CỦA PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Thích Hạnh Bình
Nhà xuất bản Phương Đông 2009
LỜI NÓI ĐẦU
Tác phẩm “Triết học có và không của Phật giáo ở Ấn Độ” mà độc giả đang cầm trên tay là tác phẩm gồm nhiều bài viết ngắn, được viết trong thời gian tác giả còn đang du học tại Đài Loan (Taiwan), với nội dung chủ yếu phân tích giải thích tư tưởng có (bhva) và không (Sènyat) là hai hệ thống tư tưởng lớn của Phật giáo ở Ấn Độ, đặc biệt thuyết minh về mối quan hệ thiết thân giữa hai học thuyết này. Để vấn đề được trình bày rõ ràng tác giả đã thêm vào một số bài nghiên cứu giáo lý liên quan đến hai hệ tư tưởng này như Giáo lý Duyên khởi, Trung đạo, 12 nhân duyên và 6 nhân 4 duyên.
Thông thường chúng ta biết, ‘có’ là hệ tư tưởng của phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvstivdin) thuộc thời kỳ Phật giáo Bộ phái, và ‘không’ là hệ tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Như chúng ta biết, thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, chủ trương không thảo luận những vấn đề mang tính siêu hình như thế giới là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, thân và mạng là một hay khác, Như Lai sau khi nhập Niết bàn còn hay mất… Những vấn đề này không được đức Phật trả lời, đó chính là nguyên nhân dẫn đến thời kỳ Phật giáo bộ phái. Đầu tiên phái Độc Tử bộ (Vts´putr´ya) công khai chủ trương ‘Ngã pháp hằng hữu’ (Pudgala), cho rằng xác thân và linh hồn không bị mất. Chủ trương này không được phái Hóa Địa bộ (Mahi§saka) đồng tình nên chủ trương ‘Quá khứ và vị lai là không thật, chỉ có hiện tại vô vi là thật có’. Hữu bộ (Saravastivada) không đồng tình cả hai phái này, phủ nhận hai học thuyết trên và đưa ra quan điểm: ‘Ba thời gian là quá khứ hiện tại và vị lai là có thật, đồng thời bản chất của các pháp là không bị mất đi, vĩnh viễn tồn tại’ hay nói cách khác, phái này cho rằng, thời gian và không gian là có thật. Tuy nhiên, quan điểm tư tưởng này, dù gì đi nữa, trong ấy ẩn tàng ý nghĩa mâu thuẫn với giáo lý Duyên khởi vô thường vô ngã của đức Phật. Do vậy, đây chính là động cơ để hình thành hệ tư tưởng ‘không’ của Phật giáo Đại thừa.
Không (sènyat) mà Phật giáo Đại thừa đề cập, nó không đồng nghĩa là hư không, trống không, không có gì cả, nó cũng không mang ý nghĩa ‘nếu vô tâm đối với vạn vật thì vạn vật cũng không’ như người Trung Quốc đã lý giải tư tưởng không của Phật giáo Đại thừa, mà chữ ‘không’ này mang ý nghĩa: Sự tồn tại của mọi vật như dòng chảy, không đứng yên, không có tướng nhất định. Trạng thái đó không thể gọi là ‘có’ cũng không thể gọi là ‘không’; có nhưng cái có đó mang tính huyễn hóa, cho nên Bồ tát Long Thọ (Ngrjuna) gọi là giả danh (praj�pti); không nhưng không phải là không có, cho nên gọi là ‘không tánh’ (S. §ènyat, P. su��at). Đây chính là ý nghĩa chữ ‘không’ trong Phật giáo Đại thừa.
Những tác phẩm nghiên cứu về chủ đề này, viết bằng ngoại ngữ thì có khá nhiều, nhưng viết bằng tiếng Việt có rất ít, nhất là tác phẩm chuyên đề nghiên cứu về phái Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ thì lại càng giới hạn, hay nói đúng hơn là không có. Đây cũng chính là động lực để tác phẩm này đến độc giả, nó chỉ mang tính gợi ý, tạo sự kích thích cho sự nghiệp nghiên cứu Phật học được chú ý, nhất là Phật giáo Bộ phái.
Điểm đặc thù trong tác phẩm này là tác giả rất chú trọng đến văn bản học, khi trình bày vấn đề gì đều có dẫn chứng và chú thích rõ ràng, đồng thời dùng phương pháp sử học để phân tích mối quan hệ trước sau, theo quá trình phát triển của Phật giáo Ấn Độ, và vay mượn phương pháp ngôn ngữ học để đối chiếu so sánh và lý giải những vấn đề dị biệt giữa nguyên bản và dịch bản khi xuất hiện nghi vấn.
Sự ra đời tác phẩm này, nhằm giúp cho người nghiên cứu Phật học có thêm nguồn tư liệu và ý kiến, để độc giả rộng đường suy tư và tìm hiểu giá trị của lịch sử.
Đài Bắc ngày 14 tháng 12 năm 2007
THÍCH HẠNH BÌNH