chủ dòng truyền thừa Drukpa - Ấn Độ ở phiên bản Hoa ngữ (Trung QuốcĐài Loan). Trong khi đó, các trang chính thức cũng phiên bản Hoa ngữ của các vị lãnh đạo Phật giáo khác (các dòng truyền thừa khác thuộc Tạng truyền, chẳng hạn ngài Dalai Lama thứ XIV, thì không hề có). Nguồn gốc danh xưng “Pháp Vương” này, chúng tôi nghĩ cần làm sáng tỏ về mặt lịch sử và những tương quan khác – những yếu tố phi tôn giáo thuần túy, chứ không nên tùy tiện hay căn cứ theo phiên bản Trung văn một cách dễ dãi và cảm tính, mặc định cho là đúng.

Thứ năm vấn đề địa vị trong các dòng Tạng truyền. Xin lỗi, chúng tôi không đề cập đến vấn đề đó trong bản ghi ý kiến rời rạc của mình. Nên cũng chỉ cảm ơn những “giảng giải” mang tính kinh nghiệm cá nhân của tác giả La Sơn Phúc Cường.

Vấn đề cuối cùngtác giả Nguyên Dũng nói nửa chừng “Tôi cũng không phân tích sâu nguyên nhân vị này vào Việt Nam (sau hiện tượng lùm xùm ở tu viện Bát Nhã – Lâm Đồng liên quan tới Thiền sư Nhất Hạnh).” Chúng tôi nghĩ đó là vấn đề khác, không nên nói ở đây. Đó là cách viết của chúng tôi, cũng xin đừng gán ghép hay chụp lên nó một cách mũ có mấy chữ “dễ hiểu lầm”, “làm bất hòa”, “so sánh Tăng đoàn này kia” lên nó.

Vấn đềchúng tôi ghi lại, như tiêu đề mà TVHS đã đăng tải, xin tác giả La Sơn Phúc Cường bình tĩnh đọc kỹ giùm.

Chúng tôi không nghĩ những ý kiến rời rạc này lại được tác giả La Sơn Phúc Cường phản hồi riêng (và gửi gắm một số vấn đề với tác giả khác, nêu khiếm danh) qua một bài viết dài, với nhiều giảng giải cho chúng tôi về pháp hành và cả tri thứctác giả đã sở đắc. Ý kiến của chúng tôi nói chuyện khác, tác giả La Sơn Phúc Cường lại hiểu ra nhiều vấn đề khác.

Quả chữ nghĩa quá biến hóa, như thể ma thuật, mặc dù chúng tôi cố gắng trích dẫn thông tin cụ thể, theo đầu đề đã đặt ra. Mong chư vị thiện tri thức, nếu vô tình đọc, xin lượng thứ cho sự nhiều chuyện này.

Bài đọc thêm:
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/03/2019(Xem: 6563)
10/04/2019(Xem: 10170)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.