ĐI TÌM CƠ SỞ TRUYỀN THỪA
CỦA NI GIỚI TẠI VIỆT NAM QUA THƯ TỊCH HÁN CỔ
Chúc Phú
Lịch sử truyền thừa của Ni giới ở một số bộ phái Phật giáo nói chung mãi đến hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể lý giải trọn vẹn. Ngay như tại Việt Nam, do đặc thù của các điều kiện lịch sử, thế nên nhiều nguồn thư tịch quý giá cổ xưa bị mất mát và hư hoại. Do vậy, việc tìm kiếm những cơ sở truyền thừa, hoặc chí ít là những manh mối của chúng, là những công việc không hề dễ dàng. Mặc dù vậy, trên tinh thần nỗ lực tìm kiếm và kiện toàn những tư liệu liên quan đến sự truyền thừa của Ni giới nói chung tại Việt Nam, chúng tôi cố gắng thực hiện vài phác thảo, nhằm cung cấp những nguồn thư tịch Hán cổ có khả tính tham chiếu. Đó là điều cần phải nói trước khi đi vào chuyên khảo này.
1. Vài vấn đề đặc thù của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu Công nguyên
1.1. Thử xác định vị trí địa lý của Việt Nam khoảng đầu Công nguyên cho đến thế kỷ V Tây lịch
Tác phẩm An Nam chí lược của (安南志畧) của Lê Tắc (黎崱) cho biết: Đất Nam Giao xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, nhà Tần đặt tên là Tượng Quận. Đến cuối nhà Tấn, Nam Hải Uý là Triệu Đà đánh tóm thâm đất, tự lập làm một nước riêng và tiếm xưng vương hiệu. Sơ niên Tây Hán, Cao Tổ phong Đà làm Nam Việt Vương, trải được mấy đời, thì tướng Nam Việt là Lữ Gia làm phản, giết vua Triệu và các sứ thần của nhà Hán. Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức sang đánh diệt Nam Việt, rồi đặt ra chín quận, bổ quan cai trị. Nước An nam ngày nay tức là 3 quận Giao Chỉ (交阯), Cửu Chân (九真) và Nhật Nam (日南) ở trong chín quận ấy.[1]
Về tên gọi Giao Chỉ, Tống sử (宋史) cho biết thêm: Giao Chỉ vốn là đất Nam Việt thời Tây Hán. Hán Vũ [Đế] (156 TCN-87 TCN) bình định Nam Việt, chia đất ấy ra thành: Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam bao gồm chín quận. Thiết lập Thứ sử Giao Chỉ làm lãnh đạo chín quận này. Đời Hậu Hán, thiết lập Giao Châu, [các đời] Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần nhân đó lại gọi là quận Giao Chỉ. Nhà Tùy đánh bại Trần, phế bỏ Quận, thành lập Châu. Dạng Đế (569-618) lúc ban đầu phế bỏ Châu, thiết lập Quận. Niên hiệu Vũ Đức (618-626) nhà Đường cải Giao Châu thành Tổng quản phủ, đến niên hiệu Chí Đức (756-758) cải thành An Nam Đô hộ phủ[2]. Như vậy, Giao Châu hay Giao Chỉ cũng là tên khác gọi nước Việt Nam ở thời kỳ đầu.
Về quận Nhật Nam, theo Thái Bình hoàn vũ ký (太平寰宇記): Hoan Châu là quận Nhật Nam, nay đặt làm huyện Cửu Đức, xưa là nước của họ Việt Thường, nhiều lần phiên dịch mới thông. Thời Tần thì thuộc Tượng Quận, thời Tây Hán và Đông Hán thì thuộc quận Cửu Chân. Nhà Ngô đặt là quận Cửu Đức. Nhà Tấn, Tống, Tề cũng theo đó. Nhà Tùy đặt là Hoan Châu, sau gọi là quận Nhật Nam. Vào niên hiệu Vũ Đức năm thứ năm (622) nhà Đường đặt là Châu Nam Đức, phủ tổng quản, thống lãnh Đức Minh Tri Huyện Xã. Nguyên có Bảy biển, Tám châu thì châu Nam Đức thống lãnh sáu huyện. Năm thứ tám (625) thì đổi là Cửu Đức. Năm đầu Trinh Quán (627) đổi làm Hoan Châu, lại đổi làm Diễn Châu, năm [Trinh Quán] thứ hai (628] thì thành lập Hoan Châu Đô Đốc phủ[3].
Về Quận Cửu Chân, theo Cựu đường thư (舊唐書): Thời Hậu Hán sai Mã Viện đánh người Man ở Lâm Ấp. Viện từ Giao Chỉ, men theo bờ biển mở đường nhỏ để tránh biển. Từ phía Nam huyện Đãng Xương đến quận Cửu Chân, từ Cửu Chân mới đến nước Lâm Ấp thì mở đường bộ cho đến quận Nhật Nam; lại đi hơn bốn trăm dặm thì đến nước Lâm Ấp[4].
Về nước Lâm Ấp, Nam Tề thư (南齊書) cho biết: Nước Lâm Ấp của người Di phương Nam, tại phía Nam Giao Châu, đi ba ngàn dặm. Lâm Ấp liên thông với Cửu Đức. Thời nhà Tần, là huyện Lâm Ấp (林邑縣) xưa. Cuối nhà Hán xưng vương. Thời nhà Tấn, niên hiệu Thái Khang (太康) năm thứ năm (285) lần đầu tiên đi cống nạp. Thời nhà Tống, niên hiệu Vĩnh Sơ (永初) năm đầu (420). Khi mới sinh ra, mẹ vua Phạm Dương Mại (范楊邁) mộng thấy người trải chiếu vàng với ánh sáng mỹ lệ. Trung Quốc gọi là vàng Tử ma, người Di gọi là Dương Mại, vì vậy mà thành tên. Dương Mại chết, con tên là Chuyết nối ngôi, ngưỡng mộ cha mình, đổi tên là Dương Mại. Lâm Ấp có núi vàng, quặng vàng chảy ra ở bờ sông, theo đạo Ni-kiền (尼乾), đúc tượng người bằng vàng và bạc to đến mười vòng tay. Niên hiệu Nguyên Gia (元嘉) năm thứ hai mươi hai (445), Thứ sử Giao Châu tên là Đàn Hòa Chi (檀和之) đánh nước Lâm Ấp, Dương Mại muốn dâng một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc, ba mươi vạn cân đồng và trả lại đất quận Nhật Nam (日南). Đại thần là Độc Tăng Đạt (䓯僧達) can ngăn mà không nghe. Hòa Chi tiến binh phá thành Khu Túc của người Khuyển Nhung ở phía Bắc nước ấy, cướp nhiều châu báu không sao tính kể, hủy tượng người vàng rồi lấy được mấy vạn cân vàng, các vật báu khác cũng bằng chừng ấy. Sau đó, Hòa Chi bệnh chết, thấy thần Ấn Độ quấy phá[5].
Như vậy, trong khoảng năm thế kỷ đầu Tây lịch, nước Việt Nam về cơ bản nằm trong ba quận gồm Giao Chỉ, Nhật Nam và Cửu Chân, Đặc biệt, Cửu Chân là địa danh tiếp giáp với nước Lâm Ấp (林邑), còn gọi là Chiêm Ba (瞻波), Chiêm Thành (占城) một quốc gia tiếp nhận Phật giáo từ rất sớm và cũng có thể đây cũng là cơ sở để Phật giáo du nhập vào Việt Nam.
1.2 Phật giáo từ Ấn Độ đã trực tiếp truyền bá đến Việt Nam
Theo khảo sát của giáo sư Lê Mạnh Thát, dẫn lại tác phẩm Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ nói rằng: Thành Nê Lê ở phía Đông Nam huyện An Định, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn. Những người đốn hải củi gọi là Kim Tượng[6].
Đối với huyện An Định, tác giả Lê Mạnh Thát đã dẫn nhiều cơ sở lịch sử khẳng định rằng trong dòng lịch sử các triều đại ở Trung Quốc, An Định và Định An lần lượt đổi thay nhau, và An Định vốn là một huyện cổ nằm ở miền Bắc Việt Nam hiện nay. Mặc dù dữ liệu đưa ra chỉ mang tính gợi mở, nhưng tác giả có lưu ý rằng, có thể đó là vùng Đồ Sơn của thành Phố Hải Phòng, hoặc là Tam Đảo[7].
Nhân đây, chúng tôi xin bổ sung thêm, trong Chiếu thư khen tặng của Trần Lưu Vương 陳留王, tức Tào Hoán 曹奐, (246-302), vị vua cuối cùng của nhà Tào Ngụy, đối với tướng nhà Ngô tên là Lữ Hưng 吕興 (?-264) vào năm đầu niên hiệu Hàm Hi 咸熙 (264), đã cho biết Lữ Hưng làm Đốc Giao Châu Chư Quân Sự (督交州諸軍事). Thời Ngô Tôn Quyền, thuận dùng [Lữ] Hưng làm Đốc Giao Chỉ Chư Quân Sự, Thượng Đại Tướng Quân, Định An Huyện Hầu (權時之宜以興為督交阯諸軍事上大將軍定安縣侯)[8]. Như vậy, huyện Định An về cơ bản thuộc về miền Bắc nước Việt Nam hiện nay.
Về thành Nê-lê, theo như đối khảo của giáo sư Lê Mạnh Thát, tức được dịch âm từ Phạn ngữ Naraka (नरक), dịch nghĩa là Địa Ngục. Trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ghi nhận về ngôi chùa Địa Ngục ở vùng Tam Đảo, ở địa phận hai xã là Lan Đình và Sơn Đình, có chùa tên là Địa Ngục: Chùa vuông vắn hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khóa chặt lại bằng khóa sắt lớn, trên có viên đá khắc chữ triện là Địa ngục tự. [chùa Địa ngục], không biết dựng từ đời nào[9].
Theo báo Vĩnh Phúc Online, từ những phát hiện rời rạc của người dân mà trực tiếp là thầy Thích Thanh Toàn, chùa Địa Ngục dần được khám phá vào khoảng năm 2008. Mãi đến ngày 18/11/2021, UBND tỉnh [Vĩnh Phúc] đã có Văn bản số 10264 về việc phục hồi, xây dựng chùa Địa Ngục. Theo đó, Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ tại địa điểm này[10]. Hy vọng với chủ trương này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, một thắng tích cực kỳ quan trọng, liên quan đến lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, được xuất lộ.
Như vậy, nếu như chùa Địa Ngục này được chứng minh là thành Nê-lê, là một trong những bảo tháp của A Dục (304-232. TCN), điều đó chứng tỏ Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam ở thế kỷ III, trước Tây lịch.
1.3. Là nơi xuất hiện nhiều bậc danh Tăng
Một trong những bậc danh Tăng hiện được Thiền phái Làng Mai và một số ngôi chùa tôn xưng là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam chính là ngài Khương Tăng Hội. Theo Cao tăng truyện, Khương Tăng Hội vốn người Khương Cư[11], nhiều đời sống ở Ấn Độ, nhân việc buôn bán nên cha ngài dời đến Giao Chỉ. Khi ngài hơn mười tuổi thì cha mẹ đều mất hết, việc hiếu chu toàn ngài liền xuất gia, cần mẫn siêng năng, thông minh đức độ, quyết chí cầu học, am tường Tam tạng, bác lãm Sáu kinh[12], thiên văn sấm vỹ, hết thảy tỏ tường, biện biệt trọng yếu, xứng hàng văn chương[13].
Cũng theo Cao tăng truyện, vào năm thứ mười niên hiệu Xích Ô 赤烏 (247), Khương Tăng Hội đến Kiến Nghiệp 建T50n2059_p0325b07║[15]鄴, chuyển hóa Ngô Tôn Quyền tin Phật và truyền đạo tại đây. Trong những cơ sở lý luận để chuyển hóa Ngô Tôn Quyển, ngài Khương Tăng Hội đã nhắc lại sự kiện vua A Dục xây tháp phụng thờ xá-lợi. Bằng sự tín thành, có thể cộng thêm phương tiện thiện xảo của ngài Khương Tăng Hội, xá-lợi Phật đã xuất hiện trong bình bằng đồng (銅瓶) và đã làm cho Ngô Tôn Quyển tín phục, đã cho xây dựng chùa, gọi là chùa Kiến Sơ (建初寺), chỗ đó nhân vậy nên được gọi là xóm Phật (佛陀里).
Rõ ràng hơn, Kiến Khang thực lục (建康實録), một tác phẩm gồm hai mươi quyển của Hứa Tung (許嵩), viết vào thời nhà Đường, đã ghi: Vào năm thứ mười niên hiệu Xích Ô (247), Khương Tăng Hội người nước Hồ đã nhập cảnh, an trí ở Kinh hành sở (經行所), sáng chiều lễ niệm. Có vị quan biết chuyện nên tâu lên Đại đế, [Khương Tăng Hội] bảo rằng, Đức Phật diệt độ đã lâu, chỉ còn xá-lợi, có thể cầu thỉnh. Nhân đó ở đại nội kiến lập đàn tràng kiết giới thanh tịnh, trải qua ba tuần thì được xá-lợi. Vua liền sùng trọng Phật giáo, từ đây Phật pháp bắt đầu xuất hiện ở Giang Đông. Ngay nơi đàn tràng thành lập chùa Kiến Sơ. Ở Giang Đông, cách hai trăm dặm ở phía Nam của huyện có chùa Phật bắt đầu từ đây vậy. Đời nhà Tấn, đổi thành chùa Kiến Ninh (建寜寺), đến nhà Đường và về sau cải thành chùa Ni (尼寺) và hiện nay [thời điểm viết Bảo lục, thời nhà Đường, người viết chú] cải thành chùa Pháp Tánh[14].
Cũng bàn về sự kiện này, tác phẩm Chiết Giang thông chí (浙江通志), nằm trong bộ Khâm định tứ khố toàn thư (欽定四庫全書) ghi nhận: Trong thời nhà Ngô, Phật pháp tuy đã đến Trường Giang của Trung Quốc, vào khi ấy, Giang Nam chưa có chùa Phật. Trong niên hiệu Xích Ô (238-251), Sa-môn Tăng Hội người Khương Cư vì đại đế nhà Ngô cầu được chân thân xá-lợi của Phật Thích-ca-văn, từ đó sáng lập ba ngôi chùa. Thứ nhất là chùa Bảo Ninh (保寧) ở Kim Lăng (金陵). Thứ hai là chùa Vạn Thọ (萬壽) ở Thái Bình (太平). Thứ ba là chùa Kim Túc (金粟) ở Hải Diêm (海鹽)[15].
Như vậy, sự kiện Khương Tăng Hội đem Phật pháp từ Việt Nam truyền sang cựu đô của Trung Hoa là Nam Kinh vào khoảng thế kỷ thứ III là một sự thật lịch sử. Đặc biệt, một trong những cơ sở chuyển hóa vua Đông Ngô là Ngô Tôn Quyền, chính là dùng sự kiện xuất hiện xá-lợi dựa trên cơ sở tháp vua A Dục.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, bên cạnh đóng góp truyền đạo của ngài Khương Tăng Hội thì tại mảnh đất Giao Châu này cũng là nơi xuất hiện, lui tới của nhiều bậc cao tăng. Cụ thể như, trong tác phẩm Hoằng Tán Pháp hoa truyện, ghi: Pháp Hoa tam-muội kinh, gồm sáu quyển (có bản thêm chữ Chánh). Có Sa-môn ngoại quốc Chi-cương-lương-tiếp, Trung Hoa gọi là Chánh Vô Úy, vào đời vua Ngụy tên là Cao Quý Hương Công [tức Ngụy Thiếu Đế], trong năm đầu niên hiệu Cam Lộ (256), vào tháng Bảy, dịch [kinh này] ở Giao Châu, Sa-môn Đàm Chinh bút thọ[16]. Hoạt động tu học ở Giao Chỉ thời kỳ này còn liên quan đến chuyện thâm tín Chánh pháp đến mức tự thiêu của ngài Thích Đàm Hoằng. Tiểu sử của ngài được ghi lại trong Hoằng Tán Pháp hoa truyện (弘贊法花傳): Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, từ nhỏ đã tu tập giới hạnh, chuyên cần theo Luật tạng. Khoảng niên hiệu Vĩnh Sơ (永初) đời Tống, du hóa Phiên Ngung ở phương Nam, trú ở Nhất tự. Về sau lại dời đến Giao Chỉ, ở chùa Tiên Sơn, tụng Vô Lượng Thọ và Quán [Vô Lượng Thọ] Kinh, tâm nguyện an dưỡng. Vào niên hiệu Hiếu Kiến (孝建) năm thứ hai (455), ở trên núi cao, gom củi chất lại, vây kín xung quanh, dùng lửa tự thiêu, đệ tử khiêng ra, sửa sang quấn lại, nữa thân hủy hoại, cả tháng còn nguyên[17].
Từ trường hợp của ngài Khương Tăng Hội cũng như những hành hoạt của ngài lúc bấy giờ ở đất Thương Ngô, cộng với những sự kiện Phật giáo được ghi nhận rải rác ở Giao Châu lúc bấy giờ, đã cho thấy tình hình Phật giáo tại Giao Châu ở thời này này có nhiều khởi sắc. Bởi lẽ, một trong những điều kiện nền tảng để Phật giáo ổn định và phát triển ở Giao Châu thời kỳ này, đó là đất nước không nó loạn lạc, như lời ghi nhận của Mâu Tử: Sau khi [Hán] Linh Đế (155-189) băng hà, thiên hạ rối ren, chỉ có Giao Châu tạm yên[18]. Đây là những tiền đề thuận lợi để Phật giáo phát triển nói chung và đồng thời cũng là cơ sở để tìm kiếm những dấu vết, liên quan đến sự truyền thừa của Ni giới.
2. Từ sự kiện Ni cô Phổ Minh, con gái Thứ sử Giao Châu đến việc chư Ni Trung Hoa thọ giới Cụ túc
2.1 Thứ sử Giao Châu Trương Mục và vị Ni cô Phổ Minh
Trong những Thứ sử trông coi Giao Châu trong khoảng năm thế kỷ đầu Tây lịch có người tên là Trương Mục (張牧). Thông tin về vị Thứ sử này rất hạn chế và có sự khác biệt giữa chính sử Trung Hoa và Việt Nam cũng như sử liệu Phật giáo.
Theo Nam Tề thư (南齊書): Giao Châu trở ngại về hải đảo, địa hình hiểm yếu đối với ngoại quốc, thế nên dựa vào những sự hiểm trở đó mà không thần phục. Năm đầu niên hiệu Thái Thủy 泰始 (465), Thứ sử Trương Mục (張牧) chết. Lý Trường Nhân (李長仁) người Giao Chỉ đã giết hại đầu mục và Bộ Khúc (部曲) từ phương Bắc đến, làm phản và chiếm cứ Giao Châu. Vài năm sau thì bệnh chết, em họ là Thúc Hiến (叔獻) kế nghiệp, chưa ban hiệu lệnh, sai sứ cầu chức Thứ sử[19].
Theo Cao tăng truyện, thông tin về Thứ sử Giao Châu và con gái đã đồng thời chuyên chở nhiều thông tin quan trọng, liên qua đến người đệ tử của ngài Da-xá, tên là Pháp Độ, đồng thời cũng bộc lộ những pháp hành kỳ đặc của vị này, cũng như của chúng đệ tử, trong đó có con gái Thứ sử Giao Châu.
Truyện ghi: Da-xá có đệ tử là Pháp Độ, giỏi cả Phạn lẫn Hán thường giúp trợ dịch. [Pháp] Độ vốn con của Trúc-bà-lặc, [Bà-] lặc sống ở Quảng Châu đã lâu, đi đây đó mưu sinh, giữa đường sinh con trai ở Nam Khang (南康), nên mới gọi là Nam Khang, lớn lên gọi là Kim-ca, vào đạo có tên là Pháp Độ. Ban đầu [Pháp] Độ làm đệ tử ngài Da-xá, thọ học kinh pháp; khi ngài Da-xá đã trở về nước thì [Pháp] Độ liền tự mình chấp chặt và tỏ ra kiêu dị. Sắp đặt việc tiếp vật, rồi cho rằng chuyên tu Tiểu thừa, cấm đọc kinh Phương đẳng, chỉ lễ Thích-ca, không có mười phương Phật, dùng bát đồng để ăn, không có vật dụng khác. Lại dạy chư Ni cùng theo đó mà hành trì. Ngày sám hối thì chỉ cần ngồi đối diện nhau trên đất. Thế nên ở đất Tống, chỉ có Ni cô Pháp Hoằng (法T50n2059_p0329c25║弘), con gái của Nhan Thuyên 顏竣 (?-459), làm quan Phủ doãn ở quận Đơn Dương (丹陽); Ni cô Phổ Minh (普明), con gái của Trương Mục 張牧, làm Thứ sử Giao Châu ban đầu thọ pháp này. Ngày nay chư Ni ở kinh đô như [các chùa] Tuyên Nghiệp (宣業), Hoằng Quang (弘[24]光) noi theo lối tu ấy, chư Ni ở Đông Độ cũng thường truyền pháp này[20].
Cùng bàn về sự kiện ngài Pháp Độ, ngài Tăng Hựu trong Xuất Tam tạng ký tập (出三藏記集) đã bổ sung nhiều thông tin hơn:
Trong khoảng niên hiệu Nguyên Gia (424-453), có thương nhân ngoại quốc tên Trúc-bà-lặc sống ở Quảng Châu đã lâu, thường đi đây đó mưu sinh, ở quận Nam Khang sinh một đứa con nên đặt là Nam Khang, khi lớn lên lấy tên là Kim-già, về sau vào đạo, làm đệ tử ngài Đàm-ma-da-xá, đổi tên là Pháp Độ. Vị đó tuy diện mạo ngoại quốc nhưng thực ra sinh ở Trung Hoa, nề nếp Thiên Trúc chẳng am hiểu gì, chỉ bản tánh còn sót lại kiêu dị, mong cầu nhiếp vật, cố chấp học theo Tiểu thừa, cho rằng không có mười phương Phật, chỉ nên lễ Thích-ca mà thôi. Kinh điển Đại thừa không được tụng đọc, đắp y vắt ngược và lấy đó làm thường pháp, dùng bát đồng, ngoài ra không dùng gì khác. Lại còn yêu cầu chư Ni may y che vai. Sử dụng tọa cụ, may chúng làm đãy, luôn mang trên vai mà không dùng sàng tòa, thể hiện sự dị biệt của chúng. Mỗi khi đi ra ngoài thì tuần tự theo nhau. Sám-hối, Bố-tát chỉ ngồi xổm, đối diện nhau trên đất mà không quỳ theo người Hồ. Pháp Độ thuần thục Hán ngữ nhưng đến lúc truyền giới thì đầu tiên nói tiếng Hồ, không muốn người Hán biết. Căn cứ vào sự giải thích về việc truyền giới pháp theo văn bản Luật, lời nói mà không dung hội thì pháp sự không thành. Tuy nhiên, Trúc Pháp Độ mê mờ lừa dối, tự thân thực hành ngụy thuật. Những người hiểu biết thảy đều lánh xa. Thế nên ở đất Tống chỉ có Ni cô Pháp Hoằng ở chùa Tuyên Nghiệp, là con gái của Nhan Thuyên (顏竣), quan phủ doãn ở Đơn Dương, Ni cô Phổ Minh ở chùa Hoằng Quang, là con gái của Trương Mục, Thứ sử Giao Châu… tin nhận theo lời dạy bảo ấy và cho đó là chân thật[21].
Qua hai nguồn tư liệu nêu trên, có thể đi đến nhận định sơ khởi:
Thứ nhất, ngài Trúc Pháp Độ tu theo Phật giáo Nam truyền, thể hiện ở cả tư tưởng và hành nghi. Về phương diện tư tưởng, những quan điểm như: không có mười phương Phật, chỉ nên lễ Thích-ca, ( 無十方佛,唯禮釋迦); không được tụng đọc kinh điển Đại thừa… Về phương diện hành nghi, chi tiết dùng bình bát bằng đồng (銅鉢), đi lại trật tự (相捉而行), ngồi xổm trên đất[22] đối diện nhau mà không quỳ theo người Hồ (伏地相向而不胡跪)… đã khẳng định rằng chủ trương và hình thức tu tập của ngài Pháp Độ thực chất là pháp tu của Phật giáo Nam truyền.
Thứ hai, việc ngài Pháp Độ dạy phải may y che vai (trấn kiên y, 鎮肩衣) là một chứng cứ đặc hiệu của pháp tỳ-kheo-ni. Luật Ngũ phần, luật Ma-ha Tăng-kỳ, luật Tứ phần, luật Thập tụng…đều gọi y che vai là Phú kiên y (覆肩衣). Theo luật Tứ phần, Phú kiên y là một trong năm y của tỳ-kheo-ni, bao gồm: An-đà-hội, Uất-đa-la-tăng, Tăng-già-lê, Tăng-kiệt-chi, Phú kiên y[23]. Ở đây, ngoài hai vị ni như ni cô Phổ Minh, ni cô Pháp Hoằng thì còn có nhiều chư ni sống trong các chùa kinh đô như chùa Tuyên Nghiệp, chùa Hoằng Quang đều noi theo pháp tu Nam truyền của ngài Pháp Độ, chỉ lạy Thích-ca…không quỳ theo kiểu người Hồ. Điều này cũng cho thấy số lượng ni chúng trong lúc này cũng khá đông đảo và có thể được truyền thừa từ phương Nam.
Thứ ba, từ việc xác nhận vị trí địa lý ở trên, tức phía Nam Giao Châu thì tiếp giáp với nước Lâm Ấp; theo ghi nhận của ngài Nghĩa Tịnh trong Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện (南海寄歸內法傳), thì: Từ Hoan Châu đi bộ về hướng Nam khoảng hơn nữa tháng, nếu đi thuyền thì khoảng năm, sáu ngày sẽ đến Chủy Cảnh (匕景), Nam đến Chiêm Ba, đây chính là Lâm Ấp. Nước này đa phần là Chánh Lượng [Bộ] và một ít Hữu Bộ[24].
Như vậy, có khả năng các vị ni như ni cô Phổ Minh…theo Chánh Lượng Bộ (正量部, Saṃmitīya), một trong những bộ phái Phật giáo được tách ra từ Độc tử bộ (犢子部, Vatsiputriya).
2.2. Vấn đề chư Ni Trung Hoa thọ giới cụ túc
Sinh hoạt Phật giáo Trung Quốc trong thời kỳ đầu phần lớn do các bậc cao Tăng từ Ấn Độ các các nước thuộc Tây Vực nói chung đảm nhiệm. Nói cách khác, ở thời kỳ này chỉ có tỳ-kheo Tăng. Tuy nhiên, có một vài trường hợp người nữ xuất gia với tỳ-kheo Tăng và trong danh xưng thì đôi khi họ được xem như tỳ-kheo-ni nhưng thực tế thì chưa hẳn. Ni cô Mịch Lịch (覓歷) là một trường hợp như vậy. Theo tiểu truyện của ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la (帛尸梨密多羅), trong Cao tăng truyện ( 高僧傳)[25], một trong những đệ tử ni của ngài giỏi về Phạm Bối (梵唄) chính là ni cô Mịch Lịch (覓歷). Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập, vị ni này có để lại hai tác phẩm, gồm: Đại tỳ-kheo-ni giới (大比丘尼戒)[26] và Cao thanh Phạm ký (高聲梵記)[27]. Về tác phẩm Đại Tỳ-kheo-ni giới, tác phẩm Ni thọ đại giới pháp hậu ký (尼受大戒法後記) ghi nhận rằng:
Trung Quốc không có giới bản của Đại Tỳ-kheo-ni. Nước này từ lâu đã có một bộ [giới] pháp của Tăng. Đất Ngô tuy có năm trăm giới Tỳ-kheo-ni nhưng giới bản do Mịch Lịch dịch xuất vẫn đặc thù, không giống như Thánh nhân thiết lập. Ngài [Trúc] Pháp Thái 竺法汰 (320-387), [Chi] Đạo Lâm 支道林 (314-366) đã chỉ ra và chỉnh sửa chúng, để có thể làm rường cột trong việc hộ trì giáo pháp[28].
Sự kiện một Ni cô thời Đông Tấn (東晉) dịch giới bản Tỳ-kheo-ni tuy chưa khẳng định vị ấy đã thọ giới Cụ túc đúng pháp hay chưa nhưng cũng là một trường hợp rất mực đặc thù cần được ghi nhận. Ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la mất vào khoảng niên hiệu Hàm Khang 咸康 (335-342) và điều đó cũng cho thấy Ni cô Mịch Lịch có lẽ xuất hiện khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ IV. Ở đây, trường hợp Ni cô Mịch Lịch được xem như Tỳ-kheo-ni cũng có cơ sở. Vì đến thời Tào Ngụy 曹魏 (220-265), có mười vị Ni Ấn Độ từ xa đến vì Ni chúng mà truyền giới Cụ túc[29]. Đối với chi tiết này, nếu như ngài Niệm Thường (念常), tác giả của bộ Phật Tổ lịch đại thông tải (佛祖歷代通載) không nhầm lẫn thì quả là một dữ kiện rất sáng giá vậy.
Cũng trong thời Đông Tấn, vị Tỳ-kheo-ni được sử truyện ghi nhận là vị Ni đầu tiên ở Trung Quốc chính là Ni sư Tịnh Kiểm (淨撿). Theo Tỳ-kheo-ni truyện, Ni sư vốn là con gái của Thái thú Vũ Uy (武威), nhân một lần nghe pháp thì khởi lòng kính tin mà chưa biết hỏi ai. Về sau gặp được Sa-môn Pháp Thủy (法始T50n2063_p0934c06║) và cầu xin xuất gia, thọ giới, thì được ngài dạy: Giới của Ni phần lớn giống [giới bên Tăng], chỉ khác biệt vài chỗ, nếu không nhận ra được điều ấy thì nhất định không được truyền. Ni chúng được phép thọ nhận mười giới từ Đại tăng, nhưng nếu không có hòa thượng Ni thì không có người để y chỉ. Lúc đó, Ni sư được cạo tóc, thọ mười giới từ Hòa thượng. Bấy giờ, có hai mươi bốn người có cùng tâm nguyện, họ cùng nhau xây chùa Trúc Lâm ở cửa Tây cung thành, vì chưa có thầy Ni nên các vị ấy cùng học hỏi với Tịnh Kiểm[30]. Vào ngày mùng Tám tháng Hai niên hiệu Thăng Bình (升平), năm đầu (357), Sa-môn Đàm-ma-kiệt-đa (曇摩羯多) kiến đàn truyền giới, Ni sư nương đại Tăng thọ Cụ túc giới tại giới đàn này. Nước Tấn có Tỳ-kheo-ni cũng khởi đầu từ [Tịnh] Kiểm vậy[31].
Trong khoảng thời gian này, có một chủ tàu buôn người Ấn Độ tên là Trúc Nan-đề (竺難提), thường qua lại giữa Tích Lan và Trung Quốc, có duyên chuyên chở nhiều bậc cao tăng đi lại giữa các nước Nam Hải, trong đó có ngài Cầu-na-bạt-ma (求那跋摩)[32]. Vào niên hiệu Nguyên Gia (元嘉) năm thứ sáu (429), Nan-đề chở tám vị Ni từ nước Tích Lan đến Trung Quốc[33]. Nhân đó, các vị Ni từ Tích Lan mới biết được rằng các vị Tỳ-kheo-ni Trung Quốc lúc bấy giờ được thọ Cụ túc từ chư Tăng mà không phải cả hai bộ Tăng Ni. Bấy giờ, theo thỉnh cầu của Ni Tuệ Quả (慧果) và chư Ni, cư sĩ Nan-đề đã trở về Tích Lan cung thỉnh Ni trưởng Thiết-tát-la (鐵薩羅) và mười một vị Ni cùng đến Trung Quốc[34]. Sau đó, Tăng Ni đã cung thỉnh ngài Tăng-già-bạt-ma khai mở giới đàn ở chùa Nam Lâm (南林寺) vào niên hiệu Nguyên Gia (元嘉) năm thứ mười một (434)[35]. Theo Đại Tống Tăng sử lược (大宋僧史略): Vị Ni ở Trung Quốc được thọ giới giữa hai chúng [ Tăng, Ni] thì Tuệ Quả là người đầu tiên vậy[36].
Như vậy, từ những tâm nguyện chí thành của người nữ tại gia, tùy theo điều kiện nhân duyên mà các bậc tiền bối có những phương cách tiếp độ phù hợp. Mãi cho đến năm thứ mười một (434), niên hiệu Nguyên Gia đời Tống Văn Đế ( 宋文帝) thì việc truyền giới cho chư Ni tại Trung Hoa mới đủ nhị bộ Đại Tăng. Để từ đây, bằng cách này hay cách khác, nguồn mạch này được lưu truyền và tiếp nối, trong đó có cả chư Ni tại Việt Nam.
Sau sự kiện này, tức chư Ni cầu thọ giới pháp giữa hai bộ Đại Tăng, ở Trung Quốc đã trải qua nhiều pháp nạn và một trong số chúng là sự can thiệp của chính quyền phong kiến vào việc truyền trao giới luật của chư Ni.
Theo ghi nhận của Đại Tống Tăng sử lược (大宋僧史略) của ngài Tán Ninh 贊寧(919-1001):
Đến khoảng niên hiệu Kiến Vũ (494-498) chư Ni ở vùng Giang Bắc còn đến chùa Tăng để thọ giới, các triều đại vẫn tiếp tục như vậy. Gần đây, theo sắc lệnh của Thái Tổ[37], không cho phép chư Ni đến giữa chúng Tăng thọ giới. Từ đó, chư Ni quay về với một chúng để được Bổn pháp mà thôi, thế nên giới phẩm rốt cuộc không thể tròn đầy. Ngày nay, ánh quang minh thông đạt của bậc Thánh bị đoạn trừ. Các bậc Hộ pháp nên tấu xin [Hoàng Đế] thực hành theo lối xưa để giáo pháp không phải chịu sự diệt vong nhanh chóng[38].
Việc cấm chư Ni đến chùa Tăng thọ đại giới cũng được ghi nhận trong tác phẩm Yến dực di mưu lục (燕翼詒謀録) do Vương Vĩnh (王栐) soạn vào đời Bắc Tống 北宋 (960-1127):
Giới đàn ở chùa Tăng, Ni đến thọ giới rối ren phức tạp, nhân đó mà có sự gian tà, Thái Tổ hoàng đế càng thêm ghét. Vào ngày Đinh Sửu, tháng Hai, niên hiệu Khai Bảo (開寶) năm thứ năm (972), ban chiếu rằng: Tăng Ni mà không có sự phân biệt thì thật sự rối loạn cho giáo pháp, việc đúng pháp độ của chư Ni đó là, chỉ cho phép kiến đàn thọ giới ở trong bổn tự, cung thỉnh Đại đức Ni chủ trì việc đó. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì sẽ xử lý tội đó, nếu có người báo cho biết thì vị Ni thọ giới đó sẽ không được vào giới đàn và các vị đó phải trở về bổn tự của mình. Gần đây, ngay tại giới đàn của Tăng đã công khai chiêu mộ Ni cô mới tu thọ giới. Nếu họ không đến thì trở lại vu khống, cho rằng trái với pháp của Ni và cũng không biết pháp lệnh vốn đã cấm Tăng, nếu cũng tin và xem đó là đương nhiên thì các quan ty nên nói rõ và cấm hẳn việc đó[39].
Như vậy, từ việc chư Ni thọ giới đúng pháp giữa hai bộ Đại Tăng thời Tống Văn Đế (宋文帝), đến thời Tống Thái Tổ (宋太祖) thì truyến thống ấy bị đứt đoạn bởi nhận thức của nhà vua và cũng có thể có cả những góp ý của cận thần. Nếu như sắc chỉ này được thực thi trọn vẹn thì đó cũng là một khoảng lặng tịch mịch về sự truyền thừa của Ni giới tại Trung Quốc và ngay cả Việt Nam.
3. Nhận định
Sự truyền thừa và tiếp nối của Ni giới nói chung mãi đến ngày hôm nay vẫn còn là một thao thức của nhiều nhà nghiên cứu. Sự đứt đoạn, rời rạc, tản mát của nhiều nguồn tư liệu là một thử thách không nhỏ trong việc kết nối các dữ liệu liên quan đến đề tài. Việc đưa ra nhiều nguồn thư tịch có liên quan nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn đa dạng, khách quan, nhiều chiều về vấn đề này.
Từ những thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong khoảng năm thế kỷ đầu Tây lịch đã được trình bày ở trên, quả đúng như lời Thiền sư Thông Biện trong tác phẩm Thiền uyển tập anh: Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn năm trăm người, dịch kinh mười lăm quyển, vì nó có trước vậy[40].
Căn cứ vào địa giới hành chánh của Giao Châu thời Lưu Tống 劉宋 (420-479), đã cho thấy lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ này cũng là địa bàn lui tới, sinh hoạt của các quan Thứ sử Giao Châu. Sự kiện Ni cô Phổ Minh, con gái Trương Mục, quan Thứ sử Giao Châu phát tâm xuất gia và tu tập theo Phật giáo Nam truyền cùng với những chứng cứ đặc hiệu như y, bát, thể thức sám hối, bố-tát … đã cho thấy có khả năng đoàn thể Tỳ-kheo-ni đã định hình ở Giao Châu vào lúc này và tuân hành theo Chánh lượng bộ (正量部, Saṃmitīya).
Với trường hợp Ni giới tại Trung Hoa, từ sắc lệnh được ban ra bởi Tống Thái Tổ ở thế kỷ thứ mười, cấm chỉ việc chư Ni thọ giới giữa hai bộ Đại Tăng có lẽ là một pháp nạn của Phật giáo Trung Quốc nói riêng và Ni giới nói chung. Hi vọng rằng, với việc thọ giới đúng pháp từ giới đàn đầu tiên tại Nam Lâm vào năm 434, những bậc thạch trụ Thích nữ đã khéo léo tiếp nối, giữ gìn và truyền thừa dòng sinh mệnh giới luật, để tiếp tục tỏa sáng mãi đến ngày nay.
[1] Theo Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, dịch, Huế, 1961, tr.6. Tham chiếu nguyên tác Hán văn tại: Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Tải ký loại, An Nam chí lược, quyển 1 (欽定四庫全書, 史部,載記類,安南志略,卷一 ): 古南交周號越裳秦名象郡秦末南海尉趙佗擊併之自立國僣號西漢初髙帝封為南越王歴數世其相吕嘉叛殺其王及漢使者孝武遣伏波將軍路博德平南越滅其國置九郡設官守任今安南居九郡之内曰交阯九真日南是也.
[2] Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Chánh sử loại, Tống sử, quyển 488. (欽定四庫全書, 史部,正史類,宋史,卷四百八十八 ). Nguyên tác: 交阯本漢初南越之地漢武平南越分其地為儋耳珠崖南海蒼梧鬱林合浦交阯九眞日南凡九郡置交阯刺史以領之後漢置交州晉宋齊梁陳因之又為交阯郡隋平陳廢郡置州煬帝初廢州置郡唐武徳中改交州總管府至徳中改安南都䕶府.
[3] Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Địa lý loại, Tổng chí chi thuộc, Thái Bình hoàn vũ ký, quyển 171 (欽定四庫全書, 史部,地理類, 總志之屬, 太平寰宇記卷一百七十一). Nguyên tác: 驩州日南郡今理九徳縣古越裳氏國九譯所通秦屬象郡二漢屬九真郡吳置九徳郡晉宋齊因之隋置驩州後為日南郡唐武徳五年置南徳州總管府領徳明知驩杜源七海八州南徳州領六縣八年改為九徳貞觀初改為驩州又改為演州二年置驩州都督府.
[4] Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Chánh sử loại, Cựu đường thư, quyển 41 (欽定四庫全書,史部,正史類,舊唐書,卷四十一).Nguyên tác: 後漢遣馬援討林邑蠻援自交趾循海隅開側道以避海從蕩昌縣南至九真郡自九真至其國開陸路至日南郡又行四百餘里至林邑國.
[5] Khâm định tứ khồ toàn thư, Sử bộ, Chánh sử loại, Nam Tề Thư, quyển 58 (欽定四庫全書, 史部,正史類,南齊書,卷五十八). Nguyên tác: 南夷林邑國在交州南海行三千里此連九徳秦時故林邑縣也漢末稱王晉太康五年始貢獻宋永初元年林邑王范楊邁初産母夢人以金席藉之光色奇麗中國謂紫磨金夷人謂之楊邁故以為名楊邁死子咄立慕其父復改名楊邁林邑有金山金汁流出於浦事尼乾道鑄金銀人像大十圍元嘉二十二年交州刺史檀和之伐林邑楊邁欲輸金萬斤銀十萬斤銅三十萬斤還日南地大臣䓯僧逹諌不聽和之進兵破其北界犬戎區栗城獲金寶無笇毁其金人得黄金數萬斤餘物稱是和之後病死見胡神為祟.
[6] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB.Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.30. Chi tiết này, chúng tôi cũng tìm thấy trong Khâm định tứ khố toàn thư, Thái bình hoàn vũ ký, quyển 170 (欽定四庫全書, 太平寰宇記卷一百七十). Đây là tác phẩm gồm 200 quyển do Nhạc Sử ( 樂史, 930-1007 ) soạn thời Bắc Tống (北宋), vào thế kỷ thứ X. Nguyên tác: 泥黎城劉欣期交州記云:泥黎城在定安縣東南隔水七里阿育王所造塔講堂尚在有採薪者時見金像.
[7] Xem, Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB.Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.31.
[8] Khâm định Tứ khố toàn thư, Sử bộ, Truyện ký loại, Tổng lục chi thuộc, Sử truyện tam biên, quyển 24. (欽定四庫全書, 史部,傳記類,總錄之屬,史傳三編,卷二十四).
[9] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, quyển 2, Phạm Trọng Điềm, dịch. NXB.Trẻ & NXB.Hồng Bàng, 2013, tr.71-72.
[10] Báo Vĩnh Phúc Online. Chữ trong ngoặc vuông nhằm để làm rõ. Xem tại: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/ID/72381/bi-an-chua-co-dia-nguc. Truy cập ngày 22-8-2023.
[11] Khương Cư (康居), một vùng đất thuộc Tây Bắc Ấn Độ.
[12] Tam tạng…Lục kinh (三藏…六經). Tạm tạng, chỉ cho ba tạng, Kinh, Luật và Luận của Phật giáo. Lục kinh chỉ cho sáu bộ kinh thư của Nho giáo là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu (詩, 書, 禮, 樂, 易, 春秋). Chi tiết Lục kinh ở đây rất quan trọng, vì kinh Nhạc bị Tần Thủy Hoàng đốt mất nên về sau chỉ nói đến Ngũ kinh (五經).
[13] Cao tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.1. 0325a14): Nguyên tác: 康僧會,其先康居人,世居天竺,其父因賈移于交趾。會年十餘歲,二親並終,至孝服畢,出家。勵行甚峻,為人弘雅有識量,篤至好學。明解三藏,博覽六經,天文圖緯,多所綜涉,辯於樞機,頗屬文翰.
[14] Khâm định tứ khố toàn thư, Kiến Khang thực lục, quyển 2 (欽定四庫全書, 建康實録卷二). Nguyên tác: 赤烏十年胡人康僧會入境置經行所朝夕禮念有司以聞大帝引見具言佛教滅度已久惟有舍利可以求請遂於大内立壇結静三七日得之帝崇佛道以江東初有佛法遂於壇所立建初寺在縣南二百歩江東之有佛寺始於此也晉改為建寜寺至唐以來為尼寺今改法性寺.
[15] Khâm định tứ khố toàn thư, Chiết Giang thông chí, quyển 228 (欽定四庫全書, 浙江通志卷二百二十八). Nguyên tác: 當呉之時佛法雖至中國大江以南尚無佛寺赤烏中康居沙門僧會為呉大帝祈獲釋迦文佛真身舍利始創三寺一為金陵之保寧 一為太平之萬壽其一即海鹽之金粟.
[16] Hoằng Tán Pháp hoa truyện 弘贊法花傳 (T.51. 2067. 2. 0014c09). Nguyên tác: 法花三昧經六卷(一本加正字).外國沙門支疆梁接.魏言正無畏.以魏高貴卿公世甘露元年七月.於交州譯.沙門道馨筆受.
[17] Hoắng Tán Pháp hoa truyện 弘贊法華傳 (T.50. 2059. 2. 0405c20). Nguyên tác: 釋曇弘,黃龍人.少修戒行,專精律部。宋永初中,南遊番禺,止臺寺。晚又適交趾之仙山寺.誦無量及觀經,誓心安養.以孝建二年於山上聚薪,密往𧂐中,以火自燒.弟子追及,抱持將還,半身已爛,經月[A5]小差.
[19] Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Chánh sử loại, Nam Tề thư, quyển 58. (欽定四庫全書,史部,正史類,南齊書,卷五十八). Nguyên tác: 交州斗絶海島控帶外國故恃險數不賔宋泰始初刺史張牧卒交趾人李長仁殺牧北來部曲據交州叛數年病死從弟叔獻嗣事號令未行遣使求刺史.
[20] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.1. 0329c17-0329c27). Nguyên tác: 耶舍有弟子法度,善梵漢之言,常為譯語.度本竺婆勒子,勒久停廣州,往來求利,中途於南康生男,仍名南康,長名金迦,入道名法度.度初為耶舍弟子,承受經法。耶舍既還外國,度便獨執矯異,規以攝物,乃言專學小乘,禁讀方等,唯禮釋迦,無十方佛,食用銅鉢,無別應器。又令諸尼相捉而行,悔罪之日,但伏地相向。唯宋故丹陽尹顏竣女法弘尼、交州刺史張牧女普明尼,初受其法.今都下宣業、弘光諸尼,習其遺風,東土尼眾,亦時傳其法.
[21] Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.5. 0040c25 ). Nguyên tác: 元嘉中。外國商人竺婆勒。久停廣州。每往來求利。於南康郡生兒。仍名南康。長易字金伽。後得入道。為曇摩耶舍弟子。改名法度。其人貌雖外國。實生漢土。天竺科軌非其所諳。但性存矯異。欲以攝物。故執學小乘。云無十方佛。唯禮釋迦而已。大乘經典不聽讀誦。反抄著衣。以此為法常用銅鉢無別應器。乃令諸尼作鎮肩衣。似尼師壇。縫之為囊。恒著肩上而不用坐。以表眾異。每至出路相捉而行布薩悔過。但伏地相向而不胡跪。法度善閑漢言。至授戒先作[*]胡語。不令漢知。案律之明文授法資解。言不相領不得法事。而竺度昧罔面行詭術。明識之眾咸共駭棄。唯宋故丹[1]陽尹顏竣女。宣業寺尼法弘。交州刺史張牧女。弘光寺尼普明等。信受其教以為真實.
[22] Theo Luật tạng, Tỳ-kheo và cả Tỳ-kheo-ni Phật giáo Thượng tọa bộ khi cử hành lễ xuất gia, sám hối, bố-tát thì ngồi nhón gót (ukkuṭika), tức ngồi ngồi chồm hổm theo cách dịch của một số tác giả Nam truyền hiện nay. Xem thêm, Phân tích giới Tỳ-kheo-ni, chương Nissaggiya, xem điều 95 và 96. Mặt khác, theo Tiểu phẩm (Cullavagga), chương 10, Tỳ-kheo-ni quy định: Này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni không nên ngồi kiết-già; vị Ni nào ngồi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Indacanda dịch. Nguyên tác: “Na, bhikkhave, bhikkhuniyā pallaṅkena nisīditabbaṁ. Yā nisīdeyya, āpatti dukkaṭassā”ti. Ghi chú: Theo người viết, pallaṅkena nisīditabbaṁ là ngồi tréo chân.
[23] Tứ phần luật 四分律 (T.22. 1428.48. 0924c14). Nguyên tác: 安陀會、欝多羅僧、僧伽梨、此僧竭支覆肩衣. Theo luật Ma-ha-tăng-kỳ, giữa Tăng-kỳ-chi và Phú-kiên y có sự khác nhau. Tăng-kỳ-chi giống như áo lót trong, không thể che trọn phần thân trên của người nữ; còn y che vai thì che phủ cả phần đó. Sự kiện này, Ma-ha-tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.40. 0546b28) ghi nhận: Đức Phật an trú ở thành Xá-vệ, khi ấy có Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà gây rối loạn, chỉ mặc một y tăng-kỳ-chi mà đi kinh hành ở trên gác. Người đời từ xa trông thấy, tự bảo nhau rằng: ‘Trông giống như quả bầu nổi trên nước’. Do nhân duyên này, các Tỳ-kheo-ni đến bạch Phật, cho đến,… Phật dạy: Từ nay về sau phải dùng y che vai. (佛住舍衛城,爾時偷蘭難陀比丘尼大乳,著一僧祇支於閣上經行,俗人遙見自相謂言: 看是似如水上浮瓠. 諸比丘尼以是因緣往白,乃至佛言: 從今日後當作覆肩衣).
[24] Nam Hải ký quy nội pháp truyện 南海寄歸內法傳 (T.54. 2125. 0205b21). Nguyên tác: 驩州南步行可餘半月,若乘船纔五六朝,即到匕景。南至占波,即是臨邑。此國多是正量,少兼有部
[25] Cao tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.1. 0327c12).
[26] Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.5. 0038c15).
[27] Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.12. 0092b04).
[28] Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.11. 0081b26). Nguyên tác: 卷中問尼受大戒法後記云. 此土無大比丘尼戒文.斯一部僧法久矣.吳土雖有五百戒比丘尼而戒是覓歷所出尋之殊, 不似聖人所制. 法汱道林聲鼓而正之,可謂匡法之棟梁也.
[30] Tỳ-kheo-ni truyện 比丘尼傳 (T.50. 2063. 0934c13). Nguyên tác: 尼戒大同細異.不得其法必不得授。尼有十戒得從大僧受.但無和上尼無所依止耳.撿即剃落從和上受十戒.同其志者二十四人.於宮城西門共立竹林寺.未有尼師.共諮淨撿.
[31] Tỳ-kheo-ni truyện 比丘尼傳 (T.50. 2063. 0934c27). Nguyên tác: 晉土有比丘尼亦撿為始也.
[32] Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.3 0340c01).
[33]Xem, Cao Tăng truyện 高僧傳 (T.50. 2059.3 0341a28). Nguyên tác: 有師子國八尼至京.
[34] Truyện Ni Tăng Quả (僧果尼[45]). Xem Tỳ-kheo-ni truyện 比丘尼傳 (T.50. 2063. 0939c22). Nguyên tác: 復將師子國鐵薩羅等十一尼.
[35] Niên đại kiến đàn truyền giới ở chùa Nam Lâm cho hai bộ Tăng, Ni, tư liệu các nơi ghi lại không đồng nhất. Chẳng hạn như, ở truyện Ni Tuệ Quả (慧果尼) trong Tỳ-kheo-ni truyện 比丘尼傳 (T.50. 2063. 0937b19) cho rằng năm thứ chín niên hiệu Nguyên Gia (元嘉…九年); truyện Ni Tăng Quả (僧果尼[45]) trong Tỳ-kheo-ni truyện 比丘尼傳 (T.50. 2063. 0939c07) thì cho rằng vào năm thứ mười niên hiệu Nguyên Gia (元嘉…十年). Tuy nhiên, Đại Tống Tăng sử lược 大宋僧史略 (T.54. 2126. 0238b28) thì cho rằng vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 11 ở đời Tống (宋元嘉十一年); Phật Tổ thống kỷ 佛祖統紀 (T.49. 2035.36 0344c24) cũng cho rằng vào năm thứ 11 (十一年). Chúng tôi căn cứ vào hai bộ sử truyện sau, tức niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 11, Tây lịch là năm 434.
[37] Nguyên tác Thái Tổ (太祖). Chỉ cho Tống Thái Tổ 宋太祖 (927-976).
[38] Đại Tống Tăng sử lược 大宋僧史略 (T.54. 2126. 0238c05). Nguyên tác: 及建武中, 江北諸尼乃往僧寺受戒,累朝不輟.近以太祖勅, 不許尼往僧中受戒. 自是尼還於一眾得本法而已戒品終不圓也.今聖英達明斷. 護法之士宜奏乞仍舊行之免法滅之遄速焉.
[39] Khâm định tứ khố toàn thư, Yến dực di mưu lục, quyển nhị (欽定四庫全書, 燕翼詒謀録卷二 ). Nguyên tác: 僧寺戒壇尼受戒混淆其中因以為姦太祖皇帝尤惡之開寶五年二月丁丑詔曰僧尼無間實紊教法應尼合度者只許於本寺起壇受戒令尼大徳主之如違重置其罪許人告則是尼受戒不須入戒壇各就其本寺也近世僧戒壇中公然招誘新尼受戒其不至者反誣以違法尼亦不知法令本以禁僧也亦信以為然官司宜申明禁止之.
[40] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3, NXB. TP. HCM, 2002, tr.226.
- Từ khóa :
- truyền thừa
- ,
- ni giới
- ,
- Thư Tịch
- ,
- Hán Cổ