Trời xanh mây trắng

01/12/20191:00 SA(Xem: 12612)
Trời xanh mây trắng

TRỜI XANH MÂY TRẮNG
Anh Nhi


Thành kính đảnh lễ giác linh hòa thượng thượng Đồng hạ Tịnh, đại đức thượng Vạn hạ Tịnh vừa viên tịch.

troi xanh may trangTrong một ngày tinh thần ảm đạm nhất, tôi vô tình bắt gặp một khoảng trời xanh diệu vợi,  với một tán cây rất gần che ngang càng làm nổi bật lên không gian mênh mang tĩnh tại đến huyền hoặc của bầu trời. Tôi thưa với Thầy tôi rằng: “Bạch thầy, con cảm thấy cô đơn và chỉ còn biết làm bạn với  trời xanh, nhưng con cũng không hết cô đơn”. Thầy tôi dạy : “Có một khoảng trời xanh biếc mênh mông làm bạn rồi thì còn cô đơn gì nữa con”. Lời dạy của Thầy làm tôi bừng tỉnh và cảm thấy ấm lòng. Đúng rồi, khoảng trời kia là bạn của tôi. Tôi đâu có cô đơn.

Sư Ông Làng Mai từng dạy, tri giác vẫn thường hay sai lầm. Tri giác ở đây chính là tưởng, một trong năm uẩn. Tôi đã tưởng rằng tôi và thế giới cách biệt nhau. Nhưng lời dạy của thầy tôi đã đập tan ảo tưởng đó. Tôi nghĩ thầm, người ta nói “hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai”. Bạn của tôi là bầu trời xanh, rất đẹp, rất lành, rất dễ thương, cho nên tôi cũng đẹp, lành và dễ thương như thế. Tôi thấy tôi chan hoà với bầu trời và từ đó chan hoà với thế giới. Không còn mặc cảm bị bỏ rơi, lạc lõng và bị “tẩy chay” nữa. Tôi thấy tôi thuộc về thế giới, là một với thế giới, tôi có cả thế giới. Bài thiền ca Làng Mai lại vang lên trong tôi: “và giờ đây em có cả đất trời, với trăng sao muôn loài cùng mọi nơi”...

Sau khi đã đi ra khỏi mặc cảm bị kì thị, bị tẩy chay, tôi bắt đầu ngắm trời xanh một cách cố ý. Thiên nhiên là một vị lương y có khả năng nuôi dưỡngtrị liệu rất lớn cho thân tâm. Tôi tin điều đó, và cũng tin rằng khi ta nhìn cái gì thì ta chính là cái đó. Tôi muốn nhờ trời xanh,nhờ trăng sao và cỏ cây hoa lá chữa trị cho trái tim đang bị ốm của tôi.

Mỗi khi nhìn trời, tôi nhớ đến nhân vật Yun Hwa trong một bộ phim ăn khách của Hàn cách đây nhiều năm. Yun Hwa bị tình địch hãm hại, bị ngồi tù oan, bị cướp người chồng sắp cưới và lạc mất luôn đứa con cô may mắn sinh ra an toàn trong tù. Trong đau đớn tủi hận cùng cực, Yun Hwa ngày ngày chỉ có một chút thời gian hiếm hoi để nhìn lên một khoảng trời hiếm hoi giữa không gian tù tội để nuôi hi vọng và tiếp tục sống. Còn tôi, tôi có tự do về thân thể, và cả tự do tinh thần vì đã đi trên con đường xuất gia, vậy thì sao tôi không ý thức được mình là một người có nhiều may mắn khi được tự do thoả thích ngắm một mảnh trời xanh? Ngài Trí Siêu có dạy bảy điều hạnh phúc mà một người bình thường nên quán chiếu, đó là ta đang còn sống, ta có sức khỏe , ta có đủ sáu căn, ta có tự do, ta có phương tiện vật chất, ta có tình thương, ta có sự hiểu biết. Tự do ở đây là tự do về thân thể, không bị ai quản thúc cầm tù... Tôi lại nghĩ đến Anne Frank, chứng nhân lịch sử của nạn diệt chủng dưới chế độ Đức Quốc xã. Cô gái Do Thái đã cùng gia đình trải qua một cuộc sống bi đát trước khi rơi vào tay quân đội Hitler. Trong bóng tối đau thương, cô vẫn hướng về ánh sáng với niềm lạc quan trong trẻo đến nhói lòng: “Mặc dù mọi sự việc, tôi còn tin rằng con ngườibản tâm thật tốt (...)Tôi cảm thấy nỗi đau khổ của hàng triệu người. Nhưng khi tôi nhìn lên trời cao,  dù sao tôi còn cảm thấy rằng nền hòa bình và sự yên ổn sẽ trở lại”  (Nhật kí Anne Frank). Anne Frank đã chỉ có thể nhìn thấy bầu trời trong hoàn cảnh còn bi đát hơn một người tù, cô không bị đánh đập nhưng bị khủng bố về tinh thần, và buộc phải sống trong một căn nhà bí mật để đảm bảo an toàn tính mạng. Trong hoàn cảnh đó, thiên nhiêncứu tinh của cô : “Gần như sáng nào tôi cũng lên gác mái để hít thở (...) tôi nhìn ra khoảng trời trong xanh, những con chim bay lượn trong gió và cây hạt dẻ trụi lá...” (Nhật kí Anne Frank). Bây giờ đây tôi đang được hưởng một bầu không khí hòa bình và tự do thân thể, tôi phải  lạc quan, yêu đời và hạnh phúc hơn Anne và phải hạnh phúc cho cả Anne nữa. Bởi vì hạnh phúc chưa từng là hạnh phúc mình tôi. Cũng như tôi nuôi dưỡng hạnh phúc mình đang còn được sống, còn sống thì mọi việc đều có thể xảy ra. Sự sống mong manh đến nỗi thở ra mà còn thở vào lại được là cả một điều kì diệu. Khi tôi đọc những dòng tin nhắn cuối cùng của Trà My, một trong những nạn nhân xấu số tử nạn trên xe container sang Anh, tôi càng thấm thía lời Phật dạy: “Mạng người chỉ trong hơi thở”. Trà My trăn trối với gia đình: “Con chết vì không thở được”. Tôi còn sống, có cả một bầu không khí để thở, có hai mắt sáng để nhìn trời xanh, sao tôi không hạnh phúc đi, mà lại còn kiếm tìm gì nữa:

Tâm cứ bận về quá khứ

Hoặc lo rong ruổi tương lai

Quanh quẩn trong vòng buồn giận

Xem thường bảo vật trong tay

Giày đạp lên trên hạnh phúc

Tháng năm sầu khổ miệt mài

          (Sám nguyện – Nhật tụng thiền môn)

Khi tôi hỏi Thầy tôi vì sao hình ảnh trời xanh mây trắng thường hiện hữu trong thơ của Sư Ông Làng Mai, tôi được Thầy trả lời: “Cảnh giới tùy tâm hiện”.

Còn vì sao chúng ta lại thích ngắm mây trắng trời xanh, thì chính Sư Ông đã giải thích cho chúng ta trong cuốn “Nẻo về của ý”: “Tại sao chúng ta ưa những cuộn mây trắng nõn và những tấm thảm tuyết trinh tuyền? Tại vì cái khuynh hướng của bản chất sinh lýtâm lý của ta nó thế. Ta ưa những cái gì tinh sạch, đẹp đẽan lành. Tinh sạch, đẹp đẽan lành theo nhận địnhlập trường của cơ thể ta, tâm lý ta, chứ không hẳn là tinh sạch đẹp đẽan lành như những tính cách khách quan của thực tại”. (Nẻo về của ý – Nhất Hạnh).

Tính cách khách quan của thực tại đó chính là Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chính từ thực tại khách quan đó mà Bát Nhã nói Chân không, còn Duy thức nói Diệu hữu. Bài thơ “Ngắm trăng” của thiền sư Nhất Hạnh dạy cho chúng ta nhìn trăng như thế nào để thấy được chân tướng vô ngã của vạn pháp. Ngắm trăng dưới con mắt của nhà Duy thức không chỉ là để tiếp xúc với những hình ảnh đẹp và lành, mà đó là cả công phu tu tập:

Trăng tròn đêm nay có ngã không?

-Trăng tròn làm gì có ngã.

Và người nhìn trăng đêm nay có ngã hay không ?

-Người nhìn trăng cũng không làm gì có ngã.

Vậy thì làm sao người ngắm trăng có thể ngắm trăng?

Bởi vì trăng không có ngã

Và bởi vì người ngắm trăng không có ngã

Cho nên cả trăng và người ngắm trăng đều là thực tại nhiệm mầu

Và ngắm trăng là một điều mầu nhiệm nhất trên đời

Ngắm trăng chính là công phu tu tập.

(Ngắm trăng)  

Ngắm trăng như thế thì ngắm trời cũng như thế, cũng là công phu quán chiếu để nhìn thấy được tự tính của các pháp.

 Ta thường bắt gặp trong thơ của ngài Nhất Hạnh cụm từ “hiện hữu nhiệm màu”. Chẳng hạn bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa vàng”, ngài đã ba lần nhắc đến nó:

Gió thì thầm: em nên hát ca

Bởi vì hiện hữu nhiệm màu

Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười

...

Em hãy là đoá hoa đứng yên bên hàng dậu

Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm màu

...

Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm màu.

(Bướm bay vườn cải hoa vàng)

Trong ý nghĩa đó, hình ảnh trời xanh mây trắng thường xuất hiệntác phẩm thơ của ngài như một biểu tượng của hạnh phúc:

Thầy trò ta đã ngồi thật lâu cạnh những gốc thông già trăm tuổi

Đã từng đứng yên cùng lắng nghe tiếng gió thì thào mời gọi và ngắm nhìn những cụm mây trắng bay

...

Có khi con ngồi dưới vực sâu tăm tối, hoàn toàn cách biệt trời quê

Thầy đã hóa thân thành chiếc thang dài và nhẹ nhàng bắc xuống

Cho con leo lên vùng chan hoà ánh sáng

Để tìm lại được màu trời xanh và tiếng suối tiếng chim

...

Sáng nay chim ca mừng vầng ô lên rạng rỡ

Con có hay

Trên bầu trời xanh mây trắng vẫn còn bay

(Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai)

Thức dậy hôm nay em thấy bầu trời xanh

Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm

(Ý thức em mặt trời tỏ rạng)

Mỗi phút một viên ngọc quý

Tóm thâu đất nước trời mây

Chỉ cần một hơi thở nhẹ

Là bao phép lạ hiển bày

Chim hót thông reo hoa nở

Trời xanh mây trắng là đây

(Châu ngọc Pháp Hoa)

Trời xanh mây trắng đi vào cả trong những bài kinh tụng niệm:

Tịnh Độ hiện tiền mầu nhiệm lắm

Rõ ràng như mây trắng trời xanh

(Bài kinh ca ngợi Bụt Amitabha)

Sáu căn còn đầy đủ

Mắt thấy được trời xanh

Tai nghe tiếng chim hót

(Bài tụng Hạnh phúc)

Và cả bài kệ sám hối:

Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.

(Nhật tụng thiền môn  - Thích Nhất Hạnh)

Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đã dùng hình ảnh trời xanh mây trắng để miêu tả cảm giác nhẹ nhàng  thanh thản của lòng mình:

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

(Hoa cỏ may)

Hay những dòng thơ của nhà thơ Trụ Vũ nói cho ta biết về chân lí “chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không thể rời nhau” cũng đề cập đến trời xanh:

Bởi vì mắt thấy trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời

Bởi vì mắt thấy biển khơi

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.

Tuy nhiên trời xanh mây trắng trong thơ của thiền sư Nhất Hạnh đã được nâng lên thành một hình tượng nghệ thuật hẳn hoi, mà chúng tôi tin rằng đó  chính là chân tâm của ngài. Từ “Vòng tay nhận thức”:

Cả em, cả chân trời hồng

Và cả mầu trời xanh biêng biếc

Đều hiển hiện trong lòng mắt tôi

...

Tôi ngửa mặt nhìn trời cao

Đầu tôi gối sóng

Còn kia, đúng rồi, mây trắng trời xanh

(Vòng tay nhận thức)

Cho đến “Trường ca Arvil”:

Mỗi khi nắng xuân về xối chảy trên ngọn cây, hương rừng bay

Mây trắng che trên trời xanh biêng biếc

(Trường ca Arvil)

Và những bài thi kệ thực tập chánh niệm:

Vững chãi như núi xanh

Thảnh thơi dường mây trắng

...

(Thi kệ)

Đức Phật dạy người tu phải hộ trì sáu căn. Hộ trì nhãn căn, tức con mắt, là khi tiếp xúc với sắc trần, không ôm ấp nắm giữ, không suy nghĩ phân biệt, nhìn sự vật như nó đang là, không khởi tâm yêu thích, vướng mắc vào những gì đẹp đẽ vừa ý, mà  cũng không ghét bỏ, xua đuổi với những gì xấu xí nghịch lòng, tâm trú xả, chánh niệm tỉnh giác, nhiếp phục mọi tham áiưu bi trên đời. Theo kinh A -  nậu  -  la – độ, xưa nay đức Như Lai chỉ giảng dạy về Khổ và con đường Diệt Khổ. Tất cả những lời dạy của Đức Thế Tôn đều nhằm đem lại an lạc cho chúng sinh. Tùy theo căn cơ mà mỗi người chọn cho mình một pháp hành thích hợp.

Với tôi, mỗi khi được nhìn trời, tôi duy trì ý thức rằng đôi mắt tôi đang còn sáng. Đó là một điều kiện hạnh phúc. Nếu ai chưa có cơ hội để tiếp xúc với trẻ em mù, thì những miêu tả sau đây trong cuốn “Tâm hồn cao thượng” của văn hào Edmondo De Amicis cũng đủ giúp hình dung được họ một cách cảm động: “Các con có hiểu rõ “mù” là thế nào không?  “Mù” nghĩa là suốt đời không nhìn thấy gì. Suốt đời không phân biệt ngày đêm, không nhìn thấy vũ trụ, thấy mặt trời, thấy cha mẹ, thấy cảnh vật chung quanh mình và những đồ vật mình cầm đến! Suốt đời phải chìm đắm trong cõi tối tăm vô tận (...) Trẻ nào sinh ra mù sẵn thì nỗi khổ cũng giảm được đôi chút vì nó không biết những thứ nó thiếu thốn. Nhưng về phần những trẻ mới mù hàng tháng nay, chúng còn ghi gói và hiểu nhớ những thứ mà chúng đã mất. Những trẻ này còn đau đớn gấp trăm lần hơn những trẻ nói trên, là vì mỗi ngày chúng thấy hình ảnh của những người thân yêu mờ dần trong trí óc (...) “Lạy trời cho tôi được mở mắt một phút thôi, để tôi nhận lại mặt mẹ tôi mà tôi quên mất rồi”.

Chị Hướng Dương, người sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù ở Việt Nam đã có những trải nghiệm tương tự khi nghe trẻ em mù hát những câu hát do một thầy giáo mù sáng tác: “Nói  đi em, lời nào hồn nhiên nhất. Và nói rằng cuộc đời đẹp hơn mơ”. Bản thân chị Dương là người đã mất đi đôi chân sau một vụ tai nạn, và chị phải đi chân giả. Chị kể lại: “Nghe đến câu hát này, toàn thân tôi chấn động như có một luồng điện chạy qua. Trời ơi, một em gái mù cả hai mắt mà còn dám nói là “Cuộc đời đẹp hơn mơ” thì tôi có lí do gì để mà chán nản, để mà oán trách cuộc đời đây?”  (Nguyễn Hướng Dương -  Đứng dậy và bước đi).

Những ngày này trời Bình Định nơi tôi đang theo học dường như chan hoà trong niềm tiếc thương hai bậc tôn sư vừa khuất bóng là hòa thượng thượng Đồng hạ Tịnh và đại đức thượng Vạn hạ Tịnh. Dưới sự chở che  thương tưởng của hoà thượng cũng như sự yểm trợ thầm lặng của đại đức, chúng tôi đã có bao nhiêu là an vui. Nơi mảnh đất Nguyên Thiều này, bản thân chúng tôi thấy mình được bơi trong tình thương của Ban Giám hiệu, Ban Giáo thọ, Ban Quản chúng và của huynh đệ đồng học. Vậy mà chúng tôi vừa phải đảnh lễ bái biệt một người cha và một người anh. Thầy tôi dạy: “Con buồn một chút thôi. Hãy viết tiếp”. Bỗng nhiên một bài thơ thiền đời Lí đi lên trong tôi:

Lâm loan bạch thủ độn kinh thành

Phật tụ cao sơn viễn cánh hinh

Kỉ nguyện tịnh cân xu trượng tọa

Hốt văn di lí yểm thiền quynh

Trai đình u điểu không đề nguyệt

Mộ tháp thùy nhân vị tác minh

Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt

Viện tiền sơn thuỷ thị chân hình.

(Vãn Quảng Trí thiền sư – Đoàn Văn Khâm)

Dịch nghĩa:

Xa lánh kinh thành, vào nơi rừng núi cho đến bạc đầu

Phất tay áo trên núi cao, càng xa càng ngát thơm

Đã mấy lần (tôi) những muốn chít khăn tu hành đến hầu bên chiếu

(Thế mà nay) bỗng nghe nhà sư qua đời, cửa chùa đã khép kín

Trước sân nhà trai, tiếng chim khuya khắc khoải kêu dưới bóng trăng

Có ai vì người mà đề bài minh vào ngọn tháp trên mộ?

Các bạn tu hành chớ nên đau thương vì nỗi vĩnh biệt

Sông núi trước chùa chính là hình ảnh chân thực của Người

(Viếng thiền sư Quảng Trí – Đoàn Văn Khâm)

Tôi lại ngước lên nhìn trời. Giữa mùa đông mà trời Bình Định vẫn xanh, mây Bình Định vẫn trắng. Phải rồi, trời xanh mây trắng kia chính là chân hình của những đấng tôn sư khả kính. Quý Ngài vẫn hằng có mặt cho chúng tôi. Tôi lại nhớ đến lời Khổng Tử dạy học trò: “Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai?” (Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hoá. Trời có nói gì đâu?”  (Luận ngữ). Dưới trời xanh mây trắng, tôi lắng lòng nghe khúc hát vô ngôn của quy luật vô thường, sinh lão bệnh tử, thành trụ hoại không, cũng là khúc hát vô ngôn của cõi tịch diệt, không một không khác, không đến không đi, không sinh không diệt, không mất không còn.

Hạnh phúc như mây trắng trời xanh.

Người viết: Anh Nhi

(Thích nữ Tuệ Anh, trường trung cấp Phật học Bình Định, tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/10/2014(Xem: 9233)
21/08/2014(Xem: 10060)
04/01/2017(Xem: 13154)
02/11/2023(Xem: 1432)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.