Học sinh với điện thoại di động

16/04/20185:54 SA(Xem: 9518)
Học sinh với điện thoại di động

HỌC SINH VỚI ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG
Cao Huy Hóa

nguoiduatin-Tre
Ảnh minh họa (Báo Người Đưa Tin)

Cách đây hai năm, vào một buổi chiều, tôi đến trường đón đứa cháu nội về, thì một bé trai lớp Một đến gần và xin mượn điện thoại của tôi. Tôi ngạc nhiên, thế là cháu nói: “Cháu mượn để nói chuyện với mẹ cháu”. Tôi hỏi lại: “Thế cháu có biết số điện thoại của mẹ cháu không?”. Bé đáp lại liền, dõng dạc. Tôi nghĩ rằng, trong trường tiểu học, chắc là có nhiều học sinh đã sử dụng điện thoại di động, và có một số không ít sở hữu điện thoại di động.

Trường tiểu học đã như thế, trường trung học chắc là hơn thế nhiều. Các học sinh trường trung học cơ sở đã a-lô thành thạo. Chưa bàn cái hay, cái dở của điện thoại di động trao vào tay thiếu niên, chỉ một ưu điểm của phương tiện này là trong thành phố đường sá chằng chịt, đi lại khó khăn, xe cộ đông đúc, nó là nhịp cầu liên lạc giữa cha mẹ và con cái trong những trường hợp bất thường: đón con trễ, khuyên con ăn tạm cái gì để đi học thêm, con bận sinh hoạt lớp…

Ngoài lợi ích như thế, việc học sinh tiểu học và trung học đem điện thoại di động đến trường có gì hay? Chắc chắn là không. Thời gian ở trường là thời gian trẻ tập trung học, nghe giảng, làm bài, thực hành, sinh hoạt tập thể, không có hoạt động nào cần đến điện thoại. Vậy, học sinh đem điện thoại đến trường để làm gì? Chắc hẳn là sử dụng trong giờ ra chơi, hoặc giờ giải lao. Nếu học sinh sử dụng thường xuyên điện thoại trong những lúc như thế, là đi ngược lại với mục đích của giờ ra chơi: học sinh cần phải vận động, thư giãn sau khi ngồi lâu, cùng vui đùa với bạn để đầu óc thảnh thơi, hầu lấy năng lượng vào học tiếp.

Điện thoại phổ thông bây giờ không chỉ là điện thoại đơn giản, là “cục gạch” cổ lỗ sĩ để chỉ a-lô và nhắn tin. Thị trường có gì thì trẻ có nấy, với giá phù hợp với kinh tế gia đình. Điện thoại phải là smartphone (điện thoại thông minh), là iPhone (điện thoại nối Internet) để có thêm nhiều công dụng đa năng: Internet, web, video, thư, tin nhắn, Facebook, chụp ảnh, nghe nhạc, game và nhiều tiện ích của Google… Thế là đầu óc học sinh thêm phân tán và nếu lớp học hơi lơ là một chút thì thư qua từ lại, bí mật lướt web.

Về nhà, iPhone là bạn thiết thân của trẻ. Ngồi đâu cũng bấm, cũng lướt, kể cả trong bữa ăn gia đình. Khuya khoắt, cũng nghe điện thoại reo. Hờ hững với người trong nhà, nhưng lại reo vui, cười nói… với cái điện thoại (!) Có nó, trẻ chẳng ngó ngàng đến sách báo, đến thời sự, đến xã hội chung quanh. Đi chơi đâu, trẻ cũng biết cảnh đẹp, nhưng không sống hòa mình vào thiên nhiên, không ý thức hưởng không khí trong lành mà ở thành phố chật hẹp không thể có, trẻ chỉ đem về những lát cắt của chuyến đi chơi: đó là ảnh chụp về mình với các tư thế theo thời thượng, còn cảnh đẹp chỉ để làm phông. Chụp ảnh chán rồi cũng trở lại với bấm iPhone, mặc cho người thân ở một bên, nhiều khi ấn tai nghe vào để nghe nhạc, bỏ quên tiếng người và âm thanh của thiên nhiên. Phải chăng sống như thế là vô cảm, là làm nghèo trí tưởng tượng và tâm hồn?

Cả một thế giới thu nhỏ trong iPhone, muốn giải trí, muốn kiến thức, muốn hưởng thụ, tất cả đều có, chỉ với động tác quét nhẹ và bấm nút. Tất nhiên, người có nền tảng văn hóa và khoa học và người thực dụng sẽ dùng nó như là công cụ liên lạc khi cần thiết, đồng thời nó là phương tiện hỗ trợ, tra cứu, cung cấp kiến thức theo nhu cầu văn hóa và khoa học của mình; còn ai muốn tìm những thị hiếu nghe nhìn thì tha hồ, rồi còn không gian ảo để kết bạn, trao đổi, bình phẩm thì quá thuận lợi - thử hỏi nếu không có Facebook và những thứ tương tự thì đâu phải dễ để một đoạn văn, một tấm ảnh, vài câu thơ, chuyện tiếu lâm… phơi ra với đời, để thiên hạ bàn ra tán vào? Chỉ có những thành tựu tuyệt vời của công nghệ truyền thông và Internet mới đưa những con người bình thường làm chủ hoặc tham gia diễn đàn.

Cứ như thế, trong gia đình, bên cạnh thế giới thực với cuộc sống thực, có một không gian giao tiếp ảo, mở rộng với công cụ iPhone. Đồng minh của công cụ đó có thể kể thêm: laptop, iPad thật là tuyệt hảo..

Ai cũng thấy iPhone trao vào tay thiếu niên là lợi bất cập hại, nhưng trước sự thành tựu mê ly của công nghệ, với giá tiền càng ngày càng thấp, sự nở rộ của những cửa hàng “thế giới di động” và sự thâm nhập đến từng ngõ ngách gia đình của phương tiện truyền thông, đến mọi thành phần xã hội - kể cả giới buôn thúng bán bưng - thế thì làm sao chặn đứng cơn bão đến các cháu thiếu niên, đến nhà trường?

Thế mà có một nước phát triển thuộc loại bậc nhất trên thế giới chuẩn bị tiến hành biện pháp mạnh để giúp chấn hưng không khí học tập trong nhà trường. Vào ngày 10/12/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp, Jean-Michel Blanquer, đã tuyên bố với báo chí, điện thoại di động sẽ bị cấm ở trường tiểu học và trung học từ năm học 2018-2019 (bắt đầu từ tháng 9/2018). Thật ra, tin này không có gì bất ngờ, bởi vì trong chiến dịch tranh cử tháng 5/2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa hẹn sẽ thực hiện việc này.

Dư luận nói chung là đồng tình với ông bộ trưởng, tuy nhiên, như tờ báo Le Monde, quyết định này là táo bạo. Hiện nay, ở Pháp, điện thoại di động đã thâm nhập sâu vào độ tuổi thiếu niên. Hơn 80% số thiếu niên đã sở hữu điện thoại di động, so với 20% của năm 2011. Và làn sóng đó đã ập vào học sinh tiểu học, mà nhu cầu trước hết là liên lạc với cha mẹ, ngay từ lớp CM1 (tương đương lớp 4 VN).

Người ta đã thấy sự phức tạp khi thi hành lệnh cấm. Luật Giáo dục của Pháp (ngày 12/7/2010) đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường tiểu học và trung học trong giờ học. Thế nhưng, việc cấm trong sân trường vào giờ ra chơi và trong giờ nghỉ giải lao, khiến những nghiệp đoàn nhà giáo hoài nghi tính hiệu lực, bởi lý do tôn trọng sự lựa chọn của cha mẹ (muốn liên lạc với con sau giờ học) lẫn những bất tiện khi thi hành (nhân viên trường phải lục cặp học sinh).

Dư luận phản biện cho rằng thật đáng buồn là phải bắt buộc để đi đến quyết định đó. Điều đó tỏ dấu hiệu bất lực của người lớn muốn áp đặt những giới hạn, mà không có biện pháp căn cơ hơn (nhưng không đề ra biện pháp nào là căn cơ?). Người ta nhớ lại, vào thời đã xa, tivi ập đến mọi gia đình, đã có những người cự tuyệt, không muốn trẻ xem và nghi ngờ rằng không thể quản lý con trẻ xem tivi.

Ngày nay, Internet, thông qua máy vi tính và điện thoại di động, đã cách mạng hóa những cách thức truyền thông và cuộc sống, với tốc độ nhanh và ban đầu nhiều người dị ứng, cấm con họ dùng. Bà Béatrice Copper-Royer, nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên về tuổi thiếu niên, đã nhận định: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng những cấm đoán do ông bộ trưởng đề ra là hơi đơn giản và một nền giáo dục cho phép dùng một cách hợp lý là hay hơn. Sự bắt buộc điều đó là khó khăn. Cha mẹ sẽ mau mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại con, và sẽ thua vì áp lực lớn. Chính cha mẹ cũng bị khuyết điểm không nêu gương, và lời nói của họ đi ngược với tập tính của họ. Từ đó, sự quá mức, sự vượt rào đã xảy ra. Một số người cho con điện thoại thông minh ngay từ tiểu học. Một đứa trẻ 9 tuổi, học lớp CM1, nói với tôi, nó thường lướt mạng mà không bị kiểm soát, và nó đã có một tài khoản trên Instagram. Ngay từ nhỏ, điện thoại của nó đã trở nên thiết yếu và chiếm một phần lớn thời gian rảnh: ảnh, video, nhắn tin, không gì thích thú bằng…”.

Ở bậc trung học, học sinh đa số đều có. Những đứa ngổ ngáo chỉ giả bộ tập trung chú ý trong những giờ học để láo liên trên màn hình điện thoại, còn những đứa khác chờ để hỏi vào giờ ra chơi, rồi chúng truyền thông bằng cách gửi thư. Biết bao bí mật cho trẻ khám phá vào tuổi dậy thì. Truyền thông đó, thông qua mạng xã hội xem nhưphương tiện giải tỏa ẩn ức và những gì sâu kín. Sự quấy rối tình dục trên mạng là hậu quả của những trang mạng khiêu dâm, những trang viết và tranh ảnh khơi gợi tính dục, thật sự là một tai họa trước mắtlâu dài cho nhà trường và xã hội.

Vậy thì, trường học phải là nơi thực hành, nơi chuyển giao tri thức, nơi giáo dục xã hội hóa, không thể bị ô nhiễm bởi truyền thông ảo quá đáng và không kiểm soát. Mong rằng, quyết định đó được thi hành hiệu quả, nhưng nó không chỉ liên quan đến các nhà giáo. Cha mẹ học sinh luôn luôn là những người tốt nhất để hỗ trợ biện pháp này.

Hiện tượng thiếu niên sở hữu iPhone là có tính toàn cầu, và chắc rằng ở đâu người ta cũng lo lắng về chuyện say mê thế giới ảo, để rồi vô tình nhiễm phải bệnh ghiền. Ở Pháp, mức độ học sinh sử dụng iPhone trong nhà trường tiểu học và trung học đến mức báo động khiến ông tổng thống phải đề ra chính sách và ông bộ trưởng phải cương quyết ra tay. Ở nước ta, chưa thấy một sự cảnh báo nào từ lãnh đạo ngành giáo dục về hiện tượng học sinh sử dụng iPhone ở trường; tuy thế sự cảnh báo từ dư luận xã hội không phải là không có, trên bình diện rộng lớn hơn là chỉ ở nhà trường. Bệnh “nghiện điện thoại di động” tiếng Anh gọi là Nomophobia (no-mobile-phone phobia) càng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Nghiện rượu, không có rượu thì không chịu được; cũng thế, nghiện điện thoại di động, không có nó bên mình, kể cả khi ăn, khi ngủ, thì người nghiện không chịu được và sẽ trở thành bệnh. Báo Tuổi Trẻ ngày 9/1/2018 cho biết: Một nữ sinh bị trầm cảm nặng vì nghiện Facebook, phải nhập Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung Ương 1 (Hà Nội), sau các triệu chứng: bó học, sút cân, chán ăn, không giao tiếp với người thân và bạn bè, suốt ngày đóng cửa xem Facebook trên điện thoại.

Tuy nhiên, cần có cái nhìn thực tế. Một công cụ tuyệt vời như thế, đem lại nhiều tiện ích phong phú, kết nối mọi người với nhau, vượt qua ranh giới quốc gia, đang tràn ngập mọi nơi, thì không thể ngăn chặn nó đến với trẻ. Sự thích thú và tò mò cần phải được đáp ứng, như kiểu quả khế trên cành, làm sao trẻ không giải cơn thèm? Vả chăng, nếu được người lớn hướng dẫn tốt, trẻ sẽ tiếp cận cái mới nhanh nhạy, gợi cảm hứng cho say mê công nghệ. Vấn đề là trẻ sử dụng ở đâu và khi nào, với nội dung gì, thì cha mẹ và nhà trường phải có tiếng nói và biện pháp thuyết phục để trẻ chấp nhận.

Trẻ thành thị, nếu không đến trường, sống ở nhà một mình trong bốn bức tường của chung cư, trong khi cha mẹ đi làm thì không biết làm gì, nếu không bầu bạn với iPhone? Những buổi học thêm cũng là cách để cha mẹ gửi gắm con cho thầy cô thay vì để con một mình ở nhà với iPhone và tivi. Vì vậy, một mặt, trẻ cũng cần phải tiếp cận với phương tiện truyền thông mới với thời điểm thích hợpthời lượng hợp lý, mặt khác, cần cho trẻ có nhiều hoạt động bổ ích, ngoài trời, có tính tập thể và thư giãn, chẳng hạn học kỹ năng sống, chơi thể thao, học đàn… để trẻ sống thật trong môi trường thật và lành mạnh, làm phong phú tâm hồntăng cường sức khỏe thể chấttinh thần. Trẻ có nhiều hoạt động như thế thì trẻ chấp nhận sử dụng điện thoại di động có nơi, có lúc, với nội dung lành mạnh.

Tiến bộ khoa học công nghệ không dành cho một lứa tuổi nào, nếu không nói đối tượng chính là giới trẻ, cho nên việc quản lý trẻ càng ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người lớn phải mất thì giờ quan tâm đến con và chính mình phải nâng cao trình độ kiến thức, tâm lý, sư phạm. Và có một bài học dạy cho con lâu dài nhất, đó là nêu gương. Rầy la con sa đà với iPhone, trong khi mình cũng bấm, quẹt, lướt trên màn hình mọi nơi, mọi lúc thì làm sao thuyết phục được con?

Tài liệu sử dụng: - Béatrice Copper-Royer, Téléphones interdits à l’école et au collège : une décision audacieuse, Le Monde.fr, 12/12/2017. - “Plus de téléphones portables dans les écoles et collèges à la rentrée 2018”, annonce Jean-Michel Blanquer, Le Monde. fr, 10/12/2017

Cao Huy Hóa | Văn Hóa Phật Giáo 15-3-2018 | Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/07/2014(Xem: 8675)
11/01/2014(Xem: 15302)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.