Ngày xưa, có một người rất sùng kính đạo Phật và quy y Phật. Người này chăm lo cầu nguyện tôn kính và ngưỡng mộ đức Phật vô cùng. Lòng tinh thành thấu đến đức Phật và một hôm trong khi nguyện cầu tinh tấn hành trì, người đó nhập vào một giấc mơ, khi đó có được linh kiến thấy đức Phật hiện ra trên toà sen và bảo:
“Này con, lòng tu hành cầu nguyện tinh tấn thành tâm của con đã thấu đến chư Phật. Con xứng đáng được gọi là một Phật tử đúng nghĩa của nó, nghĩa là đệ tử của chư Phật mà ta là đại diện thị hiện đến hôm nay chứng minh. Tuy nhiên, con đường tu tập của con vẫn còn dài. Hôm nay, để hộ trì cho con, chư Phật thỉnh ta đến đây dại diện cho Pháp thân chư vị để khuyến giáo và hộ trì cho con kiên tâm tu hành cho đến khi đạt thành chánh quả. Con đừng phụ lòng chư Tam Bảo. Phật chỉ là sự Giác ngộ giáo lý của chư vị, phá chấp và như thế thì hành trì thiền định để vượt thoát ra khỏi mọi chấp trước, bởi vì Phật tánh đã có sẵn trong con và bàng bạc khắp mọi nơi chốn. Khi ngộ ra thì sẽ không còn chấp vào hình danh sắc tướng bởi vì thấy ra Pháp thân Phật vốn có sẵn trong con và thường trụ trong mọi sự vật, trong nhất thiết chư pháp của thế gian. Đó cũng là ý chỉ của giáo lý tối thượng về Tánh Không.
Hôm nay, ta đại diện cho Pháp thân chư vị thị hiện đến để giúp con tiến tu trên con đường đạo của Không môn. Đây là bảo vật ta trao cho con, một bức tượng Phật bằng đồng tô son thiếp vàng. Màu sắc vàng kim sáng chói tỏa ra từ thân tượng và khuôn mặt của tượng. Bởi vì là biểu tượng cho chư Phật, cho giáo lý tối thượng sáng chói như mặt trời chiếu rạng trên thế gian, soi đường Giác ngộ cho chúng sinh.
Nay, con hãy thiền định trên giáo lý chư Phật qua bức tượng quý báu thiêng liêng tự tay ta trao cho con. Hãy cầu nguyện và thiền định quán chiếu Pháp thân Phật qua bức tượng này để giúp con mau đạt thành chánh quả. Khi nào con có vấn đề trên đường đạo, con chỉ cần cầu nguyện đến ta trước bức tượng linh thiêng này thì ta sẽ linh hiển để giúp con. Nhưng hãy luôn luôn ghi nhớ rằng Pháp thân chư Phật không nằm riêng nơi nào, không trụ một nơi riêng nào và không ở trong hình danh sắc tướng. Đó là vô trụ Pháp thân và Vô trụ Niết bàn. Hãy nhớ là ”Theo ngón tay chỉ mặt trăng, thì nhìn thấy trăng, nhưng nếu chỉ chấp vào ngón tay thì sẽ không thấy được mặt trăng.”
Người ấy vâng vâng dạ dạ và tỉnh giấc mơ, thì kỳ lạ thay, bên mình đã có tượng Phật vàng sáng chói.
Người này mừng rỡ lắm, lễ lạy tạ ơn Phật và sửa soạn mang tượng Phật để lên trên bàn thờ sùng kính mỗi ngày cầu nguyện thiền định trước bàn thờ tượng Phật.
Mỗi ngày người ấy đều cúng dường hương hoa, thay nước cúng dường bàn thờ Phật và lau chùi bàn thờ sạch sẽ, sau đó là hành trì cầu nguyện thiền định.
Tháng ngày trôi qua. Thế gian là chốn bụi. Hồng trần tức là bụi hồng phủ khắp nơi nơi. Một hôm người ấy thấy bụi phủ lên tượng Phật một lớp mỏng. Người ấy nghĩ thầm, tượng Phật quý giá vô ngần, chính là Pháp thân Giác ngộ mà ta phải đạt đến, nay chớ để bụi phủ mất tượng Phật quý giá này.
Nói xong, bèn làm ngay, người ấy đi lấy khăn sạch và nước sạch lau chùi thân của tượng Phật sáng bóng. Đứng lui lại, chiêm ngưỡng tượng Phật sạch bụi, thân Phật lại sáng chói lên, người ấy hài lòng và nói thầm một mình, đây là Pháp thân chói rạng của chư Phật và nhìn lên khuôn mặt từ ái của tượng Phật chiêm ngưỡng không rời.
Khi người ấy nhìn kỹ thì thấy khuôn mặt tượng Phật có phủ bụi. Bèn lấy khăn ra lau. Bất đồ nhìn lại thì thấy là mình đã chùi lem luốc khuôn mặt Phật. Bởi vì khuôn mặt tượng Phật là thếp vàng, nghĩa là người thợ đúc tượng lấy mạt vàng thếp lên mặt tượng Phật. Cho nên khi chùi thì mạt vàng thếp trên mặt Phật đã bị chùi đi một lớp mỏng lộ ra phần của đồng đúc phía sau làm cho khuôn mặt Phật trông thấy như bị lem luốc.
Chúng sinh, ôi, nghe học được gì thì chấp dính mắc vào trong đó. Nhìn ngón tay mà tưởng cho là mặt trăng.
Ngày xưa cũng có câu truyện của một vị thiền sư đi hành cước lang thang khắp nơi chùa chiền, tên là Đan Hà như sau:
Sau khi học và đắc đạo, thiền sư Đan Hà từ biệt thầy mình là sư Mã Tổ, tiếp tục du phương. Đến chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời lạnh, Sư bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi, viện chủ trông thấy quở:
“Sao đốt tượng Phật của tôi?”
Sư lấy gậy bới tro nói:
“Tôi đốt tìm Xá-lợi”.
Viện chủ bảo:
“Phật gỗ làm gì có Xá-lợi?”
Sư nói:
“Đã không có Xá-lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa đốt.”
Viện chủ nghe câu này tất cả kiến chấp đều tan vỡ.
Cho nên có bài kệ sau:
“Đan Hà thiêu mộc Phật
Viện chủ lạc mi mao”
Nghĩa là: “Đan Hà đốt tượng Phật gỗ. Viện chủ rụng lông mi”.