BÀI PHÁP TỐI HẬU CỨU ĐỘ TAM GIỚI
ĐỨC PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI THỊ HIỆN HỎA QUANG TAM MUỘI
Bài Pháp Tối Hậu Cứu Độ Tam Giới -Thích Tuệ Hải
Hôm nay chúng ta sẽ nói về lễ đại trà tỳ của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Đây là những điều chúng tôi không được đọc trong sách sử, nhưng tôi sẽ kể lại như tôi đang thuyết minh những sự việc đã xảy ra. Hôm tối rằm (ngày 12/2/2022 âm lịch) chúng ta cũng đã ngồi nói chuyện như thế này. Khi ấy, chúng tôi đã thấy bằng một cái thấy chân thật và đã lên tiếng nói trước chúng hội về các diễn cảnh này. Chúng ta đã nói đi nói lại về những điều này từ hôm đó đến nay, và hôm nay là lần thứ ba chúng ta lại nói về các diễn cảnh này.
Ngọn lửa phàm phu không thể thiêu đốt kim thân Phật trong 7 ngày 7 đêm
Trong vòng bảy ngày bảy đêm đầu tiên sau khi Đức Phật xả bỏ báu thân, các vị vua, quan, quần thần, cũng như Tăng, Ni và Phật tử ở cõi người, cũng như các vị ở cõi Trời, các vị Thiên tử, cũng như một số các vị Thần, các vị Tiên ở các cõi đều quy tụ về.
Sau đó, theo nghi thức cổ của Ấn Độ thì đầu tiên, họ dùng các cây gỗ thơm, dầu thơm ở cõi này để châm ngòi lửa đốt, nhưng ở cõi người đã không thể làm được. Mất mấy ngày ở cõi người vẫn làm không được! Kế tới là chư Thiên ở khắp các cõi sử dụng khả năng và năng lực của mình châm vô đài hỏa táng để thiêu đốt kim thân của Đức Phật. Việc này kéo dài đúng bảy ngày bảy đêm nhưng vẫn không có cách nào làm cho ngọn lửa bốc cháy. Khi ấy Đức Phật vẫn để kim quan rất bình thường; Đức Phật vẫn chưa thị hiện năng lực nào nên kim quan nhìn vẫn rất bình thường.
Chúng hội thành khẩn sám hối và thỉnh cầu Đức Phật trong 7 ngày 7 đêm
Sau bảy ngày bảy đêm thì Đức Phật cũng như chư vị Đại Bồ tát đã tác ý để cho mọi người thức tỉnh. Tại vì chúng hội cố tình muốn phóng hỏa đốt kim thân Phật, hết ngày này cho tới ngày kia mà vẫn không làm được, nên họ không còn giữ được sự bình tĩnh nữa. Và rồi sau khi nhận được sự tác động của chư Đại Bồ tát thì tất cả chúng hội đều tỉnh giấc. Tỉnh ở đây nghĩa là sao? Nghĩa là lúc đó, chúng hội nhận ra là họ không có khả năng thiêu đốt được kim thân của Đức Phật, chứ tỉnh không có nghĩa là họ chứng ngộ gì cả.
Và khi ấy thì tất cả hội chúng Trời, người, các loài các cõi đều quỳ xuống để đảnh lễ, sám hối với Đức Phật. Tất cả đều rất thiết tha, nói đi nói lại, thưa thỉnh nhiều lần trong rất nhiều ngày, chứ không phải chỉ duy nhất một lần hay một ngày. Hội chúng thưa rằng: “Do chúng con si mê, lầm lạc, do nghiệp chướng sâu dầy che khuất nên chúng con không thấy được rằng đối với kim thân của Đức Phật thì ngọn lửa phàm phu chẳng thể nào đốt cháy được.”
Như chúng ta đã biết, một khi đã chứng thành Phật quả rồi thì ở nơi Tự tánh bất nhiễm, với khả năng siêu xuất của Đức Phật, thì tất cả những gì liên quan đến Đức Phật cũng đều trở thành bất nhiễm, bất cấu, bất tịnh, cho nên lửa thế gian chẳng có cách nào có thể đụng tới, chẳng có cách nào có thể thiêu đốt được kim thân của Đức Phật. Và sau đó hội chúng lại tiếp tục khấn thỉnh: “Xin Đức Phật từ bi thương xót cõi người, cõi Trời, cũng như thương xót chúng sanh trong khắp tam giới này, ban cho chúng con một sự khai thị nào đó để chúng con làm tròn bổn phận của hàng đệ tử, và chúng con cũng ước nguyện Đức Phật sẽ để lại chút gì đó làm báu vật.” Khi ấy họ không hề biết về xá lợi Phật mặc dù Đức Phật cũng đã để lại lời di huấn với chúng Tăng trước khi Đức Phật thị tịch. Họ thiết tha khẩn cầu: “Xin Đức Phật hãy để lại chút gì đó để chúng con có đầy đủ duyên lành được lễ lạy, được cúng dường, để chúng con có thể thể hiện, tỏ lòng tôn kính và nhớ thương Đức Phật.”
Suốt bảy ngày bảy đêm hội chúng đã khóc lóc như vậy, sám hối như vậy, cầu thỉnh như vậy. Tức là Đức Phật cũng phải chờ đợi cho sự thành tâm của toàn thể hội chúng được phát khởi; họ cùng hướng về Đức Phật với tất cả tấm lòng thương yêu, kính quý, và tất cả những điều này đều đã được phát khởi trọn vẹn. Khi tất cả các loài các cõi đều đã phát tâm được như vậy rồi thì khi ấy Đức Phật mới bắt đầu thể hiện năng lực của mình.
Đức Phật thị hiện hỏa quang tam muội trong 7 ngày 7 đêm
- 1. Năng lực thứ nhất: Năng lực tự tại của Phật
Thật ra thì năng lực của Đức Phật kinh khủng lắm chứ không phải chỉ đơn giản như mình thấy lửa cháy mà thôi. Khi Đức Phật thể hiện để cho lửa bốc cháy thì lúc ấy, chúng hội vô cùng vui mừng, vô cùng hoan hỷ khi nhìn thấy ngọn lửa này. Tuy vậy, bằng tất cả khả năng của loài người và cả cõi Trời, hội chúng vẫn không thể thấy được hết ngọn lửa vì ngọn lửa quá cao. Giống như trong Kinh có nói là cao đến cõi Trời Hữu Đảnh, tới ngút ngàn đỉnh núi Tu Di, nhưng đó chỉ là một cách diễn tả thôi. Trên thực tế là ngọn lửa ấy thực sự chói sáng đến khắp mười phương thế giới chứ không phải kiểu bình thường như phàm phu mình có thể thấy được. Nhưng thậm chí cũng không phải chói sáng một cách bình thường. Thứ nhất là Đức Phật đã thực sự thể hiện được sức thần thông tự tại của mình thông qua ngọn lửa đó. Ngọn lửa đó chói sáng rực rỡ cho tới cõi nước của chư Phật mười phương. Đó chính là năng lực tự tại thứ nhất.
Ngày xưa, khi Đức Phật chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác thì hào quang cũng chiếu khắp tất cả mười phương và chiếu khắp các cõi Phật. Lúc đó ánh sáng ở cõi Phật và ánh sáng ở cõi ta bà này đồng là một ánh sáng, chứ thực sự không bao giờ có ánh sáng đồng nhau như vậy. Bởi vì từ cõi Phật qua cõi Bồ tát tới cõi của chư vị Thánh hiền, cho tới cõi Trời rồi tới cõi người của mình thì ánh sáng của mỗi cõi vẫn khác biệt nhau.
Nhưng bây giờ, lúc ánh sáng từ ngọn lửa hỏa quang tam muội từ nơi cõi ta bà của chúng ta, xuyên qua tất cả các cõi Trời, xuyên qua tất cả các cõi nước mười phương và các cõi của chư Phật, thì tất cả đều đồng một ánh sáng duy nhất đó thôi để thể hiện lực tự tại của Phật cảnh giới.
Như vậy tất cả chúng hội đều chứng kiến được ánh sáng này, tất cả chư Thiên cũng chứng kiến được ánh sáng này. Rõ ràng là chư Thiên cũng thấy cõi ta bà này tăm tối hơn của họ. Các vị Thánh thì cũng thấy trong tam giời thì tối tăm hơn là cõi của chư vị Thánh hiền. Chư vị Bồ tát thì cũng thấy cõi này thấp hơn và tăm tối hơn. Nhưng nói đến ánh sáng của hỏa quang tam muội của Đức Phật thì khi ấy ánh sáng này đã làm cho ánh sáng từ cõi Phật cho đến cõi ta bà đồng sáng như nhau.
- 2. Năng lực thứ nhì: Năng lực cứu thoát của Phật
Nhưng không phải chỉ riêng cõi này, mà khắp các cõi trong khắp pháp giới mười phương cũng đều được chói sáng như nhau thì mới là điều vô cùng đặc biệt. Ngay cả những cõi địa ngục A tỳ tăm tối nhất cũng được chiếu sáng bởi ánh sáng này khi đó. Nghĩa là khi ánh sáng này tới đâu thì những cõi tăm tối đều được chiếu sáng tới đó. Và thông qua ánh sáng chói chang này mà chúng sanh phát tâm kính ngưỡng. Thêm nữa, khi sự an lạc, sự thanh tịnh, sự mát dịu của ánh sáng này soi rọi đến những cõi đang bị đọa đày, đang bị hành hình, thì sẽ làm cho tất cả mọi sự đọa đày, mọi sự hành hình phải dừng lại, và qua đó, rất nhiều chúng sanh ở các loài các cõi lần đầu được cứu thoát; đó là do ánh sáng này đã tới và đã cứu thoát họ.
Thậm chí đối với các loài hoàn toàn tăm tối thì từ đó về sau cũng có được ánh sáng. Do bởi họ hướng về Đức Phật và sanh tâm hoan hỷ nên từ đó về sau, cõi của họ cũng có ánh sáng. Ở các cõi này, hằng hà sa số kiếp chưa từng thấy ánh sáng mặt trời hoặc bất kỳ loại ánh sáng nào; cho dù họ sinh hoạt nhưng không hề có ánh sáng. Nhưng lần này khi ánh sáng của hỏa quang tam muội Phật chiếu soi tới, thì tất cả các cõi nước ấy đều thành cõi sáng, thành sáng rực, vượt thoát tất cả những gì u tối. Đó chính là năng lực cứu thoát, là năng lực thứ nhì của Phật.
- 3. Năng lực thứ ba: Năng lực khai thị của Phật
Như vậy thì năng lực đầu tiên là năng lực tự tại chiếu soi khắp các loài các cõi, năng lực thứ nhì là năng lực cứu thoát, và năng lực thứ ba là năng lực khai thị. Điều này có nghĩa là trong tất cả các cõi nước mười phương, có các vị Đại Bồ tát tu hành chuẩn bị chứng thành Phật quả thì do ánh sáng hỏa quang tam muội này chiếu tới mà họ chứng thành Phật quả ngay khoảnh khắc đó. Những vị bị vướng kẹt trong một số công phu thì được ánh sáng này khai mở, giúp họ vượt lên cao hơn tầng tu của mình. Ví dụ như ai chưa phát tâm thì họ được phát tâm, đã chứng sơ địa thì được vào nhị địa, hoặc tam địa, tứ địa v.v. Tất cả các loài các cõi của các vị Thánh cũng đều được nâng tầm công phu, được thăng tầng bậc công phu của mình. Các vị Thánh hiền được khai thị, được phát tâm Bồ tát, các vị khác đang công phu ở khắp nơi, còn ẩn khuất, còn bế tắc… thì gần như cũng đều được khai thông một cách toàn triệt.
Đây là năng lực khai thị, năng lực khai thông, năng lực cứu thoát, năng lực cứu độ, năng lực siêu thoát, tất cả đều thể hiện trọn vẹn trong ánh sáng đó!
Và như vậy, mười phương chư Phật cực kỳ hoan hỷ và đồng thanh nói rằng: “Lành thay, lành thay, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chuyển Pháp luân vô tận, từ xưa tới giờ chưa từng có trong lịch sử.” Tức là trong suốt 49 năm mà Đức Phật thuyết pháp trong cõi ta bà và đi khắp các cõi để thuyết thì vẫn không có năng lực chuyển hóa bằng một phần ngàn của lần cứu độ này. Suốt 49 năm thuyết pháp của Đức Phật thì năng lực chuyển hóa tâm linh của các loài các cõi, năng lực cứu độ của các loài các cõi, năng lực tự tại của hào quang của Đức Phật cũng không sánh bằng.
Thời xưa, vào thời Đức Phật Thích Ca thành đạo thì ánh sáng cũng không đủ để trở thành đồng một loại ánh sáng như là ánh sáng tam muội trong đại lễ trà tỳ. Đó thực sự là năng lực tự tại! Tất cả các loài các cõi, chúng sanh vô tận vô số vô biên được cứu thoát không thể tính lường! Những người không được siêu thì qua đó cũng sẽ được siêu (theo cách nghĩ của mình). Nên vô lượng vô biên chúng sanh được siêu thoát, được cứu thoát, được cứu độ trong các loài các cõi không thể tính lường được! Đó là sức thần thông tự tại cứu độ, cứu thoát, siêu thoát, vượt thoát, khai thông, làm cho thông lưu mọi bế tắc tâm thức của những người nhận được ánh sáng từ ngọn lửa này.
Bài Pháp tối hậu chưa từng xảy ra trong tam giới
Đó là một điều vô cùng đặc biệt, đó là một bài pháp tối hậu thực sự chưa từng xảy ra trong tam giới. Chỉ có Đức Phật vào phút chấm dứt sử dụng thân phàm thì mới có được khả năng siêu vượt này thôi, còn trước đó không ai có khả năng làm được điều này! Đó là điều vô cùng đặc biệt về ngọn lửa tam muội này trong suốt bảy ngày bảy đêm. Không có loài nào không được chiếu sáng, không có cõi nào không được chiếu sáng, không có chúng sanh nào không được khai mở, không có chúng sanh nào không được khai tâm để hướng về đạo giác ngộ giải thoát. Ngay trong chúng hội ở đó thì cũng có nhiều vị đã chứng Thánh quả A la hán, hoặc Tư đà hàm, Tư đà hoàn, A na hàm, rất rất nhiều. Tất cả những Phật tử nào có mặt ở đó, chư Thiên các cõi cũng đều có thể chứng Thánh quả ngay khi chứng kiến được ánh sáng khai thông, khai mở này của Đức Phật. Thông qua năng lực kỳ vĩ đó mà trong các chúng hội có vô số vô biên người chứng Thánh quả. Trong suốt bảy ngày bảy đêm kỳ diệu đó, khắp hư không, khắp pháp giới, khắp các loài các cõi có vô lượng chư vị cũng chứng quả khắp nơi. Người, Trời không bao giờ tưởng được!
Trải qua bảy ngày bảy đêm đó là một bài Pháp thực sự tối hậu chưa từng có trong suốt 49 năm giáo hóa của Đức Phật. Đó cũng có thể được xem là bài Pháp cuối cùng, nhưng cũng chưa hẳn phải là cuối cùng!
Như vậy, trải qua bảy ngày bảy đêm, chư Phật, chư Đại Bồ tát, chư vị Thánh hiền, các loài các cõi đều vô cùng hoan hỷ. Vô số chư vị và vô số chúng sanh được thăng những tầng bậc tu chứng, được siêu thoát, được khai mở tâm linh, v.v. Khắp thập phương thế giới được ánh sáng chiếu rọi, tất cả đồng một thể giác, đồng một ánh sáng chiếu tới, nên tất cả mọi sự bế tắc đều được khai phá, khai thông, tất cả chúng sanh trong các loài các cõi cũng được khai mở tâm trí, và trong lúc ngọn lửa bùng cháy trong đại lễ trà tỳ của Đức Phật thì có hằng hà sa số chư vị trong khắp các loài các cõi đã chứng Thánh quả, vượt thoát tam giới.
Kim cương bất hoại thân - Ngọc xá lợi chiếu sáng trong 7 ngày 7 đêm
Sau bảy ngày bảy đêm như thế rồi thì Đức Phật cho ngọn lửa tắt. Khi ngọn lửa vừa tắt thì ngay nơi kim quan của Đức Phật bắt đầu phát sáng. Khi đó toàn thân của Đức Phật nhờ vào năng lượng từ bi và trí tuệ của Phật mà chuyển thành ngọc xá lợi – Kim cương bất hoại thân và ngọc xá lợi cũng chiếu sáng y như ngọn lửa kia khắp pháp giới mười phương. Thêm một lần nữa, bài Pháp tối hậu lại tiếp tục xảy ra thêm bảy ngày bảy đêm nhờ vào ánh sáng của ngọc xá lợi của Đức Phật. Trong bảy ngày bảy đêm đó, năng lực cứu thoát, năng lực cứu độ, năng lực siêu thoát, năng lực tự tại, năng lực ánh sáng đều trọn vẹn đầy đủ y như năng lực phát ra từ hỏa quang tam muội trước đây. Đây chính là năng lực hào quang của Đức Phật, để rồi Trời, người sanh tâm kính ngưỡng xá lợi này. Và có nhiều vị, trong thời gian ngọn lửa tam muội của Đức Phật bốc cháy mà chưa chứng Thánh quả thì bây giờ, lần thứ hai khi hào quang xảy ra để khai thị, thì các vị đều bị chấn động tâm linh, và có những vị được chứng Thánh quả ngay trong đạo tràng đó, ngay trong pháp hội đó, và ở các loài các cõi khác cũng vậy.
Trước đây, khi Đức Phật chuyển Pháp luân khi ánh sáng từ ngọn lửa tam muội của Ngài hiện ra, khi ấy khả năng siêu thoát, siêu độ, cứu thoát như thế nào, thì hào quang của ngọc xá lợi của Đức Phật cũng đạt được cảnh giới đó. Và lần này gần như trong tất cả các cảnh tăm tối liền sạch hết các đọa đày. Các chúng sanh trong các loài âm u, tăm tối liền được siêu thoát, siêu độ, và chúng sanh trong ngục A tỳ cũng được siêu độ, và lần đó thì chẳng khác nào như là “mở cửa Thiên đàng”. Tất cả các loài các cõi được siêu thoát là do bởi tâm từ của Đức Phật lớn hơn tất cả nghiệp tập của chúng sanh các loài các cõi. Đức Phật dùng tất cả từ tâm của mình để chuyển hóa tâm thức của các loài các cõi để họ hướng về Tam bảo, hướng đến tâm linh, để họ có đủ phước thoát khỏi địa ngục tăm tối của u đồ.
Như vậy trong lần phát quang thứ hai này, thông qua ngọc xá lợi, tất cả các loài các cõi cũng được Đức Phật cứu độ. Suốt bảy ngày bảy đêm như vậy, những loài tăm tối thì được cứu độ, những chúng sanh bình thường thì được phát tâm tu tập, những vị tu cao thì được chứng Thánh, từ Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm đến A la hán… đầy khắp trong pháp hội đó. Tương tự, trong các loài các cõi, các chúng sanh cũng đều được khai thông, đều được khai thị, đều được vượt thoát y như lần phát lửa tam muội trước đó.
Đức Phật chuyển Pháp luân một cách thực thụ
Sau bảy ngày bảy đêm như vậy thì hào quang của Đức Phật cũng tự dịu xuống và chỉ còn hiện những sự óng ánh mà mắt phàm có thể thấy được. Đối với ánh sáng và hào quang của Đức Phật, thì thường là Đức Phật chỉ thể hiện để chư Phật, chư Đại Bồ tát có thể thấy thôi chứ người phàm như chúng ta sẽ không thấy được. Trong lúc bình thường, hay trong lúc Đức Phật nhập đại định ở cội Bồ Đề thì chỉ có các vị Thánh, chư Thiên cõi Trời là có thể thấy và che mắt vì sự chói chang thôi, chứ người phàm thì không thể thấy nổi hào quang này.
Nhưng khi Đức Phật nhập Đại Niết bàn thì chúng sanh các loài các cõi, cho dù thậm chí họ không biết đến Phật Pháp thì họ cũng thấy được hào quang này. Đây mới là điều đặc biệt! Đây là điều khác biệt của hào quang của Đức Phật khi xả bỏ báu thân. Bình thường thì đối với hào quang của chư Phật, hào quang của các vị Thánh thì chỉ có những người có khả năng tâm linh mới có thể nhìn thấy. Nhưng bây giờ, ở đây mới là điều vô cùng khác biệt!
Ngay giây phút Đức Phật sử dụng toàn bộ năng lực của mình, Đức Phật muốn khai thị và cứu thoát tất cả các loài các cõi, cho nên loài nào, cõi nào cũng được thấy hào quang của Đức Phật như nhau. Và chính hào quang này, với tất cả năng lực từ bi và trí tuệ của Đức Phật, có thể khai thông tâm trí của họ, dù họ có bị chấp trước, có bị đóng bít đi nữa… thì giờ đây họ cũng được khai thông, được khai phóng hết, được khai mở hết. Như vậy để cho các loài các cõi đều sinh tâm kính ngưỡng Đức Phật. Bất kỳ ai hướng tâm thức của họ về Đức Phật với tất cả sự tôn trọng và kính ngưỡng thì đều được cứu thoát, đều được nâng tầm.
Điều này ở đây rất khác! Đây là chỗ khác biệt mà từ xưa đến giờ mình chưa nhắc tới. Ví dụ như khi mình học Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì cách diễn tả trong Kinh ấy là phải dời cõi người, cõi Trời đi chỗ khác… và rồi cõi mình [trong phút đạt đạo] với cõi chư Phật khi đó mới thông đồng một cõi. Đó là cách diển tả trong Kinh như vậy. Nhưng điều đó cũng không phải là năng lực mà chúng ta đang muốn nói đến ở đây. Năng lực này quá sức kỳ diệu! Không phải là chỉ chúng sanh ở ngay đó thấy hào quang, thấy sự thông đồng các loài các cõi, mà là khắp pháp giới mười phương tất cả chúng sanh cũng đều được thấy, đều được nhận hào quang này của Đức Phật. Đó là điều vô cùng khác biệt!
Như trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có diễn tả thời điểm Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai thành Phật thì hào quang cũng chiếu tới những cõi tối tăm như vậy, nhưng khi ấy chỉ chiếu sáng thôi, chứ khả năng chuyển hóa tâm thức, khả năng cứu độ thì lại không có như Đức Phật trong lần này. Chỉ có phút giây này Đức Bổn Sư mới thể hiện một cách tuyệt đối năng lực tự tại và cứu thoát, cứu độ, khai thông, khai phóng, khai mở, khai thị… Tất cả những năng lực đó đều hiện ra ở trong ánh sáng của ngọn lửa tam muội cũng như trong ánh sáng hào quang của ngọc xá lợi.
Như vậy nghĩa là điều này xảy ra trong suốt hai tuần lễ từ hai loại áng sáng, và hai loại ánh sáng này thì vượt hết các loài các cõi, cứu thoát tất cả các loài các cõi, và làm cho tất cả các loài các cõi thấy rực sáng hết luôn, không có chỗ nào còn bị tăm tối. Đây mới là điều vô cùng đặc biệt về ánh sáng hào quang của Đức Phật trong giai đoạn Đức Phật muốn thể hiện bài Pháp tối hậu của mình. Đó là Phật chuyển Pháp luân một cách thực thụ, và chuyện đó đến bây giờ vẫn còn, nhưng bây giờ thì không còn rực sáng như hồi đó nữa.
Giá trị tột đỉnh của giác ngộ trong Đạo Phật
Nếu như sau này chúng ta thiền định và công phu, và không còn nhìn bằng căn trần nữa thì có khả năng là chúng ta sẽ cảm được, sẽ nhận được, thấy được những điều đã xảy ra này. Tùy theo mức độ công phu của chúng ta, tùy vào sự hướng tâm của chúng ta, hướng vào ánh sáng và hào quang cứu độ tuyệt đối của Đức Phật như thế nào, thì có khả năng là chúng ta cũng có thể thấy lại diễn cảnh này. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng, và đây không phải là cái thấy bằng mắt, cũng không phải là cái nhìn cái hiểu của tâm thức. Đây không phải là cái so sánh của tâm thức nữa, và nếu chúng ta vượt qua được cái tầng đó mà chỉ một lòng hướng về lễ đại trà tỳ của Đức Phật thì có khi chúng ta sẽ cảm được những điều này. Và nếu chúng ta cảm nhận được ánh sáng kỳ diệu đó tới mình thì từ nguồn ánh sáng đó, chúng ta sẽ thấy lại được đại lễ trà tỳ có một không hai trong lịch sử của tam giới này, chứ không phải chỉ là trong lịch sử của nhân loại! Nếu nói đến lịch sử nhân loại thì lịch sử ấy chỉ là chuyện bình thường. Lịch sử nhân loại này là không đáng kể. Nhưng ở đây chúng ta đang muốn nói đến lịch sử của tam giới này.
Thành ra đối với tất cả chư Thiên của cõi Trời, những vị nào chưa hiểu sâu, chưa thâm nhập, chưa đủ tôn kính Đức Phật thì vào thời điểm đó, tất cả chư Thiên các cõi Trời cũng đều đến đảnh lễ Đức Phật với tất cả sự tôn kính vì Ngài đã đem đến sự thức tỉnh cho tất cả muôn loài. Đây mới là bài Pháp tối hậu chứ không phải bài Pháp tối hậu là Đức Phật dạo Tứ thiền!
Như vậy để chúng ta thấy được giá trị tột đỉnh của sự giác ngộ trong Đạo Phật. Qua đó thì mới thấy lực cứu độ, lực cứu thoát, lực siêu thoát, lực khai thông, lực khai mở, lực khai phóng và năng lực tự tại của Đức Phật là điều mà không ai có thể tưởng nổi, cho dù là các vị ở cõi Trời. Từ xưa đến giờ, có những vị đã sống cả mấy ngàn năm thì cũng chưa từng thấy! Ngay cả các vị Thiên ma ba tuần đã quản lý cõi chúng ta suốt mấy ngàn năm thì cũng chưa từng gặp cảnh giới này. Chỉ có chư Phật mới biết chuyện này thôi. Chư Bồ tát cũng không thể biết. Nhưng chư Phật khi nhập Đại Niết bàn xả bỏ báu thân thì đều chuyển Pháp luân một lần tối hậu như vậy. Chúng ta nên biết năng lực kỹ vĩ này là như vậy!
Phật chuyển Pháp luân qua năng lực tuyệt đối của Tự tánh
Hôm qua chúng tôi đã dùng một số từ ngữ vô cùng chuẩn xác là “ngày Đức Phật chính thức không sử dụng thân phàm nữa”. Ở đây, Đức Phật không chuyển Pháp luân bằng thân phàm nữa mà Đức Phật thể hiện một năng lực tuyệt đối của Tự tánh để chuyển Pháp luân của Phật. Thật sự chuyển Pháp luân của Phật nhưng không sử dụng thân vật chất nữa, vì sử dụng thân vật chất thì còn rất hạn hẹp, cho nên ở đây Đức Phật chính thức chấm dứt việc chuyển Pháp luân bằng thân vật chất và điều này có nghĩa là Đức Phật sử dụng năng lực tự tại của Bản thể tuyệt đối để chuyển Pháp luân. Đó là năng lực siêu thoát, năng lực khai thông, có đầy đủ sự chấn động, sự cứu thoát, v.v. và tất cả mọi việc đều đã xảy ra từ chính ngọn lửa thiêng liêng trong bảy ngày bảy đêm đó. Đây không phải là ngọn lửa Trời, mà đây là một ngọn lửa rất thiêng liêng, rất nhiệm mầu, rất vi diệu chưa từng có.
Tất cả chư Phật ở khắp pháp giới mười phương trong quá khứ cũng như chư Phật hiện tại, trong đó có các vị Phật cùng thời của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật, kể cả các vị đã nhận được hào quang này để chứng thành Phật quả trong giai đoạn đó nữa… Nghĩa là trong giai đoạn đó có rất, rất nhiều các vị Đại Bồ tát nhờ ánh sáng này mà chứng thành Phật quả. Thành ra cái sáng chồng thêm cái sáng, vì ngoài ánh sáng của Đức Phật ra còn cộng hưởng thêm ánh sáng của chư Phật mười phương và cộng hưởng thêm ánh sáng của chư Đại Bồ tát chứng thành Phật quả trong thời điểm đó nữa. Lại còn thêm chư vị Đại A la hán, chư Đại Bồ tát khác cũng thăng bậc tâm linh của mình, thâm nhập vào chỗ sâu mầu của Phật pháp, cho nên sáng cộng sáng, rồi cộng sáng thêm nữa và v.v. Như vậy nghĩa là khắp cùng hư không pháp giới này, ánh sáng của chư Phật mười phương, cộng hưởng với ánh sáng của Đức Từ phụ Bổn sư, cùng với ánh sáng của chư Đại Bồ tát, chư vị Thánh hiền, tất cả đều hiện thành một cõi sáng hiện ra trong khắp pháp giới này một lần.
Hồi xưa khi thành Phật thì chỉ có một mình chiếu khắp các cõi thôi, nhưng bây giờ, ngoài năng lực chiếu sáng thông các loài các cõi ra thì còn cộng hưởng với các loại ánh sáng khác để ai thấy cũng đều sanh tâm hoan hỷ và kính mến. Do đó mà có thể chuyển hóa được tâm thức của rất nhiều loài, nhiều cõi khắp pháp giới mười phương này. Đó là sự khác biệt khi nói về ánh sáng, hào quang của Đức Phật trong lần cuối cùng để chuyển Pháp luân khi Đức Phật chấm dứt sử dụng thân phàm.
Đây là tất cả những điều mà chúng tôi muốn nói ra trọn vẹn để mọi người có thể thấy được giá trị tột đỉnh của năng lực giác ngộ của Đức Phật. Chẳng biết phải dùng từ gì hơn. Là giá trị tột đỉnh, giá trị tối thượng, tối tôn, tối thắng của tất cả những sự việc đã xảy ra vào lúc đó. Ngoài Phật ra thì không ai có! Chỉ có Đức Phật vào ngày chính thức chấm dứt sử dụng thân vật chất của cõi đó thì mới có thể làm chuyện này. Ngài đã dùng toàn lực của Bản thể và đã thể hiện năng lực của Bản thể tột cùng mãnh liệt, chứ không phải cái tâm linh, cái bản thể của mình chỉ là một cái gì đó bàng bạc giữa hư không, rồi mình cho nó là không tướng, cho là không có năng lực v.v. Không, không phải là như vậy! Năng lực của Bản thể là năng lực của Phật, là năng lực chuyển hóa kỳ diệu và lớn lao mà không bao giờ cõi người mình tưởng nổi! Chỉ có những vị đã chứng Thánh quả thì mới thấy được ít phần. Các vị Đại Bồ tát thì thấy được nhiều hơn, nhưng chỉ có chư Phật thì mới có thể thấy hết năng lực cứu thoát, năng lực cứu độ trong những khoảnh khắc trong thời điểm đó.
Ở thế gian thì chúng ta nói là bảy ngày bảy đêm, chứ thực sự thì đối với chư Phật chỉ là một khoảnh khắc cực nhỏ. Chỉ chưa bằng một khảy móng tay của Đức Phật thì chuyện đã xảy ra bảy ngày bảy đêm ở đây. Chỉ trong một sát na Đức Phật hiện hỏa quang tam muội, rồi tắt hỏa quang tam muội. Một sát na kế thì Đức Phật lại hiện năng lực siêu thoát của hào quang chói sáng đến từ tất cả các ngọc xá lợi mà Đức Phật để lại cho tam giới này. Cả hai đều có năng lực cứu thoát tương đồng với nhau. Khi chuyện đó xảy ra thì đối với chư Phật, thời khắc ấy chưa bằng được cả một cái khảy ngón tay của các Ngài. Coi như đây là một sát na của Đức Phật làm Phật sự. Nó chấn động như vậy, nó siêu thoát như vậy, cho nên chư Phật mười phương đều khen ngợi là suốt 49 năm chưa từng có.
Khả năng siêu tuyệt của một Bậc giáo chủ Đại giác
Chúng ta cần phải hiểu là trong suốt 49 năm, không phải Đức Phật chỉ đi thuyết pháp ở cõi người của mình, mà Đức Phật cũng đã từng thuyết pháp cho các loài các cõi khác. Nhưng năng lực chuyển hóa và cứu độ, năng lực cứu thoát và tự tại thì cũng chẳng thể nào so được với những gì đang xảy ngay đây ra trong đại lễ trà tỳ của Đức Phật. Đó mới chính là giá trị đích thực của Đạo Phật.
Ngược lại, nếu không hiểu rõ về những điều này, thì cũng có những người sẽ thuyết minh không đúng đắn về sự kiện này. Thật ra, chúng tôi nghĩ là từ đó đến nay cũng có những vị muốn thuyết minh về những điều này một cách chân thực. Ngay sau khi Đức Phật nhập Đại Niết bàn, cũng có hằng hà sa số các vị Đại A la hán cũng nhập theo Đức Phật. Các vị cũng đi theo Ngài. Rất nhiều các vị cũng đã nhập Niết bàn nên sau Đức Phật thì không còn lại được mấy người có khả năng diễn thuyết. Các vị cũng muốn nói lại lịch sử của Đức Phật, và không phải là các vị không có khả năng nói được, nhưng từ sau thời đại Đức Phật, người ta đã chỉnh sửa rất nhiều, vì vào thời đó nếu những điều như thế này được nói ra thì cả nhân loại sẽ đi theo Đạo Phật hết.
Chẳng có đạo giáo nào có khả năng làm chuyện này. Chẳng có Bậc giáo chủ nào có thể làm chuyện này nên người ta sẽ đi tu theo Đạo Phật để làm được những điều tuyệt vời và đạt được cái tối thượng của Đạo Phật vào phút cuối như khi Đức Phật từ giã cõi trần, chính thức không còn sử dụng thân vật chất nữa. Chẳng có vị giáo chủ, vị Trời, vị Thánh nào có được khả năng này. Chỉ có Đức Phật mới có khả năng đó thôi, và đó mới là khả năng siêu tuyệt của một đấng Đại giác! Nghĩa là không còn sử dụng thân phàm để đi giáo hóa, mà là sử dụng năng lực trí tuệ, năng lực từ bi để thể hiện cho ba đời mười phương chư Phật chứng minh, và để cứu độ, cứu thoát tất cả các loài các cõi. Đó là sự thật! Sự thật đã xảy ra là như vậy.
Thấy như thật về năng lực cứu độ tam giới của Đức Phật khi bỏ thân phàm
Thực sự đây là điều vô cùng may mắn để chúng ta có thể thấy và biết, để được thấy những điều này, được biết những điều này, và để bản thân chúng tôi được nói những điều này với chúng hội của mình và nói với những người có khả năng nghe được những điều này, để họ thực sự sanh tâm kính ngưỡng Đức Phật một cách tuyệt đối, và để họ thấy lại được sự thật của những giây phút cuối cùng Đức Phật rời bỏ cõi ta bà này. Để họ hiểu khi ấy Đức Phật đã thực sự để lại những gì. Không có chuyện dạo sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền trước khi thị tịch đâu! Chúng ta hãy nên quên chuyện này đi.
Như vậy nếu tính tới bữa nay (ngày 21/3/2022 DL) tức là ngày 19/2/2022 âm lịch thì cũng còn chưa cả thiêu đốt kim thân Phật. Tính từ ngày 12/2 âm lịch cho đến ngày 19/2 là đúng bảy ngày. Bây giờ mới là lúc các đệ tử bắt đầu khiêng kim quan Đức Phật đi về lại thành và đến lúc đó mới bắt đầu châm ngòi. Tức là ngày mai 20/2 âm lịch mới bắt đầu châm ngòi, nhưng tới bảy ngày sau tức là ngày 27/2 âm lịch vẫn không cháy. Rồi chúng hội thỉnh cầu, sám hối trong vòng bảy ngày, rồi kế tới, tới khoảng ngày 4/3 âm lịch, Đức Phật mới cho phóng hỏa quang tam muội trong vòng bảy ngày tới ngày 10/3 âm lịch. Rồi kế tới nữa là ngọc xá lợi phóng quang trong vòng bảy ngày tới ngày 17/3 âm lịch. Như vậy là tới chừng đó mới xong việc của Đức Phật khi Ngài muốn thể hiện tất cả những gì siêu tuyệt nhất ở những giây phút cuối cùng ở cõi ta bà này. Thành ra trong ngày rằm, chúng ta cúng vía Đức Phật, nhưng sự thật thì mọi việc đã diễn ra như thế đó.
Trước đây chúng ta đã nói rồi, là chúng ta được sanh ra làm người trong cõi này, được hiểu, được biết, được nhớ tưởng đến những điều kỳ vĩ của Đức Phật trong những phút giây này thì phải cảm thấy thật vô cùng hạnh phúc. Lịch sử nhân loại chắc chắn là trước giờ cũng chưa từng nghe những điều này. Tôi có thể đoan chắc như thế. Có một số các vị đã chứng Thánh và họ cũng đã thấy được những điều này trong quá khứ chứ không phải là họ không thấy, nhưng họ không có cơ hội nói, và họ ngại là nói ra thì người khác sẽ không tin.
Cho nên tuy có nhiều người cũng thấy, biết về những điều này, nhưng sau đó bản thân các vị cũng đã từ bỏ báu thân, nhập Niết bàn, nên cũng không có cơ hội để nói ra như chúng tôi đây. Thật sự rất là may mắn vì việc chúng tôi thấy được, biết được về những điều này lại rơi trúng ngay vào giai đoạn mà mình đang nói về chủ đề này, nên mình mới có cơ hội để nói, để chia sẻ. Hơn nữa, thật ra thì những điều này là những điều mà chúng tôi đã “ấm ức” trong lòng bao lâu nay rồi, cho nên đến đúng lúc bản thân chúng tôi “thấy được như thật” là chúng tôi liền nói ra ngay. Tôi đã chờ đợi để được thấy mọi thứ như thật, và bây giờ thì giống hệt như tôi đang thuyết minh phim. Những điều chúng tôi thấy không phải nằm trong tâm tưởng, không nằm trong ý thức phân biệt, không nằm trong ký ức mà mình đã học, đã hiểu hoặc đã gặp ở đâu đó trước đây rồi bây giờ lặp lại. Không phải như vậy, mà tất cả là đang hiện rõ. Những gì tôi nói là những gì đang hiện rất rõ, và tôi diễn dịch lại bằng ngôn ngữ để cho mọi người hiểu. Đây không phải là tưởng tượng, vì mình không thể dùng tâm để tưởng những điều này nổi đâu. Chẳng thể tưởng ra đâu.
Chúng tôi nghĩ là sau thời Đức Phật thì cũng có các vị cũng muốn nói về những điều này lắm, nhưng lại không có cơ hội. Vì có khi các vị nói vào thời đó thì cũng sẽ bị gạt qua bên, không được ghi vào sử sách. Chúng tôi cũng không nghĩ là những gì mình đã nói sẽ được ghi vào sách sử, nhưng đây là những gì mà chúng tôi rất muốn được nói lâu nay, để cho những người thân cận, những Phật tử thân gần, hoặc những người có duyên với dòng Pháp này được nghe, được hiểu, để họ thấy được giá trị tột đỉnh của giai đoạn tạm gọi là giai đoạn Đức Phật rời bỏ cõi người, rời bỏ thân vật chất, không còn dùng xài thân huyết nhục nữa.
Nhưng không phải “rời bỏ, không dùng xài thân vật chất nữa” có nghĩa là đi theo nghiệp giống kiểu như mình đâu. Không phải kiểu đó đâu! Mà thực sự phải dùng những từ như là quá siêu tuyệt, quá siêu thoát, tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối quý để nói đến sự kiện này, vì không gì có thể so sánh được với năng lực của Đức Phật! Cho nên chúng ta đừng bao giờ nghĩ theo cách phàm phu rằng đây là “ngày Đức Phật nhập Niết bàn” theo cách hiểu thông thường, bình thường nữa. Thậm chí chúng tôi cũng có đọc được một số tài liệu nói rằng người này châm lửa không cháy, người kia châm lửa không cháy, nhưng cuối cùng có một người đàn ông nào đó đến châm lửa và nó đã bốc cháy. Không phải vậy đâu! Chẳng thể nào cháy được đâu! Chúng ta không nên nói như vậy vì lửa thế gian không thể nào đụng được tới dù chỉ một cọng lông của Đức Phật.
Phát lòng kính ngưỡng Đức Phật tột độ từ trong thâm tâm
Hôm qua đáng lẽ ra tôi phải nói rất rõ về tất cả những điều này, nhưng nhìn đồng hồ đã quá muộn nên tôi tạm ngưng. Nhưng không nói ra được hết thì tôi cảm thấy rất khó chịu trong lòng nên hôm nay phải nói ra thật đầy đủ. Tôi muốn nói hết ra cho đại chúng nghe rồi mai sau có thể viết lại, dịch ra cho người nước ngoài đọc để họ có thể hiểu về sự kiện có một không hai trong tam giới này. Vì nếu những điều như thế này mà không cho nhân loại biết thì có rất nhiều tôn giáo vẫn đánh giá thấp Đức Phật. Nếu họ đọc những gì ghi trong sử thì sẽ không coi trọng Đức Phật vì có vị giáo chủ nào mà lại thị tịch một cách bình thường như vậy. Nếu nói Phật đã chứng thành Phật quả mà tịch bình thường như thế thì chắc hẳn có nhiều người sẽ đánh giá rất thấp. Có một số giáo chủ khác đã thể hiện một vài sự kiện kỳ đặc hơn, hay lạ hơn, và họ thu hút được tín đồ. Ở đây không phải mình nói để thu hút, nhưng phải nói để thấy được giá trị đích thực của Đạo Phật vì đã đạt đến cảnh giới tối thượng của giác ngộ rồi thì vào phút giây cuối cùng rời bỏ cõi giới này, các Ngài cũng sẽ thể hiện toàn năng lực đó, thứ nhất là để giáo hóa, và thứ hai là thể hiện tâm từ bi cứu độ của mình.
Cho nên, dù là không còn sử dụng thân phàm, bỏ hẳn thân phàm đi rồi, nhưng năng lực cứu độ cũng vẫn kinh khủng như vậy chứ không phải là cần đợi mang thân xuống cõi người lần nữa. Đó mới là cái thực, chứ không phải là cần phải đồng sự nhiếp theo kiểu xuống đầu thai làm người, rồi tu hành khổ hạnh rồi mới đi giáo hóa. Những chuyện như thế chỉ là chuyện của hóa thân thôi, chứ không phải là năng lực thật của Bậc giác ngộ. Năng lực thật của Bậc giác ngộ thì lớn lao hơn nhiều lắm. Chỉ có Đức Phật mới có thể nói lên hết điều này.
Và như những gì mà chúng ta đã nói nãy giờ, thì chỉ mới nói được một phần rất nhỏ thôi. Nhỏ lắm chứ không diễn tả được hết những gì mênh mông vĩ đại xảy ra trong lúc đó đâu, nhưng vẫn phải nói để mọi người có được một chút khái niệm về thời điểm khi Đức Phật thể hiện toàn thể năng lực của Ngài để cứu độ tam giới này.
Đó là những gì mà tôi thấy được bằng cái thấy riêng của mình. Đúng hay sai thì hãy cứ để lịch sử đánh giá, quý vị cũng không cần phải vội tin hay vội đánh giá làm chi. Nghe thì cứ nghe, nhưng điều chúng tôi mong muốn là quý vị nên thấy được giá trị lớn lao vô tận của Đức Phật chứ không phải chỉ bình thường như lâu nay chúng ta nghĩ. Nếu ai nghe được những điều này mà phát tâm kính ngưỡng Đức Phật một cách tột độ nơi thâm tâm của mình thì đó là đại phước của mình. Mình tin hay mình nghi thì cũng là chuyện nghiệp riêng của mình. Chuyện đó chúng ta không bàn ở đây, ai tin thì tin, ai nghi thì nghi, ai kính ngưỡng thì kính ngưỡng. Nhưng tựu chung, tất cả những điều chúng tôi nói ở đây là để cho mọi người có thể sanh tâm kính ngưỡng một cách thực sực, quý kính một cách thực sự, tôn trọng một cách thực sự, bằng tận thâm tâm của mình chứ không phải là chỉ là một sự hiểu biết trên kiến thức. Ở đây tôi không muốn nói để quý vị có thêm kiến thức, nhận định đúng sai, hay hơn trước hay cao hơn trước, không phải như vậy. Nhưng tất cả những điều tôi mong muốn là mọi người hướng về Đức Phật trong những ngày này bằng tất cả lòng kính trọng, bằng tất cả sự tôn quý, bằng tất cả sự trân trọng nhất trong cuộc đời của mình. Đó thật sự là phước báu của chúng ta khi chúng ta được nghe về những điều kỳ diệu này.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TT. THÍCH TUỆ HẢI
Hiển Hiện Như Nhiên Thiền Sư
Chùa Long Hương
21.03.2022