Sn 4.14 – TUVATAKA SUTTA
KINH LỐI ĐI NHANH CHÓNG
Pháp tu nào nhanh chóng để giải thoát?
Kinh này cho thấy pháp tham thoại đầu của Thiền Tông Trung Hoa có lẽ khởi nguồn từ đây, vì các bài kệ 916 tới 919 cho thấy y hệt như lời Hư Vân Hòa Thượng dạy cách tham câu “Niệm Phật là ai?” Pháp tham thoại đầu theo ngài Hư Vân là, học nhân khởi lên một câu niệm Phật, rồi nhìn vào tâm mình, luôn luôn tỉnh thức, xem gốc rễ ai vừa mới niệm Phật đó, tới một lúc thấu suốt gốc rễ niệm khởi đó là vốn thực không có gì gọi là ngã (tức là: thực tướng vô tướng).
Kinh Sn 4.14 dạy phải gỡ bỏ ý niệm “Tôi là người suy nghĩ.” Nghĩa là, luôn luôn tỉnh thức nhìn thấy không hề có ai đang suy nghĩ (chỉ có cái được thấy, chỉ có cái được nghe, chỉ có cái được suy nghĩ – nhưng không hề có ai đang suy nghĩ tư lường).
Tóm tắt cách tham thoại đầu (theo Thiền Tông) qua lời Đức Phật dạy ở kinh Sn 4.14 là:
Nhìn kỹ và xóa tận gốc rễ ý niệm “Tôi là người suy nghĩ.” Luôn luôn tỉnh thức gỡ bỏ bất cứ tham nào có thể có trong đó.
Bản dịch Khantipalo Mills (thơ trong bài kệ 916 viết theo dạng văn xuôi):
Buddha: One should completely extract the root of proliferation and reckoning—the notion, “I am the thinker”. One should train to dispel whatever craving there is inside, ever mindful.
Bản dịch Fronsdal:
Let them completely destroy the root of conceptual differentiation, that is, [the idea] ‘I am the thinker.’ Ever mindful, they train to subdue their cravings.
Bản dịch Thanissaro:
He should put an entire stop to the root of objectification-classifications: 'I am the thinker.' He should train, always mindful, to subdue any craving inside him.
Bản dịch Bodhi:
By reflection, he should stop [the conceit] 'I am,' the entire root of concepts due to proliferation,” [the Blessed One said]. “Whatever cravings there may be internally, he should always train mindfully for their removal.”
Bản dịch Varado:
A sage should put a complete end to the root of mental obsession: The notion ‘I am’. Ever attentive, he should train himself To abolish whatever wishes he finds within.
Một điểm cho thấy chữ Thấy Tánh trong Thiền Tông có gốc rễ từ lời Đức Phật dạy trong nhiều kinh ở Kinh Tập, cụ thể như ở Kinh Sn 4.14 và Kinh Sn 4.15 là, Thấy Pháp – các bản Anh dịch là: saw the Dhamma (dịch như Bodhi), Eyewitness to the Dharma (dịch như Fronsdal), witnessed the Dhamma (dịch như Thanissaro), Seeing the Dhamma with his own eyes (dịch như Khantipalo), realised Truth through his own insight (dịch như Varado).
Một số điểm tương tự khác, độc giả có thể đối chiếu Thiền Tông với nhiều lời dạy trong Kinh Tập Phẩm Tám, thí dụ, không dựa vào văn tự, giới cấm và nghi lễ tôn giáo.
Trong Kinh Sn 4.14, Đức Phật dạy pháp tu nhanh chóng, nói rằng phải tịch lặng trong tâm (thiền định, nhưng không nói cụ thể về tứ thiền), nói rằng phải tỉnh thức để thấy không hề có “cái tôi đang suy nghĩ” (tỉnh thức thấy vô ngã, nhưng không nói cụ thể về tứ niệm xứ). Kinh này cũng cho thấy Đức Phật nói lên nhu cầu quân bình của chỉ (tịch lặng) và quán (tỉnh thức).
Phải gỡ bỏ tham ái. Chớ nghĩ là có cái ngã nào để mình nói là giỏi hơn, kém hơn, hay ngang bằng người khác. Khi tâm tịch lặng, sẽ thấy không có gì để nắm giữ, cũng không có gì để xa lìa. Hãy cư trú nơi vắng lặng, để chỉ ngồi thiền và nằm ngủ. Hãy xa lìa dục lạc. Không đoán mộng, giải điềm, mua bán... Không kiêu căng, không tranh cãi, không nói lời tổn thương.
Tóm lược ý kinh: Hãy luôn tịch lặng, luôn tỉnh thức thấy vô ngã.
Kinh này gồm các bài kệ từ 915 tới 934.
915
(Câu hỏi):
Tôi hỏi ngài, người Vầng Thái Dương, vị đại đạo sư
về việc ẩn tu và về trạng thái bình an.
Nhìn thấy gì để một tu sĩ đạt Niết Bàn
để không còn dính mắc gì tới thế giới này?
916
(Đức Phật):
Tu sĩ đó phải hủy tận gốc rễ của
những khái niệm suy nghĩ tư lường
khởi dậy từ ý “Tôi là người suy nghĩ.”
Vị đó phải luôn luôn tỉnh thức gỡ bỏ bất cứ
những tham đắm nào có thể có trong tâm.
917
Với bất cứ những [nguyên lý] gì vị đó có thể biết
dù là trong hay ngoài [tâm], cũng
chớ nên chấp chặt vào đó vì
người trí nói rằng như thế là chưa tịch lặng.
918
Do vậy, ngươi chớ nên nghĩ rằng ngươi giỏi hơn,
kém hơn, hay ngang bằng [người khác]
Dù xúc khởi lên nhiều cách trong cõi này
chớ nên nghĩ là có cái ngã nào để so giỏi với dở.
919
Hoàn toàn tịch lặng tự trong tâm,
một tu sĩ không tìm bình an từ nơi khác.
Với người đã tịch lặng trong tâm, sẽ thấy
không có gì để nắm giữ, và không có gì để xa lìa.
920
Y hệt như giữa đại dương
tất cả là tịch lặng, không có gợn sóng
Tu sĩ cũng thế: tịch lặng, bất động
chớ hề bao giờ khởi lên chút kiêu hãnh.
921
(Câu hỏi)
Ngài là bậc đã mở tuệ nhãn, ngài là
Người Chứng Của Pháp, đã xóa bờ hiểm nguy
Xin ngài dạy cho tôi về pháp thực hành
về giới luật phải giữ, và về thiền tập.
922
(Đức Phật)
Chớ để mắt ngó linh tinh
chớ để tai nghe chuyện tầm phào
chớ khởi tâm thèm muốn ăn ngon
và chớ nghĩ về bất cứ gì trong thế giới là “của tôi.”
923
Khi chạm xúc [gặp chuyện sầu muộn]
người tu chớ nên thấy gì để thở than
cũng chớ nên muốn cảnh tái sinh nào
cũng đừng run sợ trước cảnh kinh hoàng.
924
Người tu chớ nên lưu trữ những gì nhận được
dù là thức ăn, thức uống, trang phục
cũng chớ lo ngại
khi không nhận được gì.
925
Hãy thiền định, chớ đi lại nhiều
Hãy tinh tấn, chớ nuối tiếc gì
Tu sĩ hãy tìm cư trú nơi vắng lặng
để luân chuyển ngồi thiền và nằm ngủ.
926
Đừng nên ngủ nhiều
Hãy nồng nhiệt, chuyên tâm trong tỉnh thức
Chớ lười biếng, giả hình, cười cợt, cờ bạc
chớ tình dục, chớ hình thức cá nhân.
927
Môn đệ của ta sẽ không ếm bùa chú
không giải mộng, không chiêm tinh
không đoán lành dữ từ tiếng thú kêu
không làm phép chữa bệnh, hay trị vô sinh.
928
Vị tu sĩ không bứt rứt khi bị chê
không hể hả khi được khen
Phải lìa tâm tham, tâm keo kiệt
lìa tâm sân, không nói lời tổn thương.
929
Người tu sĩ không mua bán gì
không làm gì để bị chỉ trích
không la cà thân cận trong xóm cư dân
không nói lời chiêu dụ để kiếm chác.
930
Bậc tu sĩ sẽ không khoe khoang
không nói lời với ám chỉ xấu
không khởi chút nào tâm kiêu căng
không nói ra lời tranh cãi nào.
931
Không nói trả đũa dù lời sai trái
cũng không cố ý nói lời lừa dối ai.
Không xem thường bất kỳ ai vì dị biệt về
nếp sống, giới luật, hành trì, trí tuệ.
932
Ngay cả khi bị nhiều lời tấn công
lời chê bai từ giới ẩn sĩ hay đời thường
cũng đừng trả lời gay gắt bởi vì
người tịch lặng không thấy gì để trả đũa.
933
(Người hỏi đạo):
Hiểu được hoàn toàn nguyên tắc này
một tu sĩ sẽ luôn luôn giữ tâm tỉnh thức
biết rằng giải thoát là bình an tịch lặng
một tu sĩ sẽ không xa lời dạy của ngài Gotama.
934
Vì ngài là bậc tối thắng, là kẻ đã chiến thắng
ngài đã thấy Pháp tận mắt, không phải nghe đồn
người tu sĩ hãy luôn luôn tôn kính,
hãy nhiệt tâm tu theo lời dạy của Thế Tôn.
Hết Kinh Sn 4.14