Tai Biến Mạch Máu Não Và Sự Phục Hồi

31/03/201312:00 SA(Xem: 36363)
Tai Biến Mạch Máu Não Và Sự Phục Hồi

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác Giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch Giả : TS. Minh Tâm
mystrokeofinsight

jilboltetaylorĐôi dòng tâm sự

Mỗi bộ óc con người đều có một câu chuyện và sau đây là câu chuyện của bộ óc tôi... Hơn mười năm trước đây, tôi là giáo sư đại học y khoa Harvard, chuyên nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên về bộ óc của con người. Nhưng vào ngày 10 tháng 12 năm 1996, tôi đã học được bài học về não bộ từ chính bộ óc của mình.

Sáng hôm ấy, bản thân tôi đã trải qua một dạng “đứt mạch máu não” rất ít khi có, từ bán cầu trái của não bộ. Sự xuất huyết trầm trọng này là do một mạch máu não bất thường từ lúc sơ sinh đã không được khám nghiệm và cắt bỏ, nay thình lình vỡ ra. Trong bốn tiếng đồng hồ ngắn ngủi, với đôi mắt kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu tế bào não bộ học, tôi đã chứng kiến bộ óc tôi từ từ băng hoại đến độ hoàn toàn tê liệt trong khả năng phân định các sự kiện diễn biến chung quanh. Đến cuối sáng hôm đó, tôi đã không còn có thể đi đứng, ăn nói, đọc viết hoặc nhớ lại những gì đã xảy ra từ trước trong đời. Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hy vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai.

Những điều cần biết về tai biến mạch máu não là một tài liệu khoa học được ghi lại theo thứ tự thời gian. Và cũng theo đó, từ vực thẳm vô hình của một đầu óc hoàn toàn rỗng lặng, tôi đã khám phá ra sự an tĩnh của nội tâm mà những nhà khoa học não bộ như tôi không mấy khi có dịp trải nghiệm. Như tôi được biết, đây là tài liệu lần đầu tiên được ghi lại từ một nhà tế bào thần kinh học, qua kinh nghiệm bản thân mình, sau khi đã phục hồi vì một cơn xuất huyết não trầm trọng. Tôi rất vui mừng vì tập tài liệu này cuối cùng đã được in ra và phổ biến khắp thế giới để mọi người có thể biết mà chạy chữa đúng lúc và đúng cách.

Hơn tất cả mọi thứ trên đời, tôi rất biết ơn Thượng đế đã cho tôi cơ hội sống còn và ca ngợihiện hữu hôm nay. Ban đầu, tôi được khuyến khích để vượt qua bạo bệnh và phục hồi là nhờ vào những người có lòng gửi cho các lá thư tràn đầy tình yêu thương vô bờ bến. Rồi qua nhiều năm, tôi vẫn kiên trì trong nỗ lực phục hồi, do vì biết bao câu hỏi gửi đến chưa được trả lời. Như một phụ nữ trẻ đã gửi thư hỏi tôi rằng: Tại sao bà mẹ của cô khi bị tai biến mạch máu não mà không thể tự mình gọi điện thoại cấp cứu, nên đã phải chết? (Người Mỹ không có thói quen khi con cái đã trưởng thành mà còn ở chung nhà với cha mẹ.), hay một người đàn ông lớn tuổi khác, vẫn còn mãi đau buồn về cái chết của bà vợ, đã hỏi: Vì sao tai biến mạch máu não đã làm bà phải nằm mê man bất động cho đến khi qua đời? Rồi thư của những người chăm sóc bệnh nhân tai biến não hỏi tôi về đường hướng và hy vọng trong sự điều trị. Cho nên tôi đã quyết tâm hoàn tất tập tài liệu này cho 700 ngàn người bị tai biến não hằng năm trong xã hội ta. Chỉ cần một người đọc chương “Buổi sáng ngày bị tai biến” để nhận diện được triệu chứng nguy cấp, rồi gọi ngay cấp cứu - gọi liền chứ không nên trễ, để cứu một mạng người – thì những công sức tôi đã bỏ ra để viết quyển sách này kể như đã được đền bù xứng đáng. Quyển sách này đươc chia ra làm bốn phần:

Phần một nói về cuộc đời tôi trước khi xuất huyết não xảy ra. Bạn sẽ biết tại sao tôi lớn lên và quyết định thành một nhà khoa học về não bộ với tràn đầy nghị lựclý tưởng. Tôi rất tích cực hoạt động trong lãnh vực này. Tôi là một giáo sư khoa não bộ học của đại học Harvard và là thành viên trẻ tuổi nhất trong ủy ban nghiên cứu về các bệnh thần kinh. Tôi đi khắp nước diễn thuyết về căn bệnh và cách trị liệu và kêu gọi những người bệnh khi qua đời thì thân nhân họ nên hiến bộ óc cho viện đại học để nghiên cứu.

Nếu bạn hiếu kỳ muốn biết thế nào là bị tai biến mạch máu não thì phần hai, “Buổi sáng ngày bị tai biến”, là chương bạn nên đọc. Trong phần này, tôi sẽ dẫn bạn qua một hành trình lạ thường để bạn thấy được những suy sụp từ từ về khả năng hiểu biết - cái biết hiện tại về sự vật chung quanh và cái biết về những điều đã học hỏi trong quá khứ - của người bị tai biến, dưới cái nhìn của một nhà khoa học. Khi não của tôi bị xuất huyết càng lúc càng nhiều thì tôi biết rằng đấy là sự mất mát và suy sụp của trí tuệ về phương diện sinh học. Còn về phương diện tế bào thần kinh học, phải thú nhận rằng tôi đã học được rất nhiều về não bộ và sự vận hành của nó trong buổi sáng xuất huyết này, nhiều như tôi đã học hỏi trong bao năm khoa bảng. Đến cuối buổi sáng hôm ấy, ý thức của não bộ còn lại - não bộ phải - đã đưa tôi sang một vùng nhận thức mới: tôi đã trở thành một với vũ trụ. Từ đó tôi mới hiểu được rằng tại sao với bộ óc vật chất này, người ta có thể đạt đến sự hiểu biết về những điều “thần bí” và “siêu hình”.

Nếu như bạn muốn giúp một người đã bị tai biến não hay do một tai nạn mà bị chấn thương ở não bộ, thì những chương về sự phục hồi là rất cần thiết và hữu ích - trong đó có hơn 50 lời gợi ý về những điều nên và không nên làm cho người bệnh. Tôi hy vọng bạn sẽ chia sẻ kiến thức này cho mọi người chung quanh khi họ cần đến.

Phần cuối, quyển sách cho thấy cơn xuất huyết này đã dạy tôi những điều mới lạ về bộ óc, bạn sẽ thấy rằng quyển sách này không hoàn toàn viết về tai biến mạch máu não. Nói cho chính xác hơn, tai biến não chỉ là một chấn thương khiến cho những hiểu biết mới về não bộ xuất hiện.

Quyển sách này cho thấy những nét đẹp và khả năng phục hồi của não bộ con người, do khả năng nội tại của nó không ngừng thay đổi và luôn thích ứng để tồn tại. Sau rốt cuốn sách cho thấy hành trình của nhận thức thuộc bán cầu phải của não bộ khi nó dẫn tôi vào cảnh giới an lành của vùng tâm thức sâu thẳm. Tôi đã phục hồi ý thức luận lý của bán cầu não trái để trình bày và giúp cho người đọc đạt đến cảnh giới an lành của vùng tâm thức thâm sâu mà không cần phải trải qua một cơn xuất huyết não như tôi. Hy vọng độc giả sẽ hài lòng trong cuộc du hành trí thức này.

Jill Bolte Taylor

 

Ý KIÊN PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ

Hi VM Hong,

Bài nầy rất hay và khá lý thú để suy gẫm. Đề tài " não bộ trái và phải " đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời trong 1 cuộc phỏng vấn của giới khoa học tổ chức vài năm trưóc đây, và đã được phát thanh ở đài phát thanh Việt Ngữ SBS Úc Châu. Đề mục mà tôi chú ý nhiều nhất trong bài nầy là Chương 17 nói về sự an lạc trong tâm hồn do bán cầu não phải mang lại, đó là : không cảm nhận được thân thể dài ngắn tới đâu, như là vô giới hạn, tưởng mình như bao trùm cả vũ trụ, không biết mình là ai, quá khứ hiện tại ra sao, không có ý niệm về không gian 3 chiều, không cảm thấy mình bị ràng buộc tình cảm với ai, tuy cũng có tình yêu thương, biết nhường nhịn, chia sẻ và biết ơn. Theo ông nghĩ, đây có phải là ảo giác hay không ? Nếu đó là ảo giác thì là 1 loại ảo giác quá tốt cho chính đương sự và cũng cho tất cả mọi người. Cảm giác hay ảo giác như vậy thường có trong những trạng thái thiền định mà thiền giả tinh tấn nào cũng có thể trải qua, tỉ như Vô Biên Thân của Phổ Hiền Bồ Tát ( trong kinh Niệm Phật Ba La Mật) hay của Đại Thế Chí Bố Tát ( trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật ) Một thứ " ảo" quá tốt như vậy mà cứ sợ nó như là sợ tà, theo lời dạy của những Thiền Sư Việt Namtiếng tăm thường dạy như vậy từ trước đến nay, và khiến cho hầu hết những đệ tử của những vị nầy đều cho là những cảm nhận trong lúc tỉnh thức thì mới là thật, cho nên mới có phép Thiền được gọi là Thiền An Lạc Tỉnh Thức, còn ngoài ra đều là ảo và đáng ghê sợ. Như vậy thì những pháp thiền ấy há không phải là hổ trợ cho việc sống phù hợp với thế giới bon chen đầy trục lợi để mà tồn tại như 1 sinh vật hay sao ? Đó là việc làm của bán cầu não trái, để phục vụ bản ngã sinh tồn. Theo lối dạy của những vị thiền sư nầy thì những trạng thái hôn trầm, ảo giác Vô Biên Thân hay ảo giác gì gì khác đều cần phải xa lánh, tránh xa: "Gặp Phật giết Phật, gặp Tăng giết Tăng " mà. Theo tôi nghĩ những vị nầy chỉ trích dẫn Kinh Lăng Nghiêm rồi lập lại theo lý lẽ đó, chứ kỳ thật khôngkinh nghiệmcụ thể về Ngũ Ấm Ma. Thật ra, trong phần Ngũ Ấm Ma của Kinh Lăng Nghiêm, có câu thòng thường bị quên lãng, ít ai để ý , đó là : nếu hành giả không tự cho là chứng đắc, thì có thể gọi là cảnh giới tốt. Câu nầy đã bị quên lãng khi thuyết pháp cho Phật tử, và bởi sự cẩn thận quá độ dư thừa, bèn tẩy chay và ghê sợ tất cả những ảo ảnh xảy ra trong lúc ngồi thiền. Rồi dạy cho Phật tử cũng phải làm như vậy. Vừa rồi thầy Thích Thông Phương ( Đệ tử thầy Thích Thanh Từ ) qua Sydney giảng pháp tại Thiền Viện Trúc Lâm Banstown, thầy có đề cập tới một Phật tử nằm mơ thấy bị nạn rồi niệm Phật thoát nạn. Khi thức dậy, phật tử nầy vui mừng kể lại giấc mơ vi diệu của mình. Thầy cho rằng : giấc mơ không thôi, đã là ảo rồi, bây giờ tỉnh dậy rồi, mà kể lại sự vi diệu đó lại là 1 cái ảo thứ hai. Thầy phủ nhận những cái ảo như vậy. Không có gì sai trong sự phủ nhận nầy, và dĩ nhiên thầy không tán thán vị Phật tử ấy. Nếu đó là chuyện thật mà thầy được vị Phật tử ấy kể lại, tôi không hiểu thầy có làm cho vị Phật tử nầy mất tín tâm vào pháp môn niệm Phật hay không, khi phủ nhận việc ấy ? 


Năm ngoái, thầy Thích Giác Hạnh có qua Sydney, thầy có cho biết thầy cùng tu ngang thời với thầy Thích Thanh Từ, nhưng khác với thầy Thanh Từ, thầy theo theo Tịnh Độ Tông. Trong 1 bài giảng pháp, thầy có đề cập tới
việc niệm Phật mà thấy ánh sáng màu nầy màu nọ hiện ra thì là tà, phải là không thấy gì hết mới đúng là niệm Phật đúng cách. Tôi không hiểu sao các vị thầy nầy đều sợ Phật tử lạc tà quá nhiều như vậy. Hành giả nào có hành trì thiền hay niệm Phật miên mật ắt sẽ biết rằng sự " không thấy gì hết " chỉ có thể có được trong trạng thái tỉnh thức, chứ còn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh ( 5 thức đầu và ý thức vong bặt, chỉ còn lại 2 thức là Mạt Na Thức và A Lai Da thức không thôi ) ắt hẳn ảo giác phải xuất hiện do dòng chảy tự nhiên liên tục tuôn trào lên từ A Lại Da thức với sự thôi thúc của người giữ kho Mạt Na thức ( theo Kinh Lăng Già ). Thay vì giảng cách nào để đối phó với ảo giác, các vị thầy nầy lại bảo Phật tử phải xem đó như 1 quái trạng của sự lạc vào đường tà, là một điều cấm kỵ cần tránh. Tôi bỗng nghĩ rằng cách làm như vậy chẳng khác nào cha mẹ có con lớn tới tuổi dậy thì, thay vì giảng nghĩa rõ cho nó biết về Sex là gì , tức " giáo dục sinh lý phái tính, cái gì cần làm và cái gì cần tránh, mà lại cấm cản nó không được biết gì tới chuyện đó. Tại sao vậy ? Tới tuổi dậy thì thì phải học về giáo dục sinh lý, hoặc là đi máy bay Boeing hay Air Bus thì ai mà không thấy mặt kính TV ở trước mặt ngay trước ghế ngồi của mình. Nếu nói Thiền đúng cách hay niệm Phật đúng cách là phải không thấy cái gì hết mới là được, thì cũng giống như nói đi máy bay mà không thấy TV trước ghế ngồi của mình, chắc các hành khách ấy ngồi bẹp duới floor sàn máy bay hay sao mà không thấy ?
Pháp tu của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là thiền quán giả chết để thấy các hiện tướng ánh sáng lần lượt xuất hiện tất yếu trong quá trình chết khi tứ đại cơ thể tan rã : màu trắng, màu đỏ, màu đen kịt, rồi màu trắng. Pháp tu của ngài, hay của Mật Tông Tây Tạng nói chung, đều không sợ ảo, mà sử dụng ảo như là 1 hiện tướng để xác định trạng thái của tâm thức mình.


Tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa. Tránh con rết nhỏ thì gặp con rắn mảng xà lớn.Tránh cái ảo do bán cầu não phải mang lại, những hành giả nầy dễ bị lâm vào niềm tin rằng những gì bán cầu trái cung cấp mới chính là sự thật, chẳng hạn như : Tôi đang ngồi thiền đây, tôi là triệu phú, tôi có 2 người vợ, tôi làm Tổng Bí Thư ,v.v... > Thật ra , những cái " sự thật "' nầy, đối với đạo Phật, là một thứ ảo lớn nhất trong tất cả những thứ ảo, và lại rất nguy hiểm cho chính hành giả và nhất là nguy hiểm cho nhân loại.

Làm người bình thường như tôi và ông, nghĩa là không phải tu sĩ hay danh tiếng gì, dầu có nói điều gì đúng hay sai cũng không sao, cùng lắm thì người ta cho rằng đó là thằng ngu nói bậy nói bạ thôi, nhưng đã là thiền sư thì phải biết giảng giáo lý nào cho đối tưọng nào, đối tượng là người hành giả thiền trong hang núi hay là đại chúng Phật tử, và càng phải nhấn mạnh cái ảo nào đáng sợ hơn cái ảo nào. Cái ảo do bán cầu não phải mang lại như hôn trầm, hay cảm giác "vô biên thân" , thậm chí nếu có giết người đi nữa cũng chỉ là giết người trong mộng, không chết 1 thằng Tây nào, chỉ hại có 1 mình người hành giả ấy thôi, nhưng cái ảo do bán cầu trái mang lại thì là giết người hàng loạt, thí dụ như : " Tôi là 1 người cha, tôi phải lo cho con tôi có tiền bạc đầy đủ, bán buôn phải "làm vậy " mới có lời" , hoặc là : " tôi là Tổng Thống Mỹ, tôi phải phản bội đồng minh của mình để cho dân tôi sống sung túc hơn."

Trong Quyển "Ánh Sáng Chân Tâm " ( Mind of Clear Light ) của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài có nhắc nhở rằng : để bảo vệ người những người thân của mình, con người càng lúc càng lún sâu vào những ác hạnh. Điều nầy ông Krishnamurti thường nhấn mạnh trong hầu hết những tác phẩm của ông với danh từ là : "Định nghĩa, đặt tên, hoặc nhân danh " , là 1 thứ ảo nguy hiểm nhất. Những người hay định nghĩa đặt tên cho chính mình thường quên rằng khi sanh ra họ cũng trần truồng như bao nhiêu sinh vật khác, chẳng khác gì con trùng con dế, thế mà khi lớn lên lại tự gán cho mình cái quyền giết cả triệu người. Không là ảo thì là gì ? Tôi tin rằng ông Krishnamurti là bậc đã giác ngộ vì ngài đã thấy cái ảo nào nguy hiểm hơn cái ảo nào, giảng thuyết cho đại chúng như vậy là đúng người đúng chỗ. Ngài không hề chê trách ngủ gục hôn trầm trong khi thiền định, hoặc ngồi thiền thấy mình bay đi chơi đây đó, chỉ xem đó là vô ích mà thôi. Hòa Thượng Tuyên Hóa cũng vậy, không hề đặt tầm quan trọng của ảo giác ( do bán cầu não phải mang lại ). Ngài chỉ khuyên đại chúng Phật tử hành trì niệm Phật miên mật đến lúc " nước cạn để đá lộ ra " ( thủy lạc thạch xuất), không hề "warning " có gì nguy hiểm trong đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu ngài giảng cho hành giả tu trong hang núi thì có thể ngài thêm thắt điều gì khác, như Ngũ Ấm Ma chẳng hạn. Tôi tin ngài là bậc đã giác ngộ.

Thêm nữa, cái mà người ta gọi là : " Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Chỉ rõ chân tâm, Kiến tánh thành Phật " mà các vị Tổ sư Thiền thường dùng, đã bị người đời lạm dụng quá nhiều, bởi vì 16 chữ vàng đó chỉ có thể dùng cho Tổ sư truyền cho đệ tử nối dòng ( chẳng hạn như Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn truyền cho Lục Tổ Huệ Năng ) mà thôi, chứ không phải là truyền cho đại chúng, vì là "giáo ngoại biệt truyền' mà. Thế mà người ta đã chộp lấy nó, in thành sách những lời đối đáp bay bổng giữa Tổ sưđệ tử, rồi đại chúng Phật tử đọc sách thấm ý hiểu được ý nghĩa thâm diệu, bèn tưởng mình đắc quả Phật rồi, do " tôi thấy được chân tâm của tôi từng giây phút một ", hoặc " tôi thấy tánh của tôi rồi" tỉ như " tôi thấy tôi thích nhìn đàn bà con gái", vậy là đủ rồi, không cần gì phải tu hành gì nữa. Những người nầy đâu biết rằng: một ý thích nào đó, hay 1 thói quen nào đó, muốn loại trừ nó , phải tích cực hành trì miên mật suốt đời chưa chắc đã xong, có khi phải trải qua nhiều kiếp luân hồi ( Theo Tạng Thư Sống Chết của Sogyal Rinpoche, đại sư Tây Tạng ) .

Không biết nhận định của tôi như vậy có đúng không, ông nghĩ sao ?
Nếu không đồng ý, xin tùy hỉ.
Nhựt

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/01/2014(Xem: 18522)
06/04/2014(Xem: 19128)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.