Thư Viện Hoa Sen

Qua bao thử thách

25/08/20174:01 SA(Xem: 7204)
Qua bao thử thách
BÚT KÝ
QUA BAO THỬ THÁCH 
Nguyễn Xuân Chiến

 

hoa sen 0135CHA MẠ TÔI ĐỀU BIẾT VÀ HIỂU CHÍ NGUYỆN CỦA TÔI, nghĩa là được xuất gia và sau đó được khoác lên mình bộ áo thầy tu, sống đời giải thoát. Thoạt nghe đơn giản vô cùng. Nhưng người xuất gia nào cũng phải trải qua “bách chiết thiên ma” (Nghĩa đen: Trăm lần gãy vỡ, nghìn lần cọ xát, mài giũa. Nghĩa bóng: Gian khổ thử thách, liên miên. Càng thất bại, càng cố gắng vươn lên).

Người Ấn Độ thì ví von có vẻ hay ho hơn, thâm trầm hơn khi họ nói về con đường thực hiện tâm linh là giống y như ta đang bước đi trên lưỡi dao cạo:

“Đừng tuyệt vọng, con đường thật là khó khăn, như là đi trên lưỡi dao cạo vậy. Nhưng đừng tuyệt vọng, hãy đứng lên, hãy tỉnh thức và tìm cho được lý tưởng, mục đích”. 

Giàu sang có thể đến và đi. Khốn khổ có thể chồng chất như núi. Nhưng nếu ta biết sống có lý tưởng, thì không thể có thứ gì giết chết ta được!”

 

1.- Đường đến chùa để làm thầy tu.

        Hôm nọ, ba mạ tôi nghe rằng, “Thầy X. hiện trụ trì một ngôi chùa ở miền Nam ra Huế để tuyển một số chú điệu vào trong đó để xuất gia…”. Mừng quá, ba mạ tôi dẫn đến gặp thầy, và may mắn thay, tôi được thầy nhận. Và ba ngày sau, tôi xách hành lý theo thầy về Nam một chuyến để xuất gia.       

Nhưng, nói theo nhà Phật thì lắm kiếp trước tôi vụng tu, nghĩa là kém gieo nhân duyên với tam bảo, cho nên chừ đây mình phải lận đận trong khi người khác có con đường bằng phẳng nên bước thẳng ro. Còn tôi – hỡi Phật và Bồ-tát ơi, con phải mấy lần lặn lội trong chông gai mới mong được gặp ánh sáng của Đức Từ Bi!

        Thật vậy, đường đến chùa để làm thầy tu của tôi thay vì gặp được bậc tu hành nghiêm chỉnh, thì tôi sẽ thành tựu phơi phới, như hoa hướng dương thấy ánh mặt trời. Nhưng, tôi đã ba chìm bảy nổi, chỉ vì (nói ra thì tủi hổ quá), tại vì tôi đã gặp nhiều nhà sư lây lất, trên bước đường hành điệu của mình…

        Nhà sư lây lất nghĩa là gì?

        Ví dụ: Một người bạn trốn kinh tế mới trở về Sài Gòn, anh ta không nhà cửa và công ăn việc làm, nên buộc phải sống lây lất giữa thủ đô hoa lệ. Khi ở nhờ nhà người này, khi ở đậu nhà người kia, thậm chí nhiều khi không có ai chứa chấp, anh ta và vợ con phải ra vỉa hè để qua đêm!

        Đó là nói chuyện một kẻ bình thườnghoàn cảnh mà phải ra thân lây lất.

Còn một nhà sư gọi là lây lất, mặc dù ông ta có chùa to Phật lớn đàng hoàng, có đệ tử đông đầy, có tài khoản kếch sù, có chức vị trọng vọng, nhưng các nhà tri thức Phật giáo, kẻ hiểu đạo có thể gọi ông ta là nhà sư lây lất. Tại làm sao vậy?

Tại vì ông ta không có chí hướng giải thoát, không có lý tưởng hoằng pháp lợi sanh. Nói theo người đời: ông ta lợi dụng Tam Bảo cốt để sống qua ngày, hoặc đúng hơn, ông ta chỉ sống để cho qua một đời này phè phởn, còn kiếp sau? Kệ kiếp mai kiếp mốt!

Hạng nhà sư lây lất thì rất nhiều, nhiều vô số kể. Và tôi, trên hành trình cầu đạo đã vô phước, bất hạnh vì đã gặp vài ba trong số họ.

Hồi đó, thầy X. của tôi là một chàng thanh niên khá đẹp trai, dong dỏng cao và, khoảng trên ba mươi tuổi. Thầy là đệ tử của một bậc trưởng lão đức độ, nổi tiếng khắp nước về giới luật nghiêm minh. Còn tôi chỉ là đứa bé mười ba tuổi. Luôn luôn vâng lời với thái độ tôn kính thầy, chẳng hề dám sơ sót.

Sau hai ngày ngồi trên xe đò, tôi được thầy dẫn về Bà Rịa, cách Sài Gòn khoảng một trăm cây số. Chùa nhỏ, nhưng khuôn viên rất rộng, thầy giao tôi cho một người sư đệ, tuổi tác gần bằng thầy, làm thủ chúng, quản lý các chú điệu. Tôi tạm gọi thầy thủ chúng là thầy Z. để khỏi nhầm với những vị thầy khác.

Tôi bắt đầu chấp tác và học kinh dưới đe nẹt của thầy Z. Nghĩa là tôi chỉ việc học Chú Lăng Nghiêm hoặc kinh Di Đà cho thuộc lòng, và sáng mai đến trước mặt thầy mà trả bài, chứ thầy chẳng phải dạy dỗ gì cả. Và thường thì đứng để nghe thầy thuật lại cái quá khứ oanh liệt, gian khổ của mình mà buông vài ba lời tán thán để thầy khoái lổ nhĩ. Vậy thôi. Tưởng như vậy là yên thân, ai nào ngờ thầy Z. cũng là một nhà sư lây lất đúng bản chất hơn bất kỳ nhà sư nào.

Thầy Z. vốn là một võ sư thứ thiệt, vào chùa với lý do kinh tế và phát triển ngành võ thuật để dương danh trên võ lâm, oai trấn giang hồ như các chưởng môn nhân thời xa xưa.  Dĩ nhiên, ngoài thời gian học hai thời công phu, tôi và các bạn tu đều phải học võ, đã vô đây là phải học võ, như các võ sinh. Dưới trướng thầy Z. luôn luôn có hơn năm trăm võ sinh gồm nhiều lứa khác nhau, một lực lượng đáng kể sẵn sàng xả thânsư phụ là thầy Z.

Tôi thật không hiểu gì về mối quan hệ giữa hai huynh đệ này. Bởi vì có một lần trong buổi họp, thầy Z. gây gổ và lớn tiếng đuổi thầy X. tức thầy của tôi, hiện giữ chức trụ trì chùa này. Thính chúng gồm hơn một trăm võ sinh và các thầy ở các am thất quanh đó, thầy tôi yếu thế, bị thầy Z. giơ nắm đấm lên dọa đánh. Cuối cùng, thầy tôi lâm vào tuyệt lộ, phải cắm đầu chạy mất, mãi đến mấy hôm sau mới trở về, khuôn mặt lầm lì không nói. Tôi là kẻ mới vào chùa, dĩ nhiên chẳng hiểu gì mà nếu có hiểu thì cũng chẳng giúp thầy mình được.  

Lại nữa, thầy X. của tôi lại thường xuyên vắng mặt, không hiểu đi đâu và làm việc chi. Mọi duyên sự trong chùa thầy đều bỏ liều cho thầy thủ chúng, tức sư đệ quán xuyến.

       Thầy X. là một người lực lưỡng, thuộc dòng dõi con nhà võ chính tông, vai u thịt bắp, mặt mày sáng sủa, coi được, nhưng cặp mắt gian manh, xảo trá vô cùng. Bạn cứ thử nhìn thẳng vào đôi mắt của ông ta, bạn sẽ ớn lạnh, khủng khiếp, không dám nhìn lâu, sợ bị cuốn hút vào một không gian bất tận mà không biết hồi nào ra khỏi.

Thầy Z. thường ăn to nói lớn, tánh tình cục súc, cực kỳ vô duyênbản tánh kiêu ngạo vô cùng. Người như vậy thường ưa nịnh. Tôi vốn nhà quê một cục, không biết gì hết, vậy mà tôi cũng tập nịnh nọt để tồn tại trong một môi trường lạ hoắc.

 

2.- Đem con bỏ chợ.

Hai năm trôi qua nhanh, tôi đã thuộc lòng hai thời công phu và một số bài tán để có thể tự mình thực hiện thời kinh khuya và tối. Tôi vừa lên mười lăm tuổi, lên lớp 8 cấp II, cao lớn hơn xưa chừng một tấc, nhưng nét mặt vẫn còn ngu ngơ, cà gật...  Suốt ngày chỉ biết học kinh và tập võ.

Ai cũng nghĩ đường đời vẫn có đi là có đến. Dĩ nhiên trừ tôi ra.

Trưa hôm nọ, thầy trụ trì, tức là thầy X. gọi tôi, bảo:

- Con và điệu Long có muốn đi Sài-Gòn chơi không?

Tôi run run thưa:

- Dạ, thưa thầy, vô đây đã hai năm ròng thế mà con chưa hề biết Sài Gòn là cái chi!

- Rứa thì hai đứa chuẩn bị để đi với thầy nghen!

Năm phút sau, hai đứa nhỏ là tôi cùng điệu Long mở cờ trong bụng, nhảy lên sau yên xe honda của thầy. Thầy lái chậm, dường như cố ý để hai chú điệu của thầy được dịp xem qua Sài Gòn cho biết.

Từ chùa về Sài Gòn có lẽ hơn trăm cây số, nhưng thầy lái xe chạy thong thả, vừa ghé lại nhà của những người quen dọc đường, nên mãi gần năm giờ chiều mới đến. Những cao ốc, những phố xá sáng choang, những người ăn mặc sang trọng thì rất ít và chen lẫn rất đông những người nghèo khổ, ngồi hoặc nằm bên vệ đường. Nhiều người ăn xin, rách rưới, nghèo nàn, khiến tôi bật ngửa: Té ra Sài Gòn cũng có người khố rách áo ôm như Huế mình thôi. Có cái hơn hẳn Huế là thành phố hoa lệ này sao mà lắm bụi bẩn. Lắm người hành khất. Tưởng Sài Gòn là một cái chi ghê gớm lắm, nhưng té ra, cũng rứa thôi!

Thầy dừng xe lại. Bên cạnh bãi cỏ, có chiếc xe bán nước mía. Thầy gọi ba ly cho cả thầy và trò giải khát và nghỉ mệt.

Khoảng thời gian hút ba điếu thuốc, thầy đứng dậy trả tiền nước mía, xong thầy dẫn tôi và điệu Long đến cuối bãi cỏ, gần chỗ đậu của mấy bác xe ôm, và bảo hai đứa:

- Chịu khó đứng đây! Thầy đi khoảng một tiếng đồng hồ rồi sẽ trở lại đón mấy đứa bây. Đừng đi đâu hết nghe không, tụi bây!

Hai đứa bọn tôi vâng lời và ngồi xuống bên vệ đường cạnh bãi cỏ. Thầy rú xe chạy. Từ từ, rồi đi thẳng.

Tôi ngồi đó và nghĩ lan man về thầy, một người thầy tu kỳ lạ, chẳng giống bất cứ vị thầy tu nào mà tôi từng gặp. Thầy không bao giờ tụng kinh, không bao giờ có mặt trong chùa. Thầy làm những việc có vẻ bí mật. Thầy bị người sư đệ đuổi ra khỏi chùa mà thầy có vẻ chống đối yếu ớt, không dám làm gì cả. Tại sao? Tại sao như vậy?

Dù tuổi tác còn nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng tôi vẫn biết quan tâm đến chuyện người lớn. 

Tôi vẫn ngồi đó để chờ thầy. Thầy nói là thầy đi một giờ, nhưng đã hai giờ rồi vẫn chẳng thấy đâu? Hay là bị xe tông? Hay là thầy bị người ta ăn cắp mất chiếc honda rồi, làm sao mà về chùa?

 

Thôi, lo nghĩ chi cho mệt, khi nào thầy về thì hay. Trước sau chi thầy cũng về! Tôi ngồi ngó ra đường. Xe chạy. Người đi qua người đi lại. Thầy chưa về. Thầy ơi, sao thầy đi lâu về rứa?

 

Trời tối hẳn. Bụng sôi lên như đánh trống trung thu. Đói. Nhưng tôi vẫn trông thầy về, chuyện gì thì chuyện. Thích nhất là thầy về, rồi mình về chùa. Rồi ăn cơm. Khỏe re.

Nhưng thầy vẫn chưa về. Đi mô mà lâu quá ri?

Mười giờ tối, thầy vẫn chưa về. Bụng vẫn làm reo. Tôi ngó qua chỗ của những người xe ôm, họ đã về nhà, không còn đàn đúm chuyện trò nữa. Ai cũng có gia đình và ai cũng về nhà. Thầy tu thì đi về chùa. Tụi tui là hai chú điệu thì phải ở lại bên lề đường.

Bây giờ xe cộ đã ngớt hẳn. Đêm đã khuya. Điệu Long mệt quá, gục đầu xuống đám cỏ ngủ say, ngủ ngon lành. Còn tôi?

          …

 

Tôi ngủ đến sáng trợt mới thức dậy, những bác chạy xe ôm đã tề tựu đông đủ và nói chuyện rôm rả. Một bác chừng trên năm mươi tuổi đến bên cạnh, hỏi:

- Mấy chú tu ở đâu mà nằm ngủ qua đêm ở đây?

Tôi bỗng dưng òa lên khóc nức nở:

- Thầy… thầy đi đâu mà không về! Làm sao bác kiếm thầy giúp cháu với!

Tôi kể lể mọi chuyện của mình cho bác nghe. Nghe xong, bác mủi lòng nói:

- Có lẽ thầy bị tai nạn đâu đó, e chừng người ta đưa vào bệnh viện rồi. Hai chú cứ an lòng chờ ở đây. Có thể về nhà tui ăn uống tắm rửa rồi ra đây tiếp tục đợi  thầy về.

Thừa nhận rằng, người Sài Gòn rất tốt bụngniềm nở. Bác tên là Khai chở hai đứa tôi về nhà trong hẻm gần đó, mua mì chay cho tụi tôi ăn. Xong, ra bãi cỏ hôm trước để chờ thầy.

Nhưng, than ôi, chờ mãi chờ hoài cả đến mười lăm, hai mươi năm sau, vẫn chẳng thấy bóng dáng thầy. Thầy đi mô mà đi lâu thế?

Cuối cùng, bác Khai đề nghị:

- Tui có quen thân một chùa ở gần đây, hòa thượng trụ trì rất hiền hòa tốt bụng. Tui sẽ xin hòa thượng hai chú cho ở tạm và hy vọng hòa thượng sẽ không từ chối. 

Sau khi biết chắc thầy một đi không trở lại và hai anh em bọn tôi là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Dĩ nhiên tới giờ phút cuối cùng, không còn cách nào khác, đành phải theo lời bác Khai, cùng đi đến chùa A.

Sau khi đảnh lễ hòa thượng trụ trì, bọn tôi và bác Khai đứng qua một bên, chờ nghe lời phán quyết của ngài.

- Đây là trường hợp hi hữu nhất trên đời mà nay tôi mới gặp. Thôi, hai điệu cứ ở tạm nơi đây một thời gian. Chúng ta đều là người xuất gia, phải giúp nhau mỗi khi hoạn nạn chứ? Nếu có người đi tìm, thì hãy cứ trở về chùa cũ. Nếu không có ai đi tìm mấy điệu, thì mấy điệu sẽ được nuôi nấng lâu dài, trở thành người của chùa này. Giải quyết như vậy bác Khai vừa lòng không?

 

 3.- Cuộc đời mới, biết ra sao?

 

Thế là tôi và Long trở thành chú điệu của ngôi chùa này. Chùa lớn và ông Phật cũng lớn. Bổn đạo tín thí rất đông, mà đa số là người Sài Gòn và các tỉnh miền nam. Sau này tôi mới rõ rằng, chùa này chuyên môn đi cúng và tổ chức mấy món chẩn tế, bạt độ, cầu siêu cầu an, tang ma… vân vân… Chùa gồm có 4 tầng lầu, hai tầng trên dùng để đựng tro cốt của các Phật tử quá cố. Tôi và điệu Long là những kẻ mới vào, được hoà thượng bố trí một góc ở tầng hai, kê một cái giường cho hai điệu nhỏ.

Không lâu, bọn tôi được hoà thượng cho làm lễ xuất gia và là bổn sư của chúng tôi. Về sau, tôi lại được thọ sa-di và tỳ-kheo cũng do hoà thượng đỡ đầu và chủ trì. Đường xuất gia của tôi như vậy là ổn định.

Phải mất ba năm để học các bài tán đủ thứ, từ cầu siêu cho đến chẩn tế, rồi phải học các nghi thức cho đủ loại tế lễ theo yêu cầu của gia chủ, của các thầy chủ sám. Đây là những việc rất phức tạp, cho nên tôi học rất chậm chạp và về sau càng nhanh. Những lúc rãnh rỗi, tôi bắt buộc phải siêng năng “luyện giọng”. Như các ca sĩ chuyên nghiệp, nghề đi cúng có một yêu cầu vô cùng quan trọng, đó là gìn giữ cái giọng sao cho trầm ấm, mượt mà, ngọt ngào và dễ lay động lòng người.

Như thầy Xuân có chút nghiên cứu về văn thơ Việt Nam, mỗi khi dịp cầu siêu, tang ma ở các gia đình thân chủ, thầy táo bạo dùng thơ của Hàn Mặc Tử và ngâm lên:

Gió theo lối gió, mây đường mây, 

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... 

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, 

Có chở hương linh… về… kịp… tối nay? 

 

Thì tất cả tang gia đều rống khóc như vỡ chợ! Đương nhiên sau đó là cái màn cúng dường rất hậu hĩnh.

Nói rất thật, nghề thầy cúng là nghề kinh doanh số Một ở Việt Nam. Rất phát đạt mà không cần quảng cáo gì cả. Vừa thu gặt rất nhiều tiền, vừa được các Phật tử quỳ lạy, tôn trọng rất mực. Người ta suốt ngày chỉ lo làm tiền, lúc rãnh thì đi nhậu – nên chi, mỗi khi gia đình có người qua đời, họ bối rốicầu cứu Quý Thầy đến lo liệu mọi chuyện. Xe đưa, kiệu rước, và cả lọng vàng lọng đỏ nữa mới tỏ hết lòng tôn kính. Có người bảo: “Trọng Sư như trọng Phật”. Họ đâu biết các Sư Cúng Kỵ chỉ biết quý trọng đồng tiền mà thôi.

Mọi ông thầy cúng đều giàu, giàu sụ. Xe gắn máy đời mới nhất. Đồng hồ đeo tay xịn nhất. Áo quần loại lụa Thượng Hải, Thái Lan, Cachemire… đủ loại, riêng tôi sở hữu gần cả mấy chục bộ đủ màu, đủ kiểu để dùng đi cúng cho oai vệ, xinh đẹp, có thể làm vừa lòng các tín nữ trẻ. Còn điện thoại di động thì phải đời mới nhất, kiểu dáng phải hoa dạng và loè loẹt. Có nhiều vị hơi lớn tuổi thì chơi đô-la hoặc sắm vàng bốn con chín.

Tôi cũng vậy, sau gần mười năm trú ngụ chùa này, tôi cũng có số vốn kha khá.

 

4.- Lời thật khó nghe! 

Chuyện đi cúng và không đi cúng đã trở thành một vấn đề trọng yếu giữa các Phật tử tâm huyết: Họ nhìn thẳng vào thực trạng bi thảm của Phật giáo Việt Nam, họ không biết phân biệt giữa cái đạo đi cúng ăn tiền với cái đạo thường tự xưng là Như Thật Đạo. Ngay cả đối với ba tôi, đấng sinh thành.

Lần về Huế như mọi khi, sau khi thăm hỏi và trao quà cho mạ, bà rất sung sướng và hả hê vì đứa con đã trưởng thành và trở nên một ông thầy tu giàu có của một ngôi chùa tiếng tăm ở Sài Gòn.

Tiếp đến, ba tôi rót trà, kéo ghế mời tôi ngồi, hỏi thăm sơ lược tình hình Phật giáo ở thành phố lớn như Sài Gòn, xong ba hỏi một câu mà tôi phải xanh máu mặt:

- Không lẽ một ông thầy tu như con mà cứ đèo queo cái nghề đi cúng cho đến hết cuộc đời như vậy sao?

Tôi chấn động tâm can, và không biết ăn nói ra làm sao trước câu hỏi hóc búa ấy. Vì ngay tự bản thân, tôi vốn biết cái nghề đi cúng hoàn toàn không phù hợp chánh pháp. Vả lại, nghề đi cúng còn gây ra nhiều tội nghiệp không thể kể xiết. Mượn danh nghĩa đạo Phật, tôi và các thầy cúng đã rao truyền tà kiếnmê tín với mục đích kiếm tiền. Trong khi lý tưởngmục tiêu của một người xuất giahoằng pháp lợi sanh, đem pháp lạc tới cho muôn ức chúng sanh.

Tôi dường như nhấc ly trà lên không nổi, lắp bắp:

- Đó… là nhu cầu chúng sanh và mình phải… tùy duyên chứ biết làm sao bây giờ?

Im lặng. Cả hai người không biết nên nói với nhau điều gì, bây giờ. Không khí rất khó chịu. Cuối cùng, ba chậm rãi nói:

- Thôi! Cái đó tùy nơi thầy. Thầy đã trưởng thành, ra ngoài đời thầy cũng có vai vế với người ta. Tui không dám nói nhiều…

Ba tôi biết rằng tôi cố ý nói qua loa cho xong chuyện, vả lại nể nang chiếc áo của tam bảo mà tôi đang khoác lên người, nên ông ba tự chấm dứt vấn đề ngay tại đây.

Hú vía! Tôi lạnh người, nốc liên tiếp mấy ly nước trà mà cảm thấy trà hôm nay sao mà đắng nghét.

Rứa là, thay vì ở thăm lâu như dự tính, tôi vội vã quay trở lại Sài Gòn, mặc dù vào sớm để làm gì?

Ba ngày sau, tôi vào Sài Gòn bằng máy bay. Mạ tôi chưng hửng: Thầy đã hứa là chuyến ni ở lại lâu để cùng mạ về quê thăm mộ Ôn Mệ Ngoại răng chừ vô Sài Gòn sớm để mần chi?

Đầu óc tôi cứ suy nghĩ loanh quanh, lẩn quẩn một câu hỏi cho chính mình: Đi cúng hay không đi?

Đi cúng thì phủ phê, no đủ suốt đời, lại còn dư dả thừa sức giúp đỡ gia đình. Còn không đi cúng thì tiền bạc đâu, mình quen thói tiêu xài rộng rãi, mua sắm đồ dùng đủ thứ bất kể? Biết hỏi ai bây giờ? Ai có đủ khả năng để giải quyết vấn đề khó khăn này?

Tôi nhớ có lần, cách đây hai ba năm, thượng tọa Ch. M. ghé thăm gặp lúc  hòa thượng và các thầy đều bận duyên sự cúng kỵ, tôi phải ra hầu trà. Thượng tọa thân mật hỏi:

- Con mấy tuổi rồi? Công phu theo pháp nào và có nghiên cứu gì không?

Tôi run run trả lời:

- Dạ. Con năm nay gần ba mươi. Bận đi cúng, chẩn tế bạt độ liên miên nên chẳng có công phu gì. Học hành ít nên chẳng thể nghiên cứu đề tài này nọ.

- Chà,  còn quá trẻ mà đã bước chân vô cái nghề đi cúng này thiệt uống phí! Thôi! Giảm đi cúng và lựa chọn pháp môncông phu tinh tấn mới mong đặt chân tới bờ giải thoát. Nếu cứ tiếp tục đi cúng như thế này sẽ có ngày đọa lạc, ân hận cũng không kịp…

Tôi hơi bực mình, gân cổ nói:

- Con mà không đi cúng thì lấy ai nuôi con?

Thượng tọa không những không giận, trái lại cười lớn tiếng:

- À, cái ông thầy trẻ này. Ai nuôi chúng ta ư? Tam bảo nuôi chứ ai? Chúng sanh nuôi chúng ta chứ ai? Đây không phải là tư tưởng của con, mà của một số người non nớt, cạn cợt, không có đôi  mắt để nhìn thấy. Mù loà. Vô cảm. Còn mặc áo ăn cơm của Tam Bảo mà đã làm những kẻ phản bội Tam Bảo.

Thôi, tôi xin kiếu. Có dịp đi qua đây, luôn tiện ghé thăm hoà thượng, nhưng ngài đi vắng. Con về thưa lại là có Chơn M. ở thiền viện Q. đến thăm.

Chuyện về thượng tọa Chơn M. là như vậy. Muốn bỏ nghề đi cúng, có lẽ tôi phải hỏi ý kiến ngài.

Hay là, mình phóng xe lên Phú Nhuận kiếm thượng toạ Chơn. M. thử xem sao?

 

5.- Chỉ một lối về!

Khi gặp thượng tọa Ch. M., tôi không ngờ là mình đã bật khóc.

Cửa phòng mở, thượng tọa xuất hiện tức thì tôi gieo năm vóc xuống sát đât sụp lạy cả thân hình, bỗng dưng tôi òa khóc. Khóc ngất. Khóc nức nở. Thượng tọa cúi xuống đỡ dậy, cười:

- Ồ, ta hiểu cả rồi! Vào đây chúng ta nói chuyện nghe!

Hơn hai năm qua, ta đã chờ đợi con. Nghĩ rằng, con sẽ tới, sẽ tới. Và đến hôm nay, con đã đến thiệt tình.

Từ ngày xuất gia, con đã học những gì?

- Ngoài học thuộc lòng hai thời công phu tại chùa ở Bà Rịa, con chưa được học gì cả. Rồi từ khi gia nhập làng đi cúng đến nay, con chỉ học tán tụng để kiếm tiền, thì giờ đâu mà học hỏi kinh luận, giáo lý đủ loại… vân vân…

Thượng tọa lắc đầu:

- Bậy quá! Thôi, chúng ta làm lại từ đầu. Trước khi tìm kiếm một pháp môn tu hành, con phải học giáo lý từ A, B,C. Rồi sau đó tính sau. Ta sẽ hướng dẫn cho con… Trước hết, phải học thật kỹ bộ Phật học phổ thông của ngài Thích Thiện Hoa, rồi đọc cuốn Đức PhậtPhật pháp của ngài Narada… vân vân…

Muốn cắt đứt cái nghề đi cúng, con phải thực sự yêu mến Đức Phậtđạo Phật, rồi con phải lập chí vững vàng, sao cho lý tưởng hoằng pháp lợi sanh trở nên một cái gì thật sự khao khát, thích thú hơn – mới chống đỡ cái đam mê tiền bạc chỉ chực trổi dậy trong bản thân con.

Sau khi học giáo lý căn bản xong, ta sẽ hướng dẫn con nghiên cứulựa chọn pháp môn hành trì. Vội vàng chi, có đi rồi sẽ tới! Thôi, con về đi, khoảng tháng sau chúng ta sẽ gặp lại.

Tôi mừng vui ra về. Thế là mình từ nay đã có chỗ dựa vững chắc. Tôi ghé các tiệm sách Phật giáo hỏi mua những sách mà thượng toạ M. căn dặn và mua thêm các cuốn dành cho kẻ sơ cơ, mang về chùa đọc ngấu nghiến. Tôi không ngờ đạo Phật tuyệt vời và cao thâm dường ấy. Té ra, lâu ni mình ở trong kho báu vĩ đại đầy rẫy những viên ngọc ma-ni mà không hề biết. May nhờ thượng toạ M. khai thị và dẫn dắt tôi trở về bảo sở.

Trong lúc xúc động và dâng trào niềm tri ân đối với tam bảo, tôi phát lời thệ nguyện:

Đệ tử hôm nay đối trước mười phương Chư Phật, Chư Tôn Pháp, Chư Hiền Thánh Tăng, xin đem tâm đại từ bichứng giám:

Đệ tử nguyện từ nay cho đến cùng tận biên cương của thời gian vị lai, quyết định hoằng dương Phật pháp, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.

Đệ tử nguyện xả bỏ thân mạng, tài sản và cả danh dự của mình để chấn hưng Phật pháp, làm cho ngọn đèn chánh pháp càng ngày càng tỏ rạng, không để lu mờ, khiến chúng sanh hưởng dụng pháp lạc mãi mãi khôn cùng.

Như thế, tôi đã lập đi lập lại lời nguyện ấy hàng vạn hàng triệu lần vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Có rất nhiều lần tôi đọc lên lời nguyện ấy mà tâm can rúng động đến nỗi nước mắt tràn ra đầy mặt, đột nhiên tôi cảm thấy Tam Bảo gần gũi với mình hơn lúc nào hết.

 

6.- Thử thách cam go

Thời gian này, lúc đang say sưa đắm mình trong Phật pháp, thì một biến cố quan trọng xảy ra: Hòa thượng qua đời. 

Ngài đã cao tuổi và lâm bệnh đã mấy năm, nên tôi không bàng hoàng cho lắm. Nhưng, ngài đã ra tay cứu vớt tôi từ một đứa bé bị bỏ rơi, rồi đem vào chùa nuôi nấng cho xuất gia và cả thọ giới tỳ-kheo, mặc dù ngài đã dạy tôi làm ông thầy cúng ăn tiền, nhưng tôi vẫn mang ơn, cảm kích vô cùng. Giả thử hồi đó, ngài đem vào chùa rồi dạy tôi làm một vị tỳ-kheo chân chính, lấy lý tưởng hoằng pháp lợi sanhcứu cánh, thì hay biết mấy, tôi sẽ tri ân hàng triệu triệu kiếp. Nhưng, điều đó đã không xảy ra, bây giờ tôi đã học và hiểu sâu Phật pháp, tôi sẽ nói: Tất cả đều do duyên nghiệp, không nên ân hận làm gì.

Sau khi hòa thượng qua đời, lại một biến cố xảy ra nữa, khiến tôi trở thành kẻ không nhà, ủa quên, không chùa. Hòa thượng xưa nay vốn là chỗ dựa chắc chắn của tôi, dĩ nhiên các vị đệ tử cũ của ngài không bao giờ tỏ racảm tình chi lắm. Hiện tại ngài không còn nữa thì họ trở mặt. Căm ghét. Khi này tương đối giáo lý cơ bản đã học hỏi tạm khá, và tôi tính chuyện từ giã chùa này một cách êm thắm. Và quan trọng nhất, cần thiết nhất, lần ra đi này là dịp để mình đoạn tuyệt cái nghề đi cúng ăn tiền này. Phải có cơ hội mới từ bỏ được một thói quen đã từng gắn bó trong bao lâu, nhất là thói quen ấy lại sinh ra… đồng tiền.

Thật là nhân duyên rất kỳ lạ, dường như tam bảo cố ý sắp đặt để an bài cho đứa con đang muốn quay đầu trở về với các ngài. Cuộc sống không có gì là ngẫu nhiên. Tôi gặp thượng tọa Quảng Dung, mời về thăm chùa của ngài ở Khánh Hội, tôi nói là chỉ ở chơi vài bữa, ai ngờ tạm trú hơn hai ba năm. Trong mấy năm ấy, tôi đeo theo ngài để học Duy Thức, một môn căn bản của hầu hết giáo lý Phật giáo. Ngoài ra, tôi còn học thêm kinh Lăng NghiêmPháp Hoa nữa. Ngoài hai buổi công phu tâm huyết ra, thấy tôi say mê học hỏi và đọc sách không biết mệt mỏi, khiến ngài Quảng Dung tỏ ra vô cùng hạnh phúc đến nỗi ngài tuyên bố sẵn sàng nuôi nấng trọn đờiđiều kiện. Tôi mềm lòng nhưng tôi trả lời rằng: Con xin cảm tạ ngài cả ngàn vạn lần, nhưng con vốn có chí hướng của mình.

Đáng lẽ tôi chưa vội rời xa thượng tọa Quảng Dung, nhưng tôi phải đi vì lý do “các tu sĩ không được tạm trú lâu dài trong các chùa”, vì tình hình dân chúng lộn xộn nên nhà nước siết chặt vấn đề đăng ký hộ khẩu.

Tôi qua chùa K. ở Gò Vấp tạm trú, lại được dịp gần gũi thượng tọa Ch. M. ở Phú Nhuận, để học hỏilựa chọn pháp môn.

 

7.- Pháp môn nào cũng đưa đến Phật quả.

Thượng tọa M. nói:

- Pháp môn nào cũng đưa đến Phật quả vấn đềchúng ta phải dụng công gắt gaohành trì nghiêm túc. Các pháp môn tuy bề ngoài có vẻ nhiều sai biệt, hoặc chống trái nhau, nhưng đều đặt trên nền tảng GIỚI, ĐỊNH, TUỆ nên đều giúp chúng ta thành tựu con đường của mình!

Sao? Con định lựa chọn pháp môn nào? Thiền hay Tịnh độ?

- Hình như sáu chữ Nam mô A di đà Phật luôn ẩn hiện trong tiềm thức, cho nên căn cơ con chỉ phù hợp với Tịnh độ. Lại nữa, mỗi lần tụng niệm hồng danh A DI ĐÀ, tâm hồn con tràn trề xúc cảm và lòng tri ân trào dâng ngút ngàn. Con quyết định rồi, Tịnh độ.

          - Thế là được. Con sẽ thực hiện công phu và hoằng đạo bằng pháp môn Tịnh độ, trước hết con hãy tìm kiếm toàn bộ các sách kinh do ngài Thích Thiền Tâm dịch và biên soạn. Cần phải nghiên cứu thêm các tài liệu của ngài Pháp Nhiên, Thân Loan để nhìn nhận sự phát kiến lớn lao của người Nhật về sáu chữ Nam mô A di đà Phật. Chừng đó thôi, nhưng con phải hành trì thật sự và chắc chắn - thì cũng đủ độ sanh rồi.

          …

Tôi còn gặp nhiều thử thách khá gay cấn khi đoạn tuyệt nghề đi cúng ăn tiền này. Nhưng, bên cạnh lúc nào tam bảo cũng sẵn sàng xuất hiện, luôn vực tôi đứng dậy, chìa bàn tay đưa tôi về đường ngay nẻo chính, với tâm thái bao dung vô hạn.

Ở gần thượng tọa Ch. M. như vậy đã khá lâu, tôi đã hơn bốn mươi tuổi, quyết định trở về Huế với mục tiêu hoằng pháp lợi sanh. Nhất là, ba tôi sẽ thấy con của mình đã trở thành một kẻ khác, một con người của Phật Pháp, vững chãi và ngay thẳng như cây thông ngạo nghễ giữa đất trời.

Tôi sẽ xin trú ngụ trong một ngôi chùa quê nào đó xa thành phố để thành lập đạo tràng, khuyên bảo mọi người niệm Phật. Xứ Huế thường tự hào là cái nôi của đạo Phật, đó là nói đến dân thành phố hay đến chùa cúng dườnghọc đạo – còn dân các vùng xa vùng cao thì ánh sáng Phật pháp vẫn còn ở ngoài tầm tay với, nhiều người còn dửng dưng xa lạ với âm thanh sáu chữ Nam mô A di đà Phật.

Tôi sẽ trở về. Vâng. Nhưng với một con người mới hoàn toàn: Tôi đã trở thành một vị tỳ-kheo chỉ chuyên hoằng pháp thực sự, và đã đoạn tuyệt cái nghề đi cúng ăn tiền đáng tủi hổ cho một kiếp người!

Cảm ơn Tam Bảo đã không bỏ rơi dù một con người, luôn luôn mở rộng vòng tay đại từ đại bi ra để cứu độ đứa con dù hư hỏng và đưa kẻ ngu si, lầm lạc, sớm quay về đại lộ quang minh bất khả tư nghị.

Cảm ơn Sài Gòn đã ban cho tôi lắm thử thách, lắm ê chề, lắm cam go…  để thành tựu chí nguyện của mình.    

Cảm ơn các Bậc Thầy đã cứu vớt, và đã dạy dỗ tôi biết đâu là kho báu Phật Pháp và đâu là gạch ngói bể vụn cần phải quẳng gấp - nhất là biết chọn con đường trở về Như Thật Đạo bừng sáng muôn đời.

Cảm ơn những người hiền hòa đậm chất nam bộ đã cưu mang và giúp đỡ từng bữa ăn, lời nói ngọt dịu mà kiếp này tôi chưa đáp trả được.

Cảm ơncảm ơn. Cuối cùng tôi xin ngỏ lời cảm ơn Tất Cả!

Nam mô A di đà Phật…

 

Tạo bài viết
18/09/2016(Xem: 12783)
14/08/2017(Xem: 7794)
25/09/2016(Xem: 11256)
24/10/2020(Xem: 5914)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.