Duyên Muộn - Quỳnh Hoa

31/03/201212:00 SA(Xem: 21336)
Duyên Muộn - Quỳnh Hoa
Duyên muộn 
Quỳnh Hoa

blankBrian Weiss, bác sĩ tâm lý trị liệu, bắt đầu nổi tiếng kể từ ngày ông tình cờ khám phá ra chân lý của vũ trụ: Chết không phải là hết, mà là bắt đầu một đời sống khác. Ông và người vợ cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi chấp nhận sự thật này. Cuộc đời của họ bình yên hơn khi họ không còn tham luyến tích lũy tài sản mà chỉ hướng về đời sống tâm linh để sửa soạn cho kiếp sau tốt đẹp hơn.

Trong cuốn sách thứ ba viết về tái sinh nhan đề “Only Love is Real”, bác sĩ Weiss khẳng định rằng những cuộc gặp gỡ ở đời này không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà có sắp đặt trước do nhân duyên nghiệp quả của nhiều đời nhiều kiếp tạo nên. Ông kết luận rằng một người có nhiều đối tác gặp gỡ chứ không phải chỉ có một đối tượng mà tiếng Anh gọi là “soulmate”, tạm dịch là người bạn đời lý tưởng. Nếu hên thì ta sẽ gặp được “soulmate” số một, cuộc đời sẽ êm êm như dòng nước chảy xuôi, không phong ba bão táp. Ngoài “soulmate” số một, còn có “soulmate” số hai, ba, bốn…

Có nhiều trường hợp “soulmate” số một không sinh ra đồng thời với mình thì đương sự có thể không thích lập gia đình. Có người lập gia đình với “soulmate” số hai, ba, bốn v.v… thì đời sống lứa đôi không được như ý, về sau có thể bỏ đi tìm “soulmate” số một. Quan niệm này giúp ta hiểu được tại sao một người có thể có nhiều vợ, nhiều chồng hay nhiều người yêu. Nhưng dù gặp ai, trong giai đoạn nào của cuộc đời, hai người cũng phải có duyên nợ với nhau. Nếu chỉ có duyên mà không có nợ, hay chỉ có nợ mà không có duyên chắc cũng không thể gặp nhau được.

Trong chuyến thăm viếng Paris vừa qua (October 2010), tôi gặp lại người bạn từ thời trung học. Bạn tôi đã ngoài tuổi thất thập cổ lai hy mấy năm nhưng trông còn rất trẻ, da không nhăn, má không hóp, đi đứng nhanh nhẹn như hồi còn cắp sách đến trường Đồng Khánh ở Huế. Thú vị hơn nữa là nàng tuyên bố: “Tao có bồ, mi thấy răng? Anh chàng thua thằng em út tao một tuổi! Lúc đầu tao thấy dị quá, không chịu, nhưng mấy đứa em ở Saigon đốc vô nói anh chàng không phiền hà tuổi tác là được rồi. Chúng nó bảo tuổi nào cũng cần có người bạn bên cạnh, lo lắng chăm sóc cho mình.” Tôi phụ họa: “Ừa, đúng rồi, tuổi nào cũng cần người bạn đường dắt tay mình giung giăng giung giẻ cho dzui!

Hồi mình hai mươi, hắn mười ba thì kỳ thiệt, chừ mình ngoài bảy mươi thì chắc trông hắn già hơn mình đó!” Bạn tôi cười hăng hắc: “Trông hắn già hơn tao thiệt mi ơi. Tao bắt hắn dùng kem anti-ride mỗi đêm, ban ngày thì dùng kem dưỡng da được mấy tháng. Bây giờ da dẻ hắn mịn màng, trông tươi hơn. Còn mi nữa, sao mi để da nhăn quá vậy! Mi phải săn sóc làn da.”

Tôi thú nhận là rất lười, không bao giờ dùng gì hết. Tôi nói: “Thì tới tuổi này rồi phải chịu da nhăn chứ” và chợt nhớ đến giai thoại về tuổi già. Ông xã tôi thường đi theo mỗi khi tôi đi mua quần áo, nếu anh không thích thì tôi không mặc mà cho cô em! Mỗi khi thử quần áo, tôi hay nói: “Mặc cái này trông già quá” thì anh cười: “Già rồi mà không chịu già”. Bạn tôi nói: “Trông mi còn trẻ, mi cười còn đẹp. Tao thấy da mi nhăn tao buồn quá. Chừ mi dùng kem anti-ride đi, tao cam đoan vài tháng là trán mi hết nhăn.”

Tối hôm đó, bạn tôi lấy kem anti-ride của mình bôi lên trán cho tôi (chỉ nhăn ở trán thôi vì hồi còn trẻ tôi hay cau mày mỗi khi nói chuyện. Cô tôi thường nhắc nhở phải bỏ tật xấu đó, nếu không sau này da trán sẽ nhăn trước tuổi!), chỉ mười lăm phút sau, cô nàng ngắm nghía mặt tôi rồi tuyên bố: “Đó, mi thấy chưa, trán mi bớt nhăn rồi.” Xạo quá! Tôi phải hứa khi về Mỹ sẽ tìm mua kem anti-ride thì bạn mới buông tha và cho tôi đi ngủ.

Tôi nói bạn phải giới thiệu cái anh chàng dại dột, chịu dấn thân săn sóc bà già thì cô nàng cười: “Ừa, anh chàng săn sóc tao kỹ lắm mi ơi, dễ thương lắm, nhưng xừ đi Mỹ hôm qua rồi, đi thăm mẹ ở Mỹ đang bệnh. Ngày xừ về lại Pháp thì mi đi rồi! À mà mi nói ở tuổi nào cũng cần bạn, vậy bây giờ có anh chàng nào muốn săn sóc mi thì mi chịu không?” Tôi cười: “Thôi mi ơi, ở tuổi này chỉ có anh chàng của mi còn khỏe, săn sóc mi được chớ mấy anh chàng chung quanh tao cụ lắm rồi, đi đứng loạng quạng rồi, rước về bắt mình đấm bóp thêm mệt!”

Đùa giỡn chơi cho vui chứ thực tình tôi mừng cho bạn ở cuối cuộc đời đã gặp duyên, muộn còn hơn không. Tôi quan niệm rằng ai cũng cần có một lần biết yêu và được yêu chân thật, được sống với người yêu dù mối tình dang dở, trắc trở, éo le đến đâu mình cũng có thể chấp nhận được vì đã có một lần mình gặp người mình yêu và được yêu.

Mưu cầu hạnh phúc lứa đôi là mục đích của hầu hết mọi người trên thế gian này. Khi mới lớn, người con trai thường nghĩ đến giấc mộng khoa cử trước, phải đại đăng khoa rồi mới nghĩ đến việc rước nàng về dinh. Người con gái bình thường thì mộng cũng bình thường là mơ mái ấm gia đình với người mình thương. Dù ngày nay người nữ học cao, đỗ dạt, có thể tự nuôi thân nhưng ai cũng mong gặp được người trong mộng để sớm tối đi về có nhau.

Bạn tôi, cũng như bao cô gái thời nay dù đã đỗ đạt, có nghề chuyên môn, cũng muốn yên bề gia thất sớm cho vui cửa vui nhà; Nhưng có duyên mà không nợ nên đã hơn một lần biết yêu mà không biết giữ nên mối tình đầu rất nên thơ chỉ trở thành kỷ niệm đẹp, mối tình thứ hai, thứ ba rồi cũng được cất kỹ trong vườn A-lại-da thôi.

Nhờ truyền thống Phật giáo của gia đình, nhờ biết áp dụng những lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, cô vươn lên được sau mỗi lần vấp ngã. Cô tinh tấn công phu mỗi ngày, nhất là sau khi chạy loạn sang Paris, cô làm đủ mọi việc để có thể giúp cho các em bên nhà. Cuối tuần thì công quả ở chùa, chơi với bạn đạo làm vui mà trong lòng vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó “người ấy” sẽ đến với mình.

Cứ thế ngày tháng trôi qua mấy chục năm tròn cho đến một hôm - cách đây hơn mười mấy năm - cô không muốn chờ đợi nữa. Cô đến trước chánh điện, lạy Phật ba lạy rồi đọc lời nguyện: “Con nguyện từ nay xin đoạn tuyệt tình duyên, không nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi nữa, chỉ dốc một lòng tinh tấn tu học, hộ trì Tam bảo. Cúi xin Đức Phật chứng giám cho lòng con.”

Từ ngày ấy, cô thấy lòng mình thanh thản hơn, ngủ yên giấc hơn, đi làm công quả ở chùa thấy vui hơn cho đến đầu tháng giêng năm 2010 này, anh chàng trẻ tuổi kia xông đến đòi đưa đón mỗi khi cô đến chùa công quả cuối tuần. Tuy cũng thích vì tuổi này mà vẫn có người khác phái xin làm tài xế nhưng cô sợ bạn đạo ở chùa cười nên không dám.

Mà cũng lạ, anh chàng này cũng có đến chùa, vẫn thấy cô nấu nướng, loay hoay làm việc ở chùa bao năm nay mà tự nhiên bây giờ mới thật sự nhìn thấy cô và nhất định làm quen. Cuối cùng thì anh chàng − cũng khá đẹp trai − cũng dụ được cô ra khỏi cổng chùa và đưa cô về nhà. Cô ngại ngùng vì tuổi tác, mà cũng vì đã có lời nguyền trước Phật đài xin dứt ái từ bao năm trước. Nhưng anh chàng vẫn trì chí đưa đón mỗi tuần. Cuối cùng cô phải thú thật với thầy trụ trì và xin Thầy giải lời nguyền cho cô!

Sau khi Thầy long trọng làm lễ giải lời nguyền, cô mới chịu cho anh chàng về nhà mình lạy trước bàn thờ cha mẹ. Trước bàn thờ Phật, hai người thề nguyền sẽ chăm sóc cho nhau trọn đời. Ngày nay “đôi trẻ” này yêu thương nhau khắng khít như những ngày mới vào đại học. Vậy mới biết ở lứa tuổi nào con người cũng cần tình yêu và cũng yêu được với tất cả con tim nếu gặp đúng đối tượng. Tôi nghĩ có lẽ anh chàng này là “soulmate” số một mà lại gặp sau cùng. Có ai đó đã từng nói mối tình cuối mới đáng kể.

Theo Edgar Cayce, nhà tiên tri nổi tiếng người Mỹ của thế kỷ hai mươi, thì hai người này phải có nợ nhân quả (karmic debts), kiếp này mới gặp nhau để tiếp tục trả nợ cho nhau. Ông Cayce nói rằng những mối liên hệ quan trọng trong đời người không xảy ra một cách tình cờ, nhất là mối liên hệ vợ chồng. Ông nói không có đôi nam nữ nào mới gặp nhau lần đầu ở kiếp này mà quyết định chung đôi.

Vợ chồng là hai người đã quen nhau ở một hay nhiều kiếp trước mà quên rồi, nay gặp lại để cùng nhau tiếp nối món nợ nhân quả (“…marriage ties are of a karmic nature, the partners of a marriage are old acquaintances, forgot, who have met again to work out some mutual karmic debt.” Trích từ cuốn Many Mansions, The Edgar Cayce Story on Reincarnation của Dr. Gina Cerminara, p. 149.)

Ông Cayce nhận xét rằng phần đông nam nữ quyết định cưới nhau vì “mê” vẻ đẹp bên ngoài (physical attraction) của nhau mà quên rằng hạnh phúc lứa đôi chỉ lâu dài thì hai người cần phải hợp nhau về mặt tinh thầntâm linh nữa. Nếu không hội đủ ba yếu tố ấy – là ba cái chân vạc (physically, mentally, spiritually) − thì hạnh phúc lứa đôi sẽ không được bảo đảm

Ngày nay, hầu hết các bác sĩ tâm lý trị liệu ở Hoa Kỳ đều tin có kiếp trước, kiếp sau. Họ dùng phương pháp thôi miên đưa bệnh nhân trở về những tiền kiếp xa xưa để tìm nguyên nhân của căn bệnh (Past Life Regression Therapy). Họ kết luận rằng những linh hồnduyên nợ với nhau thường gặp nhau ở nhiều kiếp.

Cuốn Return from Heaven của bà Carol Bowman đưa ra trường hợp những người thân tái sinh trở lại trong gia đình. Cuốn Mission to Millboro của Dr. Marge Rieder tả lại một hiện tượng tái sinh tập thể, một cộng đồng người Mỹ hiện nay sinh sống ở Lake Elsinore, California, đã từng chung sống với nhau ở gần Herndon, Virginia trong thời nội chiến (Civil War 1861-1864). Người chồng thứ hai của nhân vật chính trong câu chuyện tái sinh này là người tình của bà ở Millboro trong tiền kiếp.

Trong cuốn Only Love Is Real, Dr. Brian Weiss kể lại câu chuyện duyên nợ ba sinh của phụ nữ Mỹ và doanh nhân người Mễ Tây Cơ trong thời hiện tại. Bốn ngàn năm về trước, hai người này là đôi vợ chồng trẻ sống ở Mông Cổ. Hai ngàn năm sau họ sinh ra ở Do Thái và là cha con.

Cuốn Many Mansions của Dr. Cerminara đưa ra nhiều trường hợp, nhờ soi căn mà giải thích được những mảnh đời bất hạnh ở kiếp này mà câu chuyện sau đây là điển hình. Một phụ nữ lập gia đình với người mình yêu lúc hai mươi ba tuổi. Chồng là thương gia giàu có nhưng dù rất yêu vợ, ông không thể làm bổn phận của người chồng. Người vợ trẻ đẹp không chịu đựng được cảnh có cũng như không nên đã có những mối quan hệ qua đường với nhiều người đàn ông khác. Mỗi lần như vậy bà cảm thấy tội lỗi, vì vẫn yêu chồng và không muốn làm người vợ phụ bạc. Bà cũng không muốn ly dị vì không muốn gây đau khổ cho chồng.

Về sau, bà nghiên cứu Thông thiên học và thực tập thiền quán nên dần dà thấy quan hệ xác thịt không cần thiết nữa, cho đến năm bốn mươi mốt tuổi, bà gặp lại người tình cũ và không thể tự chủ được. Người này cũng có vợ và vẫn thương vợ. Bà không muốn dấn thân vào con đường tội lỗi nhưng vẫn không từ chối người tình cũ được nên đã đến tìm ông Edgar Cayce nhờ soi căn (life readings) xem tại sao kiếp này bà phải chịu đựng một hoàn cảnh éo le như vậy.

Ông Cayce thấy rằng trong thời Thập tự quân (Crusades) bà này tên Suzanne Mercelieu sinh sống ở Pháp, là vợ của ông Mercelieu − cũng là người chồng của bà ở kiếp này. Trước khi theo đoàn quân Thập tự, ông Mercelieu bắt vợ mang cái khóa trinh tiết (Chastity Belt) mà chỉ có ông có chìa khóa, nghĩa là trong thời gian ông đi vắng, vợ không thể quan hệ tình dục với ai. Bà sinh lòng sân hận và thề sẽ trả thù.

Vì vậy ở kiếp này, tuy muốn trung thành với chồng, bà vẫn quan hệ với nhiều người. Còn ông thì vì không tin vợ, đã bắt vợ mang cái khóa trinh tiết trong nhiều năm nên ở kiếp này, tuy gặp lại người vợ của kiếp trước trong hình hài của một thiếu phụ xinh đẹp nhưng ông không thể thỏa mãn người vợ yêu của mình như những người đàn ông khác. Còn người tình cũ mà bà không cưỡng được cũng là oan nghiệt của nhân quả. Hai người vốn là bạn với nhau từ thuở còn thơ. Lớn lên, tình bạn biến thành tình yêu nhưng anh chàng không dám thổ lộ vì muốn có sự nghiệp trước (mẹ anh cho biết như vậy). Khi anh sẵn sàng ngõ lời thì nàng cũng vừa mới nhận lời cầu hôn của người chồng hiện tại.

Nợ nhân quả cũng giải thích được tại sao thái tử Charles của nước Anh có người vợ đẹp như tiên mà lại tơ tưởng một người đàn bà có chồng. Vì nợ nhân quả, người con gái xấu xí vẫn gặp được người chồng đàng hoàng và lịch sự trai; Nhiều cô xinh đẹp, có nhiều cậu trồng cây si nhưng cuối cùng bằng lòng một ông không ra gì.

Lại có người vẫn thương yêu vợ nhưng vẫn ngoại tình! Ông Edgar Cayce vẫn thường khuyên những người không hạnh phúc không nên ly dị vì trước sau gì cũng phải trả món nợ nhân quả, không trả trong kiếp này thì sẽ gặp lại ở kiếp sau. Một bà tôi quen, tuổi đã ngoài tám mươi mà vẫn còn làm hai job. Ông chồng thì không làm gì, còn lấy tiền của bà gửi về cho bồ nhí ở Việt Nam. Tôi tức mình hỏi sao bà không ly dị ông cho khỏe. Bà nói: “Cô ơi, oan nghiệt của tôi mà. Tôi không muốn gặp lại ông ấy ở kiếp sau nên tôi phải nhịn nhục, trả nợ kiếp này cho xong.”

Một hôm tôi đến chơi gặp lúc ông không có nhà, bà nói: “Bực quá cô ơi, ông lục tủ lấy mấy chục ngàn dollars, tiền dành dụm của tôi! Tôi nói: “Ông mà làm quá tôi quỵt nợ bây giờ,” ”Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, bà cười nói thêm: “Thì tôi dọa dọn nhà đi không ở với ông nữa, không thèm trả nợ kiếp này nữa!”

Muốn biết chi tiết về những oan nghiệt của nhiều kiếp trong quá khứ đã ảnh hưởng đến kiếp sống trong hiện tại thế nào, mời quý vị đọc những cuốn sách về luân hồinhân quả. Tác giả kể lại những câu chuyện thật, người thật xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và đã được kiểm chứng nghiêm túc theo phương pháp khoa học. Trước khi ngưng bút, tôi cầu chúc cho bạn tôi kiếp sau sẽ gặp “soulmate” số một của mình trong tuổi hoa niên, người ấy sẽ là mối tình đầu mà cũng là mối tình cuối, vì ở kiếp này cô đã bị thử thách quá nhiều rồi.

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/05/2019(Xem: 9100)
09/04/2013(Xem: 36496)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.