GIẢI ÂM LÝ TƯỚNG CÔNG MINH TY LỤC
Trở lại với ván khắc sách Giải âm Lý Tướng công Minh ty lục Bài & ảnh: ĐỒNG DƯỠNG
Đọc Thông báo Hán Nôm học năm 2004, chúng tôi chú ý đến bài viết Sơ bộ nghiên cứu ván khắc và văn bản Bản giải âm Lý tướng công chép sự minh ty của Nguyễn Tuấn Cường. Bài nghiên cứu công phu, đòi hỏi người viết có một nền tảng kiến thức vững chãi về nhiều vấn đề như ngôn ngữ, Phật giáo, và giải thích sử liệu. Tác giả đã giới thiệu và nghiên cứu về bộ mộc bản để khắc in sách mà tập sách đó khá hiếm đối với cả giới học thuật cũng như các nhà chuyên môn Phật học. Hình như bản in giấy không còn hoặc ít thấy trong các thư viện lớn cũng như tủ sách các chùa. Thật quý là ván in được gìn giữ tại chùa Khê Hồi (Hoa Lâm thiền tự華 林 禪 寺). Trong bài viết này, chúng tôi xin bổ chính một số nhận định được nêu trong bài viết nói trên; tiếp theo, xin giới thiệu sơ lược về hành trạng các vị thiền sư đã giải âm và đã khắc bản ván.
1. Bổ chính một vài nhận định từ bài viết Sơ bộ nghiên cứu ván khắc và văn bản Bản giải âm Lý tướng công chép sự minh ty.
Theo hướng dẫn của tác giả Nguyễn Tuấn Cường về nơi tàng trữ mộc bản, chúng tôi trở lại chùa Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Được sự cho phép của Ni sư trụ trì, chúng tôi tiến hành kiểm tra lại bộ ván Lý tướng công minh ty lục李 相 公 冥 司 錄 là bộ ván được dùng để in sách Bản giải âm Lý tướng công chép sự minh ty do Thiền sư Viên Trí diễn Nôm vào đầu thế kỷ thứ 18. Kết quả kiểm tra cho thấy bộ ván vẫn còn nguyên và các mộc bản khá tốt. Khi dập ra, chúng tôi thấy sách có tất cả 56 tờ, bao gồm : 1 tờ đầu hình ảnh, 2 tờ bài tựa và phần giải âm chiếm 53 tờ. Tờ đầu tiên là bức tranh giữa hai người là “Ngụy văn đế phán vấn 魏文帝判問” và “Lý Quỉ Tổ thượng tấu李詭祖上奏” diễn tả việc Lý Quỉ Tổ tâu lên Ngụy Văn Đế. Sau đó là bài tựa mà gáy sách đề “Minh Ty tự ࡔ̡ҏ” tức bài tựa sách Minh Ty. Ba tờ này có thể nhóm in dập của Nguyễn Tuấn Cường đã bỏ qua. Bài tựa chiếm 2 tờ, khắc in chữ khác với nội dung của sách; mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng 20 chữ khá đều nhau. Cuối bài tựa ghi “Thì Hoàng Đế vạn vạn niên tuế tại Đinh Hợi thu thiên cốc nhật, học Phật Từ Hòa trùng san; Tàng bản Khê Hồi Hoa Lâm tự dĩ minh hậu ấn. Hồng Lục Sử Trạch san” : Ngày lành mùa thu năm Đinh Hợi Hoàng đế muôn muôn năm, người học Phật là Từ Hòa in lại. Bản ván ở chùa Hoa Lâm Khê Hồi để làm sáng tỏ cho đời sau in, Sử Trạch xã Hồng Lục in.
Như thế, sách được Thiền sư Từ Hòa trùng san vào ngày lành mùa thu năm Đinh Hợi. Ghi niên đại bằng năm can chi mà không kèm theo niên hiệu các vua nên khó xác định; đành phải dựa vào chứng cứ là quê người khắc ván thuộc xã Hồng Lục ߎ⧴. Xã này sau đổi thành Thanh Lục bởi kị húy đồng âm với tên thuở nhỏ của vua Tự Đức là Hồng Nhậm Lệnh kiêng húy ban hành tháng 11 năm Đinh Mùi 1847, dưới đời vua Tự Đức1. Thế thì bản ván phải được khắc trước năm ban hành lệnh kiêng húy đó.
Về Thiền sư Từ Hòa, Trùng Tu Công Đức Bi Ký đặt tại chùa Khê Hồi cho biết, năm Giáp Thân (1824), ngài cho san khắc các kinh sách như Truy Môn Cảnh Huấn, Minh Ty Tướng Công, Văn Thù Chỉ Nam, Tây Phương Công Cứ2. Trong số sách do Từ Hòa khắc in năm 1824 có sách Minh Ty tướng công; đây là tên khác của Lý tướng công minh ty lục. Việc khắc mộc bản in sách kéo dài vài năm là chuyện bình thường; cho nên năm Đinh Hợi ghi ở cuối bài tựa Minh Ty lục phải được đoán định là năm
1827 thì mới hợp lý, và như thế nghĩa là mãi đến ba năm sau thì ván Minh Ty mới hoàn thành.
Từ đó, chúng tôi xác định năm Đinh Hợi phải là năm
1827 thuộc niên hiệu Minh Mệnh nhà Nguyễn chứ không như “… theo suy nghĩ của chúng tôi, hợp lý hơn cả thì bản giải âm này có niên đại khoảng 1680-1730. Chúng tôi chỉ khẳng định điều này qua suy luận, bởi trong văn bản không có lấy một dòng ghi niên đại khắc in… Theo niên đại tương đối này thì bộ ván khắc bản giải âm LTCCSMT còn sớm hơn ba bộ ván khắc Nôm nổi tiếng ở chùa Dâu: Cổ châu lục (1752) Cổ châu hạnh (1752) và Cổ châu nghi (1792)”3; mặc dù suy luận như thế là khá hợp lý khi không dập được bài tựa để đoán định niên đại trùng san.
Phải nói rằng nội dung sách phản ánh trung thực bản in đầu do sư Viên Trí thực hiện vào triều Hậu Lê. Nhưng đây là một bản trùng san, tức bản khắc in lại dựa vào bản giấy cũ. Do đó, niên đại khắc ván phải là năm Đinh Hợi (1827) do Từ Hòa đứng khắc tại chùa Khê Hồi.
Tác giả bài viết lại suy luận tiếp “Còn tại sao bộ ván này lại được lưu giữ ở Hà Tây, cách núi Ngọa Vân khá xa? Đó hẳn là do điều kiện trên núi Ngọa Vân vô cùng khó khăn, đường đi lối lại hết sức chật vật (như bài bút ký trên đã viết) nên buộc lòng sư Viên Trí phải tổ chức khắc ván in ở miền dưới, và bộ ván này, cùng với một bộ ván khác (tổng số chắc không dưới 700 tấm), sau khi khắc xong cũng đành lưu lại ở đây (chùa Khê Hồi, Hà Tây), chứ không thể “vác” lên vùng Yên Tử được”4. Đây là một suy luận không có cứ liệu rõ ràng. Thực ra, bộ ván in sách Minh Ty do Viên Trí in đã mất từ lâu. Đến khi Từ Hòa có được bản in giấy thì sư đã đứng ra dập nguyên nội dung, không có sự sửa đổi gì. Điều này khá rõ qua cách in chữ Nôm được in hàng nhỏ bên dòng chữ Hán lớn. Lối in này xuất hiện vào thời Hậu Lê như trong các bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Thủy lục chư khoa… chứ các bản giải âm đời Nguyễn không thấy in kiểu đó. Còn hơn 700 tấm ván tại chùa Khê Hồi không phải do sư Viên Trí san khắc mà phần lớn do Thiền sư Từ Hòa khắc ván vào thời Minh Mệnh, điều đã được văn bia Trùng tu công đức bi ký ghi lại5.
Về tác giả bài tựa, chúng tôi có đối chiếu với bản Lý tướng công minh ty lục mang kí hiệu AC. 630 của Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bản này là bản trùng san vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) do sư Phổ Hưng chùa Phổ Am xã Cát Bi, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thụy Anh, huyện Phú Xuyên) đứng khắc dựa vào bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708). Bản in có hình ảnh và một bài Lược dẫn tự do sư Chân Nguyên viết mà không thấy bài Minh ty tự. Có thể bài Minh Ty tự do Thiền sư Từ Hòa viết chăng?
Về phần giải âm, tức phần chính của tập sách, bản dập của chúng tôi không thiếu một tờ nào. Bản dập của nhóm Nguyễn Tuấn Cường thiếu đi 4 tờ (tờ 27,
36, 37, 40). Cũng theo tác giả bài viết thì “Sự thiếu hụt này có thể do hai nguyên nhân: thứ nhất là do bản thân chúng tôi không lọc kỹ, để lẫn một số tấm ván thuộc bộ giải âm này vào số ván của các bộ khác, hoặc do khâu in ấn đã bỏ sót…”6. Lý do trên của nhóm tác giả là điều đã xảy ra trong khi in dập bản ván bộ sách. Do đó, xin công bố với độc giả là bộ ván vẫn còn nguyên không thiếu một tấm nào.
2. Về người diễn Nôm và người tổ chức công việc khắc ván:
Dịch giả diễn Nôm bản Lý tướng công minh ty lục là sư Viên Trí. Tờ 1a, Phía dưới dòng tên tác phẩm bằng chữ Hán có một dòng nhỏ ghi: Ngọa Vân sơn thiền tự Tỳ- kheo Tăng tự Đức Hưng hiệu Viên Trí trùng san giải nghĩa Nghĩa là Tỳ-kheo Tăng tự là Đức Hưng, hiệu Viên Trí chùa núi Ngọa Vân trùng san và giải nghĩa. Theo thông tin từ dòng chữ Hán, chúng ta biết sư Viên Trí đã giải nghĩa bản sách và chữ “trùng san” có thể hiểu là sách được in lại (trùng san) phần chữ Hán, phần chữ Nôm (phần giải nghĩa) mới được thêm vào7.
Văn trên tấm bia Trùng tu Ngọa Vân tự được lập năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) cho biết: “Tư giả trụ trì Bảo Đài sơn Ngọa Vân thiền tự Tỳ-kheo Tăng tự Đức Hưng hiệu Viên Trí trùng tu tái tạo thượng điện, hậu đường, các chung, tăng phòng các cộng nhị thập ngũ gian, bảo tháp nhị tòa, thạch bi nhất diện cập khai sáng Kim Am thiền tự, Linh Quang thiền tự, Hương Vân am, Vân Tuyết am, Tri Kiến am, Giải Thoát am đẳng… Tạm dịch: Nay Tỳ-kheo Tăng tự Đức Hưng, hiệu Viên Trí trụ trì chùa Ngọa Vân núi Bảo Đài đứng ra sửa sang tu tạo thượng điện, hậu đường, gác chuông, tăng phòng tất cả được 25 gian, hai tòa bảo tháp, một mặt bia đá, và khai sáng chùa Kim Am, chùa Linh Quang, am Hương Vân, am Vân Tuyết, am Tri Kiến, am Giải Thoát…
Qua đó thấy rằng công đức của ngài khá lớn đối với Phật giáo đương thời. Hiện nay, chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc dãy núi vòng cung Đông Triều, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có hai tháp đá, một tháp đề “Phật Hoàng “tức tháp của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sơ tổ dòng Trúc Lâm; và một tháp đá đề “Đoan Nghiêm tháp. Trong lòng tháp Đoan Nghiêm có bài vị bằng đá đề: “Nam-mô thiền lâm thích tử ma ha Tỳ-kheo Đức Hưng thiền sư an tọa hạ . Bài vị này cho biết tháp Đoan Nghiêm là nơi an trí nhục thân Thiền sư Đức Hưng hiệu Viên Trí, người đã giải âm sách Lý tướng công minh ty lục. Ngoài các tư liệu dẫn trên, chúng ta chưa tìm được niên đại của thiền sư. Có thể ngài sống cùng thời với Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), chùa Long Động. Theo Nguyễn Tuấn Cường thì “Viên Trí đã sống vào khoảng từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, hẹp hơn nữa thì sẽ vào khoảng 1650-1730, bởi đến năm 1707 thì ngài Viên Trí đã có đủ uy vọng để đứng ra sửa chùa, lúc ấy hẳn ngài đã ngoài tứ ngũ tuần”9. Chúng tôi cố đi tìm tông phái của ngài nhưng qua tên tự, tên hiệu thì không thấy có chữ nào ăn khớp với các bài kệ truyền pháp của hai dòng Lâm Tế, Tào Động ngoài Bắc.
Về người tổ chức công việc khắc ván, bài tựa của Minh Ty lục đã xác định đó là Thiền sư Từ Hòa Chiếu Thường (1780-1840). Sư Từ Hòa xuất thân
chùa Đọi, đệ tử của Thiền sư Phổ Minh Chấn Đức, sau đến tham học với Tổ sư Từ Niệm Tịch Chiếu, chùa Hoa Lâm. Như vậy, ngài kế thừa dòng pháp của hai vị này và về sau kiêm nhiệm trụ trì hai tổ đình lớn. Năm Ất Mùi (1835), sư được bộ Lễ cấp Giới đao Độ điệp. Ngoài bộ Lý tướng công minh ty lục ra, sư còn đứng in các bộ như Phóng Quang Bát nhã kinh, Tây phương công cứ, Truy môn cảnh huấn, Văn Thù chỉ nam đồ tán, Phật tổ tam kinh, Tam giáo nhất nguyên thuyết.
Ngài Từ Hòa có nhiều học trò nổi tiếng. Trong số đó có ba vị trở thành tổ sư của ba sơn môn như ngài Phổ Đoan Thanh Tùng kế đăng trụ trì chùa Đọi, tổ thứ 7 của sơn môn Đọi sơn (Hà Nam), ngài Bảo Liên Phổ Thiền, đệ nhất
tổ chùa Đa Bảo, khai sáng sơn môn Đa Bảo (Phú Xuyên), tổ Từ Đạt (Phổ Đạt) kế đăng trụ trì chùa Khê Hồi, được tôn làm tổ thứ ba sơn môn Khê Hồi và sư kiêm trụ trì chùa Pháp Quang, La Phù (tục danh chùa Thọ) được tôn xưng là tổ khai phái sơn môn Thọ. Trong sơn môn vùng Thường Tín có câu: “Nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi” là chỉ sự phát triển của các sơn môn ở đây. Cả bốn sơn môn ở vùng Thường Tín, Phú Xuyên, Duy Tiên có bắt nguồn từ vị Tổ sư Từ Hòa Chiếu Thường và sư được thế hệ đương thời xem là một bậc mô phạm tòng lâm mà sau còn được tôn xưng bậc cao tăng thượng sĩ.
Tóm lại, qua công việc dập lại bản ván bộ Lý tướng công Minh Ty lục (dịch Nôm là Lý Tướng công chép sự minh ty) tại chùa Khê Hồi, chúng tôi đã phát hiện bộ ván vẫn còn nguyên, ở tình trạng khá tốt. Từ đó, bổ chính một số nhận định của tác giả Nguyễn Tuấn Cường qua bài viết trong Thông báo Hán Nôm học 2004. Chúng tôi chỉ khảo sát sơ về niên đại mộc bản, để xác định bản khắc này hoàn thành vào năm Đinh Hợi 1827 dưới triều Minh Mạng, do Thiền sư Từ Hòa chùa Khê Hồi đứng ra hưng công, dựa vào bản giấy in trước đó của Thiền sư Viên Trí chùa Ngọa Vân, chứ không phải là bản ván do thiền sư Viên Trí khắc vào thời Hậu Lê. Qua đây, giới thiệu về hai vị đại sư: người giải âm và người khắc ván nhằm tri ân công đức của hai bậc tiền bối.
Chú thích:
1. Tham khảo Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn Hóa, H. 1997, tr. 151. Lưu ý, Vua Tự Đức lên ngôi tháng Mười năm Đinh Mùi
1847; và tất nhiên lệnh kỵ húy chỉ liên quan đến nhà vua đương trị vì, nên lệnh này không thể thuộc thời Thiệu Trị như trong sách nói.
2. Các ván in những bộ này vẫn còn, chỉ có bộ Tây phương công cứ là bị thiếu và hư một số tấm. Hầu hết Từ Hòa sử dụng lại các sách in thời Hậu Lê. Sư chỉ lấy bản giấy dập lên rồi khắc ván nên con chữ ở bản ván mang dấu ấn chữ viết thời Hậu Lê, nhưng thực tế đã được trùng san thời Nguyễn. Điều này, nếu không đọc kỹ niên đại thì sẽ dễ bị nhầm cho là sách in vào thời Lê như Nguyễn Tuấn Cường đã viết.
3. Nguyễn Tuấn Cường, Sơ bộ nghiên cứu ván khắc và văn bản Bản giải âm Lý tướng công chép sự minh ty trong Thông báo Hán Nôm học năm 2004, H. 2005, Tr. 86.
4. Sdd, Tr. 86.
5. Thực tế, chúng tôi có sở hữu một số bản in giấy như Truy môn cảnh huấn (in năm Đinh Hợi 1827), Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Quí Mùi, 1883), Phóng quang Bát nhã (Kỷ Hợi 1839), Tây phương công cứ (Quí Hợi 1803), Văn Thù chỉ nam đồ tán, Ngũ bách danh kinh, … đều do Thiền sư Từ Hòa và thế hệ sau khắc ván. Trong đó, ba bộ ván Phóng quang Bát Nhã kinh, Truy môn cảnh huấn, và Đại thừa trang nghiêm kinh luận chiếm khá nhiều. Còn các bộ Tây phương công cứ, Văn thù chỉ nam đồ tán, Minh Ty tướng công, Ngũ bách danh, mỗi bộ khoảng vài chục ván.
6. Sdd, Tr. 84
7. Ý chúng tôi là nói về bản in do sư Viên Trí thực hiện, chứ không nói gì bản in sau này của ngài Từ Hòa.
8. Văn bia này đã bị bể ra mấy mảnh, chúng tôi sử dụng thác bản mang kí hiệu 4552 của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm.
9. Sdd, Tr. 85
(Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146)