Chuyện Mầu Nhiệm Ở Thụy Ứng Đi Vác Bộ Tượng Phật Về Thờ

03/11/201012:00 SA(Xem: 13089)
Chuyện Mầu Nhiệm Ở Thụy Ứng Đi Vác Bộ Tượng Phật Về Thờ

CHUYỆN MẦU NHIỆM Ở THỤY ỨNG
ĐI VÁC BỘ TƯỢNG PHẬT VỀ THỜ
Không Nguỵ - Võ Đình Toạ

Sáng ngày 13 tháng 10 năm 1975, tôi mang chiếc áo lông cừu, hàng Sài gòn may, dài ngang đầu gối, đi bộ lên nhà anh chị Lê Quang Tiệp(1) ở Trà lộc thăm chơi. Qua phần nước non xong, tôi (Võ Đình Tọa) hỏi anh Tiệp:

 - Hiện nay có ai không thờ tượng Bổn Sư cho tôi thỉnh về Am tôi thờ?

 Ngạc nhiên vì câu hỏi, Anh Tiệp trố mắt nhìn tôi:

 - Ủa! Sao cậu không nghe nói chi à?

 Tôi trả lời:

 - Có nghe, có họp từ lâu rồi, lịnh cấm xuất nhập đối với những gì quốc cấm(2), còn đây tượng ảnh Phật, có thì cứ thỉnh về thờ. Mình con nhà Phật thì thỉnh Phật có sao đâu. Mình muốn có một chút công đức thì phải chịu khó khăn. Khó khăn gian khổ chín là luyện tâm bền vững kiên cường. Nghe khó thụt, dễ dãi thò ra thì bao giờ tiến xa được.

 Anh Tiệp trả lời:

 - Nhưng mà chỗ xuất sai chỗ, chỗ nhập ai cho nhập vào? Tôi trả lời:

 - Cái gì mà anh cứ bảo xuất nhập, nếu có tượng chỗ nào đó cho tôi thỉnh thì tôi chịu gian khổ bòn một chút công quả. Vác về bằng đường ruộng nước ngoài đồng để về Am tôi thờ.

 Anh Tiệp trả lời:

 - Tượng Phật mà bảo vác bộ!?

 Rồi anh nói tiếp:

 - Thiệt có gan không?

 Tôi trả lời:

 - Tượng Phật có gì đâu mà gan với không gan. 

 Anh lại hỏi:

 - Có thật sự không?

 Tôi trả lời:

 - Anh chị cũng biết Tọa này từ lâu rồi chứ. Đối với đạo hy sinh thân mạng cũng coi thường. Chế độ Miền nam Sài gòn giam dưới hố xí với thượng Tọa Thích Như Mãn vẫn không chết. Còn hiện nay thì lăng nhăng thế thôi, chứ không có chuyện gì khai báo đến anh cho xuất đâu mà sợ.*

 Anh Lê Quang Tiệp nói:

 - Được, theo tôi.

 Từ hậu liêu lên chánh điện đi theo phía tay trái, mặt tiền Chùa hướng ra sông Vĩnh Định, tôi thấy một pho tượng Phật cao 0,9m, màu đã phai, lấm chấm rỗ.

 Anh Tiệp chỉ vào ngôi tượng, nói:

 - Hôm trước làng định đi thỉnh về chùa làng, nay đã đổi ý, không thờ tượng này nữa. Tôi có quyền cho thỉnh.

 Anh Tiệp nói tiếp:

 - Bây giờ tôi bàn như thế này, cho tiện cả hai. Một là tượng khỏi bị mất khi di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Hai là để thuận tiện, bằng cách mượn một chiếc ghe, vì nhà mình đều ở gần sông; Vừa chèo lên đây vừa bứt một ít cỏ dọc bờ sông, làm như đi bứt cho trâu ăn. Để ghe đậu dưới bến, Tọa ngồi canh chừng rồi cho người lên báo. Bỏ ngôi tượng vào trong bao bố, hai vợ chồng tôi sẽ gánh xuống mép sông. Ai hỏi, nói đem lúa giống đi ngâm nước. Bỏ vào trong ghe, rủ lên một lớp cỏ đã bứt sẵn, chèo ghe về từ từ, ai cũng ngờ như đi bứt cỏ về. Chỉ có cách đó là ngôi tượng được an toàn nhất, không bị phát giác và mất ngôi tượng.

 Tôi trả lời:

 - Kế hoạch của anh thật là chu toàn, và có trí tuệ mới nghĩ ra cách đó. Phương tiện tuy đơn giản nhưng hàm chứa ý nghĩ cao kiến thật tuyệt diệu!

 Tôi nói tiếp:

 - Thưa Anh Chị! Nhưng Tọa này đã thấy ngôi tượng rồi, không chờ đợi một giây nào, thời gian trôi qua mà không thấy ngôi tượng trước mặt mình. Huống chi là ngày mai. Thôi, Anh Chị là chủ nhà, chính tay thắp cho tôi 3 cây hương.

 Cầm 3 cây hương, hướng lên tượng Bổn Sư, tôi chắp tay quỳ khấn nguyện: 

 

 “Kính lạy ngài đã có danh hiệu NHƯ LAI- ỨNG CÚNG- CHÁNH BIẾN TRI- MINH HẠNH TÚC- THIỆN THỆ -THẾ GIAN GIẢI-VÔ THƯỢNG SĨ- ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU- THIÊN NHÂN SƯ – PHẬT- THẾ TÔN! Nói tóm lại một cách dể hiểu là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài ra đời là một biểu tượng con người gương mẫu, kết tinh bởi muôn vàn hương hoa từ bitrí tuệ, là hiện thân của chân lý, một điềm lành cho hết thảy chúng sanh. Con có đại duyên phước từ vô lượng kiếp đến nay mới gặp được hình tượng của ngài! Con có đức tin mạnh. Đã bao lần người xung quanh con ước chừng như đã bị bật gốc rễ không còn cách gì có thể hồi sinh lại được; Nhưng riêng bản thân con, cảm nhận chưa bao giờ ai động được một sợi rễ trong muôn vàn sợi rễ bản gốc thân con. Khi con thỉnh hình tượng Ngài về tại Am cốc Thụy Ứng của con, sớm hôm kinh kệ hương khói, làm đúng theo hạnh của người phật tử, con tin chắc rằng bao nhiêu thù hận áp bức bất công sẽ lắng xuống, để nhường chỗ cho ánh sáng và tình thương cao rộng. Ngài ra đời là một hiện tượng sáng lành, khai mở một kỷ nguyên mới khúc quanh lịch sử tiến hóa của nhân loại! Ngài ra đời là ngôi sao xuất hiện trên nền trời, mang lại cho cuộc đời nguồn sống mới! Sự xuất hiện của Ngài ở trần gian tạo thành một vận hội mới, gây nên trào lưu tư tưởng cách mạng, san bằng giai cấp bất công cố hữu của xã hội loài người! Ngài đã giải phóng con người khỏi kiếp tôi mọi đọa đày, để được làm người sống bình đẳng! Ngài đã đánh thức tâm trí con người, để con người trở về nhận chân tiềm năng bản tánh sáng ngời của chính mình.

 Nhưng kính lạy Ngài! Con người của ngày hôm nay không còn là của ngày hôm qua nữa, phần nhiều chạy theo với bóng cây bổ. Chính do vậy mà ác nghiệp được tạo tác thường xuyên. Nên con kính lạy Ngài! để cho mọi sự việc khỏi qua mắt của người phàm trần và tai của những kẻ thiếu niềm tin bàn xỉa xôn xao

 Kính lạy Ngài! Hoan hỷ cho con xin nhờ Long Thần Hộ Pháp, liệt vị Thổ Địa nơi con đi qua, đặc biệt là Chủ Mạng Quỷ Vương mà mắt hết đừng để ai thấy. Chứng tỏ lòng thành của con với sự mầu nhiệm của chư liệt vị, khi ngôi tượng đi qua chư liệt vị hộ trì đắc lực. Kính lạy Ngài Bổn Sư! Khi ngôi tượng của Ngài lên vai con, bước tới được một bước mà con có ngã xuống chết tại chỗ con cũng yên tâm, vì con nghĩ rằng con đã ôm choàng được thân Ngài trước giây phút chết. Vì tượng Ngài cũng là biểu hiện của Pháp thân. Con ôm được Ngài chính là ôm Pháp Thân vào lòng.”

 Nghe tôi khấn vái, anh chị Lê Quang Tiệp và một số Đạo hữu nước mắt chảy đầm đìa. Choàng chiếc áo ấm lên ngôi tượng, bị thiếu, nên mướn thêm tấm ny lông phủ kính. Đưa lên vai, tôi thẳng cầu Duân Kinh mà đi qua. Ghé chợ Ngô Xá mua 5 nải chuối choàng vào cánh tay trái, bàn tay trái năm ngón ghì giữ thân ngôi tượng. Vừa chịu vất vả cực khổ một tí mà trồng ít công đức, vừa khỏi ai hỏi han. Mấy làng này toàn là người quen thân, nên tôi quyết định lội giữa đồng. Ruộng tháng 10, tháng11 nước ngập sâu ngang cổ. Chỗ cạn là ngang lưng quần. Lội giữa đồng ruộng họ tưởng mình đi bắt cá không ai để ý. Bắt đầu từ làng La Duy, đi qua làng Lam Thủy; Lội được nửa đồng ngoài, gặp ruộng bàu sâu, gặp nhiều hố pháo(3) lút hết người. Lồm cồm đứng lên, thấy không lội thêm được vào đồng trong, tôi nhắm thẳng chùa Thanh Long làng Lam Thủy lội xuống. Cũng mất trên 600m. Vừa bám được con đê nước trước mặt chùa, đang tìm cách bò lên đê, trên vai quá nặng, dưới bùn lún sâu, người ngập cả nước; Tự nhiên thấy thầy Thừ (tức là Thích Hạnh Đạt)(4) trong chùa đi ra. Thầy hỏi tôi trước:

 - Tọa đi mô về sớm rứa?

 Tôi quá ngạc nhiên. Mình đang ngập dưới nước, trên vai ngôi tượng to, sao ông hỏi mình đi mô về sớm!

 Tôi hỏi lại:

 - Thầy đi mô rứa? Thầy trả lời:

 - Đi bắt mấy nghẻ nước ruộng trên cao.

 Thầy nói:

 - Thôi tôi đi.

 Tôi gọi Thầy lại: 

 - Mời Thầy rằm vào chơi.

 Thầy hỏi:

 - Có gì ? Tôi nói:

 - Rằm thì qua lại chơi chứ có gì.

 Tôi bò lên được con đê. Cặp đê đi được một cây rưỡi số thì thấy một người đang lom khom nạo vét dưới con mương. Đến gần, người dưới mương đứng dậy, té ra là ông Nguyễn Trí Nhuận. 

 Nhuận hỏi tôi trước:

 - Chú Tọa đi mô về sớm rứa ?

 Tôi trả lời là đi có chút việc.

 Nguyễn Trí Nhuận(5) nói:

 - Xin lỗi Chú! Hôm nay bận làm mương(6) không mời Chú vào nhà được.

 Tôi nói "Cám ơn!"

 Tôi quá ngạc nhiên! Hai ông này rất thân, hễ gặp là mời về nhà cho được. Hai ông lại ở cách nhau trên cây số sao lại hỏi giống nhau? Thấy quá mầu nhiệm, quá run sợ để cho mình thấy được sự linh ứng!

 Qua khỏi đội năm xóm làng Lam Thủy là bắt đầu qua đất đồng ruộng làng Thi Ông. Không đi trên đê mà xuống mép con sông rào Cộ (để khỏi ai thấy). Khoảng chừng một cây số, đến ngang con đường kiệt, từ rào Cộ lội lên trên mép đê. Đang đứng mép con đê phân vân - con đường này trâu bò lội qua lại, mép đường lại cao, nước dưới mương lại chảy - đang nghĩ cách vượt qua thì tự nhiên nghe:

 - Chờ tôi với !chờ tôi với!

 Thấy một người từ đằng xa, vừa vác cuốc, vừa chạy vừa gọi: “chờ tôi với..". Tôi cứ chăm chú nhìn coi ai, khi đến gần té ra là chú Võ Văn Dũng(7). Chú Dũng bỏ cuốc xuống đất rồi nói:

 - Chú Tọa trao tượng Bổn Sư để tôi đỡ qua trước cho! Chú Dũng vừa nói vừa lội ra giữa mương nước. 

 Tôi nộ chú Dũng:

 - Đừng nói bậy, làm gì mà có tượng Bổn Sư. Việc của chú, chú cứ đi làm đi. Tôi làm gì mà có tượng Bổn Sư giao cho chú đỡ qua trước. Chú nói bậy!

 Chú Võ Văn Dũng trả lời:

 - Tôi đang nằm ngủ trong nhà, trời mưa không có việc chi ngoài đồng; Tự nhiên nghe ai nói bên tai tôi- "Dậy, ra ngoài mương nước đường kiệt đỡ tượng Bổn Sư qua!". Tôi thức dậy, trong nhà đi vắng hết, trời mưa, không có ai ở nhà, lại trùm mền nằm ngủ. Lại nghe tiếng nói bên tai- "Dậy ra ngoài mương nước đường kiệt đỡ giúp tượng Bổn Sư qua". Tôi vùng dậy mang ny lông vác cuốc đi. Thấy chú, tôi biết tượng Bổn Sư trên vai chú. Chú tin tôi chưa?

 Tôi trả lời:

 - Té ra là vậy. Chú có duyên với Phật pháp, Chú có duyên tu từ vô lượng kiếp! Từ trên Trà Lộc về đây lội qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, quanh co cũng mất 6 đến 7 cây số. Hai người thân nhất làng Lam Thủy - thầy Thừ và Nguyễn Trí Nhuận cũng hỏi đi mô về sớm rứa. Chỉ riêng mình Chú có may mắn lắm mới được báo tin. Thật chú là con người hiếm có.

 Tôi khom người xuống, chú Dũng choàng lấy ngôi tượng lội qua mương. Qua được mương, Chú Võ Văn Dũng đặt ngôi tượng lên vai tôi lại.

 Tôi lội băng đồng ruộng đìa, nhắm đường ruộng nương Hậu phong đi vào trong xóm. Đi ngõ sau vườn nhà, đến ngang vườn thấy không có ai, luồn ngôi tượng qua giữa hai bụi tre hở, tôi luồn qua sau. Rồi choàng ngôi tượng vào trong am Thụy Ứng và đặt lên bàn thờ. Trong người nghe nhẹ nhõm thở phào thật là thoải mái.

 Chú Võ Văn Dũng năm nay 38 tuổi, con ông Võ Văn Kỉnh và bà Hồ Thị Tảo; thuộc xóm làng (tức là tây Hạ hòa), thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Một người nông dân chất phác hiền lành, có thể nói là tiêu biểu cho nền tảng đạo đức thôn xóm. Tôi ngồi nghĩ, người này đúng là đã được Long Thần Hộ Pháp chỉ dạy ra mương nước đường kiệt đỡ tượng Bổn Sư qua giúp. Thật hiếm có sự mầu nhiệm này!

 Nghỉ một lát sau, tôi đi tìm cô mẫu giáo Nguyễn Thị Ý(8) dạy ở Đội một. Nhờ cô khi nào sư cô Thích nữ Tịnh Đức(9) về thăm mẹ ở ngoài làng, mời cô vào chiêm ngưỡng ngôi tượng tôi mới đi vác bộ về. Thì vào khoảng 7-8h tối trong ngày, thấy cô mẫu giáo cùng Sư cô vào thăm. Tôi trình bày, nhờ Sư cô an vị ngôi tượng Bổn Sư tôi vừa mới đi vác bộ về hồi sáng. Sư cô Thích nữ Tịnh Đức dạy: "Công lao của chú Phật đã chứng rồi, tôi chỉ thắp hương bái lạy thôi".

Am Thụy Ứng

22h ngày 13 tháng 10 năm 1975

Không Nguỵ - Võ Đình Toạ

 

Chú thích:

  1. Anh Lê Quang Tiệp, cháu gọi Hòa Thượng Thích Ân Cần (Trú trì Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang) bằng chú. Anh và cả nhà ở sau hậu liêu Chùa làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quãng Trị. Anh là đại diện phật giáo Quận Hải lăng củ.
  2. Thời điểm 30/4/1975, sinh hoạt tín ngưỡng không như trước, mọi di chuyển, dù là phật tượng cũng bị kiểm soát, cấm đoán.
  3. Hố pháo, là hố do bom đạn pháo kích cày xới lên từng hố sâu. Không nơi đâu trên mảnh đất Quãng trị không có hố bom đạn đào xới, từ vườn nhà ra đến đồng ruộng.
  4. Sau năm 75 thầy về quê, ở trong Chùa làng Lam Thủy. Chùa có tên Thanh Long Tự.
  5. Nguyễn Trí Nhuận người làng Lam Thủy, làm nghề thợ mộc.
  6. Mương: là loại kênh dẫn nước của vùng ruộng miền Trung, nằm giữa đồng giúp cho việc tưới tiêu.
  7. Chú Võ Văn Dũng, hiện nay (2008) Trưởng tộc Họ Võ Văn. Vào giữa mùa hạ năm Mậu tý, thầy Tâm Hiệp đã nhờ phật tử Phúc Chấn từ miền Bắc vào quay phim, để ghi lại câu chuyện trên. Cùng với một số nam nử phật tử trong vùng, và ông Võ Văn Dũng được mời đến để tường thuật về sự linh ứng mà ông là nhân vật trong cuộc. Đó là ngày 25 tháng 5 năm 2008, trước số đông phật tử, ông đã xác nhận lại sư việc mầu nhiệm ngày trước để ghi lại trong cuốn phim làm tư liệu.
  8. Cô giáo Nguyễn Thị Ý, cũng người làng Lam Thủy, sau này xuất giapháp danhThích nữ Nguyên Thiện, hiện đang du học ở Mỹ.
  9. Sư cô Thích Nữ Tịnh Đức hiện là trú trì chùa Quang Minh, thành phố  Đà Nẵng.
 Thời gian này, ngay cả những người thân nhất người ta vẫn cứ phải đề phòng nhau như thường. Tránh trường hợp bị thử, rồi khai báo để lập công.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/07/2014(Xem: 11968)
04/05/2015(Xem: 10709)
11/06/2014(Xem: 9584)
08/05/2013(Xem: 6193)
17/06/2013(Xem: 7214)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.