Trang kinh còn đọng mùi lá bối

25/10/20174:00 SA(Xem: 5167)
Trang kinh còn đọng mùi lá bối
TRANG KINH CÒN ĐỌNG MÙI LÁ BỐI
Nguyễn Xuân Chiến
 
I.- BÀN TAY NGAN NGÁT TRẦM HƯƠNG

Chia tay cô Bưởi tôi vụt đạp xe hối hả về nhà. Con đường Bạch Đằng dường như dài xa hơn, đạp hoài đạp hủy vẫn không hết.

Hăm ba tết, trời khá lạnh nhưng tạnh ráo, mới sáu giờ rưỡi mà sắp tối thui. Tôi chán nản, chẳng muốn về đâu cả. Chiếc xe đạp hình như nổi chướng hay sao mà cứ luống cuống chạy vòng vèo như say rượu. Bỗng nghe “rắc rắc” mấy tiếng, chiếc xe loạng choạng rồi dừng hẳn.

Xe đứt xích, người Huế gọi là đứt sên. Không thể đạp được đành lượm sợi sên lên, vắt sau xe. Tôi lết bộ, nặng nhọc cất từng bước. Gió từ bờ sông thổi lên lạnh ngắt lạnh ngơ. Bỗng dưng, bên lề đường gần cầu Gia Hội, có tiếng ai nghe quen quen:

- Thằng Long kia kìa, bây ơi! Rủ hắn vô đây uống mấy ve cho đỡ buồn.

- Ê, thằng Long chết tiệt, vào ngâm thơ cho bọn tau uống thêm vài xị nữa. Rượu ngon không có bạn hiền…

Tôi nhìn qua, một bọn con trai học cùng lớp, người Quảng Bình, Hà Tĩnh, quậy nhất lớp, đang bày trò “xị xô” trên lề đường Bạch Đằng. Định đi thẳng vì tôi không quen uống rượu bao giờ, nhưng mần răng đi nổi, cả bọn ùa ra kéo tôi vào nhập bọn. Chà, thằng Thuận, thằng Tuân, Dung, Kết… dân ngoại tỉnh mà tết không tiền về quê sum họp nên rủ nhau nhậu tới bến để quên buồn nhớ gia đình.

Tôi buộc ngồi vào ghế. Cả bọn nhao nhao:

- Thằng Long chơi một xị nhá?

          Tôi ủ rũ:

          - Ừ. Tao đang thất tình đây. Uống thì uống. Dô, dô!

Tôi liều mình nốc liền mấy cốc. Sợ chi? Rượu vào, cả người rần rần như nổi ghẻ, như phiêu hốt mấy từng. Nốc thêm mấy cốc nữa, thấy ngà ngà - một cảm giác hừng hực kỳ lạ xông lên khắp cơ thể không diễn tả được. Hèn chi người ta khoái nhậu là phải. Tôi hào hứng ngâm mấy câu thơ Huy Cận:

Tôi sẽ nói:

“Này đây là nước mắt,

Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan“

Sao mình rầu như ri? Giá mà có thằng Tân ở đây thì hai đứa rủ nhau đi cà phê để giải tỏa nỗi sầu “thiên cổ lụy”. Tôi ngâm tiếp:

“Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu

Những nàng tiên dần chết

Mơ mộng thuở xưa đâu”

Cô Bưởi đã chết? Không! Bưởi vẫn sống sờ sờ và tôi vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đâu dễ gì chết, nhưng cảnh nghèo đã ngăn trở hai người nối kết với nhau, làm đời mình bị “gan ruột lộn tùng phèo”. Những bài giáo lý luôn luôn đến rất chậm khiến mình thiếu tỉnh thức kịp. À, chỉ tại nhân duyên, tại cái nghiệp không phù hợp cho nên chúng mình phải xa nhau. Chắc kiếp trước mình có làm nhiều cặp tan đàn xẻ nghe, và kiếp này gặt lấy quả báo mỗi đứa một đường? Phải rồi. Mình sẽ phải sám hối thiệt nhiều, tụng kinh Pháp Hoa vài bộ, niệm Phật vài trăm ngàn biến mới mong thoát khỏi cái nghiệp “tình lụy” đang đeo cứng lấy mình.

Bỗng… Có một bàn tay ngát mùi trầm hương đặt lên vai mình, nhẹ nhàng không có khác chi đức Phật đặt lên vai của chàng Da-Xá ngày xưa,

Ngày xưa, lâu mà chẳng lâu lắc gì, chuyện như mới xảy ra gần đây thôi. Hôm đó. trên đại lộ cuộc đời thênh thang, có một chàng thanh niên con nhà cự phú tương tự như đại gia bây giờ. Chàng tên là Da Xá, vừa trải qua hàng trăm ngàn đêm trác táng, vừa đi vừa than khóc thật lớn, thật chí thành bi tráng và lặp đi lặp lại hàng vạn lần câu nói thở than thống thiết:

"Thống khổ thay cho con, đọa đày thay cho con!"

Chàng tiếp tục than khóc như vậy, không bao lâu, tại một ngã tư đường nào đó, bỗng dưng xuất hiện đức Phật Thích Ca bằng xương bằng thịt thực sự, đúng như kinh điển từng mô tả. Một đức Phật đủ ba mươi hai tướng hảo và tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói lọi cả ba ngàn đại thiên thế giới. Ngài mỉm cười, ôi nụ cười chan chứa lòng thương bao la, mà gần gũi. Ngài nhè nhẹ vỗ lên vai trầy trụa bao vết thương lớn nhỏ vì những trò chơi dục lạc vặt vãnh, thấp hèn. Và Ngài nói:

"Hãy đến đây với Ta.

Nơi Ta không có thống khổ. Nơi ta không có đọa đày. Hãy đến cùng Ta, hỡi chàng trai trẻ kia!".

Một bàn tay. Đúng thật, một bàn tay của… Chú Quang.

Tôi ngỡ ngàng. Chết lặng. Đứng tim. Tắt thở.

Răng mà Chú Quang đến đây được? Té ra, sau lưng Chú Quang là thằng bạn “quân sư quạt mo” của đời tôi.

Chú Quang vẫn mặc bộ áo dài màu lam cũ kỹ, vẫn đội chiếc mũ cối rộng vành che hẳn đầu trọc cố hữu. Khuôn mặt sáng choang, thơm tho giữa khung trời ủ dột, tối tăm bên hông cầu Gia Hội một chiều đông.

Đưa tay ra định cầm lấy bàn tay mềm mại của Chú Quang bỗng nhiên đôi chân khuỵu xuống, tôi chắp tay, run run quỳ lên nền đất:

- Con lạy Chú. Xin Chú tha lỗi cho con, từ rày con không uống rượu nữa!

Cả bọn khách xị xô bèn lầm thầm:

- Ông Thầy mô rứa? Thằng Long đi tu hồi mô rứa?

Chú Quang vẫn hiền hòa như khi đứng trước đạo tràng, ôn tồn, đưa tay đỡ:

- Không có chuyện chi mô! Cậu Long đứng dậy đi!

Rồi quay sang các anh em trong bàn nhậu:

-  Chào các cậu! Cứ tự nhiên ngồi chơi!

II.- MÓN QUÀ MỌN – NGỌT TÌNH NGưỜI!

Vội vã theo Tân cùng Chú Quang ra khỏi bàn tiệc bất đắc dĩ, tôi choáng ngợp ngồi lên sau xe thằng Tân, để Tân vừa đèo bạn vừa kéo chiếc xe bị hỏng về nhà.

Chú Quang nói:

- Tôi đi tìm các cậu để thông báo rằng: Hồi chiều ni, các bác các chị ở chợ Đông Ba đem lên chùa một số gạo và các phẩm vật khác dành cứu trợ những người khó khăn. Tôi định ngày mai chúng ta cùng đi phát quà cho một số người cực kỳ nghèo mà thôi. Chứ chừng ấy gạo thì cứu trợ không ăn nhằm chi. Đang đạp xe ngang phố Trần Hưng Đạo thì gặp cậu Tân, rồi vừa qua cầu Gia Hội lại trông thấy cậu Long đang ngồi chóc ngóc, với nhiều người bạn. Gần tết rồi mà, vui chơi một chút cũng chẳng sao. Tôi phải lo chuẩn bị mọi thứ. Hai cậu về nhà, mai chúng ta sẽ gặp nhau tại chùa Phú Lâu.

Chú Quang vui vẻ từ giã. Tôi ngồi sau xe thằng Long mà không biết phải ăn nói với mạ ra răng đây?

Trời bỗng đổ mưa phùn. Mưa phơn phớt trên các dãy hàng hoa của khu chợ tết bài trí tại Phú Văn Lâu. Những người thanh niên, thiếu nữ đang mặc áo quần đẹp rảo quanh rừng hoa đủ loại. Người nghèo không có tết. Như Bưởi, thằng Tân và tôi. Hạnh phúc là cái gì ngoài tầm tay. Ờ, ờ, không biết Bưởi sắm tết cho mấy đứa em chưa?

Gần đến nhà, tôi ghé sửa xe quen, mua chịu một sợi dây sên mới keng, để mai chiến đấu với đoạn đường gồ ghề lởm chởm trên khu kinh tế mới Bình Điền. Nghe tôi đã tới nhà, mạ lật đật chạy ra:

- Thằng Long về rồi à? Ăn cơm chưa?

Trong lòng tôi, ai buông từng giọt nước mắt…

* * *

Sáng hôm sau, tại chùa Phú Lâu.

Khi các anh em đã cột chằng, bới xách xong xuôi, Chú Quang hô lớn:

- A di đà Phật, chúng ta đi kẻo trễ!

Mười thanh niên với Chú Quang ra khỏi chùa, lũ lượt lên đường. Qua ngả đàn Nam Giao, rồi lên ngã ba Cư Chánh, thẳng đến Bình Điền. Tại đây chúng tôi phải dừng lại để đợi phà. Những người bạn trẻ này tôi thường xuyên gặp tại đạo tràng Pháp Hoa nên quen nhau rồi, không cần giới thiệu dông dài. Các nhân viên bến phà biết chúng tôi đi cứu trợ Bình Điền, nên họ không lấy tiền vé qua sông.

Hết bến phà, là một con đường đất đỏ lớm chởm đá và bùn đỏ bùn vàng, những cái dốc gần như thẳng đứng kề những vực sâu những khúc quành rợn người. Có lúc phải dắt bộ. Có lúc phải nghỉ mệt và để thở rốc. Ai nấy dựng xe bên đường, lấy vạt áo lau mồ hôi, và niệm Phật!

Thằng Tân lau chau hỏi:

- Thưa Chú, trưa ni bọn mình ăn cơm ở đâu? Chưa tới đích mà con đã đói bụng rồi nè!

Chú Quang lau mồ hôi, vừa cười nhẹ:

- Bọn mình là con Ông Phật, làm việc cho Ông Phật, thì sẽ có tam bảo lo trọn đời, huống hồ một bữa cơm! Cậu Tân đừng lo chi hết kẻo… tàn phai nhan sắc! Khà khà…

Cả bọn đồng thanh cười sảng khoái.

Đạp xe khỏi mười cây số nữa, đường khá tốt nhưng khúc khuỷu, bỗng nhiên một nhóm người, gồm các bác dang tay chận chúng tôi lại:

- A di đà Phật, tới nơi rồi. Mời các anh em nghỉ uống nước!

Đây, xã Bình Điền, tôi nhìn quanh: bốn phía đều núi rừng trùng điệp, đó đây rải rác vài cái nhà. Chỉ có các tiệm nhậu là mọc lên nhan nhản, địa phương nào cũng đầy rẫy các hàng quán chuyên bán rượu và đồ mồi.

Theo lời chỉ dẫn của các đạo hữu địa phương, chúng tôi theo chân các bác để đến những nhà gia đình “nghèo sát đất, khổ cùng tận” nhất để tặng quà nhân dịp tết. Những món quà eo sèo nhất thế giới, nhưng chứa đựng lòng tri ân và tình yêu cao đẹp của Con Người. Gồm có mỗi gia đình 5 ký-lô gạo, một gói mì chính, một gói bột giặt.

Bây giờ tôi mới biết nghèo thực sự nghĩa là gì. Nhà thì toang hoác, mái tranh rách tả tơi, cửa sổ cửa lớn không có. Thế thì mần răng mà họ ở được, nhưng phải ráng bám chứ đi đâu chừ? So sánh với nhà cô Bưởi thì sẽ thấy té ra cô Bưởi còn giàu có quá. Cô Bưởi còn có một thứ quý giá nhất: đó là Đức Tin muôn đời vào Tam Bảo, mà có thể cô Bưởi và gia đình chưa tự biết!

Thế nhưng, ngoài cái nghèo thiếu về vật chất, nhà nào ở đây cũng có người bệnh tật, nằm co ro bên đống rơm, hoặc cái mền rách, uống nước vối đợi chờ bình phục. Chú Quang không biết kiếm thuốc tây ở đâu, đem trao tặng với lời dặn dò thương cảm:

- Chỉ có 3 loại thôi. Có ghi “đau bụng” hoặc “đi chảy” hay “nhức đầu, cảm sốt”. Còn đây là Thuốc Đỏ, bông gòn, băng. Tui xin được một số ít, các cô bác chia nhau mà dùng.

Đến hai giờ chiều, công việc mới tạm xong. Các bác người địa phương mời chúng tôi dùng cơm chay độn sắn mà người Nam gọi là độn củ mì. Bụng sẵn đói meo, chúng tôi ăn rất ngon. Chú Quang nói:

- Ăn cơm xong, các cậu đi với tôi cùng qua thăm xóm đạo một chút.

Cách đây một tuần, tôi có đi cứu trợ tại vùng này. Khi công việc trao quà đã xong, đến thăm một cái xóm nhỏ, thấy nhiều nhà tồi tàn, không có bàn thờ chi cả. Chú Quang hỏi:

- Xin lỗi, gia đình mình theo đạo nào thế?

 Họ trả lời:

- Chúng tôi là người theo đạo Thiên Chúa.

Chú Quang ngạc nhiên:

- Sao không thờ tượng Chúa chi cả?

- Tụi tui nghèo quá, không sắm nổi cái bàn thờ! Lại chẳng kiếm đâu ra ảnh tượng Chúa!

Chú Quang nói:

- Được rồi. Tuần sau tôi sẽ mang ảnh tượng Chúa lên cho các bác!

Và Chú Quang đã đi xin ở các gia đình Thiên Chúa một số ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ. Hôm nay, sau khi dùng cơm, Chú Quang cùng chúng tôi đã đi từng nhà ở xóm đạo Thiên Chúa và giao cho từng nhà.

Vô cùng mừng rỡ, họ nói với Chú Quang với thái độ cung kính:

- Đội ơn Cha!

- Lạy Cha, xin đội ơn Cha!

Chú Quang thản nhiên chắp tay:

- A di đà Phật! Cảm ơn các bác, các anh em!

Bầy trẻ dường như khám phá ra một điều bí mật gì, xúm xít kề sát nhau, lên tiếng:

- Ông Thầy ni là người lương, không phải đức Cha của mình mô!

Bọn người lớn cuối cùng bật ngửa:

- Té ra ông thầy ni là người bên Phật!

Bọn tôi vui thầm, nhìn Chú Quang vẫn tỉnh bơ. Ra ngoài đường lộ, chú trang trọng nói với chúng tôi:

- Các cậu còn nhớ không? Phẩm Phổ Hiền dạy rằng:

Tôn trọngthừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọngthừa sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể. Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bị, nhơn lòng đại biphát tâm Bồ Đề, nhơn nơi tâm Bồ Đề mà thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Chúng ta vì tình người mà làm cho mọi người vui mừng, nhưng đã vô tình phù hợp với tâm đại bi của đức Phật. Rứa mới hay, đạo Phật còn gọi là đạo của tình thương yêu vô phân biệt…

* * *

III. - “ĐứC PHẬT VÀ NGưỜI ĐỆ Tử SAY RƯỢU”

Chuyến về thì khỏe khoắn hơn vì bao nhiêu “hành lý” đã được thanh toán hết. Nhưng đến bến phà thì bị kẹt, người ta đang sửa chữa máy móc mới chạy được. Bên cạnh bến phà, tôi thấy loáng thoáng vài ba quán rượu lớn nhỏ. Khi cái nghèo, cái khổ còn tồn tại – và có một cách giải quyết các bế tắc đời sống người ta tìm đến các chất say, chất mê để… quên! Nhưng, rồi có quên được không? Hay là gây thêm một thói quên để tạo ra những bi kịch thê thảm cho chính mình và vả người xung quanh?

Trong lúc đợi phà, Chú Quang kể cho chúng tôi nghe truyện cổ “Đức Phật và đệ tử say rượu”, như sau:

Một hôm ngài A-nan đi khất thực một mình, vì đức Thế tôn bận đi trai tănggia chủ chỉ mời riêng đức Phật mà  thôi.

Sau khi khất thực, ngài A-nan trở về tịnh xá, nửa đường gặp một thanh niên rất đẹp trai, khá lớn tuổi đi theo và nằng nặc đòi xuất gia. Không thể từ chối được, ngài đưa thanh niên này về tịnh xá và chờ đến trưa, đức Phật thọ thực trở về, và A-nan trình bày mọi sự. Đức Phật đồng ý cho thanh niên xuất gia dưới sự dẫn dắt của ngài A-nan. Tên của y là Kajurna, lớn hơn ngài A-nan bốn tuổi.

Kajurna không hài lòng, vì thấy ngài A-nan còn nhỏ tuổi hơn mình, “Hắn đẹp trai không bằng mình, lại nữa tu tậpkinh nghiệm bao nhiêu mà đòi dạy dỗ mình ư?”

Nhưng ý chỉ của đức Phật không thể xem thường, Kajurna bắt buộc phải phục tùng tất cả mệnh lệnh từ ngài A-nan mà lòng luôn luôn bất mãn, thậm chí y còn tỏ ra kiêu căng, ganh tỵ rằng “Y chỉ được cái đẹp trai nhưng không bằng mình đâu!”.

Không một ai có thể sống chung và hướng dẫn một người cao ngạo, lớn lối, xem trời bằng vung. Nhất là: Kajurna cũng đẹp trai, cho nên mỗi lần y đi theo Ngài A-nan để khất thực thì vô số thiếu nữ đôi mươi đều trầm trồ ngắm nghía Kajurna với vẻ mặt trìu mến, say mê.

Sau mấy năm nhẫn nhịn chịu đựng, mà người học trò này chẳng tiến bộ chút nào, ngài A-nan đến thưa với đức Phật và xin gởi lại đức Phật người đệ tử này. Trong khi đức Phật trầm ngâm chưa nói năng câu nào, thì Kajurna tỏ ra giận dữ, đòi trả y bát để hoàn tục.

Có lẽ đức Phật thấy thời cơ giáo hóa Kajurna chưa đến, nên Ngài im lặng, chấp nhận Kajurna cởi bỏ y bát, trở lại cuộc sống thế gian. Và giáo đoàn vẫn tiếp tục tu hành theo sự dạy dỗ của đức Phật.

Về phần Kajurna. Y xuất gia gần ba bốn năm nên khi trở về, cửa nhà đã đổi thay rất nhiều. Nhà cửa không còn bởi vì cha mẹ đã bán và đi phương xa làm ăn. Không có nhà, y bèn tá túc bên hiên kẻ láng giềng. Vài cô gái thấy tình cảnh tội nghiệp của một ông sư vừa hoàn tục (mà lại khá đẹp trai) nên đã đem thức ăn đến tặng.

Không lâu, Kajurna nghĩ rằng, mình chẳng còn là tu sỹ, lại đang ở vào độ tuổi sung sức, thế thì tại sao không đi làm ăn nuôi thân? Y bèn đi xin việc. Cuối cùng, xin không được việc làm vừa ý, Kajurna đành chấp nhận đi bốc vác thuê cho những người buôn bán ở chợ. Kiếm tiền chẳng bao nhiêu nhưng cũng qua ngày.

Bây giờ những thiếu nữ danh gia vọng tộc đều tránh xa Kajurna bởi vì chàng đã xuống cấp, không còn phong lưu như trước, Kajurna chỉ còn sống với những người lang thang, vô gia cư bên hè đường xó chợ. Đời sống kham khổ nên Kajurna trở nên tàn phai nhan sắc đến nỗi khuôn mặt đẹp trai ngày nào trở thành một người râu ria loàm xoàm, lụ khụ như ông lão đã qua tuổi sáu mươi!

Khi ấy, có cô gái lang bang nhưng dở hơi, đam mê rượu chè, tên là Asila, đã có 5 đứa con với nhiều người đàn ông khác nhau, lý lịch bất thiện, mọi người đều xa lánh – bỗng tỏ lòng yêu mến Kajurna. Và Kajurna không hiểu sao lại đem lòng say mê cô ta không cưỡng lại được.

Hai người che mái lá bên lề đường và sống chung với nhau.

Kajurna bây giờ tồi tàn, rách rưới như kẻ hành khất. Miếng ăn khi có khi không. Mùa đông thì lạnh giá chịu không nổi, thực phẩm kiếm được đành phải chia sớt phần nhiều hơn cho nàng Asila và bầy con của nàng. Phiền não quá chừng, hận đời đã lắm, Kajurna đành đi theo bọn du đãng uống rượu giải mối sầu thiên cổ lụy! Lâu ngày quen thói, Kajurna trở thành một tên bợm rượu, không có rượu là không chịu nổi. Thế là, ngoài việc bốc vác ở chợ, Kajurna cắm đầu cắm cổ vào chai rượu và bọn đàng điếm ấy, làm niềm vui duy nhất cho chính mình! Làm được bao nhiêu tiền, Kajurna đưa cho nàng Asila hai phần, còn dư mua rượu uống..

Rượu làm người ta mất trí tuệ vốn có, không làm chủ bản thân, tiêu hoại ý chí – chưa kể rượu khiến người ta tan nát nhân cách con người. Kajurna cũng thế. Khi say, y đã nằm dài giữa đường lộ suốt đêm. Khóc lóc và gào rú inh tai khiến mọi người chán ngán.

Có lần, đang say y bỗng nhớ tới ngày xưa vinh hoa và bề thế. Y bỗng giận kẻ đã đưa mình tới chốn dơ bẩn này.

Ai? Ai làm đời ta khốn khổ dến thế này? A-nan! Phải đi tìm hắn để nhai xương uống máu hắn ta cho hả cơn hận này!

Và Kajurna kéo một đoàn lâu la đi đến tinh xá Kỳ Viên và la hét làm ầm ĩ khắp một vùng. Tinh xá vẫn im lìm trong cơn thiền định của các đệ tử đức Phật. Không một ai trả lời. Bọn Kajurna vẫn tiếp tục làm dữ, ném gạch đá vào bên trong. Vẫn không một ai trả lời chi cả.

Cuối cùng ngài A-nan chầm chậm bước ra. Như ngọn núi Hymalaya đang di động giữa khung trời khuya khoắt.

Đến gần Kajurna, ngài A-nan nói:

- Chư huynh đệ cần gì trong đêm hôm như thế này?

Kajurna và đồng bọn thấy vẻ ôn hòatrang nghiêm của ngài A-nan, tự nhiên bỗng sợ hãi, nhẹ nhàng, lặng lẽ dạt ra xa và… cuối cùng tẩu tán hết thảy!

Chẳng bao lâu, việc phải xảy ra:

Hôm ấy, để có tiền mua rượu cho cả bọn uống, Kajurna đi theo bọn du đãng để ăn trộm một số hàng hóa ở chợ, bị người ta phục kích, bọn du đãng chạy tán loạn, cuối cùng một số bị bắt, đánh đập tàn nhẫn.

Kajurna bị ném đá và bị quẳng xuống triền núi gần đó. Nàng Asila bị đồng bọn xô xuống vực  không có tung tích.

Tỉnh dậy, thấy mình bị thương khắp mình, Kajurna vừa sờ từng vết cắt trên cơ thể, vừa tủi thương thân, tự trách mình và oán hận số mệnh. Tuyệt vọng, Kajurna quyết định nhảy xuống vực thẳm. Và Kajurna nhảy thật, y lao đầu xuống!

Bỗng Kajurna thấy mình bồng bềnh giữa không trung, chới với giữa sườn núi. Hình như một cánh tay vĩ đại đang vươn ra và đưa Kajurna lên khỏi miệng vực. Y mở mắt: Đức Phật Thích Ca đang nhìn Kajurna với lòng thương vô bờ:

- Con đã trả giá cho lòng kiêu căng, hợm hĩnh như vậy đã đủ chưa?

Kajurna cúi đầu hổ thẹn:

- Xin đức Thế Tôn thương xót! Cho phép con trở về tu học dưới sự hướng dẫn của ngài A-nan và ánh sáng quang minh vô lượng của đức Thế Tôn!

Chuyện sau đó xảy ra như thế nào thì chúng ta dễ dàng đoán được. Chàng trai Kajurna vì “ngã chấp” nên tỏ ra kiêu căng, ganh tỵ với bậc thầy hướng dẫn cho mình, đến nỗi gây ra nhiều thảm họa cho bản thân. Cuộc sống xuống cấp, Kajurna lại đèo bòng thêm rượu, làm tâm hồn hư hỏng thêm, nhân cách tàn hoại hơn nữa đến nỗi khó lòng chạy chữa.

Nhưng, cơ duyên còn thâm hậu và phước báo còn thừa, nên nhận được sự cứu độ của đức Phật.

Còn chúng ta?

Nếu chúng ta buông lung theo thói hư tật xấu của thế gian thì một khi đã trở thành tập khí rồi thì khó bỏ. Các cậu còn trẻ, cái tuổi đáng trân trọngquý báu biết bao! Hãy gìn giữ tuổi trẻ của mình, chớ có phung phí bằng cách tránh xa rượu, thứ thuốc độc trá hình! Nam mô A di đà Phật…

Thằng bạn Tân tò mò hỏi:

- Thưa chú! Ông đệ tử say sưa ấy thật phước lớn vô cùng. Được sanh vào thời đức Phật tại thế. Được gặp ngài A-nan hướng dẫn đường tu. Được khoác áo Tỳ-kheo. Vậy mà không chịu tu hành chi cả. Như rứa, vẫn được đức Phật tha thứchấp nhận. Nhưng, chuyện này Chú đọc ở đâu?

- À, lâu lắm rồi, đọc ở tạp chí Viên Âm, Từ Quang hoặc Liên Hoa, cũng quên mất rồi. Nhưng, ăn thua chi? Miễn rằng, chúng ta có học được bài học mô không?

IV. – ÔNG THẦY MÙ VÀ NGÔI CHÙA RÁCH.

Ngó ra ngoài bến sông, Chú Quang nói:

- A di đà Phật! Họ vừa sửa xong phà. Chúng ta về thôi. À này, các cậu đi về phía Cư Chánh gần và tiện hơn vì đường khá tốt. Còn tôi đi về phía Lăng Khải Định, dù đường đi rất xấu, để ghé thăm Ông Thầy Mù.

Bọn chúng tôi nhao nhao lên:

- Chú Quang đi mô thì bọn mình theo đó. Không! Chú cho phép tụi con cùng đi…

Chú Quang gật đầu:

- Rứa cũng tốt thôi!

Quả nhiên, đúng như lời Chú Quang nói, đoạn đường này rất xấu, nhiều khúc đường gồ ghề, hiểm trở với những lổ thủng lớn hình như hố bom còn sót lại. Cả toán người buộc phải vác xe đạp lên vai mới qua khỏi.

Rồi cũng tới nơi.

Một vùng hoang vu gần như mấy mươi năm nay chẳng ai viếng thăm. Cây cỏ đìu hiu. Không có dấu vết của sự sống. Đi sâu hơn thì thấy lác đác vài cái chòi hoang phế của những người ráng sức làm rẫy, cố công moi móc sự sống từ mảnh đất khô cằn này. Chúng tôi áo não cả gan ruột.

Ông Thầy Mù ở một mình trong cái chùa cô liêu ngang chừng triền núi, có tấm bảng nhỏ ghi là Chùa Kim Đài, nhưng ố mờ và bị lãng quên từ lâu. Thời buổi mà Niềm Tin phôi pha, chánh kiến đang bị áp chế tới mức cùng cực, con người chỉ quan tâm duy nhất đến miếng ăn, và chỉ mong “sống qua ngày”. Những cái thiêng liêng nhất đành bị bỏ xó huống hồ một ngôi chùa ở tận vùng hẻo lánh, cô tịch!

Khi chúng tôi đến thì ông đang nhóm bếp. Nghe một số  người lạ ghé thăm, ông mừng quá, vội vã dộng chuông lên. Tiếng chuông như vang vọng khắp bầu trời chập choạng tranh tối tranh sáng. Chú Quang ôm chầm lấy ông. Quần ống thấp ống cao. Áo rách vài chỗ có miếng vá. Dường như Chú Quang khóc, tôi thấy rõ những giọt nước mắt hạnh phúc đang lăn dài trên gò má rắn rỏi, nghiêm nghị khác nào đang bạch Phật trước điện đường, giờ phút thiêng liêng nhất.

- Các bác là những ai?

Chú Quang thưa, cặp mắt chưa ráo:

- Con là Lê Quý Quang đây!

Nam mô A di đà Phật! Có phải là Chú Quang ở chùa Phú Lâu, phải không?

- Vâng. Con ghé đây để cúng dường Tam Bảo và dâng Thầy một ít dầu hỏa và gạo, mong Thầy nhận cho. Để sống mạnh khỏegiữ gìn ánh sáng của Phật Pháp được tồn tại trên thế gian này.

Chú Quang vẫn còn rơm rớm nước mắt, dẫn bọn anh em chúng tôi vào chánh điện để lạy Phật.

A di đà Phật! Gọi là chánh điện, nhưng chỉ có bốn bức tường là còn khá nguyên vẹn. Mái bằng tôn lổ chổ, rách nát như tượng Phật ngồi giữa đống hoang tàn, chứng tỏ lâu rồi không ai tu sửa.

Cùng Chú Quang, chúng tôi lạy Phật như chưa từng thành tâm như thế. Lòng tôi cảm thấy mình gần gũi với chư Phật, chư Bồ-tát. Trong khi đức tin dâng lên ngút ngàn, Chú Quang lớn tiếng khấn nguyện như sau (và chúng tôi phát nguyện theo):

 “Đệ tử chúng con, xin đối trước mười phương Tam Bảo, thề nguyện rằng: Từ giờ phút này trở đi, đời đời kiếp kiếp, xin xả bỏ tánh mạng, tài sản và cả danh dự của mình để chấn hưng Phật Pháp. Quyết đem tất cả chúng sanh về với suối nguồn trí tuệ và tình yêu thương, làm cho ngọn đèn chánh pháp càng ngày càng tỏ rạng, quyết không để lu mờ…”

“Ngưỡng nguyện chư vị thiện thần, thiên long bát bộ và những người có mặt lẫn khuất mặt nơi đây, chứng minhhộ trì cho chúng con, để lời nguyện này sớm thành tựu, làm sao cho tất cả chúng sanh được hưởng mọi pháp lạc và ra khỏi biển sanh tử… “

Chúng tôi theo Chú Quang phát nguyện xong rồi, ai nấy đều xúc cảm không ngừng. Thằng Tân khóc ròng, còn tôi, những giọt nước nào đã chảy xuống lòng và tràn ngập cả không gian đến nỗi mình đã trở thành một con người khác.

Chúng tôi buộc phải ra về dù ai nấy đều thích nán lại dù chỉ vài phút mong manh. Chú Quang và cả bọn thanh niên đều quỳ lạy Ông Thầy Mù ấy như đảnh lễ bậc Thiện Tri Thức lớn lao của đời mình vậy. Ông Thầy Mù dường như biết được những gì đang xảy ra, chỉ run run xướng niệm Nam mô A di đà Phật liên tục, mà thôi!

 Dọc đường, Chú Quang cho chúng tôi biết: Lâu rồi, quý thượng tọacho phép ông thầy mù thọ giới Sa-di, để ông ta coi sóc chùa, giữ đại hồng chung còn nguyên vẹn, đánh chuông sớm tối. Thằng Tân bộp chộp hỏi:

- Tại sao người ta lại không cho ông thầy mù thọ giới Tỳ-kheo?

Chú Quang cười thú vị:

- Theo Luật Nghi của nhà Phật, thì những người “chư căn bất cụ”, tức là người thiếu giác quan thì không được thọ giới Tỳ-kheo.

Thằng Tân lại gân cổ phản đối:

- Làm như vậy có vẻ không bình đẳng?
- Tỳ-kheo xem như đại diện Tam Bảo để hoằng truyền mạng mạch Phật Pháp - cho nên Tỳ-kheo phải đủ "tăng tướng", nghĩa là hình thức của Phật, tư cách một Bậc Thầy Tâm linh.

Chúng sanh rất khó cứu độ. Khó lắm! Ví dụ, một người đui mù, què cụt, sứt môi, mặt rỗ, lùn tịt… mần răng mà ra trước quần chúng để thuyết giảng hoặc hướng dẫn mọi người tu hành được?

Tu hành thì ai cũng tu được, có thể thành Phật như Phật. Nhưng muốn làm Tỳ-kheo phải tuân thủ nhiều điều kiện. Cậu Tân hiểu chứ? Dịp khác chúng ta sẽ thảo luận đầy đủ hơn.

V.- CHUYỂN HÓA TÂM LINH

          Chúng tôi về chùa Phú Lâu ăn bún với nước tương, rứa mà cảm thấy vô cùng khoái hoạt, hạnh phúc dễ sợ!

          Như một người bạn chí cốt, Chú Quang trò chuyện thân mật với chúng tôi. Trước mặt anh em cùng Chú Quang, tôi hứa sẽ không bao giờ đụng tới một giọt rượu. Chú gật gù:

          - Phải như rứa! Như rứa mới phải. Ai mà có lý tưởng giải thoátchí nguyện hoằng pháp, thì tự nhiên, sẽ lánh xa những lạc thú thấp hèn của thế gian.

          Thằng Tân đột nhiên khều chân tôi, nhắc tới cô Bưởi. Tôi cười, thưa với Chú Quang:

          - Sau chuyến đi này, con có ít nhiều thay đổi trong chánh kiến. Trước hết con thấy cô Bưởi chẳng có gì gọi là nghèo và thiếu cả, phải không Chú? Chỉ có cái tội thiếu tu hành và… nghèo đức tin thôi. Phải rứa?

- Không phải!

- Thưa Chú! Tại răng rứa?

- Bấy lâu ni, cô Bưởi tụng kinh Pháp Hoatrì niệm danh hiệu Dược Sư thì chắc chắn đời sốngchuyển biến ít nhiều - và luôn luôn có Bồ-tát, thiện thần, thiên long bát bộ hộ trì, ngoài khả năng thấy biết của chúng ta.Nếu chúng ta không tin và thấy được "năng lực siêu hình ấy" thì uổng phí một đời tu. Cậu Long vì si mê cô Bưởi mà quá khắc khoải, lo lắng - rốt cuộc cũng chẳng làm chi được nghiệp duyên!

Ờ, nói thiệt, chúng ta ngó cuộc đời bằng cặp mắt phàm - cặp mắt của nhân, ngã, bỉ, thử - thì nên xem như… chẳng thấy chi trơn!

Cậu đừng phê phán tầm bậy tầm bạ. Chỉ có Phật nhãn, đôi mắt nhìn thấy trăm ngàn kiếp lâu xa, mới có thể nhìn thấy thông suốt… Thôi! Hơn tám giờ tối rồi, các cậu về kẻo cha mẹ trông chờ. A di đà Phật…

* * *

Một ngày đi theo Chú Quang để tặng quà mọn cho những người cực kỳ nghèo ở Bình Điền, khiến chúng tôi học được nhiều điều không có trong sách kinh. Nhưng quan trọng hơn, hi hữu hơn là: Chúng tôi đã rung cảm Phật Pháp thâm sâu đến nỗi chấn động trong cả tâm hồn, và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng đến dài lâu trong cuộc sống.

Ba mươi bảy năm qua rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ đến các bậc như Chú Quang và Bác Siêu hành đạo thông suốt và đã vô tình cải biến tư tưởngchuyển hóa cuộc sống chúng tôi - giúp chúng tôi nhìn rõ đức Phật, sống gần gũi với đạo Phật hơn.

Chúng tôi chỉ biết tri ân Tam Bảo, các bậc Bồ-tát, tri ân các bậc thiện tri thức, các bậc thiện thần, chư thiên long bát bộ… và tri ân Tất cả chúng sanh, đã hộ trì chúng tôi ngay hiện đời cho đến muôn ngàn kiếp sau.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1609)
06/02/2012(Xem: 28422)
22/06/2018(Xem: 12061)
28/08/2015(Xem: 7908)
16/09/2015(Xem: 14037)
17/07/2019(Xem: 8815)
04/01/2015(Xem: 10809)
02/01/2017(Xem: 6838)
25/01/2015(Xem: 9199)
17/09/2020(Xem: 6627)
11/02/2020(Xem: 7062)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.