Thục Quyên
Tôi là một người mẹ.
Và giống như đối với tất cả những người cha người mẹ trên thế giới, điều quan trọng nhất với tôi là sức khỏe và tương lai của con tôi.
Tôi cũng là một người Việt sống tại Đức, nên trong khỏang 30 năm qua không những tôi được đọc và nghe hàng ngày về sự tranh cãi giữa những khuynh hướng cổ võ cũng như chống điện hạt nhân, mà tôi còn được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi, trưởng thành của nhận thức về sự nguy hiểm cũng như cái gía qúa đắt đỏ của điện hạt nhân, trong xã hội Đức.
Thảm họa Chernobyl (Ukraine) đã xảy ra
cách đây 25 năm nhưng cho tới ngày hôm nay số người trẻ của Chernobyl bị ung
thư tuyến giáp và ung thư máu vẫn tăng và các bậc cha mẹ của họ đang thống
thiết kêu gọi, xin các hội từ thiện Đức đưa họ qua Đức chữa trị.
Trong khi đó, nước Nga hòan tòan dấu nhẹm tình trạng chất phóng xạ của nhà máy
đổ nát vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng (theo nghiên cứu mới nhất của NCRS, Trung tâm
Nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp). Đồng thời theo báo cáo tháng 4 /2011
vừa qua của Hiêp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân IPPNW, thì
bên cạnh những hậu qủa tức thời ghi nhận năm 1986 ngay sau vụ nổ và những năm
kế tiếp là những ảnh hưởng lâu dài về y tế bây giờ sau 25 năm đã hiện rõ.
Nguyên do là những chất phóng xạ có chu kỳ bán rã chậm, đã ô nhiễm đất và nước,
rồi thấm vào cây cỏ, sâu bọ, các giống nấm, và từ đó lẫn vào thực phẩm địa
phương.
Các bào thai và trẻ em là những đối tượng bị bệnh nặng nhất khi nhiễm phóng xạ vì các tế bào đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh. Do đó con số người bị bệnh thuộc thế hệ 2 sau Tschernobyl cao hơn thế hệ 1 và còn đang tiếp tục tăng thêm.
Thảm họa Tschernobyl đã phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy bị nổ, lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Bang Xô Viết, Đông và Tây Âu. Scandinavia, Anh quốc và tới tận miền Đông Hoa Kỳ. Do đó, cũng theo báo cáo của IPPNW và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, số tử vong trẻ sơ sinh, qúai thai và bệnh tật bẩm sinh tăng cao, không những ngay tại Ukraine mà cả tại những nước Âu Châu lân cận.
Một phần ba lãnh thổ Liên minh Châu Âu bị ô
nhiễm sau thảm họa Tschernobyl
(trích từ ORF.ON Science)
Phóng xạ là một hiểm họa không màu, không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi lòai và kéo dài nhiều thế hệ. Đối diện với nó, con người vì không thấy, không ngửi, không nếm, không sờ mó được nên bất lực, không đánh gía được chính xác tầm nguy hiểm của độc hại để biết sợ.
Tòan thế giới đã và đang sẵn sàng quên dần Tschernobyl thì thảm họa Fukushima ập đến, kéo dài cho tới ngày hôm nay mà chưa có giải pháp thích đáng. Fukushima với ảnh hưởng tàn phá chưa thể lường được, đã đánh thức lương tri thế giới đối với những thế hệ tương lai.
Tại Đức, số người phản đối kỹ nghệ điện hạt nhân tăng từ 73% trong năm 2005 lên 90%, đưa tới quyết định của chính phủ Đức ngưng chương trình điện hạt nhân của họ. Theo sau Đức là Ý, Thụy sĩ, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, và một cuộc thămdò ý kiến của GlobeScan cho thấy khuynh hướng chống điện hạt nhân trên thế giới càng ngày càng mạnh, ngay cả tại các nước từng ủng hộ điện hạt nhân như Pháp (số phản đối tăng từ 66% lên 83%) Nga (từ 61% lên 83%) và Nhật (từ 76% đến 84%).
Đáng kể là Áo đã xây xong nhà máy nhưng quyết định không xử dụng, và các nước Ái Nhĩ Lan, Cuba và Philippines (sau một cuộc trưng cầu dân ý) bỏ dở không xây tiếp.
Phân tích cho thấy những quốc gia hoặc có kế họach, hoặc đã ra khỏi điện hạt nhân, đều là những quốc gia tự do, dân chủ, với dân trí cao. Người dân của các nước này có môi trường thích hợp để tìm hiểu, suy nghĩ và lựa chọn, nhờ ở trình độ giáo dục học đường cũng như trình độ văn hóa, tự do, và tinh thần trách nhiệm của ngành thông tin.
So sánh giữa Nga và Nhật là một bằng chứng rõ rệt: cùng là hai quốc gia trực tiếp bị thảm họa nguyên tử, với số lượng người dân chống điện nguyên tử gần như tương đương (83% và 84%), nhưng tinh thần dân chủ tại Nhật đã được thể hiện, và chính phủ Nhật đã phải tôn trọng ý muốn của dân để tuyên bố sẽ ra khỏi kỹ nghệ này.
Phát triển thường được hiểu qua nghĩa hẹp là "phát triển kinh tế". Nhưng đối với những người làm cha mẹ, sức khoẻ và môi trường sống của con cái chúng ta phải là chính yếu. Để làm gì những phương pháp và công cụ kỹ thuật càng ngày càng tinh vi mong phục vụ cho sản xuất. nếu thế hệ con cháu không tồn tại được vì những phế liệu, rác và chất độc đã phá họai môi trường sống của chúng?
Không có vàng bạc của cải nào cho đủ để mang lại sức khoẻ cho một con người đã bị khuyết tật hay đã bị trọng bệnh. Nếu không khí thở và nước uống ngày mai vì ô nhiễm mà trở thành nguyên do gây bệnh tật thì sự sống không còn nữa!
Ai trong chúng ta, những ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì cũng đều có chung tâm trạng mong muốn thế hệ con cháu mình được an tòan hạnh phúc, do đó trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay là bảo vệ môi trường sống, để cho những thế hệ tiếp nối một tương lai.
Việt Nam có những nhà khoa học hay chuyên viên có khả năng và có nhiệt tâm với tương lai dân tộc đã lên tiếng báo động về vấn đề xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Riêng GS Nguyễn Khắc Nhẫn ròng rã từ năm 2003, với vài chục bài viết cũng như trả lời phỏng vấn về vấn đề điện nguyên tử cũng đã chỉ rõ tình trạng đi vào ngõ cụt của nền kinh tế điện hạt nhân trên thế giới, và đồng thời nguồn năng lượng này còn là một hiểm họa vô lường cho những thế hệ mai sau của Việt Nam.
Dù giàu nghèo, những ông bà cha mẹ chú bác cô dì của Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ đất sống cho những thế hệ tiếp nối. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải tích cực đóng góp bằng cách chú trọng đến vấn đề và tìm đủ mọi cách truyền thanh, truyền hình, liên lạc, chuyện trò… để thông tin đến mọi người, mọi giới. Tất cả chúng ta có bổn phận và có quyền lo lắng, tìm hiểu và bảo vệ cho sự sống còn của con cháu mình.
Phóng xạ là một hiểm họa không màu, không mùi, không vị. không biên giới, cho mọi lòai và kéo dài ảnh hưởng lên nhiều thế hệ. Nhiễm độc phóng xạ từ Tschernobyl đã bay qua tới Scandinavia, rác phóng xạ từ Fukushima đã tràn xuống Thái Bình Dương trước sự chứng kiến bất lực của con người. Mọi biến cố xảy ra tại Ninh Thuận sẽ bao trùm cả Việt Nam, đó là điều chúng ta phải nhận định rõ ràng.
Thục-Quyên, BSNK
HÃY BẢO VỆ VIỆT NAM HÔM NAY CHO MAI SAU
Lời thề Hippocrates và năng lượng hạt nhân
Tôi là một người mẹ. Một người mẹ tầm thường như bao ngàn triệu người mẹ trên thế giới, sống với mối quan tâm hàng đầu là thương yêu con và bảo bọc cho con.
Trong tình trạng tranh cãi khốc liệt giữa những phe cổ võ và phe chống xử dụng năng lựơng nguyên tử, với những lý do phức tạp đôi bên đưa ra thì một người thừơng, khi muốn hiểu, sẽ có cảm tưởng rơi vào mê hồn trận, khó có hy vọng nhìn rõ vấn đề. Nhưng đối với những người làm cha mẹ chuyện trở nên rất đơn giản, khi kim chỉ nam cho mọi lựa chọn luôn luôn là sức khoẻ và sự an tòan của con cái. Mỗi khi một đứa bé có vấn đề sức khỏe hay gặp tai nạn thì cha mẹ làm gì? Chắc chắn chúng ta không mất thời giờ chần chờ mà tìm ngay đến sự giúp đỡ và những lời khuyên của một người bác sĩ.
Ở Đức nơi tôi sinh sống, tổ chức với tên gọi Ärzte in sozialer Verantwortung (Bác sĩ trong trách nhiệm xã hội) với hơn 7000 hội viên, là một thành viên của hiệp hội quốc tế IPPNW International Physicians for the Prevention of Nuclear War (Hiêp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân). IPPNW gồm 63 tổ chức Y sĩ của 63 quốc gia trên thế giới, được trao Giải Giáo dục Hòa bình của UNESCO năm 1984 và Giải Nobel Hòa bình năm 1985 vì đã thành công đáng kể trong sứ mạng phụng sự nhân lọai bằng cách truyền bá thông tin có thẩm quyền, tạo nên một nhận thức về những hậu qủa thảm khốc của chiến tranh nguyên tử.
Tôn chỉ họat động của IPPNW phản ảnh lời thề Hippocrates mà mọi y sĩ phải tuyên thệ trước khi ra nhận lãnh sứ mạng của mình trong xã hội:
- Tôi sẽ nhớ rằng đối tượng của tôi không phải là một biểu đồ sốt, một sự phát triển ung thư, mà đối tượng của tôi là một con người bị bệnh, và tình trạng bệnh tật của người đó có thể ảnh hưởng cả đến gia đình và tình trạng kinh tế của họ. Muốn chăm sóc hòan hảo cho người bệnh thì trách nhiệm của tôi phải bao gồm cả các vấn đề liên quan này.
- Tôi sẽ làm mọi cách để ngăn ngừa bệnh, vì phòng ngừa quan trọng hơn chữa trị.
- Tôi sẽ nhớ rằng tôi mãi mãi là một thành viên của xã hội, mang tránh nhiệm đặc biệt đối với tất cả mọi người, khoẻ mạnh cũng như tật bệnh ...
Hiêp hội IPPNW được bác sĩ chuyên khoa tim Bernard Lown của Harvard School of Public Health (Trường Y tế công cộng Harvard) và bác sĩ Evgueni Chazov của USSR Cardiological Institute (Viện bệnh tim của Liên Xô) thành lập trong tháng 12 năm 1980. Với nhận định là trong cuộc sống chung của mọi người và mọi lòai, Y Khoa phải đóng góp vào trọng trách tạo dựng một cuộc sống xã hội, công bằng và có ý thức về môi trừơng, hiệp hội IPPNW đã xuất bản sách và cung cấp bài viết cho các tạp chí chuyên môn và các phương tiện truyền thông phổ biến khác, để đẩy mạnh chiến dịch vận động "cảnh báo y tế cho nhân lọai" về sự nguy hiểm của các cuộc chiến tranh hạt nhân.
Khi thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Ukraine, đối mặt với sự bất lực gần như hòan tòan của Y khoa trước sự kêu cứu của các nạn nhân, IPPNW đã cương quyết mở rộng nhiệm vụ ban đầu của mình (là phòng ngừa chiến tranh hạt nhân) để bao gồm cả việc điều tra về những hiểm họa y tế cũng như môi trừơng tại các vùng đã bị tai nạn hạt nhân, các vùng sống chung quanh các nhà máy điện hạt nhân,cùng đảm nhiệm vai trò thông tin, giáo dục, để tăng sự hiểu biết công cộng về mối nguy hiểm thường trực có thể đưa đến hiểm họa.
Với kinh nghiệm rút tỉa từ 25 năm thảm họa chưa ngưng của Chernobyl, IPPNW Đức đã cộng tác với các hội quốc tế : EUROSOLAR (European Association for Renewable Energy) Hiệp hội Năng lượng tái tạo châu Âu và WISE International (World Information Service on Nuclear Energy) Dịch vụ thông tin thế giới về năng lượng hạt nhân để đẩy mạnh một chiến dịch thông tin có thẩm quyền về 8 dữ kiện xác thực liên quan đến năng lượng hạt nhân :
1. Năng lượng nguyên tử: Cạn nguồn
Tình trạng bế tắc chất uran chỉ còn đủ cho một vài thập kỷ nữa - vậy sau đó sẽ ra sao?
Năng lượng nguyên tử rồi cũng đi vào ngõ cụt giống như việc đốt các nhiên liệu hoá thạch còn lại rất hạn chế. Vì chất uran cần thiết để vận hành các nhà máy điện nguyên tử là một loại nguyên liệu thô hiếm. Giải pháp “Lò phản ứng tái sinh hạt nhân nhanh”, mà người ta kỳ vọng rằng có thể kéo dài thời gian sử dụng nguồn năng lượng dự trữ, đã bị thất bại bởi các lý do về kinh tế và kỹ thuật. Trong một vài thập kỷ nữa, ngành nguyên tử sẽ hết nhiên liệu. Do nguồn trữ lượng uran cũng như các nguồn trữ lượng khác như than và khí đốt tự nhiên sẽ được tiêu thụ hết một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn, cho nên về lâu dài con người chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của mình bằng các nguồn năng lượng tái sinh và bằng việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/1_dead_end.php?size=&l=vi&f=1145900314
2. Năng lượng nguyên tử: Kẻ mạo danh!
Có thể từ bỏ không sử dụng điện hạt nhân trong việc cung cấp năng lượng. Nhằm nhấn mạnh vai trò của năng lượng nguyên tử, giới nguyên tử luôn đưa ra các dẫn chứng về sự đóng góp của năng lượng nguyên tử trong việc tạo ra điện năng. Nhưng khi người ta xem xét xem năng lượng nguyên tử đóng góp gì vào việc tiêu thụ năng lượng chung trên toàn thế giới thì người ta thấy rằng năng lượng nguyên tử hầu như không có ý nghĩa gì đối với nhu cầu về năng lượng của con người. Năm 2001, điện nguyên tử chỉ đáp ứng được 2,3% nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn thế giới. Phần đóng góp của các nguồn năng lượng tái sinh trong việc cung cấp năng lượng trên toàn thế giới ngày nay còn cao hơn nhiều. Con người có thể khước từ hoàn toàn năng lượng nguyên tử. Rủi ro từ các tai nạn hạt nhân, việc sản sinh ra chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao và các chi phí để xử lý chúng không tương xứng với nguồn năng lượng được tạo ra cho một khoảng thời gian ngắn ngủi. Năng lượng nguyên tử rất nguy hiểm và không cần thiết.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/2_con_trick.php?size=&l=vi&f=1145900314
3. Năng lượng nguyên tử: Kỹ thuật có nhiều rủi ro
Mức rủi ro về thảm hoạ hạt nhân ở Châu Âu: 16%. Do những thiếu sót về mặt kỹ thuật và sự sai lầm của con người, ở mỗi nhà máy điện nguyên tử đều có thể xảy ra một tai nạn nghiêm trọng làm thải ra ngoài môi trường một khối lượng lớn chất phóng xạ. “Công trình nghiên cứu chính thức rủi ro ở các nhà máy điện nguyên tử của Đức - Giai đoạn B” cho thấy, xác suất thảm họa hạt nhân ở một nhà máy điện nguyên tử của Đức vận hành trong khoảng thời gian 40 năm là 0,1%. Trong khối liên minh Châu Âu hiện có trên 150 nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động. Xác suất cho một thảm họa hạt nhân ở Châu Âu là 16%. Tỉ lệ này cũng bằng với xác suất người ta đạt được khi chơi xúc xắc: ngay lần đầu tiên đã đạt 6 chấm. Trên toàn thế giới có khoảng 440 nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động. Xác suất cho một thảm hoạ hạt nhân trên toàn thế giới trong 40 năm là 40%. Thảm hoạ hạt nhân ở Chéc-nô-byl cho thấy một thảm hoạ hạt nhân có thể giết chết hàng vạn người.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/3_gamble.php?size=b&l=vi&f=1145900314
4. Năng lượng nguyên tử: Kẻ sản xuất chất thải
Không ai muốn thừa hưởng di sản này. Tất cả các nhà máy điện nguyên tử đều chuyển hoá quặng uran thành chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao thông qua quá trình phân huỷ hạt nhận. Do phát ra phóng xạ, chất thải hạt nhân là một hiểm họa đối với cuộc sống con người. Do đó, nó cần phải được cất giữ chắc chắn tách biệt khỏi con người và động thực vật hàng trăm nghìn năm. Các nhà máy điện nguyên tử hoạt động từ khoảng 50 năm nay, nhưng cho đến nay vẫn không một ai biết cách cất giữ chắc chắn chất thải hạt nhân. Trên thế giới vẫn không tìm ra được cách thức chắc chắn để huỷ chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao từ các nhà máy điện nguyên tử. Chỉ một thời gian ngắn sử dụng năng lượng nguyên tử, đã để lại một gánh nặng chất thải hạt nhân trong một thời gian lâu dài gần bằng lịch sử của trái đất. Nếu như từ thời nguyên thuỷ con người đã có nhà máy điện nguyên tử, thì cho đến ngày nay chúng ta vẫn phải giám sát những chất thải hạt nhân từ thời đó.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/4_waste.php?size=b&l=vi&f=2031
5. Năng lượng nguyên tử: Hiểm hoạ bom nguyên tử
Năng lượng nguyên tử khuyến khích việc chạy đua vũ khí nguyên tử. Các quốc gia phát, minh chế tạo bom nguyên tử trong các thập kỷ qua ban đầu đều có một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, những chương trình hạt nhân dân sự này thường chỉ là một lớp ngụy trang cho mục tiêu quân sự. Các chương trình trên mở ra cho các quốc gia này cơ hội tiếp cận với các công nghệ và những hiểu biết cần thiết về việc chế tạo bom nguyên tử. Điều này cho thấy : Việc xuất khẩu và tiếp tục mở rộng công nghệ nguyên tử làm gia tăng đáng kể mối hiểm hoạ chạy đua sản xuất vũ khí nguyên tử.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/5_bomb_factory.php?size=b&l=vi&f=2031
6. Năng lượng nguyên tử: Thất bại về khí hậu
Năng lượng nguyên tử không thể cứu được bầu khí quyển. Giới nguyên tử thừa nhận rằng, người ta không thể thay thế than, dầu, khí đốt bằng các nhà máy điện nguyên tử. Để thay thế chỉ 10% năng lượng hoá thạch trong năm 2050 bằng điện nguyên tử, người ta sẽ phải xây dựng tới 1000 nhà máy điện nguyên tử mới (hiện nay trên thế giới có khoảng 440 nhà máy điện nguyên tử). Việc xây dựng các công trình này - tính trong trường hợp hoàn toàn có thể xây dựng được - sẽ kéo dài nhiều thập kỷ. Nguồn trữ lượng uran sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng thừa nhận không thể nhanh chóng mở rộng năng lượng nguyên tử để hạn chế được sự thay đổi khí quyển. Chúng ta có một giải pháp khác cho vấn đề này: Toàn cảnh năng lượng khác nhau trên thế giới cho thấy rằng vấn đề khí quyển chỉ được giải quyết thông qua các nguồn năng lượng tái sinh kết hợp với những kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/6_climate_race.php?size=b&l=vi&f=2031
7. Năng lượng nguyên tử: Không có tác dụng tạo việc làm.
Tạo ra việc làm ư? Ngành năng lượng nhờ sức gió đã vượt lên trên ngành công nghiệp nguyên tử! Năng lượng nguyên tử là một ngành cần nhiều vốn - năng lượng tái sinh là một ngành cần nhiều lao động. Ví dụ ở Đức : Năm 2002, có khoảng 30.000 người làm việc trong ngành công nghiệp nguyên tử. Trong khi đó, chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng nhờ sức gió đã có hơn 53.000 người làm việc. Ngành năng lượng tái sinh nói chung đã bảo đảm được việc làm cho 120.000 người, mặc dù phần đóng góp của các ngành này vào việc cung cấp năng lượng còn thấp. Việc tiếp tục mở rộng, phát triển các ngành năng lượng tái sinh mỗi ngày sẽ tạo ra nhiều chỗ làm mới. Trong ít năm tới, việc mở rộng các ngành năng lượng tái sinh có thể sẽ tạo ra được hàng triệu chỗ làm mới trên phạm vi toàn thế giới.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/7_less_jobs.php?size=b&l=vi&f=2031
8. Những giải pháp thay thế năng lượng nguyên tử
100% năng lượng từ mặt trời, gió, nước và các chất hữu cơ. Quốc hội Đức năm 2002 đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về năng lượng cho nước Đức, theo đó đến năm 2050 việc cung cấp năng lượng cho toàn nước Đức sẽ được thực hiện bằng các nguồn năng lượng tái sinh. Điều có thể thực hiện được ở Đức, một đất nước có diện tích nhỏ bé, mật độ dân số và năng lượng cao và mức sống của người dân cũng cao, thì cũng có thể thực hiện được ở khắp mọi nơi. Trong lúc đó, chính ngành năng lượng cũng thừa nhận rằng: Cho đến năm 2050, trên toàn thế giới năng lượng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái sinh sẽ nhiều hơn lượng năng lượng tiêu thụ hiện nay của con người. Nhu cầu về năng lượng trên thế giới sẽ được đáp ứng thông qua sự kết hợp của các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời, các nhà máy điện nhờ sức gió và các hình thức sử dụng năng lượng hữu cơ khác. Để hạn chế sự gia tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới cần phải đưa vào vận hành các kỹ thuật sử dụng tiết kiệm năng lượng. Việc xây dựng nhanh chóng ngành năng lượng mặt trời trên thế giới là một bước đi quan trọng để tránh các cuộc chiến tranh giành giật các loại nguyên liệu hiếm như dầu mỏ, khí đốt và uran.
http://www.facts-on-nuclear-energy.info/8_alternatives.php?size=b&l=vi&f=2031
Cần đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử ! Đó là lời khuyên nhất quyết của IPPNW cho chúng ta, trong tinh thần bảo vệ sự sống và môi trường sống của nhữngthế hệ sau. Đó là lời khuyên của những y sĩ nhiều kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm, vì họ tự biết là Y Khoa sẽ bó tay, không thể bảo vệ chúng ta trước những căn bệnh hiểm nghèo do phóng xạ nguyên tử gây ra. Và họ không thể không lên tiếng báo động ngày hôm nay biết rằng sẽ phải khoanh tay bất lực ngày mai, nếu chúng ta để tai biến xảy ra rồi đưa con cháu tìm đến họ xin chữa trị.
Thục Quyên, BSNK Network SaveVietnam'sNature.