Dông dài chuyện quét lá sân chùa

30/11/20145:14 SA(Xem: 15142)
Dông dài chuyện quét lá sân chùa

Dông dài chuyện quét lá sân chùa

Thông Định

                                                                           Cần tảo già lam địa

                                                                                       Thời thời phước huệ sanh…[i]

blankCó lẽ từ rất lâu xưa rồi, cây chổi, sân chùa lá vàng và chú tiểu là bộ ba khó thể tách rời, cũng như quét sân là bài học vỡ lòng cho những cậu bé để cánh cổng tam quan dẫn lối cuộc đời.

Tôi cũng không ngoại lệ. Có nghĩa từ buổi sáng đầu tiên rời nhà vào chùa ở là đã cầm cây chổi ra vườn quét lá. Rồi lớn lên một chút, đọc “Thiên thần quét lá” của Vĩnh Hảo, tiếng chổi vọng xa thêm một chút vào tâm hồn. Rồi lại lớn thêm chút nữa, đọc “Thiên long bát bộ”, tiếng chổi xào xạc của vị Vô Danh Tăng võ công cao tuyệt hàng ngày phất phơ đưa giữa Tàng Kinh Các Thiếu Lâm Tự lẫy lừng thiên hạ đã bay mênh mông trên khung trời hoài mộng tuổi hoa niên.

Thật lòng mà nói, những dòng đẹp đẽ vừa viết ở trên chỉ đẹp trong tâm tưởng (tâm hay tưởng tưởng) thôi, còn thực thế thì có hơi khác!

Tôi còn nhớ thuở làm điệu ở chùa, quét sân là một công việc rất đáng chán. Gần như làm vì bổn phận bắt buộc mà lại phải thi hành vào lúc năm giờ sáng, thời điểm chỉ muốn ngủ chớp nhoáng thêm một miếng sau buổi kinh khuya gật gù nên thỉnh thoảng lại có vài chú (trong đó có người viết) “trốn nghĩa vụ” bị bắt quỳ nhang.

Một chuyện mắc cười nữa là tình trạng mất chổi. Thông thường mỗi chú sẽ được phát một cây chổi, xem như phương tiện lao động riêng và có trách nhiệm giữ gìn cho đến đợt phát tiếp theo. Vậy là hồn ai nấy giữ. Chú thì lấy sơn đánh dấu để nhớ mặt nhau, chú lại viết tên mình để xác định chủ quyền. Sau đó mỗi người tìm chỗ riêng mà cất: nào là dưới gầm đơn (giường nhỏ trong chùa), nào là góc khuất bí hiểm nào đó, có chú còn đem cất đâu đâu trong mấy lùm cây! Ăn chắc mặc bền đến thế, vậy mà được tuần đầu an ổn, sau đó, một buổi sáng tinh mơ đẹp trời, sẽ có chú mắt nhắm mắt mở (sau giấc ngủ năm mười phút tranh thủ) ra nơi giấu chổi để bắt đầu công việc, rổi sực tỉnh quáng quàng vì phát hiện phương tiện lao động của mình không cánh mà bay. Vậy là chú ta sẽ chạy quanh chùa để tìm cho ra tài sản. Hết đến người này đòi xem dấu tích lại qua người kia muốn kiểm tra tên họ. Nếu may mắn thì phát hiện ra chổi mình đang được ai đó “mượn” dùng đỡ, còn không sẽ phải chờ người khác xong rồi mượn quét. Có những khi không kịp, đến giờ ăn cơm, quý thầy đi kiểm tra, thấy phần sân ai chưa quét thế nào cũng bị quỳ nhang. Rồi đâm ra kiện cáo, phân bua, xét xử…! Tôi để ý thấy một điều rất ngộ: thường những chú mất chổi nhiều nhất là những chú cất kỹ nhất.

Một thời gian sau, tôi rời chùa đi học xa, nhớ lại, tự nhủ nếu làm quản chúng (vị thầy coi sóc việc sinh hoạt, học hành, tu tập của mấy chú) mình sẽ không theo cách đó nữa. Tại sao mình không làm một cái nhà kho rồi mua nhiều chổi để đó. Ai cần thì lấy dùng, sau khi xong đem để lại. Rất chi là đơn giản!

Học xong, tôi về chùa làm quản chúng thật. Thế là bắt tay thực hiện lý tưởng “một ngôi chùa nói ‘không’ với mất chổi”! Tôi mua nhiều chổi, để một góc, nói mấy chú lấy dùng tự nhiên, xong để lại chỗ cũ. Tưởng vậy coi như xong xuôi. Khổ nỗi chùa rộng quá sức, người lại ít, mấy chú còn nhỏ, dặn trước quên sau, để đâu quên đó nên rốt cuộc chổi mua đều đều mà vẫn cứ thiếu, nhưng chịu khó đi một vòng thế nào cũng thấy đây một cây, đó một cây lăn lóc!

Tôi rời Việt Nam, qua Thái Lan học, trong lòng còn ấm ức vì “lý tưởng” chưa thực hiện được. Tuy nhiên, chính nơi mới đến này tôi lại bắt đầu lại bài học vỡ lòng ngày trước còn dang dở. Chùa tôi ở có nhiều cây cối, mỗi sáng chiều lá rụng đầy sân. Do đó quanh chùa luôn có những chiếc chổi tre cán dài để sẵn cho những ai muốn làm công quả hoặc muốn vận động tay chân sau buổi hành thiền. Có lần một thiền sinh người Việt nói ở chùa này lá rụng rất nhiều màu đẹp, đẹp đến mức nếu hốt đem đổ đi thì phí quá! Lần khác xem ảnh một thiền sinh phương Tây chụp cảnh thiền viện, tôi thú vị khi thấy có tấm hình đám lá vàng vừa mới được gom lại trên sân. Từ từ tôi cũng đâm ra thích quét chùa.

Những buổi sáng rảnh rỗi, đôi chân trần nhột nhạt dẫm lên sân chùa rộng rãi còn mát sương đêm, toàn thân ấm áp trong ánh nắng ngày mới vàng tươi nhẹ nhàng hòa tan nền trời xanh thanh khiết. Chiếc chổi vui vẻ xua đám lá vàng tung tăng chạy về một hướng, đôi tay đưa đều như thảo nét bút lông . Tôi nhớ lại hồi làm quản chúng, cũng có dậy sớm đi quét lá nhưng sao cảm giác khác hẳn bây giờ. Khi đó tôi quét cũng vì trách nhiệm, muốn làm gương cho mấy chú, nên nó đáng chán không khác gì thuở đầu còn để chỏm.

Có một điều thú vị nho nhỏ là thỉnh thoảng khi đang quét, tôi bất chợt nhận được một lời “lành thay” từ mấy vị Phật tử ở chùa làm công quả. Mấy vị đó rất siêng. Họ cần mẫn làm việc chùa cả ngày. Tôi đọc đâu đó nói ở Thái Lan, số tiền người dân dùng để làm phước chiếm một phần cố định trong khoản chi tiêu của họ. Điều đó xác thực tới mức nào không rõ nhưng quả thật như những gì thấy biết, người Thái rất thích cúng dường. Đó là một phần sinh hoạt không thể thiếu đầu ngày mới. Sau khi cúng dường chư Tăng đi khất thực, họ hoan hỷ với lời kinh chúc phúccảm thấy một khởi đầu may mắn. Những vị làm công quả ở chùa kia đang làm phước theo cách của mình. Tôi cũng muốn nói “lành thay”. Chỉ có điều tôi hơi thắc mắc là không biết họ có vui với công việc của mình hay chăng. Nếu không, đó quả là một điều đáng tiếc vì công việc họ đang làm cũng không khác gì những ai cúng dường chư Tăng mỗi sáng, người cúng dường tài vật, người cúng dường công sức nhưng một bên hoan hỷ vì mình vừa làm phước xong, một bên lại có suy nghĩ mình đang cố gắng làm phước và chưa cảm thấy hoan hỷ. Đó chẳng phải là một điều không công bằng sao?

Nói điều này không biết chính xác không, nhưng tôi thấy chữ “phước” ngoài những khía cạnh khác nhau, có một khía quan trọng mà chúng ta gán cho nó là “điều kiện vật chất tốt”. Khi nói một người có phước ta sẽ nghĩ ngay người đó có điều kiện vật chất tốt. Theo tôi, người có phước là người trên môi luôn sẵn một nụ cười hồn nhiên thích thú như trẻ thơ trước cuộc sống hay một nụ cười bình yên giản dị giữa dòng đời; và người làm phước là người vui vẻ với công việc mình làm cũng như thấy ý nghĩa của nó. Nên khi một người đến chùa làm công quả với hy vọng có phước cho tương lai, điều đó dĩ nhiên chính đáng, nhưng nếu họ biết hạnh phúc, an hòa trong công việc của mình thì không cần phải kiếp sau mới hưởng được phước mà ngay chính lúc ấy họ đã có phước rồi.

Không biết “ngày xưa” như thế nào vì tuổi mình còn vừa mới, nhưng nhìn ra cuộc sống ngày nay, cuộc sống xung quanh, tôi thấy người ta đang rất khó khăn để “có phước” với cuộc đời của mình. Nói cách khác, hạnh phúc chỉ có ở tương lai, còn hiện tại luôn là bước chuẩn bị; cũng như miền đất hứa thuộc về nơi khác, nơi này chỉ ốc đảo tạm dung thân. Đã vậy, thêm một sự ngặt nghèo nữa là hạnh phúc thì số lượng có hạn, đất hứa cũng diện tích nhất định nên con người ta phải rất nhanh chân, rất tranh thủ, rất cố gắng trong cuộc đua này. Chẳng lẽ cuộc sống này không đủ hạnh phúc hoặc quá đau khổ đến mức người ta phải cố thoát ra? Nhưng đi đâu?

Khoa học đang phóng những con tàu vũ trụ để ráo riết tìm kiếm hành tinh có sự sống cho con người tương lai, phòng khi một thảm họa thiên nhiên, phòng khi dân số quá đông hay phòng khi con người đã hủy hoại xong trái đất này?

Năm ngoáicâu chuyện như vầythiền viện: Một thiền sinh phương Tây thấy con mèo đi cắn nhau đâu đó về, chân bị thương tích, thấy người trong chùa không ai băng bó cho nó nên anh tự làm. Đến giờ trình pháp anh hỏi thiền sư: con mèo bị thương mà không ai giúp đỡ nó, vậy chứ tu thiền để làm gì?

Tôi muốn mượn câu hỏi của anh: “vậy chứ tu để làm gì?”. Tôi nghĩ rằng bất cứ pháp môn Thiền Tịnh Mật nào đi nữa, mục đích ý nghĩa nhất là đưa cái con người lang thang của ta về lại với ta, về lại thế giới này, thực tại này để mà sống một cuộc đờiý nghĩa, hài hòa với chính mình, hài hòa với mọi người, hài hòa với tất cả. Còn nếu một pháp môn nào đó hứa hẹn kết quả là Niết-bàn, là Cực Lạc, là các tầng thiền, các phép thần thông để rồi người tu lãng quên cuộc sống thì đó không khác gì cuộc rong ruổi đến miền đất hứa, không khác gì những con tàu vũ trụ đang rời trái đất để kiếm tìm một hành tinh xa xăm chưa biết đến. Vì quá lo cho công cuộc tu hành của mình, biết đâu ta đã vô tâm đi qua một con mèo bị thương hoặc bỏ lỡ những đám lá vàng nhiều màu thật đẹp trên nền chùa?

Nếu hành trình đến Cực Lạc, Niết-bàn được quan niệm như hành trình đến một nơi an ổn thuộc tương lai không có những vấn đề của thế giới này thì hệ quả tất yếu là người ta nuôi lớn dần trong mình tâm lý cầu an, sợ khổ, lánh đời. Có lần tôi nói với mấy cô cậu Phật tử trẻ: “Không khéo chùa sẽ thành một chốn cho những người sợ hãi cuộc sống co cụm với nhau để tìm sự an toàn, an nhàn”. Hình như đang có nhầm lẫn trong cách hiểu giữa an lạcan nhàn, giữa giải thoáttrốn tránh.

Khi đọc một bài báo dự đoán về tương lai sáng lạn khoa học sẽ mang đến cho con người trong 50 năm tới, họ nói máy móc sẽ hoàn toàn thay thế những công việc tay chân nặng nhọc của con người, giúp con người tự do và rảnh rổi trong việc sáng tạo, tôi đã bật cười. Giúp con người tự do và rảnh rỗi? Tự do khỏi công việc nhưng lại nô lệ vào máy móc và rảnh rổi việc tay chân để bận bịu việc đầu óc, không phải đó là điều rất buồn cười sao? Người ta cứ nói về công việc tay chân nặng nhọc cần đến máy móc. Quét nhà, quét sân, giặt đồ, rửa chén… là nặng nhọc? Đến mức độ đó thì quả thật con người tương lai sẽ đúng y như hình ảnh bộ phim hoạt hình “Wall-e” miêu tả: mập núc ních, sống trên những chiếc ghế bay và giao tiếp với một thế giới tưởng tưởng qua chiếc màn hình luôn ở trước mắt. Chưa hết, hình ảnh tương lai của con người không chỉ dừng lại ở đó. Theo những gì khoa học đang cố gắng “trang bị” cho chúng ta, thì vài chục năm tới, khi đứng nói chuyện với một người ta khó lòng biết mình có đang nói chuyện với con người thật của họ hay không, khi mà máy móc được cấy ghép từ mắt đến tai, từ ngoài vào trong[ii]. Tôi không giỏi, không rành khoa học kỹ thuật, nhưng cũng có thể thấy những gì nó mang lại cho loài người. Tôi không giỏi, không rành khoa học kỹ thuật, nhưng cũng đủ để thấy những gì nó đã và đang lấy đi của loài người.

Hiện nay, có những trung tâm ở các vùng thôn quê núi đồi mà người ta đến sống để được làm việc tay chân; có những ngôi trường trong đó học sinh được dạy trồng rau, trồng lúa, làm nhà,…; và cũng nhiều người vui vẻ với cuộc sống tự tay xây nhà, tự trồng lương thực. Điều đó có ý nghĩa gì? Phải chăng trải qua một thời gian dài sống trong đầu của chính mình, giờ con người thèm được đạp chân lên mặt đất, được nhúng tay vô bùn lầy, được vác trên vai những cột kèo, được tắm mình trong mưa nắng thiên nhiên? Phải chăng vì nghiệm ra câu nói của Tagore: “Con người làm nên thần thánh nhưng khi thần thánh lên ngôi thì con người thất bại”nhân loại bắt đầu hạ bệ những thần thánh kim loại và đòi lại quyền làm chủ bản thân mình, quyền sống như một con người lành lặn có cả thân thể, tứ chi chứ không chỉ cái đầu? Phải chăng chuyến tàu siêu tốc đuổi bắt viễn ảnh tương lai của tâm trí đã vắt kiệt sức lực và thay vì đưa hành khách đến thiên đường hứa hẹn thì lại chỉ hiện ra một hành tinh khô cằn sỏi đá nên người ta bắt đầu biết sống vui với những gì sẵn có ở nơi đây?

Biết vậy để thấy rằng cái bài học rửa chén, quét sân, lau chùa, tưới cây, trồng rau…  của chốn thiền môn từ bao đời nay không chỉ là bài học dành cho chú tiểu, cũng không phải chỉ công việc cho những người làm công quả mà chính là một nếp sống đẹp Phật giáo gìn giữ và dâng tặng cuộc đời. Nếp sống đó cho người ta được sống với chính mình, dạy người ta biết làm thầy, làm học trò, làm bạn của mình nhưng đồng thời nếp sống đó cũng đưa người ta hòa vào cuộc đời, hòa vào trời đất trong hình hài nguyên vẹn tinh khôi. Đừng giảng giải những câu chuyện thiền như “Ông ăn cơm chưa? Dạ rồi. Vậy rửa chén đi”[iii] thành một triết lý bí hiểm mà người nghe có cảm tưởng “không biết bao giờ mình mới ‘đạt’ tới đó”. Chổi sẵn đây. Sân chùa còn lá. Nền nhà còn bụi. Ngoài đường còn rác. Và có một hạnh phúc giản dị là đứng nhìn mảnh vườn tinh tươm mới quét trong ánh nắng vừa lên…


[i] Bài kệ để đọc thầm khi quét là trong chùa:

Cần tảo già lam địa

Thời thời phước huệ sanh

Tuy vô tân khách chí

Diệc hữu thánh nhân hành

Dịch thơ:

Siêng năng quét dọn vườn chùa

Phước đức trí tuệ mùa mùa nở hoa

Dù không thấy bóng khách qua

Dấu hài bậc thánh cũng là quanh đây

[ii] Trong bài nói chuyện ở hội nghị TED, nhà khoa học Ray Kurzweil đưa ra viễn ảnh tăng khả năng tư duy của con người trong 20 năm tới bằng cách đưa những nanobot (thiết bị điện tử cực kỳ nhỏ, 1 phần tỷ mét) vào não. Nếu muốn tìm hiểu thêm xin vào đường link này: https://www.youtube.com/watch?v=uiV8V-56Lsw

Không biết sự thông minh về tri thứcgiá trị tới mức nào và người ta muốn chừng nào mới thấy đủ, nhưng cứ tưởng tưởng ra một con người như vậy, tự nhiên thấy lạnh người!

[iii] Có vị tăng hỏi Tổ Triệu Châu : Con mới vào thiền viện, xin thầy chỉ bày đạo lý.
Tổ Châu nói : Ông ăn cơm chưa ?
Vị tăng : Dạ, ăn rồi.
Tổ Châu nói : Thì rửa chén bát đi !
Vị tăng tỉnh ngộ.

Tôi hiểu câu chuyện này như vầy: Đạo chính là cuộc sống (ăn cơm, rửa chén), và sống theo Đạo là sống với lẽ thường của cuộc sống (ăn cơm xong thì rửa chén).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2014(Xem: 9144)
21/08/2014(Xem: 9940)
04/01/2017(Xem: 12830)
02/11/2023(Xem: 1254)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.