Con đường con đi đó, có ba là “hộ pháp”

07/08/20173:57 CH(Xem: 5189)
Con đường con đi đó, có ba là “hộ pháp”

CON ĐƯỜNG CON ĐI ĐÓ, CÓ BA LÀ “HỘ PHÁP”
Thanh Thị

 

         Con sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên với cánh đồng lúa xanh mướt, với mùi rơm rạ; con trưởng thành từ những đêm ngủ tại rẫy cùng ba và em để đem lại sự tươi mát, sức sống cho rừng cà phê bạt ngàn vào mùa nắng.

          Tuổi thơ của con là những ngày theo mẹ ra đồng, bắt cua làm bạn; là những ngày mò mẫm với mãnh đất đỏ bazan nhặt từng hạt cà phê rơi vãi khi mùa đến. Kí ức tuổi thơ con gắn liền với bạt ngàn bắp và đậu, với cả những măng tre và đêm trăng nghêu ngao mỗi một bài hát: “Trăng rằm sáng lên em đi đến chùa…”.  Và không thể thiếu được ba, với những đòn roi của mẹ khi mãi chơi, quên đường về nhà; để rồi đêm về ba vừa xoa dầu vừa nói : “Tội nghiệp con gái tui”.

          Con lớn lên rồi, vội xa gia đình, đi con đường lý tưởng tâm linh mà con đã chọn. Con đã để lại sau lưng cả cánh đồng lúa xanh non, để lại cả rẫy cà phê đang độ đỏ lựng giữa mùa, con bỏ lại cả nắng và gió cao nguyên; hành trang con mang theo chỉ là tình thương và giọt nước mắt của mẹ, là lời nói của ba: “Hay con đừng đi tu nữa, ở nhà ba nuôi!”

          Con từng trách ba không thương con, nhưng con biết có người cha nào mà lại không thương con, hơn nữa con lại là đứa con gái duy nhất của ba, là cháu gái duy nhất của dòng họ bên nội. Làm sao ba lại không thương con cho được.

          Con từng giận ba, giận lắm; vì ba không thương mẹ, ba làm mẹ khổ, nhưng khi ba nói câu: “Cô tu rồi mà còn giận dai quá, ba biết ba sai, ba đã sửa sai, vậy mà cô còn giận ba, không về nhà thăm ba lấy một lần”, nghe câu ấy, bao nhiêu giận hờn trong con bổng tan biến hết. Con về thăm ba vào một ngày cuối tháng Giêng, cái lạnh tê tái của xứ cao nguyên vẫn chưa tàn, con sung sướng hòa  mình vào mùi của “rừng bông tuyết trắng” đặc trưng của xứ cao nguyên - hoa cà phê, con hạnh phúc đi quanh góc sân thân quen ngày xưa, hái những quả mận trái mùa, ngắm hàng cau kiểng ba vừa trồng năm ngoái. Khi con thấy mình lớn lên đôi chút, ba đã vội già đi. Lúc xưa ba hay gọi con lại, nhờ con lấy hạt lúa kẹp vào cộng tóc bạc, nhổ tóc bạc cho ba. Giờ đây tóc ba đã bạc trắng, hạt lúa nào dám làm nhiệm vụ nhổ tóc nữa, cô bé ngày nào giờ nhìn tóc ba chỉ chực trào nước mắt; sợi đen sợi trắng, nhổ sợi nào đây ba ơi?

           Con ở Sài Gòn bao năm, quen mùi khói bụi, quen cái hối hả tấp nập, quen cảnh kẹt xe hàng giờ đồng hồ khi đi học về chiều, cũng quen luôn cảnh ngập nước tới nữa thân người khi mùa mưa đến. Đôi lần con vấp ngã với cái tôi quá lớn, sự chuyển hóa tâm thức trong con chưa trọn vẹn, con bất lực với chính mình; là lúc những kỉ niệm về một thời quá khứ ùa về trong con, nhớ về một nơi mà ở đó con đã được yêu thương hết mực, ở đó có một người với câu nói vẫn in đậm mãi trong tâm trí: “Sao con biết ba không thương con?”

            Con đi rồi, em cũng bước theo con, ba như suy sụp hoàn toàn. Ba thương em, ba thương đứa con đã kề cận sớm tối bên ba bao năm nay, ba thương em con nhỏ dại, tính hay lạt lòng, ba sợ em bị  người ta ăn hiếp, ba lo đủ thứ, ba không cho em đi theo con đường như con đang đi. Nhưng rồi em cũng quyết dứt áo ra đi, bỏ lại là nước mắt của ba. Lần đầu tiên ba khóc, khóc cho đứa con trai mà ba thương nhất.

            Mùa cà phê năm ấy, không có em, cà phê vẫn chín mọng đúng độ. Ba cười mĩm khi thấy em trông chững chạt với bộ đồ nâu hò, quét từng chiếc lá bồ đề trong sân, lặt từng lá mai. Đó là lần đầu tiên ba vào Sài Gòn, thăm đứa con trai nối dõi tông đường của ba. Thấy con đã lớn, ba yên tâm ra về với tượng Bụt em tặng, như mang cả thế giới của Bụt về nhà.

           Đối với ai đó là bốn mùa yêu thương, nhưng với con: ba là cả trời yêu thương. Vì ba đã cho con hình hài, lại cho con cả một tuổi thơ đẹp; và rồi giờ đây, ba vẫn đang tiếp tục hy sinh cho con, là hộ pháp – ông thí chủ ủng hộ hết lòng cho sự tu học của con. Ơn sâu đậm như vậy, khi nào con mới trả hết đây?

           Tháng nữa lại về trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Vẫn còn đó cánh đồng lúa ngai ngái mùi rơm rạ, vẫn còn rừng cà phê bạt ngàn xanh mướt và những trái chín đầu mùa chen chúc trong nách lá xanh, và vẫn còn đó ba_ người mà con có lỗi nhiều nhất. Ba ơi! Sài Gòn vẫn nắng mưa thất thường với con đường đến trường ngập úng, ngày tháng này, ở nơi ấy có còn lạnh se thắt sáng sớm không ba?


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
13/11/2015(Xem: 8311)
26/07/2016(Xem: 12452)
27/10/2023(Xem: 837)
21/11/2015(Xem: 7518)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.