Sự Trừng Phạt Văn Hóa

10/11/20174:06 SA(Xem: 4941)
Sự Trừng Phạt Văn Hóa

SỰ TRỪNG PHẠT VĂN HÓA
Lê Hải Đăng

Truyện Án Anh, người nước Tề đi sứ nước Sở thời Chiến quốc, đáng đưa vào lịch sử ngoại giao Trung Quốc. Án Anh vốn là tể tướng nước Tề, thân hình nhỏ bé, xấu xí. Biết Án Anh tới thiết lập quan hệ bang giao, vua Sở bèn sai quân lính khoét một cái lỗ vừa người ông đi qua và đóng hết cửa thành lại. Khi Án Anh tới, quân lính chỏ tay vào cái lỗ để Án Anh chui qua.

Án Anh biết vua Sở bày chuyện làm nhục mình, bèn lên tiếng: “Đây là cái lỗ dành cho chó đi. Tới nước của người thì đi lối của người, tới nước của chó mới đi lối của chó. Chẳng hay nước Sở là nước của người hay nước của chó?”.

Quân lính nghe xong vội vàng mở cổng thành mời Án Anh vào. Được tiếp kiến vua Sở, khi Án Anh chưa kịp ngồi nóng ghế đã thấy xung quanh bàn tán xôn xao. Vua Sở hỏi có chuyện gì thì quân lính đáp, đại ý là vừa bắt được một tên trộm người nước Tề. Vua Sở bèn hỏi Án Anh, rằng vậy người nước Tề thường có thói trộm cắp à. Án Anh nghe thế liền giải thích: Thần nghe nói, trong dân gian có giống cam, trồng ở đất Giang Nam cho ra trái ngọt, còn trồng ở vùng Giang Bắc thì thành ra quả chua. Đó là do thổ nhưỡng. Người Tề ở trong nước lương thiện tốt bụng, sang nước Sở ăn trộm ăn cắp, đó là do thổ nhưỡng.

Nhiều người ngoại quốc vốn tôn trọng pháp luật đất nước của họ, sau khi sang nước ta, họ bắt đầu học thói xấu của người Việt, đi bộ qua đường không đúng vạch, thỉnh thoảng có người không tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông… Nói theo cách của Án Anh, đó là do thổ nhưỡng! Và thổ nhưỡng ở đây nhằm chỉ bối cảnh văn hóa, xã hội. Cây cối cắm rễ xuống đất hút chất dinh dưỡng, đón ánh mặt trời, không khí, nước mưa… để sinh trưởng. Con người sinh ra, lớn lên với các chuẩn tắc ứng xử được hun đúc nhờ bối cảnh văn hóa, bên cạnh sự chỉ bảo, dạy dỗ của gia đình, nhà trường. Văn hóa chính là “trường khí quyển” nuôi dưỡng, cảm hóa con người.

Như hai khía cạnh của một hình tượng, cả thổ nhưỡng - môi trường thiên nhiên - lẫn văn hóa đất nước - môi trường xã hội - đều bị ô nhiễm, xuống cấp trầm trọng. Theo Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều cho thấy nước ngầm đang bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại, cụ thể, ở đồng bằng Bắc Bộ, lượng amoni lên đến 23,3mg/l, cao hơn 200 lần so với quy định về an toàn; khoảng 60% các mẫu quan sát có chứa Mn (Mangan) vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn…” . (báo Đời sốngPháp luật online ngày 30 tháng 7 năm 2014)

Mạch nước ngầm cũng giống như mạch máu cơ thể, nếu máu nhiễm chì, nhiễm mỡ, động mạch sẽ xơ vữa… nguy cơ mắc huyết áp, tiểu đường, tai biến tăng cao. Hiện tượng này giống như quả bom hẹn giờ, chỉ chờ thời điểm kích nổ bằng hành động vô tri. Đối với môi trường văn hóa, bầu không khí coi thường pháp luật đã bao trùm lên xứ sở khiến cho “luật rừng” phát triển. Bước chân ra đường có thể chứng kiến vô số hình ảnh phản ánh ý thức chấp pháp của quốc dân. Hệ thống chuẩn mực trong văn hóa đã đi đến chỗ không còn khả năng tự điều tiết hành vi con người. Sự phổ biến, quá lạm của thói xấu, cái ác, hành vi phản văn minh, tiến bộ đã trở nên bình thường. Nó đẩy xã hội đến tình trạng “vô chính phủ”, đề cao “chủ nghĩa buông lỏng”, kích thích tập tính tự nhiên, tùy tiện, phát triển phần bản năng bên trong con người.

Trẻ nhỏ còn mong nhận được sự giáo dưỡng, uốn nắn, chuyển hóa từ cha mẹ, thầy cô. Còn một khi bộ phận tạo nên “trường sinh quyển” trong đời sống văn hóa là những công dân đã trưởng thành thì thực trạng văn hóa của chúng ta đã tụt dốc thê thảm. Người ta coi văn hóa là những giá trị khi thời gian qua đi vẫn còn ở lại và trở nên phổ biến. Xét theo nghĩa đó, văn hóa tinh anh, phương thức ứng xử của những con người được giáo dưỡng, tiến bộ không hề được phổ biến nơi công cộng.

Những biểu hiện tích cực, như “câu chuyện tử tế” phát trên truyền hình chỉ là những “điểm sáng văn hóa” hay nói cách khác, thứ ánh sáng le lói không đủ rọi sáng vùng tăm tối của đám đông vô tri. Đơn cử một thói quen mà bất cứ công dân quốc gia văn minh nào cũng tôn trọng, đó là xếp hàng. Ở ta, thói quen xếp hàng chưa hề được hình thành, đồng thời chẳng hề mang giá trị phổ biến. Xếp hàng chỉ là một trong nhiều biểu hiện của lối sống đô thị. Từ một thói quen nhỏ này, văn hóa được kế thừa và sẽ liên kết với những hành vi khác trong xã hội. Bởi vậy, ở nhiều quốc gia khác, người dân xếp hàng khi lên tàu điện, xe buýt, thực hiện việc thanh toán và các giao dịch ngân hàng, mua thực phẩm, mua vé xem phim… thậm chí như người Nhật vẫn duy trì thói quen ấy khi nhận nhu yếu phẩm tiếp tế sau thảm họa sóng thần.

Như đã nói, thói quen văn hóa mang tính kế thừa và có khả năng liên kết với nhiều hành vi khác. Nếu dân ta chưa hình thành được thói quen này thì từ chốn công cộng cho đến công quyền, người ta có khuynh hướng “lách hàng”, “vượt đèn đỏ”, “đi cửa sau”… nhằm tạo nên sự bất công trong xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa cần hướng tới thiết kế hai hệ thống thiết chế và chuẩn tắc ứng xử tương thích nhau, thay vì dựng biển, đặt tên cho những khu phố. Các giá trị tiến bộ không được ứng xử một cách văn minh sẽ giống như con dao hai lưỡi mà một lưỡi gây hậu quả cho trật tự xã hội. Ví như, nông nghiệp công nghệ cao vốn là một giải pháp giúp phát triển, nâng cao sản phẩm nông nghiệp đất nước.

Nhưng, quy trình công nghệ này không đi kèm với hành vi ứng xử văn minh đã và đang để lại hậu quả khôn lường về môi trường. Nói cách khác, công nghệ cao cũng cần có văn hóa ứng xử cao, chứ không thể lấy văn hóa thấp để đối ứng với công nghệ cao. Đây là một ví dụ, nói rộng ra toàn bộ đời sống xã hội. Bởi vậy, đất nước cần có một sự đi lên tương ứng của cả đời sống văn hóa, chứ không thể dừng lại ở những điển hình tiên tiến.

Khi cái xấu, cái ác, thói vô trách nhiệm phổ biến, lây lan trở thành “trường khí quyển” gây ô nhiễm môi trường văn hóa, chúng sẽ đầu độc con người, giống như không khí, nước sinh hoạt, thực phẩm bẩn… Bằng chứng cho thấy, ở các đô thị, giữa đám đông vô danh, con người sử dụng phần bản năng ứng xử nhiều hơn hành vi văn hóa. Trong nhiều trường hợp, bất chấp đúng hay sai, thấy người khác xung đột lợi ích với mình là người ta sẵn sàng phỉ báng, uy hiếp, đe dọa. Đó là mối nguy cơ tai hại, ảnh hưởng lâu dài đến đất nước.

Tình trạng trên sẽ tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng, chờ ngày “chạm đáy” theo quy luật thịnh suy. Chúng ta nói nhìn thẳng vào sự thật, nhưng ở một đất nước mà việc lập thành tích trở thành bệnh thì sự thật có thể bị nhìn với sự khúc xạ qua lăng kính chủ quan một chiều mang đầy tính trang sức. Tư duy này tiếp tục đẩy cuộc sống vào tình trạng ru ngủ bằng kết quả ảo tưởng và đó chính là cội nguồn tạo ra những biểu hiện lệch lạc trong tư duyđời sống văn hóa.

Lê Hải Đăng
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo năm 2017 | Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/09/2013(Xem: 9704)
15/10/2011(Xem: 8655)
14/05/2011(Xem: 53890)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.