- Mục Lục / Lời Giới Thiệu / Lời Người Dịch
- Chương 1 Khoảng Lặng
- Chương 2: Hành Trình Về Thiền
- Chương 3: Ly Đã Bể
- Chương 4: Căn Bản Thiền
- Chương 5: Bình An & Tĩnh Lặng
- Chương 6: Bước Sen
- Chương 7: Nước Và Sóng
- Chương 8: Tu Tập Giải Thoát
- Chương 9: Con Đường Chuyển Hoá
- Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
- Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng
- Chương 12: Phấn Đấu Đến Giải Thoát
- Chương 13: Thiền Và Hội Họa
- Chương 14: Hoa Tâm Thức
- Chương 15: Đôi Mắt Là Viên Ngọc Quý
- Chương 16: Ai Chữa Lành?
- Chương 17: Phật Pháp Trong Đời Sống Gia Đình
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
PHẦN II: LUYỆN TÂM.
Chương 7: Nước và Sóng
Myongsong Sunim
Unmunsa là một tu viện lớn tại Hàn quốc, có khoảng 300 ni. Sự thành công của viện nhờ vào Ni trưởng và cũng là vị giảng sư chánh là Myongsong Sunim, một trong những người giảng pháp lỗi lạc nhất của Hàn quốc, được rất nhiều người kính trọng. Tu viện Unmunsa càng ngày càng lớn mạnh, có thêm nhiều phòng ốc; học viên thì hài lòng với không gian hoà hợp yên tĩnh. Ni sư Myongsong khoảng 60 tuổi, nhưng nhìn bà rất trẻ so với tuổi. Bà nhanh nhẹn nhưng cũng trầm tĩnh, nghiêm khắc mà thân thiện, cân bằng, mực thước, luôn lo cho phúc lạc của các ni sinh. Các ni sinh có cảm giác rằng Ni trưởng đối với họ rất tốt vì bà biết cách chăm sóc cho cây cỏ. Muốn trồng phong lan và cây cối đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì mỗi thứ cây cần được chăm sóc khác nhau. Cũng vậy, dường như Ni trưởng biết phải ứng phó như thế nào với nhiều ni sinh khác nhau.
GIÁO LÝ CỦA ĐỨC PHẬT LÀ GÌ?
Chúng ta cần biết ý nghĩa thật sự về chữ Phật trước khi ta có thể thiền hay tụng niệm. Nếu thực hành một cách mù quáng, chúng ta có thể đi sai mục đích. Chúng ta cần phải tìm hiểu về giáo lý của đức Phật trước khi thắp hương, niệm Phật. Chúng ta phải biết kinh trước khi có thể tụng. Đó là lý do tại sao tôi học kinh điển.
Trước tiên, bạn phải có tâm chân thành khi học kinh. Ban đầu, khi đức Phật đi tu, Ngài cũng có lý do. Tại sao đức Phật lại đi tu? Cũng giống như, đi chợ để mua một món hàng nhất định nào đó, hoàn toàn khác với việc đi chợ chỉ vì theo một người bạn, hoặc đi mà không có mục đích gì cả.
Từ nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều sách về tôn giáo: Phật giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, kể cả sách của Socrates. Tôi muốn trở thành một đại bác học. Nhưng tôi đọc sách Phật là phần lớn và muốn đi theo con đường nầy. Nhìn người khác, tôi thường tự hỏi cuộc sống của họ có ý nghĩa gì, khi dường như họ sống một cuộc sống vô vị. Tôi quyết định xuất gia năm 23 tuổi.
TÂM BAN ĐẦU
Khi bắt đầu tu tập, ta nên tự hỏi: Động lực nào thúc đẩy ta? Mục đích của ta là gì? Chúng ta cần có một đường hướng căn bản vì thế ta nên bắt đầu học kinh Chobalshim (Tâm ban đầu).
Tâm rất quan trọng. Ta cần tạo ra một tâm thức như thế nào? Tâm giống cái gì? Cái mà ta gọi là tâm không hình dáng, không mùi vị. Ta không thể thấy tâm bằng mắt hoặc nghe bằng tai; vậy tâm là gì?
Điều quan trọng là tiếp tục không gián đoạn với động cơ ban đầu của ta. Tâm ban đầu, khoảng giữa và cuối đều phải giống nhau. Nếu tâm ban đầu thay đổi, thì bạn có thể có những hành động bất thiện hay là không chính đáng.
Tâm ban đầu cần được chuyển tiếp cho tâm theo sau; chúng là một. Trong kinh Chobalshim có nói: ‘Với tâm ban đầu hành giả sẽ đạt được giác ngộ’. Tôi thường giảng về tâm nhất nguyên và làm thế nào để tâm ấy không hai.
SÓNG VÀ NƯỚC
Nếu bạn nghĩ thiền và học kinh điển là đối chọi nhau, thì bạn rất sai lầm. Hoàn toàn không phải vậy. Nếu tâm Phật là thiền thì lời Phật là giáo pháp. Giáo pháp của Phật không hiện hữu ngoài tâm Phật.
Giống như nước và sóng không khác nhau. Nếu nước chuyển động thì là có sóng, khi lắng dịu thì vẫn là nước. Sóng thì chuyển động và nước thì yên lắng, hai thứ không khác nhau. Cũng như vậy thiền và giáo pháp không khác.
Trong đời sống hàng ngày, không có gì không phải là thiền. Khi chúng ta biết ngồi quay mặt vào vách quán sát, ‘Cái gì là tâm?’, thì mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta trở thành thiền. Từ lúc sáng thức dậy cho đến lúc nằm xuống ban đêm, chúng ta quán: ‘Cái gì đang nằm ở đây?’ Nếu suy tư sâu lắng ta thấy cái đang nằm ở đây có thể ví như một xác chết còn động đậy. Đây là một hình thức tu tập.
Giáo lý của Phật chỉ là sự diễn đạt của tâm Phật, qua văn tự và ngôn ngữ. Nhiều người không biết đó là một chứ không phải hai. Một thiền sinh có thể nói giáo lý là xa vời. Ngược lại kẻ chấp vào kinh điển có thể phỉ báng các thiền giả, cho rằng họ là những kẻ ngu si, nhưng những khái niệm này đều sai lầm.
ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Dầu lạy Phật hay là nhổ cỏ, chúng ta cũng phải làm những việc đó với tâm bình đẳng. Nếu chúng ta lạy Phật vì Phật ngồi trên cao, đó là tôn thờ hình tượng. Nếu lạy Phật, khi chúng ta nghĩ Phật ở ngoài chúng ta, đấy cũng là tôn thờ hình tượng. Nếu ta nghĩ tâm hiện tại của ta là Phật, chúng ta đảnh lễ chân tâm của mình với lòng thành kính, cố gắng không để tâm dẫn đến cống cao ngã mạn. Đó mới thật là ý nghĩa của sự đảnh lễ.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi làm những nhiệm vụ lớn nhất hay nhỏ nhất, nếu chúng ta sống chân thật, kiểm soát việc mình làm, đấy chính là ý nghĩa của chữ Phật. Khi nhổ cỏ, hoặc quét sân, thưa hỏi người cao tuổi hoặc làm bất cứ chuyện gì, nếu ta làm những việc này một cách thành tâm thật lòng, thì đây là thiền.
Nếu chúng ta tinh tấn hành thiền nhưng rồi nổi giận hoặc nổi tham, thì còn tệ hơn chưa từng thực tập gì hết. Mục đích của thiền là sửa đổi các tư tưởng sân hận, si mê hay tham đắm. Chúng ta thiền là để trở về với tâm trong sạch, chân thật. Nếu chúng ta sống một cuộc sống hoang đàng, không lành mạnh, thì đó không phải là học tu hay hành thiền.
Tôi thích nói về pháp một cách cởi mở, giản đơn. Tôi dạy người cư sĩ biết sống lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Như sen vươn lên từ vũng bùn nhơ, vẫn nở hoa tinh khiết, đẹp đẽ, người cư sĩ sống ở thế gian, vẫn có thể nở hoa như sen vậy. Nếu họ vun trồng một cách sống tốt đẹp với nhau, đó là họ đã thực hiện ý hướng của đức Phật.
NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA
Ngay trước khi dạy bảo ai điều gì đó, chúng ta đã phải khiêm nhường. Nếu khuyên ai nên tạo công đức, chúng ta cần nhún nhường khi nói điều nầy. Trước hết chúng ta cần xét lại việc tạo công đức của chính bản thân. Trước khi bảo ai đừng nóng giận, tôi phải xét lại bản thân xem mình có khả năng chịu đựng, nhẫn nại mà không trở nên giận dữ.
Khi muốn nhắc nhở ai điều gì đó, ta không cần lớn tiếng. Trước tiên, ta phải nhìn lại mình; có thế ta mới có tự tin để dạy dỗ người khác. Chúng ta phải làm mọi việc với lòng tự tin. Nhưng thật khó tự tin, đúng không nào? Xét hành động của người thì dễ hơn của mình.
Nguồn cảm hứng phải phát khởi từ trong lòng. Nếu ta hy vọng tìm được điều đó từ bên ngoài, như thể nó rơi từ trên trời xuống, thì thật là sai lầm. Sự dũng mãnh cũng phải bắt nguồn từ bên trong, từ lòng tự tin của chính mình. Giống như nước từ trong nguồn chảy ra. Đâu có nơi nào khác mà ta có thể tìm được?
Riêng cá nhân tôi, sự cảm hứng không ích lợi gì. Tất cả các công trình đã được hoàn thành ở đây không phải do tôi làm, mà do từ tất cả năng lượng của nhiều người khác hợp lại. Không phải chỉ có sức mạnh của tôi mà chúng được hoàn thành. Vì nhiều vị ni quyết hợp sức cùng làm, tu viện Unmunsa mới được như thế đó. Công trình nầy không phải thành công nhờ tôi có sức mạnh phi thường gì. Mọi thành tựu đều do sức mạnh của từng ni sinh đang học tập tại đây; góp chung lại, nó được kết tinh thành.
Khi bạn chơi trò kéo dây, một nhóm người kéo dây, và vì mọi người cùng chung sức kéo, sợi dây chuyển động. Người đứng phía trước, hay bất cứ ai, không thể nói, ‘Tôi là người làm cho sợi dây chuyển động’. Không phải một người, mà là mọi người cùng nhau hoàn thành điều gì đó.
Người ta không thể truyền đạt ý của mình cho người khác. Ai đó có thể hỏi tôi: ‘Tại sao bà lại sống giữa núi vậy?’ Tôi có thể xử dụng câu trả lời của một vị thiền sư cho câu hỏi nầy. ‘Trên đỉnh núi, mây đến rồi đi’. Câu nầy rất hợp với tôi. Hạnh phúc, niềm vui của một người không thể giải thích được. Nếu tôi uống nước, thì chỉ có tôi mới biết được nước lạnh hay nóng, và nóng hay lạnh như thế nào. Vì lý do nầy, tôi không thể diển đạt được niềm cảm xúc mà tôi, một người nữ tu, đã trải qua.
NGUỒN GỐC CỦA GIỚI LUẬT
Các vị tăng ni cần phải chú tâm, đặt nặng vấn đề đạo đức hơn người tại gia. Xét kỹ, ta thấy, đối với các vị tỳ kheo có tất cả 250 giới, tỳ kheo ni có 338 giới, cư sĩ thì có năm hay 10 giới và cho sa di (sramanera) có 10 giới.
Tôi đã giảng nhiều về các giới luật của tỳ kheo ni. Theo tôi, nhìn lại nguồn gốc của giới luật, tôi cảm thấy không cần thiết phải tuân theo giới luật một cách quá chặt chẻ. Nguồn gốc của giới luật là để ‘bỏ điều ác, làm điều lành’. Vậy là đủ rồi. Nếu chúng ta luôn giữ nguồn gốc của giới luật, nó sẽ trở thánh bản tánh tự nhiên; tự động ta sẽ giữ các giới luật mà không cần được nhắc nhở: ‘Hãy làm việc nầy, đừng làm việc đó!’ Đừng làm việc ác và xem điều nầy như nền tảng để làm việc tốt! Đó chính là lời dạy của Đức Phật.
THIỀN ĐỊNH VÀ TRÍ TUỆ
Tâm chúng ta giống như sóng biển, lúc nào cũng nhấp nhô. Thiền giúp cho tâm giao động trở nên yên tịnh, để có thể tìm giữa bao thứ trong tâm ta cái ý tưởng vững chải, không xao động. Có lời dạy rằng: ‘Đừng chấp vào những cái bên ngoài mà bạn có thế thấy, có thể nghe. Hãy buông bỏ ngay lập tức.’
Trạng thái mà nội tâm tôi không bám víu, không nôn nao, không bận rộn, là trạng thái khi tâm tôi đã lắng dịu hoàn toàn, cũng như nước đang lắng đọng. Biển tâm, dòng nước sâu thẫm của tâm, khi đã lắng xuống một cách êm đềm, thì đấy là định.
Dầu bận rộn thế nào, bạn cũng cần phải cẩn trọng hơn, chú tâm hơn và điềm tĩnh hơn. Để giúp mình bình tĩnh hơn, hãy tự hỏi: ‘Tôi phải giải quyết việc nầy như thế nào?’ Nếu bạn có chánh định, thì dầu công việc của bạn có rắc rối, khó khăn thế nào, bạn cũng không bị áp lực, kiệt sức, thật ra bạn còn điềm tĩnh hơn. Nếu bạn có khả năng của chánh định, thì bạn có đủ sức mạnh để đối phó với mọi hoàn cảnh. Mắt của thiền giả có thể trụ vào một nơi cố định, không liếc ngang dọc mọi nơi. Đó chính là nhờ sự chú tâm.
Nếu dòng nước tâm lắng đọng êm đềm, thì tâm sẽ trở nên trong hơn và chói sáng sau mọi phản chiếu. Nhờ có định, mà trí tuệ phát sinh một cách tự nhiên, rõ ràng. Trí tuệ của Đức Phật không thể có được giống như cách chúng ta tạo ra của cải vật chất. Khi tâm thức lắng đọng, lập tức ánh sáng trí tuệ chói sáng.
Thiền sư Bojo có nói: ‘Không có điều ác trong tâm thức, đó là giới luật, không có xao động trong tâm, đó là định, không có si mê trong tâm, đó là trí tuệ.’
ĐÔI CÁNH CHIM
Giữa tăng và ni, không có sự khác biệt. Cả hai đều là đệ tử Phật. Tăng và Ni như đôi cánh của một con chim. Sứ mệnh của chúng ta trong đời là truyền bá lời dạy của Đức Phật.
TU VIỆN UNMUNSA
Ở Unmunsa, có rất nhiều ban, khoa. Có khoa giáo dục nhằm mục đích truyền bá Phật pháp. Có ban văn hóa phát hành tờ tin. Ban hoạt động xã hội tổ chức các gian hàng bán lấy tiền gửi đến các trại phong, nhà dưỡng lão và cô nhi viện. Các vị ni thăm viếng những nơi mà con người đang đau khổ như một hiện thân của lòng từ bi của đức Phật.
Công việc của chúng tôi là giảng dạy ý nghĩa của Đức Phật. Đây là các nguyên tắc chỉ đạo của trường đại học: chúng tôi phải phát đại nguyện bằng cách vun trồng các ý định của mình. Phải tinh tấn và dốc cả tâm trí vào tất cả những việc ta làm, không được dễ duôi. Không được trở lại với các thói quen cũ, và phải luôn tinh tấn. Chúng ta phải truyền bá những lời Phật dạy, vì Đức Phật bảo bánh xe pháp phải quay không ngừng.
Khi tôi mới đến đây, có chừng khoảng 70 vị ni. Trong 22 năm, nhiều việc đã đổi thay và số ni tăng lên rất nhiều. Hiện tại có khoảng 230 ni sinh. Nếu cộng luôn tất cả những người làm việc ở đây, con số có thể lên đến 257 người. Trong tương lai, tôi mong có những vị ni xuất chúng, có kiến thức cao hơn tôi sẽ xuất hiện và phát triển tu viện nầy hơn nữa.
Tôi bảo với tất cả ni sinh rằng họ phải trở nên những con người giác ngộ. Bằng những thành quả của chính mình, họ phải trở nên các nhà tư vấn thông thái. Đi đến đâu họ cũng không phải quỳ lụy, khúm núm. Tất cả chúng ta phải trở thành những phụ nữ xuất sắc trên con đường Đạo.
SỐNG HOÀ HỢP
Ban đầu, tôi không tha thiết muốn được trở thành Ni trưởng. Ý tôi định là nghiên cứu và giảng dạy kinh điển ở thủ đô. Tuy nhiên, ni chúng ở tu viện Unmunsa nhất quyết muốn tôi làm giảng sư cho họ và sau đó yêu cầu tôi làm Ni trưởng. Điều mà tôi thích khi làm Ni trưởng, là tôi có trọn quyền để làm cho các ni sinh thêm thoải mái. Nếu tôi chỉ là giảng sư, tôi phải xin phép Ni trưởng để mua bàn ghế, màn cửa, máy photocopy, vân vân, và có thể bị cấm. Nhưng vì tôi là Ni trưởng, tôi có thể cung cấp mọi thứ cần dùng cho các ni sinh.
Sống hoà hợp là mục đích của ni chúng nầy. Khi các ni có sự bất đồng ý kiến, họ cố gắng tìm hiểu quan điểm của người khác. Nếu nhìn vào gương, tôi thấy khuôn mặt của mình phản chiếu trong đó; sự phản chiếu đó không tốt hơn cũng không xấu hơn khuôn mặt của tôi, nó chỉ phản chiếu sự vật như nó thật là. Chúng ta không nên ôm thù hận đối với kẻ khác. Mọi lỗi lầm cần được xem xét lại bằng cách nhìn lại mình, và chúng ta phải kiên nhẫn, nhún nhường đối với nhau.
Chúng tôi chủ trương sống với lòng khiêm cung. Vì thế mặc dù có 250 ni sống chung với nhau, các vụ ấu đả hay tranh cãi không xảy ra thường xuyên. Dù sao, họ cũng phải học hành chăm chỉ, giữ gìn khuôn viên sạch sẽ, trồng hoa và rau quả, vì thế họ rất bận rộn, không có thời gian để bất hoà.
ĐẠI ÁI VÀ ĐẠI BI
Chữ từ bi trong tiếng Hàn được kết hợp một cách rất ý nghĩa, bao gồm từ ja, là ‘thương yêu’, và bi, nghĩa là ‘buồn, thương xót’. Chữ ‘từ bi’ nấy, cũng đi ghép với chữ ‘vĩ đại’. Chúng ta luôn nói về lòng đại từ bi.
Trong cuộc sống thế gian, người ta thương không trọn vẹn. Họ nghĩ, ‘Tôi mong mọi việc suông sẻ tốt đẹp cho con trai hay con gái tôi.’ Họ làm điều nầy kể cả khi cầu nguyện. Đối với sự từ bi nầy, bạn không thể thêm vào từ ‘đại’ phía trước.
Đại bi nghĩa là khi ai đó gặp nhiều đau khổ, chúng ta phải tốn nhiều công sức để giúp họ ra khỏi đó. Cũng có nghĩa là khi chúng sanh buồn, ta cũng buồn với họ. Khi họ khóc, ta cũng khóc. Đại ái là khi chúng sanh vui, ta cũng vui với họ. Chia sẻ buồn vui cùng nhau, đó mới là đại từ bi. Đại ái nghĩa là chúng ta ban tặng hạnh phúc lớn lao; đại bi nghĩa là chúng ta giúp người thoát khỏi khổ đau.
Ý nghĩa của từ bi thật tuyệt vời. Gandhi đã nói ông học được tình thương yêu đồng loại từ Thiên chúa giáo, nhưng ông học được tình thương yêu tất cả mọi loài chúng sanh nơi Phật giáo. Mọi vật đều được tôn trọng, kể cả con muỗi. Thật là một ý tưởng tuyệt vời, thương yêu tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Vì thế, để không vật gì bị giết hại, chúng tôi không ăn thịt. Nếu tôi lo cho sự sống của mình, thì tôi cũng phải lo cho mọi sự sống khác, do đó tôi không thể giết hại bất cứ một chúng sinh nào. Như thế lòng từ bi sẽ mãi tuôn tràn.