Trôi trên dòng thời gian trắng xóa

07/08/20153:48 SA(Xem: 6070)
Trôi trên dòng thời gian trắng xóa

Nhụy Nguyên
TRÔI TRÊN DÒNG THỜI GIAN TRẮNG XÓA 

Truyện ngắn 
 

Lần đầu tiên chăm người nhà nằm viện thật khó diễn tả cảm xúc. Những tấm áo trắng ảo ảnh đôi lúc hiện cả vào trong giấc mơ. Nếu không gặp em, cái ký ức buồn bã thẹn thùng đã mãi nằm lại như một khối u trong tim không bao giờ được chữa trị. Em nhìn tôi ngơ ngác, gần như chết lặng. Quay đi. Căn phòng chật với ba chiếc giường đơn. Người con gái lẽ ra là vợ (để bây giờ tôi đưa em vào viện săn sóc); ai hay… Tôi toan bước tới, sẽ cầm lấy tay em. Nhưng người thanh niên nằm trên chiếc giường ấy khiến tôi khựng lại.

Không thể gây thêm phiền phức với em nữa. Không cần biết người đàn ông kia đối xử với em ra sao, tôi biết em chắc hạnh phúc. Bởi họ không như tôi, chạy trốn khỏi một con bệnh hiểm nghèo là em. Em vẫn hao gầy và đôi mắt thăm thẳm. Hình ảnh em gục xuống bởi cơn choáng nhẹ hiện về rõ nét. Chụp phim mới hay có khối u trên đầu. Tôi bàng hoàng, tưởng không còn gượng dậy nữa… Chồng em bỗng úp người và ọe. Thì ra không phải em nằm viện. Tại sao? Sao ông trời lại đẩy hai người cùng mắc bệnh hiểm nghèo đến với nhau? Căn bệnh của em phát triển đến mức nào rồi?? Chồng em ngăm đen, hơi thấp, nhìn khuôn mặt đoán biết người dân tộc. Một thanh niên vâm váp, bị u vòm họng.

Ngày hạ, lâm râm mưa. Tôi ngồi ở cửa sổ tầng hai nhìn xuống làn mưa rây trên đám cỏ hoang, mơ hồ cảm nhận tiền tài danh vọng hư huyễn tựa hồ mưa móc kia. Ai vào viện cũng thảm, thấm lắm cõi đời khắc nghiệt, huống là vào khoa ung bướu. Một người già bị u não đã đành nhưng đứa trẻ lên năm cũng với căn bệnh đó, biết kêu ai! Hay chăng đó là nghiệp tồn lưu từ quá khứ? Khu vực xạ trị còn hy vọng; hóa trị phần lớn kéo dài tuổi thọ trong nỗi đau dai dẳng. Cha tôi nằm viện, nhờ trời còn đi lại dễ dàng, tự vệ sinh ăn uống. Những bệnh nhân không có người chăm hoặc được chăm sóc trong nỗi bực bội càng cảm thấu cái quy luật mang tên mệnh trời. Tôi từng tiếp cận khá nhiều thông tin trên báo, về những nhà tỉ phú có máy bay riêng chở ra nước ngoài chữa bệnh cũng bó tay, lâm vào ngõ cụt và trước mắtmột thế giới mông lung u sầu. Rồi về cuối đời ngồi cô đơn trên xe lăn trong căn phòng với bao bằng khen, với bao nấc thang danh vọng nhưng không thể bước lên tầng thượng của ngôi nhà sang trọng thu cả thành phố vào tầm mắt để biết bầu trời cao rộng nhường nào.

Cha tôi kể cũng may mắn khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Những đợt nhập viện ông đều không cho ai theo. Rất an nhiên. Đến hẹn của bác sĩ, chúng tôi góp tiền và cha khoác ba lô lên đường. Ông đi cũng vui mà về cũng vui, còn mua quà cáp như sau chuyến du lịch. Lần xạ trị cuối này tôi được cử theo lo thủ tục xuất viện... Mấy ngày trước em và tôi cùng một dãy lại không gặp nhau. Bây giờ chồng em chuyển đến đúng phòng của cha tôi, là sao? Tôi bước xuống khuôn viên dãy nhà tầng hai, còn những khoảng đất rộng cỏ xanh rì. Cây bồ đề cao lớn trùm bóng mát. Người nhà bệnh nhân được phép tận dụng không gian này nấu nướng ăn uống. Dưới gốc bồ đề có những ghế đá. Em na chiếc giường xếp xuống để chồng nằm cho thoáng; việc nhỏ vậy song tôi cũng không dám giúp... Người ngồi san sát, tôi đảo mắt mấy lượt mới thấy em bón cháo cho chồng, liền đứng dậy bước lên phòng, hồi lâu mới xuống. Cha tôi không biết em. Hồi đó tôi định đưa em về giới thiệu, cũng tính đến một đám cưới rất gần...

Tôi đến ngồi bên em trên ghế đá dưới cội bồ đề. Lặng lẽ, em vẫn hướng về nơi khác. Không ai quanh đó nhìn chúng tôi. Ở đây sau mấy ngày người xa lạ đều thành quen, tâm sự những điều sâu kín. Giữa rất nhiều khuôn mặt có vẻ mơ hồ về tương lai, bỗng dưng một sớm có người vác ba lô chào tạm biệt. Những cái bắt tay, những nụ cười và niềm sẻ chia chân thành; người ở lại cứ nhìn theo bóng dáng người đang tiến về cõi sáng. Có người cũng vác ba lô như vậy, cũng chào mọi người ở lại mạnh khỏe an vui, song đó lại là trường hợp bệnh viện trả về. Dĩ nhiên họ sẽ được gần gũi với bao người thân mong ngóng, về với xóm làng thân thương nhưng phía trước là khoảng không mù mịt, là những tháng ngày mà có lẽ chỉ ánh sáng tâm linh mới soi rõ ngọn nguồn.

Em vẫn không nhìn tôi, giọng rất rõ:

- Khẩn cầu anh hai việc: đừng để bất cứ ai biết mình quen nhau từ trước. Quan trọng hơn, anh không được để chồng em biết em mắc bệnh!

Tôi giật mình. Vậy ra mấy năm qua em vẫn giấu khối u trong mình. Ý nghĩ lóe lên: giờ tôi hoàn toàn đủ điều kiện giúp em chữa trị.

Em lắc đầu, nụ cười thánh thiện. Tôi muốn ôm lấy em.

- Em đã theo Phật. Phật A Di Đà luôn trong tâm em và em sống trong bản nguyện cứu độ của Ngài.

Tôi nhìn ngơ ngác, hình như chưa hiểu gì. Em lại cười.

- Trong đạo tràng em đêm nào cũng góp mặt niệm Phật, có mấy người bị ung thư, họ chỉ niệm Phật. Đó là chữa bệnh bằng âm thanh, thứ âm thanh siêu thiện, là một dạng sóng tác động vào thân tâm; giống như khoa học thí nghiệm cho thấy khi ta yêu thương nước thì nước sẽ trong sạch, mà cơ thể ta phần nhiều là nước. Nhưng phải có niềm tin. Có thể anh sẽ không hiểu được niềm tin này trong em. Niềm tin kiên cố về ánh hào quang vô lượng cứu rỗi...

Tôi im lặng, cúi đầu như sám hối.

- Phòng bên cạnh có một bé u não, vào Sài Gòn chữa tốn kém vẫn không giảm. Cha mẹ đưa nó ra đây, ở phòng bên anh thấy không?

- Có, nó cứ lẫm chẫm bước, tóc chỗ tia xạ trắng phau như gà bị nhổ lông, trông vui.

- Em còn may mắn chán, ít nhiều đã nếm vị mặn ngọt cuộc đời. Em nhớ thằng cu ở nhà, gửi cho nội nó chăm.

*

Những đêm trước tôi ngủ trên ghế xếp cạnh giường cha. Bây giờ khoảng nền nhỏ hẹp đó em trải cái chiếu để tiện săn sóc chồng, tôi liền đưa ghế ra hành lang. Tìm chốn ngủ khá vất vả. Hành lang không rộng. Chập tối là những chiếc ghế xếp điền vào chỗ trống, nhiều người trải chiếu nằm vật vạ. Một dãy ghế dọc hành lang cái bên này cái bên kia theo hình dích dắc. Suốt đêm cứ vang lên tiếng lẹt xẹt của bệnh nhân. Khuya. Lần tôi mở mắt thì thấy chồng em bước về phía phòng tắm, rồi chốc nữa em theo sau. Tôi vờ nhắm mắt. Khó ngủ.

Gã trung niên phòng bên lúc nào cũng kéo dép sền sệt trên nền nhà, thường vẫn dậy đi vệ sinh rất sớm. Cha tôi ngủ ngon lành, chân gác cả lên thành giường, chẳng mấy ngày nữa xuất viện. Tuổi như ông người ta nói sống quá lời rồi. Tôi trở dậy ngó vào phòng nhìn em. Không thấy. Chồng em vẫn ngủ, tay gác trán. Tôi ra súc miệng đánh răng và vội xuống tầng trệt kiếm tìm. Nhiều người lục tục đi dạo, dưỡng sinh. Người khác nhen bếp than sắc thuốc, người chuẩn bị nấu bữa sáng. Mát và trong lành nhất là trước cổng khoa. Ở đây hàng phượng vươn mình. Nghe chim hót chào ngày mới thật nhiều năng lượng. Tôi bước ra, phía trước có người ngồi trên ghế; nhìn mái tóc bỗng nhận ra. Tôi chỉ muốn tới bên nhẹ nhàng đặt tay lên đôi vai mong manh, vẫn rất ngại… Mới hay em đang nhắm mắt niệm Phật. Tôi cũng biết giới khoa học lượng tử thế giới thừa nhận tế bào ung thư có thể trẻ hóa nhờ liệu pháp tâm lý, nhờ thành tâm chuyên chú niệm hồng danh “A Di Đà Phật”, nhờ khám phá nội giới với tư cách con ngườitiểu vũ trụ hoặc với một tinh thần lạc quan phi thường đến quên mình là con bệnh... Chợt nhớ đôi tay thon của em, nơi cổ tay trắng có đeo chuỗi hạt màu ngọc, đêm tối phát sáng như tín hiệu của niềm tin sâu tâm thức; điều này trong em mãi là một vùng trời tôi không dám vung tay theo thói thường bản ngã.

Câu Phật hiệu ngừng, đôi môi hồng xinh, nom em vui lắm, và tôi như đang được hưởng lây hồng mầu nhiệm.

- Em biết có người ngồi bên mình, vẫn nghĩ nếu họ ngại nghe niệm Phật đã kiếm chỗ khác. Anh có khó chịu không?

Tôi lắc đầu. Thực tình tôi đang nghĩ về viễn cảnh khác, với em.

- Anh sẽ không tìm ra một câu hát chỉ bốn từ nghe đi nghe lại mãi hoài không chán đâu. Riêng “A Di Đà Phật” thì khác.

Tôi cười. Không biết nói sao.

- Lúc có người, em vẫn thầm niệm Phật suốt. Em tin Phật sẽ cứu mình… À, sao anh dậy sớm? Em sáng nào cũng ra đây mà chưa thấy ai đến trước giành ghế.

Tôi nhìn ra cổng khoa ung bướu, trời tản bớt sương, có mấy người tập thể dụcxa hơn chút nữa là ông già vừa được hai đứa con đẩy xe lăn ra để thay đồ, lau rửa. Tôi nhớ lần đầu tiên bước đến cái cổng này, cảm giác vừa lộng lẫy vừa hoang mang. Hàng cây phượng giữa hạ bung mình nở hoa rực đỏ, vài nhánh sà xuống ngay tấm biển mang thông điệp sâu xa của kiếp người. Trong ngữ cảnh dễ khiến kẻ sĩ đứng lặng chiêm ngưỡng, bỗng tiếng còi cứu thương rú lên, rồi trên xe cáng một người vừa thở máu vừa ộc ra…

Tôi cũng vừa bước ngang qua những căn phòng thuộc khu vực dành cho bệnh nhân hóa trị, lắm người không ngủ được bó gối trên giường nhìn ra ngẫm ngợi về những thời gian đã mất! Đàn ông ngoài năm mươi thôi tạm gác; đàn bà tóc còn xanh, hóa trị nửa chừng mái tóc vàng rụng dần, cuối cùng đành ngậm ngùi xuống tóc. Tôi tưởng đến khuôn mặt thật đẹp của em nếu như họ, rồi mái tóc mềm mại rụng dần và bay theo mây gió.

Chồng em mới tia xạ chưa tới chục mũi đã nằm bẹp, cứ ngửi mùi đồ ăn là nôn. Từ rất sớm em dậy túc trực bên chồng, soi đèn xức thuốc. Yên vị mấy phút, chồng nằm sấp, nước dãi chảy ra thau. Lại xức lại uống, lăn qua trở về cả buổi. Chồng mấy ngày không ăn được nên em mua yến sào cầm hơi, uống vào ọe ra, vậy là tiền trôi xuống cống. Trưa em tranh thủ ra chợ, về thổi lửa bắc nước lại chạy lên tầng hai tiếp tục luôn tay làm theo lời chồng. Hễ nói là đau lưỡi, giọng anh ta không rõ tiếng, em hỏi thêm liền bị nạt, vẫn tận tình chăm sóc với bộ mặt nhẫn nại tuyệt vời.

Tôi muốn xé mình ra. Sao em không chữa trị? Tôi sẽ âm thầm ở bên như cái bóng, như một “người âm” mang lỗi lầm quá khứ. Sao em lại giấu căn bệnh chết người để làm nhiệm vụ của một điều dưỡng. Tôi muốn thét vào tai chồng em: Cô ấy đang bị u não đấy! Ý muốn lặn vào giấc mơ, tôi thấy mình sấn tới nhưng anh ta vẫn nằm yên cười mỉa. Còn em vừa bước vào thấy vậy liền ôm đầu, khụy xuống.

Ra khỏi khuôn viên bệnh viện, tôi tản bộ trên con đường gần đó. Chợt thấy ngôi chùa nhỏ. Ngần ngại, mới bước vào. “Nguyện cho em được lành bệnh”. Tôi nhắm mắt. Rùng mình: hình ảnh tang tóc lướt qua… Người ta nói tâm loạn động thường vẫn hiện yêu ma. Lúc quay lại, em đã đi đâu. Đứa trẻ có cái đầu trắng phau chỗ tia xạ chạy dọc hành lang tung tăng chơi trò lái xe một mình. Bác sĩ cho tôi hay người chồng không chịu nổi, tạm xin phép về nhà dưỡng sức, thủ tục xuất viện làm từ hôm qua. Vậy mà em không nói một lời. Em mang hạnh phúc của mình tránh xa lỗi lầm từ những tháng ngày viên mãn nhất trong đời? Tôi lê bước vào đêm tối. Buổi sáng thức dậy đã không còn em ngồi trên ghế đá dưới gốc phượng đỏ trời nhức nhối. Nhớ đôi mắt khép hờ lúc em tĩnh tâm, nhớ những hạt nắng sớm mai trong vắt vương trên tóc em dưới cội bồ đề; nhớ về tháng ngày bên nhau xưa lắm, nhớ dáng em gục xuống báo hiệu cho một căn bệnh quái ác dày vò...

Tin vào nguyện lực cứu độ nhiệm màu từ cõi xa xăm bắt đầu bằng niềm tinlòng vị tha của người con gái suýt nữa mình bỏ rơi vĩnh viễn. Nhiều lúc tầm nửa đêm, vẫn muốn lật tung mọi thứ bay đến ngoài ngôi nhà từ dòng địa chỉ tôi trộm lấy từ bệnh án của chồng em. Lại sợ. Nỗi sợ trượt theo thời gian mòn mỏi khoét vào da thịt. Sợ một ngày lần tìm ra, niềm hạnh phúc vô biên được gặp lại dáng hình tươi tắn rỡ ràng, hay là nấm mồ nhỏ nhoi nhô lên trong cơn đau vô hạn…

 N.N  
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/10/2015(Xem: 6709)
09/11/2020(Xem: 6289)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.