NGÔI CHÙA CỦA TƯƠNG LAI
Tác giả: Hoa Lan Thiện Giới
Tu viện Viên Lạc vùng Nordsee, Đức quốc -
Hôm nay ngày 22 tháng 6 năm 2025, ngày nóng nhất từ xưa đến giờ ở xứ Đức với nhiệt độ lên đến 36 độ C. Tại một ngôi chùa nhỏ, nằm ở vùng biển Nordsee của thành phố Varel thuộc bang Niedersachsen Đức quốc, đã tổ chức một buổi Đại lễ Phật Đản lần đầu tiên tại ngôi Tu Viện Viên Lạc, do thầy Thích Hạnh Giới Trụ trì.
Đây có lẽ là tuần lễ cuối cùng của Mùa Phật Đản PL 2.569, chúng ta được tham dự ở vùng Bắc Đức, dưới sự chứng minh của Hòa Thượng đệ nhất và đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, cùng chư Tăng Ni gồm 12 Vị đến từ các nơi và đồng bào Phật tử khoảng gần 200 người, chủ yếu quanh vùng của 3 Chi hội Phật tử từ Bremen, Aurich và Wilhelmhaven. Các địa danh này có liên quan đến một biến cố lịch sử của người Việt tỵ nạn chính trị tại bang Niedersachsen, sẽ được Sư Ông Như Điển kể rõ trong lời phát biểu tại buổi lễ.
Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng khuôn viên đất thật rộng với diện tích 2.000 mét vuông, những bảo tháp màu trắng xây dựng theo trường phái Tây Tạng rất đẹp mắt và trang nghiêm. Một chỗ thờ Ngài Dược Sư thật ấn tượng với pho tượng nho nhỏ của Tây Tạng và 7 pho tượng bằng ngọc 7 màu khác nhau như ngọc lưu ly. Chung quanh vườn được chia khu trồng hoa các loại khác nhau. Đặc biệt nhất vẫn là các bụi hoa Lavender màu tím vừa tỏa hương vừa đuổi ruồi muỗi côn trùng. Chỗ ngồi nghỉ chân được bao bọc bởi những cụm trúc hình ảnh của quê nhà. Đây có phải là nơi ta tìm được an lạc của cuộc đời, sau những buổi thiền hành tu học ? Đúng rồi! Viên Lạc Tu Viện đó mà!
Đúng 10 giờ 30 sáng, buổi lễ được bắt đầu trong Chánh điện với phần tụng kinh Khánh Đản, các Gia Đình Phật Tử của 3 Chi hội kể trên đã làm hàng rào danh dự cung thỉnh Chư Tăng Ni ra lễ đài Tắm Phật. Các em trong Gia Đình Phật Tử múa vũ khúc dâng hoa cúng Phật và hát bài "Mừng ngày Đản Sanh".
Sau đó Sư Ông Tánh Thiệt ban một đạo từ ngắn gọn thật ấm đạo tình. Người nói, ngôi Tu Viện tuy nhỏ nhưng vùng nầy đã có mười mấy người xuất gia, một con số không nhỏ so với các ngôi chùa to lớn khác! Thầy Trụ trì đã độ được giới trẻ nhất là ở vùng này, đã dùng ngôn ngữ của bản xứ để đưa Đạo Pháp vào thế hệ thứ hai trên xứ người. Đây là điều đáng quý, trong khi thế hệ thứ nhất đã và sẽ từ từ ra đi, các chùa chiền ở hải ngoại sẽ có nguy cơ trở thành các viện bảo tàng hay di sản văn hóa để du khách đến viếng thăm, vì thiếu người làm công tác "Tục diệm truyền đăng".
Về tình hình chính trị thế giới hiện nay, Sư Ông rất lo ngại cho việc lành ít dữ nhiều, nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra thế giới chỉ còn lại 10 quốc gia và tất cả đều bị tiêu diệt. Các nước Pháp, Hòa Lan, Bỉ đã đưa ra các thông báo dày 18 trang phát cho dân chúng để chuẩn bị tinh thần, sửa soạn thức ăn, nước uống và đèn cầy, phòng hờ bom đạn ít nhất trong 72 tiếng đồng hồ có thể sống sót. Nhưng tình trạng của nước Đức có vẻ dửng dưng trước những biện pháp của các nước láng giềng trong cộng đồng Âu Châu. Người nói thêm, nếu chúng ta biết tu tập và cầu nguyện thì sẽ giữ được tình trạng tốt đẹp một cách tương đối như hiện nay.
Tiếp đến Sư Ông Như Điển kể một câu chuyện lịch sử của hơn 40 năm về trước tại bang Niedersachsen, có liên quan đến 2 ngôi chùa Viên Giác và hậu duệ là Viên Lạc tại bang này.
Thuở ấy vào ngày 24 tháng 11 năm 1978, khi ông Thủ hiến bang Niedersachsen Dr. Ernst Albrecht ký sắc lệnh nhận 1.000 thuyền nhân tỵ nạn từ Việt Nam trên chiếc tàu Hải Hồng vào bang này, rồi sau đó nhận tiếp thêm một ngàn nữa. Đã là gánh nặng trên vai vị Đại Đức trẻ mới sang Đức năm 1978, chỉ một năm sau Người đã phải đi thông dịch cho nhiều thuyền nhân tỵ nạn tại Hannover. Người kể, lúc đi khám bác sĩ các thuyền nhân nam phải cởi áo để chụp hình quang tuyến phổi, sau lớp áo là những tấm vàng lá bốn số 9 được ép dán bên trông gọn gàng. Phần các bà thì đi đâu cũng mang kè kè bên mình cái bình tích thủy, thay vì đựng nước lại chứa vàng và hột xoàn. Từ đó suy ra, họ bỏ nước ra đi không vì nghèo đói mà vì chính trị, thiếu tự do thật sự trên quê hương của họ; nên họ phải bỏ nước ra đi ???
Bên phía ngoại giao với chính quyền Đức, có anh Thị Thiện - Phạm Công Hoàng, một trong 5 người đệ tử đầu tiên của Sư Ông Như Điển, đã tiếp xúc trực tiếp với ông Thủ hiến Albrecht và sau này với con gái của ông là bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Liên Minh Âu Châu. Ngoài ra còn sự giúp sức của người đệ tử đầu tiên của Sư Ông Như Điển là anh Thị Chơn - Ngô Ngọc Diệp. Hai đệ tử này thuộc diện sinh viên du học trước 75, là những kỹ sư hàng không và cơ khí giỏi làm việc tại Đức
Từ đó ngôi chùa Viên Giác là ngôi chùa tâm linh của những thuyền nhân ấy, họ sinh hoạt tích cực và đóng góp rất nhiều cho ngôi Tam Bảo. Con cháu họ được sinh ra và lớn lên tại xứ Đức, gần như quên tiếng mẹ đẻ, nên dù có cố gắng theo cha mẹ lên Chùa cũng không thể nghe được các lời Pháp nhũ của quý Thầy. May mắn thay các hàng đệ tử xuất gia của Sư Ông Như Điển, trong đó phải kể đến Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Giới..., đã thu phục được giới trẻ đến với Phật pháp bằng những bài thuyết pháp bằng tiếng Anh, tiếng Đức. Số đệ tử xuất gia của hai Thầy càng ngày càng nhiều khiến đạo tràng thêm vững chắc, Phật pháp được trường tồn.
Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân hay đầu hè, hai Thầy tổ chức các Trại hè Thanh Thiếu niên, các Khóa tu cho các em trong Gia Đình Phật Tử, đào tạo một thế hệ trẻ đầy Bi-Trí-Dũng, làm nền tảng vững chắc cho ngôi nhà Phật pháp.
Người viết được biết Thầy Hạnh Giới qua các Khóa Huân Tu Tịnh Độ 10 ngày tại đạo tràng chùa Linh Thứu, Berlin. Thầy có những phương pháp sống động đưa các Hành giả vào cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Gieo trồng những hạt giống Bồ Đề làm tư lương về Tịnh độ. Mười hai lời phát nguyện bắt đầu bằng câu:
"Kính lạy Phật Di Đà, con nay xin phát nguyện, thường xuyên đảnh lễ Ngài, cho đến lúc lâm chung...", rồi cứ thế 12 lời phát nguyện khác nhau có liên quan đến cõi Di Đà, lần lượt được phát ra âm thanh vang dội khắp mười phương.
Biết đến Thầy nhờ những chuyến hành hương Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, thăm viếng các cảnh Chùa nổi tiếng ở Á Châu. Đặc biệt vẫn là các Khóa tu ở Pháp Cổ Sơn của cố Hòa Thượng Thánh Nghiêm tại Đài Bắc, ngôi cổ tự nằm trên một ngọn đồi hẻo lánh đối diện với một ngọn đồi phồn hoa đô thị, nơi có tòa nhà cao 104 tầng, nỗi niềm hãnh diện của người Đài Loan. Buổi tối ngồi trong khuôn viên của Thiền viện nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả, nhìn xa xa trước mặt là tháp cao lấp lánh ánh đèn và một rừng ánh sáng tượng trưng cho sự khác biệt giữa Đạo và Đời.
Nhắc đến các chuyến hành hương của Thầy Hạnh Giới, phải kể đến văn phòng du lịch Nhi Phong của anh Đồng Pháp, một đệ tử của Thầy. Anh đã tìm ra địa điểm ngôi nhà gần nơi gia đình anh sinh sống, để trợ duyên cho Thầy xây dựng ngôi Tam bảo.
Trong ngày Đại lễ này, người viết đã gặp lại rất nhiều bạn Đạo từ nhiều nơi đến, nhiều nhất vẫn là từ chùa Viên Giác. Phải rồi, khắp nơi đều tụ lại ngôi Chùa Tổ, nên lần nào cũng gặp những nhân vật ấy! Đặc biệt là Thiện Quang, cô hàng chè thập cẩm sữa trân châu nổi tiếng của quầy hàng chùa Viên Giác mà mười năm sau mới gặp lại. "Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ...", nhưng không ngờ vẫn vui vẻ như ngày nào.
Được biết Thiện Quang gọi nhà thơ Hồ Dzếnh - Hà Triệu Anh là bác ruột, người với vần thơ làm tan chảy bao trái tim:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời.
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực.
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Thiện Quang đang làm từ thiện với các nhân vật nổi tiếng như tài tử Himanshu Soni người Ấn Độ, đóng cuốn phim Cuộc đời Đức Phật gồm 55 tập. Rồi với tài tử Gagan Malik, người được tặng cho danh hiệu "Nam thần", đóng cuốn phim về Cuộc đời Đức Phật dài gần 2 tiếng, chiếu ở các rạp chiếu phim.
Ông Gagan đang ở Bồ Đề Đạo Tràng, đang gieo duyên với Thiện Quang làm từ thiện cho chương trình giúp đỡ các chú tiểu tu học tại đây. Ông ấy viết "I need support for poor children monks in India".
Mặc dù trời rất nóng, tưởng rằng đĩa cơm tấm bì chay chẳng thể nào nuốt nổi. Nhưng không ngờ nó ngon đến nỗi tôi phải xin thêm đĩa thứ hai, với bát canh chua vừa miệng. Thành thật khen các ban Trai soạn của các Chùa đến tiếp sức cho buổi Đại Lễ hôm nay. Các chị vẫn miệt mài nhồi bột chiên bánh cam, bánh tiêu để phát hành cúng dường cho Chùa. Một món ăn chơi tưởng rằng dầu mỡ khó tiêu, nhưng lại đắt hàng đến không tưởng, mọi người phải xếp hàng dài dài mới mua được.
Sau phần cúng Mông Sơn Thí thực, diễn Nôm là cúng Cô hồn, mọi người từ từ giải tán ra về. Thầy Hạnh Giới đứng nép mình bên khung cửa, với nụ cười thật tươi chào tạm biệt từng vị khách mời, hay không mời mà đến như tôi. Thầy thổ lộ, đã định mời tôi tham dự nhưng nghĩ tôi ở tận Berlin xa xôi quá nên tội nghiệp không mời. Không ngờ long thần hộ pháp nhập vào chị Thông Giác, báo tin khẩn cấp trước một ngày, lúc ấy tôi đang đi chơi ở gần nơi Thầy ở, nên chỉ vài tiếng đồng hồ sau là đã có mặt tại Chùa khiến mọi người hơi ngạc nhiên đến bất ngờ. Do đó mới phát sinh ra bài tường thuật này, thật đúng với câu "Duyên sanh, duyên khởi, duyên đến rồi duyên đi".
Hoa Lan - Thiện Giới.
Mùa Phật Đản tại Tu Viện Viên Lạc, PL 2.569.