Nhật Ký Một Phật Tử (18)

10/09/20233:25 SA(Xem: 880)
Nhật Ký Một Phật Tử (18)

NHẬT KÝ MỘT PHẬT TỬ (18)
Thanh Nguyễn

 

nhat kyNgày mùa đông, tháng này, năm nay

Mùa đông thành Ất Lăng tuyết bay phơ phất, tuyết mỏng như khăn voan hay áo choàng của cô gái làm điệu. Tuyết chỉ đủ làm duyên chứ không dữ dội như những bang phía bắc, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có năm trở chứng nên rơi mù trời luôn. Tuyết thì không sợ, chỉ sợ băng giá, khi mặt đường đóng băng thì lái xe rất nguy hiểm vì bấy giờ không còn lực ma sát vì thế mà tai nạn rất nhiều.

Mình thường thức dậy từ bốn giờ sáng để đi làm, trời lạnh căm căm, kiếng xe mờ vì lớp băng mỏng bám trên bề mặt. Thường thì phải đề máy và ngồi trong xe chờ băng trên kiếng tan mời có thể lái được, trong lúc chờ ấy thì mình nhấm nháp tí cà phê và niệm Phật cho một ngày mới.

Giờ này là lúc mọi người còn ngủ yên, cảnh vật chung quanh im lặng tuyêt đối, sự tịch mịch đến độ nghe được cả nhịp tim thì thụp của mình. Mặt đất, thảm cỏ phủ một lớp tuyết mỏng trắng tinh khiết, nhìn cứ ngỡ vườn địa đàng. Những chiếc xe đậu lềnh khênh ngoài trời. Mình chợt cười thầm vì sự phát hiện khá thú vị. Nhà nào cũng có garage để xe nhưng chẳng dùng để xe mà để chứa hằm bà lằng toàn những thứ thừa thãi không xài đến, hoặc là chứa những món đỗ cũ kỹ bỏ thì tiếc để thì chật nhà. Thời gian theo năm tháng garage càng chất chứa nhiều đến nỗi không còn lối đi, những món đồ chẳng đáng giá chi trong khi chiếc xe cả một cục tiền lớn thì nằm lềnh khênh ngoài trời, mặc cho mưa nắng gió sương. Con người kể cũng lạ thật! Mình thấy cái garage để xe ấy sao mà giống y chang cái tâm của con người! Cái tâm chất chứa đầy nhóc những thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến...Cái tâm chứa toàn những thứ đáng lẽ phải vứt đi, trong khi ấy thì những món quý báu như Phật, pháp, tăng, kinh kệ, lời Phật dạy hay những điều hay việc tốt… thì chẳng để trong tâm!

Trong bốn mùa thì mùa đông ảm đạm nhất, mọi hoạt động đều chậm lại hoặc dừng hẳn, tự nhiênxã hội đều trì hoãn, nhịp sống ngầm tích lũy để chuẩn bị cho mùa sau. Con người ta thường thích mùa xuânchán ghét mùa đông, tuy nhiên chúng ta có yêu hay ghét cỡ nào thì bốn mùa vẫn cứ tuần tự luân phiên xoay vòng. Càng yêu hay ghét chỉ nhọc tâm mình chứ tự nhiên không vì thế mà thay đổi để chiều theo ý mình. Lạnh giá tuyết băng của mùa đông đâu chỉ có phiền toái, bản thân tuyết cũng là một thú vị nên thơ và đẹp biết bao. Nếu không có tuyết băng của mùa đông thì làm sao có rực rỡ sắc hương của mùa xuân? Nhờ lạnh giá tuyết băng của mùa đông mà côn trùng sâu bọ bị chết sạch và đó là tiền đề cho mùa màng bội thu ở mùa sau. Thiên nhiên cho chúng ta một bài học đấy, không có mê làm sao biết giác? Không có khổ đau ràng buộc thì làm sao biết an lạc giải thoát?… Bài học từ thiên nhiên vốn tự vô thủy đến giờ nhưng xem ra chúng ta chưa thuộc, vì vậychúng ta vẫn cứ mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi, vẫn mãi sống trong ràng buộcchấp trước sâu dày.

Khi mùa đông về, mọi hoạt động chậm hẳn hoặc dùng lại. Những sinh hoạt của chùa chiền cũng không ngoại lệ, mùa này ít người viếng chùa hơn, ít những lễ hội hơn. Chùa chiền hải ngoại chỉ sinh hoạt vào ngày cuối tuần, khi mùa đông về thì lại càng thêm vắng vẻ và im lìm. Riêng với cá nhân mình thì chẳng có gì thay đổi, mùa nào vẫn thế, ngày thường đi làm kiếm cơm, trong lúc làm cố gắng thầm giữ câu Phật hiệu, giữ chánh niệm. Ngày cuối tuần thì mỗi buổi sáng đều tụng kinh, niệm Phật quán tưởng, đọc sách… Mùa nào cũng vẫn như thế, dù là thu vàng đông bạch hay hạ biếc xuân xanh. Cái quy củ hay cái lịch trình của mình giữ  y như thế!

Chánh niệm là từ Hán Việt, chữ niệm theo cách viết của chữ Hán gồm chữ kim ở trên và chữ tâm ở dưới, nghĩa là cái tâm nghĩ nhớ ngay phút giây hiện tiền. Hiểu chánh niệm một cách nôm na là mình làm gì thì biết việc ấy, nghĩ nhớ việc ngay hiện tại bây giờ. Chánh niệm coi vậy chứ không dễ, bằng chứng là tuyệt đại đa số chúng ta đều thất niệm. Người thật sự giữ được chánh niệm không có bao nhiêu. Mình cũng thường thất niệm, đừng nói là sinh hoạt trong đời thường mới thất niệm, ngay cả khi đang ngồi tụng kinh, niệm Phật vẫn thất niệm như thường, miệng thì tụng kinh như cháo chảy, miệng niệm Phật liên tu bất tận mà tâm thì chạy đông chạy tây, nghĩ nam nghĩ bắc, nghĩ yêu ghét, nghĩ quá khứ tương lai… Những lúc như thế giật mình và mình cố khôi phục lại chánh niệm, để tâm vào kinh hoặc câu phật hiệu, việc thất niệm như thế đôi khi nó cứ trôi xuôi như nước chảy, mình phải tỉnh giác để nhận ra thất niệmquay về chánh niệm với việc tụng kinh hay niệm Phật, hay quán từng hơi thở vào ra. Mình có chút xíu kinh nghiệm về khôi phục chánh niệm trong lúc niệm Phật mà tâm ý rong ruổi thất niệm. Khi mình niệm Phậtthất niệm thì lập tức quay vế quán tưởng câu chữ Phật hiệu đang chạy trong hư không trước tầm mắt mình, cứ như thể dòng chữ trên màn hình khi hát Karaoke vậy! Cứ như thế niệm Phật theo dòng chữ trong hư không ấy, chỉ biết dòng chữ ấy và hình tướng Phật. Mình thấy việc này hiệu quả đối với bản thân và nhờ thế mà khôi phục chánh niệm trong lúc niệm Phật. Chánh niệm không phải chỉ dành cho người học Phật, tu Phật. Ngoài đời cũng cần có chánh niệm. Một học sinh không có chánh niệm thì không tiếp thu được bài giảng, không tập trung học tập được. Một nhà văn không có chánh niệm thì sẽ khó viết vì tâm ý lan man không làm sao viết được. Một bác sĩ thiếu chánh niệm thì sẽ sai sót trong việc chẩn đoán và trị bệnh, ấy là chưa nói đến lúc phẫu thuật. Một nhà chính trị không có chánh niệm sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Người lái xe không có chánh niệm thì dễ gây tai nạn. Chánh niệm quan trọng đến thế nhưng chúng ta thường thất niệmvì vậy mà trong xã hội có biết bao điều đáng tiếc xảy ra.

Con người trong thời đại hôm nay có nhiều phước báo, nhất là những người đang sinh sống ở những vùng đất Âu- Mỹ, phương tiện vật chất quá phủ phê, máy móc và công cụ kỹ thuật hiện đại tối tân quá tiện lợi cho đời sống, những thể chế dân chủvăn minh tôn trọngphục vụ người dân… Mùa đông hay mùa hè chẳng có vấn đề gì. Máy nóng, máy lạnh, xe cộ… phục vụ con người tối đa, mưa không dính tóc, bụi chẳg dính chân. Theo thuyết nhân quả thì mình có thể nói là những người sống ở Âu-Mỹ có nhiều phước báo hơn so với những người sống ở các xứ độc tài toàn trị, lạc hậu, đói nghèo… Tuy nhiên vì cộng nghiệp và biệt nghiệp mà ngay trong lòng Âu- Mỹ cũng có nhiều người nghèo khổ và ở những xứ độc tài, lạc hậu ấy cũng có một tầng lớp giàu có phủ phê.

Phật pháp là một trong ba ngôi tam bảo Phật- pháp – tăng. Ở Âu -Mỹ cũng có nhiều người tu học Phật pháp, hướng về Phật pháp, đi theo con đườngđức Thế Tôn đã dày công khai mở, trong khi ấy ở ngay tại những nước độc tài, lạc hậu ấy lạị cũng có rất nhiều người không tin Phật pháp, phỉ báng Phật pháp. Ngay cả quê hương của đức Phật, ngày nay cũng chẳng có bao nhiêu người tin Phật, tu học Phật. Điều này quả là nhân duyên khó nghĩ bàn, khó nói, chỉ có thể dùng chữ như trong kinh là: Nhân duyên trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng.

Mùa đông đã qua, mùa đông đang hiện diện và rồi mùa đông sẽ đến. Mình cũng đã từng tử, mình đang hiện diện và rồi mình sẽ còn tái sanh. Cái vòng sanh – tử luân hồi bất tận khi mà tham ái còn. Thiên nhiên vũ trụ tuần hoàn quay bất tận khi mà quốc độ này còn. Mùa đông thành Ất Lăng tuyết phất phơ tí chút làm duyên. Mình mặc áo ấm, nhà có máy sưởi mà còn thấy lạnh lắm, nên lòng thấy khâm phục vô cùng khi nghĩ về những tu sĩ tịnh tu nhập thất trên tuyết sơn. Các vị chỉ có mỗi áo cà sa màu huyết dụ truyền thống, ngoài ra không có bất cứ một phương tiện vật chất phụ trợ nào khác, thực phẩm cũng rất khiêm tốn mà mươi ngày mới có người mang đến cúng dường đặt trước cửa hàng. Có những tuần tuyết đổ lấp kín cửa hang suốt tuần liền. Quả thật đây là những hành giả tinh tấn bậc nhất, kiên cố như kim cang, tín tâm không gì có thể làm lung lay. Kinh sách ghi chép mùa đông năm ấy, Bồ Đề Đạt Ma lên Tung Sơn tọa thiền trong hang núi, có người hay biết bèn đến cầu pháp, người ấy đứng trong tuyết thề chết chứ không đi, sau khi tổ chịu tiếp kiến thì chặt cánh tay để tỏ lòng thành cầu pháp. Ôi  cái tâm người xưa sao mà dõng mãnh đến nhường này, tấm lòng tha thiết cầu đạo phải nói là đến tận cùng và tổ đã đặt cho người ấy pháp danh Huệ Khả, nghĩa là cũng chỉ mới có thể  được coi là có trí huệ, từ đó mà nhìn lại chúng mình thì quả thật chúng mình không biết phải dùng từ ngữ nào để lột tả cho hết cái sự vô minh, giải đãi, bạc nhược, yếu kém…

Mùa đông thành Ất Lăng cũng giống như mùa đông của những vùng ôn đới khác, trời lạnh ngắt, cây lá trơ trụi xương xẩu, Trong vườn chỉ còn những con chim hồng y (cardinal) các lòai chim trời khác đã bay về phương nam để tránh rét. Loài vật di trú vì thời tiết, vì thức ăn và sinh sản. Loài người cũng không khác chi, cũng di cư khắp nơi không chỉ vì kinh tế mà còn vì bất công xã hội, vì bị đàn áp bởi quan điểm chính trị, tôn giáo, giới tính, chủng tộc… Khi chết thì “di cư” vào những cảnh giới tương ưng tam nghiệp đã tạo tác, đa phần đều quanh quẩn trong tam đồ lục đạo. Chỉ có một số vô cùng ít ỏi sẽ vào bốn pháp giới cao và một số ít hơn nữa chứng đắc Arahanta thì chẳng còn sinh tử luân hồi nghĩa là chẳng còn phải “di cư” nữa.

Mùa đông lạnh rồi sẽ qua đi, mùa xuân sẽ đến, thế gian này qua cơn suy thoái sẽ hưng thịnh trở lại, thịnh suy liên lỉ, sanh tử vô thường, một mai hơi thở không vào ra nữa thì mình lại “di cư” vào cảnh giới tương ưng với cái nghiệp đã làm hay nói cách khác là “di cư” theo ác nghiệp hay thiện nghiệp đã làm, đã tích lũy từ quá khứ và lúc còn sống.

 

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 0823

Nhật Ký Một Phật Tử (17)
Nhật Ký Một Phật Tử (16)

Nhật Ký Một Phật Tử (15)

Nhật Ký Một Phật Tử (14)
Nhật Ký Một Phật Tử (13)
Nhật Ký Một Phật Tử (12)

Nhật Ký Một Phật Tử (11)
Nhật Ký Một Phật Tử (10)

Nhật Ký Một Phật Tủ (9)
Nhật Ký Một Phật Tử (8)
Nhật Ký Một Phật Tử (7)
Nhật Ký Một Phật Tử (6)
Nhật Ký Một Phật Tử (5)
Nhật Ký Một Phật Tử (4)
Nhật Ký Một Phật Tử (3)
Nhật Ký Một Phật Tử (2)
Nhật Ký Một Phật Tử (1)




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/10/2018(Xem: 6816)
23/09/2020(Xem: 3841)
18/09/2016(Xem: 11833)
14/08/2017(Xem: 7044)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.