Tiến sĩ Granville Dharmawardena | Khánh Uyên dịch
Tôi đã đọc những bức thư được ngài Dharmapala Senaratne, chủ tịch Hội Các Nhà Duy lý Sri Lanka, viết về vấn đề trên được đăng tải trên các số báo ngày 20 tháng Mười và ngày 2 tháng Mười Hai năm 2009 của tờ The Island. Bản chất gây tranh cãi của hiện tượng tái sinh dẫn xuất từ hai yếu tố chính đã làm cho vấn đề này là chủ đề tranh luận mỗi khi được trao đổi rộng rãi. Một yếu tố là, khác với các trường hợp của sự thụ thai, sự sinh và sự chết, những tôn giáo khác nhau vẫn phát biểu những quan điểm chống trái nhau về vấn đề tái sinh. Một số tôn giáo chấp nhận quan điểm được nêu lên bởi các triết gia như Pythagoras, Socrates và Plato, và tán đồng hiện tượng tái sinh là có thật. Một số tôn giáo khác chấp nhận quan điểm của Aristotle và bài bác rằng hiện tượng ấy là không thật. Một số tôn giáo khác từng tán đồng hiện tượng tái sinh và giảng dạy rằng hiện tượng tái sinh là có thật nhưng đã thay đổi lập trường sau khi có những mệnh lệnh chính trị của các vị hoàng đế La Mã Constantine và Justinian và hiện nay bác bỏ hiện tượng tái sinh, cho rằng đólà hiện tượng không thật. Yếu tố tôn giáo này dễ dàng được mọi người hiểu.
Phần lớn lao hơn của cuộc tranh luận dẫn xuất từ yếu tố thứ hai được trình bày sau đây. Không giống như sự thụ thai, sự sinh và sự chết, ít nhất, phần nào cũng nằm trong phạm vi của sự hiểu biết duy lý, vấn đề tái sinh hoàn toàn vượt ngoài phạm vi ấy và con người không thể đánh giá sự tái sinh trên nền tảng của sự hiểu biết duy lý. Cho nên, những người chỉ chấp nhận những hiểu biết duy lý sẵn sàng chế nhạo hiện tượng tái sinh và khẳng định một cách mạnh mẽ rằng sự tái sinh là không có thật. Mới đây, một nhà thần kinh học như Richard Rastac còn chứng minh một cách duy lý rằng con người không hề có tâm thức. Ông ta tìm kiếm tâm thức trong đầu những bệnh nhân của mình bằng cách khảo sát chúng nhờ tia X, nhờ máy chụp cắt lớp CAT (Computed axial tomography hay phương pháp ghi nhận hình ảnh dựa trên nguyên lý phản xạ sóng điện từ quanh trục được điện toán hóa), máy chụp cắt lớp PET (Positron emission tomography hay phương pháp ghi nhận hình ảnh dựa trên sự phản xạ sóng điện từ vì có sự phát xạ hạt positron); và tuyên bố rằng vì không thể thấy được tâm thức trong bất kỳ hình ảnh nào cho nên ông ta khẳng định con người không có tâm thức. Ông ta đã bị mù quáng bởi chủ nghĩa duy lý đến nỗi không thể chấp nhận sự thật rằng tâm thức vượt ngoài phạm vi sự hiểu biết duy lý và không thể được khảo sát bởi các phương tiện khoa học được thiết kế để khảo sát những đặc điểm vật chất của cơ thể vốn tuân phục sự điều tra nghiên cứu duy lý.
Con người ngày nay đang được điều kiện hóa để chấp nhận bất kể điều gì được chứng minh là khả chấp theo khoa học và bài bác bất kỳ điều gì khoa học không thể chứng minh. Nhận thức thông thường của chúng ta được điều kiện hóa bởi sự thực hành khoa học suốt ba thế kỷ qua. Điều mà mọi người cho là khoa học thật ra chỉ là khoa học cổ điển phát xuất từ thế kỷ 17. Những nhà sáng lập của nền khoa học này, Issaac Newton và René Descartes đã giới hạn phạm vi của khoa học cổ điển vào những khía cạnh khả kiến của vũ trụ hoặc những gì con người có thể cảm nhận với ngũ quan của họ. Descartes cho du nhập khái niệm nói rằng thiên nhiên không trải rộng ra ngoài những gì chúng ta có thể nhận biết bằng các cơ quan cảm giác và nghĩ rằng tất cả những gì vượt ngoài phạm vi khả kiến đều đáng bị chế riễu là vô nghĩa. Điều đó đã giới hạn phạm vi của khoa học vào sự hiểu biết duy lý về các đối tượng hữu hình và khả lượng. Do vậy mà các nhà khoa học đã bị buộc chỉ chấp nhận những kiến thức duy lý có thể phát xuất thông qua những cơ quan cảm giác của họ mà bỏ qua trí tuệ và tâm thức. Những khía cạnh của vũ trụ hay thiên nhiên vượt ngoài những giới hạn ấy đều bị chế nhạo và bác bỏ. Vũ trụ được nhận biết như một hệ thống cơ khí khổng lồ vận hành dựa theo những luật tắc cơ khí chính xác, chứa đựng những đối tượng vật chất được tạo nên bởi những hạt nhỏ rắn chắc không thể bị hủy hoại, di chuyển trong một khung không gian ba chiều vô hạn và trong khung thời gian tuyệt đối. [Cho đến nay] giản hóa luận, quyết định luận và tính chính xác toán học tuyệt đối vẫn được nhìn nhận là những nguyên lý căn bản của nền khoa học cổ điển. [Tuy niên], nền khoa học hiện đại đã chỉ cho chúng ta thấy những điều đó không đúng mà ngược lại, chính sự bất định mới là luật căn bản của thiên nhiên.
Cho đến tận buổi bình minh của thế kỷ 20, các nhà khoa học vẫn chưa nhận thức được rằng vũ trụ mở rộng ra bên ngoài những khía cạnh ba chiều thấy được của nó. Cho đến cuối thế kỷ 19, khi đã hiển nhiên là vũ trụ không hề bị giới hạn trong những khía cạnh thấy được, các nhà khoa học buộc phải dỡ bỏ cái rào chắn ba chiều đã được áp đặt bởi nền khoa học cổ điển và mạo hiểm để khảo sát điều gì xảy ra ở lãnh vực không thấy được. Chính Albert Einstein là người đã phá vỡ cái vỏ ba chiều của nền khoa học cổ điển và đưa khoa học vào không gian bốn chiều bằng cách giới thiệu lý thuyết Tương đối.
Sau đó, sự có mặt của khoa học lượng tử đã đưa kiến thức khoa học của chúng ta tiến sâu vào vùng không thể thấy được và cho phép chúng ta hiểu được những khía cạnh trước đây vẫn chưa được biết đến của vũ trụ; chẳng hạn các hiện tượng nguyên tử, hiện tượng siêu dẫn, hiện tượng siêu lưu, hiện tượng laser, hiện tượng tâm thức và hiện tượng tái sinh. Những phát hiện mới nhất của nền khoa học hiện đại vừa đượcthực hiện trong năm 1977 bởi Nicolas Gisin (2) tại Đại học đường Geneva (Thụy sĩ), từng được ca ngợi như phát hiện quan trọng nhất trong toàn thể lịch sử khoa học, là phát hiện không thể nghĩ tới dưới hình thức nhận thức duy lý. Gisin đã chứng minh một cách đầy khoa học và có sức thuyết phục rằng về bản chất, vũ trụ có tính cách phi định xứ (non-locality) (3). Không một điều gì trong khối lượng nhận thức duy lý sẵn có của loài người có thể được sử dụng để làm một thí dụ minh họa cho điều phát hiện của ông. Cho nên,giới khoa học đã sử dụng kinh Thủ Lăng Nghiêm (Surangama Sutra) của Phật giáo như một thí dụ minh họa cho điều phát hiện ấy.
Nền công nghệ đã làm cho thế giới phát triển trong suốt nửa thế kỷ qua như điện tử, máy điện toán, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình, mạng toàn cầu và laser… có thể đã không có được nếu như khoa học vẫn còn bị giam hãm trong những giới hạn của kiến thức duy lý. Những khía cạnh có thể thấy được của thiên nhiên vốn tuân theo nhận thức duy lý đã được tiếp cận thông qua năm giác quan mà bỏ qua tuệ giác và tâm thức. Cho nên kiến thức duy lý bị giới hạn bởi các cơ quan cảm giác. Những khía cạnh không thể thấy được của thiên nhiên được tiếp cận bởi nền khoa học lượng tử thông qua sức mạnh của nền toán học hiện đại và máy điện toán, và được nhận biết thông qua tuệ giác và tâm thức của bậc A-la-hán.
Sự chấp nhận có tính cách khoa học về hiện tượng tái sinh là điều không thể hiểu được đối với người mà tư tưởng của họ đã bị điều kiện hóa bởi nền khoa học cổ điển. tôi cũng từng là một người trong số những người như vậy cho tới khi tôi phải đưa ra một phát biểu về hiện tượng tái sinh ở Sydney, điều đã buộc tôi phải nghiên cứu về hiện tượng tái sinh một cách khoa học. tôi đã hết sức ngạc nhiên phát hiện ra rằng với những dữ liệu có sẵn từ những nguồn có thể chấp nhận được một cách khoa học và theo những tiêu chuẩn khoa học hiện đại cho việc chấp nhận là có tính khoa học, hiện tượng tái sinh đã được chứng minh như một thực tại có tính khoa học. Những nghiên cứu khoa học của tôi về hiện tượng tái sinh hiện đang có mặt trên hê thống mạng lưới thông tin toàn cầu.
Các nhà khoa học đã không thể đánh giá đúng về hiện tượng tái sinh vốn là một hiện tượng về bản chất là không thể thấy được chỉ vì họ đã cố nhìn vào hiện tượng ấy thông qua nền khoa học cổ điển vốn chỉ có ý nghĩa khi khảo sát các hiện tượng có thể hiểu được trong thế giới khả kiến. Người ta không thể đánh giá đúng các hiện tượng lượng tử chẳng hạn như ‘cú nhảy lượng tử’ thông qua nền khoa học cổ điển chỉ vì các hiện tượng đó vượt ngoài nhận thức duy lý. Các triết gia tiên phong đã từng tin rằng mọi sự kiện xảy ra trong vũ trụ đều có thể hiểu được nhờ vào tư duy và lý luận duy lý. Nhưng khoa học lượng tử đã cho chúng ta thấy vấn đề không như vậy. Ngày nay, chúng ta phải chấp nhận hiện tượng tái sinh như một hiện tượng khả chấp về phương diện khoa học. Chúng ta hãy minh họa về hiện tượng tái sinh bằng một thí dụ cụ thể.
Cách đây vài năm, một cô gái 14 tuổi từ một vùng ngoại ô Colombo đã đến gặp tôi tại nơi tôi cư ngụ và than thở rằng cô bé thường xuyên bị những cơn choáng ngất kéo dài mà không có một biện pháp điều trị nào giúp thuyên giảm. Một người duy lý có thể giúp cô cảm thấy dễ chịu đôi chút là một cậu con trai 16 tuổi sống trong vùng lân cận, có thể cầm tay cô làm cho cô hồi phục và tỉnh giấc. Nhưng bố mẹ của cậu con trai đó đã ngăn chặn không cho phép con mình đến nhà cô bé nữa… Điều mà cô tiết lộ cho tôi là trong kiếp trước của mình, cô đã là em gái của một trong năm chiến sĩ hàng đầu của lực lượng LTTE (4) và cô đã được huấn luyện để thay thế cho người chiến sĩ đó trong trường hợp anh ta tử trận. Cô đã được huấn luyện về những kỹ thuật chiến đấu của lực lượng LTTE. Cô cũng đã được huấn luyện về vũ điệu Bharata bởi tô chức LTTE. Cô đã từng điều hành ngôi đền Ấn Độ giáo Durga ở phía Bắc Trincomalee, nơi đó, trong khi huấn luyện cho các cô gái về vũ điệu Bharata, cô cũng tẩy não họ để tuyển dụng họ cho lực lượng LTTE. Cô đã kết thân với môt người lính quân đội, tên là Dinesh, đến từ Nam Sri Lanka và bắt đầu có quan hệ tình dục với người lính này. Vào một đêm, trong lúc đi dọc một con đường ở Trincomalee, cả hai đã bị một chiếc xe tải không có đèn đụng phải. Cậu con trai 16 tuổi hiện đang sống gần nơi cô ở trong kiếp sống hiện tại của cô chính là hiện thân tái sinh của người lính ây. Trong trạng thái bị thôi miên, tôi yêu cầu cô biểu diễn võ thuật Không thủ đạo (Karate-do) mà cô cho rằng đã được huấn luyện trong kiếp trước, cô biểu diễn một cách thuần thục. Kế đó, tôi yêu cầu cô biểu diễn vũ điệu Bharata và cô cũng hoàn thành xuất sắc. cô đã thực hiện những yêu cầu ấy trước sự hiện diện của gia đình tôi và người mẹ hiện tại của cô. Tôi lai đưa cô tới một vị sư nổi tiếng ở Colombo và yêu cầu cô biểu diễn vũ điệu Bharata. Vị vũ sư đánh giá cô là một vũ sinh uyển chuyển và có kinh nghiệm. Trong kiếp sống hiện nay, cô chưa bao giờ học Không thủ đạo và múa. Cô đã biểu diễn những gì cô đã được huấn luyện trong tiền kiếp. Trong kiếp trước, cô là một chiến sĩ LTTE thuộc dân tộc Tamil (5) theo Bà-la-môn còn trong kiếp này cô là một người Phật tử thuộc dân tộc Sinhala (6), mặc dù chưa hề học tiếng Tamil trong kiếp này mà cô vẫn hiểu được ngôn ngữ Tamil. Đó là trường hợp của một chiến sĩ LTTE bước sang hàng ngũ những người thắng trận trước khi cuộc nội chiến ở Sri Lanka chấm dứt.
Những cơn choáng ngất của cô có nguyên do là tình cảm mãnh liệt mà cô đã có với người lính có tên Dinesh. Khi cô bất tỉnh, thần thức của cô trở lại với kiếp trước vào lúc cô và người lính ấy ân ái với nhau. Đối với cô đó là thời điểm cô đã tận hưởng sự ân ái. Sau khi vô hiệu hóa những ký ức của kiếp trước, cô đã vượt qua được chứng bệnh choáng ngất.
Đó chỉ là một thí dụ về liệu pháp kiếp trước. Rất nhiều trường hợp như vậy có thể được đọc thấy trong những tác phẩm viết bởi các chuyên gia tâm thần học nổi tiếng ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Liệu pháp kiếp trước chẳng bao giờ có thể được giải thích trên nền tảng của nhận thức duy lý hay nền khoa học cổ điển.■
Khánh Uyên dịch
Nguồn: Sri Lanka Guardian
Chú thích của người dịch:
- Tiến sĩ Granville Dharmawardena hiện là thành viên điều hành Viện Công nghệ Tự động của Sri Lanka và là Giám đốc Trung tâm Phát xạ Đồng vị của University of Colombo. Trước đây, trong mười năm liền làm chủ tịch cơ quan Năng lượng Nguyên tử Sri Lanka, ông đã từng cầm đầu các phái đoàn của Sri Lanka tham dự các cuộc họp của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại Liên Hiệp Quốc.
- Giáo sư Nicolas Gisin là Tiến sĩ Vật lý chuyên về Thống kê và lượng tử, đứng đầu Ban Quang học của Nhóm Vật lý Úng dụng thuộc Đại học đường Geneva. Ông đã thiết kế một thí nghiệm nhằm chứng minh các photon tách ra từ một chùm tia có thể truyền thông với nhau tức thời mặc dù chúng bị truyền đi theo các hướng đối nghịch nhau. Kết quả thí nghiệm của ông xác định tính đúng đắn của thuyết lượng tử.
- Tính phi định xứ (non-locality) trong vật lý nói đến ảnh hưởng trực tiếp của một vật thể lên một vật thể khác ở cách xa, một điều vi phạm nguyên lý định xứ (principle of locality), cho rằng một vật chỉ có thể tác động trực tiếp lên không gian quanh nó.
- LTTE hay Liberation Tigers of Tamil Eelam (tổ chức những con hổ giải phóng Tamil) là một tổ chức ly khai có căn cứ ở Bắc Sri Lanka, thành lập hồi tháng Năm năm 1976, nhằm sử dụng vũ lực để xây dựng một nhà nước Tamil độc lập ở Bắc và Đông Bắc Sri Lanka, đã gây nên cuộc nội chiến ở Sri Lanka kéo dài đến tận tháng Năm 2009 mới bị dẹp tan.
- Tamil là một nhóm sắc tộc sống ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ và Bắc Sri Lanka, sử dụng ngôn ngữ Tamil là một thứ tiếng dẫn xuất từ ngôn ngữ cổ Dravidian. Người Tamil theo Ấn giáo.
- Sinhala là ngôn ngữ bản địa của chủng tộc chính sinh sống từ lâu đời tại đảo Sri Lanka (trước đây gọi là đảo Ceylon, nguòi Việt thường gọi là Tích lan). Người Sinhala theo Phật giáo.