Trang kinh rọi sáng lòng tin

11/11/20173:07 SA(Xem: 6822)
Trang kinh rọi sáng lòng tin

TRANG KINH RỌI SÁNG LÒNG TIN
Nguyễn Xuân Chiến

 ***

CẢM TÍNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

***
Anh Hưng và tôi vừa đạp xe vừa nói chuyện, không mấy chốc đã đến Ngã Ba Cư Chánh.

- Kia kìa, chùa Đức Sơn đằng tê, mấy bước nữa thôi. Bọn mình xuống xe dẫn bộ cho khỏe đôi chân. Lại nữa, được ngắm Đức Sơn từ đằng xa, kể cũng thú vị!

- Các sư cô và một số Phật tử khuôn Cư Chánh đang tụng kinh như là lễ cầu an đầu năm mới. Nghi thức hành lễ của các tu sĩ thì… hơi lâu một chút, bởi vì họ thường xen vào những bài tán đúng theo bài bản cổ truyền. Chúng ta ngồi chơi dưới gốc cây này khoảng một giờ rồi sẽ vào chùa có lẽ tiện hơn…

Trời nắng nhẹ và không khí se lạnh buổi đầu xuân khiến chúng tôi vô cùng hứng khởi. Không gian như chùng xuống,  thời gian như đứng yên. Cái nên thơ trong lành của ngày đầu năm khiến cho con người chỉ mong tìm thấy niềm hạnh phúc trong đức tinchánh kiến.

Chàng Tân háo hức:

- Ờ… ờ, mà anh Hưng có chuyện chi hay kể cho tụi em nghe đi…

Tôi xen vào:

- Chúng ta lên chùa Đức Sơn vừa kịp trưa. Ờ, không phải dùng cơm đâu, mà là bánh bột mủ. Anh biết “bột mủ” là cái chi không?

Anh Hưng tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Chưa. Mình chưa nghe “bột mủ” là gì bao giờ!

- Khà khà! Đúng là dân thành phố. Chốc lát sẽ biết. Một thứ đặc sản chỉ ở Đức Sơn mới có… Như “trọng nam khinh nữ” là một đặc sản của Ta-bà vậy! Các cõi khác như cõi Trời chẳng hạn thì sự phân biệt nam nữ chẳng đến nỗi “dễ sợ”, “kinh khủng” như ở cõi này!

Anh Hưng gật đầu:

- Thật như rứa đó. Chúng ta đang ở trong một quốc độmọi người đều trọng nam khinh nữ. Đừng quên rằng, hầu hết mọi sử gia và các kẻ viết sách đều là đàn ông, cho nên nếu có sự thiên vị đàn ông, cũng là điều bình thường. Thật ra, tận trong sâu thẳm của tâm hồn thì không bao giờ có phân biệt nam hay nữ! Nam hay nữ đều là hinh thái sinh hoạt ở bên ngoài, còn về nội tâm, thì không khác chi nhau. Chúng sanh muôn đời vẫn sống trong vọng chấp nên xa rời Chân lý Như thật, còn chiêu cảm mọi khổ đau và dĩ nhiên còn luân hồi sanh tử!.

Thế mà vẫn có những người nữ dũng cảm dám sống cho chí nguyện Phật đạo thì cũng xứng đáng để xem là kỳ tích. Như sư cô Minh Đức và Minh Tú chẳng hạn!

          - Chúng ta từ khi sanh ra đến nay, luôn luôn chịu những áp lực nặng nề của các quy ước xã hội, như cái việc phân biệt Nam Nữ chẳng hạn…

          Anh Hưng nói:

- Vâng. Đồng ý với anh. Đó hình như là cái nghiệp, nghĩa là thói quen từ nhiều đời kiếp! Ủa, các anh các chị đi đâu cả rồi?

          - Có lẽ nhập bọn với các chị em khác, hoặc thích ghé thăm  các chùa khác. Rồi sẽ gặp nhau ở Đức Sơn. Không có bị lạc đâu mà ngại!

          - Thôi, chúng ta tiếp tục câu chuyện. Nhiều sách kinh Phật thuật lại rằng:

Khi Sa môn Gotama (thái tử Tất-đạt-đa) từ bỏ lối tu khổ hạnh bởi vì Ngài cảm thấy không có chút ánh sáng giải thoát cho con đường thực hiện tâm linh của mình, thì khi ấy, biết được điều ấy, năm anh em Kiều Trần Như bèn phủ nhận Ngài, cho rằng Ngài đã nản chí thối bước trước những khó khăn ép xác. Họ tránh xa Ngài như chối bỏ một người bạn đồng tu đã lầm đường lạc lối, một đồng chí đã quay lưng, phản bội lại “phương hướng hành động” của tập thể.

Sa môn Gotama bèn quyết định tìm kiếm một địa điểm thích hợp để tham thiền, mặc dù ngài hơi mất sức sau khoảng thời gian nhịn ăn khá lâu. Trên đường đi, Ngài gặp một cô gái nhà quê. Đó là Sujata (Tu-xà-đề), người phụ nữ đầu tiên đã phát hiện ra tính chất giác ngộ và giải thoát ở nơi một tu sĩ xa lạ tầm thường. Cô ta bèn về nhà, mang một bình sữa bò trộn với nhiều thứ bột quý đến để cúng dường. Sa môn Gotama thọ dụng món sữa ấy, bỗng trở nên phục hồi sức khỏehoan lạc, Ngài đến một gốc cây gần đó ngồi thiền định 49 ngày đêm, cho đến khi chứng ngộ, trở thành một vị Phật, gọi là đức Phật Thích Ca.

Đệ tử đầu tiên phát hiện đức Phật chính là một người phụ nữ, không phải đàn ông! Và vô số tích truyện Phật giáo đã tường thuật lại sự kiện  này với đầy đủ chi tiết, để chứng minh rằng, người phụ nữ luôn luôn là kẻ phát hiện các bậc thánh nhân mà không cần thông qua lý trí hiểu biết, chỉ qua cảm tính mạnh mẽ của họ.

          Anh Hưng gật đầu, nói tiếp:

          - Tôi đã đọc rất nhiều sách của bọn Tây Âu nghiên cứu Phật giáo rất kỹ, bằng Anh ngữ tất nhiên, cũng nhắc đến những truyện tích tương tự như vậy. Nay không nhớ rõ sách nào, đều ghi rằng: Không phải chỉ Phật giáo mà các tôn giáo khác cũng đều xác nhận rằng, người phụ nữ đã phát hiện ra các bậc giáo chủ của mình trước khi người đàn ông chấp nhận!

Người phụ nữ thường thì nhận ra điều huyền nhiệm và tin ngay. Thậm chí không có một khoảnh khắc nào giữa việc thấy và tin. Chỉ thấy thôi, là niềm tin của cô ấy nẩy sinh ngay!

Lòng tin, tức là “chánh kiến không thông qua bất cứ biện giải nào”. Cuộc đời hoài công đi tìm bằng chứng mà họ gọi là xác đáng, và sau đó, lòng tin mới xuất hiện! Còn người phụ nữ thì không cần chi hết - họ tin vì chỉ họ đang tin, rứa thôi!

* * *

PHụ Nữ VẪN CÓ ĐẦY Đủ TRÍ NĂNG

** *

Chuyện kể một lần tôn giả A Nan xin nước uống từ bình nước của một cô gái thuộc giai cấp cùng đinh đã khiến cô gái mất bình tĩnh, hoảng hốt chạy xa. Vì sao? Luật Manou ngàn đời của Bà-la-môn quy định rằng, kẻ cùng đinhtiếp xúc thân mật với các giai cấp bề trên thì phạt nặng, thậm chí bị xử tội! Tôn giả A-nan biết vậy, liền gọi cô gái lại và ôn tồn bảo:

"Hãy cho tôi nước uống. Tôi xin nước, chứ không xin giai cấp".

Cử chỉlời nói ôn tồn, trân trọng của tôn giả đã khiến cô gái xúc độngthức tỉnh. Sau đó, cô gái vượt qua mọi sợ hãi của giai cấp cùng đinh, đến xin xuất gia với Ni  sư Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề, như vừa tìm thấy mảnh đất sống của tình người và trí tuệ. Và sau một thời gian ngắn tu tập, liền đắc Thánh quả. Chỉ một câu nói của tôn giả A Nan hầu như đã có thể xóa tan trong chúng ta hết mọi nghi ngờ về bất cứ một hiện tượng kỳ thị giai cấp nào, kỳ thị giới tính nào có thể xảy ra trong giáo đoàn của đức Phật. Câu nói ấy phải xem nhưTuyên Ngôn Bình Đẳng Giới Tính đầu tiên của con người kể từ khi xuất hiện trên hành tinh này!

Trung Quốc từ ngàn xưa đã tồn tại một nền giáo dục trọng nam khinh nữ, nhưng vẫn có những chuyện đề cao người phụ nữ như sau:

“Đặng Tuy là một thiếu nữ rất thông minh. Sáu tuổi đã đọc được Sử Thư, mười hai tuổi thông hiểu Kinh Thi, Luận Ngữ, chỉ để tâm vào sách vở, không để ý tới việc trong nhà. Mẹ thường cho là không đúng, nói: “Con không học nữ công để lo cơm áo, lại thích học hành, chẳng lẽ định làm bác sĩ à?”. Đặng Tuy không dám cãi lời mẹ nên ban ngày học nữ công, ban đêm đọc kinh sách thánh hiền.”

Tạo hóa tức là Bà Mẹ Thiên Nhiên đã ban cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi con. Mẹ nuôi con không chỉ bằng cơm, bằng gạo mà chính bằng tình cảm, bằng tình thương yêu của mẹ thông qua việc may vá, thông qua tiếng hát ru: “Mẹ ru tiếng hát ở đời. Sữa nuôi phần chất, hát nuôi phần hồn.”. Người con lớn lên từ hơi ấm, từ tình thương của mẹ. Những gia đìnhhạnh phúc êm ấm phần lớn nhờ vào sự đảm đang công việc nội trợ của người phụ nữ. Nhưng không vì chức năng đó mà người phụ nữ mất quyền học hành, những quyền bình đẳng với nam giới. Thực tế cho thấy: “Đặng Tuy về sau làm Hoàng thái hậu buông rèm nghe chính sự, xử lý việc triều đình thích đáng, việc chính trị cũng khá sáng suốt.” Điều đó chứng tỏ nhờ công phu tu dưỡng, chăm đọc kinh sách Thánh hiền của bà từ nhỏ và chứng tỏ người phụ nữ cũng có chỉ số thông minh như nam giới.

Ngoài đặc quyền “sanh con và nuôi con bằng sữa yêu thương”, người phụ nữ có đầy đủ trí nănglòng tin để thực hiện bất cứ công việc nào như là một người đàn ông đích thật!

* * *

CHUYỆN NÀNG AMBAPALI

* * *

Những chuyện tích như vậy chúng ta thấy đầy rẫy trong kho tàng kinh điển Phật giáo, đại loại như chuyện của nàng Ambapali, kinh Phật ghi:

Trong thời đức Phật tại thế, cuộc đời của Ambapali từ khi sinh ra đã không bình thường. Cha mẹkhông sinh ra cô mà nhặt được cô dưới một gốc cây xoài. Chính vì thế, cha mẹ nuôi của cô mới đặt tên là Ambapali (Amba trong tiếng Phạn nghĩa là xoài, còn pali nghĩa là đường dây hay cầu).

Khi lớn lên, Ambapali là một cô gái rất xinh đẹp, với nhan sắc hết sức kiều diễm, hút hồn, đã làm điên đảo các vị công tử xứ Licchavi. Cả vua Tần-bà-sa-la phía nam sông Hằng cũng mê say nàng, có với nàng một đứa con. Hay thay ngày xưa, mặc dù đường xá xa xôi, sông Hằng cách trở mà niềm say mê và sinh hoạt xem ra không khác gì người thời nay. Các vương công quý tộc tại thành Vesali nơi cô sinh sống ai cũng muốn lấy cô về làm “tài sản riêng”. Không ai chịu ai nên cuối cùng đã xảy ra một cuộc tranh chấp giữa các chàng vương công quý tộc. Người ta đã phải tổ chức cả một cuộc thảo luận để xem ai là người thắng cuộc. Cuối cùng, chẳng có ai chịu ai, họ đành đưa ra quyết định rằng, do quá xinh đẹp nên cô không nên thuộc về bất cứ ai đến cầu hôn mà nên thuộc về tất cả mọi người, tất cả mọi người đều có quyền sở hữu cô. Một ý nghĩ kỳ cục, mà chúng ta thấy chỉ xảy ra ở Ấn-độ thời bấy giờ! Bọn đàn ông lúc nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả!

Chính vì quyết định bất công này, cô trở thành cô gái chuyên mua vui cho các vương tôn quý tộc trong cung đình. Tuy nhiên, khác với những cô gái lầu xanh thông thường khác, sự thiện lương cao sang của cô khiến cho các vương công quý tộc trong hoàng cung Vesali cảm thấy yên ổnuy quyền và lòng tham dục thấp hèn của mình không bị tổn hại. Nhưng tiền bạc do họ ban tặng, cô đều dùng làm từ thiện, cứu giúp những người dân nghèo. Chính vì vậy, mặc dù bị người đời coi như một công cụ mua vui, song trong giới quý tộc Vesali, cô giống như hoàng hậu không ngai.

Từ lâu, nàng Ampabali đã nghe đến tiếng tăm đức Phật. Ngài là bậc giác ngộ đã buông bỏ vương quyền, địa vị tột cùng và cả vinh hoa, thê tử để đi vào rừng sâu. Và cuối cùng đã chứng ngộ quả vị tối thượng. Ngài hiện đang đem đạo lý giải thoát đến cho tất cả chúng sanh không phân biệt. Với hào quang chói rực, với khuôn mặt từ ái, với cử chỉ tôn nghiêm tràn đầy đức tướng trí tuệ khiến ai cũng khao khát diện kiến Ngài.

Và nàng vô cùng háo hức chỉ mong được gặp gỡ Đấng Giác Ngộ dù chỉ một lần!

Hôm ấy, Ampabali thoáng nghe các nữ tỳ nói với nhau: Đáng Giác Ngộ đang tạm trú và nghỉ ngơi tại Vườn Xoài của mình!

Xuất thân thấp hèn, đối với xã hội thời Đức Phật, và cả xã hội ngày nay, trong mắt mọi người, Ambapàli chỉ là một kỹ nữ. Nói trắng ra, chỉ là cô điếm cao cấp, không hơn không kém.

Cho dù một số ít người đã coi kỹ nữ cũng là một cái nghề, nhưng cái nghề đó bị nhiều người lên án, chỉ trích, mạ lị (nguyên văn trong kinh nói nàng là một dâm nữhành vi tà vạy trong các dục lạc). Với nhiều người, Ambapàli có một lý lịch xuất thân không đàng hoàng, là người bỏ đi, là hạng người thấp hèn, nhơ nhuốc, đáng bị người đời khinh khi, phỉ nhổ. Thế nhưng, chỉ sau một lần diện kiến Đức Thế Tôn, Ambapàli đã trở thành một con người khác, khác hoàn toàn.

Có lẽ, vừa gặp đức Phật thì tất cả trí tuệcông đức vô lậu từ trăm nghìn đời kiếp của nàng đều đồng loạt xuất hiện – đương nhiên, cùng lúc ấy, bao nhiêu nghiệp chướng sâu dày tự nhiên tiêu hoại. Nàng đã rủ bỏ bao tập khí đã gây tạo từ trước, tiêu trừ những cấu uế và làm một con người khác.

Chinh vì thế, mà tất cả Phật tử đều ước ao được sinh vào thời đức Phật xuất hiện trên trần gian. Chỉ cần nhìn tôn nhan uy nghiêm, từ ái, là cuộc đời sẽ tràn ngập biết bao hạnh phúc!

Nàng vội đánh xe ngựa đến Vườn Xoài ngay khoảng thời gian ấy.

Vừa gặp đức Thế Tôn, nàng phủ phục xuống sát đất đảnh lễ hết sức cung kính. Ngước lên, nàng Ampabali nhìn rõ nụ cười  đức Phật diễm tuyệt và rạng ngời đúng như mình ao ước. Nàng rùng mình. Bỡ ngỡ. Hân hoan. Một luồng điện như chạy khắp châu thân khiến nàng rung động chen lẫn hạnh phúc khôn cùng. Nghẹn ngào. Chấn động tâm can. Chân tay run run. Tâm trí như tan biến mất. Mọi sự thế gian đều ngưng bặt.

Sau khi choáng ngợp một khoảng thời gian chẳng biết bao lâu, nàng định tĩnh và tác bạch:

- Con xin dâng lên Đức Phật Thế Tôn tất cả Vườn Xoài này để làm tịnh xá cho tăng chúng. Xin Ngài thuận ý.

Và ngay tức khắc, đức Phật đã hứa khả bằng cách im lặng.

Nàng còn cầu thỉnh đức Phật đến thọ trai trưa nay tại tư gia của nàng. Đức Phật cũng mỉm cười chấp nhận.

lòng tin đối với đức Bổn sư, nàng dâng cúng đức Phật cùng chúng tăng cả khu vườn của mình để làm tinh xá. Tại Vesali, đức Phật còn có thêm một hành động cách mạng nữa trong thời bấy giờ, đó là Ngài nhận lời mời thọ thực của một nàng kỹ nữ tên gọi là Ambapali, mặc dù trong xã hội Ấn Độ thời xưa với quan niệm hết sức khe khắt về đẳng cấp, thì đó là một hành động lạ lùng.

Đây là sự mầu nhiệm của Phật pháp, nhưng cũng là sự mầu nhiệm của khả năng tự chuyển hóa nơi mỗi con người. Không ai có quyền lựa chọn điều kiện hay hoàn cảnh xuất thân của mình, nhưng mình hoàn toàn có quyền lựa chọn cách sống, lối sống cho chính mình, để đời sống của mình thăng hoa hay chìm xuống tận đáy của xã hội.

Ambapàli trở thành một kỹ nữ có lẽ vì hoàn cảnh gia đình, cũng có thể là vì xã hội đẩy đưa. Có cả trăm ngàn lý do. Và có biết bao nhiêu người lâm vào hoàn cảnh giống như nàng, tưởng chừng như không còn lối thoát. Ấy vậy mà nàng Ambapàli đã thoát được, chỉ sau một lần đi lễ Phật! Vậy thì những người khác, có hoàn cảnh như nàng hay tương tự nàng, tại sao lại đánh mất niềm hy vọng trong khi cửa từ bi đang rộng mở? Chúng ta phải có niềm tin.

Chính niềm tin đã đánh thức tâm linh của Ambapàli, thức dậy niềm tin thanh tịnh vào Tam bảo, ngay lần đầu tiên diện kiến Thế Tôn. Chỉ một lần thôi để người phụ nữ đặt trọn niềm tin vào bậc giải thoáttrí tuệ với cơn mưa pháp tưới những hạt cam lồ vào tâm thức thì bông hoa hạnh phúc đã đâm chồi nảy lộc trong trái tim người kỹ nữ. Và niềm hạnh phúc đó, giờ đây đối với nàng là không có gì so sánh được, không có gì co thể mua được, không có gì đánh đổi được, dù là tài bảo của cả vương quốc. Nàng đã thành tựu tín căn kiên cố, hay nàng đã thành tựu được bốn niềm tin bất hoại (tứ bất hoại tín). Bấy giờ, ai còn dám khinh khi người kỹ nư ấy? Nàng đã chứng địa vị bất thối!

Đứa con mà Ambapali sinh cho quốc vương nước Vesali được đặt tên là Vimala Kondanna. Khi lớn lên, cậu xuất gia trở thành tỳ kheo và không lâu sau chứng quả A la hán. Cậu sau đó lại quay trở lại thuyết pháp cho chính mẹ ruột của mình. Sau khi nghe được con trai khai thị, cô quyết định gia nhập tăng đoàn tỳ kheo ni, trở thành một đệ tử chính thức của đức Phật.

Ambapali lấy chính thân thể của mình làm đề mục để tu thiền, tư duy xem vì sao nó lại vô thường và chịu nhiều khổ sở như vậy. Nhờ vậy, cô cũng nhanh chóng chứng quả A la hán giống như con trai mình. Trong bài kệ làm vào những năm cuối đời, cô đã so sánh vẻ đẹp của mình ở quá khứ với sự tiều tụyhiện tại để thấy được sự vô thường của nhan sắc và cả cuộc đời mỗi con người.

Nhờ không ngừng tư duy nên cô dần dần nhận ra bản chất của sự tồn tại. Cô có được tri thức về trăm ngàn  kiếp sống, nhìn thấy được những đoạn khuất lấp, quanh co trong quá trình luân hồi của mình: Lúc là kỹ nữ, lúc lại là tỳ kheo ni. Cô cũng nhìn thấy được rằng, mặc dù có lúc bị đẩy vào cảnh trầm luân song cô vẫn tích cực bố thí, làm việc thiện, nhờ vậy, mà cô có được phúc báo trong tương lai.

Bề ngoài rất xinh đẹp song vẻ bề ngoài xinh đẹp ấy không thể thay đổi được vận mệnh chung của kiếp người là sinh, lão, bệnh, tử. Tới kiếp này là kiếp cuối của Ampapali, cô đã có thể loại bỏ tất cả phiền não, đạt được vẻ đẹp bất diệtđược giải thoát. Chính vì thế, sau này, cô được người đời xưng tụng là đứa con gái chân thật của đức Phật

Tỳ-kheo ni Ampabali đã nói lên bài kệ như sau:

Thân này là như vậy,

Nay già chứa nhiều khổ,

Ngôi nhà đã cũ kỹ,

Vôi trét tường rơi xuống,

Đúng như lời giảng dạy,

Của bậc nói sự thật.

Vị Trưởng lão ni với tên cũ là Ampabali, đã thấy được hình tướng vô thường ngay trên bản thân mình, nhận thức tánh vô thường của ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh vô thường, khổ, vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập, chứng quả A la hán”.

Trong bài kệ do cô làm lúc cuối đời cũng đã chứng minh điều này:

Dưới sự làm chứng của đông đảo chúng sinh,

Tôi đây xuất gia theo chính pháp,

Tôi đã đạt tới bất động pháp,,

Trở thành con gái của đức Phật.

Trong các câu chuyện về đức Phật, câu chuyện của người phụ nữ với lòng tin tên là Ambapali, con gái đức Phật - chính là một minh chứng cho điều này. Đó là niềm tin bất hoại luôn luôn vượt thắng tất cả. (theo tỳ-kheo Thích Nguyên Hùng và đạo hữu Hoang Phong, Nguyễn Đức Tiến)

 * * * 

CHÙA ĐứC SƠN VÀ THUỞ BAN ĐẦU

* * *

Anh Hưng kể xong câu chuyện về nàng Ampabali. Tất cả mọi người đều ngồi lặng yên. Ánh nắng ban trưa giờ này mới rải  đều trên khắp khung trời tịch tĩnh. Gió xào xạc từng cơn thổi nhẹ. Không có gì để nói, duy chỉ có niềm rung động đang bàng bạc trong mỗi con người đang chuyển hóa chính mình và cả thế giớichúng ta đang sống.

Đúng lúc chùa Đức Sơn vừa tụng kinh xong, anh Hưng ra hiệu cho mọi người lần lượt vào chùa.

Dạo ấy, chùa Đức Sơn nằm khuất sau dẫy nhà cấp bốn của dân nghèo, còn sơ khai với chánh điện bằng mái tôn và các dẫy nhà ngang dọc vá víu, chẳng có chút mỹ thuật nào, chẳng giống  một am thất hay thiền viện chi cả.Chùa Đức Sơn được xây dựng năm 1964, trước đây vốn chỉ là một Niệm Phật đường, gọi là Hòa Lương. Thời ấy 4 ni cô Minh Đức, Minh Tú, Minh Nhật và Minh Hằng đã cùng đến đây tu tập.

Người ta lưu luyến vì mến mộ đức độ, chân thành của các sư cô Minh Đức và Minh Tú, đã hy sinh tất cả cuộc sống vật chất của mình cho những người nghèo khó và những bệnh nhân phong. Và không ai mà vô tình làm ngơ trước Cái Tâm rộng lớn, chan chứa yêu thương của các nhà tu nữ này. Rồi họ mang vật thực, tiền bạc và cả công sức cùng xây dựng một Đức Sơn bề thế, tôn nghiêm, cho các Phật tử và là một nơi khá đầy đủ tiện nghi cho các em mồ côi, những người thiếu nơi nương tựa sau này…

Hôm nay, chúng tôi ghé chùa vào ngày tết khiến các sư cô rất cảm động. Sư cô Minh Tú đon đả chào:

- A di đà Phật. Chào tất cả đạo tràng. Mời lên chánh điện lễ Phật!

Kẻ lạ, người thì quen, lục tục bước lên chánh điện còn thô sơ nhưng gần gũi và không kém trang nghiêm. Chúng tôi tụng một bài sám và niệm Phật.

Xong, sư cô Minh Tú dọn chay đãi khách toàn là một món “bánh bột mủ”, không có thứ gì khác - không cơm, không đồ ăn, không có rau, dưa, củ quả chi hết!

Tôi bảo anh Hưng:

- Bữa ni anh Hưng mới thoải mái nếm mùi bột mủ.

Anh Hưng nhấm nháp thử mấy cái bánh bằng bột mủ, màu vàng lợt, hơi đục đục, không nhân nhụy gì cả. Và anh phát biểu:

- Cũng tương đối dễ ăn. Nó có vị nhẫn nhẫn, cái thì hơi hơi đắng.

Quay sang tôi, anh hỏi:

- Nì, các bạn chớ chọc quê tui nghe. Cho tui hỏi “Bánh bột mủ này xuất xứ từ cây nào? Và bằng cách nào để làm nên những cái bánh như thế này?”

- Anh Hưng ơi! Anh biết không? Người Huế gọi là củ sắn nhưng người miền nam và cả người Quảng đều gọi là củ mì. Người ta đem xay hoặc nghiền củ sắn rồi đem ngâm nước lã. Cái đọng lại bên dưới và đông thành thứ bột màu trắng bóc, được gọi là bột lọc, có thể làm đủ thứ bánh rất ngon, hoặc mang ra chợ bán. Cái nổi lên phía trên màu đục đục, vị hơi đắng, nhẫn nhẫn, gọi là bột mủ - thường để cho gia súc dùng. Con người ít ai dùng bột mủ vì nó không ngon, và nó có độc chút ít.

Nhưng ở chùa Đức Sơn này, các sư cô dùng bột mủ xem như thức ăn độn nhất thời, mục đích để dành tiền bạc mua thuốc Tây cho những người mắc bệnh phong ở tận đèo Hải Vân, hoặc bệnh nhân phong được phép cư trú tại các tư gia khắp tỉnh Thừa Thiên, hay để cứu trợ người nghèo khó quanh vùng. Hồi đó, chưa xây dựng cô nhi viện để nuôi nấng các em thiếu nơi nương tựa, vì chưa có điều kiện.

Cho nên chúng tôi nói rằng:

- Sự nghiệp từ thiện của Đức Sơn thuở ban đầu, được xây dựng trên “bột mủ” và lòng kiên nhẫn vô bờ của các sư cô Minh Đức và Minh Tú.

Không những ăn bánh bột mủ thường xuyên, các sư cô thường phải ăn cơm độn sắn (tức củ mì) để dành được bao nhiêu đều đổ vào công việc từ thiện.

Chúng tôi có dịp ngồi nghe sư cô Minh Tú kể lại những chuyến đi bộ vượt mười lăm cây số đường núi kề bên đường ray, để vào đến tận Trại Phong đèo Hải Vân. Trước nhất là lên tàu chợ, tức là chuyến Huế-Đà Nẵng và xuống tàu ở ga Lăng Cô. Từ ga Lăng Cô muốn đến trại phong bắt buộc lội bộ giữa rừng núi heo hút, thân nữ dặm trường, nhưng các sư cô vẫn dũng cảm đương đầu với bao hiểm nguy, bao sợ hãi, chỉ vì trong lòng mình sẵn chí nguyện độ sanh rất vững chắctình thương đối với những người bị xã hội dường như bỏ quên.

Trại phong lúc ấy có khoảng hơn một trăm người mà thôi. Nghe có đoàn sư cô về cứu trợ, họ xúm xít ùa nhau ra chào đón. Chúng tôi đồng ý rằng, vật chất, cơm gạo, thuốc men là rất cần thiết, vì thời ấy còn bao cấp, lại nữa chúng ta còn bị cấm vận, cho nên những người lành mạnh còn thiếu ăn thiếu mặc - huống hồ những người mắc bệnh phong sẽ khó khăn biết chừng nào? Nhưng, thiếu kém tình người thì chắc chắn khó chịu đựng vô cùng!

Các sư cô không chỉ mang lương thực và thuốc men đến, cái quan trọng nhất là tình thương. Tình thương không có giá trị thương mại, không thể đem rao bán trên hè phố, không thể thế chấp cho ngân hàng - nhưng tất cả nhân loại đều khẳng định rằng: không có gì quý báucần thiết cho bằng tình thương.

Thiếu tình thương, người ta sẽ không lớn lên được - có thể người ta vẫn sống lây lất, vô tri giác chẳng khác nào hồn ma chập chờn giữa đêm đen dứt tuyệt hy vọng, không có bàn tay nào chìa ra mơn trớn, trao tặng trái tim một đốm lửa yêu thương!

Đạo Phật là đạo cứu khổ – và sư cô Minh Tú và các sư cô chùa Đức Sơn vẫn là “hình ảnh cứu khổ” sống động nhất, diễm tuyệt nhất, mãi mãi còn lưu giữ trong tâm hồn chúng tôiNam mô A di đà Phật!

 * * *

Anh Hưng vẫn giữ thái độ im lặng cố hữu của mình, vẫn ngồi dưới gốc cây đón nhận ánh nắng buổi chiều đang lặng lẽ bao phủ cả trời mây. Dường như toàn thể thiên nhiên cũng hòa điệu với chúng tôi, những người con không chịu ngủ yên dưới bóng mát từ bi của Tam bảo, mà luôn luôn thao thức, xao xuyến. Và đi tìm kiếm.

Hình như, ai đó đang thì thầm mấy câu Nam mô A di đà Phật, như vỗ nhịp cùng tiếng hót của bầy chim đang tung cánh bay về miền đất sạch trong…

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật…

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/05/2023(Xem: 1606)
06/02/2012(Xem: 28422)
22/06/2018(Xem: 12061)
28/08/2015(Xem: 7907)
16/09/2015(Xem: 14037)
17/07/2019(Xem: 8814)
04/01/2015(Xem: 10808)
02/01/2017(Xem: 6836)
25/01/2015(Xem: 9198)
17/09/2020(Xem: 6627)
11/02/2020(Xem: 7061)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.