- Mục Lục / Lời Giới Thiệu / Lời Người Dịch
- Chương 1 Khoảng Lặng
- Chương 2: Hành Trình Về Thiền
- Chương 3: Ly Đã Bể
- Chương 4: Căn Bản Thiền
- Chương 5: Bình An & Tĩnh Lặng
- Chương 6: Bước Sen
- Chương 7: Nước Và Sóng
- Chương 8: Tu Tập Giải Thoát
- Chương 9: Con Đường Chuyển Hoá
- Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
- Chương 11: Khám Phá Ánh Sáng
- Chương 12: Phấn Đấu Đến Giải Thoát
- Chương 13: Thiền Và Hội Họa
- Chương 14: Hoa Tâm Thức
- Chương 15: Đôi Mắt Là Viên Ngọc Quý
- Chương 16: Ai Chữa Lành?
- Chương 17: Phật Pháp Trong Đời Sống Gia Đình
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
PHẦN II: LUYỆN TÂM
Chương 10: Cánh Cửa Giải Thoát
Haeju Sunim
Haeju Sunim, Giáo sư Phật học tại một trường đại học Hàn Quốc ở Tongguk. Bà là người thông minh, trầm tĩnh. Tôi rất vui mừng khi biết rằng bà là người khởi xướng trường phái Hoa Nghiêm (Avatamsaka school), tạo ảnh hưởng rất lớn đến Thiền Phật giáo Trung Hoa, Hàn Quốc, và Nhật Bản, nhưng hiện nay trường phái nầy đã mất dần. Thật là phấn khởi được gặp một vị ni sư sống tuân theo giới luật một cách triệt để như thế.
KINH HOA NGHIÊM
Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) có dạy rằng: ‘Vạn pháp đều do tâm tạo’. Tôi xuất gia vì muốn nghiên cứu về tâm thức, vì thế tôi rất quan tâm đến kinh nầy. Càng tụng đọc Kinh Hoa Nghiêm, tôi càng nhận thấy rằng nơi cần tu tập, bồi dưỡng hơn hết, không đâu khác là ngay bản thân tôi, ngay trong giờ phút hiện tại.
Kinh còn dạy thêm: ‘Con đường đạo của Đức Phật nằm trong 84000 cánh cửa giải thoát.’ Vì thế bạn có thể thấy cả ngàn cánh cửa giải thoát, cả ngàn phương tiện thiện xảo. Vì vậy đi đến một nơi đặc biệt nào đó để tham công án không phải là con đường duy nhất để tu tập. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất cứ ta đang làm gì, mọi nơi đều có thể là chỗ để đạt giải thoát. Cuối cùng tôi đã nhận ra điều đó. Vì lẽ đó, tôi ở lại Seoul và tiếp tục dạy học.
Tôi xuất gia để tìm lời giải cho vấn đề tâm thức. Tôi tu tập để đạt giác ngộ và giải thoát. Tôi đã không học hành một cách nghiêm túc, vì tôi cho rằng không thể đạt giải thoát từ đó. Tôi theo học ở học viện Unmunsa trong một thời gian nhưng nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc tìm một chỗ nào đó để hành thiền. Tuy nhiên, khi học các kinh điển, dần dần tôi bắt đầu nhận thấy rằng việc thông suốt kinh điển một cách thấu đáo là điều rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp ở Unmunsa, tôi tiếp tục theo học tại đại học Tongguk.
Sau khi hoàn tất chương trình đại học, tôi dự kiến phải thật sự học hỏi, thực tập ở một nơi nào đó và hành thiền ở nơi xa sâu trong núi chẳng hạn, trong khung cảnh yên tịnh. Nhưng chương trình học của tôi còn một cấp bậc nữa, vì thế tôi tiếp tục vào cao học. Tôi chọn kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) làm đề tài hoàn tất chương trình thạc sĩ.
TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU LÀ PHẬT
Khi tôi nghiên cứu triết lý của kinh Hoa Nghiêm như một đề tài liên quan đến nguồn gốc của chư Phật, tôi tìm thấy câu kinh nầy: ‘Tâm chúng sinh chính là tâm Phật.’ Chúng sinh là Phật.
Vì tôi không biết gốc của mình là Phật, tôi không thể sống như một đức Phật. Do đó tôi hành động, cư xử như một chúng sinh. Nhưng trong tôi có một khả năng vô hạn, giống như của Phật. Vì thế tôi nghiên cứu tư tưởng chúng sinh và Phật, thân không khác.
Trong chương trình thạc sĩ, tôi nghiên cứu về tâm bồ đề, rất cần thiết để trở thành Phật. Nhưng trong chương trình tiến sĩ thì tôi không nghiên cứu ‘cái tâm để trở thành trong tương lai’, mà là ‘tâm bản sanh vốn có của chúng ta’.
Quan niệm của tôi về thế nào là tu tập đã thay đổi hoàn toàn. Bây giờ tôi thực tập bằng cách nầy, ngay nơi đây chính lúc nầy. Tôi đã được phú cho tâm Phật ngay từ đầu, tôi áp dụng trực tiếp và sử dụng nó trong khả năng tốt nhất của mình. Đó là cốt lõi của công phu tu tập của tôi. Đó là điều quan trọng cần được truyền dạy lại cho bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nầy.
PHẬT SỰ
Cuộc sống của tôi rất khác biệt so với các ni sống chung trong ni chúng. Cả đời tôi quẩn quanh ở đại học, theo thời khoá biểu của một giáo sư. Tôi dạy hầu hết các ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều; đôi lúc tôi có lớp giảng vào buổi tối. Thời gian còn lại tôi chuẩn bị giáo án hoặc quán chiếu tâm. Tôi cũng hành thiền chánh niệm chút ít. Tôi viết các bài luận văn về Kinh Hoa Nghiêm, rồi gom lại thành sách.
Điều quan trọng là thái độ của chúng ta đối với tâm thức. Tất cả việc tôi làm, tôi đều xem như là một Phật sự. Như Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: ‘Trên thế gian nầy, không có một việc làm nào mà không phải là Phật sự, nhất là khi việc ấy mang lại hạnh phúc cho người. Trong Phật Pháp (Buddhadharma), không có một pháp nào có thể bị chối bỏ.’
Khi tôi dạy học, việc nầy khác với việc thuyết pháp cho Phật tử tại gia. Phật giáo là một tôn giáo và tôn giáo là niềm tin. Ở đại học người ta theo đuổi kiến thức; các sinh viên không đến để học hỏi về Phật giáo, để có niềm tin. Trái lại, họ bắt đầu từ một điểm hoàn toàn đối lập với niềm tin. Họ phải đặt câu hỏi, kiểm tra, phải phê phán.
Vì cái nhìn khác biệt nầy, có một số tăng ni cho rằng họ đã mất niềm tin khi đến học ở đây. Chúng ta phải buông bỏ niềm tin kiểu ấy. Nếu chúng ta tin vào một điều mà ta đã hiểu sai, rồi cũng có lúc ta sẽ gặp ai đó sửa lại sự hiểu lầm nầy. Nếu ta tiếp tục tin rằng tà kiến của mình là đúng, thì điều nầy chẳng ích lợi gì cho cuộc đời của chúng ta. Những gì chúng ta đã tin, đã hiểu lúc trước, chúng ta cần phải tra đi hỏi lại thêm. Có thế, ta mới có thể đạt được chánh tín, niềm tin được hiểu biết một cách chính xác. Bằng cách tra vấn lại, ta khám phá ra được ý nghĩa chân chánh, và củng cố niềm tin thêm sâu đậm. Tôi kết hợp sự học hỏi và niềm tin. Bằng cách nầy việc học hỏi đem lại nhiều lợi ích cho cuộc đời của tôi.
Tâm thức mà chúng ta đang quán sát được biểu lộ qua hành động và lời nói. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta suy nghĩ, lắng nghe, quan sát. Bất cứ bạn làm gì, đó cũng là tu tập, vì nó sử dụng và thể hiện tâm thức. Chỉ học sâu, hiểu rộng giáo lý của Phật thôi chưa đủ, chúng ta cần phải ứng dụng, sống trong pháp. Đó là sự thực hành của tâm thức.
VÒNG HOA
Kinh Hoa Nghiêm do đức Phật thuyết giảng. Qua kinh nầy, Đức Phật muốn nhắn nhủ điều gì với chúng ta? Đây là bài kinh nói về sự giác ngộ của Đức Phật. Điều nầy được biểu lộ qua ‘Vòng Hoa’ tức là Hoa Nghiêm (Avatamsaka); những đoá hoa là hoạt động của vị Bồ Tát.
Nói về một thế giới giác ngộ không phải là một điều dễ dàng. Rất khó diễn tả thế giới đó với những người chưa được giác ngộ, chưa từng thấy được thế giới nầy. Để cho dễ hiểu, thế giới nầy được trình bày qua những hoạt động của các vị Bồ Tát, những người đang chỉ cho chúng ta con đường để sống như một vị Phật.
Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài chứng ngộ được sự tương quan lẫn nhau và các Phật tử từ đó đến giờ, đã nói lên điều nầy bằng nhiều cách khác nhau. Tông Hoa Nghiêm nói rằng mọi vật, mọi chúng sinh đều tương quan lẫn nhau, và là một. Vì thế đây là một thế giới không có sự phân biệt, chia rẽ.
‘Không có gì không phải là Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana Buddha)’. Chúng ta là một phần trong thế giới của Phật Tỳ Lô Xá Na, thế giới ấy hiện đang ở tại nơi nầy. Khởi đầu, chúng ta là hiện thân của Phật Tỳ Lô Xá Na và vì lý do nầy chúng ta phải sống như một vị Phật, trong mọi cảnh đời. Theo quan niệm của Kinh Hoa Nghiêm, khi chúng ta nhận thức rốt ráo rằng mình là một vị Phật ngay hiện tại, thì không còn cần tu tập gì thêm nữa. Khi ấy chúng ta sống như một vị Phật và tâm của ta cũng là tâm Phật.
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ PHẬT
Trong truyền thống Thiền, đặc biệt là ở Hàn Quốc, người ta cho rằng sự giác ngộ, hay thế giới của Phật, không thể được diễn tả bằng lời; ngay khi bạn vừa buông lời, thì bạn đã sai rồi. Chỉ những bậc đã bước vào thế giới giác ngộ mới có thể biết nhau mà thôi.
Nhưng Kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả thế giới giác ngộ, thế giới của Phật. Thế giới ấy thật là mỹ lệ mà với niềm tin, bạn có thể bước vào đấy. Cõi giác ngộ nầy không xa và cũng không phải là không đến được. Ngay hiện tại, bạn đã là Phật, nhưng không biết điều đó.
Nếu bạn đặt Đức Phật trên một bệ thờ thật cách xa bạn, thì bạn không thể sống như một Đức Phật. Hãy xoay lại và thức tỉnh; đấy mới là thực tập. Tâm thức tin tưởng hoàn toàn rằng bạn là Phật, đấy là tín tâm, theo quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm. Hãy kiên quyết sống như một vị Phật bởi vì bạn là Phật.
Giáo lý của Đức Phật là để đạt được giác ngộ, nhưng các phương cách để giác ngộ đã thay đổi theo thời gian. Ngay thời Đức Phật còn tại thế và một thời gian sau đó, người ta tin rằng một chúng sanh bình thường không thể nào trở thành Phật, cho dù người đó có tu tập công phu đến đâu. Mà chỉ có thể đạt đến thế giới của các vị A-la-hán [các thánh giải thoát] và tự giải thoát chỉ đến cấp bậc nầy thôi. Chỉ duy nhất có một Đức Phật, đó là Thích Ca Mâu Ni mà thôi.
Quan niệm nầy đã thay đổi khi các trường phái Đại Thừa được phát triển, trong đó có phái Hoa Nghiêm. Phái Đại Thừa (Mahayana) cho rằng nếu chúng ta tu tập và sống như Đức Phật đã tu tập trong quá khứ, thì chúng ta cũng có thể trở thành Phật. Để nâng tâm bình thường lên thành tâm Phật là nâng tâm đến trình độ giác ngộ không có gì có thể vượt trội hơn.
Sự khác biệt giữa một chúng sinh và một vị Bồ Tát là chúng sinh nghĩ họ không bao giờ có thể thành Phật và sống theo cách đó. Các vị Bồ Tát nghĩ rằng họ có thể tu tập giống như Đức Phật, trau dồi sự hoàn thiện [Ba-La-Mật] để trở thành Phật một lúc nào đó, cho dù ngay lúc nầy họ chưa là Phật. Nhưng thời gian đó cũng rất lâu, thường được coi là ba kiếp.
Tiếp đó là trường phái Một Xe (One Vehicle) cho rằng không cần thiết phải mất một thời gian dài để trở thành Phật; ta có thể trở thành Phật trong một kiếp sống nếu ta tu tập một cách miên mẫn. Vì lý do nầy, các vị đại sư đã nói: ‘Đừng uổng phí cuộc sống, đừng chờ đợi kiếp sống khác, đừng để việc lại cho kiếp sau mới làm, hãy tỉnh thức ngay trong kiếp sống nầy’. Trong kiếp sống nầy, được có thân người, ta có rất nhiều cơ hội và thời gian để giác ngộ. Nhiều người đã giác ngộ và chứng thực được Phật tánh của họ.
Tuy nhiên, theo Kinh Hoa Nghiêm: ‘Ngay hiện tại bạn đã là Phật’. Không cần thiết phải trở thành, phải đạt giác ngộ. Uisang Sunim, một vị đại sư Hàn Quốc của phái Hoa Nghiêm đã nói: ‘Từ rất lâu, chúng ta đã là Phật’.
Khi tôi mơ, trong giấc mơ tôi không biết là mình đang mơ. Chúng ta phải thức tỉnh từ giấc mơ để biết rằng chúng ta đã mơ. Giờ tôi là Phật, nhưng nếu tôi không nhận thức được điều đó, vì tôi không biết mình là Phật, để ‘điều khiển tâm’ trở nên ý thức rằng ta là Phật. Ngay tại nơi nầy, chúng ta có thể sống trên thiên đường hạnh phúc. Chúng ta có thể hiển lộ tất cả trí tuệ và lòng từ bi của một vị Phật.
Theo quan điểm của Hoa Nghiêm, tu tập để trở về nơi chúng ta xuất phát. Để sống theo bản thể của ta là để tung tăng trong thế giới giác ngộ. Thế giới giác ngộ nầy không xa, nó ở ngay trên Trái Đất nơi chân ta vẫn từng bước đi tới.
SƯ TỬ VÀNG
‘Trong một pháp có vạn pháp’, Uisang Sunim đã nói. Ông lại thêm: ‘Trong vạn pháp có một pháp’. Tôi là một, những người khác là nhiều. Có sự liên hệ gì giữa một người và nhiều người? Đó là sự liên hệ khiến họ sống chịu đựng lẫn nhau.
Tuy nhiên, tánh cách của chúng sinh khiến họ không thể sống chịu đựng lẫn nhau. Một thế giới nơi mà mọi người sống, hòa hợp với nhau là thế giới của Phật. Tất cả pháp hòa quyện lẫn nhau, chúng là một. Vì lý do đó có câu nói: ‘Sắc tức là không, không tức sắc’, có nghĩa là tất cả hiện hữu là một.
Cũng như sóng và nước là một. Cũng giống như làm một con sư tử bằng vàng. Hình dạng là sư tử, nhưng làm bằng vàng. Với vàng bạn có thể làm nhiều món trang sức, nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vân vân… Chúng đều có nhiều dạng khác nhau, nhưng tất cả đều làm bằng vàng. Vàng không thay đổi, không khác biệt. Sư tử cũng y như thế.
Vì thế tất cả chúng sinh hình dạng có khác biệt, nhưng tất cả đều có cùng chung một Phật tánh. Phật tánh đó được ẩn giấu dưới các hình dạng, giống như trong hình dạng sư tử ẩn chứa vàng vậy. Hình dạng sư tử và bản chất vàng là một, tạo nên một sư tử vàng.
Khi nhìn thấy con sư tử vàng, bạn có thể chỉ thấy một thứ, thường là hình dáng. Người sáng suốt thì sẽ nhìn vào thể chất vàng hơn là dạng sư tử, bởi vì sư tử thì không quan trọng lắm. Nhưng đa số có thể nói: ‘Hãy nhìn con sư tử kìa! Thật là lớn. Thật đáng sợ’. Một đứa trẻ thì sẽ buột miệng: ‘Hãy nhìn con sư tử kìa!’ chứ không nói: ‘Hãy nhìn tảng vàng kìa!’
Tuỳ theo mỗi người, họ sẽ thấy hoặc là sư tử hoặc là vàng. Nếu người chỉ thấy sư tử, thì sẽ không thấy vàng; nếu người thấy vàng thì sẽ không thấy sư tử. Nhưng trong thực tế, cả hai đều hiện hữu. Vì thế nên nói: ‘Chúng sinh thật sự là Phật.’
NHÌN THẤY MỌI KHÍA CẠNH
Nghe những điều nầy, bạn có thể bắt đầu chỉ nhìn thấy Phật mà không thấy chúng sinh. Bạn có thể tự hỏi: ‘Còn gì để làm nữa, tại sao tôi phải tụng niệm? Tôi là Phật. Hãy đến tôn thờ tôi. Tại sao tôi phải lễ bái ba lần trước các vị cao tăng và ni trưởng? Tại sao tôi phải hành Bồ Tát hạnh?’ Đó là do bạn chỉ nhìn thấy bản tánh ban đầu của mình là Phật. Bạn không thấy rằng đồng thời bạn cũng là chúng sinh.
Mặt khác, bạn có thể nói: ‘Tôi không thể làm được bất cứ việc gì, đừng đòi hỏi tôi điều gì’, đó là vì bạn chỉ thấy mình là chúng sinh. Bạn không thể thấy những tiềm năng vô hạn của Phật tánh mà từ ban đầu nó đã ẩn chứa trong tâm bạn. Vấn đề của cả hai phía là họ chỉ nhìn thấy có một mặt. Ta phải tập nhìn thấy hai mặt cùng lúc.
Việc nầy vẫn thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Đọc báo, thường chúng ta chỉ biết một phía nào đó tờ báo nêu ra. Chúng ta phải tập nhìn phía sau các khái niệm để khám phá ra tất cả vấn đề. Chúng ta thường sống cách đó, chỉ nhìn một chiều. Giống như khi vác trên vai một tấm ván rộng, ta chỉ thấy có phân nữa cảnh vật.
Tương tự, ta có khuynh hướng chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình. Khi đau đớn, ta cũng chỉ thấy nỗi đau của mình mà nói bệnh của một người khác không thấm vào đâu so với nỗi đau của mình. Khi người khác nói, ta chỉ bám theo lời nói, do đó thường đưa đến kết quả là xung đột. Ta phải xét xem phía sau lời nói tâm ý của người ta thế nào.
Mạng Lưới Của Indra(8)
Theo Kinh Hoa Nghiêm, 3000 đại thiên có thể chứa đựng trong một nang lông của Phật. Mỗi nang lông có dung lượng giống nhau. Tất cả vũ trụ được chứa đựng trong một hạt bụi; tất cả là một. Khi thế giới của Phật hiển lộ, các thế giới khác cũng được hiển lộ đồng thời.
Cũng giống như mạng lưới châu báu của Indra. Trong mỗi gút có một hạt châu và mỗi hạt châu phản ảnh tất cả những hạt châu khác. Ngược lại, tất cả các châu báu phản ảnh một hạt châu. Không chỉ có thế, mà tất cả các phản chiếu qua lại của các hạt châu, cũng được phản chiếu trong cái vô cùng tận.
Khuôn mặt ta được cấu tạo bởi mắt, mũi, lỗ tai, vân vân. Từng phần, chúng đều có đặc điểm khác nhau. Nếu phối hợp hài hoà, ta có thể nói đó là một khuôn mặt đẹp, nhưng ta không thể nói rằng mũi đẹp hơn, hoặc mắt đẹp hơn. Hơn nữa, cả khuôn mặt có chức năng riêng của nó, và mỗi thành phần lại có chức năng riêng nữa. Thí dụ, mũi để ngửi, vân vân. Tuy nhiên khi bạn nhìn từng thành phần, thí dụ, đôi mắt, thì bạn không thể không thấy khuôn mặt. Thấy một thành phần, là bạn cũng thấy toàn bộ.
Theo Kinh Hoa Nghiêm có 10 điều hoàn thiện và theo Đại Thừa thì có sáu. Nếu có thể trau dồi tất cả các điều thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thực tập hoàn hảo về chỉ một điều, thì cũng giống như bạn đã thực tập tất cả. Qua một việc gì đó mà bạn có thể thực hiện hoàn hảo, thì bạn có thể khiến cả vũ trụ siêu phàm phát sinh.