THÔNG TIN KHẢO SÁT CÁC ĐIỂM TRƯỜNG
CẦN GIẾNG NƯỚC SẠCH TẠI TỈNH ĐĂK NÔNG
Đợt 2 – Khảo sát ngày 17/3/2025
Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát
Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni
Kính thưa quý Phật tử và nhà hảo tâm
Ngày 17/3/2025, con/Ngọc Lãm đã tiến hành khảo sát đợt 2 các điểm trường thiếu nước sạch thuộc tỉnh Đăk Nông. Trong đợt 2 này, chúng con đã đến 15 điểm trường, với hơn 200 km di chuyển trong vòng 14 hrs liên tục, từ 6h sáng và kết thúc hành trình vào 8h tối. Trong đó có 1 điểm trường là đến để bàn giao giếng đã khoan vào ngày 13/3/2025 - trường TH Phan Chu Trinh, bon Ja Lú, Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông (biên bản, hình ảnh hoàn công từng trường sẽ có bài viết báo cáo riêng).
Lần khảo sát này tập trung tiền trạm ở huyện Tuy Đức. Đây là huyện chủ yếu người đồng bào M’Nông, Tày, Nùng, Dao, Mông… và một số đồng bào phía Bắc di cư tự do vào Tây Nguyên sinh sống. Đồng thời cũng là huyện đặc thù giáp biên giới Campuchia, có kinh tế khó khăn nhất và cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường và trạm (y tế) đang trong quá trình xây dựng. Một số vùng đã có đường giao thông nhưng vẫn chưa có điện và nước. Hệ thống trường học đang được đầu tư xây dựng, nhưng nguồn nước, phí học bán trú bao gồm ăn ngày 2 bữa và 1 ly sữa cho bữa sáng, cùng với học cụ, phải do phụ huynh đóng góp. Với nguồn thu nhập quá thấp, các gia đình đồng bào không thể đóng phí ăn ở bán trú và các khoản phí khác và thường cho con nghỉ học sau 1-3 tháng. Một số trường vì không có nguồn nước để nấu ăn và vệ sinh căn bản cho học sinh học bán trú nên chỉ dạy một buổi. Những đứa trẻ sau buổi học, đi lang thang giữa trưa nắng chang chang, đầu không đội mũ nón, chân đất đi lang thang trên đường và trong rừng vì cha mẹ bận mưu sinh. Việc cho học sinh cấp Mầm non và Tiểu học học bán trú góp phần cho các cháu ăn đủ bữa trong ngày, tránh suy dinh dưỡng và đỡ gánh nặng phải trông nom cho phụ huynh.
Trong đợt 2 này chúng con đã khảo sát 14 điểm trường, trong đó có 3 điểm trường xin hệ thống điện năng lượng. Phần này sẽ do gia đình Khang Nguyễn tài trợ và chúng con vẫn đang xúc tiến làm việc.
Trong 03 ngày 19-21/3/2025, nhà thầu chúng con dự định ký hợp đồng khoan trong đợt 2 đã đi khảo sát từng trường và báo giá. Tổng số trường trong đợt 2 cần giếng khoan ở độ sâu 60 – 150 mét (tùy từng trường) là 11 trường. Tổng số tiền cần cho đợt 2 này là 565.000.000 (tương đương $22,600 USD).
Danh sách cụ thể từng trường như sau:
1) Trường MN Hoa Mai, bon Bu Đách, xã Đắk R’Tíh. Trường hiện tại có 150 học sinh bán trú. Giếng hiện tại sâu 90 mét. Ngày chúng con đi khảo sát giếng đã cạn nước, nhà trường phải xin nước nhà dân nhưng giếng nước trong dân cũng sắp cạn. Kinh phí khoan giếng cho trường là 35.000.000 VNĐ (tương đương $1,400 USD). GĐ Phật tử Thánh Huệ bảo trợ toàn phần chi phí khoan.
2) Trường MN Hoa Hướng Dương, bon Đắk Ma Rê, xã Quảng Tân. Trường có 130 học sinh bán trú. Giếng đang có sâu 160 mét, đến thời điểm hiện tại đã cạn nước và phải mua nước từ nhà dân nhưng vẫn không đủ sử dụng. Kinh phí giếng khoan cho trường là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD). Nhóm Phật tử Canada bảo trợ toàn phần chi phí khoan.
3) Trường MN Hướng Dương, điểm thôn 7, xã Quảng Tân. Trường có 50 học sinh bán trú, nằm cheo leo nơi lưng đồi và chỉ có 2 phòng học và phòng vệ sinh. Trường không có sân chơi hay các học cụ như các điểm trường chính và vô cùng thiếu thốn. Trường cũng không có giếng nước và phải mua nước từ nhà dân xung quanh. Kinh phí khoan nước cho điểm trường này là 35.000.000 VNĐ (tương đương $1,400 USD).
4) Trường MN Hoa Hồng, thôn 8, xã Đăk Búk So. Trường có 186 học sinh bán trú, nhiều công trình vườn rau để làm thực phẩm sạch cho học sinh, vào mùa này giếng nước đã cạn. Có những học sinh phải đi hơn 10 km mới tới trường. Trường đã được đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng tốt nhưng nguồn nước để nấu ăn và vệ sinh vẫn còn bỏ ngỏ. Kinh phí khoan giếng cho trường này là 35.000.000 VNĐ (tương đương $1,400 USD).
5) Trường MN Hoa Pơ Lang, thôn 4, xã Đăk Búk So. Trường hiện có 400 học sinh, nhiều cây xanh, vườn rau làm thực phẩm cho học sinh bán trú nhằm giảm học phí. Trường có giếng nhưng đã đào đã lâu năm, và vào mùa này đã cạn nước, phải mua nước từ nhà dân để duy trì hoạt động. Kinh phí khoan giếng cho trường này là 35.000.000 VNĐ (tương đương $1,400 USD).
6) Trường MN Hoa Lan, bon Bu Daz, xã Quảng Trực. Trường có 400 học sinh bán trú, có 50% người đồng bào. Đây là điểm trường rộng với vườn rau đa dạng đủ dùng cho học sinh 3-4 ngày/tuần. Trường đặc thù đặc biệt nên được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất đầy đủ, nhưng vào các tháng mùa khô, trường phải mua nước từ nhà dân để sinh hoạt, nấu ăn cho học sinh. Kinh phí khoan giếng điểm trường này là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD).
7) Trường MN Hoa Ngọc Lan, bon Đắk Wik, xã Quảng Trực. Trường có 60 học sinh bán trú và hiện tại trường vẫn chưa có giếng. Các cô giáo còn rất trẻ, vì yêu nghề và yêu trẻ mà bám bản với muôn vàn khó khăn. Trong đó, nguồn nước phải đi xin nhà dân và vào mùa khô dân cũng không cho. Kinh phí để khoan giếng điểm trường này là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD).
8) Trường MN Hoa Ban, bản Đoàn Kết, xã Đăk Ngo. Trường có 110 học sinh bán trú và 100% là dân tộc Mông. Trước nay, trường sử dụng chung nguồn nước với trường Tiểu học bên cạnh nhưng số lượng học sinh hai trường rất đông (> 500 học sinh), vào mùa khô nguồn nước cũng không đủ sử dụng nên nguyện vọng của trường là có giếng nước đủ sử dụng cho giáo viên và học sinh. Kinh phí để khoan giếng điểm trường này là 35.000.000 VNĐ (tương đương $1,400 USD).
9) Trường TH Tô Hiệu, bản Giang Châu, xã Đắk Ngo. Trường có 246 học sinh. Vào mùa khô, giếng kéo cách trường 1 km hết nước. Nguyện vọng của trường là có giếng nước trong khuôn viên, đủ nước sử dụng để năm sau cho học sinh học bán trú, giúp học sinh thoát khỏi suy dinh dưỡng, và các em cũng đỡ lang thang giữa trưa trên đường, trên suối rạch và trong các cánh rừng. Kinh phí khoan giếng cho điểm trường này là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD).
10) Trường MN Hoa Ban, thôn Tân Bình, xã Đăk Ngo. Trường có 70 học sinh bán trú và một số giáo viên ở lại. Giếng của trường bị sập từ tháng 2 năm 2023 và hiện tại phải xin nước nhà dân sử dụng. Vào mùa khô, trường ngưng hoạt động bán trú và chỉ cho học sinh học 1 buổi/ngày. Nguyện vọng của trường là có giếng đủ nước sử dụng để giáo viên và học sinh có nước sử dụng. Kinh phí giếng khoan cho điểm trường này là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD).
11) Trường MN Họa Mi, xã Quảng Tâm. Trường có 170 học sinh, có 70% là học sinh người đồng bào và 32 giáo viên. Trường có giếng trên 100 mét nhưng hiện tại đã cạn nước và phải xin nhờ nước trong nhà dân, nhưng nước nhà dân cũng sắp cạn. Kinh phí khoan giếng điểm trường này là 65.000.000 VNĐ (tương đương $2,600 USD).
Quý chùa/tự viện, Tăng Ni, Phật tử và nhà hảo tâm có thể chọn 1 điểm trường để bảo trợ toàn phần chi phí khoan hoặc ủng hộ tùy khả năng, dù chỉ một đồng chúng con cũng xin nhận lấy, góp nhặt để “tiếng vỗ của nhiều bàn tay” sẽ giúp cho giếng nước được khơi nguồn nơi bon.
Kính bạch chư Tôn đức; thưa quý Phật tử và nhà hảo tâm,
Chúng con đã đi đến tận nơi cùng khổ, đói khát; dồn hết tâm lực, sức lực với lòng từ mà quán chiếu để xem nơi nào cần nhất, và sau cùng vẫn nhận thấy những nơi con đến đều cần những giọt cam lộ của đức Đại Bi rưới mát nhân gian, cứu khổ đến nơi khô cằn, đá sỏi. Chúng con cầu nguyện Chư Phật mười phương, Long thiên Hộ pháp, thiện thần gia hộ cho chư Tôn Thiền đức được tứ đại điều hòa, thuận duyên hành phật sự.
Cầu nguyện cho chư tín chủ, thí chủ ủng hộ, tán trợ, tùy hỷ công đức chương trình Giếng Nước Đại Bi 2025 cho các trường thuộc tỉnh Đăk Nông được bình an, gia đạo an hòa, tùy nguyện giai bảo mãn.
Sài Gòn ngày 22/3/2025
Trân trọng,
Ngọc Lãm
Để biết thêm chi tiết, xin liên lạc:
VINH HAO
11502 DANIEL AVE.
GARDEN GROVE, CA 92840
Email: vinhhao@vinhhao.info
Tại Việt Nam, Con/Ngọc Lãm sẽ tiếp nhận tài chính quỹ qua tài khoản:
SC NGỌC LÃM
Nguyễn Thị Diệu Tâm
Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Nam Sài gòn
Số tài khoản: 1320397253
Với nội dung:
“GIẾNG NƯỚC ĐẠI BI”
Mọi thông tin liên lạc với Con/Ngọc Lãm sẽ qua:
Email: ngoclam.hoidaibi@gmail.com
Tel/Viber: 909642500