- Mục Lục / Lời Giới Thiệu / Lời Người Dịch
- Chương 1 Khoảng Lặng
- Chương 2: Hành Trình Về Thiền
- Chương 3: Ly Đã Bể
- Chương 4: Căn Bản Thiền
- Chương 5: Bình An & Tĩnh Lặng
- Chương 6: Bước Sen
- Chương 7: Nước Và Sóng
- Chương 8: Tu Tập Giải Thoát
- Chương 9: Con Đường Chuyển Hoá
- Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
- Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng
- Chương 12: Phấn Đấu Đến Giải Thoát
- Chương 13: Thiền Và Hội Họa
- Chương 14: Hoa Tâm Thức
- Chương 15: Đôi Mắt Là Viên Ngọc Quý
- Chương 16: Ai Chữa Lành?
- Chương 17: Phật Pháp Trong Đời Sống Gia Đình
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
PHẦN II: LUYỆN TÂM.
Chương 9: Con Đường Chuyển Hoá
Ani Thubten Chodron, người Mỹ, tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng Gelugpa. Bà dốc mọi tâm huyết, dâng hiến tất cả cuộc đời cho Phật giáo.
Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI LÀ GÌ?
Khi còn rất trẻ, tôi đã được dạy rằng một cuộc đời thành đạt là phải có nhà to, xe đẹp, nhiều bạn bè, và danh tiếng. Tuy nhiên khi lớn lên, tôi cảm thấy những điều nầy không còn nhiều ý nghĩa nữa. Rồi khi ra trường, tôi cảm thấy hoàn toàn thất vọng với cuộc đời. Xã hội (Mỹ) trong thời kỳ tham gia chiến tranh ở Việt Nam thật quái dị. Tôi không thể chấp nhận những giá trị của xã hội lúc đó. Nghĩ rằng chỉ có giáo dục là lối ra cho mọi bế tắc, nên tôi quyết định quan tâm đến trẻ em, cố gắng dạy dổ chúng một cách tích cực để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, do vậy tôi đã trở thành một nhà giáo.
Sau khi lập gia đình với một luật sư trẻ, tôi chu du Âu Châu, Bắc Phi và Á châu. Lúc đó tôi không biết gì về Phật giáo, nhưng thấy một ít lưu niệm mang vẻ Phật giáo, chúng tôi cũng thích. Vợ chồng tôi mang về nhà nhiều ảnh tượng Phật để treo tường, không phải vì chúng tôi tin vào Phật giáo nhưng chỉ vì muốn có nhiều món đồ lạ mắt để khi có khách đến, họ có thể trầm trồ khen ngợi.
Trở về Mỹ, tôi bắt đầu dạy ở một trường tiểu học ở Los Angeles, vừa học tiếp cao học. Năm 1975, một ngày kia tôi thấy một tờ bướm quảng cáo về một lớp Thiền, và dầu không có ý đi tìm một con đường tâm linh nào vào thời điểm đó, tôi cũng quyết định tham dự. Tôi đã có tất cả những gì mà người khác cho là hạnh phúc: một người chồng tốt, việc làm ổn định, được tiếp tục học lên cao, quen biết nhiều. Tất cả mọi thứ nhìn từ bên ngoài đều hoàn hảo, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó, dầu tôi không biết là cái gì.
Mùa hè năm đó tôi ghi danh học khóa Thiền do ngài Lạt ma Yeshe và Lạt ma Zopa hướng d?n. Tất cả đều thay đổi từ đó. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là Phật giáo nhấn mạnh về động lực hành động. Khiến tôi bắt đầu để ý xem tại sao mình hành động thế nầy, thế khác thay vì mình đã làm gì. Phật pháp cũng giúp tôi nhận ra rằng sân hận, bám víu là tâm phiền não gây đau khổ cho mình và cho người. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là mọi đau khổ đều do tâm tôi tạo ra.
Quay trở vào, soi lại mình, quán sát tình cảm, thái độ của mình khi phải đối mặt với những bất như ý trong cuộc đời là một điều mới lạ: Tôi bị sốc khi nhận ra rằng mình không phải là người khá tốt như mình hằng tưởng. Khi tôi bắt đầu hành thiền, và quán xét xem tại sao tôi có các hành động nọ kia, tôi chỉ có thể nhận ra một vài hành động vô vị lợi trong cuộc đời mình. Thành thật mà nói, tất cả mọi hành động của tôi đều phát khởi từ lòng vị kỷ, kèm theo sân hận, cố chấp.
Lúc đầu tôi khó chấp nhận thuyết luân hồi sinh tử, nhưng càng suy gẫm về đề tài nầy, tôi càng thấy thông hiểu hơn. Khi tôi đem thuyết luân hồi ra suy gẫm cùng với thực trạng tâm tôi hầu như luôn xáo trộn, tôi bắt đầu nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi tôi tái sinh trở lại. Lúc nhỏ, tôi thường suy nghĩ về cái chết, đưa đến những câu hỏi như là: “Nếu tôi chết, cuộc đời tôi có ý nghĩa gì? Nếu khi chết, tôi không thể mang theo gì, thì tất cả những gì tôi làm còn có ý nghĩa gì?” Khi các vị thầy Phật giáo bắt đầu giảng về cái chết, các thắc mắc của tôi như được giải tỏa, khiến tôi phải suy nghĩ lại mình đang làm gì với cuộc đời mình, và hậu quả hành động của tôi đối với các kiếp sống sau.
CON ĐƯỜNG CHUYỂN HOÁ
Pháp thiền đầu tiên tôi thực hành là Lam Rim, một phương pháp thiền Tây Tạng, có nghĩa là “con đường chuyển hoá đến giác ngộ”. Chúng tôi được dạy đôi chút về thiền quán hơi thở, nhưng chánh yếu là pháp thiền Lam Rim quán sát, phân tích nầy. Lam Rim là con đường chuyển hoá đến giác ngộ, với những lời hướng d?n từng bước từng bước về những pháp thiền nào phải thực hành khi nào, theo thứ tự nào. Điều đó giúp cho người học đạo có thể sắp xếp rõ ràng các lời giáo huấn trong tâm trí mình. Pháp thiền nầy luyện tâm bằng cách chuyển hoá dần để có sự suy nghĩ đúng. Tôi cảm thấy pháp thiền phân tích nầy rất hữu ích, vì tôi là người hay suy luận; tôi sống trong thế giới trí tuệ. Tập suy nghĩ một cách thực tế và hữu ích khi hành thiền rất thích hợp với cá tính của tôi.
Thí dụ, khi quán về cái chết, thì bước đầu tiên là chúng tôi phải quán rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi; ai cũng phải chết và không thể đi đâu để trốn khỏi cái chết. Bước thứ hai, chúng tôi quán về sự không lường trước được của cái chết; không ai biết mình sẽ sống trong bao lâu, đôi khi một tai nạn nhỏ cũng cướp được đời sống của ta, không có gì bảo đảm ta sẽ được sống lâu. Thứ ba, chúng tôi suy gẫm về những gì được coi là giá trị ở thời điểm lìa đời, khi ta bỏ lại phía sau thân xác, bạn bè, người thân, sở hữu. Thực hành quán sát như thế giúp chúng tôi nhận ra được những gì thật sự quan trọng trong đời mình.
Phương pháp nầy từng bước từng bước giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời mình. Tôi không phải là loại người thích ngồi, thiền quán, luyện sự chú tâm. Tôi muốn khám phá, tìm hiểu về cuộc đời. Giáo lý Lam Rim đã tạo một khuôn mẫu triết và tâm lý để qua đó tôi có thể nhìn lại cả cuộc đời mình, để nhìn nhiều vấn đề dưới góc độ phù hợp hơn, khiến chúng có ý nghĩa hơn. Những tánh tốt của tôi là gì? Và tánh xấu? Pháp Lam Rim dạy tôi một cách rõ ràng phải làm gì khi những uế nhiễm như -vị kỷ, bám víu, sân hận, vân vân – khởi lên. Khi sân hận dấy khởi, pháp Lam Rim dạy ta phải thay đổi cách nhìn vấn đề; khi sự bám víu nổi lên thì lại phải đối phó với nó một cách khác. Có rất nhiều cách đối trị, nhiều cách khác nhau để nhìn một vấn đề, biết như thế, dần dần ta sẽ thay đổi.
Thay vì để bị lôi cuốn theo các cảm xúc của mình, khiến ta phản ứng lại bằng cách làm đau khổ người khác, ta có thể dừng lại và suy nghĩ: “Đây là những tình cảm tiêu cực. Tôi có thể nhìn vấn đề nầy dưới một khía cạnh khác không? Tôi phải sắp xếp tình huống lại như thế nào để các phản ứng của tôi sẽ chuyển đổi một cách tự nhiên và các tình cảm tiêu cực không khởi lên?”
Đó không phải là đè nén hay trốn tránh các xúc cảm; đó là một cố gắng để nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác, khiến cho sự giận dữ, lòng ganh tỵ không thể dấy lên. Nhận biết được rằng một số tình cảm hay tư tưởng là những trạng thái tâm tiêu cực, đối với tôi là một cuộc cách mạng. Trước đây tôi vẫn coi các thái độ nầy là đúng; tôi đã nghĩ rằng nếu tôi không tỏ ra giận dữ, người khác sẽ lợi dụng tôi, lấn áp tôi.
Khi đã biết những nguyên nhân gây ra các trạng thái tâm tiêu cực, ta có thể dùng một trong các cách đối trị hợp lý. Thí dụ, ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nhìn vấn đề qua cái nhìn của họ. Thông thường khi nóng giận, ta ngỡ là ta đã phán xét vấn đề một cách trung thực, nhưng thực ra ta đã nhìn chúng qua vỏ bọc của cái tôi, cái của tôi. Khi chúng ta nhìn vấn đề theo quan điểm của người khác, nó hoàn toàn khác đi. Khi ta nhìn lại hành động của mình dưới mắt người khác, ta có thể hiểu tại sao người ta không thích mình hay tại sao họ lại hành động thế nầy, thế nọ. Tôi cảm thấy điều nầy rất hữu ích, nên áp dụng chúng trong giao tiếp với người.
Tâm tôi đã hoàn toàn thay đổi sau một thời gian kiên trì hành pháp. Trước đây tôi rất đanh đá, miệng lưỡi cay độc, hay chỉ trích người, giờ tâm lý tôi không còn lên xuống bất thường. Tôi không còn chán nản, tâm tôi trở nên kiên định hơn. Liên hệ giữa tôi và người khác nhờ thế cũng được tốt hơn, nhất là từ khi tôi bắt đầu để ý đến lời nói của mình. Biết quán sát thân, khẩu và ý là biết thực tập chánh niệm, thực tập nhận ra các thái độ tiêu cực khi chúng dấy khởi và sửa đổi trước khi chúng tạo ra đau khổ cho mình và cho người.
TÂM LÀ NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC
Dầu phương pháp thiền quán hơi thở không được chú trọng trong truyền thống Tây Tạng, tôi thấy nó rất thích hợp cho người Tây phương. Tâm của chúng tôi đầy chất chứa, nên pháp quán hơi thở giúp thanh lọc tâm. Theo dõi hơi thở khiến chúng tôi từ tốn, thư thả hơn. Rồi quán sát quá trình tư duy của tâm mà không phán đoán giúp ta trở thành người bạn của chính mình.
Dầu chúng ta thường quan niệm rằng những đau khổ hay hạnh phúc của ta đến từ bên ngoài, nhưng chính tâm ta mới là nguồn gốc của hạnh phúc và khổ đau. Khi kiểm lại những kinh nghiệm mình đã trãi qua, ta có thể thấy rằng chính thái độ của ta cũng góp phần vào đó, vì thế ta có thể thay đổi thái độ của mình, ta có thể thay đổi những kinh nghiệm nầy. Khi thiền quán, ta hãy tự hỏi xem sự bám víu, chấp chặt có mang đến hạnh phúc cho mình hay không? Chúng ta bám víu vào cái gì Hậu quả của việc bám víu trong cuộc đời ta, nó có đem lại lợi ích gì không? Chúng ta cũng có thể quán về tánh sân như thế: sân hận là hành động xây dựng hay đập đổ? Điều gì khiến chúng ta nổi giận? Tại sao ta nổi sân? Nếu chúng ta nhìn sự việc dưới một góc độ khác thì sẽ như thế nào?
Vì pháp Lam Rim thường được dạy theo truyền thống cho người Tây Tạng, pháp nầy có thể khó cho người chưa có kinh nghiệm thiền hay căn bản Phật giáo, mà phần đông người Tây phương là như thế. Trước hết ta phải quán sát tâm và các cảm thọ của mình, đó là điều tối cần. Sau đó ta mới có thể quán sát tâm theo thuyết tái sinh, sự trãi dài của tâm từ quá khứ đến hiện tại sang tương lai. Tâm chúng ta là một chuỗi liên tục, luôn chuyển đổi không có khởi đầu, không có kết thúc. Những sự quán sát nầy giúp ta có thể hiểu được nghiệp, sự tái sinh và tứ diệu đế.
Khi đã có một hình ảnh tổng quát về cuộc đời là như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu thực tập các phương pháp thiền Lam Rim về sự được tái sinh vào thân người quý báu, về cái chết, về sự nương trú, vân vân. Khi ta đã có sự hiểu biết về tất cả pháp Lam Rim, ta có thể bắt đầu trì chú.
SỰ THỰC TẬP HẰNG NGÀY
Bất cứ khi nào có điều gì phiền phức xảy ra hay các cảm xúc bất thiện khởi lên, tôi thường cố gắng soi lại mình: “Tôi đang có cảm giác gì đây? Nút nào vừa được bấm?” Trong ngày, tôi cố gắng quán xét xem điều gì đang xảy ra trong nội tâm, chứ không để sự việc dồn ứ lại đến tối, hay ngày nầy qua ngày khác. Sự thực tập căn bản của tôi là chuyển hóa tư tưởng của mình. Điều đó bao gồm thiền quán –cũng có trong pháp Lam Rim- để phát triển lòng từ bi, trí tuệ và để chuyển đổi mọi hoàn cảnh mà ta gặp phải thành con đường giác ngộ. Tôi áp dụng các phương pháp thiền nầy vào bất cứ việc gì đang xảy ra, hay để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó. Nếu quá bận rộn trong ngày thì tôi thực tập những điều nầy vào buổi tối.
Gần đây tôi thực tập chánh niệm theo truyền thống Nguyên thuỷ đôi chút. Khi có vấn đề gì khởi lên trong tâm, tôi ngồi xuống, cảm giác về chúng, chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra ở thời điểm đó. Điều đó có giúp tôi đôi chút. Tuy nhiên, tôi cần cái trí tuệ do pháp thiền phân tích mang đến để có thể chỉ ngồi và cảm nhận các cảm xúc.
Tôi không phải là loại người chỉ có thể thực hành chánh niệm, vì tôi phải hoàn toàn bị thuyết phục, thí dụ, rằng tánh sân là bất thiện. Tôi không thể chỉ ngồi đó, nhìn, quán sát: giận, giận, giận. Trước hết tôi phải hiểu rằng đó thực sự là một sự diễn đạt sai lạc thực tế. Thiền phân tích giúp tôi làm như thế, sau đó tôi mới có thể ngồi mà cảm nhận năng lực của bất cứ điều gì dấy khởi lên. Tôi quán sát xem cảm giác lúc ấy ở thân như thế nào, trạng thái tâm ra sao, và sự chuyển đổi của tâm.
Nói chung, tôi áp dụng một số phương pháp thiền vì chúng ta cần phải phát triển cá tính của mình về nhiều mặt. Tôi chọn phương pháp thiền nào tùy thuộc vào lúc đó tâm tôi cảm thấy pháp nào hiệu quả, nhưng thường dựa vào sự chuyển hóa tư duy, ở những lúc khác thì tôi trì chú và hướng tâm đến cảnh khác.
Quan trọng là chúng ta phải thực tập mỗi ngày, chứ đừng thay đổi liên tục. Có người ngồi thiền một lúc ba tiếng, rồi mấy tuần sau đó không có tiếng nào, hay ngồi một ngày, lại nghỉ một ngày. Dầu ta có bận rộn mấy, cũng phải cố gắng thu xếp để có thể ngồi ít nhất nữa tiếng mỗi ngày. Dầu ta có mệt mỏi, bịnh hay nghĩ rằng chẳng thấy kết quả gì, điều quan trọng là ta vẫn phải tiếp tục thực hành vì thiền thực sự mang lại kết quả.
Mỗi sáng khi thức dậy, trước tiên ta nên khởi nghĩ trong đầu: “Hôm nay tôi nguyện không làm hại ai. Tôi nguyện làm lợi ích cho người khác. Hôm nay tôi muốn tất cả mọi hành động của mình đều do lòng mong cầu được thành Phật vì lợi ích của chúng sanh thúc đẩy”. Khởi nghĩ như thế trước khi ra khỏi giường, sẽ thay đổi cả một ngày. Sau đó ngồi dậy, làm vệ sinh, uống trà, rồi ngồi xuống tọa thiền ngay, trước bất cứ điều gì khác. Sau đó, tiếp tục những sinh hoạt hằng ngày khác, cố gắng chánh niệm về lời nói, hành động, nghĩ suy, cảm giác của mình suốt cả ngày. Nếu chúng ta mất chánh niệm, quay trở lại, quán tâm để tìm cách giải quyết vấn đề.
Cuối ngày, ta cần ngồi xuống kiểm điểm lại những việc đã qua trong ngày; những gì ta đã làm tốt, ta đã giúp được gì cho ai? Hành động nào là thiện? Khi chúng ta có thể từ bỏ một hành động xấu hay làm được điều gì tốt, dù nhỏ mọn đến đâu, cũng nên mừng. Chúng ta cần được tự hào, nhất là ở Tây phương Một trong những trở ngại lớn nhất trên bước đường tu là có cái nhìn tiêu cực về mình hay đầy tự ti. Điều nầy cả hai giới nam nữ đều mắc phải, thể hiện ra bằng những cảm giác như không hài lòng hay ghét chính bản thân. Trước hết, chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc về những việc ta làm, về con người ta như thế nào, sau đó ta mới có thể xem những gì cần sửa đổi thêm về thân, khẩu và ý.
Mỗi năm, tôi luôn dành vài tuần dự các khóa tu thiền. Tôi không phải làm gì khác trong thời gian nầy. Giống như những ngày nghỉ lễ, vì thường ngày tôi phải bận rộn lo cho người khác. Nhưng trong các khóa thiền, không cần phải trả lời điện thoại, thư từ, tư vấn, giảng dạy hay gì cả, tôi chỉ cần đem những điều đã giảng dạy ra áp dụng, giữ im lặng, tịnh khẩu. Những khoá tu dài hạn rất ích lợi, nếu bạn có chuẩn bị, nếu không chúng ta chỉ lãng phí thời gian mà thôi.
Khi dự một khoá tu về một vị Phật hay Bồ Tát nào đó, một hiển thị đặc biệt của Đức Phật, tôi hành lễ bốn lần một ngày. Lúc trước tôi làm lễ bằng cách nguyện trì chú và đếm số chú niệm. Giờ tôi dành thời gian để thiền nhiều hơn, không chú trọng đến việc đếm chú nữa. Tôi thích dành thời gian ở các khoá tu để thư thái ngồi thiền, cảm nhận những gì thiền mang đến cho tôi. Các thời thiền nầy không phải chỉ là nghi lễ, chúng thực sự chuyển đổi được tâm.
TÂM TRÍ TUỆ
Tôi đã thề nguyện trước các vị thầy của tôi là sẽ hành Thiền mỗi ngày, nhờ đó tôi tập được thói quen thực tập mỗi ngày. Dầu có nhiều ngày, tôi không thực hành tốt lắm, nhưng tôi vẫn thấy phấn khởi nhờ vào sự tinh tấn nầy. Nếu tôi nghĩ tưởng đến năng lực của ngài Tara, Chenrezig hay Yamantaka, thí dụ, thì trong ngày khi có vấn đề gì phải đối mặt, tôi thường giải quyết trọn vẹn. Nếu giữ đúng lời nguyện thực hành mỗi ngày, dù không thành công, năng lực của chư Phật vẫn có mặt, tôi vẫn có thể nương tựa vào đó khi cần.
Khi chúng tôi nguyện tu theo hạnh của một vị Bồ Tát hay một vị Phật nào, thì các thầy dạy chúng tôi quán về các vị đó mỗi ngày. Bắt đầu bằng sự an trú, rồi khởi tâm từ bi hướng về người khác. Chúng tôi hình dung ra vị Phật –tâm toàn giác của vị ấy- rồi thực tập để thanh tịnh hóa tâm mình, tích tụ những tiềm năng tích cực. Điều quan trọng cần nhớ là vị Phật hay thánh đó vốn không hiện hữu; họ không phải là một đấng thiêng liêng ở bên ngoài ta. Chúng ta đã tưởng tượng ra họ trong đầu ta, và họ thâm nhập vào ta. Khi tâm ta và tâm của vị đó hoà quyện làm một, chúng ta quán về sự thiếu vắng của một thực thể rắn chắc, độc lập, của vị ấy cũng như của ta. Trong không gian đó, tâm trí tuệ của ta hiển hiện sự có mặt của vị đó.
Cách thiền quán nầy chuyển đổi cái nhìn về tự ngã của ta. Ta không còn cố gắng bám víu vào một thực thể nào để khẳng định mình như: “Tôi là Chodron, tôi là một nữ tu sĩ, là phụ nữ, người Mỹ, tôi có cá tính như thế nầy, tôi có thể làm điều nầy, không thể làm việc kia, tôi tự ghét mình vì quá dở”. Thay vì bị dính vào một hình tướng cụ thể nào đó, ta bắt đầu nhận thức được rằng đó chỉ là ảo vọng, một sản phẩm của tâm. Chúng ta gạt bỏ cái ảo vọng đó, để nhìn tâm trí tuệ của mình trong bản thể trong sạch của nó. Công phu tu tập của tôi chưa được hoàn chỉnh, nhưng nó cũng giúp tôi nhìn ra được rằng không có một thực thể cố định như thế, mà tôi còn có những tiềm năng khác nữa trong tôi.
Tôi khuyên các hành giả không nên chỉ học thiền qua sách vở. Điều đó khá mạo hiểm; chúng ta có thể tự vẽ vời với chính mình, rồi diễn giải sai lệch. Ta cần có thầy để chỉ ta cách ngồi thiền, để giải thích thiền sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ta như thế nào, và mục đích của thiền là gì. Nếu không rất dễ cho tâm hiểu sai mọi thứ. Đối với những cách thực hành căn bản, không cần phải làm lễ khai thị, nhập môn. Nhưng để thực hiện những pháp thiền cao siêu trong đó ta tưởng mình như một vị thánh –thiền mật tông- ta cần có sự khai thị từ một vị thầy kinh nghiệm.
Tôi khuyên các hành giả nên thận trọng trong việc thực hiện những sự khai thị cao cấp quá nhanh vì tôi đã nhìn thấy nhiều người vội vã thọ nhập các cấp bậc thiền quá cao, để rồi sau đó bị rối loạn, đành bỏ dở tất cả. Như thế sẽ không ích gì cho họ hay cho Phật pháp. Tốt hơn là bắt đầu bằng những bước căn bản để ổn định cách sống của ta. Khi cuộc sống của ta đã vào nếp, ta có thể bắt đầu thực hành các pháp khác, có thể hành Chenrezig(3) hay Tara(4). Nhưng để hành các hình thức mật tông du già cao cấp nhất, ta cần phải đợi đến khi đã có một nền tảng vững vàng. Nếu không cũng giống như ta cố lợp mái nhà khi chưa làm xong tường hay khi chưa đặt móng cho vững.
Nhiều người có cái nhìn sai lạc về Kim Cang thừa; họ nghĩ nó thần bí, quí hiếm hay một con đường tắt, dễ đi đến giác ngộ. Có người còn nghĩ nó có sức mạnh huyền bí hay tình dục. Những quan điểm sai lầm như vậy phát sinh do thiếu thông tin hay do đọc những quyển sách bậy bạ. Như Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã nói, Kim cang thừa được xây dựng trên nền tảng thực hành của đạo đức, của cuộc sống giản đơn, của lòng từ bi, tình thương yêu chúng sanh, trí tuệ và tánh không. Chỉ khi chúng ta đã phát triển được sự hiểu biết thực sự của những điều vừa nêu, thì ta mới nên với tới Kim Cang thừa. Tuy nhiên, Kim Cang thừa là một thiện xảo nếu hành giả có chánh kiến.
TẦM SƯ HỌC ĐẠO
Điều quan trọng là phải có Thầy. Mối liên hệ cá nhân đó, thí dụ từ một hành giả thực sự tu tập và được sự hỗ trợ dạy dổ từ một con người bằng xương bằng thịt là điều không thể thay thế bằng sách vở. Vị thầy sẽ cho ta cảm giác được hỗ trợ trong công phu tu tập, được có ai đó luôn ở phía sau ta, nên khi ta sinh tâm hoài nghi, thắc mắc hay giao động, ta có chỗ để quay về. Ngoài ra, vị thầy cũng ngăn cản được ‘sự vấp ngã của ta’. Với một vị Thầy mà ta có được mối tương quan tốt đẹp, thì Thầy có thể dẫn dắt để ta không bị lạc lối Lúc đầu, ta cần phải có nhiều thời gian ở bên thầy, khi đã vững chải hơn, ta không cần phải luôn ở bên họ.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng chúng ta phải cẩn thận chọn lựa thầy trước khi bái họ làm sư phụ của mình. Chúng ta phải cẩn thận, phải hiểu rõ mục đích của việc có một người hướng dẩn tâm linh mình. Thiết lập mối liên hệ với một vị thầy là để phát triển trí tuệ, trách nhiệm của ta, chứ không phải đem chúng cho người khác gánh thay.
Phần lớn các thầy của tôi thuộc phái Gelugpa(5), nhưng có một vị là Kagyupa. Tôi không muốn tự xưng mình là một Gelugpa, vì nghe có vẻ chia ra tông phái. Tôi chỉ tự xưng mình là một Phật tử hay một Phật tử Tây Tạng. Khi ở Singapore, tôi được biết về truyền thống Nguyên thuỷ cũng như Phật giáo Trung Hoa, tôi cũng rất ngưỡng mộ họ. Tôi mang ơn các tông phái khác, cũng có những điều tôi học được từ họ, cảm thấy gần gủi với họ, dầu tôi chuyên chú chính vào Phật giáo Tây Tạng và Gelugpa.
PHỤ NỮ
Nhiều quan điểm về phụ nữ đã bị quy cho Phật nói. Lúc đầu tôi tin vào đó 100%, nên đã có lúc tôi đánh mất niềm tự tin vào chính bản thân. Sau tôi nhận thức rằng Đức Phật hẳn không phải nói ra những điều nầy nhằm mục đích để làm người nữ chán nản, không muốn tu tập. Điều đó đi ngược lại với ý nguyện của Đức Phật, là muốn cho tất cả chúng sanh đều phát triển tiềm năng của họ, để đạt được giác ngộ, giải thoát.
Tôi bắt đầu đặt Phật giáo vào hoàn cảnh văn hoá, lịch sử của thời đó, so sánh với những nghiên cứu về xã hội, chủng tộc và lịch sử học của Phương Tây. Theo đó, ta có thể thấy rằng Phật giáo cũng như các cơ quan tôn giáo phụ thuộc vào xã hội nơi chúng có mặt, một phản ánh của văn hoá nơi đó.
Nói về vấn đề giới cũng như những cách để đối phó với vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử, điều quan trọng là chúng ta cũng phải nhìn lại thái độ của mình. Bất cứ khi nào tôi bị miệt thị vì là một phụ nữ, tôi thường phản ứng lại một cách đầy tự ái và sân hận. Nhưng khi tâm ta tràn đầy tự ái, giận dữ, ta không thể đối với ai tốt đẹp. Nếu chúng ta giận dữ, tỏ ra hùng hổ, người đối diện sẽ cảm thấy bị dồn vào ngõ cụt, do đó cả hai đều không thể thông cảm nhau. Giờ triết lý của tôi là thu xếp lại cuộc sống của mình, buông bỏ mọi thái độ tiêu cực, sống rất thẳng ngay. Nếu tôi thực hiện được như thế, người khác cũng sẽ nhìn thấy được. Lúc đó nếu có ai buông câu gì có ý phân biệt giới tính, nếu thích hợp và tôi có thể khéo léo, thì tôi sẽ trao đổi với người đó, và giải quyết vấn đề một cách tế nhị.
ĐẾN GẦN PHẬT HƠN
Vào năm 1975, khi tôi bắt đầu tu Thiền, những lời dạy của Đức Phật ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn tôi Tôi biết rằng nếu tôi tiếp tục sống trong hòan cảnh hiện tại của mình -sống đời sống gia đình, đi làm, đi học và quan hệ bạn bè- tôi sẽ dễ dàng bị lôi cuốn theo cách sống u mê, đầy sân hận, bám víu và vị kỷ. Tôi cần một cách sống để thay đổi và phát triển tâm linh. Biết rằng từ bỏ tất cả để trở thành một người tu sẽ tạo cho tôi không gian lý tưởng đó, nên tôi quyết định xuất gia.
Tôi đã tranh đấu, suy nghĩ nhiều trước khi đi đến quyết định đó, vì tôi biết là cha mẹ tôi sẽ không chấp thuận. Nhưng nếu tôi tiếp tục lối sống cũ, có thể tôi sẽ làm vừa lòng cha mẹ và người phối ngẫu của tôi một thời gian nào đó, nhưng làm sao tôi có thể làm cho họ luôn hạnh phúc được. Hơn nữa, nếu tôi không lo tạo ra nhiều nghiệp thiện thì khi chết đi, tôi sẽ tái sinh vào một cõi giới tối tăm, lúc đó thì tôi hoàn toàn không thể giúp gì được cho ai. Tôi dứt khoát thệ nguyện phải thay đổi không tiếp tục sống ích kỷ, cao ngạo và chấp ngã.
Được sống cuộc đời xuất gia, làm tu sĩ suốt 18 năm nay là một hạnh phúc cho tôi. Cuộc sống ở tu viện đã giúp cho tôi cái nhìn rõ ràng hơn, một hướng đi chính xác.
Là một người tu, tôi có thể nhìn rõ nhiều khía cạnh cuộc đời, nhất là mối liên hệ giữa con người với nhau. Tôi không còn thấy có nhiều khác biệt giữa người nam, người nữ. Chúng tôi cố gắng làm sao để người khác có thể hòa hợp với mình dễ dàng hơn. Là người tu, tôi cảm thấy cởi mở, chân thật, đơn giản hơn với mọi người vì tôi không còn phải tuân theo những luật lệ của cuộc đời.
Dầu tôi chưa thông suốt nhiều Phật pháp, tu thiền chưa vững lắm, nhưng ít nhất là tôi đã giữ được các giới luật. Thề nguyện xuất gia giúp tôi thấy gần hơn với Đức Phật. Tôi luôn cảm thấy sự gắn bó, gần gủi đó dầu tôi ở đâu, làm gì. Nếu tôi không đi tu, với tánh tình ngang bướng của mình, chắc chắn tôi sẽ hành động buông lung không kiềm chế. Lời thề nguyện giúp tôi gìn giữ tu tập, gắn bó tha thiết với Phật, Pháp và Tăng.