Ai Là Kẻ Bắn Tên? A Lan Nhã

03/04/201212:00 SA(Xem: 20438)
Ai Là Kẻ Bắn Tên? A Lan Nhã
MỤC LỤC
NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 192

Tháng 3 năm 2012

 Ai là kẻ bắn tên? 
A Lan Nhã

 

Một người bị một mũi tên bắn trúng - mũi tên tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống người ấy vội mời một y sĩ mổ xẻ đến chăm sóc.

Người ấy nhất định không chịu, bảo: “Tôi sẽ không rút mũi tên ra một khi tôi chưa biết rõ được ai là kẻ bắn tôi - hắn thuộc dòng dõi hoàng tộc, Bà-la-môn, là kẻ buôn bán hay người làm công?”.

Mọi người khuyên nên cấp bách nhổ tên ra kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Hắn nói: “Tôi sẽ không rút tên ra khi nào tôi chưa biết được người bắn tôi tên gì, tộc tánh gì; kẻ đó cao hay thấp, da đen, da sẫm hay da màu; hắn ở làng nào, thị trấn, thành phố nào?”.

Do bị khuyên tiếp, hắn kiên quyết: “Trừ khi tôi biết rõ cái cung mà tôi bị bắn thuộc loại cung thường hay cung nỏ, dây cung làm bằng dây leo, dây gai hay thứ cây có nhựa; mũi tên mà tôi bị bắn được kết bởi lông gì, được cuốn bởi loại gân nào; mũi tên đó là tên nhọn hay tên móc, thuộc loại tên như đầu sào, như răng bò hay như kẽm gai...; trừ khi biết rõ như thế tôi mới rút tên ra!”.

Rồi người ấy chết. Chết, nhưng người ấy vẫn không biết được gì!

(Kể theo kinh Trung bộ, tập II, Tiểu kinh Màlunkyà - Cula Màlunkyà Sutta. HT.Thích Minh Châu dịch)

Bàn thêm:

 

“Chư Tỳ-kheo, xưa cũng như nay, ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (kinh Trung bộ I, kinh Ví dụ con rắn). Đây là lời tuyên bố của Đức Phật về toàn bộ giáo pháp của Ngài. Sự xuất hiện của Ngài cũng không ngoài mục đích: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” (kinh Pháp hoa) - đưa chúng sanh đến với an lạc, thanh tịnh, hạnh phúc, Niết-bàn.

Đức Phậtgiáo pháp của Ngài như chiếc bè, cốt để “vượt qua” chứ không phải để “mang theo”. Mà vượt qua là vượt thẳng, không ghé bờ này, bờ nọ hay vướng víu nơi này, nơi khác. Do đó, trong suốt 49 năm giáo hóa, Như Lai chưa từng “dễ dãi” với những câu hỏi đi chệch mục đích của Ngài.

Giáo lý của Đức Phậtgiáo lý thực tiễn. Ngài không bàn luận đến những vấn đề siêu hình không liên quan đến thực tại khổ đau của con người. Những triết lý được xem là tinh túy nhất của Ấn Độ thời bấy giờ mặc dù đã được Đức Phật trải nghiệm, nhưng Ngài chỉ chắt lọc, vận dụng và phát triển chúng một cách thích đáng cho một mục tiêu duy nhất: sự diệt khổ.

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi (gần Allanhabad), tại rừng simsapà. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá simsapà, rồi bảo các Tỳ-kheo: “Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá simsapà mà ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapà?”. “Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà”. “Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, thật là quá nhiều, những gì ta đã thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì mà ta đã nói ra! Nhưng tại sao, này các Tỳ-kheo, ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, ta không nói lên những điều ấy” (kinh Tương ưng bộ V, chương 12: Tương ưng sự thật, phẩm: Rừng Simsapà).

Thái độ của Đức Phật là rất rõ ràng, dứt khoát. Tuy vậy, do trí tò mò và sự hoang tưởng thâm căn cố đế mà nhiều người đã đặt những câu hỏi siêu hình với Đức Phật và xin Ngài trả lời. Trong số đó có một vị đệ tử của Ngài: Tôn giả Malunkyaputta.

Trong khi độc trú tịnh cư, Tôn giả Malunkyaputta khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giớivô thường, thế giớihữu biên, thế giớivô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Laitồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Laitồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tạikhông không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta, thời ta sẽ sống phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Rồi Tôn giả Malunkyaputta vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả bạch Thế Tôn rằng: nếu Ngài biết những vấn đề nêu trên thì xin hãy trả lời cho con; nếu không biết thì Ngài cũng thẳng thắn trả lời là không biết; còn nếu Thế Tôn không trả lời cho con thì con sẽ hoàn tục.

Sau khi đặt một số câu hỏi liên quan đến những vấn đề nêu trên, Đức Phật nói: Này Malunkyaputta, ta không nói với ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống phạm hạnh theo ta và ta sẽ trả lời cho ông: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường” v.v..., và ông cũng không nói với ta: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống phạm hạnh theo Thế Tôn nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường” v.v... Sự tình là như vậy, thời này kẻ ngu kia, ông là ai, và ông phủ nhận cái gì?

Đức Phật nhấn mạnh, này Malunkyaputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường v.v..., thời người ấy sẽ chết (và) vẫn không được Như Lai trả lời. Rồi, để minh họa cho vấn đề này, Đức Phật kể ẩn dụ “Ai là kẻ bắn tên?” như trên.

Thế Tôn cho rằng: đời sống phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là thường còn”, “Thế giới là vô thường”... Vì dầu cho có quan điểm đó thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại. Và này Malunkyaputta, điều gì ta trả lời? Rằng: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì sao? Vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn (theo kinh Trung bộ, tập II, Tiểu kinh Màlunkyà).

Theo đó, một người cho dù không có những sở kiến rộng rãi về nhân sinh quan, vũ trụ quan, không làu thông Tam tạng Kinh điển, nhưng chỉ với một pháp môn đúng đắn, người ấy vẫn có thể vượt thoát được thực tại khổ đau, có thể đạt được an tịnh, thắng trí, Niết-bàn. Bậc trí giả, do đó, không hẳn là người hiểu sâu biết rộng, mà là người biết được đâu là việc nên làm, đâu là điều nên tránh, đâu là con đường, đâu là giới hạn, và nhất là phải tinh tấn trên con đường đó.

Chúng ta, những người tự xưng là đệ tử Đức Như Lai, những người đang bị mũi tên độc tham - sân - si (hay các lợi đắc, cung kính, danh vọng - như định nghĩa của kinh Tương ưng II, chương 6) bắn trúng, đã mấy ai kiên quyết nhổ ngay mũi tên này ra để chữa trị, hay cứ loay hoay tìm hiểu xem ai là người bắn tên, mũi tên đó được chế tác như thế nào; hoặc tệ hơn, nghĩ rằng mình còn phận sự này, phận sự nọ cần phải hoàn thành xong mới chịu nhổ tên. Việc chưa xong, và có lẽ không bao giờ xong, thì chất độc đã ngấm vào cơ thể và cướp đi mạng người quý báu của mình...

(Sau cùng, xin được mở ngoặc để thêm rằng, ẩn dụ này cũng xuất hiện trong kinh Đại bát Niết-bàn (40 quyển), quyển 15, phẩm 8: Phạm hạnh 1, trong đoạn Đức Thế Tôn giảng về người tu tâm Từ - thực hành hạnh Bố thí Ba-la-mật. Việc “truy xét” về mũi tên và người bắn tên được ví như người thực hành hạnh bố thíphân biệt người thọ nhận là trì giới hay phá giới, phân biệt về quả báo... thì hoàn toàn không thể bố thí. Dễ dàng nhận thấy tính thuyết phục từ sự minh họa ấy trong ngữ cảnh trên là không cao. Rất có thể ẩn dụ này đã được người sau thêm vào - mà bản đáy (gốc) chính là Tiểu kinh Màlunkyà trong Trung bộ chăng?). 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/04/2012(Xem: 14176)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.