Đất Phương Nam Tập 1 & 2

09/08/20199:59 SA(Xem: 18275)
Đất Phương Nam Tập 1 & 2

ĐẤT PHƯƠNG NAM TẬP I VÀ II

Tác giả Người Long Hồ 

 

 

LỜI ĐẦU SÁCH

 

            Dat Phuong NamKính thưa quý vị,

Từ ngày dân ta chỉ sống thành những bộ tộc du canh, đến khi các vua Hùng lập quốc, rồi Bắc thuộc, rồi độc lập, rồi mở đất về phương Nam... dân tộc ta đã trải qua bao thăng trầm. Nước Việt Nam từ thời các vua Hùng cho đến khi Ngô Quyền thâu hồi nền tự chủ vào năm 939, lãnh thổ cũng chỉ từ biên giới Trung Hoa đến đèo Hoành Sơn(1). Nghĩa là từ trước thế kỷ thứ 10, đất nước chúng ta chỉ vỏn vẹn từ Thanh Hóa trở ra Ải Nam Quan. Đến đời Lê Thánh Tông, khoảng năm 1470, biên giới phía Nam của Đại Việt cũng chỉ mới đến Đèo Cả (2). Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 2 thế kỷ dưới thời các chúa Nguyễn, đất nước Việt Nam đã liền một dãy từ Ải Nam Quan xuống tận đến Mũi Cà Mau. Do hoàn cảnh địa lý và lịch sử, chúng ta nằm sát nách về phía Nam của một dân tộc lớn và đã từng có quá trình lịch sử thôn tính nhiều nước nhỏ quanh vùng, nên dân tộc ta luôn phải chịu áp lực nặng nề từ phương Bắc, và con đường duy nhất để giải tỏa bớt áp lực ấy là phải tiến dần về phương Nam, nên ngay sau thời tự chủ, trải qua các triều đại, các vị minh quân Việt Nam luôn nghĩ đến việc mở mang bờ cõi về phương Nam, dù hồi ấy dân Champa cũng là một dân tộc hùng cường và không dễ bị chinh phục, vì họ cũng có một nền văn hóa cao và một quân đội tinh nhuệ, thường mang quân sang đánh phá biên giới phía Nam của nước ta, không phải do sự hiếu chiến của họ như vài người đã nói, mà có thể vì những lý do khách quan cũng như chủ quan. Chẳng hạn như vào thời vua Trần Anh Tông, vua Champa là Chế Mân đã dâng sính lễ là hai châu Ô-Lý để cưới công chúa Huyền Trân, nhưng sau khi Chế Mân chết, Đại Việt lại cho người sang cướp Huyền Trân về nước. Thế là từ sau năm 1307 đến năm 1390, Champa đã khởi động không biết bao nhiêu cuộc binh biến chỉ vì cho rằng Đại Việt đã không sòng phẳng trong vấn đề nầy. Thật tình mà nói, Champa là một vương quốc với một nền văn minh đã một thời chói rạng ở Đông Nam Á (3), nhưng phải nói sức sống và sức Nam tiến của dân ta dù chậm như tầm ăn dâu, nhưng rất mãnh liệt. Dù sức mạnh quân sự đã làm cho Champa tan vỡ nhanh chóng, nhưng chính sức sống của dân tộc Việt Nam đã phá vỡ những thành lũy kiên cố của Champa chứ không phải chỉ là sức mạnh quân sự. Đến khi các chúa bắt đầu mở cõi về vùng Thủy Chân Lạp, vùng đất đã từng là lãnh địa của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, rồi sau khi Phù Nam bị triệt tiêu, người Chân Lạp trở thành chủ nhân ông của vùng đất nầy cho đến khi người Việt Nam bắt đầu tràn xuống phía Nam. Phải thành thật mà nói, trong suốt hơn mười thế kỷ làm chủ vùng đất nầy, người Chân Lạp chưa bao giờ tỏ ra có hứng thú xác lập chủ quyền của mình tại đây. Với họ, có lẽ vùng đồng bằng sông Cửu Long không hiện lên một sức quyến rũ nào đáng kể, nên chỉ có một ít người Khmer phiêu lưu đi về vùng đất nầy chỉ để sống hòa mình với thiên nhiên, chứ không phải để khai phá. Trong khi đối với người Việt Nam thì vùng đất nầy lại mang đến cho họ một sức quyến rũ hết sức đặc biệt. Thế nên, dầu cha anh chúng ta đã phải dò dẫm từng bước trong những vùng rừng rậm hoang vu, nhưng vùng đất ma thiêng nước độc chỉ khơi đậm thêm sức sống của họ, chứ chưa bao giờ là rào cản trong bước tiến của tiền nhân. Đối với cha anh chúng ta, hình ảnh của mảnh đất miền Nam lúc nào cũng là hình ảnh của ruộng lúa đầy đồng, hình ảnh của cá tôm đầy ruộng, dù lúc đó trước mặt họ chỉ toàn là rừng rậm  với đầy dẫy những hoang thú. Trở về với thời cha anh đi khẩn hoang đất phương Nam chúng ta mới thấy trân quí những gì mà chúng ta đang có hôm nay. Từ một miền đất hoang vu thế mà chỉ trong vòng chưa đầy bốn thế kỷ sau đó cha anh chúng ta đã để lại cho chúng ta một vựa lúa lớn nhất cả nước, và một vùng đất có thủy hải sản cũng lớn nhất cả nước. Thật là kỳ thú với lịch sử thành hình của vùng đất nầy. Cách đây khoảng 20 ngàn năm về trước khi các khối băng thạch ở hai cực Bắc Nam của địa cầu tan rã thì mực nước biển dâng lên thật nhanh, khiến phần lớn vùng thềm lục địa Việt Nam hiện tại bị chìm dưới mặt nước biển. Riêng tại vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ trở thành một vùng trũng ngập nước quanh năm tại các vùng Cần Giờ, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau. Nếu không nhờ sự bồi đắp của dòng Mekong thì có lẽ giờ nầy các vùng nầy hãy còn chìm dưới mực nước biển. Rồi cách nay khoảng trên 10 ngàn năm, vùng đất nầy đã xảy ra các giai đoạn biển tiến và biển lùi. Và vào khoảng 6.000 năm trước, có đợt biển tiến, làm cô lập các giồng đất cao. Hiện vẫn còn các di tích tại các giồng trong huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhất là Giồng Tân Hiệp. Cuối cùng, khoảng 5.000 năm trước lại xảy ra hiện tượng biển lùi, mực nước biển rút dần. Tuy vậy, trong khoảng từ 4.000 đến 2.700 năm trở lại đây, những dao động biển khá rõ rệt, những cồn cát miền duyên hải hạ lưu sông Mékong lại hiện ra, lộ hẳn lên khỏi mặt nước biển. Từ đó trở về sau nầy vùng đất Nam Kỳ của chúng ta cứ tiếp tục được dòng Mékong bồi đắp cho được hình thể như ngày nay.     

     Nói về lịch sử Nam Tiến của dân tộc ta, mà không kể công lao của các chúa Nguyễn, thì quả là một thiếu sót lớn lao. Các chúa Nguyễn đã áp dụng những sách lược khôn khéo trong việc mở cõi về phương Nam, vừa hòa hoãn mà cũng vừa quyết liệt. Sau khi vùng biên trấn của Đại Việt đã được nới rộng đến vùng Phú Yên vào năm 1611, các chúa nhà Nguyễn đã khôn khéo đốt giai đoạn thay vì phải đi ngang qua những khu rừng lá từ các vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết và Long Khánh, vân vân, các chúa Nguyễn đã làm một bước nhảy vọt vào vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi Đồng Nai, Sài Gòn, Gia Định, Hà Tiên, Mỹ Tho, Long Hồ, Tân An, Gò Công, Trà Vinh, Sóc Trăng, và cuối cùng là các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, và Sa Đéc. Đến thế kỷ thứ 19 thì diện tích của nước Việt Nam đã gấp đôi so với diện tích Đại Việt hồi thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không chỉ riêng các chúa Nguyễn có công mở nước. Nói đến công lao mở nước về phương Nam, chúng ta không thể không ghi nhớ công ơn của bao nhiêu người đã đổ rất nhiều công lao kể cả mồ hôi, nước mắt và xương máu để khai phá, xây dựng, và phát triển vùng đất trù phú cho chúng ta thừa hưởng hôm nay. Từ công nữ Ngọc Vạn, đến quan Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh, đến quan Thượng Công Lê Văn Duyệt, đến Thoại Ngọc Hầu, đến ngay cả những người Minh Hương đã đến đất nước này, dù mục đích chuyến đi của họ là chối bỏ Thanh triều, nhưng khi sang đến Việt Nam họ đã góp phần không nhỏ trong công cuộc ổn định và phát triển miền đất Nam Kỳ nầy. Ngoài ra, còn biết bao anh hùng vô danh, biết bao nhân sĩ, nhà văn hóa, nhà kinh doanh đã góp phần mở mang vùng đất này về các phương diện xã hội, kinh tế, văn hóa.

     Nói về sưu khảo và nghiên cứu lịch sử mở đất phương Nam từ trước đến nay đã có rất nhiều người làm như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Huỳnh Minh, Vương Hồng Sển, vân vân, và một ít học giả khác cũng đã có công tìm tòi nghiên cứu về miền Nam như anh Hứa Hoành với bộ sách nhiều tập mang tựa đề “Nam Kỳ Lục Tỉnh.” Tuy nhiên, nếu so sánh với những người làm cùng một công việc này cho miền Bắc và miền Trung, thì lịch sử Nam Kỳ còn cần nhiều lắm những bàn tay của con dân xứ ấy đóng góp vào. Trong chiều hướng đó, biên soạn tập sách “Đất Phương Nam” trước tiên tác giả Người Long Hồ xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, cũng như những bậc tiền hiền và hậu hiền đã đi tiên phong trong công cuộc mở cõi và phát triển bờ cõi về phương Nam. Kế đến, tác giả mong rằng tập sách nầy sẽ mang lại một chút thoải mái cho những ai có niềm thao thức tìm hiểu về miền Nam, và nếu có thể được, góp một phần nhỏ trong công cuộc tìm hiểu lịch sử của vùng đất mới, nhưng lại là vùng đất mang lại đầy sinh khí cho dân tộc, là vựa lúa cho cả nước, là niềm hy vọng vươn lên của cả dân tộc. Trong khi biên soạn tập sách “Đất Phương Nam”, tác giả đã dùng nhiều danh xưng khác nhau để chỉ vùng đất nầy như “Nam Kỳ”, “Nam Bộ”, “Nam Phần”, “Đất Phương Nam”, và “Một Mảnh Trời Nam”, vân vân. Danh xưng “Nam Kỳ”đã có từ thời vua Minh Mạng. Đến thời Pháp thuộc, họ vẫn tiếp tục sử dụng danh xưng “Nam Kỳ”. Đến tháng 3 năm 1945, vì muốn xóa bỏ danh xưng của người Pháp nên Thống Sứ Nhật là Nishimura đã ký sắc lệnh đổi “Nam Kỳ” ra “Nam Bộ”. Thời Việt Nam Cộng Hòa, người ta thường sử dụng danh xưng “Nam Phần”. Trong khi từ “Đất Phương Nam”là danh xưng mà người ta thường sử dụng hồi còn khẩn hoang. Còn riêng từ “Một Mảnh Trời Nam”là tiếng mà tác giả hay dùng để gọi cái vùng đất mà một thời tác giả đã có quá nhiều kỷ niệm. Tác giả cũng xin quí độc giả niệm tình tha thứ nếu có sự trùng lập về các sự kiện lịch sử trong các bài viết, vì đôi khi những sự kiện lịch sử nầy có liên hệ mật thiết với nhau nên không thể không nhắc lại.

     Tác giả xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Đồng thời, tác giả cũng xin thành kính tưởng niệm đến nhạc phụ và nhạc mẫu là ông Tân Ngọc Phiêu và bà Trần thị Phàn; song thân là ông Lê văn Thuận và bà Trần Thị Sửu là những bậc sanh thành dưỡng dục đã hun đúc cho con thành một con người đậm tình với Đất Phương Nam. Tác giả cũng xin chân thành cảm tạ tất cả Thầy Cô cựu giáo sư trường Trung học Tống Phước Hiệp, nhất là giáo sư Đào Khánh Thọ và giáo sư Võ Thị Ngọc Dung, những người đã mớm cho tác giả những kiến thức vào đời; nếu không có sự dạy dỗ của quý thầy cô, chắc hẳn đời nầy kiếp nầy tác giả sẽ không bao giờ có cơ may hoàn thành được tập sách nầy. Đồng thời, tác giả cũng xin trân trọng cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm qua những lần nói chuyện trong các kỳ Đại Hội Họp Mặt Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Tống Phước Hiệp, thầy luôn nhắc nhở những người đi sau về công ơn của tiền nhân trong công cuộc khai khẩn, định hình, và phát triển vùng đất Đồng Nai-Cửu Long, mà đức Tả Quân Lê văn Duyệt là một thí dụ điển hình. Mong rằng tập sách “Đất Phương Nam” nầy thể hiện được phần nào về sự nhớ ơn tiền nhân của đàn hậu bối chúng ta.

     Tác giả cũng nhân đây gửi lời tri ân đến hiền phụ Tương Thục và các con Thanh Phú, Thanh Mỹ và Thiện Phú, cũng như anh Khái, chị Tuyển Thục, chị Tuân Thục, chị Ngọc Nhi, cùng các em Ngọc Châu, Ngọc Sương, Ngọc Trước, Ngọc Đào, Bích Vân, Thanh Tùng, Cách, Tùng, Thuần, và tất cả bằng hữu đã hết lòng hỗ trợ về mặt tinh thần cho sự thành tựu của tập sách nầy. Đặc biệt, tác giả xin chân thành cảm ơn anh Khái, em Lê Ngọc Châu và thầy giáo Thành đã giúp tìm kiếm tài liệu và sách tham khảo trong những điều kiện vô cùng khó khăn khi phải tìm đến những nhà sách cũ trong các hang cùng ngỏ hẻm từ Sài Gòn, đến Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá, Mỹ Tho và Cao Lãnh...   
          

     Cuối cùng, người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một tập biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên rất có thể không chính xác về địa danh hay niên đại.     

                                               

Trân trọng

Người Long Hồ

Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011


(1)   Tức đèo Ngang, giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

(2)  Vùng Phú Yên ngày nay.

(3)   Trong thập niên 1930 đến 1940, trường Viễn Đông Bác Cổ đã phát hiện nhiều đền tháp cổ và một số bia ký vùng duyên hải Trung Phần, vùng lãnh địa của vương quốc Champa ngày trước. Nổi bậc nhất là khu di tích Mỹ Sơn-Trà Kiệu, với hơn 70 ngôi đền và tháp cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 13. Vương quốc nầy bắt đầu suy tàn kể từ thế kỷ thứ 14, đến thế kỷ thứ 19, nó như ngọn đèn gần hết dầu trước bão táp phong ba. Toàn bộ vương quốc lúc đó chỉ còn co cụm tại vùng đất Panduranga (các vùng Phan Rang, Phan Rí, và Phan Thiết ngày nay).

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

     Tác giả Người Long Hồ vừa hoàn tất một tác phẩm khá vĩ đại về vùng đất và con người của Miền Nam Việt Nam. Tác giả đã chọn một nhan đề rất ý nghĩa là “Đất Phương Nam” cho tác phẩm nầy.

     Tác phẩm gồm hai tập, Tập Một có 34 bài từ bài 1 đến bài 34 và Tập Hai 30 bài từ bài 35 đến bài 64, với tất cả hơn 1.600 trang khổ lớn (8 ½-11). Đất Phương Nam có thể xem như một loại địa chí, nói về lịch sử hình thành, về vị trí địa dư, về các danh lam thắng cảnh, các đền chùa, lăng miếu, các cù lao, các sông ngòi, kinh rạch, đường sá cầu cống, chiếc phà, chiếc bắc, các khu vườn, mảnh ruộng, các loài cây trái, và nếp sinh hoạt văn hóa xã hội của người dân các tỉnh thành, các vùng đất đặc biệt của Miền Nam Việt Nam từ Phan Thiết đến Cà Mau, từ lúc thành hình hồi thế kỷ thứ XVIII đến bây giờ. Nhưng Đất Phương Nam có phần đầy đủ hơn các địa chí của nho gia như Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức hay Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn chẳng hạn, bởi ngoài phần lịch sử cận đạihiện đại còn có thêm phần tiền sửcổ sử liên hệ tới các giống người định cư trên vùng đất Phù Nam, Thủy Chân Lạp, mà nhà nho xưa chưa biết được và chỉ người ngày nay mới biết nhờ ở những công trình khai quật gần đây của các khoa học gia khảo cổ Âu Tây vừa khám phá, và phần quan trọng hơn nữa là phần phát triển, tân tiến hóa các tỉnh thành dưới thời Pháp thuộc cho đến Đệ Nhị Cộng Hòa. Còn nếu so với những công trình biên soạn gần đây về Nam Kỳ Lục Tỉnh, về Văn Minh Miệt Vườn, về Đồng Bằng Sông Cửu Long, hay về các tỉnh Miền Nam của những soạn giả như Sơn Nam, Hứa Hoành, Huỳnh Minh, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu, v.v... thì công trình nghiên cứu, biên soạn của Người Long Hồ cũng có phần đầy đủ hơn cả về bề rộng lẫn bề sâu.

     Trừ một số bài tổng quát về “Công Nghiệp của các Chúa Nguyễn với vùng Đất Nam Kỳ” (bài 1), “Đất Phương Nam Theo Dòng Thời Gian” (bài 2), “Tiến trình Nam Tiến” (bài 3), “Thu Phục Champa” (bài 4), “Vương Quốc Phù Nam” (bài 5), “Thu Phục Thủy Chân Lạp” (bài 6), “Cộng Đồng các cư dân bản địa trên đất Nam Kỳ xưa” (bài 7), “Công ơn của đức Tả Quân Lê văn Duyệt” (bài 34), vv... và phần kết luận (bài 64), còn mấy mươi bài còn lại của sách “Đất Phương Nam” đi vào chi tiết mấy trăm năm lịch sử hình thành và phát triển của từng tỉnh, từng vùng của cả Miền Nam Việt Nam từ khởi điểm Mô Xoài (Bà Rịa) đến các tỉnh Miền Đông rồi Miền Tây Nam Phần, từ Bình Thuận (Phan Thiết) đến tận Mũi Cà Mau. Tuy dưới triều Gia Long và phần đầu của Minh Mạng, Gia Định Trấn chỉ gồm có 5 trấn, và sang phần sau của triều Minh Mạng thì Gia Định Trấn được cải thành Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh (Nam Kỳ Lục Tỉnh), nhưng đến thời Pháp thuộc thì cả Nam Phần Việt Nam (Cochinchine), thuộc địa của Pháp, có đến 21 tỉnh. Sách “Đất Phương Nam” đề cập đến cả 21 tỉnh, một ít quận quan trọng, một số các địa danh nổi tiếng như Côn Sơn, Phú Quốc, Thất Sơn, những địa danh xưa như Kas Krobei, Prei Nokor, vv... chứ không chỉ nói đến từng vùng hay chỉ những tỉnh lớn thời Minh Mạng. Đọc giả có thể tìm thấy Biên Hòa (bài 13), Cù Lao Phố (bài 14), Bình Long, Phước Long (bài 16), Bình Thuận (bài 17), Bà Rịa (bài 18), Côn Sơn (bài 19), Bình Dương (bài 20), Gia Định (bài 21), Bến Nghé (bài 22), Thủ Đức (bài 24), Tây Ninh (bài 25), Tân An (bài 27), Mộc Hóa (bài 28), Gò Công (bài 29), Sa Đéc (bài 31), Mỹ Tho (bài 40), Bến Tre (bài 41), Vĩnh Long (bài 42), Trà Vinh (bài 43), Cần Thơ (bài 46), Sóc Trăng (bài 48), An Giang (bài 49), Châu Đốc (bài 50), Rạch Giá (bài 54), Phú Quốc (bài 55), Hà Tiên (bài 57), Bạc Liêu (bài 58), Cà Mau (bài 59), Rừng U Minh (bài 61). Ngoài các tỉnh, quận, và một số địa danh quan trọng, tác giả cũng dành nhiều bài viết về các cộng đồng người Minh Hương, người Chăm, người Khmer với những đặc trưng văn hóa và sự đóng góp của họ vào công cuộc phát triển chung của Miền Nam Việt Nam. Thành ra có thể nói về bề rộng, tác phẩm của Người Long Hồ, bao quát hầu hết các vùng đất và con người từ Miền Đông sang Miền Tây Nam Phần từ khi thành hình đến nay, một cách đầy đủ mà trước tác giả chưa có tác giả nào làm được như thế.

     Bề rộng đã như thế, bề sâu càng đáng coi trọng hơn. Mỗi bài viết là một công trình sưu khảo đáng kể. Tài liệu dồi dào, nhìn qua bảng liệt kê các sách tham khảo  và những chú thích liên hệ tới từng bài trong sách, người đọc cũng có thể thấy được số tài liệu phong phútác giả đã xử dụng trong công cuộc nghiên cứu. Mỗi bài đều đi sâu vào lịch sử xa xưa đến nay, tìm về nguồn gốc của địa danh, sự biến đổi qua các thời đại, đi sâu vào địa lý vào sự cấu tạo của địa chất, đề cập đến mọi khía cạnh sinh hoạt của con người, liên hệ tới văn hóa xã hội của từng thời đại, mô tả đầy đủ núi non, sông ngòi, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vv... Thí dụ bài 13, Tập I, từ trang 307 đến trang 340, nói về Biên Hòa với nhan đề “Từ Vùng Đất Biên Trấn Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai”, tác giả đã lần lượt cung ứng cho chúng ta nhiều kiến thức và dự kiện về:

Tổng Quan Về Vùng Biên Hòa Của Xứ Đàng Trong
Cấu tạo Địa Chất Vùng Đồng Nai - Biên Hòa
Những Người Minh Hương Tiên Phong Đi Khai Phá Vùng Nông Nại
Từ Dinh Biên Trấn Đến Trấn Biên Hòa
Từ Trấn Biên Hòa Đến Tỉnh Biên Hòa
Tiến Trình Di Dân Trên Vùng Đất Biên Hòa
Địa Thế, Núi Non Và Khí Hậu Trong Vùng Đất Biên Hòa
Cù Lao Phố Một Thời Vang Bóng
Sông Ngòi Vùng Đồng Nai Biên Hòa
Di Tích Lịch Sử Biên Hòa
Danh Lam Thắng Cảnh Biên Hòa
Cây Trái Vùng Đồng Nai – Biên Hòa
Di Tích Khảo Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai – Biên Hòa
Di Tích Gốm Sứ Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai – Biên Hòa
Biên Hòa Qua Các Thời Đại
Tỉnh Đồng Nai Sau Năm 1975

Với phần chú thích thật rõ ràng, trưng dẫn đầy đủ tài liệu, sách báo giá trị.

   
Qua bề sâu và bề rộng nói chung, đây là một tác phẩm loại biên khảo, rất công phu, rất có giá trị. Càng có giá trị hơn nữa khi nhắm vào đối tượng Miền Nam Việt Nam, vì xưa nay Miền Nam ít được các học giả, các nhà văn hóa, các chính trị gia, các văn nghệđể ý tới.

    
Tuy nhiênphương diện hình thức, đây không phải là một quyển sách hay nguyên một bộ sách toàn vẹn có thứ tự lớp lang, có bố cục chặc chẽ, với cách trình bày kinh viện như các sách biên khảo, hay sách giáo khoa thường thấy. Đây chỉ là một tập hợp của nhiều bài viết riêng biệt gom hết lại in thành sách, và mỗi bài có thể là một bài độc lập đề cập đến một đề tài nào đó đủ để ấn hành thành một bài báo hay tạp chí. Do đó có thể có những đoạn lập lại từ một bài khác. Ngoài ra, danh từ Nam Bộ thường thấy trong sách có thể không quen tai lắm với nhiều người trong Miền Nam tự do, mặc dầu tiếng Nam Bộ rất được thông dụng ở đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau nầy thì người dân Miền Nam biết đến hai tiếng Miền Nam nhiều hơn là Nam Bộ. Sau hết vì quá nhiệt tình với quê hương và dân tộc mà đôi khi tác giả không kềm chế được tình cảm cá nhân trong việc phê phán một số các nhân vật lịch sử. Thường thì trong cương vị một nhà biên khảo, tác giả chỉ nên chú trọng vào trong việc trình bày sự thật một cách khách quan, vô tư, hơn là nói lên những nhận xét cá nhân mình về những nhân vật hay sự việc lịch sử. Phần phê phán hãy dành cho người đọc phải hơn.

   
Tóm lại trừ một vài cái bất thường nho nhỏ, không đáng kể, như vừa trình bày ở trên, quyển “Đất Phương Nam” là một công trình biên khảo to tát, có giá trị đáng kể, rất cần có trong mọi gia đình Việt Nam nếu muốn bảo tồn di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông. Xin cảm ơn tác giả Người Long Hồ, đã bỏ bao nhiêu công lao khó nhọc và cả tiền của nữa, để hoàn thành tác phẩm giá trị nầy, và xin cầu chúc tác giả nhiều may mắn, thành công trên đường phụng sự văn hóa nước nhà.

 

Santa Ana ngày 10 tháng 10 năm 2011

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm
Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa
Chủ Biên Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long          

 

 

 

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ

Người Long Hồ

 

       Người Long Hồ là bút hiệu của anh Trần Ngọc, cũng được biết dưới tên Trần Ngọc-Em. Anh còn có bút hiệu Thiện Phúc, đây cũng là Pháp danh khi anh viết sách báo Phật Giáo. Anh sanh năm 1949 tại làng Long Hồ tỉnh Vĩnh Long, vùng đất mà một thời đã từng là thủ phủ của Dinh Long Hồ dưới thời các chúa Nguyễn

Ngày nay thì Long Hồ chỉ còn là tên của một huyện nằm sát nách thành phố Vĩnh Long, khoảng 136 cây số về phía tây nam của Sài Gòn. Anh sanh ra và lớn lên tại tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh nhỏ nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Dầu sanh ra trong một gia đình nghèo, và dầu thời đó đất nước vừa mới dành được độc lập từ tay người Pháp, nhưng cha mẹ anh đã cố gắng cho tất cả các con đi học hết bậc trung học. Thời trung học anh đã theo học trường Trung Học Tống Phước Hiệp, trường trung học công lập duy nhất của Vĩnh Long thời bấy giờ. Sau đó anh tốt nghiệp cử nhân Anh Văn vào năm 1973 và cử nhân Việt Hán vào năm 1974 tại trường Đại Học Cần Thơ. Sau khi đến Hoa Kỳ, anh tiếp tục theo học ngành giáo dục phục hồi (Rehabilitation), và anh đã làm việc cho ngành nầy tại tiểu bang California từ năm 1988 đến nay. Hiện anh đang giữ chức Trưởng Phòng Giáo Dục Phục Hồi của tiểu bang tại thành phố Bell, thuộc quận hạt Los Angeles. Ngay từ thời còn thơ ấu, cuộc sống của anh đã gắn liền với những con đê bờ ruộng thân yêu của vùng đất Long Hồ, chính vì vậy mà đối với anh vùng đất Nam Kỳ chẳng những thân thương mà nó còn lưu lại cho anh nhiều ký ức của một thời kỷ niệm.

Lúc còn nhỏ, anh đã thường được ông ngoại và ông chú Ba(1) kể cho nghe nhiều mẫu chuyện lý thú từ hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh dưới thời vua Minh Mạng đến Nam Kỳ 20 tỉnh khi người Pháp chiếm trọn miền Nam, cũng như Nam Kỳ vào những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng giữa thập niên 1950. Khi vào đời anh có dịp đi hầu như khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là vùng đất phương Nam. Trong tất cả những chuyến đi nầy anh đã không để lãng phí bất cứ giây phút nào, đi đâu đến đâu anh cũng tìm tới các bậc kỳ lão để học hỏi thêm về địa phương nơi anh đến trên đủ mọi phương diện, từ địa chí, địa chất, đến sinh hoạt của cư dân, tín ngưỡng, văn hóa, kinh tế, và sản vật, vân vân. Đối với anh tất cả những gì có liên quan đến đất phương Nam trong quá khứhiện tại đều là gia tài quí báu không riêng gì cho con dân Nam Kỳ mà còn là sức sống cho cả nước nữa. Đến khoảng cuối năm 1984, khi đang ở trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân, anh lại được những người rất am tường về Nam Kỳ kể cho anh nghe đủ thứ chuyện về Nam Kỳ như các anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm trà mạn đàm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Chính những cơ duyên và ký ức đó đã thôi thúc anh viết quyển “Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh”, nhưng sau khi hoàn tất quyển sách nầy anh cảm thấy vẫn còn thiếu thiếu, nên anh đã tiếp tục biên soạnhoàn tất bộ sách “Đất Phương Nam”. Bộ sách gồm 2 quyển, khoảng trên 1.600 trang giấy khổ 8 ½-11.

Anh còn là tác giả của nhiều bộ sách khác như bộ Từ Điển Phật Học Việt Anh (6 tập, 4.824 trang, xuất bản năm 2005), bộ Từ Điển Phật Học Anh-Việt (10 tập, 5.626 trang, xuất bản năm 2007), bộ Phật Pháp Căn Bản Việt-Anh (8 tập, 6.184 trang, xuất bản năm 2009), Đạo Phật Trong Đời Sống (10 tập, khoảng 3.000 trang, xuất bản từ năm 1990 đến năm 2000), Đạo Phật An LạcTỉnh Thức (1 tập khoảng 300 trang, xuất bản năm 1993), Tâm Sự Với Cha MẹTuổi Trẻ (1 tập, khoảng 400 trang, xuất bản năm 1994), Một Đời Mẹ Trao (1 tập, khoảng 300 trang, xuất bản năm 1994), Thiên Trúc Tiểu Du Ký (1 tập, khoảng 300 trang, xuất bản năm 2006), Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh (1 tập, khoảng 500 trang, xuất bản năm 2006), Thiền Sư (1 tập, 518 trang, xuất bản năm 2007). Trong một tương lai gần anh hy vọng sẽ cho xuất bản những bộ sách mà anh còn đang biên soạn như các bộ Thiền Trong Đời Sống, Những Đóa Hoa Vô Ưu, và Thiền Trong Phật Giáo.

 

(1)  Đó là hai ông Trần văn Tiếng và Trần văn Hương, những con dân kỳ cựu của xứ Nam Kỳ thời Pháp thuộc.  

 

MỤC LỤC

 

Lời Đầu Sách    

Lời Giới Thiệu 

Tác Giả Người Long Hồ                                                                                              
Mục Lục                                                                                                                     

1. Công Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ                      
2. Đất Phương Nam Theo Dòng Thời Gian                                                             
3. Tiến Trình Nam Tiến                                                                                         
4. Thu Phục  Champa                                                                                             
5. Vương Quốc Phù Nam                                                                                                
6. Thu Phục Thủy Chân Lạp                                                                           
7. Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa                          
8. Vùng Đất Cochinchine và Công Nữ Ngọc Vạn                                                      
9. Kas Krobei Hay Prei Nokor Là Sài Gòn?                                                           
10. Nguyễn Ánh và Vùng Đất Nam Kỳ                                                                        

11. Từ Phù Nam-Chân Lạp Đến Vùng Đất Nam Kỳ                                               

12. Đồng Bằng Miền Đông                                                                                       
13. Từ Vùng Đất Biên Trấn Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai                             
14. Trần Thượng Xuyên và Vùng Đất Cù Lao Phố                                                 
15. Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Đất Nam Kỳ                                             

16. Từ Bình Long-Phước Long Đến Tỉnh Bình Phước                                                     

17. Từ Biên Trấn Bình Thuận Đến Tỉnh Bình Thuận                                              
18. Từ Đất Mô Xoài Đến Bà Rịa-Vũng Tàu                                                             
19. Quần Đảo Côn Sơn                                                                                                
20. Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương                                                      

21. Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định                                                            

22. Từ Kas Krobei-Prei Nokor Đến Bến Nghé-Sài Gòn Và Chợ Lớn               

23. Sài Gòn Theo Dòng Thời Gian                                                                                     

24. Thủ Đức Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn                                     
25. Từ Vùng Đất Romdum Ray Đến Tỉnh Tây Ninh                                       
26. Đồng Tháp Mười                                                                                          
27. Từ Đất Tầm Bôn Đến Tỉnh Tân An                                                                       
28. Mộc Hóa, Cái Nôi Của Đồng Tháp Mười                                                           
29. Từ Phủ Lôi Lạp Đến Vùng Đất Gò Công                                                        
30. Từ  Trường Biệt Nạp Bả Canh Đến Tỉnh Đồng Tháp                                   
31. Từ Đạo Đông Khẩu Đến Thị Xã Sa Đéc                                                 
32. Những Tỉnh Không Còn Trên Bản Đồ Hành Chánh Miền Nam                        

33. Từ  Bắc Cái Bè,Bắc Mỹ Thuận,Đến  Cầu  Mỹ Thuận                               
34. Công Ơn Của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Trên Vùng Đất Phương Nam  

Tài Liệu Tham Khảo     

pdf_download_2
DAT PHUONG NAM-TAP I
DAT PHUONG NAM-TAP II

Xem thêm:
Hào Kiệt Đất Phương Nam

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2015(Xem: 16910)
19/02/2014(Xem: 8759)
24/08/2022(Xem: 2298)
08/03/2015(Xem: 9121)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.