Yêu Nước

28/02/201412:00 SA(Xem: 5917)
Yêu Nước

YÊU NƯỚC
BS. Hồ Ngọc Minh

water“Yêu nước” là yêu… chính mình trước hết, và có yêu mình thì mới yêu đời và yêu người được hiệu quả hơn. Nhưng yêu bao nhiêu và yêu như thế nào mới gọi là đủ?

Cơ thể chúng ta là một bịch nước muối pha loãng chiếm khoảng 60% sức nặng tổng cộng. Một thí dụ khác dễ hiểu hơn, cơ thể con người là một hồ cá nhỏ mà trong đó những con cá bơi lội chính là những tế bào của cơ thể chúng ta. Ai nuôi cá cũng biết là muốn cho cá khỏe mạnh thì phải thay nước tối thiểu là 10% mỗi ngày.

Tương tự như cá, cơ thể chúng ta cần nước để vận chuyển nhu cầu dinh dưỡng, tiến hành những phản ứng sinh hóa của cơ thể và cuối cùng là bài tiết những chất dơ, cặn bả ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, phân, và mồ hôi. Nếu không đủ lượng “nước tươi” mới tiếp liệu, cơ thể sẽ tìm cách dùng lại (recycle) nước đã dơ bằng cách hút lại nước chảy qua thận, làm cho nước tiểu tiết ra ít hơn và đậm đặc hơn, hay hút nước từ phân khi phân đi qua ruột già, làm cho ta bị táo bón. Dĩ nhiên là nước dùng lại không thể nào tốt bằng nước mới được.

Ở California chúng ta đang bị hạn hán, nhưng không vì thế mà chúng ta phải hà tiện nước uống cho cơ thể.

Để “thay nước” cho cơ thể chúng ta cần bao nhiêu nước thì đủ?

Trung bình cơ thể cần khoảng từ 2 đến 3 lít nước mới mỗi ngày. Công thức dễ nhớ là lấy trọng lượng cơ thể, thí dụ là 150 pound, chia cho 2, là 75, thay đơn vị là ounce thành ra 75 ounce mỗi ngày. Nếu tính ra lít thì mỗi ounce khoảng 30 ml, thì 75 ounce cũng vào khoảng hơn 2 lít nước. Một luật khác được đặt ra từ năm 1945 gọi là luật 8×8, tức là 8 ly, mỗi ly khoảng 8 ounce nước mỗi ngày, thì cũng xấp xỉ số lượng nước khoảng 2 lít tối thiểu. Dĩ nhiên là phải trừ hao bớt cà phê, trà, nước phở, hủ tiếu v.v… Như thế so ra thì uống cho đủ tiêu chuẩn cũng không phải là khó cho lắm. Suy nghĩ một cách khác để bạn thấy cái lợi của việc thay nước là; thể tích máu của chúng ta vào khoảng 6 đến 7 lít tổng cộng, nếu bạn uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, tương đương với sự lọc máu khoảng 30%!

Những nguy hiểm gì xảy ra cho cơ thể khi bị thiếu nước?

Khi cơ thể bị “hạn hán”, mỗi một tế bào trong cơ thể đều bị ảnh hưởng. Trước hết là những chất độc không được đào thải ra ngoài làm trì trệ các phản ứng sinh học trong cơ thể. Kế đến là sự thay đổi cân bằng về nồng độ muối sodium (natri) và potassium (kali) trong các tế bào làm cho các bắp thịt mệt mỏi, trong đó có cả bắp thịt… tim. Các dấu hiệu như mệt, chóng mặt, nhức đầu đều là những triệu chứng của hiện tượng thiếu nước. Khi có những triệu chứng này nên uống thêm vài ly nước, hay nước cam vắt càng tốt.

Làm sao biết mình chưa “yêu nước” đủ?

Khi thấy khát nước, khô miệng thì cơ thể đã thực sự thiếu thốn nước quá rồi. Vì thế nên tránh đừng để cho thấy khát mới đi “ọc” vào một ly nước đầy. Một dấu hiệu khác để biết mình có bị thiếu nước hay không là bằng cách quan sát màu của nước tiểu. Nước tiểu bình thường trong trẻo, màu vàng rất nhạt như màu nước trà pha loãng tới nước thứ 3 hay thứ 4. Nếu thấy màu vàng càng đậm càng giống màu cam thì bạn không uống nước đầy đủ.

Nghệ thuật uống nước cho đúng

Như đã trình bày, không nên đợi thấy khát nước mới mở tủ lạnh ra và “ọc” vào vài ly vì cơ thể đã rơi vào tình trạng “hạn hán” và “lũ lụt” luân phiên, không tốt. Một ngày tiêu biểu bắt đầu bằng một tách cà phê, hay một hai ly trà, ly sữa, ly nước cam v.v… Sau đó khi lên xe đi làm, nên mang theo một chai nước nhỏ, trời lạnh thì thay vào bằng một bình trà nóng, thỉnh thoảng hớp một vài miếng cho đến khi tới sở làm. Ở sở làm, ta bắt đầu lại là một chai nước khác, tiếp tục từ từ cho xong chai nước đó. Khi ăn cơm trưa thì dằn bụng trước nửa hay 1 ly nước lọc, sau đó chỉ hớp nước cho thấm miệng trong khi ăn mà thôi. Uống nước nhiều quá trong khi nhai đồ ăn sẽ làm cho đồ ăn mất ngon và khiến mình ăn nhiều hơn. Sau bữa ăn thì uống thêm 1 ly nước nữa. Buổi chiều, buổi tối, trước khi đi ngủ đều phải có… nước bên cạnh. Nói tóm gọn là uống nước suốt ngày, uống từng hớp nhỏ. Yêu nước trong từng khỏanh khắc của đời sống.

Uống nước đóng chai sẵn, nước “tăng cường sinh lực”, nước soda có lợi hay không?

Nước là nước và chỉ là nước! Trước hết các loại nước soda, “diet” hay “không diet” đều làm cho bạn “die” mau chóng mà thôi! Bỏ hết! Các loại “nước suối” đóng chai thật ra 90% là được lọc hay chưng cất từ nước máy ở nhà và cho thêm một chút muối khoáng, không làm cho bạn thông minh (smart water) hơn tí nào cả. Để bảo vệ môi trường một cách thông minh vì không quăng bỏ các chai nhựa vào thùng rác, lại tiết kiệm tiền, bạn có thể thiết kế một hệ thống lọc nước ở nhà. Nếu cần “tăng sinh lực” thì thêm vào một muỗng cà phê muối trong 3 lít nước, cộng thêm ½ trái chanh vắt, thế thôi.

Thể tích nước dùng mỗi ngày có thể tăng hơn nếu bạn chơi thể thao, hay khi trời nóng nực. Trong trường hợp một ngày trung bình uống nhiều hơn 4 lít nước mà vẫn thấy khát, bạn nên tham khảo với bác sĩ ngay để truy tầm những chứng bệnh như tiểu đường, bệnh thận, sạn thận v.v…

Chúc mọi người… “khỏe vì nước”, và “đồng bào ta ganh sức tài ba”!

 

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Trang nhà:www.bacsihongocminh.com

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/11/2013(Xem: 17614)
22/10/2011(Xem: 30558)
26/02/2013(Xem: 9522)
14/12/2022(Xem: 2525)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.