Nhật Ký Một Phật Tử (17)

03/09/20234:00 SA(Xem: 916)
Nhật Ký Một Phật Tử (17)

NHẬT KÝ MỘT PHẬT TỬ (17)
Thanh Nguyễn

 

nhat kyNgày mùa thu, tháng này, năm nay

Trời vẫn nắng chan hòa, đất vẫn biếc xanh cây lá, người tinh ý sẽ thấy giữa ngàn xanh ấy lác đác một vài lá vàng, không phải vàng héo thông thường mà là những lá vàng đầu tiên, lá vàng báo hiệu một mùa mới thu mới đang sang. Thơ Đường cũng có câu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ thiên hạ cộng tri thu”. Một chiếc lá ngô đồng vàng rụng xuống, người thi sĩ giật mình nhận ra dấu hiệu của mùa thu. Người thi sĩ đại diện cho thiên hạ, thực ra mấy ai trong thiên hạ đã nhận ra dấu hiệu này! Chỉ những tay du tử mang nghiệp chữ, tâm hồn đầy mẫn cảm mới nhìn một chiếc lá vàng rơi đủ để dâng trào cảm xúc mà viết nên những vần thơ hay như thế!

Mùa thu đẹp lắm, đẹp đến nao lòng. Đất trời bừng lên muôn sắc gấm hoa, sơn hà cẩm tú diễm lệ, muôn hồng nghìn tía, trần gian như thể vườn địa đàng. Những chiếc lá cháy sáng lên lần cuối với bao sắc màu trước khi rụng về cội. Cứ mỗi mùa thu như thế mình lại đi vào thiên nhiên, dưới chân lớp lớp lá vàng xào xạc, trên đầu từng bựng lá đủ sắc màu: vàng, cam, đỏ, tía… lung lay trong gió mà cứ ngỡ như mây ngũ sắc. Mình dạo chơi trong thiên nhiên tận hưởng phúc lợi của thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, nghe lá hát chim ca. Con mắt no nê với bữa đại tiệc sắc màu của mùa thu. Mình thường đi dạo và  thầm niệm Phật, giữ câu Phật hiệu trong tâm. Mình đã có đôi lần bất chợt cảm nhận được làn sóng sảng khoái chạy rần rật trong thân thể, cái làn sóng vô hình lan tỏa từ đầu đến chân, len lỏi từng tế bào. Cái cảm giác sảng khoái rất lạ không biết làm sao tả được, cái cảm giác sảng khoái nhẹ nhõm, lâng lâng, bay bổng thoát ly khỏi thực tại. Cái cảm giác này khác hẳn với cảm giác của xúc chạm thân xác hay khoái cảm của nhục dục. Cái làn sóng sung sướng vô bờ bến và vô hình này đã xảy ra vài lần trong những lúc thầm niệm Phật đi dạo chơi hoặc là đang làm việc chứ không chỉ ngồi trước bàn thờ Phật.

Mình nhớ khi sư bà Hải Triều Âm còn sống vẫn thường tổ chức khóa tu niệm Phật vào mùa thu. Sư bà là bậc trưởng nữ Như Lai kiệt xuất, suốt đời tu hành tinh tấn, viết sách, dạy chúng, chuyên tâm niệm Phật. Sư bà còn đọc tụng Lăng Nghiêm, tu tứ niệm xứ, nhập thất. Sư bà dạy: “Phải tu tứ niệm xứ thì niệm Phật càng hữu hiệu hơn. Có biết thân này bất tịnh thì mới chịu buông, có biết thọ là khổ thì mới chuyên chú niệm Phật, Có biết tâm vô thường thì giữ câu Phật hiệu miên mật, có biết pháp vô ngã thì dốc sức niệm Phật không màng đến thế gian này. Người niệm Phật phải tu tứ niệm xứ, tu tứ niệm xứ bổ trợ cho việc niệm Phật”.

Quả thật tứ niệm xứbài kinh, là pháp tu nguyên thủy, căn bản rất quan trọng. Tu học pháp môn nào cũng cần phải tu tứ niệm xứ để làm căn bản, làm gốc!

Ngày xưa mình bắt đầu học Phật, vào đạo bằng kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, niệm Phật… Ba mình là ông thầy dẫn đạo đầu đời, sau này lớn lên học Phật, đọc sách mới biết thêm nhiều điều khác. Mình thấy Phật giáo Bắc truyền đôi khi mông lung và trải rộng quá, không chú ý đến những điều căn bảncốt lõi của giáo pháp, vì thế Phật tử tu học theo hệ Bắc truyền thiếu hiểu biết, không nắm được điều cốt lõicăn bản của Phật pháp. Phần nhiều mọi người mơ hồ chung chung: đi chùa, dâng hương, cúng dường, làm từ thiện, niệm Phật, tụng kinh… nhưng căn bản Phật nói gì, dạy gì thì không biết. Phật giáo Nam truyền đi thẳng vào căn bản của pháp tu: tu tứ niệm xứ, những bản kinh ngắn dễ tụng, dễ thuộc, dễ hành như: kinh suy niệm về nghiệp, kinh phước đức, kinh châu báu, kinh chuyển pháp luân, kinh pháp cú… Mình nhận thấy hoàn cảnh, cảnh giới, ngôn ngữ, nội dung của kinh Phật Nam truyền gần thực tế, dễ hiểu hơn những bộ kinh lớn của Phật giáo Bắc truyền như: kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh bát Nhã… Kinh Phật giáo Bắc truyền đồ sộ, nội dung thâm sâu uyên áo, ngôn ngữ đa nghĩa, mật nghĩa, ẩn dụ, cảnh giới cao siêu phi phàm… Mình thường nghĩ hai chữ đại thừatiểu thừa  gây trở ngại và chia chẻ rất nhiều, tại sao lại phân biệt và rồi khích bác nhau như thế? Cũng con Phật, cùng pháp Phật, cùng mục đích tu học để giải thoát cớ sao lại dụng cái tâm của người thế gian trong pháp Phật? Mình nghĩ tốt hơn hết nên bỏ hẳn đi hai chữ đại thừatiểu thừa. Mình ước đừng bao giờ nhắc lại hai cụm từ này nữa và dĩ nhiên những câu như: “ tiêu nha bại chủng” (của Bắc truyền), “ngụy kinh”(của Nam truyền)… đều bỏ hết đi! Có lẽ dùng chữ dòng Phật giáo Nam truyền và dòng Phật giáo Bắc truyền là hợp lý nhất, chẳng có đại tiểu gì hết, tất cả các pháp để tu dù trực tiếp hay gián tiếp, chỉ vì căn cơ, vì tập quán văn hóa, vì truyền thống địa phương… mà có sự khác biệt vậy.

Dòng Phật giáo Bắc truyền có nhiều pháp tu phương tiện, có nhiều mở rộng, nhiều hoa lá cành. Dòng Phật giáo Nam truyền thì giữ được căn bản cốt lõi nhưng có tính bảo thủ, có lẽ dung hòa cả hai để bổ sung cho nhau thì tuyệt vời biết mấy! Có lẽ sư bà Hải Triều Âm là vị ni xuất chúng dung hòa cả hai dòng Phật giáo, áp dụng pháp tu của cả hai dòng truyền thừa một cách viên mãn nhất.

Mùa thu lại về, mùa thu của tháng này, năm nay cũng chẳng khác bao mùa thu đã qua và có lẽ cũng chẳng khác những mùa thu sắp đến. Quốc độ này còn tồn tại thì thiên nhiên vẫn cứ xoay vần như thế, quy luật sinh – trụ – hoại – diệt vẫn tuần tự như thế. Mùa xuân rực rỡ muôn hoa, mùa hạ biếc xanh cây đời, mùa thu vàng lên sắc lá, mùa đông tuyết trắngtinh khôi. Con người đến thế gian này gặp nhauduyên nợ, vì ân oán, vì cái nghiệp thiện – ác của mình trong quá khứ. Con người đến với nhau làm ông bà, cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bằng hữu, thân thù… đều không ngoài bốn giềng mối báo ân - báo oán, đòi nợ - trả nợ. Mạng sống con ngườithế gian này chỉ chừng trăm năm, thực tế thì chỉ ở giữa hai làn hơi thở vào ra và nó có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào và với bất kỳ lý do gì. Mạng sống dài hay ngắn, sướng hay khổ phụ thuộc vào phước đức của chính bản thân mỗi người, hoàn cảnh bên ngoài chỉ là cái duyên hỗ trợ thúc đẩy mà thôi!

Nếu mùa xuân là khởi đầu của tuổi trẻ thì mùa thu là sự viên mãn, là chín muồi trước lúc trở về già. Mùa xuân là cô gái trẻ xuân sắc thì mùa thu là người thiếu phụ đằm thắm. Khi mình đã vào cái tuổi thu thì mình cũng nên biết rằng thời gian của mình sẽ không còn nhiều nữa đâu. Khi tuổi đã vào thu thì dù có còn khỏe mạnh thì vẫn xuất hiện những sợi tóc trắng đầu tiên, những nét nhăn khóe mắt, xương cốt có dấu hiệu suy, tim mạch có dấu hiệu yếu hơn, nhịp tim, nhịp thở đều không còn như thuở xuân thì. Khi mình đã luống tuổi thu thì mình biết là đang ở chặng giữa của quá trình sanh – lão – bệnh – tử . Lý thuyết thuận chiều là thế, thật ra thì bệnh xuyên suốt quá trình từ sanh đến tử chứ chẳng phải là một giai đoạn riêng lẻ theo thứ tự. Bằng chứng là có nhiều em bé còn trong bụng mẹ đã bệnh, sơ sinh cũng bệnh, thiếu nhi cũng bệnh, thanh niên cũng bệnh… chứ không phải đến già mới bệnh, tuổi nào cũng có bệnh. Khi tuổi vào thu thì mình càng phải tranh thủ sắm tư lương phước đức, phải niệm Phật chuyên chú hơn, tụng kinh, làm phước thiện… để một khi ra đi thì cũng có chút tư lương cho kiếp sắp tới. Sống ở thế gian này, mình đi đây đi đó phải có tư lương, huống chi là khi ra đi sang một kiếp mới mà không có tư lương thì rất dễ sợ, khó mà hình dung hết những khổ sở và nguy hiểm ở phía trước. Tư lương cho người ra đi không phải là tiền bạc, tài sản, danh vọng, địa vị, thế lực, tình cảm… Những thứ ấy vô nghĩa, thậm chí vì những thứ ấy mà càng làm cho cuộc ra đi nguy hiểm hơn.  Tư lương cho người ra đi chính là những thiện nghiệp đã làm khi còn sống. Mình làm thiện nghiệp cũng tức là hóa giải bớt ác nghiệp. Việc này giống như mỗi ngày cho thêm tí nước tinh khiết vào bát nước muối, mỗi ngày một tí thì độ mặn của muối sẽ giảm từng chút một.

Khi còn tuổi xuân thì có thể vui sống mà lơ là nhưng khi luống tuổi thu thì phải tích cực hơn, tranh thủ hơn nữa chứ e rằg sẽ trễ mất thôi!

thế gian này dù có đẹp bởi xuân rực rỡ hoa, thu vàng sắc lá… cũng là cái đẹp mong manh vô thường. Ở thế gian này dẫu có hạnh phúc, sung sướng… thì cũng là cái sướng tạm thời trong cái khổ, mọi thứ đều đi đến hoại diệt. Thọ là khổ, dù có là thọ lạc vẫn đi đến khổ huống chi là thọ khổ. Ở thế gian này dù có là đại đế công cao cái thế, quyền lực vô biên, của cải vô số… nhưng cũng không sao thoát khỏi sanh - lão - bệnh - tử! Đức Phật nhờ tuệ giác mà thấy được nỗi khổ của chúng sanh, vì từ bi mà thương chúng sanh, vì vậydũng mãnh tinh tấn tu hành để rồi khai ngộ và mở ra con đường giải thoát cho chúng sanh. Trí huệ - từ bi - vô úy như cái kiềng ba chân, hễ thiếu một thì hỏng. Con đường thoát khổ, giải thoát đã có rồi còn đi hay không là ở chúng ta. Phật, Bồ Tát không thể đi giúp được ai. Các ngài đi thì các ngài đến chứ mình làm sao đến được! Con đường giải thoát chuyển phàm thành thánh nhất định phải đi qua tứ diệu đế, bát chánh đạo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… đây là cốt lõi căn bản, là cái sườn, là cột sống của bộ xương. Mình cũng như niều Phật tử sơ cơ khác, tu theo pháp môn niệm Phật, đây cũng là một cửa phương tiện, dùng câu Phật hiệu để huấn luyên tâm, nhiếp tâm, định tâm. Dùng câu Phật hiệu như cái mỏ neo để giữ con thuyền tâm không bị trôi giạt theo sóng gió, dùng câu phật hiệu như sợi dây để giữ con diều không bị rơi hay cuốn theo gió mà bay mất. Trụ vào câu Phật hiệu thay vì trụ vào ngũ dục lục trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hay tài, sắc danh, thực, thùy). Tuy nhiên hiệu quả đến đâu là tùy thuộc vào quyết tâmnăng lực của mỗi người.

Khi sư bà Hải Triều Âm tổ chức khóa tu niệm Phật vào mùa thu ấy là dụng ý chuyên nhất, đẩy mạnh sự siêng năng tu học niệm Phật chứ không phải chỉ niệm Phật vào mùa thu. Xuân, hạ, thu, đông gì cũng niệm Phật, ngày tháng năm nào cũng niệm Phật, thời nào cũng niệm Phật. Niệm Phật trong từng phút giây, giữ câu Phật hiệu mọi thời, mọi lúc, mọi nơi. Sư bà một đời tinh chuyên tu học, miên mật niệm Phật, đức độcông hạnh khó nghĩ bàn. Ngày lâm chung hào quang xuất hiện giữa trời quang, liên tiếp nhiều tuần chung thất hào quang xuất hiện trên tháp. Điều này có thể lý giải là hiện tượng ngẫu nhiên của tự nhiên, tuy nhiên cũng không thể ngăn ngại khi mình và nhiều Phật tử sơ cơ khác tin là sự cảm ứng không thể nghĩ bàn.

 Mùa thu này, năm nay thành Ất Lăng đẹp lắm, muôn sắc gấm hoa, có lẽ mùa thu ở đây cũng không khác mùa thu của Colorado, New York, Paris, Kyoto, Cửu Trại Câu… Ở đâu cũng sắc lá muôn màu rực rỡ, cứ ngỡ như có gã họa sĩ thiên nhiên nào đó bất chợt cao hứng mà hắt cả khay màu xuống trần gian. Tuy nhiên có một chút khác là mùa thu của những người niệm Phật, tu Phật, học Phật thì không chỉ đẹp ở hiện tại mà còn sẽ đẹp tiếp ở những mùa thu của tương lai. Người học Phật biết một cách rõ ràng là một khi nhắm mắt xuôi tay thì tất cả của cải,công danh, sự nghiệp, tình cảm… đều bỏ lại hết, cái duy nhất có thể mang theo, nhất thiết mang theo, buộc phải mang theo dù muốn hay không muốn đó là những nghiệp thiện - ác đã làm. Trong các nghiệp thiện ấy thì niệm Phật, tu học Phật pháp, thực hành Phật pháp là tối thiện, thế gian này chẳng có việc nào có thể thiện hơn! Nhờ Niệm Phật, tu họcthực hành Phật pháp từ những mùa thu quá khứmùa thu này ta còn được thân người, hy vọng những mùa thu sau sẽ sanh vào những cảnh giới cao đẹp tốt lành hơn, hoặc chí ít cũng được tái sanh làm người. Mình cũng như những Phật tử sơ cơ khác, nếu giữ được năm giới căn bàn thì có hy vọng tái sanh cõi người, còn như tinh tấn hơn thì đới nghiệp vãng sanh. Mùa thu này, mùa thu sau chúng ta cùng niệm Phật, niệm Phật bốn mùa, niệm Phật quanh năm, niệm Phật suốt đời, niệm Phật trong mỗi phút giây chánh niệm.

 

Thanh Nguyễn

Ất Lăng thành, 010923

Nhật Ký Một Phật Tử (16)
Nhật Ký Một Phật Tử (15)

Nhật Ký Một Phật Tử (14)
Nhật Ký Một Phật Tử (13)
Nhật Ký Một Phật Tử (12)

Nhật Ký Một Phật Tử (11)
Nhật Ký Một Phật Tử (10)

Nhật Ký Một Phật Tủ (9)
Nhật Ký Một Phật Tử (8)
Nhật Ký Một Phật Tử (7)
Nhật Ký Một Phật Tử (6)
Nhật Ký Một Phật Tử (5)
Nhật Ký Một Phật Tử (4)
Nhật Ký Một Phật Tử (3)
Nhật Ký Một Phật Tử (2)
Nhật Ký Một Phật Tử (1)




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/10/2018(Xem: 6816)
23/09/2020(Xem: 3841)
18/09/2016(Xem: 11832)
14/08/2017(Xem: 7043)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.