● Người Cư Sĩ & Vấn Đề Tiền Bạc, Tài Sản (Chúc Phú)

14/12/201112:00 SA(Xem: 15206)
● Người Cư Sĩ & Vấn Đề Tiền Bạc, Tài Sản (Chúc Phú)

NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 189
Người Cư SĩVấn Đề Tiền Bạc, Tài Sản

Người cư sĩ & vấn đề tiền bạc, tài sản
Chúc Phú 
hạnh phúc nhiều người,
Hãy gầy dựng tài sản(1)

Quan niệm của Đức Phật
về vấn đề tiền bạc, tài sản

tienbacVới Đức Phật, tiền bạc và tài sản chỉ là phương tiện sống không thể thiếu của con người nói chung và của hàng cư sĩ nói riêng. Sống thì phải có phương tiện. Biết tạo ra phương tiện hợp pháp cũng như quản lýsử dụng tốt phương tiện, chứng tỏ một người cư sĩ chuẩn mực và trưởng thành. Có được tài sảnsử dụng chúng hợp lý là hai trong bốn điều hạnh phúc được Phật dạy trong kinh Tăng Chi(2).

Theo quan điểm của Đức Phật, một đời sống có ý nghĩamột đời sống không bận tâm quá nhiều về tiền bạc và tài sản. Một đời sống mà ở đó con người có đủ điều kiện để nuôi sống thật dễ dàng(3), là lý tưởng sống của người cư sĩ tại gia. Nếu như đời sống quá khó khăn, nếu như thường xuyên lâm vào cảnh túng thiếu, thì dễ dẫn đến bất hạnh, kéo theo là phải mang nợ và thậm chí dễ bị sa ngã vào những phương cách mưu sinh bất chánh. Tiến trình đó được Đức Phật mô tả rất rõ trong kinh: Như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị hối thúc, đốc thúc cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời(4). Quả thực, không gì rõ ràng hơn khi Đức Phật khái quát quá trình dẫn đến đau khổ khi lâm vào cảnh túng thiếu: nghèo khổ - mắc nợ - tiền lời - bị hối thúc - bị truy tìm - bị bắt trói - đau khổ. Trong xã hội hiện đại hôm nay, nếu như nhìn thật sâu vào thực tế đời sống, chúng ta dễ dàng phát hiện chuỗi liên hệ nhân quả bất hạnh này thỉnh thoảng xuất hiện trên một số kênh thông tin. Ở đây, có thể thấy rằng, một đời sống tự chủ về tiền bạc, thanh thản về thân và tâm, sống không hổ thẹn với lòng, dám ngửa mặt với đời, không mắc nợ ai, là một trải nghiệm hạnh phúc. Không mắc nợhạnh phúc(5) là điều được Đức Phật xác quyết rõ ràng.

Quán sát thực tại xã hội thuở xưa, Đức Phật đã nhận thức rất rõ, một trong những nguyên nhân tạo nên sự bất an trong xã hội như cướp bóc, tham nhũng, bạo hành… cũng bắt nguồn từ những vật vã và bế tắc, trong nỗ lực tìm kiếm phương kế sinh nhai, hoặc xuất phát từ sự nghèo khó cùng tột của con người. Kinh Cứu La Đàn Đầu(6) đã chỉ rõ, nếu như một đất nước quá nghèo khổ, thì các loại tội phạm, giặc cỏ, các tệ nạn xã hội cũng như nạn cướp bóc rất dễ xảy ra. Là một quân vương thông tuệ, sẽ không chỉ nghĩ đến việc trừng trị những người này, vì giải pháp trừng trị chỉ là giải pháp nhất thời, không phải là con đường tốt nhất để đem đến sự bình an cho xã hội, cũng như không thể ngăn ngừa các loại tội phạm phát sanh. Cách tốt nhất theo kinh văn: Nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn: những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng(7).

Như vậy, sự an lạc của mỗi người là cơ sở bình an của tất cả mọi người. Khi mỗi chúng sanh không còn đói khổ, khi đất nước ngày một đi lên, khi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo sâu sát với thực tế đời sống… thì hạnh phúc, bình an sẽ có mặt trong đời sống của mỗi con người. Ở đây, có thể thấy chủ trương xuyên suốt trong giáo lý của Đức Phật là nhằm giúp chúng sanh vơi bớt và thậm chí đoạn tận khổ đau trong nghĩa hiện thực nhất. Sự phú cường của một quốc gia, của một thôn xóm, của một gia đình... cũng là những điều mà Đức Phật mong mỏi, quan tâm. Trong ý nghĩa cụ thể, có thể thấy quan niệm về tiền bạc và tài sản, cũng là một sự quan tâm sâu đậm của Đức Phật đối với hiện thực sống của con người nói chung.

Theo quan điểm của Phật giáo, tự thân tài sản và tiền bạc chưa nói lên được điều gì. Vấn đề chính là ở chỗ thái độ cũng như cách hành xử của con người, nói lên thực chất giá trị của tiền bạc và tài sản. Ở nơi này, tiền bạc và tài sản có thể là vô nghĩa, nhưng ở không gian khác, chúng có thể là phương tiện dẫn đến an lạc, hạnh phúc hoặc là đối tượng tiềm ẩn nguy hiểm, đau khổbất an. Hình ảnh một hồ nước đầy đủ các tính chất tối ưu cho sức khỏe của con người, nhưng không được phát hiện mà ẩn tàng trong núi sâu, là ví dụ sinh động về thực chất của tiền bạc và tài sản. Kinh ghi: ví như một hồ nước tại chỗ vắng người, với nước trong sáng, với nước mát lạnh, với nước dịu ngọt, với nước trắng tinh, với bờ bến tốt đẹp và khả ái. Nhưng không có người đến gánh nước, hay uống nước, hay tắm, hay sử dụng hồ nước ấy vào bất cứ công việc gì. Như vậy, thưa Đại vương, nước ấy không được thọ dụng chơn chánh sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng(8).

Nơi đây, quan điểm của Đức Phật về tài sản và tiền bạc hết mực rõ ràng: tài sản và tiền bạc chỉ là phương tiện, nội hàm bản chất vô thường, là phước báo của nhiều kiếp quá khứnỗ lực trong hiện tại, cần được sử dụng hợp lý nhằm đáp ứngthỏa mãn những mục tiêu chân chánh, đúng pháp.

Phương thức tạo dựng tài sản, tiền bạc

nhacuaMuốn có được tiền bạc và tài sản thì phải nỗ lực tạo dựng. Tùy theo hoàn cảnhđiều kiện của mỗi cá nhân để có thể lựa chọn cho mình một sinh kế phù hợp. Với một cái nhìn đại lược, Đức Phật cho rằng con người có thể kiếm sống qua một số sinh kế như: nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, công chức, quân đội… thậm chí bất cứ ngành nghề nào hiện có trong xã hội(9). Miễn làm sao, cần phải khéo léo, tinh thông, giỏi giang trong mỗi ngành nghề của mình, yếu tố đó, kinh Tăng Chi gọi là đầy đủ sự tháo vát(10).

Trong những ngành nghề mà kinh văn thường mô tả, có lẽ lãnh vực thương nghiệp, kinh doanh là một trong những ngành nghề được lưu lại nhiều nhất. Theo Đức Phật, kinh doanh là một ngành nghề nhanh chóng đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn(11). Muốn thành công trong kinh doanh, doanh nhân phải hội đủ ba điều kiện cơ bản: Có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản(12).

Trước hết, doanh nhân phải biết rõ thương phẩm của mình. Mỗi thương phẩm có những đặc tính khác nhau, nội hàm giá trị khác nhau, cách thức bảo quản, vận chuyển khác nhau, giá cả sẽ thay đổi trong những thời điểm khác nhau. Mua thương phẩm ở đâu, vào thời điểm nào, giá cả ra sao để đem lại lợi nhuận tốt nhất… là những yêu cầu bắt buộc cần phải có đối với một thương nhân. Nhận thức rõ ràng về đặc tính cũng như giá trị thương phẩm và lợi nhuận mà thương phẩm đem lại, gọi là người buôn bán có mắt.

Yếu tố người buôn bán có mắt cũng còn được xem là tầm nhìn, là chiến lược kinh doanh. Yếu tố này, cũng được đề cập rất mực chi tiếtrõ ràng trong kinh Tiểu Bộ, chuyện Tiền thân Cullakasetthì(13). Từ xác một con chuột chết, nhưng với phương thức kinh doanh tích tiểu thành đại, lấy ngắn nuôi dài của người buôn bán có mắt, cộng với phước quả đã gieo từ nhiều đời, kết hợp với các điều kiện thuận lợi khác, người thiện nam nghèo khốn đã từng bước xây dựng được một sự nghiệp vững vàng. Sự kiện này được Đức Phật tán thán: Bậc trí với ít vốn / Bậc có mắt, ít hàng / Tự xây dựng cho mình / Tài sản lớn như vậy / Như dùng hơi thở mình / Thổi lớn đám lửa nhỏ(14).

 Thứ hai, trong hoạt động kinh doanh, sự chu chuyển, vận hành của hàng hóa là một minh chứng cho sự ổn định và phát triển. Mua hàng trong những thời điểm thích hợp và đem chúng đến tay người tiêu dùng một cách thông minh, chứng tỏ bản lĩnh của một người kinh doanh tốt. Ngoài ra, sự tích cực, năng động được xem như một yếu tố mang tính sống còn của hoạt động kinh doanh. Chợ búa thì phải ồn ào, kinh doanh thì phải tích cực, năng động. Một thái độ ù lì, chậm chạp, không thích hợp cho hoạt động kinh doanh. Doanh nhân khi hoàn thiện được đức tính này, kinh văn gọi là người buôn bán khéo phấn đấu.

Kế đến, hai yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh dù ở bất cứ thời đại nào, đó chính là sự bảo chứng và niềm tin. Bảo chứng là sự khẳng định tiềm lực tự thân và niềm tin thì do tha nhân đem lại. Không có vốn để bảo chứng thì không thể làm ăn và không có niềm tintha nhân thì hoạt động kinh doanh sẽ trở nên đình trệ. Nhìn vào tổ chức một doanh nghiệp hay một cửa hiệu buôn bán, nếu như những người kinh doanh kia không có vốn cơ bản, không có tài sản vững vàng, mất niềm tin với các đối tác, mất niềm tin với người tiêu dùng… thì không sớm hay muộn, hoạt động kinh doanh sẽ nhanh chóng bị phá sản. Ở đây, hoạt động kinh doanh sẽ trở nên phát đạt, nếu như người buôn bán, kinh doanh tạo dựng được một số vốn làm ăn vững chãi, có một uy tín nhất định trong giới kinh doanh, thực hiện trọn vẹn các trách vụ cần làm đối với người thân và những người cộng sự. Kinh Tăng Chi gọi đó là người buôn bán xây dựng được cơ bản.

Thuở xưa, hoạt động buôn bán chỉ mang tính đơn giản, nhỏ lẻ, mặc dù vậy, ba yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh được Đức Phật khẳng định như có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản tác dụng rất lớn trong hoạt động kinh doanh thời đó. Trong một chừng mực nhất định, ba yếu tố này, vẫn mang ý nghĩa thời sự nếu như chúng ta liên hệ đến bối cảnh cụ thể của hoạt động kinh doanh hiện nay. Buôn bán là con đường ngắn nhất để gầy dựng tài sản. Khẳng định này, xét về mặt tư liệu lịch sử, có lẽ kinh Phật là cơ sở tuyên ngôn đầu tiên.

Sử dụng tài sản hợp lý

nhacua2Được thọ dụng hợp lý tài sản do mình tạo ra đồng thời dùng tài sản đó lo cho những người thân trong gia đình và làm các công đức cần thiết, là một trong bốn điều hạnh phúc khi sống trong đời theo lời Phật dạy. Kinh gọi đó là lạc thọ dụng(15). Theo kinh văn, với một người cư sĩ chân chánh thì tiền bạc và tài sản cần phải sử dụng cho những mục đích: Đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng(16).

Việc sử dụng tài sản nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân đúng pháp được Phật chấp nhận. Đem lại an lạc cho mình còn có nghĩa sử dụng tiền bạc, tài sản đáp ứng những nhu cầu chính đáng của cá nhân như ăn, mặc, ở và các phương tiện sống cơ bản khác. Hình ảnh một đại phú gia giàu có tột bậc nhưng chỉ ăn đồ ăn hư cũ, mặc đồ rách rưới, phương tiện đi lại tạm bợ, chết trong đau khổ, cô đơn và để lại vô khối tài sản, được vua Pasenadi nước Kosala miêu tả kỹ càng: Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của triệu phú gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ, cũ kỹ và hư nát, có gắn tán che bằng lá(17). Tự thân giàu có, nhưng không dám chi tiêu cho bản thân, thậm chí không dám đáp ứng những nhu cầu sống cơ bản, là điều bất hạnh cho bất cứ ai khi sống trong đời. Và càng bất hạnh hơn, khi người phú gia mà kinh văn vừa mô tả lại không có con, và do vậy, toàn bộ tài sản của ông ấy bị sung công sau khi ông quá vãng. Từ đây, mới thấm thía ý nghĩa sự phù du của tài sản và tiền bạc. Cũng từ sự kiện này, cần phải ý thức rằng, sử dụng tài sản và tiền bạc nhằm đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản của bản thân là điều chân chánh, đúng pháp.

Nếu như chỉ dừng lại ở mục tiêu nhằm thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân thì hoạt động tạo dựng tài sản và tiền bạc sẽ trở nên vô nghĩa, mất sức sống, thậm chí dẫn vào con đường bại vong như sự khẳng định trong kinh Tiểu Bộ: Người giàu có tài sản / Có vàng bạc thực vật / Hưởng vị ngọt một mình / Chính cửa vào bại vong(18). Ở ngay đây, mặc dù về cơ bản, tất cả chúng sanh đều tồn tại nhờ đồ ăn(19) nhưng nếu như chỉ sử dụng toàn bộ tài sản và tiền bạc kiếm được chăm lo cho bản thân, thì chưa thật sự toàn vẹn về nhân cách. Cần phải thấy, nhân cách của một con người không những bị ảnh hưởng bởi phương thức sinh nhai, mà còn bị chi phối bởi cách thức sử dụng tiền bạc. Một người cư sĩ toàn vẹn về nhân cách, từ trong kinh gọi là chân nhân, sẽ sử dụng tài sản và tiền bạc kiếm được không những chỉ phục vụ nhu cầu của cá nhân, mà còn phải chăm lo những người thân cũng như những cộng sự của mình.

Trên phương diện liên hệ xã hội, sự thành công của một người có sự liên hệ, tác động sâu xa từ nhiều người. Một người cư sĩ lý tưởng phải thấy được mối liên hệ sâu xa này và có những gia tâm hỗ trợ đúng mực. Các chương trình an sinh xã hội, các việc làm phúc lợi tại địa phương, nhằm đem lại sự tiện nghi, bình an cho nhiều người đang sống… cũng là những việc mà người cư sĩ chân chánh cần sử dụng tài sản và tiền bạc của riêng mình để góp phần thực hiện. Ai trồng vườn, trồng rừng / Ai dựng xây cầu cống / Đào giếng, cho nước uống / Những ai cho nhà cửa / Những vị ấy ngày đêm / Công đức luôn tăng trưởng / Trú pháp, cụ túc giới / Những vị ấy sanh thiên(20).

Đời sống là một dòng chảy của nhiều sinh mệnh liên tục nối tiếp nhau. Sắc thân kế tục sắc thân, đời sống nối tiếp đời sống. Bản thân của chúng tathành quả của sự kế thừa di sản cả vật chấttinh thần của nhiều thế hệ đi trước. Và do vậy, việc tri ân tiền nhân cũng là ứng xử đạo đức cần có của người cư sĩ chân chánh. Ngay đây, việc sử dụng tài sản tiền bạc cho những buổi lễ tế tự, hiến cúng cũng là điều cần làm. Theo kinh văn, người cư sĩ cần phải thực hiện các lễ hiến cúng như hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên(21).

Như vậy, người cư sĩ chân chánh phải biết sử dụng tài sản lo cho bản thân, gia đình, bà con họ hàng, cộng sự, bạn bè, công ích xã hội, hiến cúng tiên linh và phụng sự Tam bảo… là những cách sử dụng tài sản, tiền bạc đúng pháp được Phật khuyến khích. Kinh văn sử dụng hình ảnh hết mực sinh động: Ví như, này gia chủ, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô có tinh túy của thục tô, đề hồ, tinh túy thục tô được xem như tối thượng ở đây. Cũng vậy, này gia chủ, trong mười hạng người hưởng dục này, vị hưởng dục này, tầm cầu tài sản đúng pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp và không dùng sức mạnh, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, chia sẻ và làm các công đức, thọ hưởng các tài sản ấy, không tham đắm, không đắm say, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ. Trong mười hạng người hưởng dục này, hạng người này là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và tối tôn(22).

Nếu thử làm một phép thống kê nhỏ, có thể thấy rằng, sử dụng tài sản, tiền bạc vì mục tiêu tha nhân là điều được Đức Phật chú trọng, quan tâm vì chúng có tần số xuất hiện khá cao trong nhiều kinh điển.

Quản lýbảo vệ tài sản

Trong vấn đề quản lý hợp lý tiền bạc và tài sản, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt(23), Đức Phật đã khéo phân tích: Nên chia tài sản ra làm bốn, một phần dành cho việc chi dụng những nhu cầu hợp lý của bản thân mình và những người thân liên quan, hai phần kế tiếp dành cho việc đầu tư vào các kế hoạch phát triển kinh tế và phần cuối cùng cất kỹ, để dành, phòng khi khó khăn hoạn nạn. Chuyện tiền thân Kancanakkhandha(24) trong kinh Tiểu Bộ cũng đưa ra quan điểm tương tự như thế. Trong sự gập ghềnh bất an của thực tế đời sống, xưa cũng như nay, cách quản lý tài sản này cũng là một quan điểmgiá trị tham khảo, vận dụng.

Tiền bạc và tài sản là cội nguồn của nhiều phương tiện. Từ tiền bạc và tài sản, con người có thể biến ước mơ chính đáng thành những hiện thực sinh động trong đời. Ở một tầng nghĩa nào đó, tài sản và tiền bạc được ví như sinh mạng thứ hai của con người. Đôi khi người ta bất chấp sinh mạng để bảo vệ tài sản, vì họ xem sinh mạng thứ hai này quan trọng hơn sinh mạng thực của chính mình. Đây là một nhận thức sai lầm về bản chất của tài sản, tiền bạc. Do bởi yếu tố đặc thù này, tài sản bị nguy hiểm về lửa; bị nguy hiểm về nước; bị nguy hiểm về vua; bị nguy hiểm về trộm cướp; bị nguy hiểm về các người thừa tự không khả ái(25). Đây là những mối nguy hiểm thường trực, có khả năng tiêu tán tài sản một cách nhanh nhất. Đơn cử như các thảm họa, thiên tai. Khi đối diện với những hiện tượng này, dù có được bảo vệ vững chắc cách mấy đi chăng nữa, thì tiền bạc và tài sản sẽ nhanh chóng tiêu vong. Không những thế, với những gia đình thiếu phước, đã sản sinh ra những người con phá gia chi tử, đây cũng là một thực tế đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình. Người thừa tự không khả ái là từ dùng trong kinh để chỉ cho trường hợp này. Ở đây, việc tạo dựng tải sản cũng cần phải song hành với dạy bảo con cái, là một lưu ý quan trọng được rút ra từ sự kiện này. Vì thực tế cho thấy rằng, có những bậc cha mẹ cứ mãi lo tạo dựng tài sản và tiền bạc, cũng với mục đích chân chánh là để lại cho con thôi, nhưng do không quan tâm dạy bảo con kịp thời, đến khi cha mẹ già yếu và con cái thừa hưởng gia sản, thì gia sản sẽ nhanh chóng bại vong. Từ những điều trình bày, cần phải thấy, làm ra tiền bạc và tài sản đã khó, và do vậy việc giữ gìnbảo vệ chúng cũng là một trong những việc cần quan tâm của người cư sĩ.

Trên phương diện liên hệ đến chủ thể tạo ra tài sản, một khi cơ nghiệp vững vàng, thì đó cũng là lúc những biến thể của dục vọng luôn hiện hữu đoanh vây, sẵn sàng góp phần làm tiêu tán tiền bạc và tài sản mà chủ nhân đã tích góp, dành dụm. Nguy cơ đó được Phật chỉ rõ: có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản thâu nhập: “Đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc; bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác, giao du kẻ ác”(26). Đây chỉ là những yếu tố tiêu biểu cho nguy cơ làm thất thoát tài sản. Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt liệt kêba mươi sáu thứ có khả năng làm phung phí tài sản mà khởi đầu từ sáu nguyên nhân: Đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thờinguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hý viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữunguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản(27). Vì thực tế đời sống của con người được triển khai trên nền tảng của hệ thống các dục vọng(28), mong mỏi được thỏa mãn dục vọngđặc tính cố hữu của chúng sanh nói chung và của con người nói riêng. Dục vọng thì đa dạng và không thể kể hết, thế nên khi chạy theo các dục nói chung là một nguy cơ lớn, mà người cư sĩ cần phải tỉnh táo nhận racố gắng kiểm soát, để không thất thoát tiền bạc và tài sản một cách vô nghĩa.

Từ thực tế tương đối, có thể thấy rằng tài sản và tiền bạc là phương tiện sống của con người. Con người không thể sống thiếu phương tiện. Tạo dựng phương tiện đã khó, việc giữ gìn phương tiện không để chúng thất thoát lại là việc khó hơn. Giữ gìn, bảo quản đươc tài sản, tiền bạc, kinh gọi đó là đầy đủ sự phòng hộ(29). Hình ảnh một hồ nước, được Đức Phật ví dụ như tiền bạc và tài sản, có nguồn cấp nước, được bảo hộ kỹ càng, có các đường dẫn nước phục vụ đời sống, không để thất thoát lãng phí, thỉnh thoảng lại gặp trời mưa, thì hồ nước đó ngày càng sung mãn và đem lại lợi lạc cho nhiều người. Ẩn dụ sinh động này được lặp lại nhiều lần trong kinh Dìghajanu, Người Koliya(30).

Thái độ sống của người cư sĩ đối với tài sản, tiền bạc

Nỗ lực mưu sinh, nỗ lực làm giàu là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên cách thức làm giàu của mỗi người không ai giống ai, vì phương thức sinh nhai nói lên tầm mức của một con người và hơn thế, nó lưu lại dấu ấn đạo đức. Nói rõ hơn, mưu sinh hoặc làm giàu thì phải có đạo đức. Không thể bất chấp phương tiện để mưu sinh, vì lẽ khi mưu sinh bất chánh, hoa trái sẽ gắn kết với bất hạnh và khổ đau. Ở đây, kiếm sống bằng phương thức chân chánh, thuật ngữ gọi là chánh mạng, là điều được Phật khuyến khích. Một người cư sĩ đúng mực, sẽ tránh xa những ngành nghề tiềm ẩn những nguy cơ gây ra đau khổ bất an, cho mình và cho người. Ở thời Phật, Ngài đã khuyến cáo một số ngành nghề mà người cư sĩ thuần thiện không nên làm. Đó là các ngành nghề như: Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc(31). Với sự phát triển của xã hội nghiêng về việc tìm kiếmthỏa mãn các dục như xã hội ngày nay, thì khuyến cáo đó của Đức Phật nên chăng cần được mở rộng đối với một số ngành nghề mang tính nhạy cảm mà không tiện kể hết ra đây.

Thứ hai, giàu có không phải là cái tội. Tội lỗi hay không là do cung cách sống, thái độ sống của người sở hữu tiền bạc và tài sản. Có những người quen sống với điều kiện sở hữu bình thường. Đột nhiên gặp được lộc lớn do thừa kế hay do các thiện nhân duyên khác, nên họ dễ dàng choáng ngợp trước hấp lực kinh hoàng này. Đây là cửa ngõ dẫn đến những bất hạnh, khổ đau khi không quản lý được tài sản và tiền bạc. Câu chuyện Vàng hay Rắn là một minh họa sống động trong trường hợp này. Với điều kiện nghiệp cảm tự thân của chúng sanh nói chung, Đức Phật vẫn e ngại, băn khoăn, vì biết rằng nguy cơ bị tiền bạc và tài sản sai sử là điều dễ dàng xảy ra đối với một người cư sĩ bình thường. Vì hơn ai hết, Ngài biết rằng: Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với người khác. Trái lại, thật là nhiều thay những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác(32). Từ đoạn kinh vừa dẫn trên, có thể thấy rằng, làm chủ được tiền bạc, không bị tiền bạc sai sử là thái độ sống đúng mực của người cư sĩ chân chánh.

Thứ ba, sự phát triển bền vững của đời sống con người nói chung là sự phối hợp cân bằng giữa những giá trị vật chất cùng những điều kiện tinh thần. Xưa nay trong quan niệm thường tục, người ta chỉ thấy tài sản và tiền bạc qua hiện hữu vật chất mà không thấy được phương diện thứ hai, sâu hơn của tài sản, tiền bạc. Rõ ràng hơn, Đức Phật không bảo chúng sanh chỉ quan tâm và dừng lại ở tài sản vật chất, mà ngài quan tâm đến những tài sản thuộc lãnh vực tinh thần. Vì thực tế tài sản vật chất thì luôn bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch(33). Còn những tài sản thuộc về những giá trị tinh thần luôn bền vững với thời gian. Đó là các tài sản thuộc về niềm tin (tín tài), từ việc thực hành các chuẩn mực đạo đức căn bản (giới tài), biết xấu hổ với người (tàm tài), biết tự thẹn với mình (quý tài), biết lắng nghe những điều lợi ích, thiện pháp (văn tài), biết san sẻ với người khốn khó và biết phụng cúng các bậc tôn trưởng (thí tài), biết trưởng dưỡng hạt giống trí tuệ, tạo những điều kiện thuận lợi để trí tuệ phát sanh (tuệ tài). Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối(34). Cũng theo kinh văn vừa nêu, nếu như bất cứ ai hội đủ bảy thứ tài sản này, sẽ là bậc phú hào đúng nghĩa mà ngay cả trời và người cũng khó có thể so sánh.

Tài sản và tiền bạc là thực tại sinh động, gắn kết với đời sống của người cư sĩ tại gia. Nhận thức đúng về bản chất của chúng để tùy duyên ứng xử, là việc quan thiết của người cư sĩ thuần thiện. 

 

(1) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Vua Munda, kinh Bậc chân nhân.

(2) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ.

(3) Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, chương Một, phẩm Rắn, kinh Từ bi.

(4) Kinh Tăng Chi, chương Sáu pháp, phẩm Dhammika, kinh Nghèo khổ.

(5) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ.

(6) Kinh Trường Bộ, tập 1, kinh Cứu La Đàn Đầu.

(7) Kinh đã dẫn.

(8) Kinh Tương Ưng, tập 1, chương ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Không con.

(9) Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.

(10) Kinh đã dẫn.

(11) Kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, phẩm Người đóng xe, kinh Người buôn bán.

(12) Kinh đã dẫn.

(13) Kinh Tiểu Bộ, tập 4, chương một, phẩm Apannaka, kinh số 4, kinh Tiền thân Cullakasetthì.

(14) Kinh đã dẫn.

(15) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ.

(169) Kinh Tương Ưng, tập 1, chương ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Không con.

(17) Kinh đã dẫn.

(18) Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, phẩm Rắn, kinh Bại vong (Paràbhava).

(19) Kinh Tăng Chi, chương Mười pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn.

(20) Kinh Tương Ưng, tập 1, Thiên có kệ, tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng.

(21) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.

(22) Kinh Tăng Chi, chương Mười pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Người hưởng dục.

(23) Kinh Trường Bộ, tập 2, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt.

(24) Kinh Tiểu Bộ, tập 4, kinh số 56, kinh Chuyện khối vàng (tiền thân Kancanakkhandha).

(25) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Du hành dài, kinh Tài sản.

(26) Kinh Tăng Chi, chương Tám Pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.

(27) Kinh Trường Bộ, tập 2, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt.

(28) Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại kinh mãn nguyệt.

(29) Kinh Tăng Chi, chương Tám Pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.

(30) Kinh đã dẫn.

(31) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Người buôn bán.

(32) Kinh Tương Ưng, tập 1, chương ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ nhất, kinh Thiểu số (Appaka sutta).

(33) Kinh Tăng Chi, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, kinh Ugga.

(34) Kinh đã dẫn.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/01/2011(Xem: 254566)
17/09/2013(Xem: 10172)
09/12/2013(Xem: 8745)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.