Giới Thiệu Tóm Tắt Về Bộ Trung Quán

03/05/201312:00 SA(Xem: 16343)
Giới Thiệu Tóm Tắt Về Bộ Trung Quán

Giới thiệu tóm tắt về
BỘ TRUNG QUÁN
trong Tạng luận
theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu

Nhân bài viết của Huỳnh Ngọc Chiến viết về Trung quán tông và ánh sáng tâm linh, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về Bộ Trung quán trong Tạng luận theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT), gọi là góp thêm tư liệu nhằm giúp người đọc có những hiểu biết bước đầu về tông Trung quán.

Bộ Trung quán là 1 trong 5 bộ thuộc Tạng luận theo sự phân loại của ĐTK/ĐCTT. Năm bộ thuộc Tạng luận gồm:

1. Bộ Thích kinh luận
2. Bộ A-Tỳ-đàm
3. Bộ Trung quán
4. Bộ Du già
5. Bộ luận tập.

Chữ bộ được ĐTK/ĐCTT dùng để phân loại nơi Tạng kinh (phân làm 9 bộ, chưa kể Mật giáo) và Tạng luận (phân làm 5 bộ), căn cứ theo nội dung thì gồm 3 loại:

* Loại 1: Bộ là sự tập hợp các kinh luận chính, tiêu biểu cùng với những kinh luận biệt hành, liên hệ, cùng hệ, đồng dạng. Loại này chiếm đa số: Bộ A-hàm, Bộ Bát-nhã, Bộ Pháp hoa, Bộ Hoa nghiêm, Bộ Bảo tích, Bộ Niết-bàn, Bộ Đại tập (Tạng kinh), Bộ Trung quán, Bộ Du-già (Tạng luận).

* Loại 2: Bộ là sự tập hợp các kinh luận dài ngắn, có nội dung quy về một chủ đề. Đó là các bộ: Bộ Bản duyên (tạng kinh), Bộ Thích kinh luận, Bộ A-tỳ-đàm (Tạng luận). Bộ Bản duyên là tập hợp các kinh dài, ngắn, vừa, có chung chủ đề là viết về lịch sử Đức Phật, tiền thân Phật, Bồ-tát, Pháp cú v.v… Bộ Thích kinh luận là tập hợp các luận dài ngắn,… có chung chủ đềgiải thích, luận giảng về kinh (tác giả là chư vị Bồ-tát, Luận sư của Phật giáo Ấn Độ, tác phẩm đã được Hán dịch. Nếu các tác phẩm giải thích, luận giảng về kinh luận do các Đại sư, học giả của Phật giáo Trung Hoa viết thì được tập hợp ở phần sớ giải). Bộ A-tỳ-đàm thì tập hợp các luận dài ngắn vừa thuộc mảng A-tỳ-đàm của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ, phần lớn do Pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán ngữ (dịch lại hoặc dịch mới). Như các luận A-tỳ-đạt-ma lục túc, luận A-tỳ-đạt-ma phát trí, luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, luận A-tỳ-đạt-ma câu-xá

* Loại 3: Các kinh, luận còn lại không thể sắp vào các bộ trên thì sắp vào Bộ Kinh tập (Tạng kinh), Bộ Luận tập (Tạng luận).

Như vậy, Bộ Trung quán thuộc về loại 1. Chúng tôi xin dựa theo nghĩa ấy để giới thiệu tóm tắt.

Luận chính

Luận chính của Bộ Trung quán Trung luận (Mādhyamaka - Sāstra) hoặc Luận Trung quán, còn có tên là Luận Đại thừa Trung quán, Luận Bát-nhã đàng. Tác giả là Bồ-tát Long Thọ (Nā gārjuna, Thế kỷ II - III TL), người đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình hình thành cùng phát triển của Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Bắc truyền, cũng là người mở đầu cho công việc giải thích kinh, luận thuộc Phật giáo Bắc truyền.

Trung luận được viết theo thể kệ, gồm 27 phẩm, 446 kệ. Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm 446 kệ, mỗi kệ gồm 4 câu - 5 chữ, với 27 phẩm như sau:

Phẩm thứ 1: Quán về nhân duyên (16 kệ)

Phẩm thứ 2: Quán về khứ lai (25 kệ)

Phẩm thứ 3: Quán về sáu tình (sáu căn - 8 kệ)

Phẩm thứ 4: Quán về năm ấm (năm uẩn - 9 kệ)

Phẩm thứ 5: Quán về sáu chủng (8 kệ)

Phẩm thứ 6: Quán về nhiễm, người nhiễm (10 kệ)

Phẩm thứ 7: Quán về ba tướng (35 kệ)

Phẩm thứ 8: Quán về tác - Tác giả (12 kệ)

Phẩm thứ 9: Quán về bản trụ (12 kệ)

Phẩm thứ 10: Quán về đốt cháy, bị đốt cháy (16 kệ)

Phẩm thứ 11: Quán về bản tế (8 kệ)

Phẩm thứ 12: Quán về khổ (10 kệ)

Phẩm thứ 13: Quán về hành (9 kệ)

Phẩm thứ 14: Quán về hợp (8 kệ)

Phẩm thứ 15: Quán về có - không (11 kệ)

Phẩm thứ 16: Quán về buộc - mở (10 kệ)

Phẩm thứ 17: Quán về nghiệp (33 kệ)

Phẩm thứ 18: Quán về pháp (12 kệ)

Phẩm thứ 19: Quán về thời (6 kệ)

Phẩm thứ 20: Quán về nhân quả (24 kệ)

Phẩm thứ 21: Quán về thành - hoại (20 kệ)

Phẩm thứ 22: Quán về Như lai (16 kệ)

Phẩm thứ 23: Quán về điên đảo (24 kệ)

Phẩm thứ 24: Quán về bốn đế (40 kệ)

Phẩm thứ 25: Quán về Niết-bàn (24 kệ)

Phẩm thứ 26: Quán về 12 nhân duyên (9 kệ)

Phẩm thứ 27: Quán về tà kiến (31 kệ)

Nếu như nơi Tạng kinh, Bộ Pháp hoa và kinh Pháp hoa có số lượng trang ít nhất, thì nơi Tạng luận, Bộ Trung quánTrung luận cũng vậy, tức cũng có số lượng trang ít nhất. Kinh Pháp hoa, theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, chỉ hơn 60 trang Hán tạng, và Bộ Pháp hoa chỉ gồm hơn 385 trang, tức non ½ tập 9 ĐTK/ĐCTT. Trung luận, vì được viết theo thể kệ nên độ dày lại càng ít. Bản chú giải Trung luận của Phạm Chí Thanh Mục - là bản được biết đến nhiều nhất - chỉ hơn 38 trang Hán tạng, và Bộ Trung quán chỉ gồm không đến 280 trang, tức non 1/3 tập 30 ĐTK/ĐCTT, trong khi Bộ A-tỳ-đàm chẳng hạn gồm hơn 3.500 trang. Tuy nhiên, vì nội hàm cùng ngoại trương của Trung luận (cũng như kinh Pháp hoa)(1) là cực lớn. Nói cách khác, những vấn đề được Trung luận nêu lên, đặt ra là hết sức hàm súc, hết sức quan trọng, nên tác động cũng như ảnh hưởng của luận phải nói là vô lượng vô biên. Thế nên ĐTK/ĐCTT đã dùng Trung luận và các luận liên hệ (cũng như đối với kinh Pháp hoa và các kinh cùng hệ đã lập Bộ Pháp hoa) để lập riêng Bộ Trung quánhoàn toàn hợp lý.

Chúng tôi xin nêu dẫn một số kệ thuộc loại tiêu biểu trong Trung luận:

Kệ thứ 1, thứ 2, nơi phẩm thứ 1: Quán về nhân duyên:

Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 1C)
(Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi
Nói pháp nhân duyên ấy
Khéo trừ các hý luận
Con cúi đầu lễ Phật
Bậc thuyết pháp đệ nhất).
Kệ thứ 9 nơi phẩm thứ 13 - Quán về hành:
Đại thánh thuyết không pháp
Vi ly chư kiến cố
Nhược phục kiến hữu không
Chư Phật sử bất hóa.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 18C)
(Đại thánh nói pháp không
Để lìa các kiến chấp
Nếu lại chấp có không
Chư Phật không thể độ).
Kệ thứ 10 nơi phẩm thứ 16 - Quán về buộc mở:
Bất ly ư sinh tử
Nhi biệt hữu Niết-bàn
Thật tướng nghĩa như thị
Vân hà hữu phân biệt.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 21B)
(Không lìa nơi sinh tử
Mà có riêng Niết-bàn
Nghĩa thật tướng như thế
Làm sao có phân biệt?).
2 kệ thứ 6 và thứ 7 nơi phẩm thứ 18: Quán về Pháp
Chư Phật hoặc thuyết ngã
Hoặc thuyết ư vô ngã
Chư pháp thật tướng trung
Vô ngã vô phi ngã.
Chư pháp thật tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết-bàn.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 24A)
(Chư Phật hoặc nói ngã
Hoặc nói về vô ngã
Trong thật tướng các pháp
Không ngã không vô ngã
Thật tướng của các pháp
Tâm hành ngôn ngữ dứt
Không sinh cũng không diệt
Tịch diệt nhưNiết-bàn).
2 kệ thứ 18, thứ 19 nơi phẩm thứ 24: Quán về bốn đế
Chúng nhân duyên sinh pháp
Ngã thuyết tức thị vô
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa
Vị tằng hữu nhất pháp
Bất tùng nhân duyên sinh
Thị cố nhất thiết pháp
Vô bất thị không giả.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 33B)
(Nhân duyên sinh các pháp
Tôi nói tức là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo
Chưa từng có một pháp
Không từ nhân duyên sinh
Vì thế tất cả pháp
Chúng thảy đều là không).

Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận I, phần viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã ghi nhận về Bát bất Trung đạo của Bồ-tát Long Thọ như sau: “Long Thọ (Nāgārjuna) ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ II đã phân tích và lý luận trên nguyên tắc nhân duyên sinh rằng thực tại vượt ra ngoài những phạm trù sanh diệt, thường đoạn, đến đi, nhất nguyênđa nguyên (Trung quán luận). Ông kết luận rằng những phạm trù kia chỉ là những tạo tác của khái niệm nhận thức - đem ra phân tích thì chúng không phù hợp với thực tại. Ví dụ về sinh và diệt: Trên thực tế không có gì có thể từ khôngtrở thành có, không có gì đang có mà trở thành không, bởi vì mọi hiện tượng tồn tại trên đã chuyển biến và trở thành… Thế giới nhìn qua nhận thức sinh diệtthế giới phân biệt nhị kiến, không phải là thế giới thực tại, trong đó vạn pháp tồn tại trong một tương quan hòa điệu vi mật không thể cắt xén bằng khái niệm. Thế giới bất sinh bất diệt bất thường bất đoạn, không tới không đi không nhất nguyên không đa nguyên ấy là Niết-bàn, là giải thoát, là giác ngộ, là cảnh giới của thánh trí. Người học đạo phải đặt bản thân và sự sống của mình trong thế giới thực tại đó mới thể nhập được nó…” (Việt Nam Phật giáo sử luận I, bản in 1992, trang 321-322).

Bốn bản Trung luận hiện có nơi Bộ Trung quán đều là những bản luận thích mang số hiệu 1564, 1565, 1566, 1567, thuộc tập 30 ĐTK/ĐCTT.

* Bản 1: Mang tên Trung luận. Phạm Chí Thanh Mục giải thích, Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch Hán vào đời Hậu Tần (384-417), gồm 4 quyển, Đại sư Tăng Duệ viết tựa, có ghi rõ số lượng kệ nơi mỗi phẩm. (No 1564. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 1-39B).

* Bản 2: Mang tên là Thuận trung luận nghĩa… Bồ-tát Vô Trước giải thích, Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (thế kỷ V đến thế kỷ VI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Nguyên Ngụy (339-534), gồm 2 quyển. (No 1565, ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 39C-50B).

* Bản 3: Mang tên là Bát-nhã đăng luận thích. Luận sư Phân Biệt Minh (Thanh Biện) giải thích, Hán dịch là Đại sư Ba-la-phả-mật-đa-la (565-633), dịch vào đầu đời Đường (618-906), gồm 15 quyển, Đại sư Tuệ Trách viết tựa (No 1566, ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 50C-135).

* Bản 4: Mang tên là Đại thừa Trung quán thích luận. Luận sư An Tuệ giải thích, Đại sư Duy Tịnh (thế kỷ XI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Triệu Tống (960-1276), gồm 9 quyển (No 1567, ĐTK/ĐCTT tập 30, trang 136-158).

* Bản 1 là bản phổ biến nhất. Các bản Việt dịch hiện có đều dịch theo bản Hán dịch này(2). Nơi lời tựa, Đại sư Tăng Duệ đã cố gắng thâu tóm để nêu bật những nét chính của tác phẩm: “Dùng Trung làm tên gọi là nhằm soi chiếu về nẻo thật. Dùng Luận để nêu là nhằm đạt tới chốn cùng tột nơi ngôn từ. Nẻo thật không tên gọi thì không tỏ ngộ, nên nhờ nơi Trung để tuyên thuyết. Ngôn từ không giải thích thì không tận cùng nên mượn Luận để làm sáng tỏ…” (ĐTK/ĐCTT tập 30, No 1564 trang 1A). Theo nhiều nhà nghiên cứu học cận đại thì Phạm Chí Thanh Mục là một biệt danh của Bồ-tát Đề Bà (Deva, thế kỷ III TL), tác giả Bách Luận, đệ tử của Bồ-tát Long Thọ. Điều ấy có thể đúng, vì nơi bản 1 này, người đọc có cảm tưởng là người giải thíchtác giả Trung luận hầu như là một. Tức Bồ-tát Long Thọ hẳn đã có những khơi gợi, những hướng dẫn v.v… để cho đệ tử của mình làm công việc giải thích, tranh biện trong khi các bản giải thích kia, cụ thể là 2 bản 3,4 đều đã giải thích theo hướng hoàn toàn khác.

* Bản 2: Tên gọi đầy đủ là: Thuận Trung luận nghĩa nhập đại Bát-nhã-ba-la-mật kinh sơ phẩm pháp môn (Thuận theo nghĩa của Trung luận, hội nhập pháp môn nơi phẩm đầu của kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật). Và như thế thì đấy không phải là tác phẩm Giải thích Trung luận như 3 bản kia. Đại từ điển Phật Quang (trang1034B - 1035A) phần nói về tác phẩm Trung luận, đã có lý khi không xem Thuận Trung luận nghĩa… của Bồ-tát Vô Trước thuộc loại “chú thích Trung luận”, mà chỉ nói: “Ngoài ra, còn có tác phẩm Thuận Trung luận nghĩa… của Bồ-tát Vô Trước”.

Thuận Trung luận nghĩa… hầu như không có bố cục, tác giả chỉ nêu dẫn 2 kệ đầu(3) nơi phẩm thứ 1 của Trung luận, tạo sự nối kết với một số điểm nơi phẩm thứ nhất của kinh Đại Bát-nhã, theo đấy để biện giải, quảng diễn. Đoạn cuối quyển hạ, tác giả có dẫn thêm vài kệ nữa (thuộc phẩm thứ 2 và thứ 4 của Trung luận) cũng là chỉ để đối chiếu nhằm biện biệt.

Nhưng dù sao thì Bồ-tát Vô Trước cũng đã biện giải ít nhiều về Trung luận, mà những biện giải ấy không phải là không có giá trị. Do đấy cũng có thể sắp Thuận Trung luận nghĩa… vào đây.

Hai bản 3,4 giải thích theo hướng căn cứ vào nghĩa hiện có của các kệ để biện giải, quảng diễn. Bản 3 là bản có số trang nhiều nhất (hơn 84 trang, bản 1: hơn 38 trang), nhưng phần giải thích nhiều đoạn văn nghĩa không rõ, khó lãnh hội. Bản 4 gồm 9 quyển, mới giải thích hết phẩm thứ 13 (Phẩm Quán về hành. ĐTĐ Phật Quang (trang 1.035A) phần nói về tác phẩm Đại thừa Trung quán thích luận của Luận sư An Tuệ, Hán dịch là Đại sư Duy Tịnh, đã ghi: gồm 18 quyển. Rồi nơi trang 2.406B Thích luận: 9 quyển. Như vậy, tác phẩm này gồm 18 quyển, giải thích quảng diễn đủ 27 phẩm nơi Trung luận, hay chỉ có 9 quyển, chỉ giải thích 13 phẩm:

Phần luận liên hệ

Phần luận liên hệ của Bộ Trung quán gồm các tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ (Luận Thập nhị môn, 4 luận ngắn), các tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà (Bách luận, Bách tự luận, Quảng bách luận, Luận đại trượng phu), và tác phẩm của Luận sư Thanh Biện (Luận Đại thừa chưởng trân).

 1- Tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ:

* Luận Thập nhị môn (Dvādasamukha - sāstra): Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, dịch vào đời Hậu Tần (384-417), 1 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 30, No 1.568, trang 159-167C). Đây là sự nối tiếp của Trung luận “Dùng 12 môn để hội nhập nơi nghĩa không”.

* Bốn luận ngắn: Đó là các luận: luận Nhất-thâu-lư-ca, luận Đại thừa phá hữu, luận Lục thập tụng như lý, luận Đại thừa nhị thập tụng (No 1573, 1574, 1575, 1576. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 253-256C). Luận No 1573 do Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch ra Hán ngữ vào đời Nguyên Ngụy (339-534). 3 luận còn lại do Đại sư Thi Hộ (Hậu bán thế kỷ 10 - đầu thế kỷ XI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Triệu Tống (960-1276). Có thể xem đây là những phác thảo để dẫn đến Bát bất trung đạo của Trung luận(4).

2- Tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà:

* Bách luận (Satāsāstra): Khai sĩ Bà Tẩu giải thích, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch Hán, 2 quyển (ĐTK/ĐCTT, No 1569, tập 30, trang 167C-182A). Theo Đại sư Tăng Triệu, nơi Lời tựa của bản Hán dịch, thì Bách luận có 20 phẩm, mỗi phẩm có 5 kệ, nhưng bản Hán dịch chỉ dịch 10 phẩm của phần đầu, 10 phẩm của phần sau chưa dịch. Tuy nhiên, bản giải thích của Khai sĩ Bà Tẩu ở đây có nêu 10 phẩm (phẩm 1-10) nhưng không thấy nêu dẫn kệ, chỉ dùng lối hỏi - đáp (ngoại nêu - nội nói) để tranh biện, quảng diễn, nhằm bác bỏ những tà kiến của ngoại đạo.

* Bách tự luận: No 1572, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI TL), dịch vào đời Hậu Ngụy (339-534), được xem là một tóm lược của Bách luận (ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 250B-252).

* Quảng bách luận bản: No1570, 1 quyển, 200 kệ (4 câu 5 chữ), Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào đời Đường (618-906). Bồ-tát Đề Bà còn có tác phẩm Tứ bách luận (Catuhsataka, gồm 16 phẩm, 400 kệ), có thể xem là sự khai triển từ Bách luận. Tác phẩm này đã được Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán ngữ. Nhưng Pháp sư chỉ dịch nửa sau của luận gồm 8 phẩm, 200 kệ (4 câu 5 chữ), lấy tên là Quảng bách luận bản (ĐTK/ĐCTT, No1570, trang 182A-186).

Quảng bách luận bản đã được Luận sư Hộ Pháp giải thích, luận giảng và cũng được Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán ngữ: Đại thừa quảng bách luận thích luận (No 1571, 10 quyển. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 187-250B).

* Luận Đại trượng phu: No 1577, 2 quyển, Hán dịch là Đại sư Đạo Thái (hậu bán thế kỷ IV - đầu thế kỷ V TL), dịch vào đời Bắc Lương (397-439) (ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 256C - 268A). ĐTK/ĐCTT ghi tác giả Luận Đại trượng phu là Bồ-tát Đề-bà-la. ĐTĐ Phật Quang (trang 1198A - B), mục Ngũ luận sư đã viết về Bồ-tát Đề Bà: Là đệ tử của Bồ-tát Long Thọ, tác giả Bách luận, Luận Đại trượng phu… Như vậy, Bồ-tát Đề-bà-la và Bồ-tát Đề Bà là một. Luận Đại trượng phu gồm 29 phẩm ngắn. Hai phẩm đầu là kệ, các phẩm còn lại phần nhiều là văn xuôi. Nội dung của luận là bàn về những tư lương của Bồ-tát trong quá trình hành hóa độ sinh như hành thể, hành xả, phát tâm bồ-đề, hiện bày tâm bi v.v… Đáng lẽ nên sắp vào Bộ Du-già, thuộc hệ về Địa Bồ-tát của Luận du-già, nhưng vì là tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà nên sắp ở phần này.

3- Tác phẩm của Luận sư Thanh Biện

* Luận Đại thừa chưởng trân: No1578, 2 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào đời Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 268A-278B). Nội dung của luận là “dùng luận pháp của nhân minh, luận phá các kiến chấp sai lầm của ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa Hữu tông, nhằm chứng đắc thật nghĩa của Đại thừa không tông, ra sức đề xướng việc dùng không trí để xa lìa các thứ phân biệt về có không, hoàn thành 8 chánh đạo, 6 ba-la-mật(5).

Tam luận tông là một trong 13 tông phái Phật giáo đã được hình thành và phát triển tại Trung Hoa. Tông này còn được gọi bằng nhiều tên như: Không tông, Vô tướng tông, Trung quán tông, Long Thọ tông, Đề Bà tông, Bát Nhã tông Tam luận tông đã hình thành và phát triển rộng ở Trung Hoa từ đầu thế kỷ thứ V TL, sau khi Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch ra Hán ngữ Trung luận, Thập nhị môn luận của Bồ-tát Long ThọBách luận của Bồ-tát Đề Bà. Tam luận tông dùng 3 bộ luận trên làm căn bản, tuyên dương các nghĩa lý Không, Vô tướng, Bát bất trung đạo, hiển bày tánh không của các pháp. Môn hạ của Pháp sư Cưu Ma La Thập tiêu biểu như chư vị Đại sư Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh, Đạo Dung, Đàm Ảnh… hoặc trước thuật, hoặc giảng thuyết, đều dốc sức hoằng dương tông môn, sau đấy thì có Đại sư Đàm Tế (411-475). Vào thế kỷ thứ 6 TL, Tam luận tông được Đại sư Tăng Lãng (thế kỷ VI TL) xiển dương. Ông được xem là sơ tổ của học phái Tân tam luận tông. Nối tiếp thì có Tăng Thuyên (Thế kỷ VI TL), Pháp Lãng (507-581), và nhất là Cát Tạng (549-623). Các trước tác của Đại sư Cát Tạng gồm có: Tam luận huyền nghĩa, 1 quyển; Đại thừa huyền luận, 5 quyển; Nhị đế nghĩa, 3 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 45, No 1852/1, 1852/5, 1853/3). Ông sớ giải rất nhiều kinh, nhất là sớ giải 3 bộ luận: Trung luận (Trung Quán luận sớ, 20 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No 1824), Thập nhị môn luận (Thập nhị môn luận sớ, 6 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No 1825), và Bách luận (Bách luận sớ, 9 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No 1827)(6).

Trên đây là những tóm tắt về Bộ Trung quánTrung quán tông. Mấy bộ còn lại của Tạng luận như Bộ A-tỳ-đàm, Bộ Du-già cũng nên được giới thiệu

 Chú thích

(1) Về kinh Pháp hoa, cứ xem các tác phẩm sớ giải về bộ kinh ấy do các Đại sư vào loại hàng đầu của Phật học Trung Hoa viết (Pháp Vân, Trí Khải, Cát Tạng, Trạm Nhiên, Quán Đỉnh, Khuy Cơ…), nhất là sự xuất hiện của Thiên Thai tông… cũng đủ thấy bộ kinh ấy vĩ đại như thế nào.

(2) Có vị chỉ dịch phần kệ, không dịch phần giải thích của Phạm Chí Thanh Mục; có vị dịch hết phần kệ và phần giải thích, nhưng các kệ thì diễn ra văn xuôi. Theo chúng tôi nên dịch hết cả phần kệ cùng phần giải thích, nhưng phần kệ nên Việt dịch theo thể kệ (4 câu - 5 chữ), vì các kệ đã được giải thích tương đối đầy đủ, mà thể kệ vẫn có giá trị văn học tiêu biểu.

(3) Kệ đầu nơi Trung luận, Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (trong Thuận trung luận nghĩa...) đã dịch Hán:

Bất diệt diệc bất sinh
Bất đoạn diệc bất thường
Bất nhất bất dị nghĩa
Bất lai diệc bất khứ.
Phật dĩ thuyết nhân duyên
Đoạn chư hý luận pháp
Cố ngã khể thủ lễ
Thuyết pháp sư trung thắng.
(ĐTK/DDCTT, T30, tr.39C)
(Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Nghĩa chẳng một chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Phật đã nói nhân duyên
Dứt các pháp hý luận
Nên con cúi đầu lễ
thuyết pháp hơn hết).
Tham khảo trong Bát-nhã đăng luận thích, Đại sư Ba-la-phả-mật-đa-la đã dịch Hán:
Bất diệt diệc bất sinh
Bất đoạn diệc bất thường
Phi nhất phi chủng chủng
Bất lai diệc bất khứ
Duyên khởi hý luận tứa
Thuyết giả thiện diệt cố
Lễ bỉ Bà-già-bà
Chư thuyết trung tối thượng.
(ĐTK/ĐCTT, T30, tr.51C)
(Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Không một không vô số
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Duyên khởi hý luận dứt
Người thuyết khéo diệt trừ
Kính lễ Bà-già-bà
Tối thượng trong các thuyết).

(4) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu chùm luận ngắn của Bồ-tát Long Thọ, Nguyệt san Giác Ngộ số 124 tháng 7-2006.

(5) Ghi nhận như thế là chúng tôi đã dựa theo ĐTĐ Phật Quang (tr.4957A) vì thật sự là Luận Đại thừa chưởng trân rất khó đọc (trừ đoạn cuối) dù Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. Nơi đoạn cuối của luận, tác giả đã khẳng định các tính chất siêu việt nơi pháp thân của Như Lai cùng nói đến sáu Ba-la-mật, tám Chánh đạo... Nhưng trong toàn luận đâu có chỗ nào bàn về các pháp này? Lại, như trước đã nêu, Bát-nhã đăng luận thích, No1566, 15 quyển, cũng của Luận sư Thanh Biện (Phân Biệt Minh) cũng có nhiều phần, nhiều đoạn rất khó đọc.

(6) Xem thêm: Tinh hoa triết học Phật giáo của Junjino Takakusu, Tuệ Sỹ Việt dịch, NXB.Phương Đông 2008, tr.147-163.

Đào Nguyên
(Nguyệt San Giác Ngộ)


a
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/04/2012(Xem: 14176)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.