Nguyên Cẩn
Ngọn lửa của tự do và dân chủ
Thế giới hôm nay đang dậy sóng . Từ Tuynisie sang đến Ai Cập , Lybia , Yemen , Barhain … , những làn sóng người biểu tình không ngừng nổi lên , có nơi đã biến thành bạo lực, thậm chí nội chiến . Con người ta , nói như một nhà văn , không chỉ sống bằng bánh mì mà còn cần đến cả bầu không khí tự do để thở , để sống và để được làm người . Bao lâu tiếng nói con người còn bị vùi dập , bao lâu quyền được sống của con người còn bị chà đạp , chừng ấy người còn tranh đấu , đòi hỏi sự công bằng phải được thực thi . Ngọn đuốc sống Mohamed Bouazizi đã khởi đầu thắp lên trận chiến vì công lý ấy và nó đã thành công khi khích động hàng triệu con tim nhân loại đang khát khao …được sống đàng hoàng trong một đất nước dân chủ và nhân bản …Chúng ta tự hỏi trong cuộc đấu tranh ấy , tôn giáo đóng vai trò gì – người hỗ trợ tinh thần hay kẻ dẫn dắt vô hình ? Chúng ta nên biết những nhà lãnh đạo đang bị phản kháng hôm nay đã có thời là …người hùng của nhân dân của họ như Mubarak , như Gadaffi …khi họ chiến đấu vì lý tưởng của tổ quốc ; nhưng rồi quyền lực , sự lạm dụng , lòng tham và tư lợi đã khiến họ u mê và xa rời quần chúng , rơi vào vòng xoáy vô minh , gây ra bao nhiêu bất công lầm than trong xã hội . Họ đã phản bội lý tưởng ban đầu của họ , phản bội lại cuộc cách mạng do chính mình dẫn dắt …
Ngọn đuốc của Phật pháp trên thế gian
Nếu như những tôn giáo khác chú trọng quyền năng của đấng Sáng thế , đòi hỏi sự tuân phục và niếm tin tuyệt đối , thì Phật giáo , từ ngàn xưa , luôn đẫm tinh thần dân chủ . Không phải ngẫu nhiên mà Albert Einstein nhận định :
“Nếu có một tôn giáo nào trong tương lai thỏa mãn được yêu cầu khắt khe của triết học – khoa học ủa nhân loại thì đó chính là Phật giáo” . Tinh thần dân chủ của Phật giáo được thể hiện ngay cả trong niềm tin . Chúng ta vẫn nhớ lời kinh Kalama : “ Hỡi người Kalama , không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì phong tục truyền lại như thế ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì lời đồn đãi như vậy ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình đã ước đoán như vậy ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì vẻ bề ngoài ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì thành kiến của mình ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được ; không nên chấp nhận điều gì chỉ vì vị tu sĩ thốt ra d9iwu62 này đã được người ta kính trọng từ trước . Tuy nhiên , khi tự các người hiểu rằng : những điều này không hợp luân lý ; những điều này đáng bị khiển trách ; những điều này bị các bậc thiện trí thức cấm đoán ; nếu thực hiện những điều này sẽ bị phá sản và phiền muộn , thì hẳn các người phải từ bỏ không làm điều ấy . Còn khi tự các người hiểu rõ rằng : những điều này hợp luân lý ; những điều này không bị khiển trách ; những điều này đã được các bậc thiện trí thức tán dương ; nếu thực hiện những điều này sẽ được an vui hạnh phúc , thì hẳn các ngươi sẽ hành động đúng như vậy”.
Phật giáo còn dân chủ cả trong phương pháp và nguyên tắc tu học của Tăng già . Người Phật tử khi hành lễ không cầu xin ân huệ hay phước báu trên cõi đời như lời kinh dẫn : “ Năng lễ sở lễ tánh không tịch”. Nhận thức ấy khiến, người Phật tử hiểu rằng “Chỉ có ta làm điều tội lỗi , chỉ có ta làm điều ô nhiễm ; chỉ có ta tránh điều tội lỗi ; chỉ có ta gội rửa cho ta ; trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta ; không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch” ( Kinh Pháp Cú ) . Thế nên Phật di huấn rằng : “Các con hãy tự thắp đuốc soi đường lên mà đi” .Tất cả nói lên sự giác ngộ tự tâm , không mong cầu tha lực .
Phật giáo còn dân chủ trong sinh hoạt Tăng già , thể hiện qua những việc sau :
a- Trong giáo đoàn , không có việc phân biệt giai cấp , tuổi tác , trình độ học vấn …Khi xuất gia thì vua quan hay quý tộc cũng bình đẳng với thường dân . Thật vậy
“Hầu như không có bất cứ một sự hạn chế nào cho người xuất gia , không có giai cấp , giới tính bị hạn chế , điều mà rất phổ biến vào xã hội thời đó . Nam nữ ít nhất 15 tuổi đều được xuất gia …Phật sự ở các tự viện được điều hành bởi một cuộc họp thông lệ của các Tăng , với một hệ thống thủ tục chuẩn mực theo trật tự ,trong đó , mọi quyết định đều cần sự đồng thuận của Tăng chúng”.
(Luận văn Tiến sĩ – Thích Hạnh Đức – Buddhist Scocial Thought as represented in The Pali Suttapitaka – Bản Việt dịch : Vương Thị Minh Tâm).
Chúng ta có thể nhận ra khái niệm dân chủ và quyền bình đắng này trong các kinh Khởi Thế Nhân Bổn và kinh Trường Bộ .
b- Trong kinh Đại Bát Niết-bàn , chúng ta có thể tìm ra nhiều thông tin về quan điểm chính quyền do nhân dân lãnh đạo và điều hành bằng nguyên lý dân chủ , cụ thể qua lời dạy Đức Phật nói với ngài A-nan về bảy điều kiện giúp đất nước thịnh vượng . cụ thể là người Vajjians , để không rơi vào tay kẻ thù trong đó chúng ta cần lưu ý 3 điều đầu tiên là :
- Người Vajjians thường xuyên tổ chức các buổi họp cộng đồng và dòng tộc .
- Người Vajjians gặp nhau trong thân ái và tôn tạo tình thân ái , thực hiện công việc trong tình thân ái .
- Họ không ban hành điều gì mà chưa được thiết lập , không bãi bỏ điều gì đã ban hành , và hành động phù hợp với thế chế xưa đã được thiết lập … “Sự chuyển giao đáng kể đến với thế giới trong lời Phật dạy rằng không có nền dân chủ nào sống sót nếu thiếu sự hòa hợp của các thành viên trong hội đồng . Đó là lý do vì sao ý nghĩa chính trong Tăng già là sự hòa hợp”. (Thích Hạnh Đức , sđd )
c- Sau khi nói với quan thượng thư nước Ma-kiệt-đà về bảy điều kiện thịnh vượng cho đất nước , Người đi gặp các đệ tử ở thành Vương Xá và nói với Tăng chúng về bảy pháp bất thoái :
1- Thường xuyên hội họp Tăng chúng .
2- Sống hòa hợp .
3- Gìn giữ giới luật đã ban hành và không bãi bỏ những gì đã thiết lập .
4- Tôn kính các vị trưởng lão .
5- Không rơi vào ảnh hưởng của tham ái để dẫn đến tái sinh .
6- Vui sống an tịnh .
7- Tu tập chánh niệm tỉnh giác .
d- Pháp môn Lục hòa là nguyên tắc sống và sinh hoạt cho giới xuất gia cùng tu tập trong một ngôi chùa . Nó phá bỏ dặc quyền hay ranh giới giai cấp . Đức Phật dạy rằng : “Không có giai cấp trong một giọt máu cùng đỏ , trong giọt nước mắt cùng mặn”.
Sử gia Ấn Độ Ramesh Chandra Majumdar gọi Đức Phật là vị Tổ của nền dân chủ bởi vì chính Người đã dựa trên cái gọi là truyền thống dân chủ trong nền chính trị Ấn Độ cổ xưa . Trong đó người ta được tranh luận cho điều phóng khoáng hơn là tuân theo sự phân loại chính trị theo những thể chế hẹp hòi . Chính vì tinh thần ấy mà ngàn xưa , việc bầu cử trong Tăng chúng đã được tiến hành vì “Vận động bầu cử mà duy trì giới luật mà không chia rẽ Tăng chúng . Những cuộc vận động như vậy được giới thiệu vì các Hòa thượng rất quan tâm về việc sống còn của sự nghiệp tôn giáo : mối bất hòa trong các thành viên là nỗi lo ngại lớn nhất của tất cả hội đồng và nước Cộng Hòa Ấn Độ” .(THĐ –sđd ) .
Thế là đã rõ , tinh thần dân chủ thắm đẫm trong giáo lý nhà Phật thể hiện trong tư duy , trong sinh hoạt , trong phương pháp hành trì tu học , trong quan điểm Nhân duyên và Nghiệp lực khi mà xã hội thế giới này đẹp hay xấu , vui hay buồn, hòa bình hay chiến tranh là do con người với tư cách là chủ thể từ ba nghiệp –thân , khẩu , ý mà ra …
Lý tưởng vẫn sáng ngời
Đi tìm hay xây dựng một xã hội lý tưởng vẫn là mơ ước ngàn đời của nhân loại , nhưng tại sao vẫn có lúc , có nơi cảm thấy tuyệt vọng trong cuộc hành trình đi tìm “miền đất hứa” ấy dù lý tưởng của cuộc cách mạng nào cũng cao đẹp và mang nhiều mỹ từ bay bổng : công bình xã hội , văn minh giàu đẹp…hay cụ thể hơn như “ cơm no áo ấm , bánh mì và việc làm” …
Làm thế nào để có được một xã hội ấy , cái xã hội mà trong đó sự bình đẳng , tinh thần dân chủ và những quyền con người được tôn trọng , nơi mà tiến bộ đạo đức và tâm linh được khuyến khích và người dân quan tâm đến đời sống đạo đức , hôm nay vẫn còn là một thách thức ở phía trước , dù người ta có nhắm mắt cũng vẫn hình dung được những nét căn bản của nó .
Đó là một xã hội mà sự phân hóa giàu nghèo được thu hẹp , sự bình đẳng về cơ hội sống và làm việc được xác lập , người thiếu thốn , bệnh hoạn , già nua được giúp đỡ , trẻ em được nuôi dưỡng chu đáo , người người sống chan hòa trong tình thân ái , mang hạnh phúc và ánh sáng lại cho những kẻ đau khổ và lầm lỗi .
Trong xã hội ấy , Phật dạy cần thực hiện ba điều đạo đức sau đây : “tránh làm điều ác , tu tập điều lành và tịnh hóa tâm mình”. Đó cũng là một xã hội có văn hóa , biết ban bố phúc lợi đồng đếu cho mọi thành viên , không phân biệt nguồn gốc xuất thân , giới tính và địa vị xã hội . Tóm lại , đó là một xã hội vận hành trên nền tảng nhân bản , mà vị tha là phẩm chất , hòa hợp là nguyên lý tồn tại , không có sự tranh chấp , xung đột giữa cá nhân và cá nhân , cá nhân và xã hội , giữa con người với môi trường thiên nhiên …một cuộc sống quân bình trên nhiều phương diện .
Đức Phật với tư cách là một nhà cải cách xã hội trong ý nghĩa đạo đức , đã không chấp nhận hệ thống xã hội dựa trên giai cấp của Bà-la-môn ; không đánh giá một con người dựa trên vị trí xã hội khi họ sinh ra . Chính sự phát triển tâm linh hướng thiện và hướng thượng của con người làm cho họ trở nên đạo đức và chính động cơ xấu xa và việc làm cụ thể của con người làm cho họ trở thành một kẻ ác độc .
Mô hình xã hội lý tưởng của đạo Phật hay của bất ký nhà xã hội học nào cũng phải dựa trên sự bình đẳng , tính công minh và đạo đức . Những hình phạt hay pháp chế chỉ nhằm răn đe và uốn nắn con người sống tốt hơn , đẹp hơn , vị tha hơn …Nếu chỉ dùng hình luật , xã hội sẽ trở thành nơi cải huấn , trừng phạt mà hiệu quả rất thấp vì sự tự giác đã biến mất ; thay vào đó là thái độ luồn lách , đối phó , “khôn vặt” , và sự tiến bộ sẽ không đi kèm theo sự an lạc trong xã hội . Những nhà lãnh đạo , nhất là chính quyền , đều phải ý thức về điều này trong quá trình xây dựng tổ chức , cộng đồng , đất nước …Nơi nào sự bất công áp bức , mầm bất thiện còn tốn tại thì ngọn lửa đấu tranh vẫn có nguy cơ bùng lên , và đó chính là lời cảnh báo cho sự bất ổn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy . Chỉ có con đê hòa hợp và con đường nhân ái mới khiến mạch nước ấy chảy vào dòng sông hạnh phúc .
Ngàn năm qua , lý tưởng Phật vẫn làm ngọn đuốc sáng soi lương tri nhân loại và nhiếu ngàn năm sau nữa , lý tưởng ấy vẫn là vĩnh hằng , bất biến !.
(Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 128)